Người Việt hải ngoại: Tín Thành xây nhà máy ở Mỹ; Triển lãm văn hóa; Mang café đến Mỹ; Nàng dâu cưới trai Ấn Độ

Tín Thành động thổ nhà máy sản xuất lốp xe tại South Carolina, hứa tạo hơn 1.000 việc làm

(Ảnh minh họa).

Tập đoàn Tín Thành chi nhánh tại Châu Mỹ, một công ty của Việt Nam, vừa công bố kế hoạch thành lập các cơ sở hoạt động đầu tiên tại Hoa Kỳ ở Hạt Allendale, bang South Carolina với khoản đầu tư sản xuất lốp xe lên tới 68 triệu đô la và hứa hẹn sẽ tạo ra 1.031 việc làm mới. Tuy nhiên, các lãnh đạo cộng đồng địa phương lo ngại về yếu tố môi trường.

Lễ động thổ dự án nhà máy sản xuất lốp xe này được tổ chức ngày 14/3 vừa qua với sự tham dự của ông Nguyễn Quốc Dũng – Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cùng sự hiện diện của thống đốc bang, nghị sỹ cùng nhiều lãnh đạo của bang South Carolina, theo truyền thông Mỹ và Việt Nam.

Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ sẽ xây dựng một cơ sở mới tại đường Walker, thành phố Fairfax, Hạt Allendale, theo một thông cáo của chính quyền bang South Carolina hôm 14/3. Tập đoàn Tín Thành sẽ sản xuất và lắp đặt lại các mẫu lốp xe thương mại cỡ lớn,và phát triển dịch vụ cho thuê lốp xe.

Truyền thông Việt Nam cho biết Tín Thành Group và King Coffee, một Tập đoàn cà phê hàng đầu tại Việt Nam, vừa có buổi ký kết hợp tác xây dựng nhà máy đắp và tái chế lốp xe tại bang South Carolina, cho biết đây là dự án khởi đầu trong hợp tác chiến lược ngành thương mại và sản xuất của cả 2 tập đoàn này tại Mỹ.

Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ được cho là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đặt tại bang South Carolina, và Hạt Allendale là địa điểm tại Hoa Kỳ đầu tiên cho dự án của Tập đoàn Tín Thành. Tập đoàn sẽ cung cấp các hoạt động về năng lượng tái tạo, công-nông nghiệp khép kín, tái chế chất thải và cho thuê lốp xe đồng thời phục vụ môi trường, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao và thị trường công nghệ. Tập đoàn cũng cam kết tập trung vào tính bền vững, thực hiện các hoạt động giảm mức phát thải carbon và mang lại một môi trường sạch hơn. Dự án sẽ bắt đầu vào năm 2024, theo một thông cáo báo chí của Thống đốc bang South Carolina Henry McMaster.

Trên trang chính thức của Tập đoàn Tín thành nói rằng họ đi tiên phong trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải toàn cầu, hướng tới mục tiêu kinh doanh các ngành nghề khác nhau, và bảo vệ môi trường.

Trao đổi với đài VOA, bà Thu Hương Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Charlotte, South Carolina, lo ngại rằng không rõ liệu việc sản xuất lốp xe của Tập đoàn Tín Thành gây ô nhiễm môi trường hay không.

“Không biết nó có thành tựu hay không?” Bà Hương nói. “Bây giờ mới chỉ có 55% đang tiến hành thôi, thành ra tôi không hiểu quá trình lọc dầu của họ như thế nào. Nếu mà họ có một quá trình đúng theo yêu cầu của tiểu bang thì đó là phần lợi ích cho người dân ở đó bởi vì có được công ăn việc làm cho người dân, nhưng mà cũng tuỳ theo cách lọc dầu của họ như thế nào. Nó có gây ảnh hưởng xấu cho môi trường hay không?”

Ông Trần Đình Quyền, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ, phát biểu tại lễ động thổ: “Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ rất vui mừng được đưa South Carolina trở thành ngôi nhà đầu tiên bên ngoài Việt Nam và tự hào là công ty Việt Nam đầu tiên của South Carolina. Với sự hỗ trợ của Bộ Thương mại, Liên minh South Carolina và các quan chức tại Hạt Allendale, cùng với sự hỗ trợ của readySC, quyết định này đã rõ ràng so với các địa điểm khác trong nỗ lực tìm kiếm dự án của chúng tôi”.

“Tín Thành Châu Mỹ mong muốn có mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả và hợp tác với toàn thể tiểu bang South Carolina,” trang tin của Thống đốc South Carolina dẫn lời ông Quyền nói.

Thống đốc South Carolina Henry McMaster phát biểu: “Tập đoàn Tín Thành sẽ gia nhập ngành ô tô và lốp xe rất ấn tượng của chúng ta. Chúng ta dẫn đầu cả nước về xuất khẩu lốp xe với doanh thu xuất khẩu vượt 1,7 tỷ đô la. ngay bây giờ, chúng tôi đang sản xuất 144.000 lốp xe mỗi ngày ở South Carolina.”

Hội đồng Điều phối Phát triển Kinh tế đã chính thức phê duyệt các khoản tín dụng phát triển việc làm liên quan đến dự án này. Hội đồng cũng đã trao một khoản hỗ trợ trị giá 1 triệu đô la từ Quỹ Cơ sở hạ tầng Nông thôn (RIF) cho Hạt Allendale để hỗ trợ chi phí chuẩn bị địa điểm và cải thiện cơ sở hạ tầng.

“Hôm nay là một chiến thắng nữa cho South Carolina! Khi các công ty năng lượng sạch như Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ quyết định đầu tư vào tiểu bang của chúng tôi, đó là minh chứng cho lực lượng lao động tài năng góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của các công ty bền vững. Xin chúc mừng Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ có hoạt động đầu tiên tại Hoa Kỳ,” Bộ trưởng Thương mại bang SC Harry M. Lightsey III phát biểu.

Ông Danny Black, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Liên minh South Carolina, cho biết: “Liên minh Southern Carolina chào mừng ông Trần và Tập đoàn Tín Thành Châu Mỹ đến khu vực của chúng tôi, nơi họ dự định xây dựng cơ sở đầu tiên của mình tại Hoa Kỳ. Việc làm mà họ đang tạo ra và vốn đầu tư của họ sẽ là chất xúc tác to lớn cho sự tăng trưởng ở khu vực nông thôn này. Các ngành như Tín Thành là xương sống của nền kinh tế khu vực và tác động đến mọi khía cạnh của cộng đồng địa phương”.

Trao đổi với VOA, bà Hương cho biết lý do tại sao Tập đoàn Tín Thành chọn tiểu bang South Carolina để xây dựng nhà máy:

“Bởi vì South Carolina có rất nhiều đất, và số lượng người dân ở đó đang cần việc làm nhiều với phần trăm thuế thấp và chính phủ đang cần các công ty thương mại, các công ty lớn đến. South Carolina là tiểu bang được nhiều công ty để mắt tới. Đó là những cái ưu tiên cho các nhà máy lớn.”

Ngoài 1.000 việc làm, ông Quyền hy vọng sẽ phát triển một cộng đồng nhà ở cho nhân viên với hy vọng tiếp tục thu hút người lao động và doanh nghiệp đến Quận Allendale.

Hiện vẫn chưa rõ sắp tới Tập đoàn Tín Thành sẽ có những kế hoạch gì cụ thể để giúp đỡ bang South Carolina trong việc thúc đẩy kinh tế ngoài những lời hứa hẹn. Tuy nhiên, dường như tập đoàn Việt Nam này đã có được những sự hậu thuẫn của giới chức bang South Carolina khi mà họ sẵn sàng đổ tiền vào những dự án để giúp cho Tín Thành, và nhận được sự kỳ vọng cao của giới chức địa phương về những lợi ích mà tập đoàn này hứa mang lại.

(Nguồn: VOA)

Mang triển lãm đậm văn hóa-tình người tới cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài

Cuối tháng 4 tới, triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" của nhà báo-đạo diễn Nguyễn Bông Mai sẽ được giới thiệu tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cùng chuỗi sự kiện của Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trước đó, từ ngày 18/2 đến 1/3, triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”, được Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam bảo trợ, đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đây cũng là sự phối hợp giữa nhà báo-đạo diễn Bông Mai và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn chung của hai bên trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về người phụ nữ Việt Nam.

Những bức tranh xuyên suốt trong hành trình xuyên Việt “99 ngày độc hành nhưng không cô đơn”, những câu chuyện, những hoàn cảnh, những tình huống ”trong chuyến đi mang đậm văn hóa-tình người" đã giúp triển lãm thu hút được đông đảo khách tham quan.

Bên cạnh đó, tại triển lãm, 34 bức ảnh chụp đồng bào dân tộc thiểu số và 55 bộ trang phục dân tộc được trưng bày chi tiết, tỉ mỉ, tô đậm thêm nét văn hóa đặc sắc, phong phú của dải đất hình chữ S.

Với sự lan tỏa tích cực và những giá trị tinh thần của triển lãm mang lại, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài đã mời nhà báo Bông Mai mang triển lãm tới với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.

Sự kiện sẽ được tổ chức tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản vào cuối tháng 4 tới cùng với chuỗi hoạt động của Hội, hướng tới kết nối và quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Việt Nam năng động, sáng tạo ra khu vực và thế giới, mở ra chương trình xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư tại Việt Nam.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Hành trình mang cà phê Việt đến cho khách hàng Mỹ

(Ảnh minh họa).

Có mẹ là người Việt, tuổi thơ của bà Debbie Wei Mullin ngập tràn hương vị đậm đà của cà phê vối (robusta) Việt Nam.

Vì vậy, khi lớn lên, bà Mullin đã rất sốc khi đọc được kết quả khảo sát cho thấy 90% người Mỹ không quen dùng loại cà phê của quê hương mình.

Theo tạp chí Good Housekeeping có bài viết về bà mới đây, không cam lòng trước việc loại cà phê có hương vị mà bà yêu thích không xuất hiện trên thị trường Mỹ, bà Mullin đã tự tạo ra thương hiệu cà phê của riêng mình.

Năm 2017, bà Mullin thành lập Copper Cow, một thương hiệu chuyên bán cà phê hữu cơ Việt Nam, và đã dành hết tâm huyết của mình vào đó. Trong năm đầu tiên, bà Mullin huy động được 100.000 USD nhờ sự đóng góp từ bạn bè và gia đình. Nhưng khi công việc kinh doanh bắt đầu phất lên, bà Mullin cần thêm tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Bà đã mất 2 năm để đi gặp hơn 100 nhà đầu tư thì mới nhận được tiền tài trợ. Bà Mullin cho biết phần lớn các nhà đầu tư khi từ chối đều nói rằng thương hiệu của bà quá "ngách" và họ không nghĩ rằng một thương hiệu cà phê Việt Nam có thể thu hút người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, bà Mullin không tin vào điều đó.

"Thương hiệu của tôi có đầy đủ màu sắc và hương vị, đồng thời chúng tôi cũng đưa các loại thảo mộc và gia vị vào cà phê của mình. Những thứ này thực sự chiếm được tình cảm của phái nữ", bà Mullin chia sẻ. Chỉ đến khi Copper Cow có mặt tại hệ thống siêu thị nổi tiếng Walmart, các nhà đầu tư mới bắt đầu coi trọng thương hiệu này.

Copper Cow có nhiều dòng sản phẩm từ latte với hương vị hoa oải hương, caramel mặn và vani đến cà phê rang đậm trộn với các loại thảo mộc và gia vị. Điểm đặc biệt là thương hiệu này lấy hạt cà phê chất lượng cao từ các trang trại hữu cơ và bền vững ở Việt Nam và thu mua của các nông dân với giá cao hơn thị trường.

Năm 2021, bà Mullin đã giới thiệu thương hiệu với thế giới trên chương trình gọi vốn Shark Tank. Mặc dù quyết định không thực hiện thỏa thuận sau khi chương trình phát sóng, sự xuất hiện của bà Mullin trên Shark Tank đã giúp Copper Cow có thêm nhiều khách hàng.

(Nguồn: Thanh Niên)

Nàng dâu Việt mang sính lễ xin cưới chàng trai Ấn Độ và đám cưới đẹp như mơ tại 3 quốc gia

Vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, Thanh Nhàn và anh chồng ngoại quốc Manbir Singh đã có một cái kết hạnh phúc viên mãn với tổ ấm nhỏ.

Từng có câu nói “Duyên phận chân chính không phải sự sắp xếp của ông trời, mà là sự chủ động của bạn”, Thanh Nhàn và người bạn đời đã nỗ lực hết sức để bảo vệ tình yêu của họ.

Từng bị gia đình hai bên phản đối kịch liệt, Nhàn và Manbir Singh vẫn quyết tâm đến với nhau. Chuyện cưới hỏi của họ gặp trắc trở khi theo truyền thống Ấn Độ, nhà gái phải mang sính lễ đến xin cưới chồng. Gạt bỏ mọi rào cản về văn hóa, truyền thống giờ đây Thanh Nhàn đã trở thành nàng dâu Việt sống hạnh phúc tại gia đình của anh chồng người Ấn.

Chuyện tình yêu sóng gió của hai du học sinh

Trong ngôi nhà nhỏ tại Australia, Thanh Nhàn (25 tuổi, người TP.HCM) đang chờ ngày chào đón đứa con thứ hai của mình và anh chồng ngoại quốc chào đời. Cô gái gốc Việt không thể ngờ với một người từng quyết định sống đến nay lại có một tổ ấm hạnh phúc.

Thanh Nhàn và Manbir Singh là hai du học sinh ở Australia. Năm 2017, họ gặp nhau khi cùng thực tập tại một viện dưỡng lão. Tuy biết nhau đã lâu nhưng đến ngày cuối kỳ thực tập, chàng trai 27 khi đó tuổi mới ngại ngùng đến bắt chuyện với cô. Nói đến đây, Thanh Nhàn bật cười thuật lại câu hỏi đầu tiên của chồng lúc bấy giờ: "Văn hóa nước bạn có cho phép một cô gái cưới người ngoại quốc không?". Kể từ đó, họ bắt đầu trò chuyện và trở thành bạn bè của nhau.

Kết thúc kỳ thực tập, chàng trai Ấn Độ và Nhàn có nhiều cơ hội để gặp gỡ. Khi thì chào hỏi khi gặp trên phố, thi thoảng họ lại bất ngờ chạm mặt nhau ở thư viện. Cả hai dường như xích lại gần nhau hơn. Cứ thế, mỗi lúc ánh mắt họ nhìn nhau lại càng đắm đuối và “tình” hơn. Thanh Nhàn thú nhận: “Trái tim khi ấy cứ thổn thức, rộn ràng mỗi khi thấy Manbir Singh”.

Nhắc đến ấn tượng đầu tiên về vợ, chàng rể Ấn Manbir nhớ đến nụ cười vô tư, hôn nhiên của Nhàn. Anh thấy cô gái Việt thật nhẹ nhàng, thân thiện khi chăm sóc người già ở viện. Càng nhìn Thanh Nhàn lâu, Manbir như chìm sâu trong tình yêu, anh nhìn thấy cả tương lai về một tổ ấm hạnh phúc dài lâu với cô.

Gần nửa tháng sau khi quen Thanh Nhàn, Manbir lấy hết dũng khí để tỏ tình với cô. Không chần chừ lâu, Nhàn đồng ý. Tuy nhiên, sóng gió của cặp đôi cũng bắt đầu từ đây, biết con mình yêu người ngoại quốc bố mẹ Nhàn phản đối kịch liệt. Nhàn kể: “Gia đình mình vốn theo đạo Thiên Chúa, bố mẹ luôn muốn mình cưới một người cùng tôn giáo”.

Hơn hết, mẹ cô bày tỏ sự lo lắng, bất an vì từng nghe đến đàn ông Ấn Độ gia trưởng, cộc cằn, phụ nữ làm dâu sẽ rất khổ sở. Không khá hơn, Manbir thưa chuyện cũng bị bố ngăn cấm. Xuất thân từ gia đình có bề thế, bố Manbir là giám đốc một ngân hàng ở Ấn Độ, đã về hưu, mẹ kế là giáo viên nên họ mong muốn anh phải cưới người cùng tầng lớp.

Cả Nhàn và Manbir đứng giữa hai sự lựa chọn là gia đình và tình yêu. Hai người đều bị gia đình giận đến mức không liên lạc cả tháng trời. Trong hoàn cảnh đó, Thanh Nhàn trở nên lo lắng, hoang mang. Nhàn nhớ lại: “Có nhiều đêm khóc khi biết gia đình người yêu gửi thông tin của các cô gái khác để anh hẹn hò. Tôi cũng lo ngại không biết anh ấy có sẵn sàng cố gắng cùng mình không”.

Trong một lần đỉnh điểm, Nhàn và bạn trai xảy ra cuộc cãi vã lớn. Hai người quyết định đường ai nấy đi. Tuy nhiên, nhìn thấy bạn gái lái xe một mình không an toàn, Manbir đề nghị đưa Nhàn về. Trên đường, cô gái Việt và bạn trai dần bình tĩnh lại và nhận ra vẫn rất cần và thương nhau.

Cũng sau lần ấy, Nhàn và Manbir vững tâm hơn trong chuyện tình cảm. Anh chàng Ấn Độ chủ động đưa đón, thể hiện tình cảm chân thành đối với bạn gái. Manbir cũng thẳng thừng từ chối mọi cô gái mà gia đình mai mối.

Thanh Nhàn cũng lấy đó làm động lực để cố gắng hơn, cô chủ động học nấu những món ăn Ấn Độ để chiều lòng anh, gần gũi gia đình bạn trai để hiểu thêm văn hóa. Cô gái Việt còn nhờ họ hàng đang sống ở Australia thuyết phục bố mẹ ủng hộ tình yêu của mình.

Dâu Việt sắm lễ xin cưới rể Ấn và đám cưới tại 3 quốc gia

Bằng tình cảm chân thành, Thanh Nhàn và Manbir đã dần thuyết phục được gia đình 2 bên. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị kết hôn, chuyện khác biệt văn hóa một lần nữa trở thành rào cản, khiến Manbir và Nhàn gặp khó khăn.

Manbir cho biết, theo phong tục Ấn Độ để có thể lấy được chồng nhà gái phải mua cho mỗi chị họ bên nhà trai một bộ chăn gối mới. Cuối cùng, số tiền Nhàn cần chi cho sính lễ lên đến 8.000 USD (khoảng 190 triệu đồng). “Bố mẹ tôi đời nào chịu”, Nhàn nói. Với gia đình cô, đây là chuyện ngược đời và không dễ dàng để chấp nhận.

Chàng trai Ấn Độ tiếp tục thể hiện sự chân thành bằng cách đi học giáo lý của đạo Thiên Chúa. Cảm động trước tấm lòng và tình yêu thật lòng của anh, bố Thanh Nhàn đồng ý chuyện sính lễ.

Tuy nhiên, bố của cô gái Việt vẫn dứt khoát đề nghị con rể làm thủ tục cưới ở nhà thờ tại Australia và Việt Nam đúng với phong tục truyền thống, không cần thủ tục ăn hỏi. Nhàn kể: "Bố nói nhập gia phải tùy tục, cưới ở nước nào phải tuân thủ phong tục nước đó".

Đám cưới của cặp đôi tại 3 quốc gia: Việt Nam, Australia, Ấn Độ may mắn đều diễn ra suôn sẻ và đầm ấm. Trở thành nàng dâu, Thanh Nhàn cũng trưởng thành hơn. Cả hai đều biết cách dung hòa các văn hóa, truyền thống của gia đình. Dù không cùng tôn giáo, Manbir vẫn cùng con trai đầu đến nhà thờ để cầu nguyện cùng vợ. Thanh Nhàn cũng mặc đồ truyền thống của người Ấn cùng chồng đi chùa. Cô gái Việt cũng thường xuyên làm món Việt để gia đình nhà chồng thưởng thức.

Cô chia sẻ: “Bố mẹ chồng rất thích ăn món phở, xôi và gỏi gà. Mẹ chồng cô đặc biệt ấn tượng suýt xoa mỗi khi con dâu nấu canh chua”. Tình cảm gia đình ngày một được vun vén, nàng dâu Việt cảm thấy bản thân thật may mắn khi lấy được anh chồng chu đáo và giàu tình thương.

Hiện tại, gia đình đang chuẩn bị chào đón cô công chúa (đứa con thứ 2 của Nhàn). Sau những khó khăn, bây giờ Thanh Nhàn và Manbir đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và được cha mẹ 2 hết lòng yêu thương, vun vén.

(Nguồn: Em Đẹp)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang