Người Việt hải ngoại: Tổ chức thiện nguyện tại Pháp; Trân trọng nguồn cội; Giải bóng đá tại Hiroshima; Lối sống thời chiến ở Israel

CỘNG ĐỒNG TẠI PHÁP TỔ CHỨC BÁN HÀNG THIỆN NGUYỆN HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Theo ông Ngô Minh Đường, chủ Siêu thị Thanh Bình Jeune, hoạt động bán hàng thiện nguyện đã thu hút rất đông người tới ủng hộ.

Trong 2 ngày 28 và 29/09, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) cùng với Siêu thị Thanh Bình Jeune và 5 nhà hàng Việt Nam tại Pháp đã tổ chức sự kiện bán hàng thiện nguyện, gây quỹ ủng hộ các nạn nhân thiên tai ở Việt Nam.

Sự kiện diễn ra trong 2 ngày nghỉ cuối tuần đã thu hút đông đảo bà con kiều bào tới tham gia ủng hộ. Sự đồng hành của 5 nhà hàng ẩm thực Việt Nam, gồm: Phố Cổ, Bếp nhà An (Chez An), Góc nhỏ Việt Nam (Little Viet Nam), Chè Cúc Nguyễn và Quán Boom - đã đem đến một không gian ẩm thực Việt hết sức đa dạng với nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam

Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch ABVietFrance, cho biết ý tưởng và việc triển khai thực hiện hoạt động này đến rất nhanh nhưng ngay lập tức được các nhà hàng ẩm thực Việt Nam ở Pháp ủng hộ và đăng ký tham gia. Theo ông, do ABVietFrance có cơ sở ở trong nước, nên Hiệp hội sẽ có trách nhiệm chuyển trực tiếp toàn bộ số tiền quyên góp được trong hoạt động này tới Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch cũng như cam kết về việc mọi sự hỗ trợ sẽ đến được tận tay các nạn nhân thiên tai.

Theo ông Ngô Minh Đường, chủ Siêu thị Thanh Bình Jeune, hoạt động bán hàng thiện nguyện đã thu hút rất đông người tới ủng hộ. Trước khi tổ chức sự kiện, các đơn vị tham gia đã cam kết sẽ dành toàn bộ doanh thu trong 2 ngày bán hàng, gồm cả tiền gốc và lãi, để quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân thiên tai ở Việt Nam. Ngày bán hàng đầu tiên đã thu về 3.521 euro (gần 4.000 USD) và ngày tiếp theo dự kiến sẽ còn cao hơn.

 

 

TRÂN TRỌNG NGUỒN CỘI

“Tự hào là người Việt Nam”, “Nếu có kiếp sau tôi vẫn muốn là người Việt Nam”, “Tự hào Tổ quốc tôi”, “Chúng ta luôn có đồng bào bên cạnh, không ai phải đơn độc”... Đó là những tâm sự dễ dàng đọc được trên mạng xã hội trong những ngày miền Bắc chống chọi với bão lũ. Song, ở đâu đó vẫn có một số người phủi sạch nguồn cội của mình.

Tiếng nói lạc lõng

Mấy ngày qua, phát ngôn của N.H.A., từng là diễn viên, đã làm sục sôi cộng đồng mạng. Người này lên tiếng chối bỏ tên khai sinh của mình, chối bỏ quê hương, nguồn cội ngay khi nhận quốc tịch nước ngoài. Phát ngôn trên được đăng tải giữa lúc cả nước đang hướng về, chung tay góp sức cùng đồng bào miền Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.

Kể từ khi bão số 3 tàn phá nhiều tỉnh miền Bắc, tiếp đó là lũ lụt gây ra những hậu quả nặng nề về người và tài sản, đồng bào cả nước cùng hướng về miền Bắc với vô vàn việc làm, hành động thiết thực. Những căn bếp đỏ lửa thâu đêm nấu bánh chưng, bánh tét, kho cá, thổi xôi. Những gói hàng được sắp xếp, tính toán tỉ mỉ đảm bảo đủ chất cho bà con chống lũ. Những chuyến xe ngày đêm chở hàng hóa nối dài từ miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam hướng thẳng về đồng bào vùng tâm lũ.

Đó còn là những bữa cơm 0 đồng của các quán ăn dọc đường, những chai nước mát lạnh chuyền tay các bác tài của đoàn xe cứu trợ và đội tình nguyện đã tiếp sức về mặt tinh thần để họ đi đến nơi nhanh nhất, an toàn nhất nhằm kịp thời hỗ trợ bà con. Quỹ cứu trợ của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được mở, tính đến 17 giờ ngày 24-9, đã tiếp nhận 1.739 tỷ đồng của người dân mọi miền đất nước và đồng bào ở nước ngoài chung tay quyên góp. Đây cũng là những hình ảnh, câu chuyện quen thuộc khi TPHCM thực hiện phòng chống dịch Covid-19.

Giữa lúc cả nước đang phát huy cao tình dân tộc, nghĩa đồng bào, những phát ngôn lạc lõng của N.H.A. đã ngay lập tức nhận vô vàn phản ứng gay gắt. Thật đáng buồn khi một người được sinh ra và lớn lên, trưởng thành trên mảnh đất quê hương; được người dân ủng hộ khi xây dựng sự nghiệp, trở thành người của công chúng, vậy mà khi ra nước ngoài sinh sống, lại chối bỏ ngay nơi mình chôn nhau cắt rốn.

Trái ngược với điều này, nhiều năm qua, khi mạng xã hội bùng nổ, chúng ta thấy có không ít người nước ngoài gốc Việt đã kết nối để tìm về nguồn cội. Họ là những con nuôi nơi đất khách, khi trưởng thành luôn đau đáu một niềm mong ước tìm về với cội nguồn, về nơi mình đã sinh ra. Không lớn lên trong nước nhưng họ luôn trân trọng nơi đây vì đã dung dưỡng người thân của họ, nơi họ đã cất tiếng khóc chào đời…

Luôn tự hào là người Việt Nam

Có dịp tham gia vài chuyến công tác, được gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chúng tôi thấy ở họ luôn đau đáu hướng về quê hương đất nước bằng những đóng góp thiết thực. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi đất khách nhưng vẫn nói rành rẽ tiếng Việt. Những lớp học tiếng Việt được mở ra, duy trì hàng chục năm để các thế hệ người Việt ở nước ngoài luôn biết và trân trọng tiếng mẹ đẻ.

Chẳng hạn như Tổ chức Ngôn ngữ, văn hóa và hợp tác Việt Nam tại Phần Lan (BiziVietNam) dạy tiếng Việt và giúp trẻ em gốc Việt khám phá văn hóa Việt Nam; lớp tiếng Việt tại Bỉ; lớp dạy tiếng Việt cho trẻ tại TP Teplice (Cộng hòa Czech); lớp tiếng Việt yêu thương tại Hàn Quốc nhằm giúp con em các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn học tiếng mẹ đẻ và góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước… Thậm chí, ở Ba Lan còn có hẳn một ngôi trường mang tên Trường Lạc Long Quân để dạy tiếng Việt cho con em kiều bào gốc Việt và người Việt đang làm ăn sinh sống ở Ba Lan không quên ngôn ngữ của quê hương.

Theo ông Phan Quốc Thiều, giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Đại học Quốc gia TPHCM), những người Việt Nam trước đây đã đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi cái hay, cái đẹp, điều tốt lành rồi mang về giúp nước nhà, góp phần vào sự nghiệp đánh đổ nô lệ và thực dân, mang lại độc lập cho dân tộc. Họ có thể nhận được mức lương cao nhưng vẫn chấp nhận trở về quê hương mà không hề chê bai. Thay vì chê bai hay thể hiện sự tự mãn, họ mang theo niềm tự hào và tinh thần học hỏi để phục vụ quê hương, đất nước.

Có người từng nói, lòng biết ơn đánh dấu sự trưởng thành của một con người. Nếu không biết ơn, không có những hành động thiết thực thì với nhiều trường hợp, im lặng cũng đã là tử tế với nguồn cội. Hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đại diện cho văn hóa và con người Việt Nam, từ đó tạo ra những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng.

 

 

GIẢI BÓNG ĐÁ NGƯỜI VIỆT TẠI KHU VỰC CHUGOKU, NHẬT BẢN

Ngày 29/9, FAVIJA CHUGOKU CUP 2024 - giải bóng đá của cộng đồng người Việt khu vực Chugoku, đã được tổ chức tại TP. Fukuyama, tỉnh Hiroshima, Nhật Bản.

Giải bóng đá do Tổ chức Giao lưu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản (FAVIJA) tổ chức, với sự tham gia thi đấu của 16 đội bóng không chuyên của người Việt đang học tập, làm việc và sinh sống trong khu vực Chugoku.

Từ sáng sớm đã có rất đông các cổ động viên là kiều bào Việt Nam và người dân bản địa tới sân cổ vũ tạo ra một không khí hết sức náo nhiệt.

Giải đấu không chỉ dừng lại là một sân chơi thể thao rèn luyện sức khoẻ mà còn là cơ hội để các bạn trẻ người Việt xa quê có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau nơi đất khách; gắn kết tình cảm thân thiết giữa kiều bào ta với người dân bản địa.

Kết thúc một ngày thi đấu hết sức sôi nổi và kịch tính, Cup vô địch đã thuộc về FC Miền Tây Okayama. Á quân là FC 37 Hiroshima, hai đội đồng giải Ba là FC Saidaiji và FC Phú Thọ.

Ban tổ chức cũng trao các giải cá nhân cho cầu thủ Trần Quốc Duy danh hiệu Vua phá lưới và cầu thủ Cao Quốc Khánh danh hiệu Thủ môn xuất sắc đều thuộc FC 37 Hiroshima. Giải Cầu thủ xuất sắc nhất thuộc về cầu thủ Trần Văn Đạt của FC Miền Tây Okayama.

Ông Đỗ Quang Ba, chủ tịch FAVIJA cho biết, 4 đội bóng đạt giải cao nhất lần này đồng thời cũng giành tấm vé tham dự Đại hội bóng đá toàn quốc người Việt tại Nhật được tổ chức vào cuối tháng 11 tới tại thủ đô Tokyo.

 

 

NGƯỜI VIỆT THÍCH ỨNG VỚI CUỘC SỐNG THỜI CHIẾN Ở ISRAEL

Đang ngồi trò chuyện, chị Sơn bất ngờ nghe chuông báo động có tên lửa. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn. Khoảng 1 phút sau, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.

Căn hầm quan trọng "kích hoạt" lối sống thời chiến

Những ngày này, điện thoại của chị Sơn Nguyễn (sống ở Haifa, Israel) thường xuyên nhận được tin nhắn và những cuộc gọi. Người thân ở Việt Nam, đồng hương người Việt và nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mỗi ngày đều nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình chị Sơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Li Băng.

Kết hôn và sinh sống ở Israel 30 năm, chị Sơn hiểu rõ Israel là khu vực điểm nóng về chính trị. Xung đột dai dẳng giữa Israel và các quốc gia lân cận khiến vài ba năm, đôi khi là một vài tháng, những người dân sinh sống tại quốc gia này như chị Sơn lại "kích hoạt" lối sống "thời chiến".

Thành phố Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm ở miền Bắc Israel, cách biên giới Li Băng khoảng 50km. Đây được xem là một trong những trọng điểm tấn công của lực lượng Hezbollah bởi Haifa là một thành phố cảng, có sự hiện diện của lực lượng quân sự.

Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, liên tiếp trong các ngày 22-23/9, lực lượng Hezbollah đã tấn công khoảng 150-160 rocket và máy bay không người lái mỗi ngày vào khắp các thành phố ở miền Bắc Israel (Haifa, Nazareth, Afula, thung lũng Jezreel…), có nơi cách biên giới 50km.

Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất vào sâu lãnh thổ Israel nhất của lực lượng Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel - Hamas ngày 7/10/2023.

Chị Sơn cũng cho biết, tình hình quanh khu vực mình sinh sống căng thẳng hơn những tháng trước, còi báo động vang lên ở nhiều khu vực. Thậm chí, gần nhà chị đã xảy ra cuộc không kích bằng tên lửa của lực lượng Hezbollah.

Chị Sơn Nguyễn kể, tối 23/9, khi gia đình chị đang ngồi trò chuyện thì bất ngờ nghe chuông báo động. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn trong nhà. Ngồi trong phòng trú ẩn khoảng 1 phút, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.

 Khi vụ tấn công kết thúc, trong nhóm bạn bè người Việt tại Israel, nhiều người cho biết vụ nổ xảy ra gần nơi họ sinh sống, tiếng nổ lớn ngay trên đầu nên dù ngồi trong hầm họ vẫn nghe rất rõ.

Theo chị Sơn, Israel thường xuyên xảy ra xung đột, giao tranh nên chính phủ nước này luôn chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn cho người dân từ việc thường niên tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn đến sơ tán. Đây cũng là những kỹ năng trẻ em được học đầu tiên khi đến trường.

Đặc biệt, tại mỗi ngôi nhà, trường học, khu chung cư, bệnh viện, công sở đều có hầm trú ẩn để người dân tránh trú mỗi khi có tên lửa tấn công.

Chị Sơn kể: "Hầm có được thiết kế là tầng ngầm, tầng dưới cùng của các tòa nhà, ngôi nhà đơn lẻ. Để thuận tiện cho quá trình tránh trú, nhiều gia đình ở chung cư, nhà mặt đất cũng thiết kế hầm riêng trong nhà".

Theo chị Sơn, trong căn hộ hay ngôi nhà, ngoài phòng khách, phòng bếp, các phòng ngủ, gia đình chị dành riêng một phòng làm hầm trú ẩn. Căn hầm được xây dựng đặc biệt hơn hẳn so với các phòng khác về vật liệu, kết cấu tường hay thiết kế cửa sổ...

Quá trình xây dựng tuân thủ theo các quy định an toàn của chính phủ, trải qua sự kiểm tra của đơn vị kỹ thuật trong thời gian thi công và sau khi hoàn chỉnh để đảm bảo đủ an toàn cho chống đạn, tránh tên lửa.

Trong căn hầm, chị Sơn để sẵn nước uống, các đồ ăn tích trữ cùng nhiều đồ dùng thiết yếu cơ bản.

"10 tên lửa bay qua nhưng bị cản phá"

Theo chị Sơn, những cuộc tấn công vũ trang, không kích tại đây có lẽ sẽ khác so với hình dung của nhiều người.

 Lý do là bởi, đôi bên đều áp dụng công nghệ, hệ thống phòng không tối tân khi tấn công hay cản phá. Đường đi hay mục tiêu tấn công được Israel dự báo trước và với hệ thống cảnh báo, người dân sẽ có thời gian di chuyển, tránh trú.

Hệ thống phòng không của Israel mà chị Sơn nhắc đến là Iron Dome (Vòm sắt). Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Tuy nhiên, Vòm sắt cũng tồn tại hạn chế vì từng có một số tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không này. Những tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa với Vòm sắt.

"Khi có tên lửa hoặc đạn pháo, radar phát hiện sẽ theo dõi và hệ thống sẽ gửi thông báo tới điện thoại của người dân, trên các phương tiện thông tin, phát còi báo động. Thông báo có thể phát trước 1-2 phút, 1-2 tiếng hoặc nhiều tiếng đồng hồ.

Điều này rất quan trọng giúp người dân có thể di chuyển đến nơi an toàn trước khi vũ khí bay tới. Tiếng nổ mà chúng tôi nghe thấy là do hệ thống đánh chặn, cản phá trên không. Nhờ vậy mà các thiệt hại về người và tài sản được giảm bớt. Người dân chúng tôi bình tĩnh ứng phó khi có tấn công", chị Sơn cho hay.

Hầu hết các cuộc tấn công được xác định vị trí và cản phá. Tuy nhiên, lo ngại  các mảnh vỡ rơi xuống hoặc có sự sai lệch, chị Sơn vẫn tuân thủ theo các cảnh báo an toàn và thực hiện đúng các chỉ dẫn của Israel.

"Sáng 27/10, Hezbollah bắn 10 tên lửa qua Haifa nhưng bị Israel cản phá. Tuy nhiên, nhờ có sự bảo vệ nhiều tầng từ hệ thống Iron Dome tới hầm trú ẩn nên may mắn không có thiệt hại", chị Sơn nói.

Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm trong khu vực miền Bắc. Vì vậy, một tuần nay, trẻ em đã phải nghỉ học. Thành phố yêu cầu không tụ tập ngoài trời quá 30 người, trong nhà không quá 100 người và phải có hầm trú ẩn. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc online, các gia đình hạn chế ra ngoài, di chuyển trên đường…

Chị Sơn làm công việc quản lý du học sinh Việt Nam tại Israel. Những ngày này, chị không tới văn phòng mà làm việc online.

Người phụ nữ Việt có một nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, do giao tranh căng thẳng, lượng khách cũng bị sụt giảm, không có khách du lịch…

"Nhà hàng của tôi có tiếng trong vùng nên không bị ảnh hưởng quá nhiều. Khách không đến được cửa hàng vẫn đặt đồ thuê shipper (người giao hàng) chuyển tới nhà", chị Sơn cho hay.

Tại các khu chợ, siêu thị, hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên như chị Sơn, nhiều gia đình đã thực hiện theo khuyến cáo tích trữ lương thực, đồ khô đủ dùng cho cả tháng.

Theo chị Sơn, cuộc sống tại thành phố của chị may mắn chưa có quá nhiều xáo trộn, nhiều thành phố ở miền Bắc gần biên giới, hàng trăm ngàn người phải di tản từ năm 2023 đến thời điểm này gần một năm vẫn chưa về nhà.

Tần suất các cuộc đấu pháo của Israel với Hezbollah ngày càng tăng gần đây khiến chị Sơn lo lắng về cuộc tấn công toàn diện nếu như đôi bên mở rộng chiến dịch.

Như nhiều người dân, chị Sơn mong muốn giao tranh sớm kết thúc, người dân được trở về nhà, sống trong hòa bình.

 "Tôi nghĩ nếu không xảy ra giao tranh, bất ổn thì Israel là một đất nước rất đáng để sống, khám phá du lịch bởi khí hậu mát mẻ, có biển, có núi, có sa mạc và nhiều cảnh đẹp. Người dân nước này có nhiều nét tính cách giống người Việt, đề cao tinh thần cộng đồng, đoàn kết và luôn yêu thương, giúp đỡ người khác", chị Sơn chia sẻ.

 

Nguồn: VOV5; Sài Gòn Giải Phóng; VTV4; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Người Việt hải ngoại: Đón xuân Ất Tỵ tại Đức; Văn nghệ mừng xuân ở Thái Lan; ‘Chịu chi’ để làm đẹp đón Tết ở Úc; Vụ con bạc bị giết ở Campuchia

Người Việt hải ngoại: Ăn Tết ở quốc gia bỏ Tết; Giúp Nam Sudan ngăn dịch tả; ‘Bông hồng lai’ đoạt Quả cầu vàng; Bị cướp bắn chết ở Mỹ

Người Việt hải ngoại: Lễ hội Chingay Parade 2025; Xuân Quê hương tại Brazil; Tái hiện Tết xưa tại Wellington; Thị trưởng bị bắt ở Mỹ

Người Việt hải ngoại: Đi chợ Tết ở Nga; U80 dạy tiếng Việt ở Thái; Canada bắt 1 người trốn án tù Mỹ; 4 người bị nghi đốt xác đồng hương ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Xuân quê hương ở Angola; 60 năm giữ Tết ở Mỹ; Tuyên dương sinh viên tại Nga; 83 lao động ‘cầu cứu’ ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Xuân Quê hương ở Sri Lanka; Làm dâu, rể xứ người (kỳ 2); Võ sư dạy ni cô học võ ở Nepal; Nam lao động chết trôi ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Trải nghiệm như tận thế, Nghệ sĩ đối mặt ô nhiễm sau cháy rừng ở Los Angeles; Nữ streamer ‘flex’ vòng eo con kiến

Người Việt hải ngoại: Đại hội thanh niên ở Nhật; Xuân Quê hương ở Thụy Điển; Lễ hội tết Việt ở Kuala Lumpur; Tình người trong hoạn nạn ở Mỹ

Lên đầu trang