Người Việt hải ngoại: Lưu ý thuế mới ở Anh; Xem World Cup ở Qatar; Cuộc sống ở Biển Hồ; Trải nghiệm nhớ đời ở Seoul

5 ĐIỀU NGƯỜI VIỆT TẠI ANH CẦN BIẾT VỀ THUẾ MỚI CHO DOANH NGHIỆP NHỎ

(Ảnh minh hoạ).

Gói chính sách thuế và biện pháp kinh tế còn gọi là Autumn Statement (Bản Công bố Ngân sách mùa Thu) được Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt tung ra giữa tháng 11/2022.

Đây là sự kiện rất được chờ đợi trong bối cảnh chính trị Anh vừa qua một giai đoạn rối ren chứng kiến sự ra đi của hai thủ tướng chỉ trong vòng hai tháng.

Trong thực tế, rất nhiều thay đổi có hiệu lực từ tháng 4/2023 đã được đưa ra, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người dân trên toàn nước Anh, trong đó có động đồng Việt, đa số làm chủ các tiệm nail, nhà hàng, thuộc khối doanh nghiệp nhỏ.

Tối thứ Ba 29/11/2022, VBUK – Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức talk show về chủ đề “Chính sách thuế & kinh tế mới của chính phủ Anh” nhằm cập nhật đến cho doanh nghiệp và cộng đồng Việt ở Anh những điểm đáng chú ý của Autumn Statement.

Buổi talk show do Ban Kinh Tế của VBUK tổ chức với sự tham gia của hai diễn giả Nguyễn Minh Đức (CEO của công ty kế toán & tư vấn tài chính A2B Tax) và Nguyễn Trung Nam (Co-Founder & Partner của công ty luật EP Legal).

Moderator của buổi talk show là ông Thái Trần, founder của Cargo Global (công ty logistics toàn cầu) và CEO của TT Meridian (công ty chuyên về xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Vương Quốc Anh và Việt Nam).

Phóng viên BBC News Tiếng Việt đã dự sự kiện này qua Zoomlink và nghi nhận đa số người Việt làm doanh nghiệp ở London và Anh đặt nhiều câu hỏi về thuế mới cùng những ý kiến về tình hình chung.

Có những lo ngại rằng để tăng tiền thu ngân sách cho chính phủ, nhằm bù vào khoản 55 tỷ bảng Anh thâm hụt chi thu, theo thông báo của Bộ trưởng Jeremy Hunt, doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhiều hơn, hoặc dễ bị kiểm tra việc báo thuế VAT, thuê lao động.

Hội thảo đã trả lời và giải thích một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thay đổi mức thuế doanh nghiệp (corporation tax) từ tháng 4/2023:

Công ty có lợi nhuận dưới £50.000/năm vẫn được hưởng thuế suất 19%. Mức lợi nhuận từ £50.000 đến £250.000, cách tính thuế sẽ phức tạp hơn và thuế suất sẽ dao động từ hơn 19% đến dưới 25%. Công ty có lợi nhuận trên £250.000 sẽ đóng theo thuế suất 25% và sẽ áp dụng cho tất cả lợi nhuận.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam ở Anh có quy mô vừa và nhỏ nên chính sách này có ảnh hưởng nhưng mức độ sẽ là tương đối nhỏ.

Thuế giá trị gia tăng (value added tax - VAT)

Lời giải thích của ông Thái Trần cho biết ở Anh có ba mức thuế suất VAT là 20% (standard rate) với đa số hàng hoá dịch vụ; 5% (reduced rate) với một số hàng hoá dịch vụ như ghế ngồi trẻ em hay năng lượng dân dụng; và 0% (zero rate) với một số hàng hoá dịch vụ như vận tải quốc tế, quần áo và thực phẩm dành cho trẻ em.

Mặc dù lạm phát đang ở mức cao, chính phủ Anh vẫn giữ quy định: Doanh nghiệp ở Anh bắt buộc phải đăng ký VAT nếu doanh thu vượt £85.000/năm. Nếu doanh thu dưới mức này, doanh nghiệp không nhất thiết phải đăng ký VAT.

Đây là câu chuyện liên quan đến nhiều tiệm làm móng tay của người Việt ở Anh.

Ông Minh Đức cho biết: Điều này có nghĩa là với mức độ lạm phát cao nhất trong vòng 41 năm như hiện giờ (11,1% trong tháng 10 và 10,1% trong tháng 9), nhiều doanh nghiệp phải tăng giá bán dẫn đến việc tăng doanh thu và cần phải đăng ký VAT sớm hơn, và như vậy chính phủ sẽ thu được nhiều thuế VAT hơn.

Cũng theo quan sát của ông Minh Đức, nhiều doanh nghiệp Việt ở Anh đang có quy mô doanh thu rất gần mức £85.000/năm, do đó nhóm này sẽ cần đăng ký tham gia VAT sớm.

Việc đăng ký VAT có lợi ích là giúp doanh nghiệp hoàn thuế VAT các khoản chi ra nhưng cũng khiến giá bán sản phẩm dịch vụ đến tay khách hàng bị tăng lên do cần cộng thêm VAT vào giá. Đây là quy định bất lợi với rất nhiều doanh nghiệp Việt ở quy mô nhỏ ở Anh hiện nay.

Về thuế thu nhập cá nhân (income tax) và lương tối thiểu (minimum wage)

Cũng giống như thuế giá trị gia tăng, theo ông Minh Đức, các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cũng nhằm mục đích giúp chính phủ Anh thu được nhiều thuế hơn.

Một mặt, ngưỡng những người có thu nhập cao bắt đầu trả mức thuế cao nhất 45% sẽ là £125.140/năm, giảm từ £150.000/năm.

Tất cả các ngưỡng thuế thu nhập khác sẽ được giữ nguyên ở mức hiện tại cho đến tháng 4 năm 2028. Cụ thể như sau:

• Thu nhập từ £1 cho đến £12.570: Mức thuế là 0%

• Thu nhập từ £12.571 đến £50.270: Mức thuế là 20%

• Thu nhập từ £50.271 đến £125.139: Mức thuế là 40%

Cập nhật về chính sách liên quan đến lương tối thiểu, ông Trung Nam cho biết đây là một trong những điểm được chính phủ Anh và sở thuế (His Majesy Revenue & Customs - HMRC) rất chú trọng vì điều này đảm bảo mức sống cho người dân Anh.

Ở Anh, chủ doanh nghiệp không được phép trả người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu tính theo giờ thuê lao động.

Nếu bị phát hiện vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị phạt và thậm chí có thể bị quy vào tội sử dụng lao động nô lệ (modern slavery).

Theo quan sát của ông Trung Nam, một số doanh nghiệp Việt ở Anh còn chưa nắm vững quy định này hoặc còn chưa chặt chẽ trong hợp đồng lao động.

Ông nêu ra lời khuyên cần rà soát lại hợp đồng, quy định với người lao động, nhất là mức lương tính theo giờ, số ngày nghỉ trong năm hoặc thời gian làm việc mỗi ngày.

Mức lương tối thiểu từ tháng 4/2023 sẽ đồng loạt tăng thêm 10% ở tất cả các nhóm tuổi. Chẳng hạn, lương tối thiểu đối với lao động 23 tuổi trở lên tăng từ £9.50 lên £10.42 mỗi giờ.

Đây là mức bắt buộc, và trả thiếu, trả "ngoài luồng bằng tiền mặt" không được công nhận nếu hai bên không cùng ghi lại. Vì thế, chủ tiệm nếu làm sai, hoặc thiếu giấy tờ, hóa đơn, bảng lương, có thể bị phạt nặng.

Đã có trường hợp người làm công nhận tiền rồi nhưng báo sở thuế đòi thêm từ chủ.

Cuộc thảo luận cũng đề cập tới mục miễn giảm cổ tức (dividend allowance) và thuế thặng dư vốn (capital gain tax).

Theo diễn giả Minh Đức, mức miễn giảm cổ tức – ngưỡng được hưởng thuế suất 0% - ở Anh đã liên tục giảm trong những năm gần đây. Nhiều chủ doanh nghiệp thường nhận mức lương hàng tháng rất thấp và thu nhập của họ đến từ hưởng cổ tức hàng năm để tận dụng những lợi ích do miễn giảm cổ tức mang lại. Rất nhiều doanh nghiệp người Việt ở Anh cũng đang làm theo cách này.

Tuy nhiên, chính phủ Anh đã liên tục cắt giảm mức miễn giảm cổ tức, từ £5.000 khi được giới thiệu lần đầu vào tháng 4/2016 xuống còn £2.000 từ tháng 4/2018 và tiếp tục giảm xuống còn £1.000 từ tháng 4/2023 và £500 từ tháng 4/2024.

Thuế đánh vào cổ tức cũng đã tăng từ 7,5% lên 8,75% từ tháng 4/2022.

Anh Quốc nổi tiếng là nơi hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì họ có thể kiếm lời từ việc mua tài sản giá rẻ ban đầu và bán đi sau một khoảng thời gian nắm giữ. Khoản lợi nhuận này được gọi là thặng dư vốn (capital gain).

Thế nhưng sức hấp dẫn này có thể giảm đi khi số tiền được miễn thuế đối với thặng dư vốn sẽ giảm từ £12.300 xuống £6.000 từ tháng 4/2023 và xuống tiếp £3.000 từ tháng 4/2024.

Theo ông Minh Đức, một số chương trình trả lương bằng cổ phiếu cho nhân viên sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn, có khả năng khiến một số công ty khó tuyển dụng và giữ chân nhân tài hơn.

Cuối cùng là câu hỏi về thuế trước bạ đối với nhà ở còn gọi là stamp duty.

Với kinh nghiệm xử lý các hồ sơ mua nhà cho nhiều người Việt ở Anh, ông Trung Nam – một luật sư - cập nhật khá cụ thể các mức thuế trước bạ và nhận định đây là một trong số ít những điểm của Mini Budget do chính phủ người tiền nhiệm Liz Truss đưa ra được chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak giữ lại trong gói chính sách lần này.

Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Anh vẫn xác định cần kích thích thị trường bất động sản và hỗ trợ những người chưa có cơ hội sở hữu nhà.

Giá trị nhà:

• từ £1 đến £250,000: thuế trước bạ là 0%

• £250,001 đến £925,000: thuế trước bạ là 5%

• £925,001 đến £1,500,000: thuế trước bạ là 10%

• Trên £1,500,000: thuế trước bạ là 12%

Đối với người mua nhà lần đầu mức thuế 0% được áp dụng đối với các tài sản có giá trị từ £1 cho đến £425,000. Mức ưu đãi này chỉ áp dụng cho các tài sản trị giá không quá £625,000.

Còn đối với các nhà đầu tư bất động sản hoặc mua nhà thứ hai (second home), mức thuế 3% đóng thêm vẫn giữ nguyên. Vì vậy, 3% sẽ được trả cho bất kỳ tài sản nào có giá trị lên tới £250.000 và 8% cho £675.000 tiếp theo.

Tư vấn cho cộng đồng Việt ở Anh, ông Trung Nam cho biết việc mua nhà là một quá trình và cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ thu nhập trước vài tháng để đảm bảo đươc ngân hàng cho vay.

Thông điệp được nêu ra là cần khai thuế đầy đủ để có doanh thu hợp pháp, làm cơ sở cho việc vay tín dụng mua nhà.

Ông Trung Nam nói một số người Việt có nhu cầu vay ngân hàng để mua nhà nhưng đang báo thuế quá thấp nên khi hỏi vay ngân hàng thì không được vay nhiều. Các ngân hàng ở Anh thường cho vay khoảng gấp 4 đến 5 lần thu nhập báo thuế hàng năm của người vay. Nếu nghĩ đến cuộc sống lâu dài và lợi ích từ sở hữu bất động sản thì cần phải thay đổi tư duy ở chỗ này.

Người Việt ở Anh nghĩ gì về chính sách mới?

Ông Thái Trần, người dẫn chương trình và cũng là lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu giữa Anh và Việt Nam nhận định:

"Gói chính sách mới của chính phủ Anh nhìn chung đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách và các thị trường tài chính."

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra với gói Mini Budget do chính phủ của bà Liz Truss đưa ra hồi tháng 9/2022. Mini Budget đã làm thị trường tài chính Anh chao đảo và khiến cả thủ tướng lẫn bộ trưởng tài chính phải tuyên bố từ chức. Lần này, không có bất cứ xáo trộn nào đáng kể ở các thị trường tài chính sau khi gói chính sách của chính phủ Rishi Sunak được đưa ra.

Ông nói đồng bảng Anh thậm chí đã hồi phục so với đồng USD và lãi suất trái phiếu chính phủ Anh đã giảm, những tín hiệu cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ Anh đã được cải thiện.

Điều này ngay lập tức khiến mảng dịch vụ logistics và xuất nhập khẩu của công ty ông được hưởng lợi.

Nhìn tới tương lai

Phóng viên BBC ghi nhận nhiều câu hỏi của cử tọa tham gia thảo luận Zoom thể hiện cả sự lo lắng về thời gian tới, trong bối cảnh lạm phát, giá nhiên liệu tăng cao và bất ổn chính trị vẫn khiến kinh tế Anh vài năm tới rất khó khăn.

Các diễn giả cho rằng người Việt ở Anh đa số làm trong những ngành như nail, làm đẹp, nhà hàng, siêu thị nên có thể bị ảnh hưởng trực tiếp do thu nhập khả dụng (disposable income) của người dân Anh giảm đi khiến họ phải thắt chặt chi tiêu.

Song song với đó, chính phủ đưa ra những chính sách thuế ‘nặng tay hơn’ với cả doanh nghiệp và người dân để bù đắp khoản thâm hụt ngân sách 55 tỷ bảng chi ra trong thời gian Covid để cứu nền kinh tế.

Cùng chung nhận định, ông Minh Đức và ông Trung Nam cho biết quãng thời gian sắp tới sẽ là rất khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp Việt ở Anh cần kiểm soát chi phí tốt hơn, rà soát lại hợp đồng lao động và hợp đồng với đối tác, để hoạt động hiệu quả hơn.

(Nguồn: BBC)

NGƯỜI VIỆT SANG QATAR XEM WORLD CUP: ĐÁNG ĐỒNG TIỀN BÁT GẠO

Bỏ hàng chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng để bay tới Qatar, nhiều cổ động viên Việt Nam nói rằng trải nghiệm World Cup 'thật đáng đồng tiền bát gạo'.

Anh Vũ Đoàn, một kỹ sư công nghệ thông tin sống tại TP.HCM, đã chuẩn bị cho hành trình đến Qatar từ rất lâu. Sau khi lần đầu được chạm tới không khí của giải bóng đá lớn nhất hành tinh tại Nga cách đây 4 năm, anh đã lên kế hoạch tỉ mỉ cho chuyến đi lần này.

“Xem các trận đấu trực tiếp tại sân là một trải nghiệm tuyệt vời. Tất nhiên là hơi hao tiền nhưng không phải lúc nào có tiền thì bạn cũng có thể ngồi trên khán đài xem Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi thi đấu”, anh Vũ Đoàn chia sẻ.

Chuẩn bị công phu, trải nghiệm đáng giá

Đối với những cổ động viên gạo cội như anh Vũ Đoàn, xem World Cup có cả một quy trình công nghệ hẳn hoi chứ không hề là chuyện ngẫu hứng “xách ba lô lên và đi”. Chuyến đi Qatar của anh chỉ có 10 ngày, nhưng anh đã bắt đầu công việc chuẩn bị từ cả năm trước.

“Đầu tiên là phải theo dõi sát quá trình bán vé của FIFA. Nếu mua đại một trận nào đó thì dễ, nhưng nếu chọn các trận đấu của các đội như Brazil, Argentina, Anh, Pháp… hoặc các trận vòng tứ kết, bán kết thì phải công phu hơn nhiều. Việc đặt vé đôi lúc trầy trật, chứ không phải “đặt phát nào dính phát đó”, anh Vũ Đoàn cho biết.

“Tôi mua 3 vé, gồm trận Bồ Đào Nha - Uruguay, trận Brazil - Cameroon và một trận ở vòng thứ hai từ nửa năm trước. Khi tới Qatar, nếu còn hứng thú thì mua thêm một số trận nữa để xem. Tổng chi phí cho 3 vé đã mua tầm 13 - 14 triệu đồng”, anh Vũ Đoàn cho hay.

Anh nói rằng để được xem một trận đấu của Neymar, Vinícius Júnior thì “mức giá đó không có gì đắt cả, thậm chí là rẻ”. Do anh đặt vé từ sớm qua hệ thống phân phối vé của FIFA nên giá tương đối rẻ. Về sau, khi vé được bán lại hoặc bán qua các mạng phân phối bên ngoài thì giá cao hơn nhiều.

Vé đã ở trong tay, thẻ Hayya đã được cấp, nhưng việc chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất. Một chuyến đi tự túc đòi hỏi người thực hiện phải tính toán rất kỹ để đảm bảo tiết kiệm nhất, nơi ăn chốn ở, việc đi lại cũng được lên kế hoạch để phù hợp với lịch xem bóng đá.

“Tôi bay sang Bangkok, từ đó di chuyển bằng máy bay của Hãng Kuwait Airways, tới Kuwait quá cảnh một đêm, sau đó bay sang Doha”, anh tóm tắt hành trình của mình. Trước khi đáp xuống Doha, anh đã bắt đầu chạm tới một chút không khí World Cup khi xung quanh anh có nhiều cổ động viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cùng chung hành trình.

Khác với Nga của 4 năm trước, chi phí lưu trú tại Qatar rất cao. “Hồi trước tôi chỉ cần khoảng 15 - 20 USD là có thể ở qua đêm trong một phòng tập thể. Giờ đây giá phải gấp 5 - 7 lần con số đó”. Anh Vũ Đoàn cho biết mình đã đặt chỗ trên hệ thống đối tác của FIFA được một số ngày, với giá 84 USD/đêm cho một phòng cơ bản. Những ngày còn lại thì sẽ xoay xở sau vì số lượng phòng trong hệ thống đối tác của FIFA đã được đặt hết.

Một chuyến đi như vậy dù tính toán chặt chẽ nhất, chi tiêu tiết kiệm nhất cũng mất tầm 70 - 80 triệu đồng. “Tốn tiền chứ, nhưng trải nghiệm quá đáng giá”, anh Vũ Đoàn chia sẻ sau khi trở về từ trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay trên sân Lusail. Được xem Ronaldo thi đấu trên sân, trong giải đấu lớn hầu như là cuối cùng của siêu sao này, đâu phải là chuyện muốn là được!

Từ xem ti vi đến cổ vũ trên khán đài

Cũng đến từ TP.HCM, chị Nguyễn Ngọc Thúy đã đưa con trai tới Qatar vừa tham quan vừa xem World Cup. Chị đã chọn xem trận Nhật Bản - Costa Rica ở vòng đấu bảng chỉ vì yêu mến đội bóng Đông Á.

“Thật buồn khi đội Nhật thua, nhưng tôi cùng con trai đã có một ngày đáng nhớ. Không khí trên khán đài rất đặc biệt”, chị Thúy chia sẻ. “Doha quá nắng nóng nên hai mẹ con không đi đâu nhiều, nhưng được xem một trận cầu World Cup là trải nghiệm khó quên”, chị Thúy nói thêm.

Không phải lần đầu xem World Cup, anh Vũ Đoàn đã có sự so sánh khá cụ thể về giải đấu đang diễn ra tại Qatar và kỳ World Cup 4 năm về trước tại Nga. “Các sân đấu ở đây gần nhau nên việc lưu trú, đi lại thuận tiện. Tôi có ấn tượng đặc biệt về các sân đấu, phải nói là rất hoành tráng, hiện đại. Là người làm công nghệ, tôi thích công nghệ làm mát sân của Qatar. Ngay cả khi trận đấu diễn ra lúc 13 giờ thì bên trong sân vẫn mát mẻ, rất dễ chịu, dù bên ngoài lúc đó rất nóng”, anh Vũ Đoàn cho biết.

Có nhiều ấn tượng về Qatar và World Cup 2022, nhưng anh Vũ Đoàn nhận xét rằng không khí năm nay nhìn chung không sôi nổi bằng giải đấu 4 năm trước - “Người ở đây họ kín đáo hơn, không “nhiệt” bằng người Nga hồi trước. Tôi mới đi trên Fan Festival về, thấy ở đó dù đông người nhưng không quá sôi động”.

Đối với người Việt Nam, thoạt tiên World Cup là những trận đấu trên ti vi đen trắng. Thế rồi, cùng với sự đi lên về kinh tế, việc đi lại thuận tiện hơn, ngày càng có nhiều người Việt đến sân xem World Cup. Đặc biệt, từ World Cup 1998 tại Pháp đến nay thì sự xuất hiện của khán giả Việt Nam trên khán đài giải đấu lớn nhất hành tinh trở thành chuyện bình thường. Nhiều đại gia đi xem World Cup thậm chí còn thực hiện các trải nghiệm cao cấp, như ngắm cảnh bằng trực thăng, thám hiểm sa mạc bằng xe thể thao đa dụng hoặc lạc đà. Đất nước Qatar dù nhỏ, nhưng đi vào bên trong là cả một thế giới Trung Đông huyền bí.

Anh Huỳnh Gia Hân, nhân viên phục vụ tại quán Hội An ở trung tâm Doha, cho biết kể từ khi World Cup khai mạc, quán của anh đã đón nhiều thực khách Việt Nam. “Nhiều người tới xem bóng đá, biết được ở đây có quán ăn Việt Nam nên ghé để tìm chút hương vị quê nhà”, anh Gia Hân chia sẻ.

Qatar có an toàn không?

Một trong những chuyện mà các cổ động viên Việt Nam có kế hoạch đi xem World Cup quan tâm nhất là tình hình an ninh trật tự tại điểm đến. Qatar nằm ở khu vực Trung Đông, gần các điểm nóng xung đột, vậy có an toàn hay không?

Thực ra Qatar là một đất nước rất an toàn. Nạn cướp giật, móc túi tại Doha là rất hiếm. Đi khắp Doha trong những ngày qua, tôi chưa từng chứng kiến một vụ trộm cắp nào, lời cảnh báo trộm cắp cũng không có. Vào đêm hôm trước, sau trận đấu giữa Mỹ và Iran, khi đi tàu điện từ Fan Festival về khu nhà trọ Barahat Al Janoub ở Al Wakrah, anh Vũ Đoàn đã để quên điện thoại trên tàu điện. Dù tàu đã rời ga nhưng sau đó, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên và nhân viên hệ thống Metro Doha mà anh đã nhận lại được điện thoại của mình. Một câu chuyện nho nhỏ nhưng tôi lại thấy vô cùng diệu kỳ, bởi để quên đồ trên tàu điện thì hầu như chắc chắn sẽ bị mất. Ở một số nước châu Âu, thậm chí có chuyện kẻ xấu chờ khi tàu điện sắp đóng cửa thì móc túi của hành khách và nhanh chóng thoát xuống.

Bình thường, Doha vốn dĩ đã an toàn, tới mùa World Cup thì tình hình an ninh trật tự càng tốt hơn, khi công tác bảo vệ được thắt chặt hơn. Các cổ động viên người Việt mà tôi gặp đều cho biết họ cảm thấy rất an tâm dù đi một mình vào lúc nửa đêm trên một con phố nhỏ ở Doha. Đây là điểm rất khác so với các kỳ World Cup trước đây tại Nam Phi, Brazil và Nga.

(Nguồn: Thanh Niên)

VIII. NGƯỜI VIỆT Ở BIỂN HỒ TONLE SAP

(Ảnh minh hoạ).

Tonle Sap nghĩa là sông nước ngọt lớn, người Việt Nam gọi là Biển hồ. Ở nơi đó có một cuộc hành trình không bờ không bến của đồng bào xa xứ.

Dòng Mekong sau cuộc hành trình chảy hết đất nước Lào, ở đoạn cuối đã chia thành nhiều nhánh tạo nên vùng đất lạ kỳ Si Phan Don với hơn 4.000 hòn đảo. Vào lãnh thổ đất nước Campuchia cứ tưởng dòng sông sẽ xuôi theo hướng Đông Nam mà chảy vậy mà không phải. Đến chỗ gần Thủ đô Phnom Pênh con sông Mẹ bất ngờ đẻ ra dòng Tonle Sap rồi lấy nước của mình bơm ngược hơn 100 cây số lên một vùng đồng bằng rộng lớn của 5 tỉnh Pursat, Battambang, Siem Reap, Kampong Thom và Kampong Chhnang. Người Campuchia gọi đó là Tonle Sap, nghĩa là sông nước ngọt lớn còn người Việt ở đây gọi là Biển hồ. Dù là cách gọi nào cũng chỉ muốn thể hiện sự rộng lớn, mênh mông của hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á.

Có nhiều cách để đến Biển hồ Tonle Sap nhưng chúng tôi chọn lối đi từ Kampong Thom qua Siem Reap. Nghe kể đó là thành phố được đặt tên theo truyền thuyết về một cuộc xung đột qua nhiều thế kỷ giữa vương quốc Xiêm và vương quốc Khmer. Dụng ý đặt tên của người xưa muốn ám chỉ đây là nơi quân Xiêm bại trận. Thực hư thế nào đến nay chưa ai rõ, duy chỉ có điều dễ dàng cảm nhận, cố đô Siem Reap là thành phố du lịch nổi tiếng nhất đất nước Chùa Tháp. Đây chính là quê hương của di tích tôn giáo Angkor Wat rộng lớn nhất thế giới, cũng là thành phố gần với Biển hồ Tonle Sap nhất.

Chiếc thuyền máy rẽ sóng đưa đoàn làm phim của Báo Nông nghiệp Việt Nam đến với một trong nhiều khu vực sinh sống của người Việt Nam trên Biển hồ. Thời điểm này đang bắt đầu vào mùa khô ở Campuchia nhưng chỉ sau vài phút rời bến thuyền Chung Knea chỉ thấy bốn bề toàn sóng nước.

Chovkimyeung, anh bạn dẫn đường người Campuchia nói, thường thì vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5 Biển hồ khá hẹp và nông, chỗ sâu nhất chỉ tầm có hơn 1m, diện tích vào khoảng 10.000km2. Đó cũng là thời điểm nước từ trên khu vực này chảy xuống hòa vào dòng Mekong chảy hướng Việt Nam. Đến mùa mưa, bắt đầu từ tháng 6, nước sông dâng cao, nước lại chảy ngược lên “biển”. Diện tích lúc này của Biển hồ vào khoảng 16.000km2, chỗ sâu nhất có thể tầm 9 - 10m. Ruộng đồng, nhà cửa nhiều nơi có thể bị nước nhấn chìm nhưng đó cũng là mùa người dân sinh sống nơi đây vui nhất. Cá tôm, phù sa từ sông Mekong theo con nước chảy vào từ bao đời qua đã trở thành nguồn sống gần như vô tận.

Đã từng có thống kê, nguồn nước Mekong mỗi năm ra vào Tonle Sap hai lần chính là sinh kế của khoảng 3 triệu người, bao gồm cả người Campuchia và người Việt.

“Sông nước ngọt lớn” giống như người mẹ bao dung nuôi nấng cả một cộng đồng rất nhiều người, nhưng Chovkimyeung cũng nói, “người mẹ” ấy dường như đang ngày càng kiệt quệ. Biến đổi khí hậu cộng với quá nhiều các dự án xây dựng thủy điện của các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia đang gây ra những tác động đến Biển hồ.

Lịch trình con nước thay đổi, mức nước cũng không còn theo quy luật tự nhiên như trước đây. Đời sống người dân sông nước vì thế ngày càng khốn khó, nhất là đối với cộng đồng người Việt. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng ở Vương quốc Campuchia, dù thường xuyên thay đổi nhưng hiện nay có khoảng gần 8.000 hộ dân gốc Việt Nam đang sinh sống ở Biển hồ. Họ sống chủ yếu trên những ngôi nhà nổi, ven những cánh rừng ngập nước hoặc ở các khúc sông gần Tonle Sap. Quần tụ với nhau thành từng xóm, từng làng, lại có những nhóm người nay đây mai đó, theo mùa nước lên nước xuống, rải rác ở khắp mọi nơi. Mấy năm qua Chính phủ hai nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia cũng có nhiều chính sách quyết liệt nhằm hỗ trợ đưa người Việt trên Biển hồ lên bờ nhưng xem chừng còn lắm những gian nan.

Thuyền xuyên qua những cánh rừng ngập nước, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là một ngôi chùa nhỏ dựng trên sàn nổi bằng mấy chục chiếc thùng phuy. Đây là trung tâm của một ngôi làng người Việt với khoảng 315 hộ, hơn 2.000 người, sống đời lênh đênh trên sóng nước. Người trông coi ngôi chùa là ông Nguyễn Văn Miêu (61 tuổi), nghe nói quê gốc ở tỉnh Tây Ninh nhưng xã nào, huyện nào thì ông lại không nhớ rõ. “Đi lâu quá rồi mà”, ông Miêu chậm rãi trò chuyện với chúng tôi.

“Không ai nhớ chính xác được người Việt mình có mặt ở Biển hồ vào khoảng thời gian nào”, vẫn là sự chậm rãi của ông Miêu. Nghe những người thế hệ trước kể lại, đã từ rất lâu đời người Việt ở khu vực phía Nam vẫn thường ngược dòng sông Mekong chài lưới. Họ sống trên những khúc sông khác nhau, lấy nghề tôm cá mưu sinh, thuyền cũng là nhà, rày đây mai đó rồi đi lên đến tận Biển hồ. Họ sống quần tụ với nhau thành từng xóm nhỏ, hết đời cũng không về lại được với tổ tiên mà nằm xuống bên các cánh rừng ven sông ven “biển”. Lại có thêm phân tích nói vào thời kỳ Pháp thuộc, không ít người Việt sang Campuchia làm công nhân cao su, binh biến loạn ly sau đó đã kéo nhau lên Biển hồ sinh sống. Gốc gác ra sao không còn ai nhớ rõ, chỉ có giai đoạn sau này là còn nhiều người biết. Buồn thay, đó là một cuộc hành trình không điểm đầu điểm cuối, lắm nỗi đoạn trường mà cũng lắm chết chóc tang thương.

Gia đình ông Miêu cùng với mấy hộ nữa, vốn là bà con cô bác với nhau sang đây từ những năm sau ngày thống nhất đất nước ở Việt Nam. Với nhiều người trong số họ, đó là sự trở về, bởi cha ông trước cũng đã từng sinh sống trên đây nhưng vì biến cố phải quay về nước. Nghe kể lại những câu chuyện vào giai đoạn đó mới thấy số phận người Việt ở Biển hồ nói riêng và trên xứ sở Chùa Tháp này nói chung quá trầm luân đau đớn.

Trong khoảng từ năm 1970 đến năm 1975, hàng ngàn người Việt trên đất nước Campuchia đã bị sát hại dưới bàn tay của chính quyền Cộng hòa Campuchia. Hàng chục vạn người Việt khác buộc phải hồi hương. Đến thời Khmer Đỏ, người gốc Việt ở Campuchia lại tiếp tục bị sát hại dưới nạn diệt chủng của Pol Pot. Chuyện này có số liệu lưu giữ hẳn hoi. Các tài liệu của Vương quốc Campuchia thể hiện, thời kỳ đó đã có hơn 170.000 người gốc Việt bị Khmer Đỏ đuổi về Việt Nam, số người ở lại bị chết vì đói, chết vì bệnh tật và bị nạn diệt chủng Pol Pot sát hại dã man cũng rất nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hà, người ông Miêu gọi bằng dì Tám (70 tuổi) vẫn còn nhớ mang máng là mình được sinh ra ở trên Biển hồ này. Bố mẹ bà lên đây từ thuở trước đó. Họ sinh được cả thảy 8 người con, bà Hà thứ út. Một cuộc sống như bà nói là “bọt nước trôi tới đâu tụi tui trôi tới đó”. Dù lớn lên ai cũng dựng vợ gả chồng, cứ tưởng đời này qua đời khác cũng sẽ dạt trôi trên những con thuyền hay những căn nhà nổi. Nhưng khoảng năm 1975 hay 1976 gì đó bà Hà không nhớ rõ, nạn diệt chủng Khmer Đỏ nổi lên và tác quai tác quái ở đất nước Chùa Tháp.

“Người Việt mình bị đuổi về xứ hết”, giọng bà Hà nghẹn lại. Nào giờ có biết “xứ Việt Nam” ở chỗ nào đâu? Cả gia đình dắt díu nhau lên thuyền thả trôi xuôi sông, chưa về được đến quê hương đã gặp cảnh người Việt bị giết hại dã man, xác chất thành từng đống nơi này nơi khác. Tui sợ quá bèn lăn ra bất tỉnh. Chẳng còn nhớ được về đến Châu Đốc (An Giang) rồi Hồng Ngự (Đồng Tháp) bằng cách nào. Chỉ nghe nói đó là quê chồng nhưng bà con chòm xóm cũng đã đi hết trơn. Từ vùng sông nước về miền sông nước vậy mà không sống nổi. Giăng câu, thả lưới kiếm con bống cát đem đổi gạo ăn được một thời gian vẫn cứ thấy xứ này xa lạ, bất an quá. Một số vùng của miền Tây Việt Nam thời điểm đó cũng phải trải qua nhiều tang thương do Khmer Đỏ gây ra, thành thử khi quân giải phóng vào và đánh đuổi Khmer Đỏ đến đâu thì không ít người dân đã theo chân đến đó. Nỗi ám ảnh chết chóc khiến họ phải bám vào bộ đội để mong giữ được mạng sống của mình, trong đó có những người trong họ hàng bà Hà, ông Miêu.

Họ trở lại Biển Hồ quãng từ năm 1979 trên một chiếc xuồng ba lá khi nạn diệt chủng đã tạm yên. Mồ mả bố mẹ vẫn còn chôn đâu đó ở vùng Bato, trong một cánh rừng ven Biển hồ nhưng chính xác ở đâu đã không còn ai nhớ nữa. Ngay chính bản thân bà Hà cũng không ngờ được là chuyến đi khỏi quê hương đó kéo dài cho đến tận bây giờ.

Hơn 40 năm qua cuộc sống của những người như bà chỉ quanh quẩn trên Biển hồ này, chưa một lần được trở về Việt Nam. Ban đầu chỉ có 7 - 8 hộ gia đình, dần dà thành xóm thành làng cùng đùm bọc nhau ở nơi xa xứ. Đàn ông đi “biển” đánh cá, đàn bà ở nhà vá lưới chăm con trở thành mô típ của tất cả những ngôi làng người Việt. Kết những chiếc thùng phuy lại làm sàn nhà ở, một chiếc ghe thuyền vừa là phương tiện đi lại vừa là mưu sinh, thế hệ này qua thế hệ khác đều lênh đênh như vậy. Một thời gian khá dài cuộc sống cũng có thể coi là yên ổn, nhưng những năm gần đây đó là sự yên ổn nằm trên bọt nước.

Gia đình ông Miêu có 7 người, dù mấy người con cũng đã dựng vợ gả chồng cả rồi nhưng vẫn sống cùng với ông bà trên một căn nhà nổi. Sống giữa mênh mông Biển hồ nhưng nước uống phải mua, mấy chục năm trong bóng tối chỉ thời gian gần đây mới sắm được tấm pin năng lượng mặt trời để dùng. Chốn sinh hoạt chật chội, tù túng và khốn khó trăm bề đã đành, mười mấy con người dựa hoàn toàn vào những chuyến “ra khơi”. Ngày trước cá tôm Biển hồ còn dồi dào, nỗi lo còn ít. Ông Miêu kể rằng lắm hôm chuẩn bị lưới từ hôm trước để ngày mai đi làm thì sáng ra cá đã vướng đầy không thèm gỡ. Mỗi chuyến “đi biển” bố quăng chài con bỏ lưới cùng nhau kiếm vài tạ cá là chuyện bình thường. Cá đánh được mang bán hoặc đem đi đổi gạo và vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Dù không thể coi là sung túc nhưng vẫn có thể đắp đổi qua ngày, miếng ăn không đến nỗi phải quá lo. Vậy nhưng mấy năm gần đây đã không còn cảnh đó nữa.

Tôm cá ít dần là một nhẽ, kể từ khi Chính phủ Campuchia khoanh vùng hạn chế đánh bắt, ban hành các quy định cấm sử dụng công cụ chài lưới trên Biển hồ cuộc sống lại càng thêm khốn khó.

“Giá xăng dầu năm nay cao quá, đi chuyến nào lỗ chuyến đấy nên nhiều người chán bỏ nằm nhà. Mà bây giờ người Việt ở Biển hồ cũng không còn được tự do đánh bắt như ngày xưa nữa đâu. Chính phủ Campuchia họ cấm người dân kéo cào, giật điện, đánh cá trong lô của Nhà nước nên người Việt mình trên này chỉ được phép quăng lưới, thả câu mấy vùng ven ven như thế này thôi. Họ chỉ cho mỗi gia đình đăng ký 70 - 100m lưới, đánh được cá mới có tiền mua gạo ăn, không đánh được thì cũng đành nhịn chứ biết sao giờ”, ông Miêu vừa ngậm ngùi vừa nổ máy thuyền đưa chúng tôi ra khu vực ngã ba sông Siem Reap và Biển hồ.

Chỗ đó, trước cũng là một làng chài người Việt khác, nhưng sau khi có lệnh cấm đánh bắt bằng kéo cào, giật điện bây giờ chỉ còn sông nước mênh mông, dân làng kéo nhau đi đâu không ai rõ. “Chắc rồi đây chúng tôi cũng thế”, giọng ông lão hơn 60 tuổi không giấu được sự lo toan: Một số gia đình ở đây thay vì chài lưới như ngày trước đã chuyển đổi sang nuôi cá lồng bè nhưng cũng chẳng ăn thua. Sơ sểnh ra là bị phạt, chưa kể gặp một hai đợt cá chết phải bán luôn cả thuyền.

Chúng tôi lênh đênh trên Biển hồ vào dịp Đảng, Nhà nước Việt Nam và Vương quốc Campuchia tiếp tục có những cuộc gặp gỡ, bàn bạc để cùng nhau hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Biển hồ ổn định cuộc sống. Trước đó, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ Campuchia đã nhiều lần ban hành các chính sách nhằm di dời cộng đồng người Việt khỏi Tonle Sap.

Ông Miêu lấy tôi xem một tấm thẻ màu vàng, dạng như căn cước công dân do Vương quốc Campuchia cấp. Cũng có gắn chip và mã số nhưng thời hạn chỉ được hai năm, quá hạn không làm thủ tục làm lại sẽ bị phạt 1 triệu riels, tương đương khoảng 6 triệu tiền Việt Nam. Đó là tất cả những gì mà ông hay những người lớn ở ngôi làng nổi này có. Họ gọi đó là thẻ thường trú dành cho những người nước ngoài thuộc diện nhập cư.

Bước đường cùng rồi chú ơi. Cũng có nhiều người lên bờ rồi nhưng không biết làm nghề gì kiếm sống cả. Người đi vào các công ty của Việt Nam mình bên này làm công nhân trồng cao su, trồng chuối, cũng có nhiều người đi về Việt Nam rồi đấy nhưng rồi được một thời gian lại thấy quay trở lại đây. Cả đời sống trên nhà nổi, thuyền ghe, lênh đênh quen quá rồi bây giờ lên bờ có khi lại ốm. Nghề nghiệp kiếm sống ngoài chài lưới, cá tôm ra người Biển hồ có biết gì khác đâu. Lái thuyền ghe quen rồi lên bờ cầm xe máy đi loạng quạng gây tai nạn giao thông mất mạng suốt đấy.

Vừa nói chuyện vừa như muốn khóc, và rồi ông Miêu khóc thật. Đó là khi ông cầm tấm ảnh người con gái đầu chụp trong ngày cưới 7 năm về trước. Từ đó đến giờ ông chưa có cơ hội gặp lại, chỉ biết qua điện thoại là đã sinh cháu ngoại nay đã đến tuổi đi học rồi.

“Đám cưới nó cũng ở giữa Biển hồ này. Nhà trai chỉ có 2 người, đi xuồng ghe đến rước dâu rồi sau đó vợ chồng chạy vạy về Việt Nam sinh sống. Ở Đồng Nai hay Bình Dương tôi cũng chỉ nghe nói thế chứ nào đã được về Việt Nam bao giờ. Cũng muốn về lắm nhưng không có giấy tờ gì nên về không nổi. Hôm trước có đoàn khách Việt mình qua đây du lịch tôi có hỏi tình hình người Việt ở Biển hồ được bố trí trở bên đấy sống ra làm sao, họ nói là toàn những xóm liều, xóm không quốc tịch, nghe tủi thân lắm”, ông Miêu vén áo lau nước mắt.

Cả làng chài hơn 315 hộ thì chừng ấy hoàn cảnh giống nhau, chỉ mỗi tấm “thẻ vàng” để chính quyền sở tại dễ bề quản lý về số lượng nhân khẩu. Còn cuộc sống ra sao thì gần như không có ai quan tâm đỡ đần gì.

Cạnh nhà ông Miêu là nhà bà Phạm Thị Lựu (71 tuổi), cũng sang bên này đã mấy chục năm, có 8 người con nhưng hiện đang lênh đênh ở đâu cũng không thể rõ, chỉ biết là ở trên Biển hồ này thôi. Bà kể rằng, nhiều lần đám con cái chúng nó nói muốn về quê quán ở bên Việt Nam xem có khá hơn không chứ ở đây khổ quá. Nhưng không về được, giấy tờ không có, cũng đã về, không ai xác nhận cho rồi lại phải đi. Thế hệ chúng tôi chắc rồi cũng như cha chú trước, sống nay chết mai có khi phải nằm xuống trên đất này, nghĩ chỉ thương tụi con cháu, rồi đây không biết có lối thoát nào không chứ cứ thế này khổ lắm. Thỉnh thoảng lên bờ họ toàn coi như hủi, chẳng khác gì dân tị nạn cả.

Màn đêm buông xuống trên làng chài của người Việt ở Biển hồ. Sóng vỗ oàm oạp vào những chiếc thùng phuy nhà nổi nghe như trong đó còn có cả những tiếng thở than. Không than thở làm sao được khi cái cảnh trở đi mắc núi trở về mắc sông của những ông Miêu, bà Hà, bà Lựu hay hàng nghìn thân phận người Việt khác ở Biển hồ đang ngày càng mong manh thấy rõ.

(Nguồn: Nông Nghiệp)

NGƯỜI VIỆT KỂ TRẢI NGHIỆM NHỚ ĐỜI KHI TÀU ĐIỆN SEOUL GIÁN ĐOẠN DO ĐÌNH CÔNG

Hoạt động tàu điện ngầm Seoul đã rơi vào hỗn loạn, tắc nghẽn vì hơn 80% nhân viên đình công, biểu tình phản đối kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Rất may, rạng sáng 1/12, công nhân thuộc các nghiệp đoàn tại Seoul Metro - công ty điều hành hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc - đã đạt được thỏa thuận với ban quản trị công ty về kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp, qua đó chấm dứt cuộc đình công gây ra nhiều gián đoạn dịch vụ tàu điện ngầm ở khu vực Seoul.

Các nghiệp đoàn liên minh tại Seoul Metro, đại diện cho khoảng 13.000 công nhân, tương đương 80% toàn bộ lực lượng lao động của công ty, đã bắt đầu cuộc biểu tình từ rạng sáng 30/11, một ngày sau khi các cuộc đàm phán với công ty thất bại.

Hai bên nối lại đàm phán vào khoảng 20h cùng ngày và đạt được thỏa thuận ngay sau nửa đêm. Thông tin chi tiết về thỏa thuận chưa được tiết lộ nhưng trước đó, các nghiệp đoàn đã phản đối kế hoạch cắt giảm hơn 1.500 nhân viên của Seoul Metro cho đến năm 2026.

Theo ghi nhận của truyền thông địa phương, cuộc đình công ảnh hưởng tới tuyến tàu điện ngầm số 1 đến số 8. Đây là cuộc đình công đầu tiên ở quy mô này trong vòng 6 năm trở lại đây tại Hàn Quốc.

Theo ghi nhận của truyền thông địa phương, việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận khiến người dân sinh sống ở Seoul “thở phào nhẹ nhõm” sau 1 ngày tắc nghẽn và gián đoạn, khiến nhịp sống bị đảo lộn.

Chia sẻ với Báo Giao thông, bạn Phương Uyên, một sinh viên người Việt đang học tập tại Hàn Quốc chia sẻ, hành trình đi làm thêm tối 30/11 khi xảy ra cuộc đình công thực sự là “nhớ đời”.

Uyên đi làm vào lúc 16h30 từ Dongdaemun xuống Kangnam, trong điều kiện thời tiết - 6 độ, lạnh cắt da. Bình thường, thời gian đi làm chỉ mất 40 phút nhưng ngày hôm qua mất tới 2 tiếng 30 phút.

Uyên chia sẻ: “Vì nhân viên tàu đình công nên mình định chuyển sang đi xe bus. Nhưng xe bus cũng đông, kẹt cứng người. Xe không đón được khách, taxi cũng khó bắt. Mình lại phải quay xuống dưới chờ tàu giữa “rừng người”. Đến 18h30 mới lên được tàu và hơn 19 giờ mới đến được chỗ làm”.

Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ cuộc đình công, Chính quyền thành phố Seoul đã tăng cường hoạt động xe bus trong giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối.

Theo thông tin từ Seoul Metro, công ty này đã huy động nhân viên nghỉ hưu, các lao động ngoài công đoàn để thay thế nhân viên đình công, song tỉ lệ tàu vận hành trong khoảng thời gian từ 18h đến 20 giờ ngày 30/11 vẫn giảm xuống còn 85,7% so với mức bình thường.

Theo hãng tin Yonhap, tại cuộc họp báo ngày 30/11, Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon nhận định cuộc đình công của Seoul Metro là một cuộc “tấn công chính trị có tổ chức”, liên quan đến cuộc đình công đang diễn ra của nghiệp đoàn tài xế xe tải chở hàng. Đồng thời, ông Oh Se-hoon cho biết người dân sẽ không dung thứ cho hành động lấy phương tiện giao thông công cộng “làm con tin” vì lợi ích cá nhân.

Về phần mình, ông Kim Jong-tak, một quan chức thuộc nghiệp đoàn cho biết: “Cuộc đình công của chúng tôi không phải là một cuộc tấn công chính trị mà là một cuộc đình công nhằm phản đối kế hoạch tái cơ cấu nhân lực. Chúng tôi sẽ cùng nhau chiến đấu để ngăn chặn kế hoạch này”.

(Nguồn: Báo Giao Thông)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hợp tác hỗ trợ pháp lý; Mong muốn của nữ du học sinh; Cha đẻ của Little Saigon ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang