Người Việt hải ngoại: Ngày 8/3 ở Nga; Phụ nữ ở Thái Lan; Mai Ngô nhận giải ở Mỹ; Đưa ẩm thực đến Mỹ; Làm giàu ở HQ

Giao lưu ca nhạc mừng Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 tại Nga

(Ảnh minh họa).

Tổ chức Phụ nữ Thành phố chúng ta ở thủ đô Moscow phối hợp với Hội người Việt Nam tại Nga và Quỹ Sáng tạo tổ chức buổi giao lưu ca nhạc Những đóa hoa tặng mẹ.

Tham dự sự kiện có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đông đảo chị em phụ nữ Việt Nam đang kinh doanh, sinh sống tại Moscow cùng con em và các gia đình người Nga.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, các MC dẫn chương trình người Việt và người Nga khẳng định, phụ nữ đã và luôn là những người bảo vệ cũng như chăm lo cho mái ấm gia đình, và sự kiện này được tổ chức nhằm vinh danh phụ nữ, tri ân những giá trị của tình yêu, gia đình và sự quan tâm.

Những giai điệu, lời ca sâu lắng, những điệu múa đẹp trình diễn tại chương trình ca ngợi giá trị tốt đẹp của con người, ca ngợi đất nước như bài Dịu dàng (nhạc Nga), Bóng cây Kơ nia, Đất nước, tình yêu, hay Ước mơ của mẹ...

Các cháu thiếu nhi Nga thuộc nhà hát thiếu nhi Paradox và dàn hợp xướng-thanh nhạc Những bước chân đem đến vở kịch nhẹ nhàng, sâu lắng Trẻ em không dường như nói về tình bạn, sự tin tưởng và niềm tin vào điều kỳ diệu.

Các tiết mục đều nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng nhiệt tình và thực sự đem lại cảm giác ấm áp, hạnh phúc cho khán giả trong tiết trời lạnh giá.

Tại sự kiện, đại diện tổ chức xã hội khu vực bảo vệ phụ nữ của thủ đô Moscow “Phụ nữ Thành phố chúng ta” đã trao giấy khen cho các cá nhân phụ nữ Việt Nam đã có nhiều đóng góp, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt-Nga.

(Nguồn: VTV4)

PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI THÁI LAN TIẾP BƯỚC TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP

Trong những năm qua, phụ nữ Việt kiều tại Thái Lan không chỉ đảm đang, lo toan chu đáo cho gia đình mà còn tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của cộng đồng.

Chiều 8/3, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ với sự tham gia của các đại diện phụ nữ Việt kiều tại Thái Lan, lưu học sinh nữ và cán bộ, nhân viên nữ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Phan Chí Thành gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể các nữ kiều bào, cán bộ nhân viên nữ và các nữ lưu học sinh tại Thái Lan.

Đánh giá cao những đóng góp của chị em phụ nữ kiều bào, Đại sứ Phan Chí Thành khẳng định các cô, các chị luôn là những người tích cực nhất, nhiệt tình nhất.

Trong tất cả các hoạt động sinh hoạt cộng đồng do đại sứ quán tổ chức đều có sự chung tay góp sức, hỗ trợ, giúp đỡ và tham gia nhiệt tình của các chị, các cô.

Đại sứ Phan Chí Thành bày tỏ cảm ơn các cô bác và chị em kiều bào đã luôn cùng đồng hành với các hoạt động của đại sứ quán.

Trong thời gian tới, Đại sứ Phan Chí Thành mong rằng phụ nữ Việt kiều sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, xây dựng Ban Phụ nữ Việt kiều toàn Thái Lan ngày càng đoàn kết, gắn bó, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Thái Lan, cũng như góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Thái Lan và Việt Nam.

Thay mặt Ban Phụ nữ Việt kiều toàn Thái Lan, cô Hoàng Thị Dĩnh cho biết tiếp bước truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, phụ nữ Việt kiều tại Thái Lan không chỉ đảm đang, lo toan chu đáo cho gia đình mà còn tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của cộng đồng, trên tinh thần cùng giúp nhau để phát triển, lá lành đùm lá rách, đồng thời tích cực tham gia vào các phong trào đóng góp ủng hộ đồng bào trong nước.

Phát biểu cảm tưởng khi lần đầu tiên tham dự buổi lễ, bạn Phạm Nguyễn Như Quỳnh, lưu học sinh Việt Nam tại Thái Lan bày tỏ vui mừng, xúc động khi được gặp và lắng nghe các chia sẻ đầy ý nghĩa của các cô, các bác Việt kiều.

Như Quỳnh cho biết trong thời gian tới, Hội sinh viên Việt Nam tại Thái Lan mong muốn được cùng tham gia các hoạt động của đại sứ quán, và mong đại sứ quán sẽ tổ chức nhiều hơn các chương trình, hoạt động có ý nghĩa cho toàn thể các chị em, cô bác kiều bào, hội phụ nữ như các chương trình thời trang, cắm hoa để kết nối gần hơn giữa cộng đồng lưu học sinh và các cô bác Việt kiều tại Thái Lan.

Trong không khí vui tươi, đầm ấm của buổi lễ, các cô bác Việt kiều tại Thái Lan đã thể hiện các tiết mục văn nghệ, ngâm thơ và ôn lại kỷ niệm về những chuyến thăm quê hương hay những hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, đất nước.

Cùng ngày, tại một số tỉnh có đông người Thái gốc Việt sinh sống như tỉnh Nakhon Phanom, cộng đồng Thái gốc Việt cũng tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhằm gửi lời chúc mừng tới các mẹ, các chị em gái.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Ca sĩ Mai Khôi nhận giải thưởng của 1Hood Media vì đóng góp ‘nâng cao nhận thức’

(Ảnh minh họa).

Đỗ Nguyễn Mai Khôi, ca sĩ kiêm nhà hoạt động người Việt, vừa nhận được giải thưởng Artivist Academy và được chọn là một trong 11 gương mặt của tổ chức 1Hood Media vì những đóng góp cho việc nâng cao nhận thức về các vấn đề công bằng xã hội thông qua nghệ thuật.

“Mai Khôi rất tự hào, rất vui vì nhận được giải thưởng này. Vì con đường âm nhạc xã hội rất khó khăn và rất khác so với những nghệ sĩ bình thường, cho nên những giải thưởng đã ghi nhận và khuyến khích những nghệ sĩ như Khôi thì đây là một điều rất vui. Những tổ chức như 1Hood Media cũng không phải là nhiều”, Mai Khôi tâm sự với VOA ngay ngày Quốc tế Phụ nữ - 8/3.

Xây dựng ‘cộng đồng tự do’

1Hood Media là một tổ chức ở Mỹ bao gồm các nghệ sĩ và nhà hoạt động chủ trương sử dụng nghệ thuật như một phương tiện để nâng cao nhận thức về các vấn đề công bằng xã hội ảnh hưởng đến mọi người trên khắp thế giới. Sứ mệnh của tổ chức này là xây dựng các “cộng đồng tự do” thông qua nghệ thuật, giáo dục và công bằng xã hội.

Giải thưởng Artivist Academy được thành lập để nuôi dưỡng thế hệ nghệ sĩ tiếp theo, những người khuếch đại hoạt động xã hội thông qua nghệ thuật - đồng thời mở rộng tác động của các nhóm thuần tập đối với các vấn đề của các cộng đồng bị tước quyền. Thuật ngữ “Artivist” là sự kết hợp giữa từ “Artist” (nghệ sĩ) và “Activist” (nhà hoạt động) để minh họa mối liên hệ qua lại giữa nghệ thuật và công bằng xã hội của tổ chức này.

Trong số các nghệ sĩ được 1Hood Media chọn làm gương mặt đại diện cho năm 2023, Mai Khôi là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất. Ba tiêu chí mà 1Hood Media lựa chọn nghệ sĩ để trao giải là: kỹ năng nghệ thuật đã được chứng thực, thành tích chuyên nghiệp và khả năng phù hợp với sứ mệnh và giá trị của tổ chức.

Mai Khôi tên đầy đủ là Đỗ Nguyễn Mai Khôi. Cô sinh ra ở Cam Ranh, Khánh Hòa, và được biết tiếng là một ca sĩ hoạt động tích cực trong việc đấu tranh đòi hỏi tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Cô từng tham gia vào các cuộc biểu tình chống Tập đoàn Formosa vì thảm họa môi trường gây ra tại Hà Tĩnh năm 2016, từng nộp đơn tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội Việt Nam nhưng không được chấp nhận, từng lên tiếng chỉ trích Facebook hợp tác với yêu cầu kiểm duyệt internet của chính phủ Việt Nam…

Mai Khôi cũng là một trong những nhà bất đồng chính kiến mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gặp trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016. Năm 2018, Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa cô vào danh sách “12 nhà hoạt động nhân quyền truyền cảm hứng để theo dõi”. Cuối năm đó, cô bị câu lưu 8 tiếng tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, sau khi trở về từ chuyến lưu diễn châu Âu. Tất cả các bản sao trong album mới Dissent của cô đều bị chính quyền tịch thu.

Kể về cuộc sống hiện tại, Mai Khôi cho biết: “Mai Khôi đang sống và làm việc tại Pittsburgh (bang Pennsylvania, Hoa Kỳ) trong suốt 3 năm qua và vẫn tiếp tục hoạt động trên con đường âm nhạc xã hội, và cũng có những đóng góp đối với thành phố Pittsburgh nơi Khôi đang sống. Vì vậy nên Khôi được nhận giải thưởng Artivist Academy từ tổ chức 1Hood Media. Họ cũng ghi nhận những hoạt động của Khôi từ nhiều năm trước ở Việt Nam”.

Trong vòng gần 3 năm sống ở Pittsburgh, Mai Khôi đã gầy dựng được một cộng đồng nghệ sĩ hoạt động “rất tích cực, rất vui và đầy tính nghệ thuật” ở nơi cô đang sống.

“Mặc dù Khôi đi xa Việt Nam mấy năm rồi, những Khôi vẫn được nhiều người theo dõi và ủng hộ. Cho nên Khôi thấy những hoạt động, đóng góp và sự thành công của Khôi ở một đất nước xa lạ cũng sẽ niềm khuyến khích đối với những nghệ sĩ và các bạn trẻ trong nước”, Khôi nói.

Chỉ “được” thôi

Khi được hỏi về chuyện “được, mất” khi chọn con đường “hoạt động” trong tư cách là một nghệ sĩ, Mai Khôi không ngần ngại nói ngay với VOA rằng cô chỉ thấy “được” thôi, vì những cái bị xem là “mất” không hề là rào cản đối với cô.

“Khi một người chọn con đường nghệ sĩ thì đã là một thử thách lớn, mà nếu chọn làm nghệ sĩ hoạt động thì lại càng khó hơn nữa. Nhưng khó khăn càng lớn, thử thách càng lớn thì nó càng làm cho tác phẩm của nghệ sĩ thêm nhiều giá trị, vì nó làm giàu thêm tinh thần của họ nên tác phẩm của họ có nhiều giá trị hơn”, Khôi lý giải.

“Khôi chưa bao giờ cảm thấy mình mất cái gì cả, mặc dù sự mất mát lớn nhất mà Khôi cảm thấy là mình không được chính quyền Việt Nam đón nhận, mình bị ép buộc phải sống xa quê hương. Nhưng Khôi thấy rằng trong tương lai, những cái đó sẽ không phải là rào cản nữa, và Mai Khôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và các fan từ khắp nơi trên thế giới. Khôi thấy mình chẳng mất gì cả, mình chỉ nhận được rất nhiều mà thôi”.

“Hy vọng một ngày nào đó, Việt Nam có nhân quyền, có tự do nghệ thuật, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu đạt, tự do đi lại, tự do…tự do và tự do. Những nghệ sỹ còn phải chịu ‘xin giấy phép biểu diễn’ chưa bao giờ được hít thở không khí tự do thì chưa bao giờ biết đấu tranh cho tự do và cũng chưa hiểu được giá trị của tự do”, Khôi viết trên trang Facebook cá nhân khi bày tỏ vui mừng nhận được giải thưởng.

(Nguồn: VOA)

Chàng trai đưa hương vị tổ ấm đến nửa vòng trái đất và cái tên gắn kết với quê hương

Khi Phong Nguyen khai trương Monsoon vào tháng 6/2022, anh trở thành chủ sở hữu đầu tiên của một nhà hàng Việt Nam ở trung tâm thành phố Grand Rapids, Michigan, Mỹ.

Gắn kết với quê hương

"Việt Nam là một đất nước nhiệt đới. Chúng tôi được bao quanh bởi rất nhiều khu rừng, điều này mang lại năng lượng tươi mới", Phong Nguyen nói.

Monsoon đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với Nguyen. Anh chọn cái tên "Monsoon" vì gắn kết với đất nước và năng lực phục hồi mà nó gợi lên.

"Ở Việt Nam, mùa gió mùa luôn là khoảng thời gian khó khăn đối với mọi người. Và trong thời kỳ đại dịch, nó nhắc nhở chúng ta rằng dù khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn thấy mình có thể mạnh mẽ hơn và trở nên tốt hơn. Monsoon ở đây để nhắc nhở bạn rằng doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển mạnh", Nguyen nói.

Nguyen cho biết nhà hàng sẽ nêm nếm thức ăn bằng nhiều loại củ và thảo mộc thường thấy trong ẩm thực Việt Nam, bao gồm sả, riềng, gừng và tỏi.

"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thiết lập một thực đơn thực sự đặc sắc mà thực khách sẽ không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trong tất cả (các) nhà hàng Việt Nam quanh thị trấn," Nguyen nói.

Thực đơn cũng tập trung vào các nguyên liệu tươi ngon và sử dụng phương pháp nấu ăn đặc trưng theo phong cách Việt Nam.

"Đã có rất nhiều món bánh mì kẹp thịt và bít tết quanh đây, và chúng tôi muốn mang hương vị Việt Nam vào bằng cách nướng trên than", Nguyen giải thích. Hiện tại thực đơn của Monsoon có khoảng 19 món bao gồm phở, bít tết, gà, bò, sườn heo và các món khai vị Việt Nam.

Tìm lại hương vị tổ ấm ở nửa vòng trái đất

"Khi còn nhỏ, chúng tôi luôn mơ ước cuộc sống sẽ như thế nào khi chúng tôi rời khỏi nhà. Chúng tôi mơ mộng về sự tự do đang chờ đợi ở phía bên ngoài. Nhưng dù chúng ta có đi xa đến đâu, dường như nhà luôn là nơi quay trở lại", Phong Nguyen nói.

Khi gia đình vẫn còn cách xa nửa vòng trái đất, Phong Nguyen đã tìm lại được tổ ấm của mình trong gian bếp.

"Tôi nhớ đồ ăn của mẹ. Vì vậy, tôi đã nấu ăn nhiều hơn kể từ khi đến Mỹ và mọi chuyện bắt đầu từ đó", Nguyen ấy nói với kênh FOX 17.

Nguyen lớn lên ở Hải Dương, Việt Nam, cách Tây Michigan hơn 8.000 dặm. Anh đã đến Mỹ 10 năm trước.

Nguyen đến Tây Michigan để học kinh doanh tại Đại học Bang Grand Valley. Sau 2 năm, anh cảm thấy thiếu một cái gì đó. Anh vẫn chưa tìm thấy tiếng gọi của mình.

Vì vậy, anh đã tìm về cội nguồn.

"Mẹ tôi là một đầu bếp tuyệt vời," Nguyen giải thích. "Bố tôi có công việc kinh doanh ở Việt Nam. Ông thường mời bạn bè hay đối tác kinh doanh đến nhà thưởng thức những món ăn của mẹ tôi. Vì vậy, tôi luôn có rất nhiều kỷ niệm với những món ăn trong gia đình".

Nguyen đã trau dồi kỹ năng nấu nướng trong thời kỳ đại dịch. Nguyen thích kết nối với khách hàng của mình, nhưng thay vì đến nhà họ, anh muốn tạo ra một nhà hàng của riêng mình.

Vào tháng 6/2022, mơ ước đó đã trở thành hiện thực với Monsoon. Lúc đầu bố mẹ anh phản đối vì nghĩ rằng việc này quá khó khăn và gần như không muốn nói chuyện với anh trong khoảng 3 tháng. Nhưng Nguyen đã chứng minh cho bản thân và bố mẹ rằng anh đã quyết định đúng.

Monsoon là nhà hàng Việt Nam đầu tiên ở trung tâm thành phố Grand Rapids.

Tuy nhiên, đối với anh ấy, đó không chỉ là tạo ra một không gian quen thuộc cho bản thân. Anh ấy muốn đưa những người khác vào thế giới của mình và giới thiệu họ với nền văn hóa của anh ấy.

Theo Nguyễn, ẩm thực Việt Nam đề cao nguyên liệu tươi và thảo mộc tươi.

"Ẩm thực Việt Nam rất ngon và có hương vị. Chúng tôi luôn sử dụng nhiều loại thảo mộc tươi, nó làm cho món ăn trở nên sống động", Nguyen nói.

(Nguồn: Soha)

Cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc 'làm giàu' nhờ 'quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời'

(Ảnh minh họa).

Các video thu hoạch táo và các loại nông sản khác của cô dâu Việt Đào Thị Thái - đang sinh sống cùng gia đình chồng ở Hàn Quốc - luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh đối với người xem bởi cách nói chuyện giản dị, chân chất, thật thà đúng kiểu "nông dân" của chị.

Quyết định "đánh bạc với cuộc đời"

Là con nhà nông, khi sang Hàn Quốc lấy chồng, chị Thái vẫn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Nhờ chăm chỉ, cần cù, chịu khó và may mắn được gia đình chồng yêu thương hết mực, chị Đào Thị Thái đã gây dựng được cho mình một cuộc sống đủ đầy về vật chất và vô cùng vui vẻ, hạnh phúc bên chồng và 2 người con trai ngoan ngoãn, học giỏi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt, chị Thái cho biết, quê gốc của chị ở Hải Phòng. Chị lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2009, làm dâu nơi đất khách quê người đến thời điểm hiện tại đã gần 14 năm.

"Gia đình tôi ngày xưa rất khó khăn, tôi chỉ được học hết lớp 9 rồi phải đi rửa bát thuê để phụ giúp bố mẹ. Đến tuổi lập gia đình, tôi quyết định "đánh bạc với cuộc đời", lấy chồng Hàn Quốc với hy vọng có thể giúp gia đình thoát nghèo và bản thân thoát khổ, có cuộc sống tốt đẹp hơn", chị Thái chia sẻ và cho biết thêm rằng, thời đó, trước chị, ở Hải Phòng có nhiều đàn chị cũng đã "đánh liều" lấy chồng Hàn Quốc và may mắn có cuộc sống tốt hơn ở xứ người. Điều đó càng khiến chị Thái quyết định "đánh cược" cuộc đời mình.

Tuy nhiên, là người mạnh mẽ, bươn chải, trên thực tế chị Thái đã có sự suy tính để đảm bảo "tương lai" cho mình. Chị suy nghĩ, nếu may mắn lấy được người chồng tốt, chăm chỉ làm ăn, yêu thương vợ con thì không sao. Còn nếu không, thì vẫn có cộng đồng người Việt đông đảo ở bên đó, chị sẽ nhờ cậy đến sự giúp đỡ của họ. Cô gái trẻ tự tin rằng, ở nơi đất khách quê người", dù gặp phải chuyện gì thì chị vẫn có "rất nhiều đường sống".

Chị Thái lấy chồng qua công ty mai mối, 2 người xa lạ ở 2 đất nước khác nhau không hề có cơ hội tìm hiểu nhau trước. Nhưng may mắn đã mỉm cười với cô dâu Việt khi chồng chị, cũng là con nhà nông, bản tính hiền lành, thật thà, chất phác và yêu chiều vợ.

"Thời gian đầu mới sang Hàn Quốc làm dâu, chị cũng buồn vì nhớ nhà. Cuộc sống ở Việt Nam và Hàn Quốc rất khác nhau nên tuần đầu tiên cũng rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, do là người hoạt bát, nhanh nhẹn và biết tự thúc đẩy bản thân nên chị cũng thích ứng với cuộc sống mới rất nhanh. Ngoài ra, nhờ bố mẹ chồng và đặc biệt là chồng chị cũng là những người rất tâm lý nên chị đã rất nhanh chóng hòa nhập được với cả gia đình chồng và bắt đầu thích cuộc sống ở đây", cô dâu Việt chia sẻ.

Cô dâu Việt 'chân lấm tay bùn' nhưng sống sung túc nhờ trồng táo, ớt, đậu tương...

Chị Thái cho biết, nơi chị và gia đình chồng sinh sống mặc dù ở nông thôn nhưng lại là một khu du lịch nổi tiếng và tấp nập khách du khách, giao thông thuận tiện.

Gia đình chồng chị Thái chủ yếu canh tác và trồng trọt nông nghiệp. Đặc sản của quê chồng chị ở tỉnh Gyeongsang Bắc là táo và ớt. Đây là 2 loại quả được trồng rất nhiều ở đây. Ngay sau khi về làm dâu, chị đã chủ động và nhiệt tình giúp đỡ chồng làm kinh tế bằng cách trồng, chăm bón cho vườn cây, trong đó loại quả chủ lực là táo. Ngoài ra vợ chồng chị Thái còn trồng lúa, đậu tương, ớt, vừng, tam giác mạch, củ cải, củ dền, mận, ngô, khoai, bí... mỗi loại một ít.

Điều khiến chị Thái ấn tượng khi mới sang Hàn Quốc là làm nông không quá vất vả như ở quê nhà khi mọi người đa phần sử dụng máy móc để thay thế sức người ở nhiều công đoạn. Ví dụ trồng đậu tương, cấy lúa ở Hàn Quốc sẽ trồng bằng máy. Cày bừa, cắt cỏ, bón phân, xịt thuốc, hái táo trên cao... đều bằng máy hết.

"Mỗi gia đình làm nghề nông ở đây đều đầu tư, sắm sửa từ 5 đến 10 máy nông nghiệp. Nhờ máy móc can thiệp nhiều nên con người không phải vất vả nhiều", chị Thái cho biết.

Tuy vậy, vẫn có những công đoạn thực sự vất vả, cần bàn tay con người như hái ớt, hái táo, vặt lá tỉa trái... Riêng những quả táo ở trên cao thì sẽ được hái bằng máy.

Theo chị Thái, các quy định về canh tác như xịt thuốc của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc rất nghiêm ngặt. Nếu làm trái quy định thì sẽ bị tước quyền canh tác, đình chỉ canh tác. Táo trước khi thu hoạch 2 tuần không được xịt thuốc, vì thế táo an toàn để có thể ăn được luôn tại vườn.

Hiện nay, ngoài canh tác, trồng trọt, chị Thái còn bán táo và các đặc sản khác của Hàn Quốc trên Facebook có 370.000 người theo dõi để tăng thêm thu nhập. Các video mà chị Thái đăng tải lên mang luôn thu hút và gây ấn tượng mạnh bởi cách nói chuyện giản dị, chân chất, thật thà đúng kiểu "nông dân" của chị.

"Hiện tại cuộc sống của chị đủ đầy, vui vẻ, hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, tôi rất mãn nguyện với cuộc sống ở hiện tại", cô dâu Việt chia sẻ và nói rằng, niềm hạnh phúc của chị mỗi ngày là cùng chồng ra đồng chăm sóc cây trái, buổi trưa cùng ăn vội bữa cơm, tối đưa nhau về nhà vui vầy bên con cái.

(Nguồn: Dân Việt)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang