Người Việt hải ngoại: Lan tỏa văn hóa ở Nga; Khám bệnh miễn phí ở Campuchia; Nhà văn Văn thị Mượn; Kỹ sư cứu người

Sinh viên Việt Nam lan tỏa văn hóa dân tộc ở Moskva

(Ảnh minh họa).

Ngày 18-3, Ban chấp hành đơn vị và Ban chấp hành Liên chi đoàn sinh viên Việt Nam tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc LB Nga (RUDN) đã tổ chức Đêm văn nghệ "Giai điệu Việt Nam" để tổng kết "Tuần lễ Văn hóa Việt Nam" diễn ra từ ngày 13 đến 18-3. Đây là sự kiện nhằm hưởng ứng Tuần lễ Văn hóa các dân tộc do RUDN tổ chức.

Tham dự đêm văn nghệ có đại diện ban lãnh đạo trường RUDN, đại diện phòng Kinh tế - Khoa học - Giáo dục - Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Đảng ủy Việt Nam tại LB Nga, Hội người Việt Nam tại LB Nga, cùng đông đảo các bạn sinh viên Việt Nam và nước ngoài đang học tập tại RUDN và các trường đại học khác ở Moskva.

Phát biểu chào mừng sự kiện, ông Sololov Vyacheslav - Giám đốc bộ phận quản lý sinh viên RUDN thay mặt cho nhà trường đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực trong thời gian vừa qua của các bạn sinh viên Việt Nam để tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa, qua đó giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, cũng góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và LB Nga.

Về phần mình, bạn Hoàng Hương Thư - Quyền đơn vị trưởng sinh viên Việt Nam tại RUDN, Trưởng ban tổ chức bày tỏ niềm tự hào vì trong suốt 1 tuần vừa qua, tập thể sinh viên Việt Nam tại RUDN đã nỗ lực, đoàn kết tổ chức nhiều sự kiện mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam như các buổi triển lãm, các trò chơi dân gian và đặc biệt là giới thiệu đến thầy cô, bạn bè quốc tế nhiều món ăn đặc trưng của Việt Nam. Theo bạn Thư, mục đích của Đơn vị sinh viên Việt Nam tại RUDN là truyền bá nét văn hóa cổ truyền dân tộc, cũng như hơi thở mới của văn hóa hiện đại đã và đang làm nên hình ảnh một Việt Nam hội nhập và phát triển.

Trong khuôn khổ đêm văn nghệ, bên cạnh các bài hát, điệu múa và tiết mục đặc sắc, các bạn sinh viên Việt Nam còn tổ chức các quầy trưng bày đồ lưu niệm Việt Nam, gian hàng ông đồ viết chữ Nho, hay những điệu múa sạp đặc trưng của Việt Nam, thu hút được đông đảo bạn bè Nga và quốc tế.

(Nguồn: Quân Đội Nhân Dân)

Bà con Khmer và gốc Việt tại Campuchia được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí

Ngày 18/3, khoảng 500 người Khmer và người gốc Việt tại huyện Baribour, tỉnh Kampong Chhnang, Vương quốc Campuchia được Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia và Hội Khmer-Việt Nam phối hợp với Bệnh viện chợ Rẫy-Phnom Penh khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Bà con còn được tặng quà, mỗi suất gồm 5kg gạo và 20.000 riel, tổng trị giá khoảng 5.000 USD.

Tiến sĩ Tôn Thanh Trà, Giám đốc bệnh viện cho biết, hoạt động thể hiện tấm lòng của tập thể y, bác sĩ đối với nhân dân đất nước Chùa Tháp và cộng đồng người gốc Việt Nam.

Ông Sun Sovannarith, tỉnh trưởng tỉnh Kampong Chhnang cho biết chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và bà con gốc Việt nói riêng ổn định cuộc sống và ngày càng phát triển.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng buổi khám bệnh miễn phí, cấp phát thuốc và tặng quà là cơ hội dành cho bà con người Khmer và người gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện khám chữa bệnh. Ông mong bà con gốc Việt chủ động vươn lên trong cuộc sống, chấp hành nghiêm túc luật pháp sở tại, đóng góp tích cực cho việc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia cũng như vun đắp mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Việt Nam và Campuchia.

(Nguồn: Việt Báo)

Nhà văn người Mỹ gốc Việt Văn Thị Mượn: Mẹ là nguồn cảm hứng bất tận

(Ảnh minh họa).

Khi sách của mình được xuất bản tại Việt Nam vào đầu năm 2023, nhà văn người Mỹ gốc Việt Văn Thị Mượn cảm thấy đây là lần đặc biệt hơn cả, vì nó được dịch sang tiếng Việt - “ngôn ngữ trong trái tim” của cô. “Tôi rất hạnh phúc vì điều này! Mẹ tôi cuối cùng cũng đọc được sách mà con gái viết”, cô chia sẻ.

Từ bỏ nghề kỹ sư phần mềm, dấn thân vào nghiệp viết

Văn Thị Mượn tiếp xúc với sách tranh từ khi còn nhỏ nhưng đến khi vào trung học, cô mới thực sự chú ý đến thể loại này. Trong những quyển sách tranh, cô tìm thấy sự giao thoa tuyệt đẹp giữa nghệ thuật, thơ ca, triết học và sự hài hước.

Tuy nhiên, cô gặp rất ít câu chuyện phản ánh những trải nghiệm định hình nên con người cô. Đây là lý do chính thúc đẩy Văn Thị Mượn theo sự nghiệp cầm bút. Cô muốn viết ra những câu chuyện mới mẻ, khác biệt, "những câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể" cho thế giới.

Văn Thị Mượn quyết định từ bỏ công việc kỹ sư phần mềm mà mình đã gắn bó 15 năm để sống thật với đam mê của mình, đó là viết. "Tôi muốn sống một đời không hối tiếc về sau", cô khẳng định. Ban đầu, gia đình, nhất là mẹ cô, không ủng hộ đam mê này của con gái. "Mạ muốn tôi và anh chị trở thành bác sĩ nhưng không ai trong chúng tôi theo ý nguyện của bà", cô chia sẻ.

Tác phẩm đầu tay của Văn Thị Mượn - "Ở một ngôi làng ven biển" - trở thành "cú hích" của cô trên thị trường sách tranh ở Mỹ. Tờ The New York Times khen ngợi đây là "một cuốn sách tranh khiêm tốn nhưng quá đỗi lôi cuốn". "Cuốn sách "Ở một ngôi làng ven biển" lấy cảm hứng từ cha tôi và làng chài An Bằng, miền Trung Việt Nam", Văn Thị Mượn chia sẻ.

Là một ngư dân, rời Việt Nam sang Mỹ, cha cô tiếp tục với nghề chài lưới, đánh cá và câu tôm. "Cha tôi lênh đênh trên biển, mẹ tôi gồng gánh việc nhà và nuôi dạy 9 người con. Cũng như gia đình trong câu chuyện, người ở nhà thường lo âu không biết cha đang ở đâu, có bắt được nhiều tôm cá và khi nào cha sẽ về nhà, có mạnh khỏe hay không", cô kể.

Tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể

Phong cách sáng tác của Văn Thị Mượn đặc trưng bởi sự kiệm lời, "viết ít hiểu nhiều". Cuốn sách ít chữ nhất của cô chỉ có 75 từ. Cách sử dụng từ ngữ của Văn Thị Mượn được đánh giá rất đa dạng, mượt mà, giàu nhạc tính. Các câu văn ngắn gọn, súc tích nhưng cấu trúc chặt chẽ. Mỗi trang thường chỉ có 1-2 câu văn nhưng đều là sự chắt lọc ngôn từ, không chút dư thừa.

Các chủ đề Văn Thị Mượn chọn đưa vào sách đều gần gũi, quen thuộc với trẻ em như tình cảm gia đình, khám phá thiên nhiên, ý nghĩa các con số… nhưng tác giả kể dưới những góc nhìn mới lạ. Cách thể hiện của tác giả tự nhiên, giàu cảm xúc, đánh động những rung cảm sâu sắc nơi người đọc về cuộc sống.

Hiện Văn Thị Mượn sinh sống tại Berkeley, Mỹ. Văn Thị Mượn có thể nói và hiểu tiếng Việt "ở trình độ trung cấp". Cô đang theo học lớp Việt ngữ với mong muốn là đọc, nói và viết tiếng Việt thành thạo.

Chia sẻ với các cây bút trẻ, cô gửi lời động viên: "Sẽ có lúc các em không có sự ủng hộ của gia đình và mọi người xung quanh nhưng điều quan trọng là hãy tin vào bản thân. Hãy có lựa chọn cho riêng mình - Lựa chọn khiến các em hạnh phúc và hãy kiên nhẫn với nó. Hãy tạo nên câu chuyện mà chỉ mình mới có thể kể".

(Nguồn: Phụ Nữ Việt Nam)

Kỹ sư gốc Việt 'cứu người rồi đến cứu ta'

Trong 18 năm qua, ông Mike Nguyễn là một kỹ sư chế tạo chuyên phát triển những thiết bị y tế cấy ghép, giúp cải thiện cuộc sống của vô số bệnh nhân.

Mới đây, theo trang UCLA Health, chuyên gia này được cấy ghép thiết bị do chính công ty mình chế tạo nhằm kiểm soát nhịp tim, được tiến hành bởi các phẫu thuật gia tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA - Mỹ).

Ông kể rằng sau khi mình được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim, các bác sĩ cho biết sẽ đến lúc cần cấy ghép máy khử rung tim (ICD) nên ông bắt đầu cân nhắc. Kỹ sư này đã trao đổi với quản lý và những người khác ở công ty để thu thập thông tin về loại thiết bị nào tốt nhất cho mình. "Có một đồng nghiệp cũng trở thành bệnh nhân giống tôi và đã cấy ghép ICD. Việc trao đổi với anh ấy và những người khác hiểu rõ về các thiết bị đã giúp tôi ra quyết định và cảm thấy an tâm hơn về việc cây ghép ICD vào người", chuyên gia này kể.

Với kinh nghiệm sản xuất các thiết bị y tế cấy ghép, ông Mike hiểu rõ sự phức tạp của việc cấy ghép một thiết bị vào cơ thể và đã tham gia và quá trình quyết định xem mẫu ICD nào phù hợp nhất cho mình. Sau cùng, ông cùng đội ngũ chuyên gia tim mạch tại công ty của mình (không nêu tên) đã chọn mẫu ICD do công ty sản xuất.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang