- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Nhiều năm qua ở đất nước Chùa Tháp, những lớp học tiếng Việt đã trở thành điểm tựa cho con em Việt kiều. Những bài học không chỉ dạy chữ mà còn trao truyền văn hóa và cội nguồn, giúp các em tự hào về bản sắc dân tộc, vững bước vào tương lai.
Để thế hệ kiều bào trẻ luôn nhớ về nguồn cội
“Bà giáo” - là cách gọi trìu mến, thân thương cộng đồng người Việt ở tỉnh Preah Sihanouk (Campuchia) dành cho bà Nguyễn Thị Sương. Nhiều năm qua, hình ảnh bà giáo Sương đứng bên chiếc bảng đen, tay cầm viên phấn trắng, cần mẫn dạy từng nét chữ tiếng Việt cho con trẻ đã trở thành ký ức đẹp của nhiều người gốc Việt tại Campuchia.
Đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi buổi sáng, bà Sương lặng lẽ đến lớp lau bảng, kê lại bàn ghế, quét dọn… để chuẩn bị cho một ngày học mới. Vừa làm, bà vừa kể với chúng tôi về quá trình bén duyên với nghề giáo.
Bà Sương sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, lấy chồng người Campuchia rồi theo ông sang định cư ở tỉnh Preah Sihanouk từ năm 1980. Đây là nơi có khá đông người Việt sinh sống nhưng nhiều bà con công ăn việc làm không ổn định, không có điều kiện đưa con đến trường.
Với mong muốn gìn giữ tiếng Việt cho những thế hệ sau, Hội Việt kiều tỉnh Pre Sihanouk đã mở lớp dạy tiếng Việt nhưng việc duy trì lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất có lẽ đến từ việc thiếu giáo viên. Một ngày tình cờ, bà Sương nhận được lời đề nghị của Hội Việt kiều tỉnh Preah Sihanouk về việc dạy tiếng Việt miễn phí cho con em người Việt. Ban đầu bà còn ngại ngần vì thấy mình chưa trải qua được đào tạo để dạy tiếng Việt, nhưng rồi tình thương dành cho con trẻ, mong muốn giữ gìn tiếng mẹ để cho các con, bà đã nhận lời.
Con trai bà bị bệnh qua đời đã nhiều năm nay, chồng bà cũng đã mất. Bà Sương phải nuôi hai đứa cháu nội. Bởi thế, đằng đẵng những năm qua, bà Sương thường dậy từ mờ sáng để chăm lo việc gia đình rồi mới đến lớp học. Công việc đòi hỏi thời gian, tâm huyết, sự bền bỉ nhưng nhìn tụi nhỏ không có giấy tờ để học trường công Campuchia nhưng cũng chẳng viết được con chữ tiếng Việt cho đến nơi đến chốn, bà lại có thêm sức mạnh để duy trì. Mấy năm trở lại đây, gánh nặng của bà giáo Sương cũng được san sẻ khi có thêm cô Trần Thị Hoài An - một người gốc Việt trẻ tuổi.
Hiện lớp tiếng Việt do bà phụ trách có gần 20 em theo học. Trong lớp, các em đều chăm chỉ tập viết, học đánh vần. “Tôi dạy các cháu tiếng Việt để không quên cội nguồn và hiểu biết thêm kiến thức. Các cháu có tri thức sẽ thay đổi được cuộc sống khó khăn; đồng thời thể hiện được với người dân sở tại cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ và truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc ta. Các cháu học 5 điều Bác Hồ dạy, yêu tiếng nói của dân tộc chính là yêu Tổ quốc, yêu thương cha mẹ, cộng đồng chính là yêu đồng bào”, bà Sương nói.
Bền bỉ hành trình “gieo chữ”
Hành trình của bà giáo Sương cũng là hành trình của không ít thầy, cô giáo tình nguyện khác tại xứ sở Chùa Tháp. Cô giáo Lê Thị Kim Dung, giáo viên Trường Tiểu học Siem Reap cho biết: “Có những gia đình do khó khăn về kinh tế nên chưa quan tâm đúng mức đến việc dạy tiếng Việt cho các em. Do đó, chúng tôi thường xuyên phải đi vận động bố mẹ các em tạo điều kiện cho các cháu đến lớp”.
Trên thực tế, nhiều lớp học ở đây không chỉ dạy tiếng Việt, mà còn dạy cả tiếng Khmer để tránh tình trạng thất học nói chung. Khi biết chữ Khmer rồi, các em có thể theo học các lớp học khác, lớn lên học nghề, hoà nhập với cộng đồng.
Cô giáo Lê Thị Thùy Linh, phụ trách lớp tiếng Việt gồm 48 học sinh trong khuôn viên Nhà đa năng cộng đồng gốc Việt tỉnh Siem Reap kể, có những phụ huynh trạc tuổi 40 như cô không biết chữ Việt. Họ đến trường nhờ cô dạy chữ miễn phí cho con để sau này các cháu có kiến thức, có cuộc sống no đủ hơn và không quên cội nguồn Việt Nam.
“Các con học rất nhanh, biết đọc, biết viết chữ Việt chỉ sau vài tháng học. Đem con chữ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nơi đây, khi nghe các con đọc rõ tiếng Việt, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi mong rằng có một ngày các con sẽ được về thăm đất nước, thăm Thủ đô, được nói và nghe tiếng Việt ngay trên quê hương Việt Nam mình”, cô giáo Lê Thị Thùy Linh nói.
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, MTTQ, UBND các tỉnh, thành Việt Nam và Hội Việt kiều tại Campuchia, nhiều ngôi trường dành cho trẻ em Việt kiều tại Campuchia đã ra đời, giảm bớt khó khăn trong hành trình gìn giữ tiếng Việt.
Theo số liệu thống kê của Hội Khmer - Việt Nam và các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, hiện có hơn 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh trên đất nước Chùa tháp, với gần 1.400 học sinh theo học. Con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Cô giáo Thạch Thị Lan, Hiệu trường Trường tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến (Phnom Penh) cho rằng, đối với con em người gốc Việt tại Campuchia, việc học tiếng Việt và tiếng Khmer đều rất quan trọng. Nếu học giỏi cả hai ngôn ngữ, các cháu sẽ hòa nhập được với xã hội Campuchia, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và có cơ hội được làm việc ở những doanh nghiệp lớn.
Theo cô Thạch Thị Lan, tuy còn nhiều khó khăn, đời sống còn vất vả, sách giáo khoa chưa đầy đủ, nhưng những giáo viên trong hệ thống trường, lớp của người gốc Việt tại Campuchia vẫn luôn nhận được sự động viên của phụ huynh, cộng đồng, vẫn sớm chiều đứng trên bục giảng. Lớp lớp thế hệ con em người gốc Việt tại đây vẫn cần mẫn học tập, tiếp thu ngôn ngữ và kiến thức để mai này mang tài sức xây dựng cả hai quê hương, vun đắp cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Dù bận rộn công việc kinh doanh cũng như chăm sóc gia đình ở Mỹ song Hoa hậu Kim Hồng thỉnh thoảng về Việt Nam thăm gia đình, kết hợp làm từ thiện.
Hoa hậu Kim Hồng sinh năm 1968, từng được tổ chức Mrs World trao danh hiệu "Đệ nhất Hoa hậu quý bà thế giới” năm 2013. Cô từng chủ trì tổ chức các cuộc thi như Hoa hậu quý bà Việt Nam, Hoa hậu quý bà Thế giới (2009), Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011, đàm phán đưa cuộc thi Miss Universe về tổ chức tại Việt Nam năm 2008.
Từ năm 2015, Kim Hồng dần rút khỏi làng giải trí, sang Mỹ sống và làm việc. Thời gian này, cô vừa kinh doanh, vừa chăm sóc con trai, đồng thời đảm đương vai trò Phó chủ tịch tổ chức Mrs World.
"Làm việc cho tổ chức Hoa hậu Quý bà Thế giới và Hoa hậu Quý bà Mỹ, tôi luân phiên đảm đương nhiều vị trí như ban tổ chức, giám khảo, chuyên gia tư vấn, truyền cảm hứng cho thí sinh. Công việc ở Mỹ bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ thỉnh thoảng về Việt Nam thăm gia đình kết hợp làm từ thiện", Kim Hồng nói.
Theo hoa hậu sinh năm 1968, những năm qua cô nhận được nhiều lời mời làm giám khảo, tham gia tổ chức các cuộc thi nhưng tự thấy bản thân khó đảm đương trọng trách được giao nên từ chối. "Tôi bận quá, khó theo sát lịch trình một cuộc thi từ đầu đến cuối, sợ thỉnh thoảng vắng mặt hoặc lơ là trách nhiệm sẽ mất uy tín, gây ảnh hưởng tới chương trình chung nên không dám nhận lời", Kim Hồng nói. Do đó, cô cũng chưa có ý định trở lại với vai trò nhà tổ chức các cuộc thi sắc đẹp như trước.
Trong chặng đường làm việc, kỷ niệm đáng nhớ của Kim Hồng là đợt làm việc với ông Donald Trump cách đây 17 năm. Khi đó, cô đến Mỹ để vận động đưa Miss Universe về tổ chức tại Việt Nam. Thời điểm này, ông Donald Trump là chủ sở hữu của cuộc thi này. “Ông còn tiết lộ bản thân từng tìm hiểu về Việt Nam và ấn tượng bởi sự thân thiện, mến khách của những người dân Việt", Hoa hậu Kim Hồng nhớ lại.
Theo Kim Hồng, cuộc gặp gỡ giữa cô và ông Donald Trump hôm đó kéo dài khoảng ba tiếng, lâu hơn dự kiến và để lại nhiều kỷ niệm khó phai trong lòng hoa hậu. "Khi nghe tôi bày tỏ muốn đưa cuộc thi Miss Universe về Việt Nam, ông Donald Trump đã rất vui mừng và nhiệt tình hướng dẫn tôi làm việc với các cộng sự của ông để hoàn tất cả thủ tục cần thiết", Kim Hồng cho hay.
Tại cuộc gặp với ông Donald Trump, Hoa hậu Kim Hồng đã tặng ông một bức tranh phong cảnh Việt Nam và một bức tranh thêu đàn cá vàng. Chủ sở hữu Miss Universe thời điểm đó tặng lại Hoa hậu Quý bà Việt Nam một cuốn sách. Kim Hồng nói đến giờ, sau 17 năm vẫn giữ gìn cuốn sách ông Donald Trump tặng rất cẩn thận, coi như món quà kỷ niệm vô giá.
Vở kịch của đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn dẫn dắt khán giả đắm chìm vào câu chuyện cuộc đời của bà Trần Tố Nga, một người phụ nữ Việt Nam dành cả đời mình cho cuộc chiến đòi công lý vì nạn nhân chất độc da cam.
Tối 15/11, tại Hà Nội, Viện Pháp tại Việt Nam và đoàn kịch Lumière d’Août sẽ giới thiệu vở kịch Những thân thể nhiễm độc của đạo diễn người Pháp gốc Việt Marine Bachelot Nguyễn, đã được công diễn tại Festival Avignon danh giá.
Nhân vật chính được hóa thân bởi một nữ diễn viên trẻ Angélica-Kiyomi Tisseyre Sékiné - người Pháp gốc Nhật-Việt. Vở kịch đan xen với các phần trình diễn, văn bản, video, hình ảnh về cuộc đời của bà Trần Tố Nga.
Được trình diễn tại các nhà hát và sân khấu lớn nhỏ khác nhau, vở kịch có sự kết hợp của hệ thống phối cảnh, video và ánh sáng cầu kỳ nhưng vẫn giữ được sự trang nhã và tối giản.
Với các video dựng bằng cách kết hợp những hình ảnh tư liệu xưa và nay, những hình ảnh trong các cuộc phỏng vấn của bà Trần Tố Nga được trau chuốt và chọn lọc kỹ lưỡng để phù hợp với vai diễn của nghệ sĩ, mang lại nhiều cảm giác mới lạ cho vở kịch.
Đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn cho biết tiểu sử và cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga là chủ đề của nhiều bài báo cũng như một số video hay phim tài liệu gần đây.
Mục tiêu của bà là tạo ra màn độc thoại truyền cảm và độc đáo, tái hiện xuyên suốt các thời kỳ, tạo ra cầu nối và những điều bất ngờ.
Điều khiến nữ đạo diễn quan tâm không phải bộ phim tiểu sử được thần thánh hóa mà là cách cơ thể và tâm hồn của người phụ nữ kể câu chuyện cho khán giả.
Marine Bachelot Nguyễn kể rằng vào mùa Xuân năm 2019, trong lúc đang viết vở Circulations Capitales (tạm dịch Lưu chuyển ký ức), đạo diễn đã đọc cuốn Ma Terre empoisonnée (tạm dịch là “Mảnh đất bị nhiễm độc của tôi”) - cuốn tự truyện của bà Trần Tố Nga.
Đạo diễn chia sẻ: “Đó là câu chuyện của một người đã sống qua suốt một thời kỳ lịch sử Việt Nam – từ một đứa trẻ trong cuộc chiến tranh giành độc lập đến một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trải qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa cộng sản sau năm 1975 rồi sang Pháp sinh sống vào những năm 1990.
Giống như hàng triệu người dân khác bị nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, ở tuổi nghỉ hưu, bà nhận thức được gốc rễ của các vấn đề sức khỏe và bà đã tiến hành cuộc đấu tranh mang tính lịch sử của mình”.
Tháng 6/2019, Catherine Blondeau, Giám đốc nhà hát Grand T, mời đạo diễn Marine Bachelot Nguyễn tham gia Festival Nous Autres. Tại đây, bà có bài tham luận ngắn xung quanh câu chuyện về bà Trần Tố Nga.
Thời gian trôi qua, nhưng câu chuyện về người phụ nữ này vẫn còn đọng lại trong Marine Bachelot Nguyễn. mùa Hè năm 2020, Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã kêu gọi các nghệ sĩ gốc Việt tham gia vận động trực tuyến ủng hộ bà Trần Tố Nga và những nạn nhân chất độc da cam. Đây là cơ hội đầu tiên để nữ đạo diễn gặp trực tiếp bà Trần Tố Nga và trò chuyện cùng nhau.
Nguồn: Thời Đại; Thanh Niên; VTV4
Người Việt hải ngoại: Gây tai nạn, người phụ nữ bị kiện ở Mỹ; Tỷ phú bị người mẫu Mỹ kiện; Vụ Đàm Vĩnh Hưng kiện chồng ca sĩ Bích Tuyền
Người Việt hải ngoại: Đêm lo lắng tại Hàn Quốc; Cơ hội vàng cho chuyên gia AI Việt Nam làm việc tại Nhật Bản
Người Việt hải ngoại: Phở vươn tầm thế giới; 38 người ‘mất tích’ ở đảo Jeju; Làm giả thẻ My Number ở Nhật; Ngọc Quyên đón Noel ở Mỹ
Người Việt hải ngoại: ‘Chào tân sinh viên’ tại Nga; Chàng trai Pháp tìm mẹ ruột ở Bắc Kạn; Một quản lý bị bắt ở Lào
Người Việt hải ngoại: Kịch tính bầu cử ở Mỹ; Người đầu tiên thắng giải TechWomen 100; Đột nhập nhà dân, 3 người bị bắt ở Ibaraki
Người Việt hải ngoại: Hỗ trợ trẻ em tại Hungary; Phó giáo sư tại Nam Úc; Derek Trần tuyên bố chiến thắng; Du học sinh khiếu nại công ty Nhật
Người Việt hải ngoại: Đại hội bóng đá tại Nhật; Cô gái Pháp tìm thấy mẹ ruột; Nữ nghệ sĩ guitar làm say đắm công chúng Bỉ
Người Việt hải ngoại: Chi đậm cho lễ Tạ ơn; ‘Hoa văn hóa’ tại Úc; Nữ khoa học gia cấp cao ở Mỹ; 4 điểm tập kết trộm cắp tại Nhật
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá