Người Việt hải ngoại: Nơi tâm chấn động đất; Phiêu bạt thời chiến sự; Nỗ lực hoàn lương; Vụ bỏ xác 2 con ở Nhật

Người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ: Những ngày đáng nhớ nơi tâm chấn động đất

(Ảnh minh họa).

Anh Bùi Xuân Mai - một người Việt có hơn 10 năm sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã chia sẻ với báo chí về những ngày đáng nhớ khi thảm họa khủng khiếp bất ngờ ập đến với 'quê hương thứ hai' của anh.

Là một cộng đồng khá nhỏ với gần 200 người, người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu sang học tập, sau đó ở lại lập nghiệp, một phần kết hôn với người Thổ Nhĩ Kỳ và sống rải rác ở các địa bàn.

Anh Bùi Xuân Mai, Trưởng Hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, không chỉ miền Nam, mà nhiều tỉnh, thành khác ở quốc gia này thường xảy ra động đất, thậm chí có tháng tới vài lần. Nhưng có lẽ, không ai nghĩ rằng, thiệt hại lần này lại nghiêm trọng đến vậy…

Ân tình trong thảm họa

Đã có khoảng thời gian dài học tập và gắn bó với Thổ Nhĩ Kỳ nên anh Bùi Xuân Mai cùng nhiều người Việt Nam ở đây không thể đứng ngoài cuộc khi nơi đây gặp khó khăn.

Anh chia sẻ: “Thiệt hại lần này lớn và xót xa quá. Chúng tôi đã rất may mắn được an toàn nên nhận thấy cần phải giúp đỡ cộng đồng và chia sẻ với những khó khăn của người dân ở đây nhiều hơn. Lúc này họ cần sự giúp đỡ và chia sẻ hơn bao giờ hết”.

Trên tinh thần “có gì góp nấy”, ngay trong ngày thứ hai nhận được tin báo thiệt hại sau động đất, việc đầu tiên anh Mai cùng nhóm bạn làm là kêu gọi cộng đồng quyên góp, bản thân thì trích một phần lương để mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu như gạo, đậu, dầu ăn, mắm muối…

Ngoài ra, nhóm thu gom quần áo ấm, chăn, gửi tặng người dân. Anh nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đang trong mùa Đông lạnh giá, tuyết rơi nhiều, nên bà con rất cần quần áo mùa Đông như áo dài tay, quần nỉ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ”.

Sau hai đợt quyên góp hưởng ứng nhiệt tình của anh chị em trong cộng đồng, nhóm còn nhận được sự tin tưởng và góp sức của một số bà con người Việt trong nước và tại nhiều nước châu Âu khác như Hungary, Czech, Ba Lan… Tình cảm của đồng bào khắp mọi nơi hướng về Thổ Nhĩ Kỳ khiến những người Việt ở đây cảm thấy ấm lòng và yên lòng hơn trong công việc thiện nguyện.

Anh Mai cho biết, tất cả hàng hóa, nhu yếu phẩm, vật tư quyên góp, ủng hộ được tập kết tại các điểm và chuyển đến hỗ trợ nạn nhân vụ thảm họa động đất. Các cơ quan chính phủ cũng tổ chức công tác cứu trợ rất tốt. Họ có nhiều điểm tập kết để nhận hàng cứu trợ trên những chiếc xe lớn và chuyển đến khu vực gặp nạn.

Không chỉ hoạt động tích cực trên trang cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ, những người bạn của anh Mai như anh Dương Nam Phương-sinh sống tại Istanbul, liên tục cập nhật thông tin và phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại trong công tác bảo hộ công dân.

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: “Việc Việt Nam cử đoàn trực tiếp tham gia hợp tác quốc tế cứu trợ nhân đạo khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là bước phát triển mới của nước ta trong tham gia hợp tác quốc tế, tiếp tục khẳng định và củng cố vai trò Việt Nam là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Niềm hạnh phúc khi giải cứu

Đặc biệt, ngay sau khi biết tin Việt Nam sẽ cử đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ Công an sang thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh Bùi Xuân Mai đã đại diện cộng đồng tình nguyện đến Adiyaman - một trong ba vùng thiệt hại nặng nề nhất sau thảm họa động đất, để hỗ trợ cho đoàn.

Anh chia sẻ: “Tôi tình nguyện đi vì nhận thấy đoàn rất cần có người Việt biết ngôn ngữ, cũng như am hiểu về văn hóa và thổ địa. Tôi giúp các anh thảo luận với các chuyên gia nước ngoài và các bạn địa phương về phương án tiếp cận, xác định vị trí sập…”.

Và rồi, niềm vui trong ngày đầu tiên làm việc của anh Nam là hỗ trợ dịch thuật nắm thông tin, trực tiếp đứng máy thảo luận, nhận hiệu lệnh và phát lệnh đào cho thợ máy. Anh xúc động kể: “Chín giờ tối hôm đó, êkip đã hoàn thành nhiệm vụ đưa một gia đình nạn nhân ra khỏi căn nhà bị sập đúng như phân tích dự đoán của chúng tôi”.

Người dân Adiyaman cho biết, đây là khu vực lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tiếp cận tương đối muộn hơn so với các thành phố khác vì nhiều yếu tố khách quan như giao thông trắc trở và thời tiết. Vì vậy, công tác cứu hộ ở đây phải nỗ lực làm việc gấp đôi sức để đua với thời gian.

Cùng với việc giải cứu các nạn nhân trong thảm họa động đất, anh Bùi Xuân Mai cùng Trưởng đoàn giải cứu của Bộ Công an đến thăm hỏi hai gia đình người Việt ở những khu vực gần Adiyaman.

Chị Ngô Thị Kim Thảo (quê ở Bến Tre), cảm ơn đoàn không quản điều kiện đi lại gian nan đến thăm gia đình. Nằm trong vùng tác động của động đất, tường nhà chị nhiều chỗ bị gãy, nứt, sinh hoạt gia đình gặp nhiều khó khăn do thường xuyên bị mất điện và nguồn củi đốt, quần áo ấm không đủ dùng.

Vừa trải qua những giây phút kinh hoàng và hiện đang phải tạm thời trú ẩn tại nhà người thân ở quê chồng, chị Bích Hồng (quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu) và con gái từ Việt Nam mới sang Thổ Nhĩ Kỳ được 10 tháng, cũng không giấu được niềm vui khi được đón đoàn đến thăm.

Trong cuộc gặp gỡ hai gia đình, được sự ủy quyền của Đại sứ quán Việt Nam và thay mặt cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ, anh Mai đã gửi lời thăm hỏi và chia sẻ cùng những món quà nhỏ thể hiện tấm lòng đồng bào cùng hướng về người Việt đang gặp khó khăn vì động đất.

Bảy ngày cứu hộ, cứu nạn trôi qua, đoàn Việt Nam phối hợp cùng lực lượng của các nước giải cứu thành công một người còn sống khỏi khu sập đổ, đưa 14 thi thể ra khỏi đống đổ nát, bàn giao cho cơ quan y tế địa phương. Đặc biệt, đoàn Việt Nam đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với người dân bản địa.

Anh Bùi Xuân Mai cho biết, trong những cuộc tiếp xúc, phía bạn luôn đánh giá cao và ghi nhận sự giúp sức hết mình của Việt Nam đối với khó khăn của người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đoàn còn nhận được đồng hành của các tình nguyện viên người Thổ Nhĩ Kỳ, luôn đi theo đoàn hỗ trợ trong suốt hành trình cứu hộ cứu nạn.

Anh kể: “Trong chuyến đi, gặp người Thổ Nhĩ Kỹ ở đâu, họ cũng chia sẻ sự cảm kích trước sự hỗ trợ của Việt Nam. Đoàn giải cứu đến từ Việt Nam được người dân bản địa rất yêu quý.

Chẳng hạn, vào hôm chia tay đoàn về nước, chúng tôi có mời các anh một bữa cơm với những món ăn Thổ Nhĩ Kỳ. Khi biết đó là đoàn Việt Nam sang đây làm nghĩa vụ nhân đạo quốc tế, chị hàng xóm cạnh bên đã mua hai hộp bánh đặc sản của Thổ Nhĩ Kỳ tặng các anh mang về nước”.

Chỉ mong cuộc sống bình an

Khi đoàn giải cứu Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế trở về nước, cũng là lúc anh Bùi Xuân Mai trở lại cuộc sống thường nhật tại thành phố Istanbul. Tuy nhiên, mới đây, hai trận động đất khác lại liên tiếp xảy ra ở Hatay khiến bốn người thiệt mạng, hơn 200 người bị thương và làm đổ sập nhiều tòa nhà.

Những ngày này, nhóm cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thường xuyên nhận được các tin nhắn chia sẻ và ủng hộ từ bà con trong và ngoài nước. Cùng với công tác bảo hộ công dân tích cực trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ luôn sát cánh cùng họ trong khó khăn và động viên tinh thần để bà con an tâm duy trì cuộc sống.

Điều anh Bùi Xuân Mai mong nhất lúc này là sự bình an đến với cộng đồng người Việt cũng như người địa phương. Bởi những mất mát của thảm họa này quá lớn và còn phải rất lâu mới có thể hồi phục, trong khi đó nguy cơ từ các thảm họa khác vẫn rình rập.

Anh Mai chia sẻ: “Cuộc sống và công việc của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ xác định sẽ còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt với những chị em lấy chồng bản địa thì người thân, hạnh phúc và tương lai của họ đều ở đất nước này”.

(Nguồn: VTV4)

Xung đột Nga – Ukraine: Những người Việt phiêu bạt thời chiến sự

Gần 20 năm sinh sống và làm việc tại Kharkov, Ukraine, cuối cùng anh Minh Hoàng buộc phải trở về Việt Nam khi chiến sự nổ ra. Bạn bè, người quen, người chọn về quê hương, người ở lại Châu Âu, nơi đâu người Việt cũng vẫn đang phải vật lộn để thích nghi với cuộc sống mới. Anh chia sẻ trong bài viết gửi Dân Việt.

Đúng một năm trước, chiến tranh nổ ra. Cũng như người dân Ukraine, người Việt cũng lên đường chạy tị nạn. Bất ngờ. Vội vã. Chúng tôi bỏ lại nhà cửa, tài sản, cửa hàng, xe cộ. Nhiều gia đình vội vã ra đi thậm chí chỉ kịp đem theo chút tiền mặt ít ỏi.

Quan sát những người quen và cộng đồng, đại bộ phận bà con tạm lánh nạn sang Ba Lan - sát biên giới phía Tây với Ukraine, hay Đức- quốc gia phát triển nhất trong khối EU, mức trợ cấp xã hội cho người tị nạn cao. Bước đầu các nước EU cấp nhà ở xã hội miễn phí trong khả năng cho tất cả mọi người tị nạn, ưu tiên trước cho các gia đình có trẻ nhỏ.

Các gia đình chưa được nhận nhà thì được bố trí ở tại các trại tị nạn với điều kiện sinh hoạt chấp nhận được, nhà nào may mắn thậm chí còn được bố trí ở trong các khách sạn do chính phủ thuê. Tại Đức, tùy theo điều kiện từng bang, mỗi người được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng khoảng 200 - 300 euro.

Việc trợ cấp và cấp nhà ở chỉ cho những người có hộ chiếu Ukraine hoặc ít nhất có thẻ định cư ở Ukraine, cũng ưu tiên những người có thẻ định cư đồng thời có con nhỏ mang hộ chiếu Ukraine. Tất nhiên do phải tiếp nhận lượng người di tản khổng lồ, đất chật, người đông, không phải gia đình nào cũng có thể được cấp ngay nhà ở, cũng còn phụ thuộc vào quỹ nhà ở của từng bang, từng nước. Đến thời điểm đầu 2023 này, sau 1 năm di tản, phiêu bạt xứ người, vẫn còn nhiều gia đình chưa tìm được nhà ở, vẫn đang sống ở trại tị nạn, nhiều người chưa được nhận thẻ định cư, cứ sau 3-6 tháng lại phải đi gia hạn giấy tờ.

Có điều may mắn là trẻ em các bậc tiểu học và trung học được nhận vào học tại các trường mà không cần bất cứ giấy tờ, học bạ gì. Điều này tôi sẽ nói thêm ở dưới để hiểu thế nào là may mắn.

Phải nói rằng Chính phủ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và Nga đã hết sức tích cực trong việc tổ chức sơ tán bà con ra khỏi vùng chiến sự. Một bộ phận bà con sau khi sang Châu Âu đã trở về Việt Nam theo các chuyến bay giải cứu. Nhưng thực sự, về đây, nhiều người đã gặp khó.

Tôi có một anh bạn may mắn công việc không bị xáo trộn nhiều, gần như chỉ thay đổi địa điểm làm việc từ Ukraine về Việt Nam. Nhưng những người như thế là vô cùng ít. Chứng kiến những gì nhiều người quen của mình đang trải qua, tôi nghĩ, rất nên có một quỹ hỗ trợ đặc biệt cho đồng bào gặp khó khăn do chiến tranh, loạn lạc trở về, hoặc có những chính sách nhất quán giúp họ tạo việc làm, tái định cư, hòa nhập tốt hơn.

Chúng tôi hiểu rằng được trở về với quê hương bản quán một cách an toàn là điều cực kỳ may mắn. Nhưng nhiều người đã không kịp mang theo một chút tài sản nào khi chạy loạn. Nhiều người trở về vẫn đang vật lộn để thích nghi với đời sống ở quê nhà, bằng nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của họ hàng, chòm xóm.

Thương nhất là bọn trẻ. Trẻ em từ Ukraine về Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi đi xin học vì không có hồ sơ giấy tờ. Tất cả các trường đều yêu cầu phải có hồ sợ, học bạ của các cháu. Thế nhưng trong lúc chạy nạn, nhiều gia đình giấy tờ thất lạc, chưa kể học bạ của con em còn lưu ở trường tại Ukraine không ai rút được. Ban đầu chỉ có một số cháu được nhận vào học tại các trường tư, tất nhiên gia đình phải nhờ cậy đủ các mối quan hệ có thể. Mãi nửa năm sau, nhờ sự can thiệp của các cơ quan quản lý thuộc Bộ Ngoại giao mà các cháu nhỏ cũng tạm thời được nhận vào học tại các trường bình thường, với điều kiện bổ sung học bạ sau này.

Chứng kiến những gì nhiều người quen của mình đang trải qua, tôi nghĩ, rất nên có một quỹ hỗ trợ đặc biệt cho đồng bào gặp khó khăn do chiến tranh, loạn lạc trở về, hoặc có những chính sách nhất quán giúp họ tạo việc làm, tái định cư, hòa nhập tốt hơn.

Xin học là một chuyện, còn hòa nhập lại là chuyện khác nữa. Các cháu nhỏ ban đầu chưa quen khí hậu nóng, ẩm, bụi bặm tại Việt Nam, chưa nói thông thạo tiếng Việt, chưa có bạn bè… cũng phải chịu nhiều tác động tâm lý, tình cảm.

Gia đình tôi đưa con nhỏ về, cháu không hòa nhập được do bất đồng ngôn ngữ, thêm thời tiết nắng nóng nên con tôi cả ngày chỉ ở trong phòng, không muốn ra ngoài đường, không giao tiếp với ai, cuối cùng lại phải tìm đường đưa cháu sang Đức đi học.

Không chỉ con trẻ, ngay đến nhiều người lớn, sau bao nhiêu năm sống và làm việc ở Ukraine, khi trở về Việt Nam còn khó hòa nhập. Một số người có tiền, góp vốn làm ăn, rồi lại thất bại vì thiếu kinh nghiệm, thậm chí bị lừa đảo. Một số người ít vốn, tự mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng không trụ được do không quen với môi trường kinh doanh tại Việt Nam, không cạnh tranh được.

Có những người trở về được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, nhưng cũng chỉ dừng ở mức tạm ổn do đã có tuổi, sức ỳ lớn hơn, trình độ học vấn cũng có khoảng cách nhất định so với thế hệ trẻ được học hành, đào tạo bài bản trong nước hoặc du học ở nước ngoài về.

Cuộc sống khó khăn, không thu nhập, không có công ăn việc làm ổn định, mọi người đành khăn gói lên đường, rời bỏ quê hương! Đã có không ít người, bao gồm cả những người có tuổi tìm cách quay trở lại sang Đức và các nước châu Âu. Họ di chuyển theo lộ trình từ Việt Nam xin thị thực bay sang Moldova, sau đó đi ô tô theo đường bộ vào Ukraine. Sau khi đã có con dấu nhập cảnh vào Ukraine, họ lại tiếp tục sang châu Âu qua cửa khẩu biên giới với Ba Lan, Hungary, Rumani theo dạng dân tị nạn chiến tranh để được hưởng chế độ tị nạn. Cá biệt có một số người đã về Việt Nam từ 5, 10 năm trước cũng tận dụng dịp này để sang châu Âu. Tùy theo từng nước sẽ có chế độ cho người tị nạn từ Ukraine tạm trú 1- 2 năm, sau đó sẽ xem xét gia hạn tiếp hay không. Đến thời điểm hiện nay, dưới sức ép của các nước EU, chính phủ Moldova đã dừng cấp visa cho công dân Việt Nam, giấc mơ sang châu Âu tạm thời khép lại.

Tất nhiên cuộc sống tại châu Âu, đặc biệt như tại Đức cũng không hề dễ dàng gì, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, cường độ công việc cao, khác hẳn với cuộc sống có phần dễ dàng, thoải mái (dù thu nhập có thể không cao) tại Ukraine trước kia. Chỉ có bọn trẻ theo gia đình chạy sang Châu Âu có vẻ thuận lợi hơn, hy vọng sau một thời gian các cháu sẽ quen thuộc với văn hóa, ngôn ngữ và dần thích nghi với cuộc sống mới.

Cá biệt có một số gia đình quá chán nản với cảnh sống tị nạn, chờ đợi giấy tờ lâu nên đã liều quay về Ukraine sinh sống, buôn bán. Hiện nay tại Làng Thời đại, Kharkov có hàng chục người đã quay lại làm ăn, sinh sống nửa năm nay. Do thời chiến tranh, ít người buôn bán, hàng hóa khan hiếm nên họ vẫn có thu nhập tốt. Vì mưu sinh, họ đánh liều mạng sống với đạn bom, với những đợt còi báo động, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về điện nước, sưởi ấm.

Nhưng dù đang phiêu bạt nơi nào, ở Châu Âu hay ngay nơi mình sinh ra, những người Việt vốn từng chọn Ukraine như quê hương thứ hai, từng dành toàn bộ vốn liếng để định cư lâu dài ở đất nước này, giờ chỉ có chung một tâm nguyện: Chiến sự kết thúc để có thể trở về Ukraine, tìm lại nhà cửa, gầy dựng lại tài sản, cuộc sống.

(Nguồn: Dân Việt)

Người Việt năm châu: Nỗ lực của 2 người hoàn lương

(Ảnh minh họa).

Tại TP.San Diego, bang California (Mỹ), có 2 người đàn ông từng nghiện ma túy đang tình nguyện dọn dẹp rác thải để làm sạch thành phố và cũng để đóng góp một phần cho cộng đồng.

Đó là câu chuyện của ông Steven Phong (gốc Việt) và người bạn cùng cảnh ngộ Jose Sifuentes đang cố gắng tái hòa nhập cộng đồng.

"Trước đây, tôi đã không sống tốt. Tôi không còn quá nhiều thời gian nên tôi đang làm một điều gì đó để đóng góp cho cộng đồng", Đài KGTV dẫn lời ông Phong nói ngày 21.2 trong lúc nhặt rác quanh thành phố.

Với quá khứ không tốt đẹp, ông Phong bị từ chối khi đi xin việc làm. Việc đó thôi thúc ông làm gì đó để đóng góp cho cộng đồng.

Hai người bắt đầu công việc nói trên từ cuối năm 2022 và đã dọn sạch nhiều khu vực mà không ai muốn dọn. Sau khi thu gom rác, họ tự bỏ tiền ra để được đổ ở khu xử lý rác.

Hai người đã nhận được rất nhiều gợi ý trên mạng xã hội về những địa điểm có rác thải và không ngần ngại đến để dọn dẹp dù đó là công việc của thành phố. Một người bạn đã cho hai người thuê xe để chở rác và ông Phong đang kêu gọi quyên góp để mua xe tải riêng.

Trên website do hai người lập ra, ông Phong và Sifuentes cho biết dự định sắp tới là kiếm đủ tiền để thuê thêm những người đồng cảnh ngộ nhằm giúp thành phố sạch đẹp và cũng để họ cảm thấy có ích cho đời.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xét xử cựu thực tập sinh kĩ năng người Việt bỏ xác hai con sinh đôi ở Kumamoto

3 năm trước tại thị trấn Ashikita, tỉnh Kumamoto, vụ việc nữ thập sinh chôn hai con song sinh đã gây xôn xao dư luận, khiến Toà án tối cao phải tranh luận rất nhiều về hành vi của bị cáo.

Khởi đầu vụ án

Bị cáo Lê Thị Thùy Linh (24 tuổi) quốc tịch Việt Nam là thực tập sinh kỹ năng đến Nhật Bản từ tháng 11 năm 2020. Tháng 11 năm 2020, Linh đã đặt thi thể của hai con song sinh chết lưu của mình trong hộp các tông và bỏ lại nhà ở thị trấn Ashikita.

Trong phiên tòa xét xử cho bị cáo Linh, người ta đã tranh cãi liệu hành vi của bị cáo có phải là bỏ rơi hay không. Trong phần tranh luận được tổ chức tại Tòa án Tối cao vào ngày 24, bị cáo khẳng định sự vô tội của mình vì sợ bị buộc phải về nước nên không tiết lộ chuyện mang thai với những người xung quanh và có ý định để tang hai bé. Bằng chứng là Linh đã cẩn thận để hai bé trong 2 lớp hộp nhằm tránh bị lạnh, đồng thời không chôn cất hay phi tang thi thể để giấu nhẹm mọi chuyện đi.

Bên công tố thì lập luận rằng hành vi cho thi thể vào hai lớp hộp và niêm phong lại đủ để cấu thành hành vi che giấu và đề nghị bác bỏ kháng cáo.

Cả phiên tòa thứ nhất và thứ hai đều dẫn đến việc kết án bị đình chỉ nhưng các lập luận cần thiết để thay đổi bản án vẫn được giữ nguyên và các kết luận có thể được xem xét lại.

Sự ủng hộ từ xã hội

Sau phiên điều trần, bị cáo Linh đã tổ chức một cuộc họp báo với các luật sư và những người ủng hộ mình và nói rằng bản thân không bỏ rơi hay giấu thi thể của cặp song sinh chết lưu. Do đó cô hy vọng rằng mình nhận được phán quyết trắng án bởi đây là vì lợi ích của các thực tập sinh đang phải chịu đựng hoàn cảnh như cô mà không thể lên tiếng.

Liên quan đến trường hợp của Linh, các nhóm hỗ trợ thực tập sinh kỹ năng nước ngoài đang tiến hành các hoạt động ký tên để Linh được tha bổng. Cho đến nay đã nhận được hơn 90.000 chữ ký.

Điểm tranh chấp thuộc phạm vi “che giấu thi thể”

Vấn đề trong phiên điều trần của Tòa án Tối cao là liệu hành động của bị cáo Linh có phải là “che giấu” hay không. Nếu xác hai bé song sinh được giấu theo cách xúc phạm đến tình cảm tôn kính đối với người đã khuất hoặc tình cảm tôn giáo của những người bình thường thì tội bỏ xác được xác định.

Bị cáo quấn thi thể của hai em bé song sinh trong một chiếc khăn, đặt chúng vào hộp các tông có ghi tên và ngày sinh của chúng cùng một lá thư viết: “Chúc các con yên nghỉ nơi thiên đường” rồi niêm phong bằng băng dính. Bên công tố cho rằng việc giấu xác trong thùng các tông với mục đích che giấu việc mình đã sinh con để tiếp tục làm việc tại Nhật Bản. Đó là biện pháp đủ hữu hiệu để ngăn chặn người khác phát hiện ra xác. Ngược lại, bị cáo Linh cho rằng mình đang thương tiếc người chết bằng cách quấn khăn thi thể và kèm theo lời chia buồn và khẳng định mình không giấu xác để chờ chôn cất.

Tòa án quận Kumamoto trong phiên tòa đầu tiên đã chỉ ra rằng ngay cả khi có tình cảm hay ý định chôn cất hai thi thể, bị cáo Linh đã cố gắng che giấu điều đó nên không có gì thay đổi trong việc xúc phạm tình cảm tôn giáo chung. Do đó Linh bị kết án 8 tháng tù giam và 3 năm tù treo.

Tòa án tối cao Fukuoka của phiên tòa thứ hai cũng cho rằng thi thể được bọc 2 lần trong hộp, dán băng keo kín và đặt trên giá tạo ra tình huống khó để người khác khó tìm thấy thi thể. Điều này tương ứng với “che giấu”. Chính vì vậy tội bỏ xác đã được xác định. Cuối cùng Linh bị kết án 3 tháng tù giam và 2 năm tù treo.

(Nguồn: Locobee)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang