Người Việt hải ngoại: Tấm lòng trên đất Campuchia; Giải bóng đá ở Moskva; Cô bé gây sốt ở TQ; Nhà văn giảng dạy tại Harvard

Tấm lòng người Việt trên đất nước Campuchia

(Ảnh minh họa).

“M'Đai Trinh” tức mẹ Trinh, là cách mà nhiều người ở một phum lao động nghèo và trẻ mồ côi gọi bà Dương Băng Trinh - một Việt kiều đang sinh sống ở vùng ngoại ô thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.

Điều đặc biệt là “mẹ Trinh” hoàn cảnh cũng khó khăn không kém. Thế nhưng bà lại sẵn sàng bao bọc, làm mẹ nuôi của hàng chục đứa trẻ mồ côi và đã mở ra hàng loạt lớp học xóa mù chữ cho trẻ em trong vùng.

Rất tình cờ, trong chuyến công tác của nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) về SEA Games 32 trên đất nước chùa tháp Campuchia, chúng tôi đã gặp gỡ người phụ nữ có tấm lòng bao dung, đôn hậu đó.

“Lớp học hạnh phúc” trên… bãi rác

Qua giới thiệu của Hội người Khmer Việt Nam tại Campuchia, chúng tôi bắt xe tuk-tuk tìm đến nhà bà Dương Băng Trinh ở phum Kva, xã Xăm Kát, quận Dankeo, thuộc ngoại ô thủ đô Phnom Penh. Vượt hơn 15km, len lỏi qua nhiều ngõ ngách, hiện ra trước mắt chúng tôi là các ngôi nhà tạm trên một bãi rác rộng vài héc-ta. Từ xa đã nghe văng vẳng tiếng ê a của một lớp học cũng được dựng lên tạm bợ như chính các ngôi nhà ở phum lao động nghèo. Đó chính là “lớp học hạnh phúc” do bà Trinh tự mở và đứng lớp ngay cạnh ngôi nhà mà gia đình bà sinh sống.

Lớp học hiện có khoảng 20 trẻ em đủ các lứa tuổi tham gia theo học, trong đó có những em còn lấm lem bùn đất đang chăm chú nghe “mẹ Trinh” giảng bài. Và đây không phải lớp học duy nhất mà đã là lớp thứ 5 do bà Trinh gầy dựng trong hàng chục năm qua, sau khi bà quyết định định cư lâu dài tại đất nước Campuchia.

Nói về động lực để mở nhiều lớp học tình thương xóa mù chữ như vậy, người phụ nữ đã gần 60 tuổi bộc bạch: Trước khi qua đây, tôi từng tốt nghiệp đại học văn khoa - Sài Gòn. Mình có chút kiến thức mà thấy trẻ em người Việt mù chữ nhiều quá, thế là tôi liền mở lớp dạy chữ cho các em. Trước khi có lớp học này, do cuộc sống mưu sinh, tôi cũng đã ở nhiều nơi khác rồi. Đi đâu tôi cũng mở lớp học tình thương cho các em. Đây là lớp học thứ 5 và đã có hàng trăm em theo học. Tâm nguyện của tôi là không muốn người Việt nào sinh sống ở Campuchia mù chữ.

Cảm kích trước tấm lòng của bà Trinh về việc mở lớp xóa mù chữ cho trẻ em lao động nghèo, anh Đoàn Hiếu, người cũng sinh sống ở phum Kva cho biết: Khi còn nhỏ, mới qua đây, tôi cũng nhờ mẹ Trinh mà biết chữ. Nay con tôi cũng vậy, nó được học chữ là nhờ mẹ Trinh. Ở đây toàn lao động nghèo, cuộc sống còn bữa đói bữa no thì lấy tiền đâu cho con đi học. Không có lớp học của mẹ Trinh thì tụi nhỏ chắc mù chữ cả đời.

Người mẹ nghèo của trẻ mồ côi

Không chỉ dạy học không công cho trẻ em nghèo, bà Trinh còn dang rộng vòng tay nhận trẻ em mồ côi về nuôi dưỡng như chính những đứa con mình rứt ruột sinh ra… 3 cô con gái đang sinh sống cùng vợ chồng bà trong căn nhà tạm ở xóm lao động nghèo cũng chính là những đứa con nuôi mà bà từng cưu mang. Trong đó, Sophin - cô con gái lớn nhất vừa tốt nghiệp đại học bằng chính mồ hôi, công sức và cả nước mắt của người mẹ nghèo vốn không cùng máu mủ.

Khi nói về người mẹ có tấm lòng bao dung, đầy tình yêu thương của mình, Sophin không giấu được cảm xúc với giọng nghẹn ngào: Em là đứa trẻ bị bỏ rơi. Quả thật nếu không có mẹ Trinh dang tay chở che, đùm bọc thì em không biết sẽ ra sao… Dẫu không sinh thành nhưng sự quan tâm, yêu thương mà mẹ dành cho em là vô bờ bến. Em được học hành tử tế là công sức của mẹ. Suốt cuộc đời này, em sẽ khắc cốt ghi tâm mối ân tình với ba mẹ nuôi của em.

Nghe người chị tâm sự, cô em Mary năm nay 16 tuổi, khá lanh lợi liền bộc bạch với chúng tôi như muốn tôn thêm tấm lòng bao la của mẹ Trinh đối với mình: “Con lớn lên không biết cha mẹ ruột của mình là ai, con chỉ biết mẹ Trinh. Mẹ thương tụi con, cho tụi con ăn học đầy đủ. Sau này lớn lên con sẽ cố gắng sống tốt, đi làm kiếm tiền để trả hiếu cho ba mẹ”.

Khi chúng tôi thắc mắc, với một gia cảnh nghèo, bôn ba mưu sinh đủ nghề thì lấy gì để nuôi hàng chục đứa con nuôi như vậy, đó là chưa kể còn phải dành thời gian dạy xóa mù chữ ở lớp học hạnh phúc, bà Trinh mở lòng: “Tôi thấy trẻ mồ côi, lang thang nhiều quá, vì thương tụi nó nên mang về nuôi. Để có tiền nuôi tụi nó, tôi làm đủ thứ, từ nấu sữa đậu nành, bán chả bò, chả cá ở các bến phà, nhặt ve chai… không việc gì là không làm, miễn không vi phạm pháp luật. Thêm nữa, cũng phải cảm ơn Hội người Khmer Việt Nam ở đây, có quà từ thiện gì cũng ưu ái cho tôi nuôi mấy đứa nhỏ. Lúc đầu khó khăn và chật vật lắm, nhưng sau đó, cứ đứa lớn đi làm lo cho đứa nhỏ hơn để phụ tôi, nên nay cũng bớt vất vả rồi”.

Tấm lòng bà Trinh bao dung, độ lượng như vậy, thế nhưng gia cảnh bà cũng không khác nhiều gia đình Việt kiều nghèo ở xóm lao động này. Hiện mảnh đất và căn nhà tạm bà sinh sống cũng đang thuê của người khác vốn là bãi rác của địa phương. Đã thế, hoàn cảnh khó khăn lại như muốn thử thách, trêu ngươi người phụ nữ tốt bụng khi chồng bà vừa phải mổ căn bệnh đau bao tử hành hạ nhiều năm qua, giờ cũng trông cậy hoàn toàn vào sự chăm sóc của bà.

Cuộc sống vốn bộn bề khó khăn, thế nhưng “mẹ Trinh hay ngoại Trinh” (theo cách gọi của người dân nơi đây - PV), luôn cố gắng vượt qua để san sẻ, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cũng từ đó, tấm lòng thơm thảo của người Việt nơi đất khách càng thêm lan tỏa.

(Nguồn: Báo Bình Phước)

Khai mạc một trong những giải bóng đá sôi động nhất của cộng đồng người Việt ở Moskva

Chiều 3/5 tại sân vận động “Công viên Bratislava” ở thủ đô Moskva đã diễn ra lễ khai mạc Giải bóng đá của cộng đồng người Việt Nam ở Trung tâm thương mại (chợ) Sadovod - “Sadovod League 2023”.

Đây là năm thứ ba liên tiếp cộng đồng người Việt Nam tại chợ Sadovod, một trong hai khu trung tâm thương mại khổng lồ có đông người Việt Nam kinh doanh buôn bán nhất ở thủ đô Moskva, phối hợp với ban quản lý chợ tổ chức giải bóng đá dành cho người Việt.

Tham dự lễ khai mạc có ông Aleksei Anatolievich Negashev, Trưởng ban điều hành chợ Sadovod; Trưởng ban công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Tham tán Công sứ Lê Quang Anh; ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Bí thư Đảng ủy tại LB Nga; ông Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga; đại diện các hội đoàn người Việt Nam tại LB Nga, đông đảo bà con đang kinh doanh tại chợ Sadovod.

Sau lễ chào cờ, thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Tham tán Công sứ Lê Quang Anh phát biểu và chúc cho giải đấu thành công tốt đẹp. Ông Lê Quang Anh cũng bày tỏ mong muốn cho bà con người Việt đang kinh doanh tại chợ Sadovod tiếp tục làm ăn giỏi, làm từ thiện giỏi và tích cực đóng góp cho phong trào thể thao, văn hóa của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, thay mặt ban lãnh đạo chợ Sadovod, ông Aleksei Negashev cho biết giải bóng đá là lễ hội của người Việt Nam tại chợ Sadovod và cho rằng khán đài sẽ đầy ắp khán giả đến cổ vũ vì các cầu thủ đã rất tích cực luyện tập để chứng tỏ rằng tiểu thương Việt Nam ở chợ Sadovod không chỉ kinh doanh “mà còn đoàn kết trong thể thao, kết bạn và chiến thắng trên sân cỏ”.

Về phần mình, ông Trần Phú Thuận - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại LB Nga khẳng định giải bóng đá của người Việt ở chợ Sadovod đang ngày càng thu hút đông đảo người tham gia. Cần lưu ý rằng Sadovod League 2023 là một trong những giải bóng đá sôi động nhất của cộng đồng người Việt Nam tại LB Nga, và cũng là giải bóng đá mở màn cho mùa giải truyền thống với hàng loạt giải bóng đá sôi động của người Việt Nam vào thời gian hè.

Tham gia giải Sadovod League năm nay có 6 đội bóng với khoảng 120 vận động viên, gồm FC “Korpus B”, FC “Pavilion”, FC “Thanh niên Moskva”, FC “Phụ liệu”, FC Bắc Giang, FC “Korpus A”. Giải sẽ diễn ra trong vòng 1 tháng, các đội chia làm 2 bảng, thi đấu theo thể thức vòng tròn để chọn ra 4 đội dẫn đầu vào thi đấu bán kết; đội thắng trong hai trận bán kết sẽ đá trận chung kết. Ngay sau lễ khai mạc, trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả đã diễn ra 2 trận đấu sôi động, cân sức cân tài giữa đội FC “Korpus B” và FC “Thanh niên Moskva”; FC “Pavilion” gặp FC Bắc Giang.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

Cô bé 6 tuổi người Việt “gây sốt” ở Trung Quốc, thần thái catwalk đỉnh cao như siêu sao

(Ảnh minh họa).

Dù mới 6 tuổi, Emily Nhã Uyên đã vượt qua nhiều mẫu nhí từ Tây Ban Nha, Trung Quốc... để chiến thắng giải thưởng "Người mẫu nhí xuất sắc nhất tại Shanghai International Kids Fashion Week".

Emily Nhã Uyên được đạo diễn thời trang Nguyễn Hưng Phúc dẫn sang Thượng Hải, Trung Quốc để lần đầu tiên tham dự Shanghai International Kids Fashion Week. Đây là tuần lễ thời trang dành cho trẻ em đầu tiên và uy tín bậc nhất Trung Quốc. ‏

‏Sự kiện được tổ chức hai mùa mỗi năm, với sự tham gia của hàng chục nhà thiết kế, thương hiệu, đa phần thuộc thị phần cao cấp, đến từ bản địa và nhiều nước châu Á, Âu, Mỹ khác. Năm nay, tuần lễ diễn ra từ 28 đến 30/4, tại trung tâm Xintiandi Commercial.‏

‏Tại sự kiện diễn ra trong ba ngày, Emily Nhã Uyên là mẫu nhí duy nhất được chọn diễn cho bốn bộ sưu tập, đến từ các nhà thiết kế của Nhật Bản, Mông Cổ, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Mẫu nhí thể hiện sự biến hoá đa dạng trên sàn diễn khi cực "ngầu" với suit màu sắc, lúc đáng yêu với váy babydoll, lúc thần thái cùng những mẫu trang phục lấy cảm hứng từ quần áo dân tộc của Mông Cổ. ‏

‏Mỗi khi xuất hiện, mẫu nhí 6 tuổi nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả xứ Trung với những bước catwalk chuyên nghiệp, khả năng biểu cảm tốt.‏

‏Kết thúc tuần lễ, Emily Nhã Uyên vượt qua top 4 đến từ Mỹ, Trung Quốc, Mexico và Tây Ban Nha để giành giải thưởng "Người mẫu nhí xuất sắc nhất tại Shanghai International Kids Fashion Week" do chủ tịch tuần lễ và các nhà thiết kế bình chọn.‏

‏Ông Andy Zhou, Nhà sáng lập & Chủ tịch Shanghai International Kids Fashion Week - Tuần lễ thời trang trẻ em quốc tế Thượng Hải, cho biết: "Emily Nhã Uyên là một cô bé rất xinh xắn, chuyên nghiệp, có thần thái biểu diễn như một ngôi sao trên sân khấu. Điều chúng tôi thích nhất là Emily rất thông minh, nắm bắt nhanh yêu cầu của đạo diễn và nhà thiết kế khi catwalk. Nhiều bạn nhỏ không nhớ tuyến đi, chính Emily đã chỉ bảo, giúp các bạn hoàn thành phần trình diễn. Trước đây, chúng tôi chủ yếu tập trung vào các người mẫu bản địa. Tuy nhiên đến mùa mốt năm nay, chúng tôi muốn mở rộng sự phát triển hơn nữa, đến nhiều nước ở các châu lục."‏

‏Đạo diễn Nguyễn Hưng Phúc, đảm nhiệm vai trò đạo diễn catwalk cho Shanghai International Kids Fashion Week, đồng thời cũng là thầy dạy catwalk cho Emily Nhã Uyên, ghi nhận sự cố gắng của mẫu nhí 6 tuổi. ‏

‏"Con còn rất nhỏ, tính cách rất vô tư nhưng khi vào công việc, con lại rất chuyên nghiệp. Dù mệt mỏi vì lịch trình dày đặc, sự thay đổi thời tiết, múi giờ... nhưng Emily Nhã Uyên không hề than vãn", đạo diễn Nguyễn Hưng Phúc cho biết. Anh cũng đánh giá cao khả năng cảm nhạc, bước theo nhịp điệu của Emily trên sân khấu.‏

‏Theo nam đạo diễn, việc catwalk ở tuần lễ thời trang trẻ em không dễ như nhiều người nghĩ. Trên đường băng, các người mẫu phải đi theo nhiều tuyến như tạo thành hình tròn, tạo hình chữ U, đi chéo hình chữ X... Các mẫu nhí vì vậy phải lắng nghe rất kỹ ý tưởng của đạo diễn, nhà thiết kế sau đó đi đúng tuyến như đã duyệt ban đầu. Bằng kinh nghiệm và sự tự tin, Emily Nhã Uyên hoàn thành xuất sắc các phần trình diễn. ‏

‏Mẫu nhí sinh năm 2017 học catwalk từ năm 4 tuổi, từng tham gia lớp mẫu nhí Pinkids của đạo diễn Nguyễn Hưng Phúc trong hơn một năm, sau đó thường được chọn biểu diễn trong các show thời trang trẻ em. Nhiều lần được giao thể hiện những mẫu trang phục cồng kềnh, phụ kiện phức tạp nhưng Nhã Uyên không bị làm khó. Cô nhóc thường diễn mặt lạnh trên sàn runway, phong thái được khen không kém các đàn chị. ‏

‏Ngoài việc học tập tại trường quốc tế, Nhã Uyên phát triển khả năng catwalk để có thể theo đuổi nghề người mẫu trong tương lai. Hồi tháng 1 năm nay, mẫu nhí 6 tuổi gây "sốt" với màn catwalk hút 60 triệu lượt xem trên TikTok, khi biểu diễn cho một nhà thiết kế Singapore tại sự kiện Asian Kids Fashion Week. Trong cùng sự kiện, cô nhóc cũng được báo Ấn Độ khen ngợi với phần trình diễn cho một nhà thiết kế Ấn Độ.

(Nguồn: CafeF)

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt giảng dạy tại Harvard

Chia sẻ trên mạng xã hội, nhà văn gốc Việt cho biết ông sẽ có 6 bài giảng tại Đại học Harvard trong học kỳ từ mùa thu 2023 đến mùa xuân 2024.

Nguyễn Thanh Việt sẽ tiếp nhận giảng dạy chuỗi bài giảng Charles Eliot Norton về Thơ, bắt đầu ngày 19/9.

Vào học kỳ 2009-2019, nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamuk cũng đã tiếp nhận vị trí này. Một số tên tuổi nổi bật khác từng giảng chuỗi bài Norton là nhà văn Toni Morrison, nhạc sĩ Herbie Hancock, đạo diễn Agnès Varda...

Bài giảng Charles Eliot Norton về Thơ là chuỗi bài giảng được áp dụng từ năm 1925. Đây là chuỗi bài giảng ưu việt của Harvard về nghệ thuật và nhân văn. Các bài giảng này ghi nhận những cá nhân có tài năng phi thường trong diễn đạt và thuật ngữ "thơ ca" được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả cách diễn đạt thơ bằng ngôn ngữ, âm nhạc hay mỹ thuật.

Những bài giảng Norton trước đây đã phân tích chất thơ qua góc nhìn của các tên tuổi như T.S. Eliot, Jorge Luis Borges, Leonard Bernstein, Czeslaw Milosz, John Cage và Nadine Gordimer.

Chia sẻ về việc giảng dạy tại Harvard lần này, nhà văn Nguyễn Thanh Việt cho biết ông cảm thấy hơi e ngại khi biết về danh sách các vĩ nhân từng giảng dạy tại đây, cảm thấy vị trí này được trao cho mình hơi sớm. Dù vậy, ông sẽ nỗ lực hết mình. Ông mong ngóng được gặp lại những người bạn ở Cambridge và Boston vào năm học tới.

Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) sinh năm 1971, là một nhà văn người Mỹ gốc Việt. Tiểu thuyết đầu tay của ông, The Sympathizer, đã được trao nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016.

(Nguồn: Zing News)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang