Người Việt hải ngoại: Thực tập sinh trộm tiền gửi về nhà; Buôn lậu ma túy, 3 người bị bắt ở Hàn; Theo chồng Tây về Mỹ làm nông

THỰC TẬP SINH TẠI NHẬT PHẢI GỬI TIỀN ĂN TRỘM VỀ CHO GIA ĐÌNH

Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội.

Cuối tháng Bảy, một người Việt Nam (32 tuổi) đã bị bắt giữ tại tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) do bị nghi ngờ đã nhiều lần ăn trộm từ những ngôi nhà bỏ hoang.

Báo Asahi Shimbun hôm 28/8 dẫn thông tin từ cảnh sát tỉnh cho biết người đàn ông này đến Nhật Bản vào tháng 5/2015 với tư cách là thực tập sinh kỹ thuật và làm thợ hàn ở tỉnh Nagasaki.

Tuy nhiên, sau khi bị khiển trách về thái độ làm việc, ông ta lo sợ sẽ bị đưa về Việt Nam nên đã trốn ra ngoài tự tìm việc.

“Tôi bắt đầu phạm tội trộm cắp vào khoảng tháng 3/2023, chủ yếu ở tỉnh Fukuoka, sau khi được một người quen người Việt Nam khuyến khích,” cảnh sát dẫn lời người đàn ông.

“Tôi đã gửi số tiền ăn trộm được về cho gia đình ở Việt Nam.”

Theo điều tra viên, người đàn ông này đã vay hơn 1 triệu yen (hơn 170 triệu VND) để trả phí cho một công ty đưa ông ta đến Nhật Bản, nhưng sau đó không thể trả được khoản nợ.

Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản).

Một khảo sát của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, được thực hiện trên 2.100 thực tập sinh trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 tới tháng 4/2022, cho thấy hơn một nửa số thực tập sinh nước ngoài đã vay trung bình 540.000 yen (khoảng hơn 97 triệu VND vào thời điểm tháng 4/2022) để đến Nhật Bản.

Trong số đó, khoảng 80% đến từ Việt Nam và Campuchia.

Có 20% số người tham gia khảo sát cho biết mức lương ở Nhật Bản thấp hơn họ tưởng. Khảo sát này cũng cho thấy rằng nhiều thực tập sinh đã trốn ra ngoài là để tìm việc khác để có tiền trả nợ.

Từ cuộc khảo sát, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng cho rằng thực tập sinh sang Nhật Bản đang phải chịu mức chi phí "không công bằng".

Ảnh hưởng khi đồng yen sụt giá

Việc tỷ giá yen/VND xuống thấp cũng khiến thực tập sinh khó trả nợ hơn. Cuối tháng 3/2022, giá 1 yen nhật xuống dưới mức 190 đồng và vẫn chưa quay lại mức này cho tới nay. Có những thời điểm trong tháng 7/2024, 1 yen chỉ đổi được 157 – 160 VND. Hiện tại, 1 yen đổi được 172 VND.

Hôm 28/6, Nhật Bản vừa thay quan chức phụ trách ngoại hối khi đồng yen giảm xuống mức 161,27 yen đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986. Thời điểm đó, nhiều lao động Việt Nam tại Nhật Bản nói với BBC họ đang “lao đao” do đồng yen xuống giá trong thời gian dài.

Trong bài viết ngày 23/8/2023 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, việc đồng yen rớt giá “khiến người lao động ở Nghệ An đi ba năm lo không đủ tiền trả nợ”.

Bài viết nói rằng nhiều người lao động ở Nhật nhận lương xong cũng không dám quy đổi tiền để gửi về cho gia đình do tính ra bị “lỗ nặng”. Nhiều người lựa chọn phương án “giữ tiền” chờ đợi đồng yen hồi phục lại mới đổi.

Theo bài viết ngày 29/8 trên NikkeiAsia, nhiều người Việt nói rằng tỷ giá yen/VND suy giảm khiến họ không còn muốn tới Nhật Bản làm việc.

“Do đồng yen yếu, thu nhập thực tế đã giảm, chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu hút lao động trừ khi chúng tôi tìm tới các vùng nông thôn,” Khanh Ly, một nhân viên tại một trung tâm môi giới thực tập sinh qua Nhật Bản ở Hà Nội, nói.

Người phát ngôn của các chính quyền địa phương Nhật Bản cũng đồng tình với quan điểm này, theo NikkeiAsia.

Ba năm mới được đổi chỗ làm

Theo luật hiện tại ở Nhật, trong vòng ba năm đầu tiên, thực tập sinh không được chuyển chỗ làm khỏi công ty tiếp nhận ban đầu.

Việc này khiến nhiều người bất mãn với môi trường làm việc, giờ làm, mức lương… chỉ có ba lựa chọn: tiếp tục làm việc, đi về Việt Nam hoặc trốn ra ngoài.

Theo bài viết ngày 19/6 trên NikkeiAsia, nhiều thực tập sinh Việt Nam e ngại không dám lên tiếng khi bị người sử dụng lao động quấy rối tình dục, hoặc ngược đãi theo cách khác, do sợ sẽ mất việc.

Quay lại khảo sát nói trên của Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản, một số nguyên nhân khiến thực tập sinh trốn ra ngoài bao gồm: ngược đãi bằng lời, bạo lực và không trả lương

Vào tháng 12/2023, Chính phủ Nhật Bản và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền từng bất đồng về việc rút ngắn thời gian cho phép thực tập sinh chuyển việc.

Trong khi chính phủ nước này đề xuất thời gian một năm, LDP phản đối “một sự thay đổi lớn như vậy” và cho rằng thực tập sinh phải làm ít nhất hai năm mới được chuyển chỗ làm, báo Japan News đưa tin.

Đề xuất trên được đưa ra sau khi có những chỉ trích cho rằng việc buộc thực tập sinh nước ngoài phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt trong nhiều năm là một trong những lý do khiến nhiều người bỏ trốn khỏi nơi làm việc và mất tích.

Vào tháng Sáu, Tham Nghị viện (cơ quan tương đương thượng viện) đã thông qua Luật Kiểm soát Di trú và Nhận diện Người tị nạn sửa đổi.

Luật này bãi bỏ hệ thống thực tập sinh đặc định và thiết lập một hệ thống mới nhằm thu hút và bồi dưỡng người lao động nước ngoài, theo báo Asahi Shimbun.

Theo luật này, thực tập sinh có thể đổi chỗ làm sau một hoặc hai năm làm việc tại công ty tiếp nhận ban đầu.

Tuy nhiên, ông Shinichiro Nakashima từ Hiệp hội Kumusutaka về Sống chung với Người Di cư, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người ngoại quốc sinh sống ở Nhật Bản, đã chỉ trích luật mới, cho rằng "đây chỉ là một sự mở rộng của hệ thống cũ”.

Theo ông Nakashima, chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách lâu dài hỗ trợ việc cư trú tại Nhật Bản.

Người Việt xuất khẩu lao động tại Nhật

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong ba tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 23.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.

Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 thực tập sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – lượng thực tập sinh nước ngoài lớn nhất ở quốc gia châu Á, theo NikkeiAsia.

Từ năm 2019 đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng của nguồn thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản là 12% - được đánh giá là đang “chững lại”. Để so sánh, con số này ở Indonesia là 56%, Nepal là 23%, Philippines là 10%.

Vào tháng Sáu, NikkeiAsia đưa tin rằng chương trình thực tập sinh hiện thời của Nhật Bản đã bị chỉ trích khi mà thực tập sinh Việt Nam phải vay một số tiền lớn để có thể sang làm việc. Trung bình, một người phải trả hơn 112 triệu đồng để các công ty môi giới giúp qua Nhật Bản làm việc.

NikkeiAsia dẫn nguồn tin cho biết Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ hợp tác với chính phủ Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) để giảm gánh nặng tài chính cho những người học việc đi Nhật Bản.

Nguồn tin này cho biết JICA, chính phủ Việt Nam, ILO và các bên khác sẽ sớm ký một thỏa thuận thành lập sáng kiến Tuyển dụng Công bằng và Đạo đức Việt Nam-Nhật Bản (VJ-FERI).

VJ-FERI dự kiến sẽ được áp dụng vào mùa thu năm nay.

Theo đó, JICA và các đối tác sẽ tạo ra một cơ chế yêu cầu nhà sử dụng lao động Nhật Bản sẽ cần trả hơn 50% số phí tuyển dụng mà thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty môi giới.

Hiện tại, Nhật Bản đang dần mất ưu thế tuyển dụng lao động nước ngoài trước các quốc gia khác, chẳng hạn Hàn Quốc.

Lương trung bình của lao động không có kỹ năng ở Hàn Quốc đã tăng lên mức tương đương hơn 46 triệu VND/tháng, so với hơn 36 triệu VND/tháng ở Nhật Bản

 

 

3 NGƯỜI BỊ KHỞI TỐ TẠI HÀN QUỐC VÌ BUÔN LẬU MA TÚY

Ngày 29-8, chính quyền Hàn Quốc đã khởi tố ba người Việt Nam vận chuyển ma túy hỗn hợp mới được pha trộn từ năm loại chất ma túy.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc vừa thông báo khởi tố ba người Việt Nam về tội danh buôn lậu 25 gam ma túy cocktail - một loại ma túy hỗn hợp gồm năm loại chất ma túy philopon, ketamine, nitrazepam và các thành phần nằm trong một số loại thuốc kê đơn như tamadoline, acetaminophen - hôm 29-8.

Cơ quan điều tra xác nhận đây là lần đầu tiên họ phát hiện loại ma túy này trong lãnh thổ Hàn Quốc.

Cụ thể Viện kiểm sát thành phố Incheon vừa tiến hành khởi tố ba người trong đường dây buôn lậu ma túy, trong đó có hai người bị tạm giam.

Trước đó hồi tháng 4, các nhân viên hải quan sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) bất ngờ phát hiện loại ma túy này trong một cuộc kiểm tra các hàng hóa bưu tín quốc tế, và tiến hành bắt giữ khẩn cấp người chịu trách nhiệm nhận số ma túy trên tại Hàn Quốc, theo kênh truyền hình YTN.

Sau đó các cảnh sát Hàn Quốc tiếp tục bắt giữ tên cầm đầu đường dây buôn lậu ma túy tại sân bay Incheon, ngay trước khi tên này kịp bỏ trốn ra nước ngoài.

Một đồng phạm khác trong đường dây buôn ma túy nói trên cũng bị các cảnh sát Hàn Quốc bắt giữ khi đang lẩn trốn tại thành phố Siheung, tỉnh Gyeonggi.

“Chúng tôi sẽ tập trung mọi khả năng của mình trong công tác ngăn chặn nạn buôn lậu các chất ma túy bằng các biện pháp nghiệp vụ bao gồm kiểm tra, trấn áp và phân tích kỹ lưỡng thành phần các hàng hóa bị tình nghi ở những cửa khẩu”, một quan chức hải quan trả lời Yonhap hôm 29-8.

 

 

VỢ VIỆT THEO CHÂN CHỒNG TÂY VỀ MỸ LÀM NÔNG

Đang quen với phố biển Vũng Tàu, ngày theo chồng về Mỹ chị Hoài Nhân sốc khi học cuốc đất, trồng rau trong thung lũng nằm lọt thỏm giữa núi đồi bang Arkansas.

Trước khi sang quê chồng năm 2022, chị Hoài Nhân sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa Vũng Tàu. 14 năm trước, chị gặp và yêu chàng trai giáo viên tiếng Anh người Mỹ Jason Sciss tại một trung tâm của phố biển.

Khi Jason cầu hôn, điều kiện duy nhất của chị là anh phải ở rể. Chàng trai gật đầu, dù trước đó chỉ coi những năm tháng dạy tiếng Anh ở Việt Nam là một phần trong hành trình khám phá thế giới.

Hai con gái Lily và Violet chào đời càng gắn kết thêm mối tình của họ. Cuộc sống của cặp vợ chồng Việt - Mỹ đủ đầy và bình yên như mong ước, cho đến khi các con đến tuổi đi học. ''Tôi nhận ra nhiều người rất nỗ lực mới có thể cho con sang Mỹ học, còn con tôi có thể dễ dàng đến vậy tại sao tôi lại không đi'', chị nói.

Hai đứa trẻ cũng đã được tắm trong ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam và tình yêu của quê ngoại. Chị nghĩ cũng đã đến lúc cho các con được hòa vào cuộc sống ở quê cha, một nửa dòng máu đang chảy bên trong chúng.

Sau cuộc chiến tâm lý của chính mình, Hoài Nhân đồng ý với Jason sang Mỹ sống. Năm 2021, chồng chị và con gái lớn sang trước sắp xếp cuộc sống. Hơn một năm sau, Hoài Nhân và con nhỏ sang đoàn tụ.

Người phụ nữ Việt cùng gia đình đến sống tại thành phố Clinton, thuộc bang Arkansas. Với Jason, đó là cuộc trở về. Hai đứa trẻ cũng bắt nhịp nhanh với cuộc sống Mỹ. Chỉ người mẹ thấy khó thích nghi vì đến Mỹ đúng mùa đông nên thời tiết rất lạnh. Chị nhốt mình trong nhà suốt ba tháng vì sợ rét.

Khi dần bắt nhịp được với cuộc sống mới thì bố mẹ chồng chị, sống ở thung lũng, muốn về ở chung với các con. Jason nhiều lần gợi ý với vợ về ở cùng bố mẹ nhưng cô từ chối. Tôn trọng quyết định của nàng dâu Việt, bố mẹ anh dự định bán nhà, mua một nơi ở mới trong thành phố cho gần con cháu.

Trước khi bán, anh Jason rủ vợ về thăm bố mẹ chồng một lần để biết nơi anh từng gắn bó cả tuổi thơ. Điểm đến thuộc thành phố Jasper, quận Newton, cách Clinton khoảng hai giờ lái xe. Vừa đến nơi, chị Hoài Nhân đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp của vùng đất này, khi đất trời đang lúc xuân sang.

Thấy chị hào hứng với cảnh sắc nơi đây, anh Jason và bố mẹ chồng gợi ý: ''Hay ở lại, đừng bán nhà nữa''. Biết con dâu Việt còn băn khoăn về việc học của bọn trẻ, mẹ chồng xung phong đưa Nhân đến thăm trường học gần đó. Thấy chương trình học giống ở Clinton và cơ sở vật chất hiện đại, chị Hoài Nhân đồng ý chuyển về.

Họ sắp xếp mọi thứ trong ba tháng và chuyển tới nơi mới vào mùa hè. Nhưng lần này cô gái Việt lập tức hối hận. Vào mùa hè nên ấm áp, cây cối và cỏ chen nhau mọc. ''Tôi như bị lọt vào rừng, đường về nhà chỉ còn lối chạy xe, còn lại là cỏ cao hơn đầu người'', chị kể. Không chỉ có rắn, nơi đây còn có rất nhiều muỗi, ong, côn trùng hút máu.

Ở đây, mọi người sinh hoạt bằng nước ngầm, chủ yếu sống tự cung tự cấp. Vùng này không có người Việt sinh sống còn hàng xóm liền kề cách vài kilomet.

Bị sốc, nhưng xác định sẽ sống lâu dài ở đây nên người phụ nữ Việt chưa từng làm nông cũng xỏ ủng theo chồng ra vườn. Có điều, đi được vài bước chị đã hết hồn vì thấy rắn, rết bò dưới chân. ''Tôi nhớ nhà quay quắt, nhớ những hàng xóm cứ mở cửa ra là đụng nhau, nhớ phố xá và những món ăn quê nhà'', chị nói.

Thương vợ, Jason dành tất cả những cuối tuần đi cắt cỏ, phát quang không gian sống. Bố mẹ chồng chị cũng lái máy cày, máy cắt cỏ cùng con cải tạo nhà cửa. Hai con Hoài Nhân ban đầu hoảng sợ nhưng dần có thói quen xách cào theo bố ra vườn dọn dẹp. Người lớn làm gì cũng bắt chước.

Bất chấp những điều đó, Hoài Nhân vẫn hay khóc thầm trong đêm. Ý định quay về Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong đầu chị. ''Người ta sang Mỹ để sống ở nơi hiện đại, sầm uất hơn còn mình lại chui về vùng quê. Việt kiều Mỹ về nước thì thơm tho, mình thì bị muỗi cắn nát người'', chị nhớ lại.

Cố nén những ý nghĩ tiêu cực trong đầu, nhưng càng cố chị lại càng thấy mình không ổn. Chỉ những lý do rất nhỏ cũng khiến cô vợ Việt giận dỗi, nổi cáu với chồng. Có lần, hai vợ chồng cãi vã, chị Hoài Nhân buồn nên ra gốc cây lớn sau vườn ngồi khóc.

Bà Juanita Blanchard, 60 tuổi, mẹ chồng chị đi làm về tìm mãi không thấy con dâu. Đầu giờ chiều bà thấy Nhân đi về, mắt đỏ hoe. Người mẹ ôm con vỗ về: ''Con làm sao thế. Con có muốn đi đâu không, mẹ sẽ chở con đi. Mẹ xin lỗi vì không thể giúp con vui hơn''.

Nhìn mẹ chồng, đột nhiên chị Nhân áy náy. ''Mình trẻ con quá, phải học cách thích nghi với tâm thế xem đây là nhà mới được'', chị tự nhủ.

Sau bữa đó, chị Nhân học làm nông dân đích thực.

Chị bắt đầu đọc sách, lên các hội nhóm làm vườn ở Mỹ để học kinh nghiệm, hiểu rõ ở thổ nhưỡng, khí hậu bang của mình, mùa nào trồng cây gì sẽ tốt. Chị cũng kết nối với người Việt ở các bang khác nhờ gửi giống rau, quả Việt trồng. Cô vợ Việt chia đất thành từng ô, trồng rau thơm, rau quế, diếp cá, sả... những thứ gần như không có ở khu chợ thị trấn cách nhà chị 20 phút lái xe.

Hoài Nhân không còn nghĩ máy cưa cây là thứ chỉ dành riêng cho đàn ông. Dù đó là công việc chồng và bố chồng vẫn làm, nhưng chị muốn học để khi cần là làm được ngay. ''Nhớ lần đầu cầm cưa, nó ồn và giật lên, tôi chỉ muốn quăng máy bỏ chạy. Nhưng giờ, tôi đã có thể làm thành thạo'', chị kể và tiết lộ đang nhờ chồng và ba chồng dạy dùng máy cắt cỏ, máy cày, nhưng vẫn chưa tự tin cầm lái.

Thời tiết ở Arkansas bốn mùa rõ rệt như Việt Nam. Mùa lạnh cây cối ngủ đông, đợi sang xuân ươm mầm trong nhà, đến hè mới mang ra ngoài trời trồng được. ''Vất vả như chăm con, nhưng ngắm thành quả thật sự tự hào'', chị nói.

Thành quả đang đến với chị Nhân, khi ở Mỹ thời điểm này là mùa hè. Những cây rau cải, cà chua, đậu bắp, cà tím, rau gia vị đua nhau mọc, gia đình chị Nhân ăn không xuể. Nàng dâu Việt tha hồ trổ tài nấu các món phở, bánh cuốn đãi cả gia đình chồng.

''Anh rất tự hào và biết ơn em'', anh Jason hay nói với vợ, khi thấy chị đẫm mồ hôi, lấm lem vì bùn đất nhưng miệng lúc nào cũng nở nụ cười.

Bà Nguyễn Thị Lan, 70 tuổi, mẹ chị Hoài Nhân, khi thấy các con cháu qua video phải thốt lên vì bất ngờ. '' Ở Việt Nam, con rể tôi lúc nào cũng ăn mặc đẹp đẽ, giờ về Mỹ như một nông dân đích thực. Các cháu ở Việt Nam hiếm khi được bà và mẹ cho làm việc nhà, giờ cái gì cũng biết'', bà nói.

Là mẹ, chị Hoài Nhân cũng ngỡ ngàng vì sự thay đổi của hai con 9 và 12 tuổi. Các con chị tự vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho gia đình 6 người và yêu công việc nhà nông như sinh ra để dành cho nơi này.

Mỗi sáng, tối, cả gia đình chị giữ thói quen quây quần bên những món ngon tự làm, vừa thưởng thức, vừa ngắm mặt trời lên hay hoàng hôn buông xuống.

Đi qua bốn mùa ở thung lũng, chứng kiến thiên nhiên biến đổi mỗi lần chuyển mùa và được góp mình vào những đổi thay ấy, chị Hoài Nhân thêm yêu mến cuộc sống thôn quê.

''Giờ tôi lại thấy mình đã lựa chọn đúng'', chị nói.

 

Nguồn: BBC; Tuổi Trẻ; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang