Người Việt hải ngoại: Thăng trầm ở Nga; Nhân sự tại Meta; Nam diễn viên giành giải lịch sử; Tuyết rơi tại California

Người Việt ở Nga kể thăng trầm trong một năm chiến sự

(Ảnh minh họa).

Chiến sự Ukraine bùng phát khiến cuộc sống của hầu hết người Việt tại Nga đảo lộn, nhưng kiều bào đã dần thích ứng với tình hình mới.

Trong những tháng đầu tiên sau khi chiến sự Ukraine bắt đầu ngày 24/2/2022, cộng đồng người Việt tại Nga gặp rất nhiều khó khăn do đồng ruble sụt giảm, cùng làn sóng trừng phạt chưa từng thấy từ phương Tây.

"Nguồn cung hàng hóa từ các nước bị phong tỏa, vật giá lập tức leo thang 30-50%, có những mặt hàng tăng tới 300-500%, khiến thu nhập của người lao động giảm khoảng một nửa", anh Bình, 27 tuổi, chủ cửa hàng thực phẩm Việt Чay Shop ở Moskva, nói với VnExpress.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva, khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống tại Nga, trong đó hơn 20% tập trung tại thành phố Moskva. Nhiều Việt kiều ở Nga hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán các mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp nhẹ.

Bởi vậy, khi chiến sự nổ ra, doanh nhân Việt tại Nga đều chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp, một số người trong giai đoạn đầu bán tháo tài sản và hồi hương.

Anh Bình cho biết hoạt động di cư trong những tháng sau khi chiến sự bùng phát khiến giới chức Nga thắt chặt quy định kiểm soát đối với người nước ngoài. "Cảnh sát kiểm tra liên tục. Bước khỏi cửa là có thể bị đưa lên thùng xe, thẩm vấn mấy tiếng. Rất nhiều người bị trục xuất và cấm nhập cảnh 3-5 năm hoặc lâu hơn", anh kể.

Nhưng sau một năm "dao động và hoang mang", đa số người Việt ở Nga chia sẻ rằng cuộc sống hiện tại đã trở lại bình yên, mọi sinh hoạt không còn chịu nhiều xáo trộn.

"Nước Nga đầu năm ngoái chao đảo mạnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Các chính sách điều chỉnh của Tổng thống Vladimir Putin đã giúp giá ruble tăng kỷ lục, dần bình ổn về thời điểm trước chiến tranh", anh Bình nói.

Tỷ giá ruble hôm 23/2/2022, một ngày trước khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, là 81 ruble đổi một USD. Tỷ giá giảm mạnh xuống mức 150 ruble đổi một USD hôm 7/3/2022, nhưng dần hồi phục và lập đỉnh vào tháng 6/2022, với mức 54 ruble đổi một USD. Tỷ giá hiện nay là 75,7 ruble đổi một USD.

"Đại dịch và chiến sự nói chung tác động lớn lên tất cả mọi người. Nhưng 'lửa thử vàng, gian nan thử sức', nhiều doanh nhân Việt cũng theo kịp thời thế, gặt hái thành công giữa khủng hoảng", ông Hồ Sỹ Bằng, phó chủ tịch thường trực Hội đồng hương Nghệ An tại Moskva, người đã sinh sống 25 năm tại Nga, cho biết.

Ông Phan Mạnh Hùng, 56 tuổi, chủ doanh nghiệp sản xuất quần áo thể thao Ruviteks tại Moskva, cho hay khi chiến sự nổ ra, công ty của ông đã xây dựng kế hoạch "dài hơi", chuẩn bị nguồn cung nguyên vật liệu đủ cho công nhân sản xuất trong 6-7 tháng. Doanh nghiệp của ông cũng chuyển hướng kinh doanh, cung cấp một số sản phẩm cho chính phủ Nga theo lời kêu gọi của Tổng thống Putin.

"Giữa biến động, tư duy làm ăn lâu dài cũng khác, phải tính đường dài và điều chỉnh theo thế thời", ông Hùng nói.

Ông cũng cho hay hiện các mặt hàng đều có sẵn và giá cả "không biến động quá nhiều so với trước chiến sự", nên hầu như không ai tích trữ gì.

Theo thống kê của Statista, tỷ lệ lạm phát của Nga hồi tháng 2/2022, khi chiến sự chưa nổ ra, là 9,2%. Tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh 17,8% vào tháng 4/2022, sau đó giảm dần đều và xuống mức 11,77% vào tháng 1.

Nhóm người Việt chịu tác động lớn nhất từ cuộc xung đột có lẽ là nhóm sinh viên theo diện học bổng Hiệp định Việt - Nga, trong bối cảnh các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến quá trình gửi sinh hoạt phí chậm trễ, anh Bình, người làm kiêm công việc giấy tờ pháp lý hỗ trợ cộng đồng Việt ở Nga, cho hay.

Các du học sinh diện này được chính phủ Việt Nam cấp 420 USD sinh hoạt phí hàng tháng, trong khi Nga miễn học phí, cấp học bổng hàng tháng và bố trí chỗ ở.

"Một số sinh viên bị chậm sinh hoạt phí 6 tháng đến một năm, đa phần phải chi tiêu chắt bóp và đi làm thêm, ảnh hưởng đến thời gian học tập", anh Bình kể, thêm rằng hiện chưa có nhiều phương án để tháo gỡ khó khăn này.

Hồng Ngọc, 25 tuổi, người nhập quần áo từ Trung Quốc về bán ở Moskva, bày tỏ nỗi lo lắng về những khó khăn tiềm ẩn nếu tỷ giá đồng ruble tiếp tục sụt giảm trong năm nay, dù công việc kinh doanh chưa bị ảnh hưởng nhiều sau một năm chiến sự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 11/2022 tuyên bố quá trình loại bỏ đồng USD và euro khỏi nước này là "không thể đảo ngược". Giới chức Nga - Trung Quốc sau đó cũng thông báo đang phối hợp làm việc để thiết lập hệ thống thanh toán riêng.

Hồng Ngọc bày tỏ tin tưởng rằng "mọi chuyện sẽ tiến triển tốt" khi chính phủ Nga tăng cường sử dụng nhân dân tệ và củng cố hợp tác với Trung Quốc giữa vòng vây trừng phạt của phương Tây.

Ông Bằng, người kinh doanh ăn uống, cũng cho biết công việc có phần chững lại, bởi sức mua phần nào giảm đi và nỗi lo vẫn còn. Nhưng ông tin rằng tâm lý hoang mang sẽ sớm qua đi, bởi kiều bào và người dân Nga đã từng đối phó rất tốt với những thời khắc khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.

Nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn xung đột sớm chấm dứt để nhịp sống ở Nga hoàn toàn trở lại bình thường.

"Đây là mong muốn của mọi người. Bom đạn chỉ làm khổ người dân vô tội. Chúng tôi hy vọng các bên sẽ sớm đàm phán để kết thúc xung đột trong hòa bình", Hồng Ngọc nói.

Ông Hùng cho rằng chiến sự chấm dứt là mong mỏi của nhiều người dân Nga và cộng đồng người Việt sinh sống tại đây.

"Người Việt quá hiểu thế nào là bom rơi, đạn lạc. Tôi thực tâm mong các lãnh đạo thế giới sớm tìm được tiếng nói chung, bởi hạnh phúc, bình yên chỉ đến khi tiếng súng không còn rền vang nơi chiến trường", ông nói.

(Nguồn: Vneexpress)

Nhân sự người Việt tại Meta: 'Cảm thấy may mắn giữa bão sa thải'

Làm việc tại trụ sở chính của Meta ở Mỹ giữa bão sa thải nhân sự ngành công nghệ, anh Trần Trung Hiếu cảm nhận rõ sự may mắn của bản thân và sức ép sinh tồn trong ngành.

Tình trạng cắt giảm nhân sự do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới. Điển hình là ở các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft, Meta, Google, Amazon, Twitter, IBM. Nhiều nhân sự người Việt tại các doanh nghiệp này đã chứng kiến tình trạng này hay thậm chí nằm trong nhóm bị sa thải hàng loạt.

"Tại Facebook, nhiều dự án bị huỷ, nhiều nhóm và nhân viên đã bị sa thải", anh Trần Trung Hiếu (31 tuổi, TP. Hải Phòng), hiện là nhân viên của Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram, cho biết.

Anh Hiếu là cựu nhân viên của Apple. Trước khi gia nhập Meta, anh cũng nhận được nhiều lời đề nghị việc làm từ Amazon và Google.

Tình trạng sa thải chung

"Nhiều dự án mới đã bị huỷ dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt nhân sự. May mắn là nhóm mình hiện tại vẫn ổn vì đang phát triển sản phẩm cốt lõi cho công ty", anh Hiếu tiết lộ.

Anh này cho biết phần lớn các nhân viên đều không biết sẽ bị sa thải cho đến ngày nhận thông tin chính thức. Một sáng thức dậy, nhân sự có thể nhận email đuổi việc mà không có sự chuẩn bị trước.

"Vào buổi sáng bị sa thải, nhân sự sẽ nhận được email thông tin chi tiết và sẽ không thể truy cập vào các hệ thống của công ty nữa", anh Hiếu nói.

Cũng theo anh này, bên cạnh việc sa thải nhân viên, các doanh nghiệp cũng cắt giảm nhiều phúc lợi cho người lao động. Tại Meta, nhiều nhà ăn cho nhân viên đóng cửa, các quỹ hỗ trợ nhân viên cũng bị cắt giảm rõ rệt. Hiện những nhân viên chưa bị sa thải tại Meta vẫn được duy trì mức lương nhưng tiền thưởng hàng năm bị giảm so với trước.

Anh Hiếu chia sẻ vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các công ty công nghệ đã có khoảng thời gian phát triển nhanh, kéo theo tuyển dụng ồ ạt nhân sự và triển khai thêm nhiều dự án mới.

Tuy nhiên các dự án này chưa chứng minh được tiềm năng phát triển cũng chưa mang lại được lợi nhuận cho các doanh nghiệp so với nguồn tiền đầu tư. Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ làm ăn không hiệu quả hay thậm chí là thua lỗ.

Điều này dẫn đến việc nhóm các công ty công nghệ lớn (big tech) phải điều chỉnh lại định hướng kinh doanh, các dự án phát triển, tính hiệu quả của doanh nghiệp. Một trong những điều chỉnh đầu tiên chính là sa thải nhân viên.

"Hiện các big tech đang trong xu thế cắt giảm, tạm dừng tuyển dụng nhân sự đến giữa năm 2023. Thị trường tuyển dụng về công nghệ tại Mỹ tương đối cạnh tranh tại thời điểm này do đang có hàng loạt các cựu nhân viên Google, Facebook, Amazon hay Microsoft đang kiếm tìm cơ hội mới", anh Hiếu nhận định.

Theo một chuyên trang quan sát về tình trạng sa thải nhân sự, trong tháng đầu của 2023 đã có 272 công ty công nghệ sa thải tổng cộng 86.882 nhân viên, gấp 1,5 lần so với cả năm 2022 cộng lại và chưa hề có dấu hiệu dừng lại.

Áp lực làm việc ở các big tech

Anh Hiếu cho biết mỗi một công ty đều có áp lực riêng. Tại Apple, anh Hiếu chịu trách nhiệm về phát triển hệ thống xử lý, lưu trữ audio cho AirPods, iPhone. Vì vậy áp lực ở "Táo khuyết" là phải cố gắng xây dựng hệ thống một cách tối ưu nhất và hoàn thành trước khi hãng ra mắt sản phẩm mới hàng năm.

Còn với Facebook, nhóm của anh Hiếu chịu trách nhiệm phát triển hệ thống AI giới thiệu nội dung, được sử dụng cho Newfeed, Facebook Watch, Instagram Reel. Áp lực chủ yếu đến từ việc hệ thống này phải thường xuyên được cập nhật. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng để hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới.

Tiết lộ với Zing, anh Hiếu cho hay quá trình phỏng vấn tuyển dụng các kỹ sư, nhà nghiên cứu khoa học ở các tập đoàn lớn (Facebook, Apple, Amazon, Google, Microsoft) tương đối giống nhau.

Theo anh này, khi phỏng vấn ứng viên cần chuẩn bị tốt kỹ năng lập trình, tư duy thuật toán cũng như khả năng trình bày logic lúc phỏng vấn. Ngoài ra, các câu hỏi thêm sẽ tùy thuộc vào trưởng nhóm phỏng vấn.

"Khi mình phỏng vấn vào Apple, đã có 3 nhóm chọn mình, mỗi nhóm hỏi một cách khác nhau. Tuy nhiên, mục đích chính của nhà phỏng vấn là để tìm hiểu về bạn, những dự án bạn đã từng làm cũng như xem các bạn xử lý các tình huống làm việc nhóm", anh Hiếu tiết lộ.

Anh cũng cho hay đôi khi buổi phỏng vấn cũng nhẹ nhàng như những người đồng nghiệp nói chuyện, tìm hiểu về nhau. Ngoài ra, nếu bạn là một nghiên cứu sinh hay đã tốt nghiệp tiến sĩ, sẽ có những câu hỏi liên quan đến các đề tài nghiên cứu của bạn.

"Apple gây ấn tượng với môi trường làm việc chuyên nghiệp, cơ sở vật chất và văn phòng hiện đại. Còn với Facebook là môi trường phát triển nhanh, nhân sự trẻ, cơ sở vật chất tiện lợi và đặc biệt là đồ ăn miễn phí siêu ngon", anh Hiếu nói.

Ngoài ra, khi được hỏi thêm về mức lương anh Hiếu chia sẻ không thể tiết lộ mức lương cụ thể vì đó là quy định của công ty. Tuy nhiên các big tech đều trả mức lương rất khó để từ chối và thuộc top của thị trường. Các big tech lớn đều sẵn sàng trả mức lương cao hơn cùng phúc lợi tốt hơn để cạnh tranh và kéo được ứng viên về làm việc.

(Nguồn: Zing News)

Nam diễn viên gốc Việt giành cú đúp tại giải thưởng lớn bậc nhất Hollywood, giấc mơ Oscar đã đến rất gần!

(Ảnh minh họa).

Chiến thắng lịch sử của diễn viên gốc Việt này mở ra cơ hội gần như nắm chắc tại Oscar.

Tại lễ trao giải Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh lần thứ 29 (gọi tắt là SAG), nam diễn viên gốc Việt Quan Kế Huy tiếp tục làm nên lịch sử khi được xướng tên tại hạng mục Nam phụ điện ảnh xuất sắc nhất. Vai diễn Waymond Wang trong Everything Everywhere All at Once đã giúp ngôi sao 7X trở thành diễn viên châu Á đầu tiên giành giải cá nhân tại mục điện ảnh, và là cái tên thứ 2 sau Lee Jung Jae (Squid Game) nếu tính tổng thể.

Ngoài ra, nam diễn viên còn có niềm vui nhân đôi khi tiếp tục được xướng tên cùng "đại gia đình" Everything Everywhere All at Once tại hạng mục Dàn diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất.

Sau khi Everything Everywhere All at Once kết thúc hành trình của mình, Quan Kế Huy đã bỏ túi nhiều giải thưởng danh giá, trước SAG còn có Quả Cầu Vàng, Critics' Choice, giải Sao Thổ...

Trong bài phát biểu khi nhận giải, nam diễn viên cho biết: "Gần đây có người bảo tôi sẽ chiến thắng đêm nay. Tôi sẽ là người châu Á đầu tiên thắng hạng mục này. Lúc đấy tôi đã nghĩ ngay rằng đây không còn là khoảnh khắc của riêng tôi, mà của những ai đã và đang yêu cầu sự thay đổi". Anh dành giải thưởng cho các bạn diễn gốc Á trong phim như Dương Tử Quỳnh, Stephanie Hsu, James Hong, Harry Shum Jr.,... và xúc động khi nhiều cơ hội đang xuất hiện hơn.

Hiện tại Quan Kế Huy đã giành chiến thắng 2 trong số "Big 3" của giải thưởng phim ảnh Hollywood. Oscar sẽ là đích đến cuối cùng của anh, và với tỉ lệ chiến thắng áp đảo trong thời gian qua này giấc mơ này hoàn toàn có thể thành hiện thực!

(Nguồn: Soha)

Tuyết rơi tại California: Việt kiều trải qua mùa đông đặc biệt, tiền gas tăng cao

Nhiều người Việt đang sinh sống ở bang California (Mỹ) đang trải qua mùa đông lạnh nhất và có tuyết rơi sau hàng chục năm.

Theo Reuters, tuyết rơi dày nhất tại các khu vực núi cao nhưng ở những vùng thấp hơn ven biển miền trung của bang và khu vực vịnh San Francisco cũng có tuyết dày khoảng 8 cm. Nhà khí tượng học Sarah McCorkle của Cơ quan Thời tiết quốc gia (NWS) cho biết đây là lần đầu tiên từ năm 2011 tuyết rơi ở những vùng thấp như vậy.

Người Việt ở bang California đang trải qua mùa đông lạnh sau nhiều năm.

Bất ngờ thấy tuyết rơi

Chị Sophia Luff (người Việt đang sinh sống và làm việc ở California) cho biết, chị sang được khoảng hơn 10 năm, hiện đang kinh doanh tự do. Sáng 26.2, chị vô cùng bất ngờ khi thấy tuyết rơi trước cửa nhà. Chị lấy điện thoại quay lại hiện tượng thời tiết này.

"Đây là lần đầu tiên ở khu tôi sống có tuyết rơi còn khu núi Big Bear năm nào cũng có. Năm nay lạnh nhiều và thời điểm hiện tại đang lạnh nhất kể từ khi tôi sang California sinh sống và làm việc", chị chia sẻ.

Cũng theo chị, hiện nhiệt độ ban ngày là 3 độ C, trời lạnh và mưa. Ban đêm, lạnh hơn nhưng nhà chị có máy sưởi nên cuộc sống không có nhiều xáo trộn. Thời tiết lạnh khiến chị phải dùng máy sưởi thường xuyên, chính vì vậy tiền gas cũng tăng lên gấp 3 – 4 lần so với bình thường.

"Nhà tôi có chỗ thoát nước tốt nên không sao nhưng nhiều nơi không thoát được sẽ bị ngập. Cuộc sống hiện chưa có nhiều thay đổi vì ra đường có trong xe ô tô có máy sưởi, ở nhà cũng vậy. Tuy nhiên, tôi phải trả tiền khí đốt nhiều lên, sưởi bằng gas", chị chia sẻ.

Chị Sophia Luff cho hay, thời tiết lạnh diễn ra cách đây vài ngày. Chị làm kinh doanh nên mùa đông năm nào cũng vắng khách hơn mùa hè. Ông xã chị nói rằng, năm 1983 ở California cũng có tuyết và từ đó đến nay mới xuất hiện lại.

"Thời tiết lạnh như vậy, những người vô gia cư rất tội nghiệp. Bình thường mùa đông ban đêm 55 độ F (khoảng 13 độ C - PV) và ban ngày 75 độ F (khoảng 24 độ C). Tôi thích mùa đông nhưng năm nay lạnh quá", chị nói.

"Lạnh hiếm có!"

Anh Trịnh Thành (42 tuổi, ở TP.HCM) sống và làm việc ở bang California khoảng 5 năm nay. Anh là nhiếp ảnh gia.

Anh cho biết, ở khu anh sống bình thường trời khoảng 11 – 20 độ C nhưng hiện lạnh chỉ 4 – 12 độ, có khi chỉ 1 độ C. Nhà anh luôn bật máy sưởi để cân bằng nhiệt độ. Đây là lần đầu tiên trong vài chục năm nay tuyết rơi gần thành phố.

"Năm nay lạnh bất thường kéo dài, trời kèm mưa nên có tuyết. Đường trên núi bị tuyết phủ một buổi sáng, xe phải chạy đường khác đến khi dọn tuyết xong. Cũng may, trong buổi chiều hôm đó đường đã mở lại", anh chia sẻ.

Cũng theo anh Thành, anh chưa có hóa đơn tiền điện, tiền gas tháng này nhưng anh đoán sẽ tăng hơn một chút vì gia đình dùng nhiều hơn. Thời tiết lạnh nhưng lượng khách đặt chụp hình không thay đổi. Tuy nhiên, họ sẽ ngại đi chụp ngoài trời hơn.

"Chắc cả trảm năm California mới lạnh như vậy. Tôi thấy hiếm có khi nào tuyết rơi gần đô thị San Francisco và Silicon Valley. Khu người Việt sống đông nhất là ở San Jose, gần khu này cũng có tuyết", anh nói thêm.

Anh rất bất ngờ khi thấy tuyết rơi gần nhà. Người dân California cũng hào hứng nặn người tuyết thi nhau đăng lên mạng xã hội. Anh cũng muốn lưu lại cảnh tuyết rơi nên ra khỏi nhà chụp hình.

"Đi săn ảnh đẹp là đam mê của tôi. Mọi người xung quanh cũng háo hức đi chụp ảnh và ghi lại kỷ niệm với đợt tuyết rơi lạ gần nơi sinh sống", anh chia sẻ.

Anh Đặng Hoàng Dương (31 tuổi, ở bang California) chia sẻ, vài ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp, trời có tuyết nhưng chưa đến mức bão. "Đợt này lạnh hơn bình thường. Mùa đông năm nay trời cũng mưa nhiều. Tuy nhiên, cuộc sống không có nhiều thay đổi, mình vẫn đi làm bình thường, không khó khăn khi di chuyển", anh nói.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang