Người Việt hải ngoại: Tôn vinh áo dài ở Thái Lan; Nhà khoa học nhận giải Hoàng gia Anh; DHS 'săn' việc

ÁO DÀI GẶP GỠ LỤA THÁI - TÔN VINH DI SẢN VĂN HÓA VIỆT TRÊN ĐẤT THÁI

(Ảnh minh hoạ).

Chương trình muốn đem đến giá trị mới cho áo dài truyền thống Việt Nam, để áo dài không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà sẽ phát triển trở thành “đại sứ du lịch” của Việt Nam đến với dân Thái Lan.

Tối 7/12, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phối hợp với Hiệp hội Tơ lụa Thái Lan và Quảng bá văn hóa Thái Lan đã tổ chức chương trình trình diễn thời trang nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Áo dài gặp gỡ lụa Thái."

Sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang quốc tế tơ lụa Thái Lan lần thứ 3 diễn ra từ ngày 6-12/12 tại Trung tâm thương mại Siam Paragon ở thủ đô Bangkok.

Phát biểu khai mạc chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành nhấn mạnh chương trình “Áo dài gặp gỡ lụa Thái” được tổ chức nhằm tạo ra một không gian giao lưu nghệ thuật, văn hóa, thời trang, con người giữa hai đất nước Việt Nam-Thái Lan.

Khẳng định áo dài là một di sản văn hóa của người Việt Nam đã nổi tiếng trên khắp thế giới để mỗi khi nhìn thấy tấm áo dài là thấy “tâm hồn quê hương ở đó” - như lời của một bài hát, Đại sứ Phan Chí Thành nhấn mạnh thông qua chương trình này, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan mong muốn đem đến những giá trị mới cho áo dài truyền thống Việt Nam, để áo dài không chỉ là biểu tượng văn hóa, mà sẽ phát triển trở thành “đại sứ du lịch” của Việt Nam đến với người dân Thái Lan; thúc đẩy sự gắn bó và giao lưu văn hóa, du lịch giữa nhân dân hai nước.

Tại buổi trình diễn, những hoa hậu, người mẫu hàng đầu của Việt Nam đã giới thiệu tới các vị khách mời các bộ sưu tập áo dài đa dạng đến từ các nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam, gồm Lê Thị Lan Hương (Hà Nội), Trần Thiện Khánh (Huế) cùng các nhà thiết kế đến từ Thành phố Hồ Chí Minh như Ngô Nhật Huy, Ruby Trần, Lai Y Phương và Duy Hoàng.

Với những nét đẹp truyền thống cùng những điểm phá cách hiện đại, mỗi bộ sưu tập đều mang theo thông điệp của các nhà thiết kế gửi gắm tới những người yêu thời trang. Từng bộ sưu tập thể hiện phong cách thiết kế riêng, từ trẻ trung, hiện đại nhưng không kém phần sang trọng cho đến những thiết kế truyền thống mang màu sắc cung đình Huế. Tất cả đều mang đậm bản sắc đất nước, con người Việt Nam.

Nhà thiết kế Lan Hương, khách mời đặc biệt của Ban tổ chức Tuần lễ Thời trang quốc tế lụa Thái năm nay, cho biết bộ sưu tập mang tên “Hành tinh phồn thịnh” của chị mang thông điệp tri ân những giá trị tuyệt vời mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Đây là bộ sưu tập đặc biệt được thiết kế hoàn toàn từ chất liệu lụa Thái, với những chi tiết thêu tay vô cùng tinh tế lấy cảm hứng từ những cánh đồng ruộng bậc thang và cây lúa, con người ở vùng cao miền Bắc Việt Nam.

Chị cũng chia sẻ niềm tự hào khi tác phẩm tôn vinh áo dài trên nền lụa Thái của mình đã lọt vào top 12 tác phẩm sẽ được ban tổ chức trao giải.

Cũng với mong muốn lan tỏa thông điệp kêu gọi gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường, trong bộ sưu tập mang tên “Thì thầm," nhà thiết kế Ngô Nhật Huy sử dụng kỹ thuật thêu, đính kết pha lê để tạo ra những họa tiết như hoa, lá hòa quyện với những mảnh lụa rất mềm mại, như một sự giao thoa giữa đất trời thiên nhiên và con người.

Còn nhà thiết kế Trần Thiện Khánh lại mong muốn thông qua với bộ sưu tập áo dài mang đậm các giá trị văn hóa cung đình Huế có tên “Minh Kim Thiên Hạc” giới thiệu đến với giới yêu thời trang Thái Lan một đất nước Việt Nam tráng lệ và uy nghi.

Trong khi đó, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các chất liệu Việt Nam và lụa Thái Lan, các nhà thiết kế Duy Hoàng và Ruby Trần mang đến các bộ sưu tập với phong cách năng động, trẻ trung nhưng không kém phần sang trọng, cùng sự khác biệt và mãn nhãn cho khán giả.

Trong không gian ấm cúng, sang trọng của sàn diễn Trung tâm thương mại Siam Paragon, với giọng ca ấm áp của các ca sỹ và sự tỏa sáng của các hoa hậu, người mẫu hàng đầu Việt Nam, những mẫu thời trang đẳng cấp và sáng tạo của các nhà thiết kế Việt càng trở nên lung linh, sang trọng, ghi lại những ấn tượng khó phai trong lòng những người yêu thời trang Việt Nam, Thái Lan và quốc tế.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang quốc tế tơ lụa Thái Lan, Đại sứ quán Việt Nam, Hiệp hội Tơ lụa Thái Lan và Quảng bá văn hóa Thái Lan cũng phối hợp với các đối tác của hai nước tổ chức các cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm, gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, thời trang.

Tuần lễ Thời trang quốc tế tơ lụa Thái Lan lần thứ 3 năm nay có ý nghĩa đặc biệt kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Hoàng thái hậu Thái Lan Sirikit. Hoạt động không chỉ nhằm mục đích quảng bá tơ lụa Thái Lan mà còn tạo cơ hội tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Thái Lan và các nước, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật, thời trang, dệt may với sự tham gia của hơn 100 nhà thiết kế nổi tiếng của Thái Lan và quốc tế tham gia thiết kế trang phục lụa Thái Lan. Sự kiện ước tính có sự tham gia của các nhà thiết kế hàng đầu đến từ 60 quốc gia và thu hút khoảng 10.000 lượt khách tham quan

(Nguồn: VietnamPlus)

NHÀ KHOA HỌC VIỆT ĐẦU TIÊN NHẬN GIẢI HIỆP HỘI HÀNG KHÔNG HOÀNG GIA ANH

Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức là nhà khoa học duy nhất nhận giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh năm 2022 dành cho những người dưới 30 tuổi.

Với giải thưởng Gương mặt trẻ có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực hàng không năm 2022 (Young Persons’ Achievement Award), Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng của Hiệp hội Hàng không Hoàng gia Anh (Royal Aeronautical Society- RAeS).

Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức là nhà khoa học duy nhất nhận giải thưởng cao nhất của RaeS năm 2022 dành cho những người dưới 30 tuổi. Có 9 gương mặt trẻ khác được tuyên dương hoặc nhận các hình thức khen thưởng ở mức độ thấp hơn.

Giải thưởng của RAeS là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất của cộng đồng hàng không toàn cầu nhằm tôn vinh những cá nhân và các nhóm có thành tựu và phát minh xuất sắc trong ngành công nghiệp hàng không thế giới.

Phát biểu tại Lễ trao giải năm 2022 tại London, Chủ tịch RaeS Peter Round nhấn mạnh giải thưởng của Hiệp hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc hàng năm của các giám đốc điều hành cấp cao, cũng như các nhà lãnh đạo tương lai của ngành hàng không trong lĩnh vực kỹ thuật, bay quốc phòng, đào tạo, nghiên cứu và giáo dục.

Ông khẳng định thành tích của những cá nhân đoạt giải năm nay thể hiện các cam kết và đổi mới không ngừng hướng tới những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ toàn cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức chia sẻ anh rất vinh dự khi được trao giải thưởng uy tín của RAeS. Nhà khoa học trẻ cho biết quãng thời gian học tập tại Việt Nam đã rèn luyện cho anh nhiều kỹ năng quan trọng để có được thành công trên trường quốc tế. Anh cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai sẽ có thêm nhiều nhà khoa học và kỹ sư Việt Nam được các hiệp hội và tổ chức quốc tế ghi nhận.

Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol (University of Bristol, Anh) trong 2 năm (2019-2021), tương đương một nửa thời gian quy quy định để hoàn thành luận án tiến sỹ tại Anh.

Ngoài việc hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp, trong thời gian này, Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức đồng thời công bố 8 tài liệu khoa học trên tạp chí khoa học nhóm Q1 (Quartile 1- nhóm tạp chí uy tín nhất) và giới thiệu 10 tài liệu khoa học tại các hội nghị chuyên ngành hàng không quốc tế tại Anh, Mỹ, Đức, Italy và Thụy Sĩ.

Chủ đề nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức xoay quanh 2 lĩnh vực động lực và điều khiển bay; điều khiển tự động trong sản xuất vật liệu tổng hợp sử dụng trong ngành hàng không và vũ trụ. Anh sử dụng các thuật toán ứng dụng như phương pháp phân nhánh và điều khiển học để giải quyết những vấn đề trên.

Trong tương lai, Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức dự định tiếp tục nghiên cứu và góp phần cải thiện các vấn đề liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu của ngành hàng không.

Tiến sỹ Nguyễn Huyền Đức sinh năm 1995 tại Hà Nội. Anh học hết lớp 11 chuyên Vật lý tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam trước khi lên đường sang Anh. Tại London, anh hoàn thành chương trình trung học A-level sớm 1 năm và đạt huy chương Bạc trong kỳ thi học sinh giỏi Vật lý toàn quốc tại Anh năm 2013. Năm 2019, anh tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hàng không tại Đại học Bristol, trước khi theo học bậc Tiến sỹ tại đây.

Thành lập năm 1866, RAeS là tổ chức hàng không uy tín gồm những hội viên là các tổ chức và tập đoàn hàng không trên toàn thế giới, trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Airbus, BAE Systems, Viện Hàng không và Du hành vũ trụ Mỹ (AIAA), Hiệp hội doanh nghiệp hàng không châu Á (AsBAA), Cơ quan vũ trụ Anh (UKSA), Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA).

(Nguồn: Quê Hương Online)

DU HỌC SINH 'SĂN' VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI: HÀNG NGHÌN ĐƠN ỨNG TUYỂN CHO 1 VỊ TRÍ

(Ảnh minh hoạ).

Cạnh tranh với hàng nghìn ứng viên để có 1 vị trí việc làm; mất 3-4 tháng trải qua các vòng tuyển dụng, việc “săn” việc ở nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng.

Từng có 6 năm kinh nghiệm trong mảng thiết kế sản phẩm, nhưng Sasha Nguyen (28 tuổi) thừa nhận, hành trình tìm việc của mình tại Anh khá chật vật. Trước khi trở thành nhân viên chính thức của Ernst & Young (London) - một trong 4 hãng kiểm toán hàng đầu thế giới, cô phải trải qua những tháng ngày đi “rải đơn”.

“Ở Anh, cơ hội việc làm rất đa dạng. Nhưng để tìm được một công việc đáp ứng đủ kỳ vọng về thu nhập, đãi ngộ, vị trí hay khả năng thăng tiến tại các công ty lớn, ứng viên phải trải qua sự cạnh tranh rất gắt gao.

Một cán bộ tuyển dụng đến từ Revolut - công ty công nghệ tài chính của Anh tôi từng gặp trong buổi phỏng vấn cho biết, mỗi ngày, họ nhận được trên dưới 1.000 đơn ứng tuyển cho vị trí tôi đang nộp hồ sơ. Còn Google mỗi ngày có thể nhận tới 9.000 đơn đến từ những nhân tài trên khắp thế giới.

Do đó, để có một việc làm tại Anh, trung bình một người có thể mất tới 3-4 tháng. Thậm chí, vài người bạn của tôi mất đến cả năm”.

Sang Anh theo học chương trình thạc sĩ từ năm 2019, Sasha mong muốn có thể ở lại tìm việc trong môi trường quốc tế sau khi tốt nghiệp. Cô bắt đầu hành trình bằng cách “rải CV” thăm dò thị trường.

“Nhưng dù rải hàng trăm nơi, tôi không nhận được bất cứ hồi âm nào; cố gắng “lì đòn” nhưng tất cả đều bặt vô âm tín... Đó cũng là lúc tôi nhận ra hồ sơ của mình đang có vấn đề. Càng tìm hiểu, tôi càng nhận thấy sự khác biệt trong tiêu chuẩn tuyển dụng của Anh và thị trường Việt Nam”.

Hiểu ra vấn đề, cô bắt đầu xây dựng lại chiến lược ứng tuyển. Xin hướng dẫn từ các mentors và tìm hiểu kĩ hơn về tiêu chuẩn tuyển dụng tại thị trường Anh. Sự cẩn trọng, cầu thị của cô không hoài phí khi tỉ lệ hồi âm đến từ các công ty dần tăng lên.

Theo Sasha, trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt, ứng viên cần có sự chuẩn bị kỹ càng, dài hơi để tự định hình, khắc hoạ điểm mạnh cũng như cá tính cá nhân. Việc xác định tên ngành nghề cụ thể và mức độ kinh nghiệm là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, do các ngành nghề học thường quá rộng nên sinh viên mới ra trường hay bị mắc lỗi ở điểm này.

Bên cạnh đó, với tỉ lệ ứng tuyển quá lớn, đa số các công ty thường sử dụng máy để lọc vòng hồ sơ. Do vậy, việc trình bày hồ sơ cũng cần đảm bảo để cả máy và người có thể đọc.

Sử dụng LinkedIn cũng là một kênh hiệu quả để xây dựng hồ sơ cá nhân và mở rộng kết nối. “Tất nhiên, những hồ sơ nhiều và dày dặn kinh nghiệm trên LinkedIn sẽ được săn đón hơn”, Sasha nói.

Đứng vững trước làn sóng sa thải

Nguyễn Văn Hoàng (25 tuổi) đang là kỹ sư học máy và trí tuệ nhân tạo tại PayPal (Singapore). Hoàng nhận định thị trường việc làm tại Singapore hiện tại cũng cạnh tranh rất gay gắt.

Điều này xuất phát từ việc các công ty công nghệ của Mỹ và Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những chính sách thu hút nhân tài thông qua việc trả lương cao, đãi ngộ tốt.

Hơn nữa, hầu hết các “Big Tech” ở Singapore đều có trụ sở trên toàn cầu. Ưng viên sẽ có nhiều cơ hội để chuyển vị trí làm việc sang các đất nước khác mà không cần qua quá trình phỏng vấn lại.

Đối với ngành công nghệ nói chung, Singapore có chính sách visa riêng dành cho các chuyên gia. Do đó, sẽ khá thuận lợi cho những người muốn tìm việc ở Singapore lâu dài.

Nhưng mức độ cạnh tranh cao cũng đồng nghĩa với việc phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Trước khi tìm được vị trí làm việc tại PayPal, Hoàng từng có gần 2 năm thực tập ở đây với vị trí phát triển phần mềm.

“Tôi cho rằng, kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc là điều quan trọng nhất, cần đầu tư, tích lũy càng sớm càng tốt”, Hoàng nói.

Trước làn sóng sa thải hàng loạt đang diễn ra tại các “Big Tech”, Hoàng cho rằng việc lựa chọn các công việc ra sao để không bị lung lay giữa làn sóng sa thải là điều quan trọng.

“Đó phải là sự hòa hợp giữa công việc mình thích, công việc mình giỏi, công việc xã hội cần và công việc được trả lương xứng đáng. Những công việc 'hot' ở thời điểm hiện tại chưa chắc có thể trụ vững trong tương lai, bởi khi tuyển dụng ồ ạt, có nhiều khả năng khi nền kinh tế gặp biến động, những vị trí này lại dễ bị sa thải đầu tiên. Những vị trí đem lại giá trị thật và lợi nhuận cho công ty thường sẽ mang tính bền vững" - Hoàng "mách nước".

Mặt khác, ngành công nghệ luôn có sự thay đổi và cập nhật liên tục, do đó, việc duy trì học hỏi kiến thức chuyên môn, luôn giữ sự kết nối với cộng đồng những người làm trong cùng lĩnh vực là điều cần thiết để không bị tụt lại phía sau.

(Nguồn: Vietnamnet)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Ngày hội VietFest; Vị thế phụ nữ ở Anh; Trồng rau ở Anh; Đăng quang HH tại Mỹ; Lừa đảo ở Nhật ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang