Người Việt hải ngoại: Lễ chùa đầu năm; Món ăn được chờ ở Mỹ; Kiều bào ở Đức; Lan tỏa văn hóa ở Mỹ; Tiếng nói ở Czech

NGƯỜI VIỆT TẠI NƯỚC NGOÀI GIỮ GÌN PHONG TỤC ĐI LỄ CHÙA ĐẦU NĂM

(Ảnh minh hoạ).

Đối với mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu, đi lễ chùa đầu năm là phong tục, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Séc nói riêng, đi lễ chùa đầu năm là một trong những phong tục mang nhiều ý nghĩa không chỉ về tâm linh, tín ngưỡng mà đó còn là một cách để giúp họ trút bỏ những bụi trần, thăng trầm trong năm cũ cũng như gửi gắm những mong muốn tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và bạn bè trong năm mới. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi cuộc sống mưu sinh và phong tục, văn hóa nước sở tại, nhưng rất nhiều kiều bào tại Séc vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống này.

Từ sáng sớm mùng 1 Tết Quý Mão 2023, rất đông bà con trong cộng đồng người Việt tại CH Séc đã đến Chùa Vĩnh Nghiêm trong trung tâm thương mại SAPA, CH Séc để thắp hương thành tâm khấn nguyện. Đối với những người con xa quê hương, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình mà còn là lúc tạm gác lại những vất vả mưu sinh nơi xứ người để tìm về với chốn tâm linh, hướng về nguồn cội và gia tiên và có những giây phút yên bình suy ngẫm về những gì đã trải qua trong năm cũ và hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn.

Chia sẻ về ý nghĩa phong tục của người dân Việt Nam, Thầy Thọ Thích Tâm Giác, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại SAPA cho biết, đầu năm mới, theo truyền thống văn hóa Việt Nam, quý phật tử đến chùa để lễ phật cầu an những điều tốt đẹp nhất trong năm mới với tâm nguyện cầu những điều tốt đẹp mới nhất sẽ đến trong năm mới. Mọi người thường cầu mong năm mới đem đến sự bình an cho gia đình hạnh phúc và đặc biệt là cầu nguyện cho quốc thái dân an, tất cả mọi người đều bình an và hạnh phúc.

Đã thành truyền thống, trong ngày đầu năm mới, Đại sứ Việt Nam tại Séc Thái Xuân Dũng cùng Phu nhân và lãnh đạo Hội người Việt tại Séc đã thành tâm ra chùa Vĩnh Nghiêm để thắp nén nhang lạy phật và cầu mong cho gia đình, người thân, bà con cộng đồng một năm mới sức khỏe và bình an.

Chia sẻ về ý nghĩa truyền thống đi lễ chùa đầu năm của người dân Việt Nam cũng như mong muốn của bản thân trong năm mới, Đại sứ Thái Xuân Dũng cho biết, người Việt Nam có một văn hóa rất đẹp, đó là uống nước nhớ nguồn. Chính vì luôn luôn nhớ cội nguồn, dân tộc mà bà con có văn hóa đi lễ chùa đầu năm để lạy phật, cầu cho gia đình, quốc gia được sức khỏe, bình an.

"Cũng như bao phật tử khác, tôi cầu chúc cho quốc thái dân an, mong tất cả cơ quan, hội đoàn, bà con trong cộng đồng làm được nhiều việc tốt hơn nữa vì sự hội nhập, phát triển của cộng đồng Người Việt Nam tại Séc với nước sở tại và luôn hướng về quê hương đất nước", Đại sứ Thái Xuân Dũng chia sẻ.

Lên chùa vào ngày lễ, tết còn là một truyền thống lâu đời của người Việt, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Phật tử Tâm An Hoa cho biết: Với người Việt, dù có đi năm châu bốn bể thì vẫn nhớ đến truyền thống ngày đầu năm mồng 1 tết ra chùa để lễ phật tổ, cầu ước sức khỏe, công việc, bình an cho gia đình, bạn bè, người thân. Đó là truyền thống từ nhiều nghìn năm trước đã được ông bà cha mẹ đã truyền tải lại cho con cháu đến ngày nay.

Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động tâm linh đã có từ lâu đời và tạo nên nét đặc sắc trong phong tục truyền thống của mỗi người dân Việt Nam. Đỗi với những người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là những con em hiện nay thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba được tiếp cận với một môi trường văn hóa hoàn toàn khác, với cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh hơn, văn hóa nguồn cội ít nhiều bị giao thoa bởi môi trường sống mới, thì đi lễ chùa đầu năm là một trong những phương pháp giáo dục tốt nhất để giúp họ tìm hiểu, giữ gìn những thống văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm mới, người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại thủ đô Vientiane, Lào lại tập trung về các ngôi chùa Việt, trong đó có chùa Phật Tích, một trong hai ngôi chùa Việt lớn nhất tại thủ đô đất nước Triệu Voi để thắp hương, lễ Phật và cầu những điều may mắn đến cho bản thân và gia đình.

Số lượng người Việt đến lễ chùa năm nay có giảm hơn so với những năm trước do cộng đồng người Việt Nam tại Lào sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhiều người đã trở về quê hương sum họp với gia đình để đón Tết cổ truyền.

Ngay từ sáng sớm cũng giống như bao gia đình Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Tân một Việt kiều có gần 30 năm sinh sống tại Lào cũng có mặt ở chùa để thắp hương lễ Phật.

"Theo truyền thống của Việt Nam dù đi đâu cũng nhớ về nguồn cội, cho nên năm nào tôi cũng chùa thắp hương, lễ Phật", bà Tân chia sẻ.

Cũng có mặt ở chùa từ sáng, chị Khala Xaphaso, 27 tuổi cùng với các thành viên trong gia đình lại lên chùa cầu bình an và hy vọng rằng trong năm mới sẽ có nhiều may mắn, thuận lợi.

"Ngày đầu xuân năm mới, ngày mùng 1 là cả gia đình chúng tôi hay ra chùa để lễ và xin cầu phúc cho gia đình được bình an và có thật nhiều hạnh phúc”, chị Khala Xaphaso bày tỏ.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là dịp để bà con trao truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho các thế hệ mai sau./.

(Nguồn: VTV4)

MÓN ĂN ĐƯỢC MONG CHỜ NHẤT TRONG TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA NGƯỜI GỐC VIỆT Ở MỸ

Với cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ quan trọng nhất năm, các thành viên gia đình có thể đoàn tụ bên nhau và thưởng thức những món ăn truyền thống.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ chuẩn bị kỹ lưỡng cho Tết Nguyên đán với những phong tục truyền thống đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Giống như ở trong nước, Tết Nguyên đán của người Mỹ gốc Việt xoay quanh gia đình và những món ăn truyền thống, theo New York Times.

Ngày lễ quan trọng nhất năm

Andrew Bui, 30 tuổi, là một nhiếp ảnh gia kiêm nhà văn. Gia đình Bui nhập cư tới Mỹ vào thập niên 1980 và hiện sở hữu quán Pho 79, một trong các nhà hàng món Việt nổi tiếng tại khu Little Saigon, quận Cam, California.

"Với gia đình tôi, Tết Nguyên đán quan trọng hơn nhiều so với Giáng sinh. Suốt thời gian tôi trưởng thành, cha mẹ tôi làm việc không nghỉ vào Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Năm mới. Giống như các gia đình nhập cư, họ hiếm khi có ngày nghỉ. Tết Nguyên đán là thời gian duy nhất cha mẹ tôi đóng cửa hàng trong cả tuần", Bui nói.

Dẫu vậy, gia đình Bui thậm chí còn "lao động" vất vả hơn ngày bình thường, họ chuẩn bị đồ ăn cho cả dòng họ 80 người, gồm bà ngoại, cô, dì, chú, bác và anh em họ hàng.

"Tôi nhớ mẹ tôi thức trắng ba đêm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây cảnh để chúng nở hoa đúng ngày, làm bánh tét và chả giò", Bui nói.

Người đàn ông nói đã thừa hưởng tất cả phong tục, tập quán ấy của gia đình, nhưng điều chỉnh cho phù hợp với lối sống của bản thân. Bui hiện sống ở Brooklyn. Người đàn ông thường tổ chức một buổi tối "Tết" với một vài người bạn thân, trước khi bay về quận Cam đoàn tụ bên gia đình.

Một nhiếp ảnh gia gốc Việt khác là Cindy Trinh, 39 tuổi. Trinh nói cô có nhiều kế hoạch cho Tết Nguyên đán, bao gồm một buổi triển lãm ảnh. Sau đó, Trinh sẽ bay tới San Francisco cùng một người bạn để nghỉ Tết.

"Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ mà tôi yêu thích nhất trong năm. Đó là thời gian gặp gỡ, trò chuyện với người thân, bạn bè, ăn những món ăn ngon tuyệt. Đồ ăn sẽ là trung tâm", Trinh nói.

Bánh chưng là món ăn mà nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt mong chờ nhất. Cô thường được ăn bánh chưng vào mỗi dịp năm mới. Cũng giống như các gia đình Việt Nam truyền thống, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ của gia đình Trinh.

Tiếp nối truyền thống

Diep Tran, năm nay 50 tuổi, là đầu bếp sống tại California. Gia đình bà chuyển tới Mỹ vào thập niên 1970. Đến nay, người phụ nữ vẫn nhớ về kỷ niệm giúp đỡ gia đình gói và nấu bánh chưng khi còn nhỏ.

Nhiều năm qua, Tran và những người bạn thân vẫn tổ chức gói bánh chưng mỗi dịp Tết Nguyên đán. Cũng giống như Tran, nhóm bạn của bà đều trân trọng những kỷ niệm thủa nhỏ khi họ cùng gia đình ăn bánh chưng mỗi dịp Tết.

"Những người bạn của tôi đều có cùng suy nghĩ, họ vẫn nhớ về hương vị ấy, nhớ về những đêm nấu bánh chưng và khi thức dậy, bánh đã chín", Tran nói.

Thông qua các video hướng dẫn trên YouTube, Tran và những người bạn học được cách làm bánh chưng, cũng như các truyền thống khác của người Việt. Họ cũng bổ sung thêm những cách làm mới để đổi khẩu vị.

Thay vì những nồi gang đốt bằng củi, Tran và các bạn sử dụng các loại nồi nấu bếp kiểu phương Tây khác như nồi áp suất. Họ cũng sáng tạo ra các loại nhân bánh mới như chuối, bơ đậu phộng, thịt xông khói. Tuy nhiên, nước chấm thì vẫn là nước mắm truyền thống.

Năm 2019, Tran đã tổ chuỗi chức hội thảo "Bánh Chưng Collective" nhằm tìm kiếm thêm các nguyên liệu và cách làm các món ăn truyền thống của người Việt.

Trong thời gian đại dịch 2020, dự án "Bánh Chưng Collective" được tổ chức trực tuyến, thu hút lượng lớn khán giả là những người không thể đoàn tụ bên gia đình bởi các hạn chế di chuyển.

Tran cho biết bản thân cô vừa là người đồng tính, vừa là một phụ nữ thuộc cộng đồng gốc Á. "Bánh Chưng Collective" là cách để Tran khẳng định sự kết nối với những người phụ nữ gốc Á khác.

"Với tôi, bánh chưng mang lại niềm vui của Tết Nguyên đán, trái ngược với những mệt mỏi, căng thẳng thường ngày", Tran nói.

Theo BBC, kể từ 2023, Tết Nguyên đán đã được bang California công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử California, Tết Nguyên đán trở thành ngày lễ cấp tiểu bang.

Thống đốc California Gavin Newsom nói việc ký luật công nhận Tết Nguyên đán nhằm "thừa nhận sự đa dạng và ý nghĩa về văn hóa mà người Mỹ gốc Á mang đến California", New York Times đưa tin ngày 19/1.

Theo San Jose Spotlight, cộng đồng người Việt ở San Jose tổ chức lễ hội lớn để chào đón Tết Nguyên đán. Các nhà lãnh đạo cộng đồng cho biết đây là cơ hội để các thành viên kết nối cùng nhau.

Jessica Dang, 29 tuổi, cho biết cô tham dự lễ hội với bộ áo dài tím mua trong chuyến trở về Việt Nam trước đó. Dang nói từ nay, cô sẽ hòa mình nhiều hơn vào các phong tục của người Việt.

"Tôi muốn học nhiều hơn về văn hóa của người Việt Nam", Dang nói.

(Nguồn: Zing News)

KIỀU BÀO Ở NHIỀU THÀNH PHỐ CỦA ĐỨC HƯỚNG VỀ TẾT QUÊ HƯƠNG

(Ảnh minh hoạ).

Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức khẳng định Hội người Việt Nam tại Leipzig là hội vững mạnh có lịch sử phát triển lâu đời với rất nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Ngày 22/1, Hội người Việt Nam tại thành phố Leipzig đã tổ chức Tết cộng đồng chào đón Năm mới Quý Mão. Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, đây là sự kiện lớn nhất được bà con mong đợi để được gặp gỡ, giao lưu và thăm hỏi lẫn nhau.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đến dự sự kiện ngoài một số đại diện chính quyền thành phố, có ông Chu Tuấn Đức, Phó Đại sứ, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức cùng nhiều bà con người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố Leipzig.

Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thành phố Bùi Quang Huy, đã gửi lời chào, lời chúc mừng năm mới đến tất cả bà con, đặc biệt những vị khách quý từ khắp nơi trên nước Đức đã dành tình cảm đặc biệt với cộng đồng người Việt tại Leipzig và về tham dự sự kiện Xuân quê hương.

Theo ông Huy, sau 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19, Tết cộng đồng 2023 tại thành phố Leipzig là một ngày đoàn tụ, đoàn viên hết sức có ý nghĩa với những người con xa xứ, là dịp để bà con gặp gỡ, chia sẻ và thăm hỏi lẫn nhau sau một thời gian dài khó khăn vật lộn với dịch bệnh, với những biện pháp phong tỏa ngặt nghèo.

Ông Huy cho biết với khoảng gần 4.000 người sống và làm việc tại Leipzig, cộng đồng người Việt được đánh giá là cộng đồng mạnh nhất trong các cộng đồng người nước ngoài tại Leipzig. Những người Việt Nam không chỉ là bộ phận gắn kết của thành phố, mà đã, đang và sẽ đóng góp vai trò tích cực cho sự phát triển của thành phố.

Ông Huy bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ để xây dựng cộng đồng tại Leipzich ngày một vững mạnh, đoàn kết, hội nhập và phát triển.

Về phần mình, Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức đã trao tặng giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam cho đại diện Hội người Việt Nam tại thành phố Leipzig, ghi nhận những đóng góp tích cực của hội và các cá nhân trong việc đoàn kết, phát triển cộng đồng.

Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức khẳng định Hội người Việt Nam tại Leipzig là hội vững mạnh có lịch sử phát triển lâu đời với rất nhiều đóng góp không chỉ cho cộng đồng người Việt Nam tại Đức mà còn đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Đức.

Theo ông, Leipzig là một trong số không nhiều các thành phố của Đức có quan hệ kết nghĩa với các địa phương của Việt Nam và có các dự án rất thành công trong hợp tác với Việt Nam. Hiện có nhiều công ty lớn của Leipzig đến Việt Nam hợp tác kinh doanh và đã có những đóng góp nhất định cho việc thúc đẩy hợp tác song phương.

Cũng trong không khí rộn ràng cùng cộng đồng người Việt đón Tết cổ truyền, một số đại diện chính quyền thành phố đã đánh giá cao sự hợp tác của cộng đồng người Việt tại Leipzig trong suốt những năm qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng chung của thành phố cũng như cộng đồng người Việt nói riêng.

Đặc biệt, chính quyền thành phố gửi lời cám ơn tới toàn thể cộng đồng người Việt tại Leipzig, một cộng đồng lớn và có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.

Các tiết mục văn nghệ cùng những món ăn cổ truyền dân tộc đã để lại ấn tượng hết sức tốt đẹp về nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Cùng ngày, hội người Việt Nam tại Cottbus, Rostock, Dessau và nhiều thành phố khác cũng tổ chức Tết cộng đồng để bà con trên khắp nước Đức cùng hướng về quê hương, đất nước dịp Tết đến Xuân về.

(Nguồn: Quê Hương Online)

LAN TỎA VĂN HÓA VÀ NGÔN NGỮ VIỆT TẠI MỸ

Năm vừa qua, bộ môn tiếng Việt thuộc chuyên ngành Việt Nam học của Đại học Columbia New York đang dần tạo lập được tiếng vang ở đây.

Không chỉ là cầu nối giúp nhiều sinh viên Mỹ biết đến văn hóa, con người Việt Nam nhiều hơn, các thầy cô giáo nơi đây còn giúp nhiều sinh viên gốc Việt tìm lại được sợi dây kết nối với bố mẹ, gia đình.

Với Jeannie Lê (sinh viên Đại học Columbia, New York, Mỹ), sự bất đồng ngôn ngữ với bố mẹ đã từng dẫn tới nhiều mâu thuẫn và căng thẳng trong gia đình. Hai thế hệ với hai nền tảng văn hóa khác nhau tưởng không thể ngồi lại, nhưng nhờ tiếng Việt của em tốt lên, cả nhà đã vui hơn vì hiểu nhau hơn.

Eleanor Grabowski (sinh viên Đại học Columbia) lại đến với tiếng Việt như một cái duyên. Từng sống ở Việt Nam nên khi về Mỹ, em quyết tâm học tiếng Việt để có thể quay lại tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt Nam.

Cầu nối đưa các em tới với tiếng Việt chính là bộ môn Việt Nam học tại Đại học Columbia, New York. Dù mới đi vào hoạt động được 5 năm với hai năm đại dịch nhưng các lớp tiếng Việt đang ngày càng đông sinh viên theo học.

Để có ngày hôm nay đó là nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô nơi đây. Và họ hy vọng bộ môn Việt Nam học có thể cất cánh xa hơn nữa nhờ sự tạo điều kiện của trường, sự quan tâm từ Chính phủ Việt Nam và hình ảnh một Việt Nam ngày càng có tầm ảnh hưởng.

(Nguồn: VTV)

TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI VIỆT TRONG CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA CZECH

(Ảnh minh hoạ).

"Câu chuyện của người Việt bắt đầu từ năm 2013, khi chính phủ Czech quyết định công nhận thêm hai cộng đồng là cộng đồng người Việt và cộng đồng Belarus," ông Phạm Hữu Uyển nói với BBC News Tiếng Việt.

Là sinh viên sang Tiệp Khắc học từ đầu thập niên 1980, ông Phạm Hữu Uyển sống và làm việc tại Prague từ đó đến nay, là một trong những nhân chứng chứng kiến những biến động chính trị, xã hội mạnh mẽ của đất nước này từ một quốc gia cộng sản trải qua Cách mạng Nhung 1989 để trở thành một nền dân chủ ở châu Âu.

Ông Phạm Hữu Uyển là thành viên chủ chốt của nhóm Văn Lang, một nhóm hoạt động xã hội dân sự của người Việt tại Cộng hoà Czech, và trở thành gương mặt đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hội đồng các Dân tộc Thiểu số trong chính phủ Cộng hoà Czech ngay từ những ngày đầu tiên.

Ông kể về quá trình cộng đồng người Việt đạt vị trí trong chính phủ Cộng hoà Czech:

"Việc người Việt Nam được công nhận là dân tộc thiểu số, ban đầu là do Hội người Việt ở đây đệ đơn gửi lên chính quyền.

"Quá trình xét duyệt diễn ra tương đối lâu. Khi chuẩn bị ra quyết định công nhận, chính phủ Czech yêu cầu các tổ chức của người Việt ở đây giới thiệu đại diện của mình để họ lựa chọn.

"Tôi được nhóm Văn Lang đề cử. Lúc ban đầu, ở vòng 1, nhóm Văn Lang không tham gia đề cử, nhưng về sau chúng tôi được biết Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Czech đã tổ chức rất chặt chẽ để chọn người vào vị trí đại diện.

"Chúng tôi thấy như vậy là không ổn, bởi đây là việc đại diện cho cộng đồng người Việt [chứ không phải là đại diện của chính quyền Việt Nam] trong chính quyền của nước sở tại. Do đó nhóm Văn Lang quyết định đề cử người để thể hiện thái độ của mình.

"Đáng ngạc nhiên là sau đó chính phủ Czech đã lựa chọn người mà Văn Lang đề cử.

"Quyết định của chính phủ Czech gồm hai phần. Một là công nhận cộng đồng Việt Nam là cộng đồng thiểu số. Hai là chọn tôi làm đại diện cho cộng đồng người Việt tại Hội đồng Dân tộc Thiểu số của nước này. Hiện nay tôi đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ hai."

Vai trò của người đại diện dân tộc thiểu số trong chính phủ Czech

Hội đồng Dân tộc Thiểu số là một cơ quan tư vấn cho chính phủ Czech, với thành phần gồm các thành viên đại diện cho chính phủ, và các thành viên đại diện của từng dân tộc thiểu số được công nhận.

"Hiện có 14 dân tộc thiểu số được công nhận tại Czech," ông Uyển giải thích. "Có một số dân tộc thiểu số có số lượng người đông hơn, có lịch sử lâu đời ở đây thì họ có hai đại diện."

"Về phía đại diện chính quyền, thường thì chủ tịch Hội đồng là một ông bộ trưởng hoặc là thủ tướng. Trong hai nhiệm kỳ vừa rồi, gồm cả nhiệm kỳ này, ông thủ tướng là chủ tịch Hội đồng.

"Đại diện của chính quyền bao giờ cũng có số lượng ít hơn đại diện của các sắc tộc thiểu số. Bởi vậy nên khi biểu quyết, nếu tất cả các sắc tộc cùng đồng ý về một vấn đề nào đó thì phía chính quyền sẽ 'thua'.

"Sứ mệnh của Hội đồng là cơ quan tư vấn cho chính phủ về các vấn đề chính sách sao cho có lợi cho các sắc tộc thiểu số. Hoạt động của Hội đồng rất quan trọng trong vấn đề ra chính sách luật pháp.

"Các nhà lập pháp có thể không ý thức hết được các khía cạnh có thể đụng chạm tới một sắc tộc nào đó, gây bất lợi cho một sắc tộc nào đó.

"Hội đồng là nơi sẽ nêu ra những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho các sắc tộc thiểu số. Các thành viên Hội đồng sẽ xem xét, góp ý về các nội dung pháp luật trước khi giới chức ban hành, để có thể góp ý, đưa ra khuyến nghị, đề nghị sửa đổi kịp thời."

Ông Uyển cũng nêu một ví dụ gần đây về vai trò của người đại diện và Hội đồng Dân tộc Thiểu số trong đời sống chính trị, xã hội Czech:

"Sau khi Nga đưa quân đánh Ukraine hồi đầu năm 2022, Hội đồng châu u ra quyết định chấp nhận người tị nạn từ Ukraine sang Cộng hoà Czech sẽ được bảo hộ.

"Văn bản của Hội đồng châu u viết 'công dân Ukraine và những người trong gia đình' nhưng bản thảo số 1 của Czech đưa ra, vì lý do gì đó mà đã bỏ đi chữ 'những người trong gia đình'.

"Điều này dẫn tới việc một số người Việt từ Ukraine sang sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ở lại Czech, khi mà chỉ con cái họ, những đứa trẻ gốc Việt mang quốc tịch Ukraine, thì được bảo hộ còn bản thân họ, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, thì không.

"Hôm đó chỉ còn một ngày rưỡi nữa là có cuộc họp bàn về văn bản này, tôi gọi điện cho Hội đồng, đề nghị phải đưa vào đúng như văn bản của châu Âu.

"Hội đồng đã trực tiếp gọi điện cho ông thủ tướng. Ngày hôm sau, khi văn bản được đưa ra đã có đủ phần nội dung dành cho gia đình, giống như quy định của EU."

Cộng đồng người Việt tại các nước châu Âu

Sau nhiều năm người Việt được công nhận là sắc tộc thiểu số ở Cộng hoà Czech, tại Slovakia cộng đồng cũng đã đạt thành tựu tương tự vào tháng 8/2022.

Theo ông Phạm Hữu Uyển, kết quả này không chỉ dựa vào sự nỗ lực của chính bản thân cộng đồng tại mỗi nước, mà còn liên quan tới chính sách pháp luật của nước sở tại nữa.

"Với các nước Tây Âu, ví dụ như ở Pháp, tôi không biết điều này có thể trở thành trào lưu hay không," ông nói.

"Theo tôi biết thì ở các nước đó không có cơ quan tương đương như Hội đồng Dân tộc Thiểu số của Cộng hoà Czech.

"Ở Ba Lan và Hungary thì có, nhưng cũng có sự khác biệt so với ở Czech. Luật của Cộng hoà Czech quy định rằng một cộng đồng có thể xin được công nhận 'nếu có lịch sử lâu dài', trong khi luật của Ba Lan và Hungary có ghi cụ thể lịch sử đó phải "ít nhất là 100 năm". Vậy nên quá trình có lẽ sẽ khác so với ở đây."

(Nguồn: BBC)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hoài nhớ Tết xưa; 'Giữ lửa' Tết ở Úc; Đón Tết trên sông Đông; Thầy giáo ở Lào ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang