.jpg)
KIỀU BÀO TẠI BỈ HƯỚNG VỀ ĐẤT NƯỚC
Thời gian qua, Tổng hội người Việt Nam tại Vương quốc Bỉ (UGVB) luôn có nhiều hoạt động hướng về quê hương, đặc biệt với đồng bào đang gặp khó khăn trong nước.
Dù khoảng cách địa lý, UGVB vẫn đều đặn tổ chức các hoạt động thiện nguyện, đặc biệt tập trung hỗ trợ sinh kế bền vững cho các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa - nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ.
Với tấm lòng luôn hướng về thế hệ tương lai, UGVB dành sự ưu tiên đặc biệt cho trẻ em qua các chương trình như “Cơm có thịt” hay “Friends for Vietnamese Kids”, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức đến trường bằng những phần quà nhỏ mà chan chứa yêu thương: chiếc cặp sách mới, bộ quần áo ấm, những trang sách thơm mùi giấy mới.
Đặc biệt, sau đợt lũ quét nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc cuối năm 2024, UGVB đã quyên góp được 4.205 Euro.
Số tiền đã được chuyển thành hiện vật và tiền mặt để hỗ trợ khẩn cấp cho xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, nơi có nhiều hộ dân thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Trẻ em mẫu giáo 4-5 tuổi tại điểm trường Bản Phung (thuộc Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng) được trao tận tay những chiếc bàn học, tủ quần áo, xe đạp, máy lọc nước và đồ dùng học tập mới. Gia đình các em cũng được tặng nồi cơm điện, con giống như lợn và gà để phục hồi sinh kế sau thiên tai. Những phần hỗ trợ thiết thực ấy đến từ tình thương và trách nhiệm của cộng đồng người Việt xa quê.
Trong hành trình thiện nguyện không thể thiếu sự tận tâm của chị Nguyễn Thị Phượng, Trưởng Ban cộng đồng UGVB. Không quản ngại đường sá hiểm trở, chị đã cùng gia đình và bạn bè trực tiếp về tận nơi để chuyển những món quà đến tận tay người dân.
Đó không chỉ là hành động thiện nguyện đơn thuần, mà là sự đồng hành sâu sắc và bền bỉ của những người con đất Việt luôn đau đáu hướng về quê hương.
Trong suốt hơn 10 năm qua, UGVB đã trở thành mái nhà chung, chốn gắn kết đầy nghĩa tình của cộng đồng người Việt tại Bỉ. Ngoài hoạt động thiện nguyện, Tổng hội còn giữ gìn và lan tỏa văn hóa Việt qua các chương trình dạy tiếng Việt, tổ chức Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, đặc biệt là các đợt quyên góp hỗ trợ chiến sĩ, đồng bào ở Trường Sa, nhà giàn DK.
DOANH NGHIỆP VIỆT TẠI NHẬT: CẦU NỐI 2 NƯỚC
Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đang chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ phát triển kinh tế mà còn trở thành cầu nối văn hoá – cộng đồng giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn sự hiện diện trong đời sống kinh tế – văn hoá tại xứ sở mặt trời mọc. Tính đến đầu năm 2025, người Việt đã trở thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật với hơn 634.000 người, chiếm gần 17% tổng số người nước ngoài đang sinh sống tại đây. Sự hiện diện ngày càng đậm nét ấy không chỉ đến từ người lao động, du học sinh mà còn nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ và năng động của các doanh nghiệp Việt Nam trên đất Nhật.
Một trong những minh chứng sống động cho sự gắn kết cộng đồng là Lễ hội Việt Nam tại Ikebukuro – Tokyo vừa được tổ chức thành công trong những ngày đầu tháng 4/2025. Sự kiện thu hút hàng ngàn người Việt cùng bạn bè quốc tế đến tham dự, trở thành một trong những lễ hội văn hoá – cộng đồng lớn nhất của người Việt tại Nhật Bản trong năm nay.
Không chỉ là dịp tôn vinh văn hóa truyền thống, lễ hội còn là sân chơi để các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật thể hiện vai trò tích cực trong việc đồng hành, hỗ trợ và lan tỏa giá trị tới cộng đồng.
Đơn cử như gian hàng của Phòng vé Senkyu – đại lý cấp 1 chính thức của Vietnam Airlines tại Nhật Bản – đã được chuẩn bị và tổ chức rất công phu. Không chỉ tư vấn vé máy bay và chia sẻ các chương trình ưu đãi mà còn tổ chức bốc thăm trúng vé khứ hồi Nhật – Việt, tạo điểm nhấn thu hút đông đảo người tham dự. Đồng thời tổ chức các hoạt động ý nghĩa như bốc thăm trúng thưởng, trò chơi dân gian, mini game cho trẻ em… góp phần tạo nên không khí lễ hội sôi động, đậm bản sắc quê hương.
Đại diện doanh nghiệp, bà Nguyễn Khánh Ly, cho biết: "Chúng tôi không chỉ mang đến dịch vụ vé máy bay mà mong muốn được kết nối cộng đồng, lan tỏa tinh thần quê hương giữa lòng Tokyo. Lễ hội như thế này thực sự là cơ hội quý giá để doanh nghiệp Việt Nam đóng góp trở lại cho cộng đồng."
Phòng vé Senkyu cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản còn tham gia tích cực vào những sự kiện chuyên sâu về kinh tế – hàng không – thương mại. Điển hình là Hội thảo Business Update 2025 do Vietnam Airlines tổ chức tại Tokyo, với sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản – ông Phạm Quang Hiệu, cùng các đại lý, đối tác chiến lược và doanh nghiệp Việt tiêu biểu.
Sự kiện lần này đã cập nhật định hướng phát triển thị trường hàng không Nhật – Việt, trong đó đáng chú ý là kế hoạch khai thác đường bay mới Osaka – Đà Nẵng từ tháng 7/2025. Đây không chỉ là tin vui với ngành du lịch mà còn mở thêm cánh cửa hợp tác kinh tế, giao thương và thăm thân giữa hai quốc gia.
Từ những gian hàng lễ hội cho đến hội thảo chuyên sâu, có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản đang từng bước khẳng định vị thế – không chỉ trong kinh doanh mà còn ở vai trò "cầu nối văn hóa và kinh tế" giữa hai đất nước. Họ không ngừng thích nghi, mở rộng dịch vụ, đồng thời vẫn giữ mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng và quê hương.
Chính những đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ ấy đang giúp hình ảnh người Việt tại Nhật ngày càng vững vàng, chuyên nghiệp hơn trong mắt đối tác và bạn bè quốc tế. Đó cũng là minh chứng cho sự lớn mạnh của một cộng đồng không chỉ đông về số lượng mà còn giàu tính gắn kết, sáng tạo và khát vọng vươn lên.
CHƯƠNG TRÌNH ‘GỬI NGÀN LỜI YÊU THƯƠNG’ TẠI MỸ
.jpg)
Mùa hè đang đến, tôi cùng 2 cô con gái nhỏ Phan Hà Linh (16 tuổi) và Phan Thảo My (10 tuổi) đã lan tỏa niềm vui âm nhạc đến các cụ già tại nhiều địa phương ở tiểu bang Texas (Mỹ).
Việc lan tỏa niềm vui âm nhạc đến các cụ già tại nhiều địa phương ở tiểu bang Texas qua buổi biểu diễn piano đặc biệt mang tên "Từ Việt Nam với ngàn lời yêu thương" (From Vietnam with Love) kéo dài từ tháng cuối năm ngoái đến mỗi tháng trong năm 2025.
Hà Linh - nữ sinh Quốc Học mới sang Mỹ du học vài tháng, đã cùng tôi thường xuyên tham gia các chương trình tạo tác động xã hội ở Huế trước đây, là người lên kế hoạch thực hiện chương trình nhiều ý nghĩa này…
Ý tưởng từ lần vui chơi lễ Halloween
Cảm hứng cho buổi biểu diễn này bắt đầu vào dịp Halloween khi gia đình tôi đến thăm một trung tâm dưỡng lão ở thành phố Fort worth (Texas). Trong lúc đi nhận kẹo từ các cụ già, 2 cháu tình cờ phát hiện một chiếc đàn piano và bắt đầu tiến đến chơi những bản nhạc du dương khiến các ông bà lão tại trung tâm này bị cuốn hút bởi màn trình diễn tự phát của mình. Nhiều người mong muốn 2 nghệ sĩ nhí này sớm trở lại để được nghe các cháu biểu diễn.
Xúc động trước tình cảm chân thành của các cụ già, 3 bố con đã cùng nhau bàn bạc và quyết định tìm cách tổ chức các buổi biểu diễn piano mừng Giáng sinh và năm mới miễn phí để mang lại niềm vui cho người cao tuổi ở các trung tâm phục hồi chức năng, viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc trí nhớ của người cao tuổi trong khu vực cụm thành phố Dallas - Fort worth.
Sau khi chia sẻ ý tưởng của mình trên mạng xã hội ở địa phương, với sự giúp sức nhiệt tình của "cộng đồng mạng", các giám đốc điều hành và quản lý sự kiện nhiều trung tâm đã liên hệ để chương trình được tổ chức tại cơ sở của mình.
Nhận lại những lời yêu thương
Mới chuyển đến đây từ thành phố Huế cách đây chỉ vài tháng, gia đình tôi đã háo hức đóng góp cho nhiều hoạt động cộng đồng tại địa phương, đặc biệt là các sự kiện phục vụ đối tượng trẻ em và người lớn tuổi.
"Từ Việt Nam với ngàn lời yêu thương" bao gồm những ca khúc mang đến một sự hòa quyện thú vị giữa các bản piano hiện đại và những ca khúc Giáng sinh, chào năm mới quen thuộc.
Nếu vào dịp Valentine thì có thêm các bài tình ca, hay chào mùa xuân sẽ là những bài nhạc của cây cỏ, lá hoa.
Đặc biệt hơn khi các chương trình luôn được mở đầu với ca khúc "Bonjour Vietnam" từng rất nổi tiếng tại quê nhà gần 20 năm trước, như là một lời chào trân trọng đến những khán giả đặc biệt trên đất Mỹ. Hai chị em đã khơi gợi nhiều cảm xúc lẫn lộn của hoài niệm và niềm vui trong không khí lễ hội, làm cho mùa đông này của các cụ thêm phần đặc biệt.
Buổi biểu diễn piano này vừa là sự kết hợp giữa âm nhạc, sự sẻ chia với mục đích mang lại niềm vui trong từng mùa, từng lễ hội tạo nên những kết nối ý nghĩa trong cộng đồng.
Đây cũng vừa là dịp mà cả gia đình được tìm hiểu nhiều hơn về hệ thống chăm sóc người cao tuổi được phân loại khác nhau ở Mỹ.
Nếu các trung tâm phục hồi chức năng (Rehab) dành cho các cụ cần phục hồi sau bệnh, chấn thương trong ngắn hạn thì các viện dưỡng lão (Senior living center) hỗ trợ cho người cao tuổi cần hỗ trợ cơ bản trong dài hạn hoặc tùy nhu cầu.
Ngoài ra còn có các viện chăm sóc trí nhớ chuyên biệt hoặc sa sút trí tuệ (Memory care center) và mô hình căn hộ cao cấp (Conservatory) với nhiều tiện nghi dành cho người già còn khỏe mạnh với quầy bar, quầy bánh, phòng chiếu phim, salon trang điểm làm tóc, khu chơi game, giải trí… trong một khuôn viên sinh hoạt cộng đồng.
Từ đó mỗi biểu diễn tại từng nơi cũng có những "tầng" khán giả khác nhau. Nếu các viện dưỡng lão, các cụ ngồi thưởng thức nhẹ nhàng thì nơi căn hộ chung cư cao cấp, các cụ hào hứng hơn khi hát hò, thậm chí nhảy cùng nhau.
Còn viện chăm sóc trí nhớ thì có cụ nghe một nơi xong lại đi đến một góc phòng thật xa để vỗ tay. Trong khi khán giả ở trung tâm phục hồi chức năng hầu hết ngồi trên xe lăn hoặc trên tay vẫn còn cầm bình ô xy cá nhân.
Và trên hết, hai chị em đã chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ cho các cụ. Bởi đâu đó dù được chăm sóc đầy đủ nhưng trong khóe mắt mỗi người vẫn là sự cô đơn của tuổi già, là nỗi mong nhớ cháu con khi những gia đình khác đang quây quần bên gia đình đón năm mới.
Tâm tình của một cựu binh
Ông James Todder, cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, nắm tay tôi tâm sự: "Tôi đã từng đến chiến trường Đà Nẵng tham chiến và rời nơi này hơn 50 năm. Sau ngần đó thời gian, tôi mới được nghe lại hai tiếng Việt Nam, được gặp lại người Việt Nam và mong muốn được một lần trở lại nơi đây trước khi nhắm mắt. Buổi hòa nhạc này thực sự là cầu nối văn hóa, góp phần thúc đẩy sự hiểu biết giữa hai dân tộc, đồng thời kết nối hai thế hệ cách nhau mấy chục năm thông qua ngôn ngữ chung của âm nhạc. Các bạn nhỏ hãy sớm trở lại nhé, bởi tôi cũng không biết có còn được gặp lại các bạn lần nữa hay không?".
Chúng tôi đã hứa sẽ mang thêm nhiều chương trình âm nhạc khác trở lại những nơi này để thúc đẩy sự giao lưu văn hóa cùng với tinh thần chia sẻ dành cho cộng đồng địa phương của thế hệ con cái mình.
Và từ đó, những niềm vui tiếp tục được nuôi dưỡng trong mỗi nụ cười ấm áp của các cụ khi tuổi đã xế chiều…
Nguồn: VTV4; VTV; Thanh Niên
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá