Người Việt hải ngoại: Tôn vinh phụ nữ ở Hungary; Dấu ấn tiếng Việt ở Úc; Hai lò ‘thẩm mỹ’ bị đột kích ở Malaysia

TÔN VINH VẺ ĐẸP PHỤ NỮ TẠI HUNGARY

Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ tại Nhà hát Koszi, thành phố Budapest vào ngày 9/3.

Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Hungary Bùi Lê Thái, đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại Hungary và hơn 200 chị em phụ nữ người Việt tại Hungary và khách mời.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Bùi Lê Thái đã gửi lời chúc mừng, đồng thời điểm lại truyền thống tự hào của phụ nữ Việt Nam từ thời Bà Trưng, Bà Triệu cho đến những thành tựu mà chị em đang đạt được ngày hôm nay.

Đại sứ đánh giá cao các hoạt động của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary và mong muốn chị em phụ nữ sẽ đồng hành cùng cơ quan đại diện trong nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Chia sẻ tại sự kiện, TS. Phan Bích Thiện - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, khẳng định chị em phụ nữ người Việt tại Hungary, qua những việc làm thiết thực đang có những bước tiến lớn trong việc định vị giá trị và vị thế người Việt tại nước sở tại.

Bà tin tưởng, phụ nữ người Việt ở Hungary luôn là chỗ dựa vững chắc trong từng gia đình cũng như trong các phong trào của cộng đồng.

Tại sự kiện, khách tham dự rất ấn tượng với chương trình văn nghệ sáng tạo, đan xen giữa truyền thống và hiện đại được trình diễn bởi các nghệ sĩ không chuyên đến từ Hội Phụ nữ, Câu lạc bộ Di sản áo dài, Câu lạc bộ nghệ thuật Sen Việt, Câu lạc bộ khiêu vũ, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh…

Lễ kỷ niệm còn thu hút sự tham gia của nhiều bạn trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary đã có những thành công trong việc gắn kết các thế hệ và vận động giới trẻ tham gia công tác cộng đồng.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary đã chúc mừng và tặng hoa cho 2 đại biểu đặc biệt - người phụ nữ nhiều tuổi nhất bà Bùi Thị Kim Phương (90 tuổi) và người ít tuổi nhất cháu Hoàng Yến Nhi (8 tuổi).

Khách đến tham dự chương trình còn được thưởng thức những món ẩm thực truyền thống Việt Nam do bàn tay khéo léo của chị em Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary chuẩn bị. Buổi lễ khép lại với những đóa hoa tươi thắm cùng nụ cười rạng rỡ và nhiều niềm vui đọng lại trong mỗi người.

 

 

DẤU ẤN TIẾNG VIỆT GỢI NHẮC NGUỒN CỘI TẠI ÚC

Tiến sỹ Trần Hồng Vân quan niệm tiếng Việt chính là tiếng quê hương, và trường Việt ngữ Vietschool ra đời từ đó, mang theo sứ mệnh “thổi làn gió mới” cho việc dạy và học tiếng Việt ở Xứ Chuột túi.

Đã thành thông lệ, cứ vào chiều thứ Hai hằng tuần, sau buổi học chính tại trường, nhiều bạn nhỏ gốc Việt tại Australia lại háo hức đến lớp của cô giáo-Tiến sỹ Trần Hồng Vân, Hiệu trưởng trường Việt ngữ Vietschool, để học tiếng Việt.

Những ánh mắt lấp lánh niềm vui, những tiếng đánh vần, giọng đọc tuy còn ngọng nghịu, nhưng đối với các em, đó là cả một sự nỗ lực và say mê.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Sydney, Tiến sỹ Trần Hồng Vân - hiện giảng dạy tại Khoa biên phiên dịch của Đại học Western Sydney - cho biết với các trẻ em người Việt sinh sống và học tập ở nước ngoài, học tiếng Việt không đơn thuần là học thêm một ngôn ngữ, mà đó còn là tạo sự gắn kết các em với “dải đất hình chữ S” yêu thương, giúp các em có thể giao tiếp với ông bà, gia đình, hiểu về các truyền thống, phong tục tập quán và các giá trị văn hóa của Việt Nam.

Từng là thành viên dự án VietSpeech nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ và duy trì tiếng mẹ đẻ cho trẻ em gốc Việt ở Australia của Đại học Charles Sturt, do Hội đồng Nghiên cứu Úc châu tài trợ, Tiến sỹ Trần Hồng Vân luôn trăn trở với suy nghĩ làm thế nào để nâng cao nhận thức và lan tỏa trong cộng đồng tinh thần gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ người Việt tại Australia.

Quan niệm tiếng Việt chính là tiếng quê hương, tiếng của trái tim cùng câu hỏi thường trực đó đã thôi thúc chị đi tìm câu trả lời, và trường Việt ngữ Vietschool ra đời từ đó, mang theo sứ mệnh “thổi làn gió mới” cho việc dạy và học tiếng Việt ở Xứ Chuột túi.

Theo chia sẻ của chị Vân, việc duy trì và gìn giữ tiếng Việt “vừa ích nước, vừa lợi nhà” bởi tiếng Việt đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên trong gia đình, là cầu nối giữa các thế hệ với nhau, đặc biệt được ví như “sợi dây vô hình” gắn kết những người con xa xứ với gia đình, họ hàng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc giữ gìn tiếng Việt cho thế hệ trẻ em Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng chính là đầu tư cho tương lai, tạo cho các em cảm giác được kết nối với Việt Nam ngay từ tấm bé.

Sau này, các em chính là những nhân tố giúp đẩy mạnh hơn nữa kết nối kinh tế, văn hóa, chính trị giữa Việt Nam và Australia.

Với khát khao được cống hiến cho quê hương, đất nước, các em vừa mang dòng máu Việt, bản sắc Việt, lại vừa nói được tiếng Việt thì sẽ thấy rất gần gũi khi quay về Việt Nam, làm việc và đóng góp cho đất nước.

Cùng chung quan điểm với Tiến sỹ Trần Hồng Vân, anh Nguyễn Hữu Hùng - một phụ huynh của trường Vietschool - cho rằng người Việt dù sinh sống ở đâu cũng muốn giữ gốc gác, niềm tự hào và tiếng mẹ đẻ cho con cháu mình.

Đó chính là lý do thôi thúc anh cho con gái học tiếng Việt để tạo sự gần gũi với gia đình, họ hàng ở Việt Nam. Bên cạnh đó, trong các cuộc trò chuyện hằng ngày, anh luôn cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt với con càng nhiều càng tốt.

Trong lúc chờ đón cậu con trai nhỏ tan học, chị Trần Ngọc Kim Thu - một Việt kiều đã sinh sống tại Australia 11 năm - chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam rằng con trai chị rất thích học tiếng Việt bởi trong mỗi sinh hoạt hằng ngày, chị thường kể cho con nghe về bản sắc, văn hóa và lịch sử Việt Nam, về ngôn ngữ Việt.

Chị nói: “Tiếng Việt của mình rất hay ở chỗ có từ xưng hô phong phú và đa dạng, thể hiện rõ ràng sự lễ phép ‘dạ, thưa,’ kính trên, nhường dưới. Đó là nét văn hóa mà mình luôn mong muốn duy trì cho các con. Mình vô cùng hạnh phúc khi chứng kiến con tiến bộ từng ngày trong việc học tiếng Việt.”

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh, đồng thời cũng mong muốn lan tỏa hơn nữa tinh thần học tiếng Việt, gìn giữ và phát huy tiếng mẹ đẻ tại quốc gia châu Đại Dương này, Tiến sỹ Trần Hồng Vân đã tổ chức thêm các lớp học trực tuyến, các hoạt động giúp các bé được thử sức với tiếng Việt như tham gia các chương trình văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Australia thông qua các bài hát Việt Nam với mục đích gìn giữ, phát huy và lan tỏa tiếng Việt tại quốc gia châu Đại Dương này.

Cùng với đó, để tăng thêm sức hấp dẫn của việc học tiếng Việt và để các em nhỏ “vừa học, vừa chơi,” tạo thêm hứng khởi, Tiến sỹ Trần Hồng Vân đã phối hợp với Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA) số hóa các chương trình dạy và học tiếng Việt, với mong muốn giúp các em tiếp cận tiếng Việt một cách thú vị, nhẹ nhàng thông qua các trò chơi, các đoạn clip ngắn, tạo ra các buổi học vui, phù hợp với sở thích cũng như trình độ của các em.

Mỗi bài học sẽ truyền tải văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống…của Việt Nam, qua đó giúp các bé tăng vốn từ vựng.

Là một trong những người đồng hành cùng Tiến sỹ Trần Hồng Vân trong quá trình số hóa việc dạy và học tiếng Việt tại Australia, Giáo sư Nghiêm Đức Long - Chủ tịch VASEA - cho biết nhận thấy việc gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ cho con em Việt Nam tại Australia là một việc rất quan trọng, là tiền đề căn bản cho một xã hội Việt Nam thu nhỏ tại Australia, VASEA coi đây là một hoạt động hàng đầu và đang lên kế hoạch dùng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để có thể nhận dạng giọng nói và chỉnh giọng nói cho các em người Việt tại Australia, thậm chí có thể khuyến khích các em nói tiếng Việt theo giọng của cha mẹ mình.

Điều này có nghĩa là cha mẹ ở miền nào thì các em có thể nói tiếng Việt đúng giọng miền đó, qua đó không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa của Việt Nam mà còn bản sắc văn hóa vùng miền.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Nghĩa - chuyên gia AI và cũng là thành viên VASEA - khẳng định, tiếng Việt còn thì văn hóa còn, hay nói cách khác, tiếng Việt là một loại hình văn hóa phi vật thể rất quan trọng.

Chính vì thế, VASEA mong muốn xây dựng các chương trình học tiếng Việt hấp dẫn, khuyến khích, khơi gợi trí tò mò, sự hứng thú ở trẻ nhỏ để các em “vừa học, vừa chơi.”

Ông cho rằng đó là một nhiệm vụ khó khăn, cần sự góp công, góp sức của những người có tâm, có chuyên môn để xây dựng các giáo trình chất lượng và có ý nghĩa, từ đó lưu giữ và duy trì nền văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Mong muốn của VASEA là các chương trình dạy và học tiếng Việt đó không chỉ phục vụ cho các trẻ em gốc Việt ở Australia mà còn mở rộng cho các trẻ em người Việt trên toàn thế giới.

Tiến sỹ Trần Hồng Vân cho biết điều khiến chị cảm thấy phấn khởi và có thêm động lực là Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến việc đầu tư, hỗ trợ dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Theo chị, đây là một định hướng đúng đắn vì đó chính là xây dựng tương lai, xây dựng một thế hệ người Việt ở nước ngoài vững mạnh về mọi mặt.

Bên cạnh đó, theo Tiến sỹ Trần Hồng Vân, điều đáng mừng là Chính phủ Australia cũng rất ủng hộ việc học và dạy tiếng Việt ở quốc gia châu Đại Dương này bằng cách cung cấp các khoản ngân sách hỗ trợ cho các trường ngôn ngữ cộng đồng.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát khao cháy bỏng muốn duy trì tiếng Việt, để tiếng Việt vươn lên trở thành ngôn ngữ được sử dụng phổ biến hoặc tiến tới được dạy như ngoại ngữ thứ hai trong các trường học ở nước sở tại, Tiến sỹ Trần Hồng Vân cũng như những người con đất Việt khác đang sinh sống, học tập và làm việc tại Australia đã từng bước khẳng định rằng những nỗ lực nhỏ sẽ mang lại những thành quả lớn, và hơn thế nữa, việc nói được tiếng Việt, giữ được bản sắc Việt sẽ khiến cho tiếng nói của cộng đồng người Việt được rõ nét hơn, giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn mạnh hơn.

 

 

HAI LÒ THẨM MỸ CHUI DO NGƯỜI VIỆT ĐIỀU HÀNH BỊ ĐỘT KÍCH Ở MALAYSIA

Cục Di trú Kuala Lumpur vừa bắt giữ 9 người Việt Nam trong một cuộc đột kích vào hai cơ sở ‘phòng khám’ tại chung cư ở Desa Petaling và Bukit Jalil, nơi được cho là đang thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ nhưng không có giấy phép, các trang Bernama, Malay Mail, và Straits Time đưa tin hôm 10/3.

Giám đốc Sở Di trú Kuala Lumpur Wan Mohamed Saupee Wan Yusoff tuyên bố rằng trong cuộc đột kích bắt đầu lúc 11 giờ sáng ngày 10/3, họ đã bắt giữ 9 người Việt Nam này cùng 2 người địa phương bị tình nghi là môi giới cho phòng khám thẩm mỹ.

“Tất cả những người nước ngoài bị bắt, đều từ Việt Nam, bao gồm 7 người đàn ông và 2 phụ nữ, cùng với 2 người địa phương, đã được đưa đến Văn phòng Di trú Kuala Lumpur tại Jalan Duta để làm thủ tục”, ông Wan cho biết.

“Cuộc đột kích vào căn hộ chung cư Bukit Jalil đã dẫn đến việc bắt giữ 5 người Việt Nam và 1 người địa phương”, tờ Straits dẫn lời ông Wan cho biết. “Cuộc đột kích thứ hai tại Desa Petaling đã dẫn đến việc bắt giữ 4 người Việt Nam và 1 người địa phương”.

Trong số này có 2 người Việt Nam được cho là “bác sĩ”, bị bắt giữ vì cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp tại hai căn hộ chung cư, trang Straits Time đưa tin.

Cũng có mặt trong cuộc đột kích là các sĩ quan và nhân viên thực thi pháp luật từ Sở Y tế Kuala Lumpur.

Ông Wan nói thêm rằng những người địa phương làm “cò” cho phòng khám này đã được trả hoa hồng từ 5-10 % trên tổng số chi phí tính cho khách hàng làm phẫu thuật.

Phóng viên của trang Bernama tường thuật rằng cuộc đột kích đã phát hiện ra trong số các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở đó là sửa mũi, mí mắt và căng da mặt.

Các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ được cung cấp với mức giá dao động từ RM1.000 đến RM15.000 (tương đương 5,7 triệu VND-86 triệu VND) bằng cách sử dụng dịch vụ của một nam “bác sĩ” đến từ Việt Nam, người được cho là không có giấy phép và chứng chỉ hành nghề tại Malaysia, tờ The Star đưa tin.

Nhà chức trách Malaysia nói rằng các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ này được quảng cáo trên mạng TikTok.

 

Nguồn: Báo Quốc Tế; VietnamPlus; VOA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Bài Tập Ép Bụng làm Mạnh Tỳ Vị Gan Khoẻ hạ Chỉ Số Đường Chữa Khỏi Tiểu Đường

Sau khi ăn cơm xong, hoặc đợi 1 tiếng, rồi uống 2-3 thìa cà phê đường cát vàng. Xong tập bài thể dục ép bụng sẽ hiệu quả. Mỗi ngày ăn 3 bữa chính thì thực hiện cả 3 lần.

Nguồn: Tadoco - Thuốc thảo dược

Hội Người Việt Nam Leipzig e.V. tổ chức TẾT ẤT TỴ 2025

Tết Ất Tỵ của cộng đồng người Việt Leizig & Vùng Phụ cận đã được Hội Người Việt Nam Leipzig tổ chức tưng bừng, hân hoan, náo nhiệt vào Chủ Nhật, ngày 26.01.2025 tại Hội trường, Trường Đại học Uni, Thành phố Leipzig, được coi là một sự kiện trọng đại mở đầu cho một năm mới 2025, năm đánh dấu cột mốc tròn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức.

https://www.youtube.com/watch?v=z3eDznU75b8

Đức Việt Online

Lên đầu trang