Người Việt hải ngoại: Phở Việt ở Texas; Vietnam Town tại Thái Lan; Á quân vua đầu bếp Ý; Nạn nhân buôn người ở Anh

Phở Việt khiến thành phố ở Texas trở nên thu hút nhờ "bản giao hưởng mùi hương"

Khi nói đến các điểm đến ẩm thực ở Texas, Garland thường không được nhắc tới, nhưng ẩm thực Việt đã giúp thành phố ở phía bắc bang Texas thay đổi điều đó.

"Con đường phở" ở Texas

Số lượng người gốc Việt đang tăng nhanh tại đây đã tạo ra một bối cảnh ẩm thực sôi động cho thành phố.

Như một cách để giới thiệu Garland, văn phòng du khách của thành phố đã tổ chức một con đường ẩm thực. Nhưng thay vì món tacos (một loại bánh truyền thống của người Mexico, lớp vỏ được chế biến từ bột ngô hoặc bột mỳ và nhân được làm từ thịt bò, thịt heo, cá, thịt gà, nước sốt cà chua, nấm, ớt …) hay cocktail margaritas, thành phố Garland tập trung vào cốt lõi của ẩm thực Việt Nam và món ăn vô cùng bản sắc - phở.

Phở 286, ở góc đường Jupiter và Walnut Street cạnh chợ Hiep Thai sầm uất, là một trong 19 nhà hàng trên "Pho Real Trail" - Con đường phở ở Garland, được thiết kế để trở thành một lộ trình giới thiệu các nhà hàng Việt Nam của thành phố.

Nick Nguyen khai trương Phở 286 vào tháng 5/2022 như thực hiện lời hứa với mẹ mình. Anh chứng kiến mẹ mình làm việc liên tục tại một nhà hàng để chu cấp cho gia đình và đã hứa sẽ mở cho bà một nhà hàng. Nguyen đã thực hiện lời hứa của mình, mặc dù phải mất nhiều thời gian hơn anh dự tính.

Công thức cầu kỳ của món phở Việt

Mẹ anh giờ đã cao tuổi và không còn sức lao động nhưng bà và Phở 286 gắn bó chặt chẽ với nhau. Mọi công thức đều là của bà; mỗi món ăn là một phiên bản mà bà từng chuẩn bị cho gia đình, trong đó có phở. Trước khi nhà hàng mở cửa, mẹ của Nguyễn đã hướng dẫn các nhân viên cách làm món phở theo cách mà bà đã làm ở Việt Nam.

Đầu tiên, xương bò được đun sôi trong nước trong 15 phút để làm sạch. Xương được rửa sạch, cho vào nồi và ninh trong 16 giờ, bọt được hớt sạch để tạo ra nước dùng trong. Thịt bò sau đó được cho vào nồi nước dùng để nấu trong 3 giờ, được vớt ra và thêm hoa hồi, quế và các loại gia vị khác vào. Khoảng 5 đến 10 phút sau, không khí tỏa mùi thơm, một bản giao hưởng của mùi thơm khiến Nick Nguyen nhớ lại tuổi thơ của mình.

"Bạn có thể cảm nhận được tình yêu trong phở," anh nói.

Bánh phở và thịt được xếp vào bát và chan nước dùng khi, ăn kèm với dầu ớt, hành, chanh…

Câu chuyện về Phở 286 là câu chuyện của rất nhiều nhà hàng Việt ở Garland. Họ là những người lưu giữ truyền thống và ký ức, đồng thời là pháo đài của niềm tin ẩm thực qua nhiều thế hệ. Họ cũng là những nhà giáo dục công chúng về các sắc thái và chiều sâu của ẩm thực và văn hóa Việt - điều mà thành phố Garland đang hướng tới.

(Nguồn: Soha)

Diện mạo Phố Việt Nam (Vietnam Town) đầu tiên trên thế giới tại Thái Lan

Dự kiến, Vietnam Town tại Thái Lan sẽ là khu Phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại tỉnh Udon Thani. Tuyến phố này hầu hết là người Việt và sẽ là nơi giới thiệu ẩm thực, hàng hóa, bản sắc văn hóa Việt Nam ở đây.

Xây dựng Phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới tại Thái Lan

Tỉnh Udon Thani có thể được coi là thủ phủ của người Thái gốc Việt với hơn 60.000 người. Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Thái gốc Việt ở tỉnh hiện sống quây quần, đoàn kết, gắn bó, và vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc và tinh thần hướng về quê hương, đất nước. Bà con cũng đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi cư trú; nhiều người hiện có địa vị cao trong xã hội sở tại. Nhưng điều này cho thấy việc hình thành Phố Việt Nam là sự phát triển tất yếu của cộng đồng người Thái gốc Việt tại tỉnh Udon Thani.

Về hình thức, Phố Việt Nam là dự án hợp tác giữa Chính quyền tỉnh, Chính quyền thành phố Udon Thani và Hội Người Thái gốc Việt tỉnh Udon Thani. Trên thực tế, việc thúc đẩy xây dựng Phố Việt Nam chính là sự gặp gỡ, hội tụ của các ý tưởng của Chính quyền tỉnh, Chính quyền thành phố Udon Thani, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cũng như mong muốn, nguyện vọng của bà con Việt kiều tỉnh Udon Thani. Trong đó, truyền thống yêu nước, tinh thần hướng về quê hương, đất nước chính là động lực thôi thúc bà con Việt kiều quyết tâm hình thành Phố Việt Nam đầu tiên tại Thái Lan cũng như trên toàn thế giới.

Chính quyền sở tại luôn nhất quán duy trì quan điểm, chính sách ủng hộ và khuyến khích các hoạt động của bà con Việt kiều nói chung và dự án hình thành Phố Việt Nam nói riêng. Những minh chứng cụ thể là việc Chính quyền thành phố Udon Thani đã phối hợp với Hội Người Thái gốc Việt tỉnh Udon Thani khảo sát và thống nhất lựa chọn Ngõ 2, đường Si Suk, thành phố Udon Thani là địa điểm xây dựng Phố Việt Nam. Chính quyền thành phố cũng đã dành khoản ngân sách 3 triệu baht (2,1 tỷ VND) phục vụ việc chỉnh trang lại đường sá, vỉa hè cũng như hạ tầng cơ bản khác của khu Phố Việt Nam trong nhiều tháng qua.

Diện mạo Phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới

Sau khi lựa chọn Ngõ 2, đường Si Suk, thành phố Udon Thani là địa điểm xây dựng Phố Việt Nam, Chính quyền thành phố Udon Thani đã phân bổ ngân sách để chỉnh trang lại đường sá, vỉa hè của khu Phố Việt Nam. Thị trưởng thành phố Udon Thani hôm 25/2 đã trả lời phỏng vấn phóng viên của Cơ quan thường trú Đài TNVN tại Thái Lan cho biết Chính quyền thành phố dự kiến sẽ hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ bản của khu phố trong 2 tháng tới, đồng thời, phối hợp với các hộ gia đình để tiến hành chỉnh trang mỹ quan các ngôi nhà trong khu phố từ nay đến cuối năm 2023.

Trong buổi làm việc và thị sát tiến độ triển khai dự án Phố Việt Nam hôm 25/2 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan và Thị trưởng thành phố Udon Thani đã cùng xem xét thiết kế và khảo sát địa điểm xây dựng hai cổng chào ở hai đầu của Phố Việt Nam. Hai bên cũng đã trao đổi bàn bạc các biện pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hai cổng chào nhằm sớm khai trương, đưa Phố Việt Nam vào hoạt động. Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân trong nước đã có những động thái ủng hộ thiết thực việc xây dựng Phố Việt Nam, trong đó Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ủng hộ 1,5 triệu Baht (hơn 1 tỷ VND) để xây dựng cổng chào.

Đặc biệt, sau khi cơ bản hoàn thiện hạ tầng cứng như đề cập ở trên, các bên liên quan sẽ thúc đẩy triển khai “hạ tầng mềm”, đó chính là việc xây dựng các cửa hàng ẩm thực Việt Nam, cửa hàng hàng hóa, đồ lưu niệm và các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam hay thậm chí sẽ là những địa chỉ giao lưu văn hóa… Qua đó, đưa khu phố này trở nên sầm uất hơn, mang những nét đặc trưng của Việt Nam tại đây nhằm thu hút đông đảo du khách từ nhiều nơi, nhất là bà con kiều bào Việt Nam tại Thái Lan, kiều bào Việt Nam tại Lào và người dân Việt Nam… đến tham quan, mua sắm, thưởng thức ẩm thực Việt.

(Nguồn: VTV4)

Chuyện bất ngờ về cô gái Việt đầu tiên trở thành á quân Vua đầu bếp Ý

Là cô gái Việt Nam đầu tiên trở thành á quân của chương trình Vua đầu bếp Ý (Masterchef Italia 2023), chị Đinh Thị Huế (28 tuổi, quê Hà Nội) khiến nhiều người bất ngờ vì lúc ở nhà chị… không biết nấu ăn.

Niềm vui xen lẫn tự hào

Trải qua 24 tập phát sóng, vượt qua nhiều thí sinh tiềm năng, mới đây, chị Đinh Thị Huế chính thức tiến vào chung kết và trở thành á quân của chương trình Vua đầu bếp Ý 2023 khiến nhiều người Việt tự hào. Trên mạng xã hội, nhiều người thả “mưa tim" và dành những lời chúc mừng tốt đẹp nhất cho thành tích của cô gái Việt Nam có vóc người nhỏ bé.

Tâm sự với Thanh Niên, chị Huế nói rằng hiện tại chị vẫn còn nguyên cảm giác trong hành trình vừa qua, với kết quả vượt cả kỳ vọng ban đầu của chị. Nhận được sự quan tâm và tình cảm lớn của mọi người, chị vừa hạnh phúc vừa xúc động.

“Mình tham gia cuộc thi đơn giản vì mình mong có thể thực hiện được mơ ước giới thiệu các món ăn Việt Nam quê hương mình đến với bạn bè thế giới, chứ không nghĩ mình là người giỏi nhất hay sẽ giành chiến thắng. Mọi người cũng biết rằng, món ăn không chỉ để ăn, mà còn có thể kể chuyện, còn chứa đựng những giá trị to lớn”, á quân Vua đầu bếp Ý 2023 cho biết.

Những ngày đầu tiên, với món ăn có tên "Học, Hành, Hy vọng và Mơ ước", chị Huế đã nhận được chiếc tạp dề màu trắng có tên mình, tiếp tục tiến vào những vòng sâu hơn. Trong suốt hành trình đi qua, dù không có quá nhiều kinh nghiệm, và các đối thủ cũng rất mạnh, cô gái Việt Nam vẫn thể hiện được phong độ ổn định, tiến bộ rất nhanh và được các giám khảo đánh giá cao.

“Khi lọt vào top 20 người xuất sắc nhất, mình cũng khá lo lắng vì xung quanh mình rất nhiều đối thủ nặng ký. Nhưng sau đó mình quyết tâm và cố gắng qua từng tập để tiến bộ hơn. Có được kết quả này với mình quá tự hào và mỹ mãn”, chị bày tỏ.

Từng không biết nấu ăn

Chị Huế cho biết trong suốt quá trình tham gia cuộc thi, chị luôn cố gắng nấu các món ăn lấy cảm hứng từ Việt Nam, với sự pha trộn hài hòa giữa văn hóa ẩm thực Việt Nam - Ý, mang đậm dấu ấn cá nhân của mình.

Đó là chiếc bánh xếp trắng và trong, hình nửa vầng trăng được chị Huế làm bằng bột gạo, nhân thịt heo, ướp hành, sả và nước mắm - một gia vị Việt Nam không thể thiếu. Ban giám khảo, đều là những đầu bếp nổi tiếng thế giới tinh tế nhận ngay ra nước mắm Việt Nam thật khác nước mắm Ý - Colatura di Alici.

Đó là món cơm nắm muối vừng, với nước cơm chắt và đậu phụ tẩm nước xốt. Món ăn này bà nội từng nấu cho ba chị, rồi ba chị nấu cho chị ăn trong thời thơ ấu nghèo khó ở một làng quê ngoại thành Hà Nội.

Ít ai biết, trước khi sang Ý du học ngành quan hệ quốc tế năm 2016 rồi có cơ hội bén duyên với Vua đầu bếp Ý 2023, ở nhà chị Huế là người không biết nấu ăn. “Hồi ở Việt Nam, mình không biết nấu ăn, cũng chưa phải rửa chén. Ẩm thực với mình là con số 0 tròn trĩnh. Đó là lý do mà khi biết mình tham gia cuộc thi về nấu ăn này, gia đình ở Việt Nam đã rất bất ngờ, thậm chí còn trêu mình nữa. Bạn bè cũng không tin được mình có kết quả như hôm nay", cô gái cười, nói.

Cuộc thi kết thúc, chị cho biết vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê nấu nướng của mình. Chị hy vọng bản thân sẽ có cơ hội vinh danh nghề đầu bếp ở Việt Nam, dịch các sách dạy nấu ăn của các đầu bếp nổi tiếng thế giới sang tiếng Việt.

Sau 24 tập phát sóng, vào ngày 2.3 vừa qua chương trình đã tìm ra quán quân là Edoardo Franco (26 tuổi, sinh ra ở Ý, hiện sống tại Scotland) với thực đơn mang tên “Tutto mondo”. 2 người về nhì lần lượt là anh Antonio Gargiulo (còn gọi là Bubu, 19 tuổi, người Ý) và chị Huế.

(Nguồn: Thanh Niên)

Báo cáo Anh: Hàng trăm nạn nhân buôn người bị mất tích, đa số là người Việt

Hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đã mất tích sau khi họ được giới thiệu đến chương trình của chính phủ Anh được thiết kế ra để bảo vệ họ, phần lớn trong số nạn nhân trưởng thành là người Việt Nam, tờ The Guardian đưa tin hôm 2/3.

Thông tin được đưa ra sau khi Bộ trưởng Nhập cư của Anh, Robert Jenrick, thừa nhận hồi tháng 1 rằng kể từ năm 2021, khoảng 200 trẻ em xin tị nạn đã mất tích khỏi các khách sạn mà Bộ Nội vụ và các nhà thầu của Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm.

Theo dữ liệu mà The Guardian có được về quyền tự do thông tin từ Bộ Nội vụ Anh, có 566 nạn nhân có thể là nạn nhân buôn người hoặc đã được xác nhận là nạn nhân buôn người từ Vương quốc Anh và các quốc gia khác, được phân loại là “mất tích” từ năm 2020 đến năm 2022, sau khi được chuyển đến cơ chế giới thiệu quốc gia (NRM ), vốn được thiết kế để bảo vệ an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân.

Con số cao nhất là 258 nạn nhân vào năm 2022, tăng từ 232 người vào năm 2021 và 76 vào năm 2020. Phần lớn trẻ em mất tích là bé trai người Albania và phần lớn người trưởng thành mất tích là đàn ông Việt Nam.

Tờ báo Anh cho biết các tổ chức ủng hộ nạn nhân buôn người đã bày tỏ lo ngại về dữ liệu trên và kêu gọi Bộ Nội vụ Anh mau chóng điều tra những gì đã xảy ra với hàng trăm nạn nhân mất tích.

Bà Kathy Betteridge, Giám đốc chống buôn người và chế độ nô lệ hiện đại của Salvation Army, nơi có hợp đồng chăm sóc các nạn nhân buôn người với Bộ Nội vụ Anh, cho biết: “Các băng nhóm tội phạm sử dụng nhiều kỹ thuật để gài bẫy mọi người làm nô lệ hiện đại, trong đó bao gồm bạo lực và đe dọa đối với gia đình nạn nhân. Tất nhiên, nhân viên của chúng tôi giải thích là họ sẽ được dịch vụ hỗ trợ của chúng tôi bảo vệ an toàn trên thực tế như thế nào, nhưng chúng tôi không thể đảm bảo an toàn cho gia đình họ. Đối với một số người, nỗi sợ hãi quá lớn”.

Bà nói: “Đáng buồn thay, hầu hết những người bỏ trốn là công dân Việt Nam và điều này dường như có liên quan đến mức độ áp lực tâm lý nghiêm trọng mà họ phải chịu từ những kẻ buôn người. Khi họ đến các dịch vụ của chúng tôi, họ đặc biệt cảnh giác với chính quyền và lo lắng về các mối đe dọa đối với gia đình họ”.

Theo tổ chức Chống Buôn người Quốc tế, tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng. Phần lớn bị đưa vào các cơ sở sản xuất cần sa, tiệm làm móng và ép buộc làm gái mại dâm. Đa số các nạn nhân buôn người còn rất trẻ, đôi khi là trẻ em, rất dễ bị bóc lột dưới bàn tay của những kẻ buôn người với những lời hứa hão huyền về những công việc hấp dẫn và lương cao. Chính sự tự nguyện của các nạn nhân, vốn phần lớn xuất thân nghèo khổ, đã gây ra những thách thức và khó cho giới hữu trách Anh trong việc trấn áp tội phạm buôn người.

Một báo cáo năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc ước tính mỗi năm, các mạng lưới buôn người đưa khoảng 18.000 người từ Việt Nam sang châu Âu. Giao dịch bất hợp pháp này mang đến khoảng 300 triệu euro (315,6 triệu USD) cho các mạng lưới buôn người.

(Nguồn: VOA)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang