Người Việt hải ngoại: Lễ hội Tết ở Mỹ; Nơi tìm hiểu văn hóa ở Đức; Trải nghiệm trà đạo ở Nhật; Vượt biên vào Mỹ

RỘN RÀNG LỄ HỘI ĐÓN TẾT CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở MỸ

(Ảnh minh hoạ).

Thời tiết nắng ấm những ngày đầu năm ở tiểu bang California (Mỹ) giúp cộng đồng người Việt tại đây được hưởng trọn cái tết vui tươi, đầm ấm.

Sáng 28.1, nhiều người Việt ở thành phố San Jose đã có dịp hòa trong không khí tưng bừng của lễ hội tết cổ truyền diễn ra tại Pacificwide - một công ty kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản ở Thung lũng Silicon (bang California).

Có mặt tại sự kiện, nhiều người Việt cho biết họ cảm thấy như đang được sống trong bầu không khí nhộn nhịp ấm áp của tết cổ truyền tại Việt Nam.

Càng về trưa, không khí đón tết ở đây càng náo nhiệt với sự tham gia của rất đông người Việt lẫn những vị khách nước ngoài. Tại khu ẩm thực tết, có rất nhiều món ăn quê hương được trưng bày như bánh chưng, bánh hỏi, bánh ướt, bánh bèo, chả lụa, giò thủ…

Tại khu vực của ông đồ, có thể thấy nhiều người kiên nhẫn chờ đến lượt mình xin chữ về treo trong nhà. Đây đó, các hoạt cảnh xuân cũng thu hút đông đảo người Việt và người nước ngoài đến quay phim, chụp ảnh.

Không khí đón xuân tại đây càng thêm náo nhiệt khi tiếng pháo nổ vang lên và đoàn múa lân xuất hiện. Nét hân hoan xen lẫn tò mò hiện rõ trên khuôn mặt các em nhỏ gốc Việt khi được ba mẹ dẫn đến xem lễ hội tết tại đây.

Bé Danny Dang ở San Jose cho biết: “Con rất vui khi được xem lễ hội tết như vậy, rất giống không khí đón tết con thường thấy tại các lễ hội đón xuân ở Việt Nam. Con thấy nhớ Việt Nam quá”.

Chị T.C ở khu West San Jose bày tỏ: “Tết cổ truyền đã đi sâu vào tâm thức của mình nên ở đâu có tổ chức lễ hội tết, mình thường thu xếp thời gian đến dự, vui chơi để được sống lại không khí ngày tết thường thấy ở quê nhà”.

Chia sẻ với người viết, bà Nguyễn Lê Minh Châu - đang làm công tác quản lý tại Pacificwide - cho hay: “Công ty tôi bắt đầu tổ chức lễ hội tết Nguyên đán từ năm 2009, mục đích duy nhất là duy trì văn hóa truyền thống của người Việt tại Mỹ, vì tôi mong muốn các con cháu mình sẽ mãi mãi giữ truyền thống đón tết cổ truyền tại Mỹ”.

Theo bà Minh Châu, bà thật sự không chỉ muốn giữ lại truyền thống ngày tết thôi mà muốn phát huy và phát triển truyền thống tuyệt vời của tết Việt. Bà kể, bây giờ cứ đến ngày tết Việt là các bạn đồng nghiệp đi mua áo dài về mặc, dù họ không phải là người Việt. Họ cũng rất thích ăn thức ăn 3 miền của Việt Nam, thậm chí họ biết chúc tết, biết lì xì mừng tuổi và biết chơi bầu cua…

Bà Minh Châu nói thêm những người đến dự lễ tết cổ truyền Việt Nam còn là khách hàng, gia đình và bạn bè của nhân viên Pacificwide. Họ không chỉ là người Việt, mà còn là người Mỹ, Mexico, Thái Lan, Philippines, Đài Loan và cả người Trung Quốc đại lục.

Một vị khách người Mỹ trong trang phục áo dài kể đây là lần thứ ba ông tham dự lễ hội tết cổ truyền ở Pacificwide, vì rất thích không khí đón tết cổ truyền Việt Nam. Ông cũng vui vẻ thừa nhận rằng ông rất thích mặc áo dài Việt Nam và có 2 chiếc áo dài như vậy, 1 cái màu đỏ và 1 cái màu xanh dương để mặc khi dự lễ hội tết Việt.

(Nguồn: Thanh Niên)

BERLINER TET - NƠI TÌM HIỂU VĂN HÓA VIỆT CỦA LƯU HỌC SINH TẠI ĐỨC

Berliner Tet là hoạt động thường niên có tính nghệ thuật cao của Hội sinh viên Berlin-Potsdam, không chỉ duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên.

Tối 27/1, trong không khí rộn ràng, ấm áp, Hội sinh viên Việt Nam vùng Berlin-Potsdam đã tưng bừng tổ chức “Berliner Tet.”

Đây là lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, những sinh viên xa nhà mới có dịp gặp gỡ, cùng nhau đón Tết cổ truyền.

Khoảng 300 sinh viên tại Berlin-Potsdam và các vùng lân cận đã tề tựu về tham dự sự kiện Xuân quê hương.

Những cái bắt tay, nụ cười, cái ôm thật chặt, những câu chuyện không dứt... cùng nhiều trò chơi dân gian càng làm cho không khí “Berliner Tet” trở nên ấm áp, thân thương.

Không chỉ vơi đi nỗi nhớ nhà, buổi gặp gỡ giao lưu còn giúp các bạn du học sinh hiểu thêm về văn hoá, phong tục của người Việt, thêm gắn bó với quê hương, cội nguồn.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Phan Quang Văn, Bí thư thứ nhất phụ trách hợp tác giáo dục và quản lý lưu học sinh tại Cộng hòa Liên bang Đức, cho biết sau hơn 2 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, từ cuối năm 2022, hội sinh viên Việt Nam tại Đức nói chung và chi hội sinh viên Việt Nam Berlin-Brandenburg nói riêng bắt đầu hoạt động trở lại.

Sự kiện Tết cổ truyền là một trong những hoạt động được tổ chức nhiều nhất trên nước Đức nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc cũng như hướng các em nhớ về quê hương, cội nguồn.

Berliner Tet là hoạt động thường niên có tính nghệ thuật cao của Hội sinh viên Berlin-Potsdam, không chỉ duy trì và gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn thu hút sự tham gia của các bạn sinh viên kiều bào, những người luôn sẵn sàng giúp đỡ các du học sinh Việt sớm hội nhập với ngôn ngữ, văn hoá bản địa.

Theo ông Phan Quan Văn, dưới sự chỉ đạo chung của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam tại Đức, với khoảng 7.500 thành viên (năm học 2022-2023) và Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam, nơi có số sinh viên đông nhất, chiếm khoảng 15% số lưu học sinh tại Đức, luôn có sự kết nối chặt chẽ với nhau để tổ chức những hoạt động hướng về quê hương.

Về phần mình, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Berlin-Potsdam, chị Lê Linh Chi, nói trong xúc động: “Berliner Tet không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng, với các bạn sinh viên xa nhà, mà sự kiện này còn mang lại những giá trị riêng cho bản thân, thậm chí cả gia đình của những bạn trẻ sinh ra, lớn lên ở Đức, hoặc những bạn kết hôn với người nước ngoài, người Đức. Đến với Berliner Tet, các bạn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam. Bên cạnh đó, các bạn còn được học hỏi được rất nhiều điều, không chỉ trong giao tiếp, sinh hoạt mà còn được rèn luyện nhiều kỹ năng, các mối quan hệ xã hội.”

Theo chị Lê Linh Chi, đối với lưu học sinh đang học tập ở nước ngoài, không có cơ hội về thăm gia đình, bạn bè, Berliner Tet không chỉ là nơi gặp gỡ, chia sẻ, mà còn là sự kiện để giới thiệu với bạn bè quốc tế nói chung và Đức nói riêng về Tết cổ truyền, văn hóa của người Việt Nam.

Vì vậy về ý nghĩa, Berliner Tet vừa là kỷ niệm đẹp với những sinh viên xa nhà vừa sự kiện văn hóa có tính lan tỏa cao.

(Nguồn: VTV4)

LỚP HỌC TRÀ ĐẠO - TRẢI NGHIỆM TINH THẦN NHẬT BẢN

(Ảnh minh hoạ).

Trà đạo là văn hóa không còn xa lạ với người Việt Nam. Ngoài các bước pha trà, thưởng trà cầu kỳ thì trà đạo còn thể hiện tinh thần Nhật Bản.

Lớp học trải nghiệm trà đạo nằm trong khu phố Asakusa được biết đến như một cái nôi của các văn hóa truyền thống từ thời kỳ Edo. Trà đạo vốn là nghi lễ chủ nhà pha trà mời khách và khách tiếp nhận sự chu đáo đó. Có rất nhiều trường phái trà đạo dựa trên các quy tắc về cách ngồi, cách pha, cách cúi đầu chào… Những nghi thức này thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà để khách có thể thưởng thức trà ngon hơn.

Chị Seto Aozora - Giáo viên hướng dẫn trà đạo Nhật Bản chia sẻ: "Người Nhật chúng tôi có một câu thành ngữ rất nổi tiếng "Nhất kỳ nhất hội", nghĩa là cả cuộc đời chỉ một lần duy nhất. Tại lúc này đây, chính nơi đây, gặp được người này là đáng quý và để thể hiện sự trân trọng mối duyên đó, người Nhật chỉn chu trong việc tiếp trà - nhận trà".

Phần lớn học viên trải nghiệm là khách du lịch nước ngoài, nhưng theo cô Aozora thì có nhiều người Nhật cũng đến đây. Cuộc sống bận rộn, người ta tìm đến với trà đạo để trở về với sự thư thái, học lại cách trân trọng từng phút giây, biết ơn mọi sự hội ngộ mà mình đang có được.

Chị Shiho Rainbow - Học viên trải nghiệm trà đạo Nhật Bản: "Trong cuộc sống có quá nhiều thứ phải nghĩ, đang làm cái này lại nghĩ cái kia, nhưng khi thực hành trà đạo tôi đã có thể tập trung vào "hiện tại" đó là từng động tác, lấy nước, lấy bột trà, pha trà. Tôi cảm nhận được có rất nhiều văn hóa, tinh thần Nhật Bản cô đọng trong nghệ thuật trà đạo".

Chị Caterina Llopart - Khách du lịch nước ngoài chia sẻ: "Chúng tôi chọn trà đạo vì đây là một văn hóa mà chỉ có thể trải nghiệm duy nhất tại Nhật Bản. Rất thú vị!".

Trong không gian thưởng trà sẽ có trang trí hoa - nghệ thuật Ikebana, có treo chữ Hán tự viết tay - nghệ thuật thư pháp, trước khi uống trà sẽ thưởng thức bánh ngọt wagashi… rất nhiều nghệ thuật truyền thống "góp mặt" trong phòng trà đạo. Từ bài trí, lựa chọn các vật sắp xếp trong phòng, đến cử chỉ của cả "chủ nhà" và "khách" đều thể hiện sự hiếu khách, trân quý giờ phút hiện tại, những điều chỉ có một lần trong đời, thể hiện một tinh thần "rất Nhật Bản".

(Nguồn: VTV)

6 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT VÌ VƯỢT BIÊN VÀO MỸ

Biên phòng Mỹ đã bắt 6 người Việt và đang làm thủ tục trục xuất sau khi phát hiện họ vượt biên trái phép vào nước này từ Canada.

Theo Đài Global News, 6 người Việt và 1 người Mỹ đã bị bắt tại bang Maine của Mỹ khi đang tìm cách vượt biên trái phép từ tỉnh bang New Brunswick của Canada. Thông tin được chính quyền công bố ngày 25.1 nhưng đến ngày 28.1 báo chí mới đưa tin.
Cụ thể, ngày 20.1, biên phòng Mỹ đã chặn một chiếc xe khả nghi ở Lambert Lake thuộc bang Maine. Sáu người lớn Việt Nam được tìm thấy trên xe, bị nghi đã trả tiền để được đưa vào Mỹ.
Người tài xế, một công dân Mỹ, đã bị bắt với cáo buộc buôn người. Nhóm sáu người Việt bị phạt 5.000 USD/người và đang chờ làm thủ tục trục xuất. Bài viết không nói rõ những người này sẽ bị trả về đâu, đích đến của họ ở Mỹ cũng như động cơ vượt biên.
Trước đó, ngày 19.1, biên phòng Mỹ tại bang Maine cũng đã bắt bảy người lớn Mexico vượt biên trái phép.
Các đặc vụ biên phòng Mỹ phát hiện một số dấu chân gần biên giới Maine - New Brunswick. Điều tra thêm, phía Mỹ xác định đây là một vụ vượt biên và bắt đầu truy lùng. Lần theo dấu chân, họ tìm thấy nhóm người Mexico. Hai người trong nhóm này đã từng bị bắt và trục xuất khỏi Mỹ.
Nhà chức trách phạt mỗi người 5.000 USD và đang làm thủ tục trục xuất. Thời điểm bị bắt, một người trong số này có dấu hiệu bị tê cóng vì lạnh và được đưa đến bệnh viện.
Người đứng đầu biên phòng Mỹ tại Maine, ông William Maddocks, cho biết số người vượt biên tại đây không ồ ạt như biên giới Mỹ - Mexico. Tuy nhiên, các hoạt động tội phạm xuyên biên giới là chắc chắn có tại khu vực này.
"Những vụ việc như thế này cho thấy sự coi thường của những kẻ buôn người đối với tính mạng và sự an toàn của những cá nhân mà chúng cố gắng đưa vào Mỹ", ông Maddocks nhấn mạnh.
Phía Mỹ tuyên bố sẽ để mắt hơn tới khu vực biên giới với Canada, đồng thời cảnh báo người vượt biên có thể gặp nguy hiểm tính mạng do nhiệt độ lạnh vào thời điểm này.
Bang Maine nằm ở phía đông bắc của Mỹ, giáp bang New Hampshire. Bang này cũng giáp hai tỉnh bang của Canada là New Brunswick phía đông bắc và Quebec phía tây bắc, giáp Đại Tây Dương phía nam và phía đông.

(Nguồn: Báo Hải Dương)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hội Tết ở ngoại ô Paris; Hội phụ nữ ở Thụy Điển; Săn cực quang; Nhiều người bị bắt ở Nhật ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang