Người Việt hải ngoại: Quốc tế thiếu nhi tại Abyei; Cô gái Pháp khao khát tìm cha mẹ ruột; Nghệ nhân ‘giải cứu’ lễ hội nón hoa Nhật Bản

NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI TẠI ABYEI

Nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Đội Công binh số 3 của Việt Nam tại Phái bộ an ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (Phái bộ UNISFA) đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa dành cho các em nhỏ khu vực nhà thờ Abyei.

Đội công binh số 3 đã phối hợp Tổ công tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an tổ chức chương trình “Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6 - San sẻ yêu thương, thắp sáng nụ cười”.

Theo đó, họ đã chuẩn bị hàng trăm phần quà, gồm bánh kẹo, đồ chơi, sách vở, bút màu... để tổ chức sự kiện này cho các em. Điểm nhấn của chương trình là hoạt động làm đồ chơi từ vật liệu tái chế.

Dưới sự hướng dẫn của các chiến sĩ Việt Nam, các em nhỏ đã biến giấy báo cũ, vỏ chai nhựa, bao ni-lông, vỏ lon thành những con diều, chong chóng, xe đồ chơi, chiếc thuyền, con vật...

Hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo và niềm hứng khởi cho các em.

Trung tá Lê Hồng Giang - Chính trị viên Đội Công binh số 3, chia sẻ: “Chúng tôi đã phối hợp cùng với Cha xứ nhà thờ lựa chọn một số cháu để đưa vào căn cứ Highway học hát và làm đồ chơi dưới sự hướng dẫn của các nữ quân nhân, để các cháu tiếp tục là cầu nối lan tỏa sâu rộng ra cộng đồng địa phương. Qua những trò chơi, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về tình bạn, về hòa bình, và về một tương lai tươi sáng cho trẻ em nơi đây”.

Nói về hoạt động của đoàn Việt Nam dành cho trẻ em Abyei, Trung tá Eka Shinta - Trưởng phòng Điều phối quân dân sự của Phái bộ UNISFA, cho biết: “Đây là hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi rất ý nghĩa đến từ Đội Công binh số 3 của Việt Nam.

Các bạn đã góp phần thúc đẩy sự tham gia các hoạt động cộng đồng tại khu vực Abyei. Đối với tôi, đây còn là cách rèn luyện các kỹ năng cho cộng đồng, kết nối tình yêu chân thành từ cộng đồng”.

Em Rebeca Garang, 12 tuổi, lớp 6, cười tươi chia sẻ: “Cháu vui lắm! Cháu đã được đến doanh trại Highway tuần trước, được chơi trò chơi, ăn kẹo, uống nước trái cây, và làm nhiều đồ chơi đẹp nữa. Cháu rất yêu quý các cô chú bộ đội Việt Nam!”.

Cảm động trước những hỗ trợ thường xuyên của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam, ông Bino Osman - Cha xứ nhà thờ Catholic khu vực Abyei, vui mừng nói: “Các bạn đã đến đây và mang những đồ chơi, trò chơi của Việt Nam hướng dẫn các trẻ em của chúng tôi tại nhà thờ.

Tôi thấy những đứa trẻ rất hạnh phúc. Tôi hy vọng chúng ta có thể cùng nhau giúp đỡ trẻ em phát triển toàn diện tại đây. Cảm ơn các bạn đã đến đây đóng góp rất nhiều cho nhà thờ, cho cộng đồng Abyei".

CÔ GÁI PHÁP KHAO KHÁT TÌM CHA MẸ RUỘT DÙ BỊ BỎ RƠI TỪ NHỎ

Bị bỏ rơi từ khi lọt lòng, nhưng cô gái Pháp chưa bao giờ giận và ngừng tìm bố mẹ ruột người Việt Nam. Giờ đây, chị xem việc tìm kiếm nguồn cội là mục tiêu lớn nhất cuộc đời.

Tìm kiếm nguồn cội

Những ngày qua, sau khi đăng thông tin tìm bố mẹ ruột người Việt Nam, Emeriau Laetitia (SN 1998, hiện sinh sống tại Bruxelles, Bỉ) gần như không rời chiếc điện thoại. Chị mong chờ những tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử... trong tâm trạng hồi hộp, đầy hy vọng.

Ngày 15/10/1998, Laetitia chào đời tại một bệnh viện ở TPHCM với tên khai sinh Cao Thị Kim Ngân. Ngay sau đó, bé gái bị mẹ ruột bỏ rơi và được đưa vào Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình, quận Thủ Đức, nay là TP Thủ Đức, TPHCM.

4 tháng sau, cô bé được một phụ nữ độc thân người Pháp nhận nuôi. Bà đưa đứa bé rời Việt Nam đến Pháp sinh sống tại một thành phố gần thủ đô Paris.

Laetitia kể: “Trước đó, bà đã nhận nuôi một bé trai vào năm 1995. Chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương của mẹ. Với chúng tôi, mẹ là người phụ nữ phi thường.

Bà luôn xem chúng tôi như con ruột và chăm lo cho chúng tôi không thiếu thốn bất kỳ điều gì. Trong gia đình, anh em tôi chưa bao giờ cảm thấy có sự khác biệt vì được nhận nuôi. Từ đáy lòng, chúng tôi luôn xem bà là mẹ ruột”.

Mẹ nuôi của Laetitia cũng không giấu giếm nguồn cội các con. Ngay khi Laetitia bắt đầu có nhận thức, bà kể cho chị nghe việc chị là người Việt Nam, được nhận nuôi từ lúc lọt lòng.

Người thân của bà cũng yêu thương Laetitia như ruột thịt. Từ nhỏ đến bây giờ, dù không cùng huyết thống, Laetitia chưa bao giờ cảm thấy người thân của mẹ nuôi đối xử khác biệt với mình.

Tuy vậy ở trường, Laetitia luôn bị trêu chọc, phân biệt. Laetitia nhớ mãi năm đi mẫu giáo. Cô bé liên tục bị các bạn thắc mắc vì sao trông không giống mẹ.

Nơi Laetitia sinh sống, học tập, mỗi trường học chỉ có 2 - 3 học sinh châu Á. Vì vậy, sự khác biệt về ngoại hình, nguồn gốc của Laetitia luôn trở thành chủ đề bàn tán, trêu chọc từ bạn bè.

“20 năm qua, những lời trêu chọc nhắm vào ngoại hình là điều tôi phải chịu đựng nhiều nhất. Đến khi đi làm, người châu Á thường được đánh giá là nghiêm túc và chăm chỉ tôi mới ít bị chêu trọc, phân biệt hơn”, Laetitia chia sẻ.

Mục tiêu lớn nhất cuộc đời

Suốt thời thơ ấu, dù sống trong gia đình đủ đầy tình yêu thương, Laetitia vẫn luôn nghĩ về nguồn cội, cha mẹ ruột. Chị luôn muốn biết bố mẹ ruột trông như thế nào, mình giống ai nhiều hơn…

Chị cũng chưa bao giờ buồn hay oán trách việc bị gia đình ruột bỏ rơi. Từ nhỏ, chị được mẹ nuôi giải thích rằng, có lẽ bố mẹ ruột không đủ khả năng nuôi dưỡng chị và họ muốn chị có cuộc sống tốt hơn.

Năm 2016, Laetitia về Việt Nam để tìm hiểu đất nước, nguồn cội của mình. Chị mang theo hy vọng tìm được manh mối về cha mẹ ruột.

Chị đến Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình, nơi từng nhận nuôi mình trước đây. Tuy vậy, Laetitia không có thêm được gì ngoài thông tin: mẹ ruột tên Cao Thị Rơi (SN 1970); người khai sinh tên Huỳnh Thị Kim Hải (SN 1944, cư trú tại địa chỉ: 130 Khiết Tâm, phường Bình Chiểu).

Laetitia cũng tìm được biên bản trẻ bỏ rơi ghi lại trường hợp của mình. Biên bản này ghi rõ ngày 17/10/1998, Đại úy Nguyễn Văn Lâm, Công an khu phố Tam Bình, bà Cao T. Ngọc Dung, Trưởng trạm Y tế Tam Bình; nữ hộ sinh tên Phạm Thị Út và bác sĩ tại trạm y tế tên Trần Quang Của đồng chứng kiến việc bé gái bị bỏ rơi.

Laetitia tâm sự: “Việc tìm lại gia đình ruột là điều vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với tôi. Trước đây vì bận học, tôi chưa có nhiều thời gian cho việc này.

Nhưng giờ đây, khi đã có gia đình, có con, tôi càng muốn hoàn thành hành trình ấy. Với tôi bây giờ việc tìm lại cha mẹ ruột là mục tiêu lớn nhất cuộc đời. Tôi thật sự cần tìm lại họ trước khi từ giã cõi đời.

Tôi đã đăng thông tin về việc tìm kiếm cha mẹ ruột của mình lên mạng xã hội người Việt và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Tôi cũng tìm được một sơ từng chăm sóc tôi lúc còn ở trại mồ côi.

Cuộc hội ngộ khiến cả tôi và sơ rất xúc động. Dù vậy, hành trình tìm lại bố mẹ ruột của tôi vẫn chưa có nhiều manh mối.

Tôi chỉ muốn bố mẹ biết rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi luôn biết ơn ông bà. Bố mẹ đã cho tôi cơ hội có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tôi sẽ không bao giờ trách móc, oán giận cha mẹ và giấc mơ lớn nhất của tôi là được gặp lại gia đình ruột thịt của mình.

Tôi không biết mình sẽ phản ứng thế nào khi giấc mơ ấy thành hiện thực. Nhưng chắc chắn đó sẽ là khoảnh khắc pha trộn giữa xúc động và vỡ òa hạnh phúc trong nước mắt”.

NGHỆ NHÂN VIỆT 'GIẢI CỨU' LỄ HỘI NÓN HOA NHẬT BẢN

Thiếu hụt nón cói để duy trì lễ hội Hanagasa, công ty Nhật đã hợp tác với các nghệ nhân ở Bình Lục, Hà Nam để sản xuất 1.500 nón hoa cho mùa lễ năm nay.

Lễ hội Hanagasa Yamagata là một trong những sự kiện mùa hè nổi tiếng nhất ở vùng Tohoku, Nhật Bản, với những vũ công cầm nón cói đính hoa giả và chuông nhỏ, gọi là nón hanagasa hay nón hoa, diễu hành trên đường phố.

Lễ hội hồi tháng 8/2024 thu hút 700.000 du khách tham dự, với khoảng 10.000 vũ công diễu hành cùng xe hoa qua trung tâm thành phố. 90% nón hanagasa trong lễ hội được sản xuất bởi công ty đồ lưu niệm Shobido ở Yamagata.

Yoshiaki Henmi, 64 tuổi, chủ tịch Shobido, cho biết công ty mỗi năm bán khoảng 4.000 nón hanagasa cho đoàn diễu hành. Tuy nhiên, do thiếu nguyên vật liệu và thợ thủ công, công ty đã buộc phải từ chối đơn hàng 1.000 nón vào năm ngoái.

Cói làm nón ở tỉnh Yamagata được trồng chủ yếu ở thành phố Yamagata, Iide và Obanazawa, nhưng thời tiết khô hạn, nắng nóng năm 2024 khiến cói không dày. Cói mỏng đồng nghĩa công ty cần nhiều nguyên liệu hơn để hoàn thành một chiếc nón hanagasa, khiến sản lượng nón giảm mạnh.

Bên cạnh đó, những nghệ nhân làm nón thủ công ở những khu vực như Nakatsugawa tại Iide ngày càng lớn tuổi. 10 năm trước, khu vực này có 15 thợ thủ công làm nón, nay chỉ còn 5 nữ nghệ nhân 70-90 tuổi.

Những năm gần đây, Natatsugawa chỉ sản xuất khoảng 2.000 nón một năm, so với 10.000 chiếc vào thời đỉnh cao. Giới chức từng tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu để bồi dưỡng thợ thủ công trẻ nhưng sáng kiến này không kéo dài được lâu.

Do thiếu 1.000 nón, các vũ công, nhóm diễu hành trong lễ hội năm ngoái đã phải dùng chung nón suốt sự kiện. Chủ tịch Henmi sau đó quyết định tìm nguồn cung mới. "Cần phải bảo tồn lễ hội mùa hè tiêu biểu của Yamagata", ông nhớ lại suy nghĩ khi đó.

Ông liên hệ với chi nhánh Yamagata của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Kenji Koga, giám đốc chi nhánh, từng làm việc tại văn phòng Hà Nội của JETRO ở Việt Nam trong hơn ba năm.

Ông Koga nhanh chóng đề xuất ý tưởng sản xuất nón hoa ở Việt Nam, khuyên ông Henmi tìm đến những nghệ nhân Việt Nam làm nón lá, có vẻ ngoài giống nón hanagasa.

Ông Koga sau đó nhờ sự giúp đỡ từ các mối quan hệ ở Việt Nam cũng như từ vợ là chị Tran, người Việt 37 tuổi, để chuẩn bị cho kế hoạch này, nhằm "giải cứu" lễ hội.

Dự án càng được thúc đẩy nhờ sức ảnh hưởng của phim truyền hình Oshin do Đài Truyền hình Nhật Bản (NHK) quay tại tỉnh Yamagata năm 1980, vốn rất nổi tiếng tại Việt Nam.

Xóm Giải Tây, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, được chọn làm địa điểm sản xuất, với 200 nghệ nhân sản xuất 80.000 nón lá mỗi năm. Lãnh đạo Giải Tây đã đồng ý hỗ trợ sản xuất nón hanagasa. Hai phía Việt Nam và Nhật nhiều lần thảo luận về vấn đề này qua các cuộc họp trực tuyến.

Cuối năm 2024, ông Koga và ông Henmi sang Việt Nam, dành ba ngày tại nhà của lãnh đạo Giải Tây để hướng dẫn về phương pháp làm nón hanagasa.

Nghệ nhân Việt Nam nhanh chóng tạo ra nguyên mẫu hanagasa từ lá cọ và thân tre. "Tôi đã rất kinh ngạc với sự khéo léo của nghệ nhân Việt Nam, dù vật liệu và kỹ thuật đan khác với Nhật Bản", ông Henmi kể. "Khi ấy, tôi thấy chỉ cần tinh chỉnh chút là có thể hoàn thành một chiếc nón chất lượng".

Ông Koga cũng rất hài lòng về kết quả. "Tôi bỏ tiền túi cho các chuyến đi thảo luận về vấn đề này. Với tư cách là cư dân Yamagata, đây là trải nghiệm quý giá", ông nói.

Ông Henmi đã đặt làm 1.500 nón hanagasa với hai kích cỡ có đường kính lần lượt là 33 cm và 48 cm vào cuối tháng 1. Lô hàng đã hoàn thiện hồi cuối tháng 4, dự kiến được chuyển đến Yamagata vào cuối tháng 5. Ông Koga kỳ vọng sáng kiến này sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Henmi đã gặp thị trưởng Yamagata Takahiro Sato hồi tháng 2. "Thật vui khi các bên liên quan cùng chung tay tìm ra giải pháp trên quy mô quốc tế. Tôi rất mong được thấy những chiếc nón từ Việt Nam tô điểm sắc màu lễ hội năm nay", ông Sato nói.

Những chiếc nón từ Việt Nam có thể giúp lễ hội tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng trong một thời gian, song vấn đề nguồn cung trong tỉnh vẫn chưa được giải quyết. Giới chức các tỉnh lân cận Iwate và Miyagi gần đây đã đề nghị hỗ trợ sản xuất, khắc phục tình trạng khan hiếm nón hanagasa.

"Chúng tôi sẽ duy trì thỏa thuận với đối tác Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời thúc đẩy ngành đan nón thủ công ở Nhật Bản một cách nghiêm túc", ông Henmi nói.

Nguồn: Báo Quốc Tế; Zing News; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

YOUTUBE: Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam-CHLB Đức

Trong hai ngày 17 và 18/5, cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã phối hợp với Sở thú Leipzig tổ chức “Tuần Lễ hội Văn hóa Việt tại Leipzig ” kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – CHLB Đức (1975 – 2025).

Đây cũng là sự kiện nằm trong khuôn khổ tuần lễ đa văn hóa do chính quyền thành phố Leipzig tổ chức nhằm tạo không gian để các cộng đồng sinh sống trên địa bàn quảng bá, giới thiệu hình ảnh, văn hóa, ẩm thực... của đất nước mình.

Nguồn: TTX VIỆT NAM

Đức Việt Online

YOUTUBE: Lễ Trao tặng Huy hiệu Danh dự, tôn vinh ông Bùi Quang Huy & 8 nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất

Lễ vinh danh chín nhà hoạt động cộng đồng xuất sắc nhất Leipzig trong những năm qua, được tổ chức trang trọng tại Hội trường, Tòa Thị chính Thành phố Leipzig.

Trước sự chứng kiến ​​của các nhân vật trọng yếu, các phó thị trưởng, hội đồng thành phố, ban đối ngoại, sở văn hóa, đặc trách ngoại kiều, các ban nghành thành phố, Thị trưởng Burkhard Jung, cổ đeo vòng dây chuyền vàng Goldketten uy nghi, trịnh trọng trao tặng huy hiệu, bảng vàng danh dự, bằng khen của Thành phố Leipzig cho 9 nhà hoạt động cộng đồng  xuất sắc nhất trên các lĩnh vực xã hội, văn hóa, chính trị.

Tác giả Đức Thúy

Tỷ phú Elon Musk rơi lệ trên sóng truyền hình khi nhắc đến Việt Nam – Chuyện gì đã xảy ra?

Elon Musk – người đàn ông đứng sau SpaceX, Tesla, và hàng loạt công nghệ thay đổi thế giới - đã bất ngờ bật khóc ngay trên sóng truyền hình trực tiếp khi được hỏi về Việt Nam. Khoảnh khắc ấy khiến cả thế giới sững sờ, còn người dẫn chương trình không dám hỏi thêm một lời nào. Điều gì ẩn sau giọt nước mắt của một tỷ phú từng được xem là "người thép"? Trong video này, bạn sẽ được chứng kiến toàn bộ câu chuyện chưa từng được công bố: Từ bức thư cũ mà Elon nhận được từ một cậu bé Việt Nam, cho đến lời hứa bí mật giữa ông và một người lính gốc Á năm xưa. Mỗi chi tiết hé lộ một phần của sự thật – một sự thật có thể thay đổi cách thế giới nhìn về Việt Nam mãi mãi.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Đức

Lễ giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng tại Leipzig, CHLB Đức

Chiều Chủ Nhật, ngày 06.04.2025, tại thành phố Leipzig, Hội Đồng hương Vĩnh Phú tại CHLB Đức đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ, tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng.

Buổi lễ thu hút hàng trăm người Việt và gốc Việt từ khắp nơi trên nước Đức, và các đại biểu, khách mời các Hội đoàn Âu châu và tại Đức cùng về dâng hương, tưởng nhớ tổ tiên trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tác giả: Thu Hằng - Phương Hoa - Thanh Tùng (TTXVN)

Hội Phụ nữ Việt Nam Leipzig tổ chức Lễ hội ngày Quốc tế phụ nữ 08.03.2025

Hội phụ nữ Việt Nam tại thành phố Leipzig CHLB Đức đã tưng bừng tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 08.03.2025 vào ngày 09.03.2025. Lễ hội đã thu hút đông đảo chị em và khách mời với một chương trình văn nghệ cộng đồng sôi động.

Lên đầu trang