Người Việt hải ngoại: Ngày thầy thuốc ở Nam Sudan; Sáng tạo vải từ vỏ tôm; Ẩm thực Việt ở Mỹ; Du học từ năm 15 tuổi

Bệnh viện dã chiến Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Nam Sudan

(Ảnh minh họa).

Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Ban Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 (BVDC2.4) đã lên kế hoạch và tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng ngày kỉ niệm đầy ý nghĩa này, nhất là trong điều kiện các bác sĩ, điều dưỡng của Việt Nam đang công tác xa quê hương.

Hoạt động chuyên môn y tế, chăm sóc sức khỏe luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm và liên tục gặt hái những thành công, nâng cao uy tín của các y bác sĩ BVDC2.4 và để lại những ấn tượng tốt đẹp của con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Đặc biệt, nhân dịp này, với tinh thần “Lương y như từ mẫu”, BVDC2.4 đã tổ chức hoạt động thiện nguyện (CIMIC) để giúp đỡ, hỗ trợ bệnh viện cũng như các bệnh nhân và người dân ở Bentiu, Nam Sudan.

Công tác chuẩn bị đã được tiến hành rất khẩn trương và tâm huyết. Các máy móc trang thiết bị y tế cùng thuốc men và các món quả nhỏ dành cho người dân đã được BVDC2.4 chuẩn bị và bảo đảm.

Đoàn thiện nguyện do đồng chí Thiếu tá Lê Việt Anh - Phó Giám đốc chuyên môn làm trưởng đoàn đã trao tặng Bệnh viện đa khoa Bentiu các loại thuốc thiết yếu, các dung dịch khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường và người dân một số nơi trên địa bàn Bentiu những đồ dùng cần thiết.

Mặc dù số lượng bệnh nhân đến khám rất đông, vượt ngoài dự kiến của BVDC2.4 nhưng các y bác sĩ của bệnh viện vẫn tận tình, ân cần thăm hỏi và tiến hành thăm khám cẩn thận, đưa ra những lời khuyên và cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Theo Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga - Phó Giám đốc quân sự, Giám đốc bệnh viện đa khoa Bentiu đã rất xúc động, ông gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BVDC2.4 và chúc các nhân viên y tế của bệnh viện cũng như toàn thể đất nước Việt Nam nhân ngày 27/2.

Các bệnh nhân và người dân của khu vực Bentiu cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những tình cảm chân thành, ấm áp của các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam. Họ hi vọng rằng lại sẽ được gặp lại những y bác sĩ này vào những ngày gần nhất.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Cô gái gốc Việt sáng tạo vải làm từ vỏ tôm

TômTex cho biết vải bằng vỏ tôm của công ty có thể dùng làm phân trộn sau khi thải ra.

Uyen Tran, 30 tuổi, là người đồng sáng lập TômTex, một công ty chuyên sản xuất hàng dệt may từ vỏ tôm, chất thải nấm và các vật liệu sinh học khác.

Tất cả bắt đầu bằng việc trộn chitosan - một thành phần sinh hóa, dạng bột màu trắng được chiết xuất từ vỏ tôm - với nước và acid hữu cơ. Sau đó thêm vào “nước xốt bí mật”, một sự kết hợp của vật liệu sinh học và sắc tố thay đổi tùy thuộc vào kết cấu và màu sắc được chọn lựa rồi đổ vào khuôn và đặt trong lò sưởi để làm bay hơi nước thừa. Sau vài giờ sẽ thu được một mảnh vải. Hiện tại TômTex chủ yếu sản xuất các mẫu vải và thiết kế theo yêu cầu của các khách hàng thời trang.

Vỏ tôm của TômTex đã được giới thiệu trong một chiếc váy dài bắt chước da rắn truyền thống trong buổi trình diễn của thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh tại Tuần lễ thời trang London vào tháng 2. Các người mẫu trong buổi trình diễn của Peter Do tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9-2022 cũng đã mặc trang phục da làm từ vỏ tôm của TômTex.

TômTex cho biết vải bằng vỏ tôm của công ty có thể dùng làm phân trộn sau khi thải ra.

Uyen Tran Mỹ vào năm 2012 để lấy bằng cử nhân thiết kế thời trang tại Academy of Art University ở San Francisco. Sau đó cô tiếp tục làm việc cho các thương hiệu lớn như Ralph Lauren và Alexander Wang.

Năm 2019, Uyen Tran bắt đầu học kỹ sư dệt may tại Trường Thiết kế Parsons ở New York, cô bắt đầu thử nghiệm với các loại vải làm từ tảo rồi chuyển sang da làm từ rễ nấm và vỏ tôm.

Năm 2020, Uyen Tran đồng sáng lập TômTex với Atom Nguyen, một người gốc Việt khác trước đây làm việc tại Gap Inc., với tư cách là chuyên gia tiếp thị. Cả hai đã gặp Ross McBee, khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh học ở Đại học Columbia. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 2022, anh McBee sau đó tham gia vào TômTex với tư cách là người đồng sáng lập.

TômTex đã huy động được gần 2 triệu USD của các công ty đầu tư mạo hiểm SOSV và Portfolia.

(Nguồn: Phụ Nữ Mới)

Khúc biến tấu ẩm thực Việt trên đất Mỹ

(Ảnh minh họa).

Đài KOIN 6 News mới đây đưa tin đầu bếp gốc Việt Vince Nguyen (35 tuổi) vừa lọt vào vòng bán kết giải thưởng James Beard 2023 dành cho các đầu bếp, nhà hàng ở Mỹ, sau khi giành danh hiệu "Đầu bếp của năm" do báo Portland Monthly bình chọn vào năm ngoái.

Vince Nguyen là chủ nhà hàng Berlu ở TP.Portland (bang Oregon) nổi tiếng với sự sáng tạo và gần đây đã tìm về văn hóa nguồn cội để có sự kết hợp thú vị vào những món ăn. Anh chia sẻ rằng mình vừa trở về từ Việt Nam và trải nghiệm thêm rất nhiều điều thú vị về ẩm thực, văn hóa cội nguồn. Trước đó, thời gian đại dịch cũng là cơ hội để Vince Nguyen có cơ hội khám phá và chiêm nghiệm về ẩm thực Việt, từ đó có những biến tấu vô cùng độc đáo được thực khách tiếp nhận.

Tại Berlu, thực khách có thể thưởng thức những món ăn đường phố Việt Nam giao thoa với những món thường chỉ dùng trong nhà hàng cao cấp, hoặc những món theo phong cách truyền thống kết hợp với ý tưởng hiện đại. Chẳng hạn như Vince Nguyen làm món bánh bò nướng phủ kem dừa và trứng cá muối, được cho là sự kết hợp chưa từng có. Sinh ra và lớn lên tại Mỹ, anh còn tìm hiểu và làm những món trước đây mình chưa thử bao giờ như bò lá lốt.

Dự kiến, giải James Beard sẽ công bố danh sách vòng chung kết vào cuối tháng 3 và trao giải cho những người chiến thắng vào tháng 6.

(Nguồn: Thanh Niên)

Trải nghiệm đi du học từ năm 15 tuổi

15 tuổi - độ tuổi mà nhiều học sinh vẫn đang trong vòng tay chở che của bố mẹ - thì nhiều bạn trẻ đã lên đường đi du học, tập sống tự lập ở vùng đất mới.

Nguyễn Chi Mai (sinh năm 2005, quê Hà Nội) hiện đang học lớp 11 (theo hệ thống giáo dục của Singapore) tại Trường Hwa Chong Institution, College Section. Trước đó vào năm 2020, em giành được học bổng ASEAN của chính phủ Singapore và lên đường du học khi mới 15 tuổi.

Chi Mai cho biết, học bổng ASEAN chi trả toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt phí trong suốt 2 năm phổ thông và 2 năm dự bị đại học của em. Vậy nên, em và gia đình không phải chịu áp lực về kinh tế.

Trong 2 năm đầu ở đảo quốc sư tử, Chi Mai được học tổng cộng 8 môn. Trong đó, 2 môn Toán không làm khó được em. Tuy nhiên, các môn khoa học và xã hội với lượng kiến thức dày đặc lại là thách thức không nhỏ đối với nữ sinh Hà Nội.

Em không chỉ phải ghi nhớ hàng trăm trang sách giáo khoa, mà còn phải đối mặt với các câu hỏi hóc búa mang tính áp dụng cao trong các bài kiểm tra. Môn Tiếng Anh cũng là môn đầy thử thách đối với những học sinh quốc tế như em.

“Khi mới đi du học, em không chỉ cảm thấy lạc lõng mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp tiếng Anh. Rất may là bạn bè và thầy cô ở Singapore đều rất thân thiện và luôn sẵn sàng giúp đỡ em. Sau thời gian đầu bỡ ngỡ, em cũng đã làm quen được với rất nhiều bạn mới thông qua các hoạt động ngoại khóa” - Chi Mai kể lại.

Chi Mai luôn cố gắng cân bằng giữa việc học và tham gia hoạt động ngoại khóa. Em thường hoàn thành bài tập về nhà ngay trên trường để có thời gian rảnh tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng các bạn, giúp trau dồi thêm kỹ năng mềm và nâng cao khả năng tiếng Anh.

Trần Bảo Ngọc (sinh năm 2006, quê Nam Định) - học sinh Trường Trung học Clementi Town, Singapore bắt đầu đi du học vào năm 2021. Theo Bảo Ngọc, việc đi du học ở độ tuổi này đòi hỏi tính tự lập và kỷ luật cao.

Đối với Bảo Ngọc, một trong những khó khăn lớn nhất khi đi du học sớm là nỗi nhớ nhà. Trước khi đi du học, em chưa từng sống xa bố mẹ. Vậy nên khoảng thời gian mới sang Singapore, em cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải tự làm mọi việc mà không có bố mẹ bên cạnh.

“Khi không còn được bố mẹ chăm sóc, nhắc nhở, em cần phải học cách tự chăm sóc bản thân và cố gắng trong học tập nhiều hơn. Em nghĩ việc tự lập sớm giúp em rèn được tính kỷ luật trong sinh hoạt và học tập, đảm bảo sức khỏe và tâm lý tốt để hoàn thành các chương trình học” - nữ sinh nói.

Hiện tại, Bảo Ngọc đang học các môn Tiếng Anh, Toán, Hoá học, Vật lý, Lịch sử, Xã hội học và Nguyên tắc kế toán. Cũng như Chi Mai, Bảo Ngọc cho rằng tiếng Anh là môn học khó nhất. Môn học này yêu cầu học sinh có vốn từ vựng tốt, khả năng biểu đạt rõ ràng, thành thạo các kỹ năng nghe, nói.

Xã hội học cũng là một môn học khá khó đối với Bảo Ngọc, vì khi học môn này, học sinh phải hiểu được các vấn đề xã hội của Singapore và có khả năng phân tích vấn đề tốt.

Trong kỳ học đầu tiên tại Singapore, Bảo Ngọc không nhận được những điểm số cao do chương trình học có nhiều sự khác biệt với Việt Nam. Sau đó, em cố gắng đọc thêm sách và luyện tập bằng việc làm thêm các đề thi, sách bài tập để nâng cao kiến thức và cải thiện điểm số. Em cũng dành thời gian để trao đổi kiến thức cùng các bạn, thường xuyên nhờ thầy cô giải đáp các thắc mắc.

“Hiện tại, em đã quen với cuộc sống tự lập tại đây. Cuối năm nay, em sẽ thi O-Level để tiếp tục ứng tuyển vào các trường dự bị đại học ở Singapore. Ngoài ra, em cũng muốn tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường và tham gia các sự kiện do cộng đồng người Việt Nam ở Singapore tổ chức để mở rộng thêm nhiều mối quan hệ và học hỏi thêm được nhiều điều” - Bảo Ngọc tâm sự.

(Nguồn: Lao Động)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang