Người Việt hải ngoại: Lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài; Niềm tự hào Việt tại các thành phố ở Canada; Nữ sinh làm việc tại LHQ

LAN TỎA TIẾNG VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Cùng với không khí chuẩn bị khai giảng của thầy và trò tại Việt Nam, năm học mới cũng đang bắt đầu tại nhiều nơi trên thế. Các lớp học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm học 2024-2025 này lại được mở ra và hút rất đông học sinh tham gia.

Hàng nghìn giáo viên không chuyên, các tình nguyện viên kiều bào đã và đang nỗ lực để góp phần gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam thứ hai, thứ ba để các em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng vẫn có thể nói và viết được tiếng mẹ đẻ, thêm gắn kết với quê hương.

Hơn 100 em nhỏ độ tuổi từ 5 đến 14 tại thành phố Higashi, Osaka, Nhật Bản đã tham dự lễ khai giảng “Lớp tiếng Việt yêu thương” năm học 2024 - 2025. Dạy hoàn toàn miễn phí, các thầy cô giáo ở đây đều là những người Việt Nam ở nước ngoài có chung mong muốn giúp cho con em hiểu và yêu quê hương mình thông qua việc học tiếng Việt.

Bà Lê Thương, Hiệu trưởng trường Việt ngữ Cây tre, Nhật Bản cho biết: "Tôi đã yêu cầu tất cả các phụ huynh khi làm đơn đăng ký xin nhập học thì câu đầu tiên mọi người đều viết là “Tôi muốn con tôi biết về quê hương Việt Nam”. Sau lễ khai giảng, chính quyền địa phương và trưởng phòng nhân quyền có tham dự và nói rằng họ rất yêu Việt Nam, rất tự hào khi tại Osaka có một trường dạy Tiếng Việt và các bạn đã tự nâng tầm ngôn ngữ của các bạn tại nước sở tại".

Việt Nam hiện có gần 6 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài. Để phát triển tiếng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt (8/9 hàng năm) trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030”. Trong đó kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể chính tham gia thực hiện đề án.

Bà Phạm Xuân Thanh, Uỷ viên BCH Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: "Hiện nay, tại Liên bang Nga có hàng ngàn sinh viên Việt Nam đang du học và các em chính là lực lượng nòng cốt để giúp cho cộng đồng trong việc thực hiện các lớp giảng dạy tiếng Việt cho các thiếu nhi Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Liên bang Nga. Chúng tôi cảm thấy rất tự hào bởi khi mình nói tiếng Việt, bạn bè Nga hay bạn bè quốc tế thường nói rằng chúng tôi có cảm giác như các bạn đang hát. Bởi vậy, chúng tôi còn hướng tới việc quảng bá văn hoá Việt cho cộng đồng người Nga cũng như cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Nga; hỗ trợ tổ chức ngày văn hoá Việt Nam tại các trường Đại học tại Nga hay hỗ trợ tổ chức các cuộc thi tiếng Việt, dịch thuật tiếng Việt toàn Liên bang Nga".

Phong trào dạy và học tiếng Việt trong nhiều cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được duy trì và lan tỏa. Tiếng Việt giúp bà con khẳng định vị thế và tự tin hội nhập với thế giới. Và với thế hệ trẻ, giỏi tiếng Việt, thấm nhuần văn hóa Việt sẽ giúp các em gắn kết và thêm yêu quê hương, để “tâm hồn Việt Nam” được trường tồn ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống.

 

 

LAN TỎA HÌNH ẢNH VIỆT NAM TẠI CÁC THÀNH PHỐ Ở CANADA

Cộng đồng người Việt ở một số nơi của Canada đã tổ chức lễ thượng cờ tại Tòa thị chính thành phố nơi họ đang sinh sống để thể hiện niềm tự hào và tinh thần đoàn kết cùng hướng về Tổ quốc.

Hòa chung trong không khí kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 của toàn dân tộc, cộng đồng người Việt ở một số nơi của Canada đã tổ chức lễ thượng cờ tại Tòa thị chính thành phố nơi họ đang sinh sống để thể hiện niềm tự hào và tinh thần đoàn kết cùng hướng về Tổ quốc.

Ở thủ đô Ottawa, đại diện Ban chấp hành Hiệp hội Canada Việt Nam (CVS) cùng một số bà con đã trang trọng tổ chức lễ thượng cờ, đưa lá cờ Tổ quốc tung bay trước Tòa thị chính thành phố cùng với lá cờ Canada.

Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt tại Ottawa được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại một cơ sở hành chính nhà nước của Canada trong Ngày Tết độc lập của Việt Nam.

Ông Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hiệp hội Canada Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam rằng ông cảm thấy rất vinh dự được đứng dưới lá cờ Tổ quốc trong ngày Tết độc lập, ngay tại thủ đô của Canada.

Ông cho rằng tất cả người dân Việt Nam bất kể ở đâu cũng cần tỏ lòng biết ơn Bác Hồ, người đã thành lập ra đất nước Việt Nam.

Việt kiều lâu năm tại Ottawa Bùi Văn Tuấn bày tỏ sự xúc động khi nói rằng đây là lần đầu tiên ông nhìn thấy cờ đỏ sao vàng của Việt Nam bay trước Tòa thị chính của Canada tại thủ đô Ottawa.

Ông Tuấn dẫn lại câu nói của Bác Hồ, khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập tự do," đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả người dân Việt Nam đang định cư tại Canada có thể cùng nhau góp sức để xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp hơn.

Trong thông điệp được công bố rộng rãi, Thị trưởng Ottawa Mark Sutcliffe đã viết rằng ông ghi nhận ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của Việt Nam tại thủ đô của Canada bởi ngày này luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim của người Việt ở khắp mọi nơi, đánh dấu một thời khắc lịch sử về niềm tự hào dân tộc của họ.

Ông khẳng định thủ đô Ottawa cũng ghi nhận tầm quan trọng của lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh của Việt Nam, đó là sự tôn vinh một tinh thần đáng tự hào của người Việt, đồng thời cũng là để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị giữa các cộng đồng cùng chung sống ở thủ đô.

Theo ông Đặng Trung Phước, lễ thượng cờ đã được tổ chức rất suôn sẻ, đặc biệt là khi được Thị trưởng thành phố Ottawa đồng ý và ghi nhận là Ngày Tết độc lập của Việt Nam. Trong tương lai, Hội CVS sẽ tìm cách nhân rộng phong trào này trên toàn Canada để duy trì nét đẹp văn hóa này.

Trên thực tế, cộng đồng người Việt tại Charlottetown, thủ phủ của tỉnh bang Prince Edward Island (PEI), cũng tổ chức lễ thượng cờ. Sự kiện có sự tham gia của cả Thị trưởng Philip Brown.

Chủ tịch Hội người Việt tại PEI Emily Le cho biết cộng đồng người Việt tại PEI đã tổ chức lễ thượng cờ nhân Ngày Quốc khánh được hai năm qua. Năm nay, lễ thượng cờ diễn ra sớm và lá cờ Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính từ 30/8-3/9.

Chị Emily chia sẻ thêm rằng đích thân Thị trưởng Brown cùng với Ban quản trị của Hội đã thực hiện lễ thượng cờ, khiến cho tất cả người Việt ở tỉnh bang này đều cảm thấy rất vinh dự và tự hào.

Ngoài hai thành phố trên, tại Toronto - nơi sầm uất nhất Canada và là thủ phủ của tỉnh bang Ontario, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cũng được tung bay tại trung tâm Tòa nhà thị chính, đánh dấu những tiền đề mới cho các hoạt động giao lưu cùng mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam và Canada khi mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước vượt qua chặng đường hơn nửa thế kỷ.

 

 

CÔ GÁI LÀM VIỆC TẠI LIÊN HỢP QUỐC VÀ TÂM NGUYỆN HƯỚNG VỀ QUÊ NHÀ

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ với điểm số tuyệt đối tại Đại học Boston (Mỹ), Vũ Bích Chi (SN 2001) làm việc tại Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Chi từng là học sinh chuyên Anh tại trường THPT Chuyên Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Trong những năm học cấp ba, cô đã sáng lập một tổ chức tình nguyện nhằm giúp đỡ và quyên góp cho người khuyết tật tại Phan Thiết, đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Anh cho người lớn, chơi piano và phụ giúp quản lý cửa hàng của bố mẹ.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc và kinh nghiệm tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, nữ sinh Việt đã giành được học bổng và theo học cử nhân tại Đại học Augustana tại Illinois (Mỹ), với hai chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Quản trị Kinh doanh, Marketing.

Suốt bốn năm đại học, cô gái sinh năm 2001 luôn nỗ lực không ngừng trong học tập, đạt điểm trung bình 3.98/4.0 và giành danh hiệu Summa Cum Laude (danh hiệu học thuật cao quý nhất, trao cho top 1-5% sinh viên của trường). Cô tốt nghiệp xuất sắc và vinh dự là người cầm cờ dẫn đầu đoàn sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Đầu năm thứ ba, cô nàng tham gia chương trình du học tại London, chương trình cho phép sinh viên Mỹ học tập tại các quốc gia khác trong một khoảng thời gian nhất định như một phần của chương trình học đại học của họ. Tại Anh, Chi đạt điểm trung bình tuyệt đối (4.0/4.0) và nhận giải thưởng sinh viên xuất sắc nhất trong các lớp Marketing và Hành vi Tổ chức.

Khi lên bậc Thạc sĩ, Chi giành được suất học bổng có trả lương duy nhất tại Đại học Boston với chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông mới nổi, tập trung vào nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, không gian ảo, và thực tế ảo. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ với điểm số tuyệt đối (4.0/4.0).

Nữ sinh Gen Z chia sẻ bí quyết duy trì thành tích học tập xuất sắc của mình nằm ở nền tảng ngôn ngữ vững chắc. Trên lớp, cô luôn chú ý lắng nghe để khi về nhà không mất nhiều thời gian ôn tập. Bên cạnh đó, Chi không ngần ngại đặt câu hỏi trong giờ học.

"Mình luôn có quan điểm rằng, không có câu hỏi nào là ngớ ngẩn cả, có thể điều mình thắc mắc cũng là điều người khác đang băn khoăn. Mình hiểu rõ cách học hiệu quả nhất của bản thân là thông qua việc lắng nghe giảng, đặt câu hỏi và giao tiếp với giáo sư", cô cho biết.

Chính nhờ điều này, cô gái đến từ Phan Thiết có thêm nhiều thời gian ngoài giờ học để tham gia tích cực vào các hoạt động và tổ chức trong trường. Cô từng là Chủ tịch Omicron Delta Kappa (Hiệp hội Danh dự Lãnh đạo Quốc gia tại Hoa Kỳ của sinh viên), Chủ tịch Chi hội Liên đoàn Quảng cáo Mỹ tại Đại học Augustana, thành viên Hội nữ sinh Chi Alpha Pi, đảm nhiệm vai trò soprano 1 trong dàn hợp xướng Augustana, Đại sứ Quốc tế của trường, gia sư Đọc/Viết, và quản lý dự án tại Trung tâm Khởi nghiệp của Augustana.

Khi theo học Thạc sĩ tại Đại học Boston, Chi tiếp tục đảm nhận các vai trò như trợ lý xem xét chương trình giảng dạy và trợ lý Truyền thông Marketing tại Trung tâm Thể dục và Giải trí của trường.

Không ngừng vươn lên và khát vọng cống hiến cho nước nhà

Điều đáng ngưỡng mộ ở nữ sinh 10x là tinh thần cầu tiến và ham học hỏi. Cô bắt đầu đi thực tập ngay từ năm nhất đại học và luôn tìm kiếm cơ hội để tích lũy kinh nghiệm quý báu.

Chi từng là thực tập sinh tại một công ty khởi nghiệp trong trường, thực tập sinh quản lý mạng xã hội và thiết kế đồ họa tại một công ty khởi nghiệp ở Anh, thực tập sinh nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt (sau đó được nhận lời mời làm toàn thời gian) tại MD Anderson Cancer Center (trung tâm ung thư hàng đầu thế giới) và thực tập sinh tiếp thị chiến lược tại Wasserman (công ty tiếp thị thể thao và quản lý tài năng).

Bí quyết mà nữ sinh Việt luôn tâm đắc khi tham gia nhiều hoạt động và công việc chính là sự chủ động trong giao tiếp. Chi tâm sự: "Mình thường xuyên trò chuyện với nhiều người, và khi họ thấy mình phù hợp, họ sẽ giới thiệu mình với giáo sư hay sếp.

Mình luôn cố gắng là chính mình, không cần phải chạy theo ai khác. Khi giao tiếp với nhiều người, họ sẽ hiểu rõ năng lực và đạo đức nghề nghiệp của mình, giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn.

Vì vậy, khi đi xin việc, mình có cơ hội được nhận cao hơn vì người ta đã biết mình là ai. Mình nghĩ khi đi du học, chúng ta nên mạnh dạn kết nối và trò chuyện với mọi người xung quanh để trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn".

Dù bận rộn, Chi vẫn nhận lời tham gia tư vấn nghề nghiệp tại YBOX (mạng xã hội thông tin chất lượng cao dành cho sinh viên và giới trẻ Việt Nam). Cô đã hướng dẫn và cố vấn cho năm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ thành công trong việc nộp hồ sơ du học và đạt được vị trí tại các tổ chức uy tín như Heineken, HSBC Bank và L'Oreal Việt Nam.

Hiện tại, cô gái Gen Z này đang làm cộng tác viên dữ liệu và AI tại Quỹ Phân tích rủi ro phức hợp (CRAF'd) của Liên hợp quốc. Tại đây, nữ sinh sinh năm 2001 có cơ hội quý báu được làm việc với những đồng nghiệp có chức vụ cao nhưng luôn tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau.

Chi cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam duy nhất trong văn phòng. "Mình chia sẻ với đồng nghiệp rất nhiều về nơi mình sinh ra, về văn hóa Việt Nam và những điều mình tự hào. Mình muốn họ thấy những hình ảnh đẹp nhất về đất nước và con người Việt Nam, những con người rất thân thiện.

Mình luôn tự nhủ rằng mọi việc mình làm không chỉ là đại diện cho Liên Hợp Quốc mà còn cho đất nước mình. Vì vậy, lúc nào mình cũng cảm thấy có áp lực phải sống và làm việc có trách nhiệm", cô tâm sự.

Cô gái Phan Thiết luôn ấp ủ mong muốn giúp đỡ các bạn sinh viên Việt Nam là thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học, những bạn có hoàn cảnh khó khăn. "Mình và một người anh đang học Tiến sĩ ngành Truyền thông đã thành lập một khóa học nghiên cứu truyền thông để mang nền giáo dục Mỹ về Việt Nam.

Sau khi hoàn thành tiến sĩ, mình muốn mở một trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam để đóng góp cho sự phát triển của nền nghiên cứu nước nhà và tạo cơ hội cho các bạn sinh viên học tập tại Mỹ nói riêng, cũng như các nơi trên thế giới nói chung, đến tham gia nghiên cứu liên ngành tại Việt Nam, nhằm kết nối văn hóa và giáo dục giữa hai nước.

Là học sinh thế hệ đầu (first-generation student), mình hiểu được những khó khăn khi thiếu sự hỗ trợ và hướng dẫn từ những người đi trước. Vì thế, mình muốn tuyển các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ tạo việc làm cho họ, vì mình tin rằng các bạn rất giỏi, chăm chỉ và có tư duy tốt", Chi khẳng định.

 

Nguồn: Hà Nội Online; VietnamPlus; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang