- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Nhân dịp này, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ đã kêu gọi bà con kiều bào quyên góp ủng hộ, chung tay sẻ chia với đồng bào khu vực miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Như mọi năm, mỗi dịp Trung Thu, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ (UGVB) lại tổ chức chương trình Tết Trung Thu - Ngày hội gia đình dành cho cộng đồng người Việt.
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, từ khắp các tỉnh thành của Vương quốc Bỉ, ngày 15/9, bà con người Việt đã tụ hội về thủ đô Brussels, biến ngày lễ này thành một dịp đoàn tụ ấm áp.
Đây không chỉ là cơ hội để các gia đình gặp gỡ, chia sẻ và động viên lẫn nhau, mà còn là dịp để gìn giữ văn hóa truyền thống giữa một cộng đồng xa quê.
Từ sớm, khu vui chơi trẻ em La Petite Suisse ở quận Ixelles đã trở nên nhộn nhịp với những chiếc đèn lồng đủ màu sắc, những gian hàng ẩm thực thơm lừng và tiếng cười nói rộn rã của trẻ em.
Các em nhỏ, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, vẫn tỏ ra vô cùng thích thú và háo hức với những chiếc đèn lồng, đèn ông sao truyền thống, khiến không gian càng thêm sống động.
Các bậc phụ huynh sôi nổi trò chuyện, chia sẻ niềm vui được gặp gỡ, vui vầy cùng con trẻ hòa mình vào các trò chơi dân gian.
Điểm đặc biệt của chương trình năm nay là màn trình diễn áo dài truyền thống của các gia đình và các em nhỏ.
Những chàng rể người Bỉ và các em nhỏ mang hai dòng máu Việt-Bỉ đã rất thích thú khi được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của Việt Nam. Hình ảnh những tà áo dài thướt tha, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, đã tạo nên một không gian ấm áp, gần gũi, kết nối hai nền văn hóa Việt-Bỉ.
Bên cạnh những hoạt động văn hóa nghệ thuật, ngày hội còn diễn ra một hội chợ ẩm thực và sản phẩm truyền thống đặc sắc. Tại đây, các gian hàng bày bán đa dạng các món ăn Việt Nam quen thuộc như bánh Trung Thu, phở, nem rán, xôi, chè... đã thu hút đông đảo khách hàng.
Đặc biệt, quầy sách tiếng Việt của Kênh Việt Happiness Station đã mang đến một không gian văn hóa đọc thú vị cho cộng đồng.
Các bạn trẻ tỏ ra thích thú khi tìm đọc những cuốn sách hay truyện tranh quen thuộc. Bên cạnh đó, quầy áo dài truyền thống cũng thu hút sự chú ý của nhiều người.
Họ không chỉ được chiêm ngưỡng những mẫu áo dài đẹp mắt mà còn có cơ hội mua sắm những bộ áo dài ưng ý.
Một hoạt động ý nghĩa khác trong khuôn khổ hội chợ là việc bán các sản vật Việt Nam của hội từ thiện Friends for Vietnamese Kids để gây quỹ cho học sinh nghèo tỉnh Bắc Giang.
Mỗi sản phẩm được bày bán tại đây đều mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng người Việt tại Bỉ.
Sự kiện năm nay càng thêm ý nghĩa với sự góp mặt của Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Nguyễn Văn Thảo cùng lãnh đạo quận Ixelles, nơi tập trung đông đảo người Việt sinh sống.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch UGVB, đã đề nghị toàn thể khách mời mặc niệm tưởng nhớ những người Việt Nam đã thiệt mạng trong cơn bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) vừa qua, đồng thời kêu gọi cộng đồng người Việt tại Bỉ tiếp tục phát huy truyền thống "lá lành đùm lá rách," chung tay sẻ chia với đồng bào khu vực miền Bắc Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.
Bà Audrey Lhoest, Phó Chủ tịch thứ nhất quận Ixelles, trong tà áo dài duyên dáng, bày tỏ niềm vui khi được tham gia cùng cộng đồng người Việt trong ngày hội Trung Thu.
Chủ tịch quận Ixelles, ông Christos Doulkeridis, cũng chia sẻ sự cảm kích trước tinh thần cộng đồng của người Việt. Ông nhắc lại lòng biết ơn khi trong đợt dịch COVID-19, bà con người Việt đã gửi tặng khẩu trang y tế cho địa phương, một hành động thể hiện tinh thần tương trợ đáng quý.
Ông cũng không quên bày tỏ sự xúc động trước tinh thần kiên cường và sự đồng lòng của người Việt trong việc chia sẻ những mất mát do bão số 3 gây ra.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo gửi lời chúc mừng đến các em nhỏ nhân dịp Tết Trung Thu và nhấn mạnh các em sẽ là thế hệ tương lai, đóng góp trí tuệ và tài năng cho cả hai quê hương Việt-Bỉ.
Đại sứ cũng đánh giá cao nỗ lực của Tổng hội trong việc tạo ra sân chơi bổ ích, giúp gắn kết bà con người Việt xa quê. Đại sứ cũng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt tại Bỉ vì những sự sẻ chia và đóng góp cho đồng bào trong nước đang gặp khó khăn do thiên tai.
Điểm nhấn của chương trình không thể thiếu màn múa lân, múa rồng, mang lại bầu không khí náo nhiệt và niềm vui cho các em nhỏ.
Các tiết mục văn nghệ, dù đôi khi các em nhỏ còn ngọng nghịu khi nói tiếng Việt, nhưng sự phấn khởi và tự hào khi biểu diễn những bài hát, bài thơ về tình cảm gia đình, quê hương Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét.
Nhân dịp này, UGVB cũng đã kêu gọi bà con quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước vượt qua khó khăn sau thiên tai. Tấm lòng sẻ chia của kiều bào, dù là công sức hay tiền của, đều góp phần lan tỏa tình yêu quê hương.
Tổng số tiền quyên góp được ngay tại ngày hội là 1.110 euro (1.234 USD), một minh chứng rõ rệt cho tình đoàn kết và lòng nhân ái của cộng đồng người Việt tại Bỉ.
Tết Trung Thu tại Bỉ không chỉ là một ngày hội của trẻ thơ mà còn là sự gắn kết mạnh mẽ giữa những người con xa xứ với quê hương, là nơi để lan tỏa tình yêu, sự sẻ chia và đoàn kết trong cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới./.
Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài đánh dấu một bước tiến trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Chiều 13/9 (giờ địa phương), tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris (Pháp), diễn ra sự kiện “Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần I - Paris 2024”.
Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức với sự tham dự của khoảng 150 đại diện doanh nghiệp người Việt Nam tại Pháp và các nước châu Âu, các doanh nghiệp Pháp, Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (Medef) cùng nhiều chuyên gia, học giả kinh tế nước ngoài.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam, khẳng định Ngày Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài đánh dấu một bước tiến trong tiến trình hội nhập quốc tế với sự trưởng thành của Hiệp hội phát triển doanh nghiệp Việt Nam, văn hoá Việt Nam và cũng là sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lan toả ý chí, sức mạnh nền của văn hoá Việt Nam ở nước ngoài. Hiện, có gần 300 doanh nghiệp Pháp kinh doanh tại Việt Nam và ngày càng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện diện tại Pháp như VietnamAirlines, FPT, Vinfast…
Sau phiên khai mạc đã diễn ra Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh Việt Nam và Châu Âu: góc nhìn đan xen”, với hai phiên chuyên đề “Văn hóa kinh doanh và hội nhập quốc tế của doanh nghiệp” và “Giao thoa văn hóa kinh doanh: Biến thách thức thành cơ hội”.
Khi nhắc đến cộng đồng người Việt ở Canada, nhiều người thường nghĩ đến những thành công trong các lĩnh vực như kinh doanh, giáo dục, và y tế. Tuy nhiên, có một khía cạnh ít được chú ý hơn nhưng cũng mang lại rất nhiều niềm vui và ý nghĩa: làm vườn.
Với những người Việt Nam xa xứ, việc làm vườn không chỉ là một công việc mưu sinh mà còn là cách để duy trì, kết nối với nguồn cội và truyền thống quê hương. Nhiều người lớn tuổi khi di cư sang Canada đã mang theo kinh nghiệm trồng trọt từ quê nhà, nơi nghề nông gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Ông John Trần, 68 tuổi, người làm vườn ở Toronto, là một ví dụ. Theo ông, khu vườn không chỉ là nơi để trồng rau củ quả mà còn là không gian để duy trì những ký ức, giữ liên kết với nền văn hóa Việt Nam.
Trong môi trường khí hậu khắc nghiệt của Canada, với mùa đông dài và lạnh giá, người Việt vẫn kiên trì trồng những loại cây quen thuộc như rau muống, cải xanh, cà chua, và thậm chí là chanh, ớt. Những loại cây này không chỉ mang hương vị quen thuộc của quê hương mà còn giúp họ giữ vững phong tục, tập quán ẩm thực của người Việt.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với người Việt làm vườn tại Canada là điều kiện khí hậu. Nhiệt độ lạnh vào mùa đông và thời gian mùa hè ngắn khiến việc trồng trọt trở nên khó khăn. Tuy nhiên, người Việt luôn sáng tạo trong việc thích nghi với môi trường mới.
Bà Tracy Nguyễn, một người làm vườn ở Ottawa, chia sẻ: “Tôi đã học cách sử dụng nhà kính, hệ thống thủy canh, hoặc trồng các loại cây thích hợp với điều kiện khí hậu nơi đây”.
Cộng đồng cũng thường chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật làm vườn qua các diễn đàn, nhóm Facebook hay các buổi gặp gỡ trực tiếp. Những câu chuyện về việc trồng thành công những loại rau quê hương trở thành niềm vui và niềm tự hào của nhiều gia đình.
Nhiều khu vườn cộng đồng được xây dựng tại các thành phố lớn như Toronto, Ottawa, Vancouver, Montreal, nơi người Việt cùng nhau trồng trọt, chăm sóc vườn cây. Các khu vườn này trở thành nơi giao lưu văn hóa, chia sẻ kinh nghiệm và thậm chí là tổ chức các sự kiện văn hóa, ẩm thực.
Ông Trí Nguyễn, 75 tuổi, định cư tại Montreal hơn 20 năm, cho biết những khu vườn này không chỉ mang lại thực phẩm tươi ngon, mà còn giúp người Việt ở Canada có cảm giác như đang sống lại một phần của cuộc sống quê nhà. Họ có thể tìm thấy niềm vui trong việc chăm sóc cây cối, hòa mình với thiên nhiên, cũng như làm nơi gặp gỡ, giao lưu cộng đồng.
Làm vườn còn là một biểu tượng của sự kiên trì, khả năng thích nghi và lòng yêu quê hương. Dù sống ở một đất nước xa xôi với điều kiện tự nhiên hoàn toàn khác biệt, họ vẫn giữ được hồn Việt thông qua những hoạt động giản dị, ý nghĩa. Việc trồng rau quả không chỉ là việc cung cấp thực phẩm, mà còn là cách truyền dạy cho thế hệ sau về giá trị của lao động, tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó với văn hóa nguồn cội.
Ông Vinh Phạm, 60 tuổi, có mảnh vườn tuy nhỏ ở Toronto, bộc bạch, nó là nơi rất quan trọng để ông truyền đạt cho con cháu truyền thống nông nghiệp lâu đời của người Việt, cùng các giá trị văn hóa và duy trì sợi dây kết nối giữa các thế hệ.
Ông Sang Đặng có vườn chuyên trồng nho ở Toronto, đã kết hợp làm rượu nho và đón du khách tham quan, ăn uống và thưởng thức nho tại vườn. Ông cho biết: Thu nhập không lớn nhưng niềm vui được giao lưu trò chuyện, nhất là với những đồng hương là điều tôi mong muốn.
Trong bối cảnh di cư và hội nhập, làm vườn chính là một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa quê hương và xứ người. Với những người Việt sống tại Canada, khu vườn không chỉ là nơi để trồng cây, mà còn là nơi để nuôi dưỡng những ký ức và tình yêu dành cho quê nhà. Việc trồng rau quả không chỉ là việc cung cấp thực phẩm, mà còn là cách để truyền dạy cho thế hệ sau về giá trị của lao động, tình yêu thiên nhiên và sự gắn bó với văn hóa nguồn cội.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc thông báo 3 người thiệt mạng trong vụ lật tàu cá ngoài khơi gần thành phố Gunsan ở tỉnh North Jeolla của nước này.
Ngày 16-9, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc cho biết đã cứu được 8 người trên tàu cá gặp nạn.
Tuy nhiên, 3 người trong số đó đã không qua khỏi mặc dù đã được đưa đến bệnh viện cứu chữa. Các nạn nhân là 1 thuyền trưởng, 1 kỹ sư trưởng người Hàn Quốc và 1 thủy thủ người Indonesia.
Những người sống sót còn lại là thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm 3 người Việt Nam và 2 người Indonesia, hiện đều an toàn.
"Chúng tôi vẫn chưa thể xác định được danh tính của thủy thủ nước ngoài đã tử nạn", một quan chức tuần duyên Hàn Quốc nói, đồng thời cho biết sẽ điều tra xác minh các tình tiết chính xác của vụ tai nạn sau khi những người bị thương đã bình phục.
Các nhà chức trách đang điều tra khả năng đã xảy ra va chạm, vì các nhân chứng kể rằng một tàu chở sản phẩm dầu mỏ nặng 1.618 tấn đã đi ngang qua tàu cá trước khi nó bị lật.
Theo Hãng tin Yonhap, lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc nhận được tin báo vụ việc vào khoảng 7h36 giờ địa phương, và đã nhanh chóng điều động trực thăng và tàu tuần tra đến hiện trường để triển khai công tác cứu hộ.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhận được thông tin vụ việc, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Đại dương và Thủy sản Kang Do Hyung và lãnh đạo lực lượng bảo vệ bờ biển huy động mọi nguồn lực cho công tác cứu hộ.
Trước đó, lực lượng cảnh sát biển Hàn Quốc thông báo một tàu đánh cá với 10 thành viên thủy thủ đoàn đã bị lật ngoài khơi đảo Jeju, phía nam Hàn Quốc vào sáng 1-3.
Trong vụ việc, chiếc tàu cá trọng tải 33 tấn bị lật ở vùng biển cách thành phố Seogwipo khoảng 20km về phía tây. Trên tàu có 5 thuyền viên người Hàn Quốc và 5 người Việt Nam. Một tàu cá gần hiện trường đã cứu được 8 thành viên thủy thủ đoàn, trong đó có 3 người Hàn và 5 người Việt.
Nguồn: VietnamPlus; VTV4; Sài Gòn Giải Phóng; Tuổi Trẻ
Người Việt hải ngoại: Nam diễn viên thua lỗ ở Mỹ; Lớp học tiếng Việt tại Östergötland; Vẫn chia rẽ sâu sắc vì Donald Trump
Người Việt hải ngoại: Hồng Nhung hạnh phúc với bạn trai ở trời Tây; Nghệ sĩ Hoài Thanh du lịch y tế ở Nhật; 2 người bị bắn chết ở Malaysia
Người Việt hải ngoại: Công dân ở Liban an toàn; 31 giờ mắc kẹt ở Thụy Sĩ; Mỹ nhân khuynh đảo phòng vé; Gian lận vé tàu, 2 người bị bắt
Người Việt hải ngoại: Giúp việc cho đại gia Trung Đông; Ăn phở đêm ở Cali; Nữ ca sĩ bị điều tra ở HQ; 4 người làm tại hộp đêm ở Chiba bị bắt
Người Việt hải ngoại: Nơi gìn giữ nguồn cội tại Nhật; Phở khô hút khách Hàn; ‘Sốc’ vì giá bắp cải ở Đài Loan; Tránh mưa tên lửa ở Israel
Người Việt hải ngoại: Tết trung thu tại Anh, Pháp; Nơi học tập của thiếu sinh quân tại Séc; Giải cứu 2 nhà leo núi ở Thụy Sĩ; CLB áo dài ở Séc
Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi
Người Việt hải ngoại: Tổ chức thiện nguyện tại Pháp; Trân trọng nguồn cội; Giải bóng đá tại Hiroshima; Lối sống thời chiến ở Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá