Người Việt hải ngoại: Trở lại '3 không' ở TQ; Hội từ thiện Sen vàng Berlin; Tết ấm áp ở Ma-Rốc; Diễn viên thắng Quả cầu vàng

NHỊP SỐNG 'BA KHÔNG' CỦA NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG QUỐC SAU KHI MỞ CỬA

(Ảnh minh hoạ).

Chia sẻ với Zing, người Việt ở Trung Quốc cảm thấy vui mừng và phấn khởi trước tin mở cửa hoàn toàn, song họ cũng có phần lo ngại về khả năng số ca mắc sẽ gia tăng.

Vui mừng, phấn chấn, vỡ òa, sung sướng hay hạnh phúc là những gì người Việt cảm nhận khi họ nghe tin Trung Quốc hoàn toàn mở cửa với thế giới sau 3 năm chống dịch Covid-19, từ ngày 8/1.

“Khi đọc thông tin từ chính phủ, bản thân tôi cùng nhiều người xung quanh, cũng như người dân Trung Quốc, cảm thấy vui mừng và phấn chấn. Cuối cùng sau 3 năm, chiến dịch Zero Covid-19 cũng có điểm dừng, 3 năm chống dịch có hồi kết, mở ra trang mới cho nền kinh tế”, chị Thu Trang - người Việt sinh sống tại Quảng Châu - nói với Zing.

Chị Trang cho biết nhiều người đánh giá mở cửa biên giới là quyết định được mong đợi. “Người quen của tôi đang đợi các nước cấp thêm visa du lịch để đi chơi. Nhiều người bạn Trung Quốc nói sắp tới lại có thể đến Nha Trang, Phú Quốc. Họ cũng mong Trung Quốc và Việt Nam trong năm 2023 có thể thoải mái giao thương như hồi chưa có dịch”, chị chia sẻ.

Cùng chung cảm nhận, chị Niệm Quang - chủ quán ăn ở thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây - đã “vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc” trước thông tin biên giới mở cửa.

“Những ngày tháng phong tỏa - khi tất cả hàng quán, chợ đóng cửa, mọi người ở yên trong nhà, xếp hàng dài chờ xét nghiệm Covid-19 suốt vài tiếng đồng hồ - đã khép lại”, chị Niệm Quang hồ hởi.

Từ ngày 8/1, người dân Trung Quốc có thể xuất nhập cảnh mà không phải đối mặt với các hạn chế Covid-19 sau 3 năm. Những người bay tới Trung Quốc lần đầu được phép về thẳng nhà hoặc ghé thăm các nhà hàng và địa điểm khác kể từ tháng 3/2020.

Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hoàn tất chính sách phòng dịch Zero Covid-19 được Trung Quốc áp dụng suốt 3 năm qua, South China Morning Post đưa tin.

Cuộc sống 3 “không” trở lại

Chị Niệm Quang vẫn nhớ khoảng thời gian phải sống trong cảnh cách ly và phong tỏa kéo dài.

“(Khoảng thời gian đó) thật sự căng thẳng. May mắn tôi chưa mắc Covid-19 lần nào, nhưng một số bạn của tôi đã mắc. Trong thời gian chưa gỡ phong tỏa, tôi và mọi người đều lo ngại căn bệnh này. Khi có một người có xét nghiệm dương tính, cả khu vực sẽ bị hạn chế về nhiều mặt”, chị kể lại.

Chị cho biết khi đó chính quyền địa phương sẽ truy vết theo mã và thông tin di chuyển của người bệnh, “từng chuyến xe, tàu, nhà ga và yêu cầu xét nghiệm liên tục trong một tuần, nếu không phát hiện ca mắc mới thì tình trạng phong tỏa mới chấm dứt”.

Ngoài ra, khi muốn vào chợ, siêu thị hay công viên,… người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24-48 giờ, đồng thời bị kiểm tra cả thông tin di chuyển.

“Nếu không sống trong tâm dịch, mấy ai hiểu được cảm giác phải chắt chiu từng bó rau, miếng thịt, mấy quả ớt thôi cũng lên đến vài tệ. Cũng may, chính quyền hỗ trợ phân phối thịt, rau củ và nước uống cho vùng tâm dịch. Song dù không phải lo thiếu đồ ăn, tôi bị stress vì phải ở nhà quá nhiều”, chị nói.

Trong khi đó, gia đình nhỏ ba người của chị Thu Trang đều từng mắc Covid-19. Gia đình chị nhiễm bệnh vào đúng thời điểm dịch Covid-19 ở Trung Quốc được cảnh báo sẽ rơi vào giai đoạn căng thẳng.

“Vào thời điểm biết tin nhiễm virus, vợ chồng tôi cũng không sợ hãi và lo lắng, vì thuốc hay cách chăm sóc cơ thể khi mắc bệnh đều đã chuẩn bị trước”, chị nói. Trong thời gian đó, nếu muốn mua đồ thiết yếu, chị Trang sẽ mua online và được vận chuyển hàng tới tận cửa.

Chị Trang kể rằng từ khoảng giữa tháng 12/2022, bệnh viện gần chung cư gia đình chị sinh sống thông báo nếu ai mắc Covid-19, có thể đến viện khám và lấy thuốc.

“Tuy nhiên, người bệnh sẽ không cần lấy số để vào trong khu vực sốt cao như ngày trước. Họ gần như đánh giá Covid-19 giống bệnh cảm cúm thông thường. Ngoài ra, ai có bệnh nền vẫn có thể đến viện lấy số và điều trị như bình thường”, chị nói.

Ngoài ra, chị cũng cho biết thêm đây là khoảng thời gian có hiện tượng quầy thuốc trống trơn, và các ứng dụng yêu cầu mỗi người chỉ được mua giới hạn số lượng. Do có thói quen chuẩn bị thuốc từ lâu, nên khi mọi người lo tích trữ, gia đình chị Trang “khá ung dung bình thản” không lo thiếu thuốc.

Với chị Niệm Quang, sau khi các rào chắn ở khu chung cư và lối đi được dỡ bỏ, cảm giác bí bách trong người dường như cũng biến mất.

“Giờ đây, tôi không phải chịu cảnh xếp hàng dài chờ xét nghiệm nữa. Bệnh viện, chợ, siêu thị hay các khu vực đều không còn phải quét mã. Nhà ga tàu điện nhộn nhịp, đông đúc trở lại”, chị mô tả.

Từ Quảng Châu, chị Trang cũng cho biết sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, những ngày “bình thường” đang dần quay trở lại với 3 “không”: Không phong tỏa, không xét nghiệm và không quét mã QR theo dõi sức khỏe hay hành trình đi lại. Các điểm xét nghiệm lưu động cũng gần như biến mất hoàn toàn.

“Mọi người có thể đến quán gọi đồ ăn chứ không bị hạn chế chỉ tới mua mang đi như ngày trước. Các chuyến tàu điện ngầm và phương tiện công cộng cũng dần khôi phục và hành khách chỉ cần đeo khẩu trang. Tôi đưa con đi chơi bằng phương tiện công cộng, thấy mọi người có ý thức đeo khẩu trang nên cũng không lo lắng sẽ bị tái nhiễm”, chị nói.

“Ngay lập tức nghĩ về Việt Nam”

Theo chia sẻ của chị Thu Trang, khi nghe thông tin Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn ngày 8/1, chị và chồng đã “ngay lập tức nghĩ phải về Việt Nam ăn Tết”.

“Ba năm sống trong đại dịch, chúng tôi chỉ được nhìn người thân qua video. Khi nghe tin này, chúng tôi biết đã đến lúc xách hành lý và về nhà đón Tết được rồi. Những cuộc hẹn với bạn bè vốn phải trì hoãn bấy lâu, nay đã có thể thực hiện”, chị nói với Zing.

“Sinh hoạt và công việc của tôi trước mắt đã trở lại nhịp sống ban đầu. Sau 3 năm có Covid-19, mọi người nhận ra không gì quý hơn sức khỏe. Họ đều ý thức đầu tiên phải bảo vệ sức khỏe bản thân, sau đó bảo vệ sức khỏe người thân”, chị nói, chia sẻ thêm đến bất kỳ đâu chị cũng đeo khẩu trang và khử trùng khi về nhà.

Với chị Trang, điều tiếc nuối nhất trong 3 năm qua là hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng, các hội nghị cũng bị đình trệ. “Khi có thông tin dỡ bỏ phong tỏa, tôi hy vọng năm 2023 mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Trung sẽ có sự khởi sắc”.

Ngoài kế hoạch đưa con về Việt Nam ăn Tết, chị Trang dự định du lịch ở những nước lân cận để bù đắp 3 năm ở nhà. “Trước đây, tôi thường về Việt Nam 1-2 lần để đi du lịch cùng gia đình, hoặc đi Thái Lan và Philippines. Tôi mong sắp tới cũng có cơ hội như vậy”, chị Trang nói.

Tuy nhiên, chị Trang cho biết hiện số chuyến bay thẳng từ Quảng Châu về Hà Nội ít với giá vé rất cao. Do đó, gia đình chị đang chờ thêm xem có chuyến bay nào, hoặc sẽ lựa chọn quá cảnh ở Hong Kong để tối ưu chi phí.

Trong khi đó, với chị Niệm Quang, việc đầu tiên chị muốn làm là đi thăm người thân, bạn bè sau hơn 3 năm bị hạn chế đi lại.

“Sắp tới, về thăm người thân ở Việt Nam sẽ là ưu tiên hàng đầu của tôi. Tiếp đó, tôi muốn cùng chồng con đi Thành Đô, Vân Nam du lịch, trước khi bắt tay vào công việc kinh doanh”, chị nói.

Song chị Niệm Quang cho rằng niềm vui cũng đi kèm nỗi lo. “Số ca mắc có thể gia tăng sau khi các lệnh phong tỏa bị gỡ bỏ. Chỉ trong một tuần, nhiều người - bao gồm cả người già và trẻ sơ sinh - mắc bệnh, khiến các hiệu thuốc ban đầu chưa thể đáp ứng kịp các loại thuốc hạ sốt”, chị nói.

Cũng theo lời chị Niệm Quang, bên cạnh nhiều người muốn ra ngoài đi đây đi đó sau thời gian buộc phải ở trong nhà quá lâu, cũng có những trường hợp xuất hiện tâm lý ngại ra ngoài vì muốn tránh nhiễm bệnh.

Ngoài ra, chị cho rằng thời gian phong tỏa cũng ảnh hưởng đến kinh tế. “Thu nhập giảm khiến đời sống, cũng như cách chi tiêu của người dân thay đổi nhiều. Gia đình tôi cũng vậy, phải đắn đo hơn khi mua sắm”, chị cho hay.

Theo chị Niệm Quang, quán ăn của chị ít khách hơn vì nằm đối diện trường đại học, sinh viên không được phép ra ngoài, phải ăn uống sinh hoạt trong khuôn viên trường. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ, rau củ quả tăng giá.

“Nhiều lúc tôi như bị khủng hoảng về mặt tinh thần và kinh tế. Có lẽ sẽ mất một thời gian dài để lấy lại cân bằng như năm 2019”, chị nhận định.

(Nguồn: Zing News)

HỘI TỪ THIỆN SEN VÀNG BERLIN - ĐIỂM HẸN CỦA NHỮNG TRÁI TIM NHÂN ÁI

Suốt 9 năm qua, Hội Từ thiện Sen vàng Berlin chính là nơi đem đến nụ cười, sự yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ cho rất nhiều những mảnh đời khó khăn, mà thiếu thốn với họ chính là tình người...

Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống, tình người có lẽ là thứ ấm áp nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau.

Suốt 9 năm qua, Hội Từ thiện Sen vàng Berlin chính là nơi đem đến nụ cười, sự yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ cho rất nhiều những mảnh đời khó khăn, mà thiếu thốn với họ chính là tình người, là một miếng khi đói, là lá rách ít đùm lá rách nhiều...

Tại buổi gặp mặt đầu Xuân để tri ân các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp, cá nhân cũng như điểm lại các hoạt động trong năm 2022, bà Dương Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội, cho biết trong suốt 9 năm (từ 2014) đảm nhận sứ mệnh “mang nụ cười và tình người đi muôn nơi," gần 3 năm dịch bệnh, xung đột... là thời điểm khó khăn nhất với hội, khi mà không chỉ người dân trong nước, mà cả bà con đang sinh sống tại Đức và châu Âu cần sự giúp đỡ. Chính vì thế, hoạt động của Hội Từ thiện Sen vàng càng trở nên bận rộn.

Vượt qua nỗi sợ hãi bệnh tật, Hội Sen vàng đã kêu gọi, kết nối được nhiều đơn vị từ thiện, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân cùng chung tay góp sức để giúp đỡ những người không may mắn.

Theo bà Ngọc, trong số gần 425.000 euro (gần 11 tỷ đồng Việt Nam) quyên góp và kêu gọi ủng hộ trong suốt 9 năm qua, có tới 213.988 euro (tương đương 5,3 tỷ đồng Việt Nam) được “huy động” được trong 3 năm khó khăn nhất, phải nói đó là nỗ lực không hề nhỏ.

Nếu như những năm trước, các hoạt động của Hội luôn hướng về Việt Nam, với những hoạt động tập trung giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người tàn tật, tặng học bổng, tổ chức Tết Trung thu cho các trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số và các cháu tại trung tâm khuyết tật, tặng áo ấm, quà Tết, phát cháo và sữa thường kỳ cho bệnh nhân tại khoa tim mạch Bệnh viện E Hà Nội…, trong thời kỳ dịch bệnh, số tiền quyên góp được còn dành để ủng hộ quỹ vaccine của chính phủ, mua bộ xét nghiệm, áo choàng cách ly, phát hơn 20 tấn gạo, 10 tấn rau, đồ ăn, khẩu trang cho các bệnh viện...

Không chỉ trong nước, tại Đức, Hội Từ thiện Sen vàng còn kêu gọi may khẩu trang, găng tay, nấu những xuất ăn để tri ân các y bác sĩ tuyến đầu của 2 bệnh viện Charite Mitte và Chirite Wedding Berlin, đóng góp và ủng hộ đồng bào bão lụt Đức cũng như hỗ trợ người dân châu Phi. Đặc biệt trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, hội đã tổ chức nhiều chiến dịch phát đồ ăn thức uống, các nhu yếu phẩm cho người Việt Nam ở Ukraine sang Đức lánh nạn, chuyển 200 chiếc xe lăn cho Ukraine giúp những người bị thương.

Từ vài thành viên ban đầu, tới nay Hội đã có trên 130 thành viên. Một trong những điểm nổi bật nhất là chi phí hoạt động được lấy từ chính số tiền gây quỹ đều đặn của các thành viên, với 10 euro/tháng. Theo bà Ngọc, số tiền này cùng những khoản kêu gọi cho những dự án cụ thể sẽ được dùng vào việc từ thiện 100%.

Trong 9 năm qua, ngoài công tác từ thiện, hội đã đóng góp xây dựng nhiều trường học, sân chơi, bếp ăn ở vùng sâu, vùng xa, xây dựng gần 20 căn nhà tình thương “Sen Vàng," 13 cây cầu, tặng hàng ngàn xe lăn cho người khuyết tật ở các địa phương…

Trong hành trình 9 năm, Hội cũng đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Đại sứ quán, Bộ Ngoại giao và nhiều địa phương trong nước. Đặc biệt nhất là 3 Bảng vàng lưu danh khi tham gia chương trình “Tổ quốc linh thiêng," “Thầm lặng nơi tuyến đầu” và “Vì sự nghiệp dân sinh Việt Nam."

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh bày tỏ lòng tri ân sâu sắc nhất đối với tấm lòng của các thành viên Hội Từ thiện Sen vàng Berlin. Theo Đại sứ, làm từ thiện là công việc không hề đơn giản, việc kêu gọi được công sức, tiền của đóng góp đã là khó khăn, việc đưa “những tấm lòng vàng” ấy đến được tận những nơi khó khăn, cần sự giúp đỡ lại càng khó khăn hơn, đúng như câu tục ngữ ông cha ta nói: “Của một đồng, công một nén."

Theo Đại sứ Vũ Quang Minh, ở những thời khắc khó khăn nhất, khi phải đối mặt với dịch bệnh, đói nghèo căng thẳng nhất, những món quà nhỏ, những ngôi nhà tình nghĩa, cây cầu tình thương... mà Hội Từ thiện Sen vàng tại Đức làm được thực sự xúc động và đáng tự hào. Nửa triệu euro là con số ấn tượng. Nó thể hiện tấm lòng của những nhà hảo tâm, của những thành viên hội, nhưng không thể mô tả hết những công lao, đóng góp sức lực để hoàn thành sứ mệnh “mang nụ cười và tình người đi muôn nơi."

Càng khó khăn, tình người càng tỏa sáng. Nỗ lực của Sen vàng còn đáng được tri ân hơn khi dịch bệnh khó khăn, các nhà hảo tâm khó có thể đóng góp thêm cho các hoạt động từ thiện, thì Sen vàng với sự tín nhiệm của mình vẫn nhận được tấm lòng của nhiều cá nhân, tổ chức. Số tiền quyên góp được tăng lên, hoạt động thiện nguyện sôi động hơn, đồng nghĩa với việc những mảnh đời thiếu may mắn được chia sẻ nhiều hơn.

Không chỉ yêu người Việt Nam, yêu dòng máu đỏ da vàng... Hội Sen vàng còn có tấm lòng rộng lớn hơn rất nhiều, khi các thành viên còn quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh ở châu Phi xa xôi, hay trên chính quê hương thứ hai, những người Đức đang gặp khó khăn.

Những thành viên Sen vàng, không chỉ giỏi kinh doanh, giỏi làm dịch vụ mà còn có một trái tim nhân ái. Một tổ chức như vậy chính là cơ sở để cộng đồng người Việt ở Đức ngày càng phát triển, ngày càng văn minh hơn.

(Nguồn: Quê Hương Online)

ẤM ÁP TẾT CỘNG ĐỒNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023 TẠI MOROCCO

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 8/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco đã tổ chức Tết cộng đồng mừng Xuân Quý Mão 2023 với sự tham dự của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán cùng đông đảo bà con kiều bào, du học sinh tại Morocco.

Trước buổi lễ, toàn thể bà con kiều bào cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đã thành kính dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu với bà con, Đại sứ Việt Nam tại Morocco Đặng Thị Thu Hà điểm lại những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2022, đặc biệt là tăng trưởng GDP đạt 8,02% trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Về quan hệ song phương, năm 2022, tiếp nối thành công của năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Morocco, nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng đã được triển khai, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Morocco.

Đặc biệt, công trình Cổng Việt Nam do Đại sứ quán và cộng đồng người Việt xây dựng vừa được khánh thành tại Làng Việt Nam ở Kénitra không chỉ là một công trình mang đậm nét Việt Nam, để cho cộng đồng có một phần quê hương Việt Nam ở tại ngay đất nước mình sinh sống, để con cháu muôn đời sau nhớ về nguồn cội Việt Nam, mà đó còn là công trình biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị từ hơn 60 năm qua giữa Việt Nam và Morocco.

Cũng trong năm 2022, Hội người Việt Nam tại Morocco đã được chính thức thành lập, góp phần tập hợp, đoàn kết bà con cộng đồng, làm cầu nối liên hệ giữa cộng đồng người Việt với chính quyền Morocco và giữa Morocco với Việt Nam.

Đại sứ đã kêu gọi cộng đồng người Việt tại Morocco nêu cao tinh thần đoàn kết để tạo nên sức mạnh tập thể, để làm được những công việc chung vì chính lợi ích của cộng đồng và vì quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Morocco cũng như tích cực đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam.

Đại diện cộng đồng người Việt tại Morocco, bà Trần Thị Hồng Mây bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khẳng định bà con sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với tình cảm thân thương đó.

Buổi lễ diễn ra trong không khí đầm ấm, vui vẻ. Bà con kiều bào được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đậm đà tình cảm quê hương do các em sinh viên biểu diễn cũng như các món ăn mang bản sắc văn hóa dân tộc ngày Tết và rất hào hứng tham gia tiết mục múa sạp.

Trước đó, theo thông lệ, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà đã đi thăm hỏi và chúc Tết một số gia đình kiều bào tại Morocco.

Cũng trong không khí hân hoan đón Tết Quý Mão, đầu tháng 1/2023, Đại sứ Đặng Thị Thu Hà và một số thành viên của Đại sứ quán cũng đã có chuyến công tác Bờ Biển Ngà và tổ chức Tết cộng đồng mừng Xuân Quý Mão với bà con người Việt tại đây.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

QUÁ TỰ HÀO: DIỄN VIÊN GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN THẮNG QUẢ CẦU VÀNG, ĐÁNH BẠI CẢ TÀI TỬ HẠNG A BRAD PITT!

Ngôi sao gốc Việt này vừa giành giải Nam phụ xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng lần thứ 80.

Lễ trao giải Quả cầu vàng 2023 đã diễn ra vào tối 10/1 (theo giờ Mỹ) và tại đây, rất bất ngờ khi một ngôi sao gốc Việt đã giành chiến thắng tại hạng mục cá nhân, ghi tên mình vào lịch sử.

Tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2023, nam diễn viên Quan Kế Huy đã xuất sắc giành giải Nam phụ xuất sắc nhất cho vai Waymond Wang trong siêu phẩm Everything Everywhere All at Once. Anh đã vượt qua nhiều tài tử đình đám như Brad Pitt, Barry Keoghan… để trở thành diễn viên gốc Việt đầu tiên cầm trên tay chiếc cúp danh giá bậc nhất làng điện ảnh thế giới.

"Wow... Điều này thật sự quá tuyệt vời. Vào giờ này năm trước, tôi chỉ dám hi vọng mình có được việc làm. Và khi tôi nghĩ rằng nó không thể nào tốt hơn nữa, nó đã thật sự xảy ra. Đây thật sự là vinh hạnh lớn, tôi cảm ơn và biết ơn rất nhiều", Quan Kế Huy phát biểu. Anh cũng gửi lời cảm ơn đến đạo diễn Steven Spielberg vì đã giao cho anh vai Short Round trong Indiana Jones khi anh mới 12 tuổi, giúp anh mở ra sự nghiệp tại Hollywood.

Trong Everything Everywhere All at Once, Quan Kế Huy vào vai Waymond - anh chồng của nữ chính Evelyn. Ở vũ trụ chính, anh có vẻ hiền lành, khờ khạo nhưng thực chất vô cùng thương vợ. Một trong những câu thoại đắt giá của Waymond trong phim là "Ở kiếp khác, anh vẫn muốn làm giặt là và tính thuế cùng em". Everything Everywhere All at Once mang về 6 đề cử tại Quả cầu vàng 2023, trong đó ngoài Quan Kế Huy thì Dương Tử Quỳnh cũng đã thắng giải Nữ chính xuất sắc nhất (thể loại phim Hài - Nhạc kịch).

(Nguồn: Soha)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Gặp mặt tất niên ở Den Haag; Xuân quê hương ở Hàn; Đọc thơ chúc tết ở Nhật; Vui khi TQ mở cửa ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang