
LÍNH TRẺ NHIỆT HUYẾT Ở CỘNG HÒA TRUNG PHI
Những người lính trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết, tự tin đảm nhiệm các công tác nhiều thách thức ở mảnh đất châu Phi còn tồn tại bất ổn.
Trong bộ quân phục gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ), những người lính trẻ tràn đầy nhiệt huyết của Chi đoàn cơ sở Tổ công tác Cộng hoà (CH) Trung Phi cùng nhau rèn luyện và trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tự tin đảm nhiệm các vị trí công tác nhiều thách thức ở mảnh đất châu Phi còn tồn tại nội chiến, bất ổn.
Đó là hình ảnh ba người lính trẻ với ba cá tính khác nhau, đại diện cho những phẩm chất của đoàn viên thanh niên thời đại mới hội nhập quốc tế: Đam mê khám phá, nhạy bén và linh hoạt.
Nữ Bí thư nhiệt huyết tinh thần hội nhập quốc tế
Người phụ nữ hiện đại, năng động, trẻ trung và hội nhập là những miêu tả về Đại úy Nguyễn Phương Linh – Bí thư Đoàn Tổ công tác CH Trung Phi thông qua nhiều hoạt động truyền thông về lực lượng chiến sĩ mũ nồi xanh gần đây.
Được biết, trong lần triển khai tại Phái bộ GGHB LHQ lần này, Linh được thử sức trong vai trò sĩ quan truyền thông - một “người lính chiến trường” với “vũ khí” là cây bút và chiếc máy ảnh.
Tại Phái bộ GGHB LHQ CH Trung Phi (MINUSCA), vượt qua thời tiết khắc nghiệt, tác nghiệp ở những địa bàn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thách thức luôn ở phía trước nhưng Phương Linh vẫn nổi bật với hình ảnh nữ phóng viên quân sự nhỏ nhắn nhưng hoạt bát, luôn bám sát nhân vật để kịp thời ghi lại những thước phim và khoảnh khắc quan trọng.
Khi được hỏi về những cái “được” mà công việc mang lại, Phương Linh chia sẻ về những trải nghiệm, cơ hội được tiếp cận với nhiều nền văn hóa, gặp gỡ, giao lưu cùng bạn bè quốc tế.
Nhớ lại lần công tác gần nhất tại đơn vị hàng không Tunisia, Linh tháp tùng Tổng tham mưu trưởng lực lượng tại phái bộ tới kiểm tra đơn vị. Cô rất vui khi được tham gia cùng lực lượng tuần tra đường không, ghi lại được những hình ảnh vô cùng ý nghĩa về công việc của những người lính không quân nơi đây. Những tư liệu quý giá ấy đã được bầu chọn là một trong những hình ảnh ấn tượng đăng tải trên các kênh truyền thông của phái bộ.
Với chiếc máy ảnh, Linh đã lan tỏa những hình ảnh đẹp về nữ quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam trên trang ảnh Tạp chí Phái bộ MINUSCA với hơn 3.000 ấn phẩm được cấp phát rộng rãi tại phái bộ.
Bên cạnh đó, Linh cũng tạo được dấu ấn với loạt phóng sự về vai trò của phụ nữ quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ.
Đại úy Phương Linh cũng góp phần truyền tải những hình ảnh chân thực nhất về những người lính Việt Nam làm nhiệm vụ GGHB LHQ qua nhiều dự án truyền thông, như phóng sự “Tết đoàn viên tại châu Phi” và “Cảm hứng bất tận, về bên gia đình” được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc gia của Việt Nam.
Thượng úy đam mê khám phá
Thượng úy Lê Sơn Tùng - một chàng trai đến từ Hà Nội có niềm đam mê với những chuyến đi và thử thách.
Có lẽ nhờ tính cách đó, Tùng đã được lựa chọn đảm nhiệm vị trí sĩ quan tham mưu trang bị - nhiệm vụ chính là tham gia đoàn công tác đến kiểm tra trang thiết bị của các đơn vị quân đội và cảnh sát trên khắp lãnh thổ Trung Phi.
Với đặc thù công việc di chuyển dài ngày, Tùng hiểu rõ những khó khăn phải đối mặt, thậm chí cả nguy cơ mất an toàn khi đi qua địa bàn hoạt động các nhóm vũ trang nhưng những mối bận tâm ấy chưa một lần làm Tùng hết háo hức.
Đối với Tùng, mỗi chuyến đi là một hành trình tìm hiểu về đơn vị quốc tế, được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tích luỹ kiến thức để có nhiều đóng góp cho lực lượng GGHB Việt Nam đang đóng quân theo hình thức đơn vị ở các Phái bộ khác.
Điều đặc biệt ở Tùng có lẽ là cuốn sổ tay luôn mang bên người, trong đó là cả một “kho tàng câu chuyện” được ghi lại từ những trải nghiệm về cuộc sống và công việc trong thời gian công tác tại mảnh đất Trung Phi. Trong “kho tàng” ấy, Thượng uý Sơn Tùng nắn nót ghi lại những câu chuyện chân thực về sự thiếu thốn của người dân ở một tỉnh phía Nam; hay trải nghiệm ngột ngạt khi di chuyển qua khu vực dân cư của một tỉnh xa xôi phía Bắc, nơi mà ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang từ Sudan khiến người dân luôn mang theo vũ khí phòng thân và hướng ánh nhìn dò xét về phía người lạ một cách cẩn trọng....
Dù là câu chuyện vui, buồn hay gay cấn thì đối với chàng sĩ quan trẻ, mỗi câu chuyện đều cho anh hiểu hơn về giá trị của yêu thương và hoà bình. Ngoài cơ hội biết thêm văn hóa, cuộc sống của cư dân bản địa, những chuyến công tác còn bồi đắp thêm cho Tùng nhiều kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáng quý, mở ra cơ hội học hỏi, giao lưu văn hóa, đồng thời quảng bá hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến các nước bạn.
Sĩ quan nhạy bén và linh hoạt
Là một trong những Đoàn viên nhận nhiệm vụ tại nơi xa xôi hẻo lánh nhất của CH Trung Phi, Thượng úy Nguyễn Hải Duy đang đảm nhiệm vị trí sĩ quan thu thập thông tin tình báo.
Đây là công việc đòi hỏi sự sắc sảo, tinh ý, nhất là tại một quốc gia còn nhiều bất ổn, thường xuyên xảy ra xung đột. Việc xử lý một khối lượng lớn thông tin liên quan đến các nhóm tổ chức vũ trang luôn cần nhạy bén với tin tức và linh hoạt trong điều phối công việc.
Duy chia sẻ về những lần nhận được thông tin gây nhiễu, phải trực tiếp đi thực địa xác minh là điều không hề dễ dàng.
Mỗi khi bước ra khỏi doanh trại, Duy luôn phải lường trước sự nguy hiểm tiềm ẩn khi đi qua những chốt kiểm tra của phiến quân, chuẩn bị trước những phương pháp tiếp cận với người dân tại địa bàn theo từng hoàn cảnh để có được những thông tin chính xác, tránh gây ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch của phái bộ. Thức khuya hay xử lý gấp tin tức về các sự vụ xảy ra trong đêm dường như là điều bình thường, luôn thường trực trong công việc mà Thượng uý Duy đang đảm nhiệm.
Nhưng cũng chính từ những cơ hội làm việc trực tiếp như vậy, Duy đã tạo dựng được lòng tin và sự yêu thương từ người dân địa phương, trở thành người bạn thân thiết của họ.
Duy chia sẻ thêm, càng đi sâu vào cuộc sống người dân mới càng hiểu thêm về những khó khăn và nguy hiểm mà họ phải đối mặt, không chỉ đói nghèo, mà còn là những tranh chấp xung đột vũ trang luôn rình rập quanh từng ngôi làng, ngõ xóm.
Chính sự đồng cảm đó đã trở thành sợi dây kết nối để Duy có thể nhận được hỗ trợ từ người dân địa phương trong nhiều tình huống xử lý công việc ngoài thực địa của mình.
Có thế thấy, những câu chuyện về Chi bộ đoàn viên tại CH Trung Phi là minh chứng rõ ràng cho sự hội nhập quốc tế, đam mê khám phá và nhạy bén sáng tạo. Đây không chỉ là việc thực hiện nhiệm vụ mà còn là hành trình khám phá văn hóa, tạo ra giá trị mới cho xã hội và giao lưu với cộng đồng quốc tế.
Đối với Chi bộ đoàn viên tại CH Trung Phi, mỗi cá nhân đoàn viên thanh niên chính là một sứ giả hòa bình, không chỉ đại diện cho lớp trẻ thanh niên ưu tú, mà còn là hình ảnh của nhân dân Việt Nam cởi mở, thân thiện, và thủy chung trong mắt bạn bè thế giới.
NGƯỜI VIỆT NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ TRONG XÃ HỘI SÉC
Cộng đồng người Việt tại Séc nói chung, tỉnh Bắc Morava nói riêng, luôn là một cộng đồng đoàn kết, nỗ lực không ngừng và đang từng bước khẳng định vị thế người Việt ở nước sở tại.
Ông Trịnh Tân, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Bắc Morava - Ostrava, cho biết trong những năm qua, Hội người Việt tại Bắc Morava và Ostrava luôn tham gia đầy đủ trong các hoạt động ở địa phương, tích cực phối hợp với chính quyền tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong các ngày hội văn hóa đa sắc tộc, châu Á…, đồng thời, có nhiều hoạt động đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế nói chung của địa phương.
Về công tác cộng đồng, Hội duy trì đều đặn các hoạt động tiêu biểu để giữ gìn văn hóa truyền thống nhân các ngày lễ lớn của dân tộc, đẩy mạnh hoạt động giữ gìn ngôn ngữ Tiếng Việt bằng việc tổ chức các lớp học ngôn ngữ cho các thế hệ thứ 2 và thứ 3 dưới sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt tại tỉnh Bắc Morava tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn; gắn bó, ủng hộ và quyên góp tài chính hướng về quê hương Việt Nam trong nhiều hoạt động, thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, luôn là một bộ phận không tách rời của Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc với bà con cộng đồng người Việt tại tỉnh Bắc Morava, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam, Dương Hoài Nam, tại Cộng hòa Séc, gửi lời chúc mừng và ghi nhận những nỗ lực của Hội người Việt Nam tại Bắc Morava – Ostrava đã đạt điều nhiều kết quả tốt đẹp trong những năm qua, đặc biệt là hoạt động gắn kết bà con kiều bào với quê hương, tích cực đồng hành trong mọi hoạt động nói chung để xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt ở Cộng hòa Séc. Đại sứ mong muốn trong thời gian tới, Hội người Việt Nam tại Bắc Morava - Ostrava tiếp tục phát triển, tăng cường hơn nữa công tác gắn kết cộng đồng, các hội đoàn, các địa phương với nhau.
Đoàn công tác của Đại sứ quán cũng đến thăm Tập đoàn Elmich, một trong những tập đoàn lớn của Cộng hòa Séc do người Việt làm chủ với lĩnh vực chính là sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia dụng. Sau 25 năm hình thành và phát triển, Elmich trở thành một trong những tập đoàn tầm cỡ châu Âu, các sản phẩm gia dụng của công ty đã được phân phối tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bày tỏ vui mừng khi có một doanh nghiệp Việt thành công ở châu Âu, Đại sứ Dương Hoài Nam chia sẻ: "Với tư cách là một người Việt Nam, tôi rất tự hào khi đến thăm nhà máy này vì tôi thấy một sự hiện đại và rất văn minh và sự quản lý rất cao của nhà máy. Với tư cách là đại sứ, tôi thấy vui mừng khi nhìn thấy một doanh nghiệp của người Việt phát triển và trưởng thành như vậy, đưa chất lượng các sản phẩm đạt chất lượng ở khu vực. Đây là một niềm tự hào của người Việt ở châu Âu. Tôi tin tưởng với sự phát triển và trưởng thành của thương hiệu Remoska nói riêng, tập đoàn Elmich nói chung, sẽ góp phần nâng cao vị thế của hàng Việt Nam cũng như người Việt Nam không chỉ ở Cộng hòa Séc mà còn trong khu vực châu Âu".
Về phía Đại sứ quán, Đại sứ Dương Hoài Nam khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để hỗ trợ các hội đoàn người Việt tại Séc trong các hoạt động chung, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức Hội người Việt tại Séc có nhiều chương trình hoạt động để nâng cao vị thế của người Việt ở nước sở tại cũng như tạo ra một cộng đồng yêu thương, gắn kết, tích cực trong nhiều hoạt động hướng về quê hương.
Có thể thấy, cộng đồng người Việt tại Séc nói chung, tỉnh Bắc Morava nói riêng, luôn là một cộng đồng đoàn kết, nỗ lực không ngừng và đang từng bước khẳng định vị thế người Việt ở nước sở tại, có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội. Sự hội nhập và phát triển của cộng đồng người Việt tại Séc trong thời gian qua cũng là cầu nối quan trọng góp phần củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
LÊ DƯƠNG BẢO LÂM & CHUYỆN ĐI ĂN NHÀ HÀNG ĐEM ĐỒ THỪA VỀ Ở MỸ

"Mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt không hay cho lắm nhưng chúng tôi vẫn quyết định đem đồ ăn về" – Lê Dương Bảo Lâm chia sẻ.
Mới đây, trên kênh Youtube của nghệ sĩ Lê Giang đã đăng tải một clip quay lại cảnh cô cùng Lê Dương Bảo Lâm ngồi nấu ăn trong phòng khách sạn. Được biết, cả hai đang có chuyến công tác dài ngày tại Mỹ cùng nhiều đồng nghiệp khác.
Theo Lê Dương Bảo Lâm tiết lộ, trước đó cả hai có đi ăn ở nhà hàng của nghệ sĩ Hồng Đào vì còn thừa đồ ăn nên đã lấy hết mang về cất tủ lạnh để hôm sau lôi ra nấu lại, ăn tiếp ngon lành, tiết kiệm được tiền một bữa ăn. Anh nói:
"Hôm qua, chúng tôi có đi ăn với chủ là chị Hồng Đào, ăn xong còn dư đồ ăn rất nhiều. Chúng tôi quyết định đem đồ ăn thừa về. Mọi người nhìn chúng tôi với ánh mắt không hay cho lắm nhưng chúng tôi vẫn quyết định đem đồ ăn về. Thế là ngày hôm nay chúng tôi có được bữa ăn sáng thịnh soạn".
Lê Giang cũng chia sẻ: "Từ Việt Nam qua đây phải tiết kiệm. Người ta dắt mình đi ăn, không ăn hết rồi mắc cỡ không đem về thì mang tội, không việc gì phải mắc cỡ. Ăn phung phí quá thì không có tiền đem về Việt Nam đâu...
Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi đều phải nấu cho Lê Dương Bảo Lâm ăn, chị em như bát nước đầy. Mọi người thấy không, tôi là chị mà đảm đang, lo cho em mình đến thế này mà nhiều khi nó còn chửi tôi, nói xấu tôi nữa".
Ăn sáng xong, Lê Giang và Lê Dương Bảo Lâm đi làm rồi tiếp tục ăn trưa. Sau khi ăn xong bữa trưa, Lê Giang lại gói đồ ăn mang về một cách đầy tự nhiên, không ngần ngại.
Thậm chí, nữ nghệ sĩ còn suýt để cả chai gia vị của nhà hàng vào túi, bị Trấn Thành nhắc mới đặt lại lên bàn. Cô nói: "Tôi cũng chỉ lo cho đàn em thôi, nhỡ đàn em đói còn có cái mà ăn".
Được biết, Lê Dương Bảo Lâm và Lê Giang đang có chuyến đi Mỹ cùng Trấn Thành, Hari Won nhưng cả hai ở chung phòng cùng nhau để tiện làm việc và tiết kiệm.
NGƯỜI PHỤ NỮ GỐC VIỆT SẮP BAY VÀO VŨ TRỤ
Amanda Nguyen sẽ trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ bằng tên lửa New Shepard của tập đoàn Blue Origin trong đợt phóng sắp tới.
Tổ chức phi lợi nhuận Space for Humanity (S4H) của Mỹ hồi đầu tuần thông báo tài trợ cho chuyến bay lên vũ trụ sắp tới của Amanda Nguyen, một phụ nữ gốc Việt 32 tuổi, theo diện Chương trình Phi hành gia Công dân.
Chương trình của S4H chuyên tuyển chọn, đào tạo và đưa những cá nhân có ảnh hưởng từ nhiều tầng lớp xã hội lên vũ trụ để trải nghiệm "hiệu ứng tổng quan", hiệu ứng thay đổi nhận thức do việc quan sát Trái đất từ không gian mang lại. Khi trở về, họ được kỳ vọng truyền cảm hứng tích cực.
Amanda Nguyen sẽ bay vào vũ trụ trên chuyến phóng tên lửa New Shepard sắp tới của tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin, trở thành phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Thông tin chi tiết về thời gian, địa điểm chuyến phóng chưa được công bố.
"Tôi rất vinh dự được hợp tác với S4H, do tầm nhìn, giá trị và tinh thần hỗ trợ cộng đồng. Cùng nhau, chúng tôi sẽ nỗ lực thay đổi cách nhìn nhận về tương lai nhân loại. Tôi rất mong chờ hành trình này", thông cáo của S4H dẫn lời Amanda Nguyen.
Giám đốc điều hành S4H Antonia Peronace bày tỏ tự hào khi hợp tác, hỗ trợ hành trình vào vũ trụ của Amanda Nguyen, kỳ vọng chuyến đi sẽ trở thành "tấm gương sáng cho nhiều người".
Amanda Nguyen tốt nghiệp Đại học Harvard, thực tập ở NASA năm 2013. Cô sau đó làm việc tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian, rồi giữ chức phó liên lạc viên Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Năm 2013, cô bị tấn công tình dục bởi bạn học tại Harvard. Nhận thấy bất cập về bằng chứng y tế trong quy chế nộp đơn kiện, cô soạn thảo và vận động cho dự luật Quyền của Nạn nhân Tấn công Tình dục. Dự luật của cô đã được quốc hội Mỹ thông qua và được tổng thống Barack Obama ký thành luật vào tháng 10/2016. Hiện có 14 bang tại Mỹ áp dụng luật này.
Cô còn là người sáng lập RISE, tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho quyền của nạn nhân tấn công tình dục trên khắp nước Mỹ. Năm 2019, Amanda Nguyen được đề cử giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực đấu tranh cho quyền của nạn nhân tấn công tình dục.
Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV4; Soha; Vnexpress
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá