.jpg)
NGHE TRÀ VIỆT KỂ CHUYỆN GIỮA LÒNG PARIS
Thương hiệu Sobica ra đời không chỉ để giới thiệu trà, cà phê và gia vị Việt đến người Pháp, mà còn kể lại vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam qua hương – sắc – vị.
Trong văn hóa Việt Nam, trà không chỉ là một thức uống mà còn là nếp sống. Trà dâng tổ tiên, trà mời khách quý, trà hàn huyên, tâm sự với bạn hiền. Mỗi tách trà đều ẩn chứa những điều sâu lắng trong tâm thức người Việt: mộc mạc mà tinh tế, khiêm nhường nhưng sâu xa.
Thế nhưng, để trà Việt vượt biên giới đến với bạn bè quốc tế là một hành trình không dễ dàng. Ngoài việc hiểu trà sâu sắc và yêu trà đến tận cùng, sự bền bỉ, sáng tạo là điều không thể thiếu để ghi dấu ấn trà Việt trên bản đồ trà thế giới.
Với tình yêu đặc biệt dành cho trà và khát khao đưa trà Việt đi khắp năm châu, chị Vũ Thị Thu Hằng đã chọn đi trên hành trình ấy – bằng sự lặng lẽ, kiên trì và đầy sáng tạo. Thương hiệu Sobica ra đời không chỉ để giới thiệu trà, cà phê và gia vị Việt đến người Pháp, mà còn để kể lại, bằng cách rất riêng, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam qua hương – sắc – vị.
Không sinh ra trong một gia đình làm trà, cũng chẳng phải là một doanh nhân, chị Vũ Thị Thu Hằng vốn là một giảng viên, một nhà nghiên cứu. Nhưng những mối nhân duyên tình cờ đã đưa chị đến với nước Pháp và tiếp xúc với những lá trà, những hạt café ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Như một sứ mệnh mà cuộc đời đã dành riêng cho, trong suốt 10 năm qua, chị Hằng đã từng bước mở ra cho trà Việt một cánh cửa mới, tham gia vào những sân chơi lớn hơn về trà và chinh phục những vị khách sành trà ở châu Âu.
Chị Vũ Thị Thu Hằng chia sẻ: "Tôi nghĩ, cơ duyên dẫn tôi đi trên con đường này chính là công việc phiên dịch. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, tôi gặp rất nhiều nhà sản xuất về cà phê, công ty, nông hộ. Trong những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thương mại Pháp Việt, họ cũng nghĩ rằng tôi ở Pháp sẽ giúp đỡ, hợp tác với họ, hỗ trợ họ để có thể đưa sản phẩm trà cà phê của Việt Nam sang Pháp. Lúc đầu là đề nghị hỗ trợ nhưng về sau, dần dần từng bước, tôi trở thành người sáng lập thương hiệu".
Đối với chị Hằng, trà không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, mà là tinh hoa của đất – trời và người. Sự khác biệt trong mỗi yếu tố ấy khiến mỗi loại trà có một hương vị độc bản, không thể đánh đồng, nhưng phải thực sự tinh tế mới có thể thấy rõ sự khác biệt. Trà không phải một sản phẩm đơn thuần mà là cả cuộc sống, trà có linh hồn, có câu chuyện. Vì thế, hành trình đưa trà đến tay người thưởng thức – theo chị – không đơn thuần là hoạt động thương mại, mà là một mạch chảy văn hóa cần được gìn giữ và lan tỏa.
Chị Vũ Thị Thu Hằng chia sẻ thêm: "Quá trình sản xuất chế biến một sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trà, gắn đặc biệt tới những điều kiện lãnh thổ, vùng đất, thời tiết, khí hậu và bàn tay của người nghệ nhân, người chế biến. Nó luôn là một công việc bền bỉ, tỉ mẩn, không có máy móc, thiết bị nào có thể thay thế được. Quan trọng là để cho khách hàng có thể hiểu, cảm nhận được hương vị và trân quý những sản phẩm đó. Hành trình từ sản xuất, chế biến cho đến phục vụ trà cho khách hàng luôn có một dòng chảy, tiếp diễn".
Những ngày đầu cầm trên tay những lá trà đắng chát chỉ được xuất khẩu thô, chị Hằng hiểu rõ rằng trà Việt sẽ không thể bay cao và bay xa nếu không được tinh chế và sáng tạo cho phù hợp với khẩu vị của các thị trường sành sỏi như châu Âu, đặc biệt là Pháp. Chính những lời phê bình của các chuyên gia về trà đã trở thành động lực thôi thúc chị Hằng tìm ra lời giải cho bài toán xuất khẩu trà Việt, làm sao để trà Việt không chỉ là “nông sản”, mà là một trải nghiệm văn hóa, một đại sứ ẩm thực của Việt Nam như phở, nem cuốn.
Nhờ sự vững tâm, bền chí, người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé đã vượt qua bao khó khăn để lấy hàng nghìn mẫu trà, thử nghiệm hàng trăm cách làm để chắt lọc được hương vị tinh túy của từng loại. Với tinh thần sáng tạo không ngừng, chị Hằng và các cộng sự đã từng bước định hình lại cách thế giới nhìn nhận về trà Việt.
"Cho đến ngày hôm nay, tôi có thể nói với khách hàng là Việt Nam có thể sản xuất được 6 màu trà và không có nhiều nước như vậy. Tuy Việt Nam là một quốc gia sản xuất trà nhỏ hơn Trung Quốc nhưng có thể so sánh tương đồng với sự phong phú về sản phẩm. Chúng ta có những sản phẩm đặc biệt - từ trà trắng, trà xanh đến trà vàng, trà lên men, trà đen và đặc biệt là trà ô long với những phương pháp chế biến khác nhau, những mức oxy hóa khác nhau. Người thưởng thức trà có thể bất ngờ 'tại sao trong một tách trà tự nhiên lại có nhiều cái hương vị phong phú đến như thế', như thấy cả trời, cả đất, cả biển, cả sông, suối chảy rào rạt trong cảm nhận về hương vị".
Giữa xu hướng sống xanh và ăn uống lành mạnh đang lan rộng khắp châu Âu, Sobica cũng chọn cho mình một lối đi bền vững: làm ra những sản phẩm thuần tự nhiên nhưng vẫn đủ sức lay động cả vị giác lẫn cảm xúc của người dùng. Trà Sobica đã vượt qua một thức uống thông thường để trở thành một nguyên liệu độc đáo trong ẩm thực địa phương, tạo ra những điểm nhấn gây bất ngờ cho thực khách. Với Sobica, trà vừa là người bạn đồng hành, vừa là nguồn cảm hứng cho những trải nghiệm tinh tế và khác biệt mỗi ngày.
Một ly trà ngon có thể mở ra nhiều điều: một cuộc trò chuyện, một sự kết nối, hay đơn giản chỉ là một khoảnh khắc được lắng lại. Với những người làm ẩm thực Việt tại Pháp, trà Sobica không chỉ là đồ uống, mà là chất liệu văn hóa giúp tạo nên một trải nghiệm ẩm thực trọn vẹn và nhiều cảm xúc.
Chị Đặng Thị Phương Thủy – Chủ nhà hàng 6Six tại Paris, Pháp cho hay: "Thương hiệu Sopica hiện nay cũng đang được đánh giá rất là tốt tại thị trường Pháp. Đó là một sản phẩm thuần Việt và nómang một ý nghĩa về ẩm thực, văn hóa của Việt. Mình cũng muốn đưa sản phẩm đó áp dụng vào nhà hàng mình để khách hàng thưởng thức đặc sản của Việt Nam. Như người ta thường có câu 'tách trà là đầu câu chuyện', ly trà cũng thể hiện được một sự gắn kết, một tình cảm giữa người khách và người chủ. Mình mong muốn, tất cả những người khách đến đây đều được thưởng thức một ly trà, cũng như là tình cảm mà Sopica muốn gửi gắm".
Trà – với những ai thật sự sống cùng nó – là một thức uống sâu lắng, nắm giữ sợi dây kết nối với văn hóa, lịch sử, với tâm hồn của con người. Một chén trà tỏa hương giống như một liệu pháp tinh thần, đưa con người trở về trạng thái cân bằng, tìm lại những giá trị, xa hơn là những lớp trầm tích văn hóa. Với tinh thần ấy và nhờ những mối duyên lành, Sobica đã cùng với nhiều cộng sự tổ chức những sự kiện văn hóa, kết hợp thưởng trà với thưởng thức âm nhạc, ẩm thực và trao đổi những câu chuyện văn hóa. Một cách tự nhiên nhất, trà Việt đã trở thành chất xúc tác tinh tế, kết nối con người với nghệ thuật, với nhau và với chính mình.
Ca, nhạc sĩ Maria Lucia Barros tại Paris, Pháp cho biết: "Khi tìm kiếm một không gian yên tĩnh, thanh bình để tập trung và lắng nghe sự tĩnh lặng, tôi nghĩ đến việc thiền định thông qua trà. Hằng đã chỉ cho tôi rằng, trong văn hóa Việt Nam, trà là một khoảnh khắc của sự tĩnh tâm và thiền định. Điều đó đã truyền cảm hứng rất lớn cho tôi để suy nghĩ về mối liên hệ giữa âm nhạc, trà và hương vị… Điều tôi trân trọng nhất trong công việc của Hằng là cô ấy không chỉ dừng lại ở việc phục vụ sản phẩm. Cô ấy còn sáng tạo ra hương thơm, các loại gia vị. Trong âm nhạc mà tôi biểu diễn cũng vậy, tôi không chỉ dừng lại ở bản nhạc đã được viết ra, tôi muốn thêm vào một phần của chính mình, muốn làm phong phú thêm tác phẩm".
Với chị Hằng, đưa trà Việt đến Paris chưa bao giờ chỉ là câu chuyện thương mại. Đó là một hành trình đưa trà Việt vươn tới những giá trị xứng tầm. Bởi trà, từ bao đời nay, vốn đã gắn liền với nếp sống, nếp nghĩ của người Việt. Chính điều đó mới làm nên giá trị lâu dài cho mỗi chén trà được nâng niu nơi xứ người.
Trà là một thức uống giản dị, nhưng nhờ đôi tay, trái tim và khát vọng của những con người như chị Vũ Thị Thu Hằng, đã trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Từ phòng trà nhỏ ở Paris, những hương vị đậm đà của quê hương đang lặng lẽ lan tỏa không chỉ trong từng tách trà, mà còn trong cách người ta hiểu và trân quý văn hóa Việt. Hành trình ấy dù còn nhiều gian nan, vẫn được tiếp tục bằng tình yêu, sự bền bỉ và một niềm tin vững chắc rằng: trà Việt xứng đáng được kể bằng ngôn ngữ của tinh hoa.
CHEN HÀNG Ở NƯỚC NGOÀI, NHÓM NGƯỜI VIỆT BỊ LA Ó
'Vài người Việt giả vờ tìm toilet sân bay rồi chen hẳn lên phía đầu hàng liền bị một số khách quốc tế khác phản ứng và lôi xuống cuối'.
"Tôi đã bắt gặp vài trường hợp hành xử của người Việt ở nước ngoài khiến bản thân thấy rất xấu hổ: Một lần, tôi đứng xếp hàng đi vệ sinh ở Sân bay Incheon (Hàn Quốc), có vài người Việt giả vờ tìm toilet rồi chen hẳn lên phía đầu hàng. Thế rồi, họ bị một số khách quốc tế khác phản ứng và lôi xuống cuối hàng kèm theo ánh mắt cười chê.
Một lần khác, khi tôi xếp hàng lấy Tax Refun (hoàn thuế) ở Italy, bỗng một người đàn ông Việt Nam cũng chen lấn và bị một khách Tây khác quát to. Khi tôi tới Nhật Bản, đi tàu subway có quy định không được nói chuyện điện thoại. Thế nhưng, một người phụ nữ Việt Nam cứ nói chuyện oang oang như chỗ không người, mặc kệ ánh nhìn khó chịu của người xung quanh".
Đó là chia sẻ của độc giả Lê Thị Thúy Hoa về những thói quen xấu trong ứng xử của một bộ phận người Việt ở nước ngoài. Ngày càng nhiều người Việt ra nước ngoài để du lịch, công tác, hợp tác lao động, du học, và định cư tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, số liệu thống kê tại một hội thảo khoa học vào tháng 9/2024 cho thấy tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật, phạm tội ở nước ngoài có chiều hướng gia tăng, tác động xấu đến hình ảnh đất nước. Số người Việt Nam bị các cơ quan chức năng của nước ngoài phát hiện xử lý vào năm 2023 tăng hơn 33% so với năm 2022.
Bạn đọc Đình kể về những trải nghiệm của bản thân: "Lao động Việt tại Nhật Bản có một tiếng xấu là hay trộm cắp vặt. Là những kỹ sư được công ty đưa sang Nhật học sử dụng máy móc, vậy mà một số người vẫn ăn trộm đồ, đặc biệt là xe đạp. Người Nhật đi xe đạp ra ga tàu điện và để đó, họ lên tàu điện đi làm, vậy mà có người Việt đi ra đó và trộm xe đạp mang về ký túc xá. Sếp người Nhật của tôi vẫn hay ca thán rằng 'sao nhiều người Việt, kể cả người có trình độ học vấn cao, mà vẫn trộm vặt vậy?', làm cho nhóm kỹ sư chúng tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ".
Độc giả Hoàng Chi dẫn chứng: "Một thực trạng nhức nhối khi xuất ngoại của một bộ phận người Việt chính là việc lớn tiếng ở nơi công cộng, không có ý thức xếp hàng cũng như hay có thói quen xì xào, bàn tán về mọi người xung quanh. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta đã có những chiến dịch tuyên truyền về văn hoá ứng xử cho công dân khi đi ra nước ngoài chưa?
Một ví dụ cụ thể mà ai cũng có thể thấy khi đi Metro ở TP HCM mỗi ngày, đó là văn hóa xếp hàng của một bộ phận người dân chưa thực sự tốt, còn chen lấn, xô đẩy. Vấn đề là nhiều người tiếp tục mang thói quen ứng xử xấu xí đó ra môi trường quốc tế, gây ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè thế giới".
Đồng quan điểm, bạn đọc Trí bổ sung thêm: "Ở Việt Nam đâu thiếu các bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Nó được phổ biến rộng rãi từ công sở, doanh nghiệp cho tới từng khu phố, nơi công cộng. Quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi người. Khi nào người Việt còn suy nghĩ theo kiểu: 'Tốt, xấu ở đâu cũng có, không cần quá đề cao văn hóa ngoại', hay 'cứ hành xử thoải mái, miễn không vi phạm pháp luật'... thì vấn đề văn minh, lịch sự sẽ còn rất xa vời".
"Hành xử chuẩn mực của từng cá nhân đều sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia. Mỗi người, dù là du khách, công dân định cư, hay chuyên gia, đều là một 'đại sứ' hình ảnh cho đất nước. Tôi mong rằng người Việt chúng ta sẽ có ý thức hơn mỗi khi đi xuất cảnh. Để chúng ta góp phần làm đẹp thêm cho hình ảnh con người và đất nước Việt Nam", độc giả Lê Thị Thúy Hoa kết lại sau những chia sẻ phía trên.
Nguồn: Hà Nội Online; Vnexpress
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá