Người Việt hải ngoại: Quảng bá văn hóa ở Anh; Lễ Phật đản ở Lào; Lễ hội Áo dài ở California; Nỗi cay đắng của cô dâu ở Hàn

NGƯỜI VIỆT TẠI ANH TÍCH CỰC QUẢNG BÁ VĂN HÓA DÂN TỘC

Mới đây, Vietnam Cultural Show London 2024 - chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam đã được Liên hiệp hội phụ nữ quốc tế Việt Nam-Vương quốc Anh, Park Pharmacy và Love Collection tổ chức.

Đây là hoạt động chào mừng những ngày lễ lịch sử của Việt Nam như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).

Chương trình vinh dự đón tiếp các đại diện của: Bộ Nội vụ Anh, Liên hiệp hội phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Hiệp hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam, các hội đoàn sinh viên và tổ chức cộng đồng tại Vương quốc Anh.

Với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ là hoa hậu, quán quân các cuộc thi tài năng, người mẫu quốc tế, ca sĩ, thanh thiếu nhi và sinh viên Việt Nam tại Anh, chương trình đưa khán giả khám phá một vòng Việt Nam qua những bài hát như Một vòng Việt Nam, Hello Việt Nam, Hãy đến với con người Việt Nam… cùng nhiều tiết mục đặc trưng ba miền Bắc-Trung-Nam.

Những bài hát, điệu nhảy và màn trình diễn thời trang ấn tượng đã mang đến một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời, khẳng định sự đẹp đẽ và tinh túy của nền văn hóa Việt.

Một trong những điểm nhấn của chương trình là phần trình diễn bộ sưu tập áo dài thương hiệu Love Collection dành cho người lớn và trẻ em.

Đặc biệt, khu vực triển lãm tại sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với các sản phẩm được bán và trưng bày như: áo dài, nón lá Làng Chuông, mẹt vẽ tay, cốc tre, túi mây cói và ẩm thực Việt Nam.

Bà Hoàng Hải Hà, Chủ tịch Liên hiệp hội phụ nữ quốc tế Việt Nam-Vương quốc Anh, cho biết: "Chúng tôi muốn đưa bạn bè quốc tế đến gần hơn với đất nước, con người Việt Nam và gắn kết các thế hệ, tạo hình ảnh tốt đẹp về cộng đồng người Việt tại nước sở tại".

Được biết, ban tổ chức sẽ trao tặng toàn bộ lợi nhuận từ chương trình năm nay cho Hiệp hội phụ nữ và trẻ em Việt Nam tại Anh, góp phần giữ gìn và phát triển các dự án mang giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống cho cộng đồng người Việt.

NGƯỜI VIỆT TẠI LÀO TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Các Chư tôn đức, tăng ni Việt Nam, Lào cũng như cộng đồng người Việt tại thủ đô Vientiane đã cùng thực hiện các nghi lễ như dâng hương, cúng dường và tắm Phật để cầu hòa bình, an lạc, hạnh phúc.

Sáng 22/5, tại Chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane của Lào đã long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 (dương lịch 2024), với sự tham dự của đông đảo Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức tăng ni của Việt Nam và Lào cùng đông đảo cư sỹ, Phật tử, bà con cộng đồng người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Minh Quang đã chuyển tới các tăng ni, Phật tử và cộng đồng người Việt Nam thông điệp của Đức Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kêu gọi bà con Phật tử, cộng đồng người Việt tại Lào phát huy hơn nữa truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, Thượng tọa Thích Minh Quang nhấn mạnh, mỗi tăng ni, Phật tử cần nêu cao trách nhiệm và làm tròn bổn phận của mình trên tinh thần kỷ cương-trách nhiệm-đoàn kết-phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho Đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng vai trò trong việc gìn giữ và vun đắp quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam nói chung.

Tại buổi lễ, các Chư tôn đức, tăng ni Việt Nam, Lào cũng như cộng đồng người Việt tại thủ đô Vientiane đã cùng thực hiện các nghi lễ như dâng hương, cúng dường và tắm Phật để cầu hòa bình, an lạc, hạnh phúc cho toàn dân tộc nói chung cũng như cho cộng đồng người Việt tại Lào nói riêng, đồng thời thể hiện lòng tôn kính, hân hoan đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Lào, bà Trần Thị Huệ, một kiều bào tại thủ đô Vientiane, cho biết năm nào bà cũng tới chùa để dự Đại lễ Phật đản để tẩy đi những bụi trần, cầu mong sức khỏe và bình an, bởi mỗi khi được múc gáo nước thơm nhẹ nhàng và chậm chậm tưới lên vai Phật, bà lại cảm thấy mọi ưu phiền, tham sân si của bản thân đều được trôi theo dòng nước.

Là một Phật tử của chùa Phật Tích thủ đô Vientiane, bà Nguyễn Thị Hòa, 68 tuổi, cũng cảm thấy rất hân hoan mỗi khi được chào đón ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời. Theo bà, Đại lễ không chỉ là dịp để cộng đồng gặp gỡ, giúp đỡ lẫn nhau, mà còn là dịp để mọi người tiêu đi những tham sân si và cầu cho toàn thể mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới luôn đoàn kết yêu thương nhau.

Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, Chùa Phật Tích thủ đô Vientiane đã phối hợp với các nhà hảo tâm trao 150 suất quà cho những người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống tại thủ đô Vientiane, qua đó góp phần tăng cường và củng cố tinh thần đoàn kết và gắn bó chia sẻ lẫn nhau trong cộng đồng người Việt tại Lào nói riêng và tinh thần đoàn kết hữu nghị vĩ đại giữa hai nước Việt Nam-Lào nói chung.

LỄ HỘI ÁO DÀI VIỆT NAM TẠI CALIFORNIA

Mới đây, Lễ hội Áo dài Việt Nam tại San Jose, California (Mỹ) đã chính thức diễn ra nhằm kỷ niệm 10 năm Ngày Áo dài Việt Nam tại Mỹ. Sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm của giới thời trang, người Việt trong và ngoài nước.

Trong tà áo dài Việt nhiều người mẫu quốc tế “gây sốt” với visual dịu dàng tại Lễ hội Áo dài Việt Nam tại San Jose, California (Mỹ), khiến nhiều người Việt tự hào tà áo dài dân tộc đã có những bước tiến hội nhập.

Lễ hội áo dài Việt Nam tại Mỹ năm nay với nhiều điểm nhấn sáng tạo, quy mô hoành tráng, giúp người yêu thời trang tại Mỹ có cơ hội được chiêm ngưỡng những bộ sưu tập đa sắc màu, phong cách của những nhà thiết kế áo dài top đầu Việt Nam và quốc tế. Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập Phượng Hoàng của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Lựa chọn mang áo dài cưới hỏi đến với lễ hội áo dài lần này, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam thể hiện những góc nhìn rất mới về thời trang áo dài. Áo dài không chỉ đơn thuần là trang phục được phụ nữ Việt lựa chọn trong những dịp trọng đại mà hơn hết ngày quan trọng nhất trong cuộc đời một người phụ nữ thay vì lựa chọn áo cưới thì áo dài cưới hỏi là một nét đẹp truyền thống đầy tự hào và đa dạng về kiểu dáng để các cô dâu có thể lựa chọn.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ: “Khi đến với lễ hội áo dài tôi chỉ mong muốn lan tỏa những xu hướng thiết kế áo dài mới để người Việt xa xứ, người Mỹ biết đến chất liệu lụa cao cấp, kỹ thuật thủ công tinh xảo Việt, sự thay đổi của áo dài Việt đã ở một tầm cao mới tiến tới xuất khẩu áo dài đi năm châu, để áo dài luôn là niềm tự hào của dân tộc Việt".

SỰ THẬT PHÍA SAU CHUYỆN CÔ DÂU VIỆT Ở HÀN SUỐT 17 NĂM CHƯA NẤU NỔI BỮA SÁNG, SUỐT NGÀY GỌI ĐIỆN VỀ NHÀ?

Câu chuyện của cô dâu người Việt khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt.

"Địa Ngục Hôn Nhân" là một chương trình thực tế nổi tiếng của đài MBC, Hàn Quốc quay lại cuộc sống hôn nhân không viên mãn của các cặp vợ chồng. Đồng hành cùng chương trình là bác sĩ tâm lý Oh Eun Young, người đóng vai trò tháo gỡ những khúc mắc gia đình, giúp nhiều cặp đôi giải quyết tình trạng hôn nhân rạn nứt.

Trong tập phát sóng mới nhất ngày, câu chuyện của cặp vợ chồng Việt - Hàn đã thu hút nhiều sự chú ý của dư luận. Cụ thể, chị vợ người Việt Nam và anh chồng người Hàn Quốc thông qua một công ty môi giới để làm quen, yêu nhau và kết hôn.

Họ sống cùng mẹ chồng 7 năm, sau đó khi có thu nhập ổn định, đôi vợ chồng quyết định mua nhà mới với một khoản chi phí được mẹ chồng hỗ trợ để ra ở riêng. Tính đến nay, khi đã chung sống với nhau được 17 năm, đôi vợ chồng có 2 con trai và 1 con gái.

Tuy nhiên, do những mâu thuẫn trong hôn nhân xảy ra thường xuyên và dồn nén trong nhiều năm, họ quyết định tham gia chương trình "Địa Ngục Hôn Nhân" nhằm chia sẻ những góc khuất trong gia đình nhỏ.

Theo đó, sau khi xem xong phần đầu của câu chuyện, không ít người tỏ ra ngao ngán trước cách hành xử của người vợ và đồng cảm với anh chồng.

Chồng cảm thấy tổn thương, bị xem thường

Ở những khoảnh khắc ban đầu, nhiều người xem nhận thấy nàng dâu Việt có thái độ kỳ lạ, hờ hững với chồng. Dù anh chồng có hỏi han bất cứ câu gì, chị vợ chỉ làm thinh, không trả lời. Quá đáng hơn, chị vợ thường xuyên nói chuyện điện thoại với người nhà ở Việt Nam, phớt lờ những việc khác trong nhà.

Theo lời người chồng, anh cảm thấy bản thân không được vợ tôn trọng. Các món ăn chị nấu bữa nào cũng sơ sài, thiếu dưỡng chất. Thậm chí, dù lấy nhau đã nhiều năm, anh chồng cảm thấy tủi thân khi vợ chưa bao giờ chuẩn bị đồ ăn sáng cho mình.

Đồng thời, anh chồng cũng khẳng định rằng mình luôn gọi điện hỏi thăm con trai cả bị tự kỷ vào mỗi buổi trưa. Dưới ống kính máy quay của chương trình, nhiều người xem nhận xét anh là một người chồng, người cha tốt.

Anh chồng còn tâm sự, vợ anh không chịu làm đồ ăn, luôn tỏ thái độ lạnh nhạt. Anh cho biết, trai của họ mắc bệnh tự kỷ được 2 năm nhưng người vợ không hề quan tâm, thậm chí còn nói ra những câu thiếu trách nhiệm: "Con trai đã lớn, có thể tự chăm sóc bản thân được, không cần lo lắng".

Chị vợ luôn chỉ nghĩ đến gia đình ở Việt Nam, sắp đến Tết thì bỏ lại chồng và các con để trở về quê hương. Do đó, anh chồng luôn cảm thấy vợ coi anh giống như người vô hình trong nhà. Bên cạnh đó, khi anh chồng đi làm về nhà và chào hỏi các thành viên nhưng không ai đáp lại khiến anh bị tổn thương.

Vợ tần tảo sớm hôm, cáng đáng gia đình nhưng bị coi như người hầu

Những chia sẻ của anh chồng nhận được không ít đồng cảm từ khán giả. Tuy nhiên, đó chỉ là "bề nổi của tảng băng chìm". Trên thực tế, người đáng thương, cần được an ủi lại là chị vợ.

Đối mặt với ống kính của chương trình, nhiều người nhận ra chị vợ đều có việc làm trong cuộc sống sinh hoạt bình thường, tự nhiên. Ngược lại, anh chồng lại trông gượng gạo, giống như đang cố diễn xuất.

Thực tế, anh chồng bị vạch trần ngay trên sóng truyền hình. Trong một buổi tối, khi thấy vợ đang cặm cụi làm bếp, anh chồng đề nghị muốn phụ giúp nhưng bị vợ mỉa mai là đang diễn. Sau đó, trong lúc lúng túng, anh tiết lộ việc đưa hết tiền lương của mình cho mẹ và người em ruột.

Lúc này, chị vợ tỏ ra ngạc nhiên, bàng hoàng. Kết hôn 17 năm, anh chỉ đưa sinh hoạt phí cho chị vợ đúng 4 lần. Trong khoảng thời gian không được chồng đưa tiền sinh hoạt, chị vợ phải đi làm cực nhọc để tự kiếm tiền lo tiền học cho con và gia đình. Lý do mẹ chồng và em ruột hàng tháng được người chồng gửi lương là do anh đang nợ họ khoản tiền lớn để làm ăn. Do thua lỗ, anh phải ngừng hoạt động kinh doanh và trả nợ.

Trước đó, người vợ hoàn toàn không hề biết chuyện chồng kinh doanh thất bại và rơi vào cảnh nợ nần. Chị vợ cũng chua xót bày tỏ bản thân bị chồng bắt trả toàn bộ sinh hoạt phí và tiền học cho các con, nếu không sẽ phải dọn đi. Chị vợ luôn cảm thấy ngưỡng mộ những người phụ nữ được chồng đưa tiền hàng tháng, còn bản thân chị tủi thân khi phải gồng gánh mọi thứ, không thể dựa vào chồng.

Tuy nhiên, những việc làm trên của anh chồng chưa phải là điều tồi tệ nhất. Do bản tính nóng nảy, anh chồng thường xuyên quát mắng thậm tệ vợ và các con, khiến cho con trai lớn mắc bệnh tự kỷ, con trai thứ hai có xu hướng trầm cảm và từng có ý định tự tử. Những câu nhiếc mắng gay gắt, tục tĩu của người chồng ghim sâu vào tiềm thức của các thành viên, tạo ra những tổn thương khó chữa lành đối với người vợ và các con.

Quá đáng hơn, vì lo ngại lý lịch từng mắc bệnh tâm thần sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp sau này của con trai cả nên khi vợ muốn đưa con đi bệnh viện khám, anh chồng nhất quyết can ngăn. Chị vợ đã cố gắng khuyên bảo nhưng chồng bảo thủ, coi thường ý kiến của vợ nên nhất quyết không nghe.

Sau những trận cãi vã to tiếng, dù muốn con nhanh khỏi bệnh và tiếp tục cuộc sống bình thường, nhưng chị vợ do không chịu được việc thường xuyên nghe những lời llăng mạ từ chồng nên để con trai uống thuốc và tự điều trị tại nhà. Không chỉ bị chồng gây khó dễ, người vợ cũng bị mẹ chồng tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chị tủi nhục kể lại bản thân từng bị mẹ chồng đánh và chửi bới nhiều lần.

Bên cạnh đó, do vợ chồng chị quen nhau qua môi giới nên mẹ chồng chỉ coi chị như một món hàng và không ít lần đe dọa đã đưa tiền cho môi giới để "tống cổ" chị về Việt Nam. Khi người vợ tâm sự điều này, anh chồng ngay lập tức cắt lời và bênh chằm chặp mẹ, đổ lỗi cho người vợ.

Chính vì thế, chị thường xuyên gọi điện về nhà cho gia đình để bộc bạch nỗi niềm cũng là điều dễ hiểu. Ekip chương trình đã quay được cảnh chị vợ vừa gọi điện cho người nhà ở quê vừa khóc rất thương tâm, chị chia sẻ bản thân chán nản tới nỗi không muốn dọn dẹp và chán ghét việc phải về nhà chồng.

Ngay khi được phát sóng, câu chuyện đã thu hút được đông đảo người xem ở cả 2 đất nước Việt Nam và Hàn Quốc. Hầu hết mọi người đều tỏ ra thương cảm cho sự tủi nhục, vất cả của nàng dâu Việt. Ngay cả những cư dân mạng tại "xứ sở kim chi" cũng không khỏi bức xúc, chê trách cách hành xử tệ bạc của người chồng.

Một số bình luận đáng chú ý của mọi người như sau:

- Dù đi đến một vùng miền khác trong nước sinh sống hay lập nghiệp, mình đã cảm thấy vất vả. Trong khi chị vợ còn đi đến một đất nước xa lạ, không có ai để dựa dẫm. Anh chồng kiểu gì vậy?

- Vì tin tưởng mà chấp nhận theo chồng đến Hàn Quốc xa xôi, cô vợ có tội tình gì? Đến cả câu hỏi thăm vợ ăn cơm cũng không nói được!

- Rước con gái nhà người ta về rồi thì phải đối xử tốt. Cưới vợ về mà chỉ làm khổ người ta, thực sự đau lòng quá!

Nguồn: VTV4; VietnamPlus; Thanh Niên; Kenh14

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Đọc nhiều nhất

Người Việt hải ngoại: Đón xuân Ất Tỵ tại Đức; Văn nghệ mừng xuân ở Thái Lan; ‘Chịu chi’ để làm đẹp đón Tết ở Úc; Vụ con bạc bị giết ở Campuchia

Người Việt hải ngoại: Lễ hội Chingay Parade 2025; Xuân Quê hương tại Brazil; Tái hiện Tết xưa tại Wellington; Thị trưởng bị bắt ở Mỹ

Người Việt hải ngoại: Đi chợ Tết ở Nga; U80 dạy tiếng Việt ở Thái; Canada bắt 1 người trốn án tù Mỹ; 4 người bị nghi đốt xác đồng hương ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Xuân quê hương ở Angola; 60 năm giữ Tết ở Mỹ; Tuyên dương sinh viên tại Nga; 83 lao động ‘cầu cứu’ ở Nhật

Người Việt hải ngoại: Trải nghiệm như tận thế, Nghệ sĩ đối mặt ô nhiễm sau cháy rừng ở Los Angeles; Nữ streamer ‘flex’ vòng eo con kiến

Người Việt hải ngoại: Đại hội thanh niên ở Nhật; Xuân Quê hương ở Thụy Điển; Lễ hội tết Việt ở Kuala Lumpur; Tình người trong hoạn nạn ở Mỹ

Người Việt hải ngoại: Lan tỏa vẻ đẹp áo dài tại Hungary; Làm dâu, rể xứ người (kỳ 3); Các cô dâu & con lai được HQ hỗ trợ hậu ly hôn

Người Việt hải ngoại: Xuân Quê hương ở Osaka; Nữ ca sĩ là đại gia ở Mỹ; Tưởng niệm chủ cửa hàng bị bắn chết ở Mỹ; Lật phà ở Hàn, 1 người chết

Lên đầu trang