Người Việt hải ngoại: Tết ở Falls Church; Mang xuân đến Bỉ; Đón Tết ở TQ; Tết có mai, bánh chưng; Tấm lòng của nữ DN

NGƯỜI VIỆT Ở FALLS CHURCH (MỸ) HÂN HOAN ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN

(Ảnh minh hoạ).

Người Việt ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ đang hân hoan tận hưởng hương vị Tết Nguyên đán 2023. Cộng đồng người Việt ở thành phố Falls Church (Virginia) cũng náo nức chào đón lễ hội quan trọng nhất trong năm của người dân châu Á tại Mỹ với một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ hơn.

Theo tờ báo địa phương DCist, trong suốt những ngày qua, hàng trăm người Việt sinh sống tại khu đô thị nhỏ nhất của tiểu bang Virginia này đã tập trung tại Trung tâm Eden - nơi từ lâu đã được xem là trái tim của cộng đồng người Việt tại địa phương.

“Tết là thời điểm đánh dấu cho sự sẵn sàng của những khởi đầu mới”, cô Stephanie Trần chia sẻ trong tiếng pháo nổ và những âm thanh rộn ràng của màn múa sư tử chào đón năm Tân Mão. Cũng theo cô gái 16 tuổi này, Tết là thời gian dành cho đoàn tụ và sum họp gia đình, cũng như suy ngẫm một cách nghiêm túc về bản thân.

Lena Phan, một học sinh trung học và là thành viên của đội múa lân chia sẻ về sở thích âm thanh náo nhiệt của những ngày Tết: "Bởi nó giúp xua đuổi tất cả những điều xui xẻo khỏi đời sống của con người”.

Đối với Phan, các hoạt động truyền thống là một cách khác hiệu quả để cô cảm thấy được kết nối với nguồn gốc của mình và từ đó sẽ tiếp nối để truyền lại giá trị truyền thống quý báu đó cho các thế hệ tương lai.

“Cha mẹ chúng tôi, những người đã rời Việt Nam sang Mỹ từ lâu, sẽ cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi chứng kiến những người trẻ như chúng tôi đang cố gắng để gìn giữ và bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương Việt Nam”.

Bên cạnh việc tham gia các tiết mục văn nghệ với những bài hát và điệu múa đậm chất Xuân, chàng trai trẻ Huân Võ còn dựng “cây điều ước” để mọi người viết lên đó những ước vọng cho năm mới.

Năm nay, Huân Võ đặc biệt biết ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt ở đây để có thể thành lập nên Trung tâm Eden - khu thương mại đông đúc của người Việt tại thành phố Falls Church.

“Những người nhập cư đến đây và mang theo những giá trị văn hóa độc đáo của họ. Những người trẻ chúng tôi có nhiệm vụ phát triển và truyền lại những giá trị đó cho thế hệ sau. Và Tết cổ truyền hàng năm là thời điểm tuyệt vời nhất để thực hiện điều đó”, anh nói.

Với ông Eric Nguyễn, người đã sống ở đây gần 50 năm kể từ khi rời Việt Nam thì Tết vẫn luôn là dịp đặc biệt nhất đối với cộng đồng người Việt, nhất là khi ông có cơ hội để chia sẻ truyền thống đầy ý nghĩa của dân tộc Việt Nam với những người đến từ các nền văn hóa khác được biết.

Còn cô bé Elizabeth Doung, ngày Tết là lúc được thưởng thức những món ăn ngon mang đậm phong vị ngày Xuân cùng với gia đình. “Em tự hào là người Việt Nam, nhất là cộng đồng người Việt Nam ở đây luôn là chỗ dựa về tinh thần để thế hệ trẻ chúng em noi theo”, cô bé 11 tuổi nói.

(Nguồn: Thời Đại)

MANG HƠI ẤM CỦA MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG ĐẾN VỜI KIỀU BÀO TẠI BỈ

Trung tâm văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre đã trở thành không gian Tết ấm cúng của cộng đồng người Việt tại Bỉ dịp Năm mới, giúp bà con như được sống trong không khí ngày Tết cổ truyền ở quê hương.

Chiều 22/1, đúng ngày mùng 1 Tết Quý Mão, tại Nhà văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre ở thủ đô Brussels, Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ đã tổ chức Tết Việt với một chương trình nghệ thuật đặc sắc do Đoàn nghệ thuật đến từ Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ kiêm nhiệm Đại Công quốc Luxembourg, kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo, cùng lãnh đạo quận Woluwe Saint-Pierre đã tham dự sự kiện.

Trung tâm văn hóa quận Woluwe Saint-Pierre đã trở thành một không gian Tết ấm cúng của cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ. Cành mai vàng, những trái táo, bưởi được khắc chữ “Chúc mừng năm mới,” hay những chiếc nón lá xinh xắn cũng được trang trí hình ảnh mừng Xuân... trở thành nơi “check-in” của bà con khi đến tham dự chương trình Tết, khiến họ có cảm giác như được sống trong không khí ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Bà con được thưởng thức nhiều món ăn của Việt Nam và đặc biệt đóng góp cho Chương trình “Cơm có thịt” để ủng hộ cho trẻ em vùng cao ở Việt Nam.

Đã thành thông lệ, khi tham dự Tết cộng đồng, ông Cao Văn Sự, người đã 57 năm sống ở Bỉ, đều mặc áo dài nam truyền thống với khăn đống theo đúng phong tục.

Ông Cao Văn Sự cho biết ông và những kiều bào Việt Nam ở Bỉ luôn hướng về Tổ quốc thân yêu. Tết là dịp để bà con được gặp nhau và sẻ chia về cuộc sống. Bước sang năm Quý Mão, ông cầu mong cho thái bình, dân chúng sống bình an và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được gặp nhau vào dịp lễ hội chung của dân tộc.

Chị Lê Thị Kim Hoài, sống ở Bỉ từ hơn 10 năm nay đến sự kiện Tết Việt cùng một cặp vợ chồng người Bỉ. Đây là những người bạn thân của chị và họ rất thích văn hóa Việt Nam, luôn muốn tìm hiểu, khám phá.

Chị Hoài kể rằng chị rất hồi hộp và háo hức vì từ nhiều năm, chị không có điều kiện về Việt Nam nên phải đón Tết xa nhà. Được tham dự Tết Việt chị rất vui vì có dịp để hai con của chị, những đứa trẻ mang 50% dòng máu Việt, thêm hiểu về quê hương, đất nước, đặc biệt là về ngày Tết cổ truyền.

Sau hai năm trầm lắng do dịch bệnh COVID-19, Tết Việt năm nay được Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ tổ chức với sự góp mặt của Đoàn nghệ thuật của Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch Tổng hội khẳng định Tổng hội luôn mong muốn đem không khí Tết cổ truyền dân tộc tới cho đồng bào Việt Nam sống xa Tổ quốc, để họ luôn nhớ về quê hương và tăng cường sự gắn kết giữa bà con người Việt tại Bỉ.

Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn coi trọng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và đó là một bộ phận không thể tách rời, là nguồn lực quan trọng của Việt Nam.

Đại sứ cho biết dù chỉ có hơn 13.000 người nhưng cộng đồng người Việt Nam tại Bỉ hội nhập tốt, tuân thủ luật pháp, được chính quyền sở tại đánh giá cao. Bà con cũng đoàn kết, gắn bó với quê hương, đất nước.

Tết cộng đồng của người Việt với những nét văn hóa đặc sắc như múa lân, màn chúc Tết của các cháu thiếu nhi, mừng tuổi đầu năm… thu hút sự quan tâm của các bạn bè Bỉ và được đánh giá cao.

Bà Gerda Postelmans, Phó Quận trưởng Woluwe-St Pierre cho biết đây là lần đầu tiên được tham dự ngày Tết của Việt Nam, là dịp để bà khám phá một chút văn hóa của người Việt, được hòa mình trong không khí ngày hội của cộng đồng người Việt Nam và điều này thật tuyệt.

Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức nhiều đoàn nghệ thuật đi lưu diễn ở nước ngoài vào dịp Tết nguyên đán để phục vụ kiều bào chưa có điều kiện về quê ăn Tết.

Năm nay, chuyến lưu diễn được nối lại sau hai năm tạm ngừng do dịch bệnh. Mục đích là để kiều bào ở nước ngoài nhớ về ngày Tết của quê hương và truyền thống của dân tộc, hướng tới thế hệ trẻ để họ hiểu hơn về truyền thống đón Tết của quê nhà và những nét văn hóa của quê hương.

Chương trình văn nghệ “Mùa Xuân trên thành phố trẻ” với sự tham gia biểu diễn của nghệ sỹ ưu tú Tạ Minh Tâm, các ca sỹ Dương Quốc Hưng, Đoan Trang, và các nghệ sỹ thuộc Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã mang đến cho bà con kiều bào tại Bỉ những tiết mục đặc sắc, ca ngợi quê hương, đất nước, giúp bà con luôn ghi nhớ dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong tim và luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Nhân dịp này, Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ cũng tổ chức chương trình xổ số Tombola với nhiều giải thưởng hấp dẫn, trong đó giải đặc biệt là một vé máy bay khứ hồi về Việt Nam do Vietnam Airlines tài trợ.

(Nguồn: VTV4)

NHỮNG TRẢI NGHIỆM CỦA DU HỌC SINH LẦN ĐẦU ĐÓN TẾT Ở TRUNG QUỐC

(Ảnh minh hoạ).

Chỉ vừa đặt chân đến Trung Quốc hơn một tháng nên Tết Quý Mão 2023 này, tôi chọn không trở về Việt Nam sum họp cùng gia đình mà dành thời gian đón năm mới cùng bạn bè quốc tế.

Khác biệt giữa tết Trung và tết Việt

Đại học Duke Kunshan là ngôi trường tôi đang theo học. Trải qua cả kỳ mùa thu học trực tuyến, mãi đến mùa xuân năm 2023, tôi mới có cơ hội đặt chân đến trường học trực tiếp để gặp bạn bè. Điều tôi rất thích ở trường là có đông đảo sinh viên đến từ những quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau, tạo cơ hội cho bạn bè chúng tôi được trao đổi và học hỏi văn hóa của nhau.

Những ngày cận tết, tôi nhớ không khí tại Việt Nam rất nhiều bởi “hương vị” tết ở Trung Quốc không được rõ ràng như tôi nghĩ. Chẳng hề có những chợ hoa hay cảnh sắc nhộn nhịp vì các con phố đều im lặng, người ra đường cũng thưa thớt. Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, dù có đông người hơn, nhưng đến 22 giờ, mọi người cũng thưa dần do nhiệt độ hạ xuống đến 2-3 độ C.

Trung Quốc và Việt Nam đều có những hoạt động tương đồng nhau như lì xì, đi chúc tết. Nhưng đa số gia đình lại không chưng quất hay mai, đào như người Việt mà sẽ treo các câu đối đỏ trước cửa nhà.

Trước tết, tôi và các bạn chung khu ký túc xá cùng nhau cắt dán đồ trang trí thủ công. Tôi đã kể rất nhiều cho các bạn về lý do người Việt không chọn con thỏ vào 12 con giáp mà lại chọn con mèo, sau đó còn mở nhạc trẻ Việt. Bạn bè quốc tế đều biết và thích bài hát See Tình của nữ ca sĩ Hoàng Thùy Linh.

Ngoài ra, tôi còn chỉ ra sự tương đồng giữa một số từ trong tiếng Trung và tiếng Việt, chẳng hạn như chữ “Phúc”. Điều này khiến các bạn rất thích thú và hỏi tôi dạy thêm một số từ tiếng Việt.

Những lần đầu đáng nhớ

Vào mùng 2 tết, Hội sinh viên quốc tế Đại học Duke Kunshan đã tổ chức hoạt động gói há cảo. Hơn 20 bạn sinh viên đã tập hợp lại, làm nhân, trộn bột và học gói cùng với nhau. Trong lúc tham gia, tôi đã được bạn Madeline đến từ Mỹ, có mẹ là người Đài Loan, hướng dẫn cách người Đài gói há cảo. Còn khi cán bột, tôi lại được một bạn nữ người Mông Cổ chỉ cách cán bột nhanh của dân tộc họ.

Lần đầu tiên gói há cảo thủ công, tôi thực sự rất háo hức và học được nhiều điều từ các bạn. Dù thành quả của chúng tôi không được xinh xắn như tưởng tượng nhưng mọi người đều tận hưởng nét đẹp truyền thống ngày tết của người Trung Quốc và giây phút bên nhau.

Những ngày gần hết tết, tôi và 2 sinh viên người Malaysia, Morocco được một bạn học Trung Quốc mời về nhà ăn tết. Đây cũng là lần đầu tôi được ăn tết tại gia đình Trung Quốc. Cảm giác thật thân thuộc như đón tết ở Việt Nam.

Ba mẹ của bạn học người Trung rất tử tế, dù không thạo tiếng Anh nhưng họ luôn cố gắng kể những câu chuyện lịch sử thú vị về Côn Sơn, thành phố tôi đang sống và học tập, rồi nhờ bạn tôi dịch ra tiếng Anh. Trong những món ăn được chiêu đãi, tôi thích nhất là cơm bát bảo (八宝饭), được giải thích là chứa đựng những nguyên liệu chỉ sự sung túc, khoẻ mạnh và những điều tốt lành khác trong năm mới.

Có lẽ tết là khoảng thời gian du học sinh nhớ nhà nhất, nhưng với tôi, tết lại mở ra nhiều cơ hội để gặp gỡ nhiều bạn mới và trải nghiệm những nét văn hoá khác nhau.

(Nguồn: Thanh Niên)

TẾT CÓ MAI ĐÀO, BÁNH CHƯNG Ở TRỜI TÂY CỦA GIA ĐÌNH VIỆT

Mấy chục năm xa quê, anh Lê Văn Vinh vẫn giữ gìn bản sắc Việt thông qua việc ăn Tết cổ truyền đúng phong tục.

Đón giao thừa giữa trời Tây

Một cái Tết ấm áp lại vừa trôi qua với gia đình anh Lê Văn Vinh (53 tuổi) ở giữa xứ lạnh Anh quốc. Mỗi dịp Tết, anh lại có thời gian lật mở ký ức Tết xưa sau hơn 30 năm xa quê.

Anh Vinh nhớ những ngày còn thiếu thốn, đám trẻ nghèo như anh luôn trông ngóng Tết. Bởi, chỉ dịp Tết, trẻ con mới được ăn mấy món ngon như bánh chưng, thịt đông, mứt…

Cái Tết gần nhất anh Vinh về Việt Nam đã cách đây 3 năm. Mùa hè 2022, sau khi dịch bệnh tạm ổn, anh Vinh tranh thủ về thăm quê nên Tết này đành lỗi hẹn.

Sống giữa trời Tây, anh Vinh lại chú trọng tết Nguyên đán hơn là tết Dương lịch. Để có Tết trọn vẹn, anh thường chuẩn bị hoa đào hoa mai, cây mơ, cây quất… và nhiều món ăn đặc trưng.

Những năm đầu, anh Vinh gặp nhiều khó khăn khi trồng mai đào, cây quất… ở vùng thời tiết lạnh giá. Thế nhưng, sau nhiều lần rút kinh nghiệm, ông bố Việt trồng thành công và ép các loại cây này ra hoa đúng dịp Tết.

Anh còn mạnh dạn chia sẻ các trải nghiệm và cách trồng mai, đào ở xứ lạnh trên kênh YouTube. Nhiều người Việt xa quê rất hứng thú và học hỏi kinh nghiệm từ anh.

Ngoài hoa trái, anh Vinh còn chuẩn bị những món ăn ngày Tết như: giò chả, bánh chưng, thịt đông, muối dưa hành… Hơn 10 món ngon được bày biện đầy đủ trên mâm cỗ cúng Tết.

Anh Vinh chia sẻ: “Tết ở trời Tây khác Việt Nam một chút. Do phải mưu sinh nên cộng đồng người Việt chỉ hẹn nhau vào ngày nghỉ để cùng ăn Tết, chứ không vui Tết đúng như truyền thống.

Khoảng thời gian quây quần bên nhau, chúng tôi đều cố gắng chia sẻ văn hóa ngày Tết cho thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài”.

Bên cạnh việc ăn Tết chung cùng cộng đồng người Việt, anh Vinh cố gắng giữ đúng phong tục, nét đẹp ngày Tết trong gia đình. Anh thực hiện đầy đủ các thủ tục cúng bái: ông Công ông Táo, giao thừa, mùng 1, mùng 2, mùng 3…

Ban thờ đêm giao thừa giữa trời Tây của anh Vinh có đủ mâm ngũ quả, gà luộc, hơn 10 món ngon truyền thống. Nén hương thơm dâng lên tổ tiên, ngưỡng vọng về quê hương khiến kẻ xa quê ấm lòng.

Tết ở đâu cũng không bằng về nhà

Mấy chục năm trước, công nghệ thông tin chưa phát triển, mỗi dịp Tết anh Vinh đều viết thư tay hỏi thăm bố mẹ. Lúc này, ẩm thực Việt chưa phổ biến nên gia đình anh đành dùng tạm vài món ăn của các nước.

Hiện tại, việc ăn Tết của người Việt ở nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Công nghệ thông tin kết nối rộng khắp, người xa quê có nhiều thời gian trò chuyện cùng người thân, nhất là vào dịp Tết.

Việt Nam hội nhập mang đến cơ hội cho người Việt sống ở nước ngoài tiếp cận được các sản phẩm quê hương. Trong đó, các loại hàng hóa phục vụ Tết cổ truyền được Việt kiều đón nhận rất nồng nhiệt. Mùa Tết, các siêu thị người Việt bán đủ loại bánh mứt, giò chả, bánh chưng, đào, quất…

“Những Việt kiều không có thời gian chuẩn bị Tết thì dễ dàng hòa vào không khí Tết cổ truyền bằng cách mua sắm. Riêng tôi lại thích tự tay chuẩn bị cây trái, mâm cỗ dâng lên tổ tiên. Thế nên, ngoài thời gian đi làm, tôi thường tận dụng buổi sáng và tối để làm mứt, muối dưa hành…”, anh Vinh cho biết.

Hàng năm, con cháu của anh Vinh đang sống ở Anh đều quây quần gói bánh chưng, làm giò chả, nấu xôi, làm măng khô, muối dưa chua… Anh Vinh còn chuẩn bị áo dài Tết cho mình và các thành viên trong gia đình.

Ngày đầu năm mới, ông bố Việt mặc áo dài lì xì cho các con, cháu nhỏ. Các bé nhận lì xì đều tròn xoe mắt ngạc nhiên, hỏi tại sao lại được nhận tiền. Sau khi nghe giải thích về phong tục ngày Tết, các bé rất vui sướng.

Trong không khí Tết rộn ràng trên quê hương, người Việt xa xứ nôn nao muốn về đoàn viên cùng bố mẹ, người thân.

“Dù sống ở bất cứ quốc gia nào, Việt Nam vẫn là nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên. Chúng tôi dễ dàng có Tết nơi xứ người nhưng không khí Tết thực sự chỉ trọn vẹn khi được về quê hương”, anh Vinh tâm sự.

(Nguồn: Vietnamnet)

TẤM LÒNG CỦA NỮ NHÀ VĂN, DOANH NHÂN GỐC VIỆT VỚI TRẺ EM NGHÈO

(Ảnh minh hoạ).

Người phụ nữ đó là bà Isabelle Muller, một nhà văn nổi tiếng, một doanh nhân thành đạt ở Đức.

Hơn 6 năm qua, một người phụ nữ gốc Việt đã vượt qua những con đường lầy lội, hiểm trở, xa xôi ở miền núi phía Bắc để tới giúp đỡ các em nhỏ khó khăn.

Dù xa quê nhưng trái tim vẫn luôn hướng về cội nguồn. Bà Isabelle Muller luôn đau đáu tâm niệm phải làm cách nào đó để đóng góp cho quê hương mình, dù có khó khăn đến đâu. Hành trình đó bắt đầu với những em nhỏ tại Hà Giang.

Trong lúc gia đình em Thành gặp khó khăn nhất, bà Isabelle Müller đã dành tình yêu thương chia sẻ, hỗ trợ tiền ăn học cho các em đến lúc 18 tuổi. Giờ đây nhà Thành đã không phải ăn mèn mén nữa mà bữa ăn đã đầy đủ hơn, mua được bò, có xe máy đưa các em đến trường.

Không chỉ giúp đỡ gia đình Thành mà Quỹ Loan do bà Isabelle Muller sáng lập và là Trưởng đại diện đã đồng hành, giúp đỡ hơn 2.000 bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Hàng trăm học bổng và hàng nghìn cuốn sách đã được quỹ Loan trao tặng cho học sinh tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Việt Nam, đặc biệt với hoạt động ý nghĩa là xây dựng trường bán trú cho các em học sinh. 7 ký túc xá và nhà bán trú, 12 trường học đã được xây dựng.

Bà Isabelle Muller - Sáng lập & Trưởng đại diện Quỹ Loan Stiftung chia sẻ: "Ngày trước, mẹ tôi đã rất khao khát được học chữ nhưng không thực hiện được. Chính mẹ đã nói với tôi khi có đầy đủ tiền bạc hãy quay trở về và đóng góp cho quê hương Việt Nam, đặc biệt là giáo dục. Đây là điều mong ước lớn trong đời mẹ và tôi hứa tôi sẽ làm được điều đó. Tôi tự hào nói rằng mình có dòng máu Việt. Tôi có một tâm hồn Việt".

Những nỗ lực của bà Isabelle Muller cũng cho cho cho thấy dù sinh ra ở đâu, hình dáng, màu da như thế nào, chỉ cần có trong mình dòng máu Việt, thì trái tim sẽ luôn hướng về Việt Nam và đóng góp cho quê hương.

(Nguồn: VTV)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Xa quê nhớ Tết nhà; Tết hoài niệm; 3 nạn nhân buôn người ở Anh; Giáo viên được vinh danh ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang