Người Việt hải ngoại: Làm báo Tết ở Nga; Mang Tết sang Mỹ; Đón Tết tại Seattle; Nồi bánh chưng ở Canada; Mưu sinh ở Lào

LÀM BÁO TẾT Ở NGA

(Ảnh minh hoạ).

Mới đầu tháng 11 dương lịch, dù tiết trời băng giá đến âm 15-20 độ C, người Nga vẫn nô nức đi chợ và các siêu thị mua sắm chuẩn bị đón năm mới.

Đó là mùa vui, mùa thu hoạch lớn trong năm của người Việt kinh doanh buôn bán tại Nga. Đây cũng là thời điểm anh em làm văn nghệ và báo chí người Việt tại Nga cũng hối hả giục nhau làm báo Tết.

Đa dạng ấn phẩm

Trước đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô dưới thời Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm ra tạp chí Đất nước để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của cộng đồng. Sau năm 1990, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tiếp quản tờ Đất nước. Cuối năm 1992, Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga ra mắt số đầu tiên.

Thế rồi các tờ báo và tạp chí tiếng Việt nối tiếp nhau ra đời: Tờ Khoa học & Cộng đồng của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, tạp chí Đồng hương của anh Nguyễn Văn Tài ở Viện Ngôn ngữ Nga, tạp chí Người đồng hương của Hội Người Việt định cư tại Liên bang Nga, tạp chí Tao đàn của Chi hội Nhà văn thuộc Hội Văn học Nghệ thuật, tạp chí Thông tin và Thời đại (phụ trương của tạp chí Đất nước), Huế trong ta của Hội những người yêu Huế, sau cùng là Tạp chí Đoàn kết (2005), cơ quan ngôn luận của Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga.

Hằng năm, ngay từ đầu tháng 10 dương lịch, trong cuộc họp mặt với các cộng tác viên tạp chí, các anh ở Văn phòng Đảng ủy Đại sứ quán qua các nhiệm kỳ: Phạm Ngọc Giao, Phạm Công Khanh, Trần Phương Thạc, Nguyễn Văn Hán, Đặng Hữu Trung, Lê Minh Dần, Đặng Trần Cự, Nguyễn Trung Đông... đã nhắc chúng tôi chuẩn bị bài cho số đặc biệt mừng xuân.

Các nhà văn, nhà thơ, nhà báo như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Tuấn Phong, Châu Hồng Thủy, Nguyễn Huy Hoàng, họa sĩ Lê Thanh Minh, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long... đang học tập, công tác tại Moscow, có công đóng góp tích cực xây dựng Tạp chí Đất nước thời kỳ đầu.

Đất nước là tạp chí tổng hợp, có cả phổ biến nghị quyết chính sách của nhà nước Việt Nam, quy định của chính quyền sở tại, phong tục tập quán Nga liên quan thiết thực đến đời sống của công dân Việt Nam tại Nga, nên các số thường kỳ dành cho văn nghệ không nhiều. Nhưng số xuân thì văn nghệ được ưu tiên số trang rất lớn.

Tạp chí Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Nga, chỉ chuyên về văn học nghệ thuật. Người bạn đường tồn tại được là nhờ tài trợ của các nhà doanh nghiệp. Hằng năm, để chuẩn bị cho số Tết, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến chuyên đi lo việc gặp các doanh nghiệp Bến Thành, Sông Hồng, KT, Lion, Togi... đặt vấn đề tài trợ bằng cách đăng quảng cáo về công ty của họ, còn tôi lo việc đặt bài các nhà văn trong nước, giục các cộng tác viên tại Nga gửi bài, lo biên tập nội dung. Có năm tôi và nhà thơ Bùi Quang Thanh phải lội trong tuyết lạnh đi chụp ảnh quảng cáo cho một chi nhánh ngân hàng của Nga do người Việt làm giám đốc.

"Tai nạn nghề nghiệp" nhớ đời

Lại nhớ một "tai nạn nghề nghiệp" thời tôi về làm Tạp chí Đoàn kết của Hội Người Việt tại Liên bang Nga với danh nghĩa "Thư ký trọng trách", do anh Lê Ngọc Hường, chủ tịch hội kiêm chủ nhiệm. Anh Hường là người rất kỹ tính. Khi Nguyễn Anh Tú và tôi làm chế bản xong, tôi đọc rất kỹ rồi chuyển cho anh Hường, anh đọc cũng rất kỹ, rồi ký tên vào từng trang. Không ai có thể sửa thêm một chữ sau khi anh ký duyệt.

Tại nhà in của Nga, họ cũng in ra 100 trang in thử, bắt tôi phải ký vào cả 100 trang, rồi mới in chính thức. Thế mà số xuân năm 2007 vẫn còn một lỗi ngay ở trang bìa mà chúng tôi không phát hiện ra. Khi Đoàn kết phát hành ngoài chợ Vòm, nơi có gần chục nghìn người Việt buôn bán, có người gọi điện bảo: "Các ông bán cho chúng tôi số Tết năm ngoái à?".

Giật mình xem lại, lỗi ngay ở trang bìa. Maquette bìa đã thống nhất cố định sẵn. Mỗi số tiếp theo chỉ thay đổi ảnh bìa và đổi số, đổi ngày tháng năm tạp chí ra mắt. Chúng tôi quên không sửa 2006 thành 2007. Thế là thành tạp chí của Tết năm cũ. Anh Hường và tôi cũng đành cười trừ với nhau, vì cả hai cùng ký mà không phát hiện ra lỗi. Nguyên do là vừa duyệt bài vừa tham gia chế bản có khi thâu đêm suốt sáng cho kịp Tết, mỏi mệt không phát hiện ra.

Có một lần, suýt nữa chúng tôi đăng nhầm một bài thơ lên tạp chí Đoàn kết. Nguyễn Anh Tú lúc duyệt bài, mắt rơm rớm khi đọc bài thơ của một chị đang bán hàng ở chợ Vòm gửi đến, bảo tôi: "Có bài thơ về Tết hay quá anh ạ".

Rồi Tú đọc cho tôi nghe: "Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ tết/ Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà/ Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút/ Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc hoa/ Lòng man mác, gửi về nơi xóm vắng/ Bóng cha già lau hương án gia tiên/ Mẹ lúi húi canh chừng bên bếp lửa/ Nghe bước chân, thấp thỏm ngó qua thềm…/ Có tất cả, nhưng làm sao có Tết/ Xung quanh con xa lạ nước non người/ Sau cửa sổ, mịt mờ đêm xứ tuyết/ Bếp lửa hồng, dáng mẹ quá xa xôi"(trích).

Tôi bảo: "Hay quá. Một người đi chợ viết được như thế, là quá giỏi. Cho in trong số này ngay". Khi chế bản, tôi ngâm nga bài thơ và ngờ ngợ hình như bài này mình đã đọc đâu đó rồi. Tôi giở tập thơ mà nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng tặng để kiểm tra, thì đúng là bài thơ của anh. Truy tìm tiếp, chúng tôi lại thấy có một vị khác cũng đem bài thơ này của Nguyễn Huy Hoàng đăng số Tết Mậu Tuất 1998 của tờ Văn nghệ trẻ trong nước. May mà mình phát hiện sớm.

Kỷ niệm làm báo chí có nhiều chuyện vui và cũng không ít chuyện buồn. Nhân ngày Tết, tôi chỉ xin ôn lại mấy chuyện vui vui cùng bè bạn. Có thể nói mỗi số tạp chí là một đứa con tinh thần của những người làm báo, mà số xuân là đứa con đẹp nhất. Mỗi khi đến nhà in lấy tạp chí về, chúng tôi cứ mê mẩn hồi lâu ngắm nghía tờ tạp chí trên tay.

Những số tạp chí mà chúng tôi dồn bao tâm huyết và tình yêu của mình, đã đem lại niềm vui cho độc giả, những người con sống xa Tổ quốc, trong tuyết rơi và băng giá đang đau đáu nhớ về cái Tết cổ truyền dân tộc, về những người thân yêu ruột thịt ở quê hương.

Ngày Tết, Người bạn đường chúng tôi không bán, mà đem tặng các trung tâm thương mại đã tài trợ. Các trung tâm thương mại này có thông lệ rất ý nghĩa là tặng quà cho bà con ngày Tết. Túi quà tặng thường có một chai sâm-panh, một chiếc bánh chưng, một cuốn lịch treo tường, một cuốn Tạp chí Người bạn đường hoặc Tạp chí Đất nước, Đoàn kết.

(Nguồn: Soha)

MANG HỒN TẾT VIỆT XƯA SANG MỸ

Giữa tiết trời lạnh tại một trang trại nho, bang Marryland, Mỹ, tiếng pháo nổ giòn tan quyện với tiếng cười đùa của con trẻ, tiếng chúc nhau năm mới mạnh khỏe, thành công đã mang lại cảm giác thật ấm áp, thân thương và thật Việt Nam cho những người con cách xa quê hương nửa vòng Trái Đất đang đón

Trong tiết trời lạnh giá mùa đông và một chút mưa xuân, bước vào trang trại Thanksgiving Farm Vinary ở một vùng quê yên bình bang Maryland, bờ đông nước Mỹ, chúng tôi đã thấy không khí tết ngập tràn. Những hình ảnh cô bé, cậu bé trong tà áo truyền thống ngay từ lối vào, tiếng cười đùa của con trẻ, tiếng nói chuyện râm ran khiến trong giây lát ai cùng nghĩ rằng mình đang chuẩn bị được đón Tết tại quê nhà.

Ngay giữa sân, ông chủ trang trại, anh Hùng Trần, Chủ tịch Tập đoàn Tran Group đang hào hứng treo mấy bánh pháo hồng trong ánh mắt tò mò của bọn trẻ xung quanh. Mặc dù đã đón nhiều cái Tết Việt trong Cộng đồng nhưng đây là lần đầu tiên anh Hùng Trần quyết tâm tự tổ chức một cái Tết thật Việt Nam.

“Đây là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức sự kiện Tết Việt Nam đúng chuẩn như Tết Cổ truyền mà ngày xưa tôi cảm nhận được. Đi chợ hoa ngày tết, gói bánh chưng, nấu nồi bánh chưng qua đêm đó là nhưng cái mà chúng tôi muốn có cảm nhận trong ngày Tết Cổ truyền. Tại trạng trại Thanksgiving farm, chúng tôi đang làm điều đó, tôi cũng muốn sẻ chia với mọi người cùng hội tụ tại đây, có thể tạo riêng một sân chơi để cảm nhận ngày Tết xưa", anh Hùng Trần nói.

Để tổ chức Tết Việt, anh Hùng Trần đã mang hầu hết đồ trang trí, nguyên liệu như câu đối, lồng đèn, lá dong, lạt gói bánh chưng… từ Việt Nam sang. Ở một góc khác, sau một hồi loay hoay với đám lá dong và khuôn bánh, nhìn sản phẩm của mình mặc dù chưa đẹp lắm nhưng ông Doug Heimbuch, một người bạn Mỹ lần đầu tiên được đón Tết Việt không giấu nổi vẻ hài lòng.

“Tôi tra trên mạng và xem trên youtube cách gói bánh chưng Việt Nam. Tôi cũng nắm được sơ sơ cách thức gói bánh chưng nhưng không ngờ lại khó đến thế. Những người bạn ở đây đã hướng dẫn tôi và cuối cùng thì tôi cũng đã có thể gói hoàn chỉnh được một chiếc bánh chưng, Tôi thực sự rất vui. Tôi đang rất mong chờ được nhìn thấy thành quả của mình sau khi luộc xong chiếc bánh này”, ông Doug Heimbuch chia sẻ.

Ngoài sân, tiếng pháo bắt đầu nổ giòn tan đánh dấu một năm mới đang đến. Trong một không khí Tết thật Việt Nam, anh Hùng Trần không giấu nổi cảm xúc của mình và cho biết nhất định năm sau sẽ tổ chức vui hơn, đông hơn: “Sau 25 năm rời xa quê hương thì ngày Tết của tôi đã dừng cách đây 25 năm về trước. Đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được và tôi nhìn thấy được hương vị Tết, ví dụ như, mọi người đang gói bánh chưng, luộc bánh chưng, những bài hát, câu ca điệu múa quê hương, bên cạnh đó còn có những băng pháo rất dài, đó là những cái mà tôi cảm nhận được trước khi rời Việt Nam sang Mỹ. Tôi rất vinh hạnh được tái hiện lại những điều này, đây là điều mà tôi mong muốn và tôi tin rằng, hôm nay mọi người đều rất hạnh phúc”.

Tết không chỉ là khoảnh khắc đoàn viên gia đình, nhớ về tổ tiên, đất nước, mà Tết cũng là cơ hội để các thế hệ trẻ tại Mỹ hiểu biết thêm về Việt Nam, về quê hương đất nước. Đây cũng chính là một lý do khiến anh Hùng Trần tự tổ chức Tết Việt.

“Gia đình tôi có một bé gái 10 tuổi. Trước chúng tôi có đưa cháu về Việt Nam nhưng rất chóng vánh, cháu chưa thể cảm nhận được cái Tết cổ truyền quan trọng như thế nào, vui mừng, hân hoan như thế nào. Việc tổ chức Tết xưa tại đây chính là thông điệp của tôi với các con cháu trong gia đình cũng như bạn bè rằng, ngày Tết Việt Nam chính là niềm hân hoan, hạnh phúc mang đến cho mọi nhà”, anh Hùng Trần cho hay.

Tết Việt còn được lan tỏa với những câu hát quan họ, điệu múa nón quê nhà và những trò chơi dân gian dành cho các em nhỏ. Trong không khí Tết tràn ngập tiếng pháo, tiếng cười, tiếng chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công… sau những năm căng mình đối phó với dịch bệnh, một năm mới tràn đầy niềm tin và hy vọng đang đến với bà con người Việt tại Mỹ./.

(Nguồn: VOV)

NGƯỜI VIỆT TẠI SEATTLE: KHÔNG KHÍ TẾT VUI NHƯ Ở VIỆT NAM!

(Ảnh minh hoạ).

Thu xếp công việc tại chỗ làm xong, bà Loan háo hức đến nhóm thiện nguyện gói bánh tét, bánh chưng ở ngoại ô thành phố Seattle, nơi mang đến niềm vui trong không khí ấm áp dịp xuân về. Bà đến đó chỉ cắt lá chuối, một khâu trong hàng loạt các công đoạn để làm nên chiếc bánh truyền thống, nhưng niềm vui thì vô tận. Bà nói đó là Tết, đó là nét Việt Nam.

Hơn 20 năm qua, cứ mỗi dịp xuân về, người Việt tại thành phố Seattle tại kéo nhau làm thiện nguyện gói bánh chưng, bánh tét tại một giáo xứ trong khu vực nơi có hàng ngàn giáo dân gốc Việt sinh sống.

“Có đến trên 100 người mỗi ngày, có ca làm buổi sáng, có ca làm buổi chiều tối. Ai rảnh giờ nào đến làm giờ đó để giúp giao xứ làm thiện nguyện”, bà Ngô Thị Thanh Loan, một phụ nữ làm thiện nguyện chia sẻ với VOA.

“Hàng năm tôi đến đây cắt lá. Công việc của tôi là cắt lá. Ban ngày tôi đi làm, buổi chiều tối tôi rảnh tôi đến để cắt lá, từ khoảng 5-6 giờ chiều đến khoảng 10-11 giờ đêm, tùy lúc sau khi đi làm về”.

Ba tuần trước Tết Nguyên đán, những tình nguyện viên như bà Loan, lại quy tụ tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng giáo phận Seattle, bang Washington, để làm ra những chiếc bánh đậm đà bản sắc Việt.

“Có khâu làm thịt, ướp thịt; có khâu làm lá: cắt lá, lau lá, xếp lá vào khuông bánh chứng, xếp lá theo kiểu làm bánh tét; rồi có khâu cột thắt dây cho bánh tét, bánh chưng”, bà Loan háo hức kể.

“Trong giáo xứ có gian hàng bán bánh mứt nữa, rồi có mai, có đào đủ các thứ…Ở đây các chùa và các nhờ thờ đều làm bánh Tết.”

Linh mục chánh xứ Đào Xuân Thành cho VOA biết rằng các hoạt động ngày Tết này không những giúp cho cộng đồng giáo dân có dịp sinh hoạt và tôn vinh văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn giới thiệu bản sắc văn hóa Việt cho các nền văn hóa khác tại Mỹ.

“Mình ở hải ngoại thì cũng luôn luôn gìn giữa lấy văn hóa, ngôn ngữ truyền thống của Việt Nam cho nên nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng giáo phận Seattle cố gắng duy trì những nét đó…

“Vào dịp Tết, giáo xứ có tổ chức hội chợ Tết trong ba ngày, trước Tết ba tuần thì có chương trình làm bánh tét, bánh chưng với mục đích là nhằm duy trì truyền thống văn hóa, niềm vui đón xuân từ giới trẻ cho đến các cụ già.

“Mọi người rất háo hức có dịp ngồi lại, ôn lại những kỷ niệm khi làm bánh tét, bánh chưng. Đồng thời giáo xứ cũng muốn nhân dịp này giới thiệu cho tất cả đồng hương và cả kiều dân ở đây, cả những người Mỹ và các văn hóa khác có dịp thưởng thức truyền thống văn hóa Việt Nam của mình.”

Linh mục Đào Xuân Thành cho biết giáo xứ tổ chức gói trên 15-16 ngàn chiếc bánh tét, bánh chưng trong 3 tuần trước Tết để phục vụ cho hàng ngàn gia đình gốc Việt trong khu vực, và vươn xa ra các vùng lân cận.

Dốc sức cùng nỗ lực chung, ông Vũ Hoàng Trực, một thành viên trong một hội đồng của giáo xứ, chia sẻ:

“Mục đích của giáo xứ là muốn đưa văn hóa truyền thống, muốn giữ lại nét đẹp trong văn hóa Việt Nam ở tại nơi đất khách quê người này. Giáo xứ tổ chức các hội chợ, muốn quy tụ tất cả những người Việt, công giáo cũng như không công giáo, tụ lại để có những sinh hoạt lành mạnh, để cho con em thấy được truyền thống văn hóa của người Việt. Chúng tôi làm để thế hệ mai sau vẫn tiếp tục phát triển như vậy!”.

“Những người đến giúp trong mùa bánh tét, bánh chưng, họ rất là vui. Họ nói rằng khi đến đây họ cảm thấy hạnh phúc lắm. Ở đây họ cảm thấy giống như ở Việt Nam…và nhiều người trong số họ không phải là công giáo, nhưng sẵn sàng đến giúp”, linh mục Đào Xuân Thành nói.

“Các em trẻ sinh ra ở bên này, các em nói rằng các em rất vui vì lần đầu tiên các em nhìn thấy cách làm bánh tét, bánh chưng và nói rằng ‘The first time I made it. I can do bánh tét, bánh chưng!’ (Lần đầu tiên con làm được. Con có thể làm bánh tét, bánh chưng!). Các em nói rằng các em hiểu được làm bánh chưng là như thế nào và các em cảm thấy tự hào về truyền thông văn hóa của mình”.

Vị linh mục chánh xứ cho biết thêm:

“Làm bánh tét, bánh chưng hay làm hội chợ cũng với mục đích gây quỹ để xây dựng một ngôi thánh đường mới. Đó là mong ước từ lâu của bao thế hệ ở giáo phận Seattle từ năm 1975 cho đến nay. Ngôi thánh đường đó đã được khởi đầu và đang tiếp tục vươn cao…”.

Việc tuy nhỏ nhưng niềm vui thì rất lớn. Xuân ở quê người vẫn làm ấm lòng người xa xứ. Bà Loan tâm sự rằng không khí ngày Tết ở đây thật đông đầy, tựa như mình đang đón xuân ở quê nhà.

“Mỗi khi Tết đến, tôi chỉ mong có dịp đến giúp giáo xứ để giúp làm bánh. Dù cho công việc nhỏ thôi, chỉ là cắt lá thôi, nhưng tôi thấy rất vui vì nó giống như thể mình đang ở Việt Nam vậy. Ở trong đó, rộn ràng, rôm rả lắm. Mỗi người mỗi việc mà làm, tôi thấy cái không khí như mình đang ở Việt Nam, chứ không phải đang ở bên Mỹ, nó giống lắm!”

(Nguồn: VOA)

NỒI BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT ĐÓN TẾT VIỆT Ở NƠI LẠNH -6 ĐỘ C

Trong tiết trời lạnh -6 độ C của mùa đông Moncton (bang New Brunswick, Canada), Hội người Việt nao nức tổ chức nhiều hoạt động đón mừng Tết Nguyên đán xa quê.

Cho con biết thế nào là bánh chưng, bánh tét

Nhóm những anh chị em gồm nhiều gia đình có con nhỏ tập trung lại gom góp nguyên vật liệu để gói bánh và nấu bánh. Vợ chồng anh Miên - chị Hương, người “đăng cai” nồi bánh chưng cho biết, nếu muốn ăn bánh chưng, bánh tét thì đặt cũng được, nhưng không khí quây quần bên nồi bánh không dễ có được. Chính vì vậy, vợ chồng chị cố gắng tổ chức để các thế hệ trẻ biết được cái tết truyền thống. Chị Hương phải “săn lùng”, tìm mua lá chuối và dây cột từ trước để có đủ nguyên vật liệu gói bánh.

Chị Trang Nguyễn, thành viên gói bánh, cho hay may mắn vài năm trở lại đây, khi dòng người châu Á nhập cư đông hơn, nên nhiều cửa hàng ra đời ở thành phố Moncton. Vì vậy, các nguyên liệu thực phẩm từ châu Á rất đa dạng và đáp ứng được nhu cầu của người Việt. Mùa đông ở Canada rất lạnh, nên không thể nấu ngoài trời như ở Việt Nam. Một bếp gas công nghiệp được huy động và phải nấu ở… gara xe. Theo chị Hương, đây cũng là dịp các anh chị em tụ họp lại, cùng nhau hàn huyên tâm sự. “Tôi cũng mới mua một vài chậu cúc chưng tết và còn đặt mua một số bức tranh Việt trên… Amazon để trang trí cho có không khí tết quê” - chị Hương cho biết thêm.

Anh Trần Thanh Quang, đầu bếp chuyên nghiệp ở TP.HCM đến Canada định cư gần 10 năm cho biết, đây là cơ hội để các bạn nhỏ hiểu được tết Việt là thế nào. Anh Quang từng làm bếp trưởng ở nhiều khách sạn nổi tiếng tại Phan Thiết, TP.HCM và từng là khách mời đến Mỹ do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức vào tháng 9.2012 về Tăng cường hiểu biết văn hóa thông qua ẩm thực.

"Con hỏi tôi bánh chưng là gì trong một lần nói chuyện với bạn bè, cho nên đây là dịp tuyệt vời để giải thích với con về bánh chưng, bánh tét... Vì khi con chưa trải qua, thì có giải thích thế nào đi nữa, con cũng không thể hiểu được” - anh chia sẻ.

Đặc sản Việt ở xứ xa

Trước đó, Hội những chủ nhà hàng Việt tại Moncton cũng tổ chức gặp mặt bà con xa xứ - là những người con Việt học tập và định cư tại đây. Khoảng 20 nhà hàng lớn nhỏ góp mặt và khách mời còn được thưởng thức các đặc sản quê hương miễn phí. Các chủ nhà hàng có món nào góp vào món đó hay thậm chí, anh chị nào tham dự muốn nấu bất cứ món gì góp thêm cho buổi gặp mặt cũng được chào mừng và đón nhận.

Vì vậy, tại buổi gặp mặt các món ăn như bánh xèo, gỏi cuốn, đến những món bình dân như chè trôi nước, cơm cháy, xôi mặn hay bánh tráng trộn cũng có mặt. Chị Hồ Vân mới qua Moncton thời gian ngắn và lần đầu tiên tham dự buổi tiệc này cảm thấy rất thích thú. Chị hào hứng cho biết: “Mình mới đến Canada nên cảm giác nhớ nhà, nhớ món Việt rất nhiều, cũng may nhờ có những dịp thế này mà thấy nỗi nhớ quê nhà vơi đi phần nào”.

Cũng trong buổi tiệc, những trò chơi dân gian được tái hiện làm cho không khí mùa đông tại Moncton bớt lạnh lẽo. Được biết trước đại dịch Covid-19 xảy ra, buổi tiệc này được duy trì hàng năm, nhưng 3 năm qua không thể tổ chức được. Có lẽ cũng vì “khát” không khí quê nhà nên tiệc năm nay đông đúc bà con người Việt tham dự, đến mức ban tổ chức sắp xếp 250 chỗ ngồi vẫn không đủ, làm những khách mời đến sau phải dự tiệc… đứng. Dù vậy ai cũng vui vẻ và thông cảm với ban tổ chức. Buổi tiệc do đó kéo dài đến 12 giờ đêm.

Dự kiến mùng 1 tết Quý Mão, Hội người Việt tại Moncton tổ chức Hội chợ xuân. Những gian hàng món ăn Việt sẽ được bán và phục vụ bà con xa quê. Chị Lucy Lữ, luôn là thành viên tích cực trong đội văn nghệ các năm trước của hội, cho biết hy vọng năm nay cũng sẽ đông đủ bà con người Việt tham dự, vì sau mấy năm đại dịch, Hội chợ xuân mới được tổ chức trở lại. Nhiều trò chơi dân gian cũng sẽ tái hiện nhằm giúp các bạn nhỏ hiểu thêm về cội nguồn…

(Nguồn: Thanh Niên)

NGƯỜI VIỆT Ở LÀO CHẬT VẬT MƯU SINH SAU ĐẠI DỊCH, MƠ VỀ QUÊ HƯƠNG ĐÓN TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Sau 3 năm đại dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều người Việt ở Lào ít nhiều đảo lộn. Trong cảnh chật vật mưu sinh, có người ao ước được về quê hương sinh sống...

Cuối tháng 12/2022, trong chuyến công tác trên nước bạn Lào, chúng tôi có dịp ghé chợ Đào Hương (thành phố Pakse, tỉnh Champasak), nơi có nhiều kiều bào kinh doanh, buôn bán. Trải qua 3 năm đại dịch, ngôi chợ của người Việt sầm uất ngày nào giờ có phần thay đổi.

Từ vụ cháy kinh hoàng đến nỗi buồn sau đại dịch Covid-19

Tại chợ Đào Hương, những tấm bảng hiệu viết xen kẽ hai ngôn ngữ Việt - Lào khá nhiều. Mới 16h, những quầy hàng kinh doanh trang sức, đồ tiêu dùng ngay đầu chợ đã bắt đầu đóng cửa.

Quan sát một lúc, chúng tôi đi đến sạp kinh doanh có người Việt. Đó là tiệm bán sim thẻ, điện thoại cũ, đồng hồ của anh Lê Thắng (42 tuổi, quê Quảng Trị). Nghe giọng quê hương, cả hai vui mừng chào hỏi. Khi nói về hoàn cảnh hiện tại, anh Thắng khá trầm tư.

Chủ tiệm kể, 12 năm trước, vợ chồng anh rời quê sang Lào lập nghiệp, buôn bán đủ thứ, từ hàng may mặc đến giày dép, vừa bán vừa học ngôn ngữ. Sáu năm sau, ngành công nghệ bắt đầu phát triển, anh chuyển sang mua bán điện thoại. Việc kinh doanh "ăn nên làm ra", vợ chồng gửi tiền về nhà đều đặn, nuôi 3 đứa con ăn học.

Đến khi đại dịch Covid-19 xuất` hiện, phá hỏng bao dự tính của gia đình. Sau 3 năm oằn mình chống dịch, đồng tiền Lào bị mất giá khoảng một nửa, khiến vốn liếng tích trữ của gia đình anh Thắng cũng cạn dần theo ngày tháng.

"Trước đây 10 triệu tiền kíp Lào đổi được 27 triệu đồng Việt Nam, giờ còn khoảng 13 triệu đồng, lỗ hơn một nửa. Người Việt buôn bán ở đây có lúc đến 800 người, nhưng sau vụ cháy năm 2016 và sau dịch đã giảm nhiều, còn khoảng 200-300 người. Khách mua cũng vắng hẳn, có ngày chỉ bán được vài chiếc card điện thoại", anh Thắng nói và tiết lộ sẽ bán đến cuối tháng Chạp rồi về quê ăn Tết, sang năm tính tiếp…

Qua dò hỏi thông tin được biết, tháng 5/2016, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại chợ Đào Hương. Đó là một đêm kinh hoàng của 6 năm trước, khói lửa bất ngờ bốc lên tại phía Tây chợ. Dù lực lượng cứu hỏa của tỉnh Salavan sang hỗ trợ nhưng ngọn lửa nhanh chóng lan rộng diện tích 6.000m2, nhiều tiểu thương thiệt hại nặng nề, 90% trong số đó là người Việt.

"Lúc đó là buổi tối, tôi đang ở nhà thì nghe có hàng xóm hớt hải chạy sang báo cháy chợ. Khi chạy ra đến nơi, hàng hóa tích trữ của gia đình tôi đã thành tro hết rồi", Hùng (người gốc Huế sinh ra và lớn lên ở Lào) phụ gia đình bán đồ lạc xoong, kể lại sự việc bằng tiếng Việt lơ lớ. Bằng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng tinh thần đoàn kết của cộng đồng kiều bào tại Lào, các tiểu thương Việt đã gác lại nỗi buồn để đứng lên. Sau thời gian ngắn, cảnh buôn bán tấp nập ở chợ lại được phục hồi. Nhưng dịch Covid-19 kéo dài, tiếp tục đặt họ vào thử thách mới.

Ước được về quê hương đón Tết, sinh sống

Cách tiệm của anh Lê Thắng vài ô vựa, cô Trần Thị Kim Nga (67 tuổi) đang cắt, chia thịt heo thành từng mảnh nhỏ. Đã chập choạng tối nhưng sạp của cô vẫn còn khá nhiều thịt, xem như một ngày buôn bán chưa thuận lợi.

30 năm qua, cô Nga chỉ bán thịt heo tại chợ Pakse cũ, nay là chợ Đào Hương. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày khách hàng tiêu thụ 50-60kg thịt, nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn 20kg. Lạm phát đẩy giá thịt heo lên cao, khách hàng của cô Nga ngày một thưa dần.

Vụ cháy năm 2016 cũng là một phần ký ức của cô Nga trong hành trình nhiều năm mưu sinh gắn bó với chợ. "Cháy hết cả hàng hóa, nhiều người lỗ nặng lắm. Có người phải bỏ về Việt Nam, nhưng đâu phải ai cũng về được, vì còn ở lại trả nợ", người phụ nữ kể.

Biết khách phương xa đến từ TPHCM, cô Nga trầm ngâm, nói hai ngày trước, bà Vân bán cháo ở chợ cũng mới từ TPHCM trở về. Nghe bạn hàng kể đường phố hiện đại, đồ ăn ngon, tối cùng người thân đi xem ca nhạc, cô Nga cảm thấy nôn nao trong lòng.

"Nghe nói Việt Nam giờ rất phát triển, TPHCM có nhà cao tầng nhiều lắm, cũng dễ kiếm tiền nữa. Có cơ hội, tôi muốn về quê hương đón Tết, nếu được thì định cư luôn, nhưng không biết khi nào mới thực hiện được. Chỉ mong cuộc sống ổn hơn, để có cái ăn", người phụ nữ chia sẻ.

Ước mơ của cô Nga giờ đây cũng mơ hồ, bấp bênh như nghề lái xe tuk tuk của chồng. Chú Quý (55 tuổi) nói, mỗi chuyến chở khách dạo quanh chợ hoặc về các tuyến đường gần có giá 15.000 - 20.000 kíp Lào. Có khách là chú chạy bất kể thời gian nhưng cả buổi chiều chờ đợi, chiếc xe vẫn chưa có dịp nổ máy. Chú Quý tâm sự, sau đại dịch Covid-19 tình trạng này diễn ra thường xuyên.

Những người Việt lạc quan vượt khó

18h, chúng tôi tìm kiếm nơi đổi thêm tiền Lào. Mới đi được một đoạn, nghe giọng nói người Việt từ cửa hàng kinh doanh ngay mặt tiền đường lớn. Đó là cô Nguyễn Hậu (53 tuổi), từ Huế sang Lào sinh sống, cô đang đút từng muỗng cơm cho cháu trai ăn tối.

Người thân của cô Hậu từ Việt Nam qua Pakse sinh sống nhiều năm nay. Ngoài kinh doanh lốp xe, họ còn mở một thẩm mỹ viện. Dù sau dịch thu nhập giảm nhiều, gia đình cô Hậu vẫn quyết định bám trụ. Bởi với họ, đây đã là quê hương thứ hai, cuộc sống bình yên.

"Vài bữa nữa khi công việc các cháu thu xếp ổn thỏa, tôi sẽ về Việt Nam đón Tết. Dù có nhiều khó khăn nhưng cháu tôi đã chọn ở lại, và tôi tin các cháu quyết định đúng", cô Hậu cười, chủ động đi đổi tiền cho chúng tôi.

Nụ cười của người phụ nữ làm chúng tôi nhớ đến anh Nguyễn Văn Việt, chủ một công ty bột mì tại tỉnh Sekong.

Anh Việt đến Lào từ những năm 2000, kinh doanh, khai thác chế biến lâm sản và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Khi cư dân địa phương chuyển sang trồng mì diện tích lớn, 4 năm trước, anh gom tiền mở nhà máy chế biến bột mì, vốn ban đầu 170 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động không bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến.

Trước khó khăn chất chồng, bản lĩnh của người Việt xa quê được thể hiện. Chủ công ty đã tìm cách sử dụng nhân công linh hoạt, sản xuất tại chỗ, cố gắng giữ thu nhập để người lao động không mất tinh thần.

Sau 3 năm đại dịch, quy mô nhà máy không bị giảm sút mà đã được nâng lên 250 tỷ đồng. Nhân công nhà máy cũng tăng lên 250 người, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người dân bản địa và người Việt tại Lào.

Chuyện vượt "bão" Covid-19 của công ty bột mì cho thấy, trong gian khó vẫn có cách tồn tại và phát triển. Rời Pakse, chúng tôi mang niềm tin rằng vẫn còn rất nhiều những cô Hậu, anh Việt khác ở Lào giữ tinh thần lạc quan, để cuộc sống của những người Việt xa quê sớm trở lại như thời điểm chưa xảy ra đại dịch...

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Cuối năm nhìn lại; Mang Xuân đến Phi; Sắm Tết tại Bỉ; Diện áo dài đón Tết ở Thái; Đón xuân ở Bangladesh ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang