Người Việt hải ngoại: Sống giữa bão tuyết; Giải bóng mừng xuân; Từ thiện ở Nga; Tranh tài bóng bàn; Đối phó khủng hoảng ở EU

NGƯỜI VIỆT GIỮA BÃO TUYẾT Ở MỸ: GIÓ MẠNH RUNG NHÀ, TUYẾT LẤP KÍN CỬA

(Ảnh minh hoạ).

Chia sẻ với Zing, nhiều người Việt đang sống tại Mỹ lo ngại trước đợt lạnh hiếm thấy do ảnh hưởng của bão tuyết lịch sử. Họ mong mọi chuyện sớm qua đi.

“Tôi ở trong căn hộ mà thấy nhà rung mạnh, cảm tưởng như đang trong trận bão cát vậy. Ngày nào tôi cũng cầu mong cho bão chóng qua. Bạn của tôi ở khu nhà sinh viên phía nam bị cắt điện hơn một ngày, phải mặc nhiều quần áo và bật bếp để sưởi ấm”, Trịnh Vi - sinh viên ở hạt Amherst, phía bắc thành phố Buffalo - kể với Zing vào khoảng 23h ngày 25/12 (giờ địa phương).

Trong những ngày cơn bão hoành hành, chị Vi cho biết mình không gặp phải tình trạng mất điện và sưởi do sống tại căn hộ của trường. Tuy nhiên, chị vẫn có cảm giác lo sợ trước cơn bão tuyết có cường độ mạnh hiếm thấy.

Trong khi đó, khu vực nơi chị Quỳnh Đặng sống ở phía nam Long Island - cách trung tâm Manhattan gần một tiếng lái xe - không có tuyết nhưng gió vẫn giật mạnh và nhiệt độ xuống thấp.

“Hôm 23/12 gió giật rất mạnh. Đến trưa 24/12 thì ứng dụng dự báo thời tiết có ghi là -18 độ C, cảm nhận như -25 độ C”, chị nói. Với 9 năm trải qua mùa đông ở khu vực xung quanh thành phố New York, chị Quỳnh cho biết chỉ có 2 năm là nhiệt độ xuống -25 độ C khoảng vài ngày vào cuối tháng 1.

“Năm nào Buffalo cũng bị bão tuyết nặng nhất tiểu bang. Nhưng năm nay bão tuyết đến sớm một tháng và nhiều người thiệt mạng”, chị nói thêm.

Bão tuyết hôm 23/12 trải dài từ Canada và tiến xa về phía nam tới tận Rio Grande, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng trên toàn nước Mỹ. Khoảng 60% dân số Mỹ phải đối mặt với những lời khuyên hoặc cảnh báo liên quan đến thời tiết khắc nghiệt. Nhiệt độ giảm mạnh từ phía đông dãy núi Rocky đến vùng núi Appalachia, theo Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ.

Khu vực xung quanh Buffalo, ở ngoại ô New York, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Hôm 26/12, Buffalo ghi nhận 25 người chết. Những người thiệt mạng được tìm thấy trong ôtô, các căn nhà và những đống tuyết bên đường, trong đó một số người đã qua đời khi đang dọn tuyết.

Dù đã quen với cái lạnh sau nhiều năm sống ở Mỹ, nhiều người Việt khác cũng phải chật vật trước ảnh hưởng của cơn bão tuyết lịch sử này.

Không mở được cửa vì tuyết lấp kín

Trước đó, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo với cơn bão ngày 23/12, Buffalo trải qua trận bão tuyết “nguy hiểm đến tính mạng”, “rất hiếm gặp” và “làm tê liệt” thành phố.

Theo NWS, vào sáng 25/12, tuyết đã dày thêm 0,3-0,9 m. Don Paul, nhà khí tượng học của CBS tại Buffalo, cho biết trong 38 năm sống tại khu vực này, ông chưa từng chứng kiến trận bão tuyết tương tự.

“Trận bão tuyết năm 1985 đã làm tê liệt thành phố, nhưng (cơn bão lần này) mới là tồi tệ nhất”, ông viết. “Cơn bão năm 1985 có sức gió giật trên 50 km/h. Cơn bão lần này có sức gió trên 65 km/h, có lúc trên 70 km/h. Đó là con quái vật”.

Chị Vi cho biết bản thân tuân thủ cảnh báo của chính quyền địa phương và tích trữ nhu yếu phẩm đủ cho 2 tuần trước khi cơn bão tiến vào thành phố.

“Chính quyền bang ban bố tình trạng khẩn cấp và khuyến cáo người dân không ra đường. Mọi người cũng được khuyến cáo chuẩn bị đồ dùng thiết yếu muộn nhất một ngày trước khi xảy ra bão tuyết và phải chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm dự trữ cho 2 tuần”, chị chia sẻ.

Chị Vi cho biết hầu hết đều ở trong nhà 3 ngày bão. “Đến ngày thứ 4, sáng dậy không mở được cửa vì tuyết dày lấp kín”, chị nói thêm.

Tuy cường độ của cơn bão đã giảm xuống, chị Vi nói bản thân vẫn đang mắc kẹt tại khu nhà do tình trạng tuyết rơi dày. “Tôi vẫn bị mắc kẹt trong nhà. Chỉ mong mấy ngày nữa trời nắng tuyết sẽ tan, mọi thứ trở lại như bình thường”, chị Vi cho biết.

Trong căn hộ tại trường của chị Vi, phần lớn sinh viên bản địa đã về nhà khi học kì kết thúc vào ngày 17/12 nên chủ yếu chỉ còn du học sinh. “Rất may các bạn đều đã ở Mỹ khá lâu nên không quá sợ hãi lần bão tuyết này. Tuy nhiên, mọi người bất ngờ vì ở New York cũng có thể mất điện diện rộng lâu như vậy”, chị chia sẻ.

Với chị Quỳnh, do chủ động theo dõi ứng dụng dự báo thời tiết, nên chị đã biết trước một tuần thời tiết sẽ lạnh tới vậy. “Tôi đã dời lại các cuộc hẹn để tránh ra đường hôm 23 và 24/12”, chị nói. “Nếu cần ra ngoài, tôi sẽ mặc nhiều lớp, giữ ấm da mặt, ngón tay, ngón chân để tránh bỏng lạnh”.

Trong khi đó, dù không sinh sống trong khu vực nơi cơn bão tuyết “quái vật” trực tiếp quét qua, anh Đức Anh - người Việt đang sinh sống tại bang Tennessee - vẫn cảm nhận rõ ảnh hưởng.

“Ở khu vực tôi sống đã có 1-2 người chết vì lạnh. Các chuyến bay bị hủy rất nhiều. Tôi đã quen với cái lạnh tại New York nên cũng không quá bất ngờ. Tuy nhiên, trong đợt lạnh này người dân phải sử dụng lượng điện lớn để sưởi ấm, nên khu vực đang bị thiếu điện”, anh Đức Anh cho hay. Do vậy, chính quyền đang yêu cầu người dân hạn chế việc sử dụng điện, anh cho biết.

Chị Quỳnh cũng tính tới trường hợp mất điện. “Nhà tôi hiện may mắn không bị mất điện. Tối 23/12 gió giật mạnh, tôi có lường đến trường hợp mất điện vài tiếng. Nếu mất điện lâu hơn, chắc tôi sẽ sang ở nhờ nhà người quen”, chị nói thêm.

Ngoài ra, chị Quỳnh nói do gần bờ sông, sáng 23/12, nước dâng lên ngập một đoạn đường quan trọng nên giới chức địa phương đã đóng đường nửa ngày để sửa chữa: “Nhiều chỗ ở hạt Nassau cũng bị ngập tương tự”.

Kế hoạch đón Giáng sinh đổ bể

Anh Đức Anh chia sẻ thời tiết khắc nghiệt bất ngờ làm ảnh hưởng đến kế hoạch trong dịp lễ Giáng Sinh. 3 ngày trước, anh định đi Canada nhưng vì thời tiết quá lạnh, và hàng nghìn chuyến bay bị hoãn, anh đã phải dừng kế hoạch này.

Nhiều tỉnh của Canada giáp biên giới với Mỹ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn Vancouver, Quebec. “Trong đợt bão này, tai nạn giao thông cũng xảy ra nhiều hơn do đường trơn trượt, gây ách tắc, kẹt xe”, anh Đức Anh cho hay.

Anh Đức Anh chia sẻ bản thân có chút không vui khi nhiều kế hoạch Giáng Sinh bị hủy, tuy nhiên anh nhận thấy đây là quyết định đúng đắn. “Bão tuyết mạnh và khó lường, nên việc đi lại sẽ không an toàn”.

Giống với nhiều người Việt khác đang sống trong khu vực chịu ảnh hưởng, anh Đức Anh cho biết bản thân không muốn tình trạng bão tuyết kéo dài. “Hết tuần này tôi sẽ quay trở lại làm việc. Nếu thời tiết cứ lạnh như vậy sẽ khiến mọi thứ khó khăn hơn, vì không ai muốn ra khỏi nhà cả”, anh nói.

Còn với chị Vi, tuy cuộc sống có gặp nhiều khó khăn trong những ngày qua, cộng đồng du học sinh người Việt tại Mỹ vẫn luôn đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau.

“Chúng tôi vẫn hỏi thăm tin tức của nhau và sẵn sàng giúp đỡ khi cần thiết, nhưng không phải chỉ mỗi người Việt. Những người yêu cầu trợ giúp trên mạng xã hội đã được nhiều người hỗ trợ như cho ở nhờ nhà”, du học sinh này nói.

(Nguồn: Zing News)

SÔI NỔI GIẢI BÓNG ĐÁ CHÀO MỪNG XUÂN QUÝ MÃO CỦA NGƯỜI VIỆT Ở MALAYSIA

Tham dự giải đấu có 5 đội bóng đến từ thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor, hầu hết các cầu thủ là lao động, công nhân Việt Nam đang làm việc tại Malaysia trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, nhằm tăng cường giao lưu, xây dựng cộng đồng gắn kết, ngày 25/12, Ban chấp hành Cộng đồng người Việt Nam tại bang Selangor (Malaysia) đã tổ chức giải bóng đá nam mở rộng lần thứ 2 - Chào xuân Quý Mão 2023 tại Trung tâm thể thao Rean Sport Arena, Klang, Selangor.

Tham dự giải đấu có 5 đội bóng đến từ thủ đô Kuala Lumpur và bang Selangor. Hầu hết các cầu thủ là lao động, công nhân Việt Nam đang làm việc tại Malaysia trong nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam tại bang Selangor, Trưởng Ban tổ chức giải, đánh giá cao và cảm ơn các công ty Malaysia, các doanh nghiệp và cá nhân người Việt đã ủng hộ, tài trợ cho giải.

Ông nhấn mạnh mục đích của giải đấu là nhằm tạo ra một sân chơi để bà con người Việt tại Malaysia nói chung và bang Selangor nói riêng có sân chơi để gặp gỡ, giao lưu, xây dựng cộng đồng đoàn kết gắn bó và sẻ chia, đồng thời thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng.

Đông đảo bà con cộng đồng người Việt tại Kuala Lumpur và Selangor, Malaysia đã đến cổ vũ nhiệt tình cho các trận đấu.

Ngay sau lễ khai mạc, 5 đội tham gia đã thi đấu vòng tròn tính điểm để chọn ra đội vô địch. Các trận đấu diễn ra sôi nổi, các tuyển thủ nghiệp dư cống hiến cho khán giả nhiều pha bóng hay nhưng cũng nhiều tình huống đầy hài hước.

Kết quả, đội bóng FC KL đến từ thủ đô Kuala Lumpur đã giành chức vô địch sau 2 chiến thắng và 2 trận hòa, đội bóng FC Klang gồm các cầu thủ đang sinh sống, làm việc tại khu vực Klang xếp thứ hai cũng có 2 chiến thắng và 2 trận hòa nhưng kém đội vô địch về hiệu số.

(Nguồn: VTV4)

TẤM LÒNG CỦA NHÓM THIỆN NGUYỆN NGƯỜI VIỆT TẠI NGA

(Ảnh minh hoạ).

Mới đây, nhóm thiện nguyện của người Việt tại Moscow (Nga) đã tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ kết hợp với liên hoan, tặng quà cho trường trẻ em mồ côi và khuyết tật nội trú tại Trung tâm xúc tiến giáo dục gia đình ‘Ngôi nhà của chúng ta’.

Trung tâm xúc tiến giáo dục gia đình "Ngôi nhà của chúng ta" thuộc Sở Lao động và bảo trợ xã hội dân cư thành phố Moscow, đang nuôi dạy cho nhiều trẻ em mồ côi và khuyết tật của thành phố.

Hoạt động quyên góp để tặng đồ, quần áo cho trẻ em mồ côi và khuyết tật nội trú tại Trung tâm đã được nhóm thiện nguyện của người Việt Nam tại Moscow duy trì liên tục trong 7 năm qua.

Tuy nhiên đây là năm đầu tiên nhóm được tham gia chương trình liên hoan văn nghệ lớn thường niên trước thềm năm mới của Trung tâm để phục vụ trẻ em mồ côi và khuyết tật.

Tai đây, nhóm thể hiện nhiều tiết mục như biểu diễn các bài của thiếu nhi Nga, bài hát thiếu nhi thời Liên Xô, biểu diễn múa rối và múa lân,...

Chị Bùi Thị Quyên - đại diện nhóm thiện nguyện của người Việt tại Moscow, chia sẻ mục tiêu của việc làm thiện nguyện này là muốn chuyển tải thông điệp về tình hữu nghị giữa người dân hai nước cũng như thể hiện tấm lòng của người Việt Nam với quê hương thứ hai.

Ông Vadim Menshov, Giám đốc Trung tâm xúc tiến giáo dục gia đình "Ngôi nhà của chúng ta", cho biết, cộng đồng người Việt tại Moscow đã nhiều năm nay đến thăm và tặng quà cho Trung tâm.

Những khuôn mặt rạng rỡ của các em nhỏ khuyết tật tại sự kiện chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự lan tỏa những tấm lòng nhân ái, những gì mà cộng đồng người Việt để lại trong lòng người dân thủ đô Moscow.

(Nguồn: Quê Hương Online)

NGƯỜI VIỆT TẠI NGA TRANH TÀI BÓNG BÀN CHÀO NĂM MỚI

Ngày 25/12, tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội-Moskva ở thủ đô Moskva của Nga, Hội Bóng bàn Việt Nam tại Nga tổ chức Giải mùa đông 2022, quy tụ hàng chục vận động viên từ các câu lạc bộ bóng bàn trên địa bàn Moskva tham gia tranh tài.

Phát biểu khai mạc giải, Chủ tịch Hội Bóng bàn Việt Nam tại Nga Đỗ Văn Tiếu nhấn mạnh, thể dục thể thao có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và nâng cao sức khỏe, góp phần giúp con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất, phục vụ lao động, công tác và học tập tốt.

Hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước hướng về Tổ quốc, cũng như không khí phấn khởi đón mừng năm mới đang tới gần, Giải bóng bàn mùa đông 2022 tiếp tục tạo động lực nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, cũng như phong trào luyện tập thể dục thể thao của cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Bên cạnh mục đích tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi giữa các hội viên trong các câu lạc bộ, theo ông Đỗ Văn Tiếu, giải đấu cũng giúp phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố điển hình làm nòng cốt trong các phong trào bóng bàn của người Việt Nam tại Nga thời gian tới.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, Trưởng ban Công tác cộng đồng Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, Hội Bóng bàn Việt Nam tại Nga thành lập chưa lâu, song đã có nhiều hoạt động đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ hy vọng Hội tiếp tục tổ chức nhiều giải đấu thời gian tới, nhằm nâng cao trình độ của các vận động viên và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phong trào tập luyện thể thao trong cộng đồng.

Ngoài các tay vợt kỳ cựu, giải mùa đông năm nay thu hút nhiều vận động viên mới tham gia tranh tài, trong đó có cả tay vợt nhí năm nay mới 7 tuổi. Kết quả, sau một ngày thi đấu gay cấn, giải đã chọn ra các vị trí nhất, nhì, ba ở các nội dung đánh đơn hạng A, đơn hạng B và đánh đôi.

Phong trào thể dục thể thao của người Việt tại Nga nói chung và tại Moskva nói riêng tiếp tục có những bước phát triển mới. Bên cạnh việc duy trì các giải đấu bóng đá, tennis, bóng bàn truyền thống, người Việt tại Nga cũng nỗ lực tạo ra các sân chơi mới. Trước mắt, cộng đồng người Việt tại Moskva đang mong chờ giải bóng đá trong nhà được tổ chức ngay vào dịp đầu năm 2023.

(Nguồn: Việt Báo)

NGƯỜI VIỆT Ở CHÂU ÂU ĐỐI PHÓ RA SAO VỚI CUỘC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG?

(Ảnh minh hoạ).

Trong bối cảnh mùa đông bắt đầu và chiến sự Ukraine diễn biến căng thẳng, nhiều người Việt sống ở châu Âu đang phải đối mặt với tình cảnh tiền thuê nhà cao, lương thấp, vật giá leo thang...

Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow. Động thái này được cho là sẽ ngăn cản nỗ lực của Nga trong việc tiếp tục thực hiện chiến dịch Ukraine, tuy nhiên hậu quả đối với những người dân đang sinh sống châu Âu là không hề nhỏ.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Nghiêm Vân Anh (từ Paris, Pháp) cho biết trong năm vừa qua, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến cuộc sống của chị cùng gia đình gặp khó khăn lớn. Vật giá leo thang, tiền điện và tiền gas trở nên đắt hơn rất nhiều. Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mùa đông năm nay đến sớm và lạnh hơn năm ngoái.

Còn với anh Cung Tuấn Nghĩa (từ Bruchsal, Đức), chi phí năng lượng là thước đo rõ nhất cho thấy sự thay đổi. Từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2022, giá điện ở Đức đã tăng từ 390 đến 420 Euro, cao gấp 4 lần giá điện tại Việt Nam.

Kể từ tháng 6, Nga đã bắt đầu cắt giảm dần nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream tới Đức. Đến đầu tháng 9, Nga đóng cửa hoàn toàn đường ống này và tuyên bố không thể sửa chữa tuabin khí cho các trạm bơm do lệnh trừng phạt của phương Tây.

Anh Hoàng Viễn (từ London, Anh) cho biết bên cạnh những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thứ ảnh hưởng lớn nhất đối với anh có lẽ là công việc. Doanh nghiệp về thương mại điện tử của anh bị tác động không nhỏ do giá xăng dầu tăng cao cũng như thay đổi trong tỷ giá hối đoái.

Tuy vậy, anh vẫn tỏ ra lạc quan: "Để sẵn sàng cho những biến động này, tôi sẽ nhắm đến những lựa chọn an toàn, giữ một khoản dự phòng trong trường hợp xấu nhất, hoặc chuẩn bị hợp đồng tương lai (forward contract) cho các giao dịch kinh doanh hoặc hoán đổi ngoại tệ".

Còn theo chị Vân Anh, bí quyết quan trọng nhất để giúp chị vượt qua mùa đông năm nay là phải có một khoản tích trữ, tránh để tiền trong tài khoản, đầu tư vào vào các quỹ, công ty ổn định, tỷ lệ rủi ro thấp với mục tiêu lợi nhuận lớn hơn tỉ lệ lạm phát. Bên cạnh đó, chị cũng đầu tư thêm vào vàng và trái phiếu chính phủ.

Chị Vân Anh nhấn mạnh nhờ sự hỗ trợ của chính phủ nên cuộc sống không bị đảo lộn quá nhiều. Chị cho biết chính phủ Pháp đã khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã tạm ngưng hoạt động, bình ổn giá cả cho các loại nhiên liệu như điện, gas và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Không chỉ vậy, chính phủ cũng phát hành séc quà tặng như một hình thức trợ cấp, đồng thời miễn thuế cho một số hình thức lương, thưởng.

Tính đến ngày 24/12, giá điện tại Pháp đã trở lại mức như trước cuộc khủng hoảng Ukraine, nghĩa là giá bán sỉ trong quý đầu tiên của năm 2023 dự kiến giảm xuống dưới 300 Euro/MWh. Nguyên nhân một phần là do thời tiết năm nay không quá lạnh, lượng dự trữ nguyên liệu khí đốt của Pháp còn nhiều và đặc biệt là người Pháp đã có ý thức tiết kiệm hơn (lượng tiêu thụ điện đã giảm 10% tính từ đầu mùa đông năm nay).

Anh Nghĩa cho biết mặc dù Đức là một trong những nước phụ thuộc lớn nhất vào nguồn cung khí đốt từ Nga nhưng chính phủ nước này cũng đã rất cố gắng để giảm thiểu tình trạng trên. Chính phủ bắt đầu xem xét việc nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như khởi động xây dựng các cảng hóa khí.

Anh nói thêm: "Trong mùa hè vừa qua, chính phủ Đức đã áp dụng hình thức bán vé phương tiện công cộng chỉ với giá 9 euro. Động thái này dường như là cách để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhằm giảm bớt tác động lạm phát khi giá năng lượng và khí đốt tăng chóng mặt. Tuy nhiên, điều này vô hình chung lại làm tăng áp lực lên hệ thống giao thông, nên nói chung đây vẫn là bài toán khó".

Ngày 19/12, chính quyền Đức đã phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ căng thẳng lên nguy cấp trong Kế hoạch Khẩn cấp về khí đốt. Điều này được cho là do nhiệt độ năm nay lạnh hơn cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan đến xung đột Ukraine,

Còn theo anh Viễn, chính phủ Anh cũng có các gói hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp để trang trải hoá đơn điện và ga, mặc dù vậy phương án này cũng không thể giải quyết được toàn bộ tình hình. Anh bày tỏ quan ngại: "Bị ảnh hưởng mạnh từ lạm phát và giá cả tiêu dùng tăng cao, có khá nhiều các nghiệp đoàn đã đứng lên biểu tình như Royal Mail, Nursing (NHS), Nation Railway,..."

Trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt, các chuyên gia dự đoán nhu cầu khí đốt sẽ tăng ở châu Âu vào đầu năm 2023, kéo theo nguy cơ giá tăng mạnh. Giá khí đốt hiện đã tăng hơn 40% so với tháng trước, dù châu Âu mới đón những đợt tuyết đầu mùa.

(Nguồn: Dân Việt)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Chống chọi bão tuyết; Tết Việt Osaka III; Giáo viên đoạt giải; 300 ngày ở Kharkov; Thi thể sinh viên ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang