Người Việt hải ngoại: Khuyến cáo rời Liban; Ngày hội đoàn kết ở Thụy Sỹ; Đưa ẩm thực Việt đến Zanzibar; Nam lao động tử vong tại Nhật

KHUYẾN CÁO CÔNG DÂN RỜI LEBANON NGAY LẬP TỨC, CHUYỆN GÌ ĐANG XẢY RA?

Đã có ít nhất 492 người chết trong các đợt không kích của Israel vào miền nam Lebanon hôm qua 23/9. Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon đã ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở tại Lebanon rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Trong thông báo ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam cũng khuyến cáo công dân nếu dự định đến Lebanon thì cần dừng hoặc hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Đối với công dân Việt Nam bị mắc kẹt, không thể rời khỏi Lebanon, cơ quan này khuyên người dân nâng cao cảnh giác, theo dõi thông tin thường xuyên, tránh tụ tập nơi đông người và tránh xa các khu vực như biên giới Lebanon-Israel, phía nam thủ đô Beirut và khu vực phía bắc gần biên giới với Syria.

Đại sứ quán cũng đề nghị người dân có phương án dự trữ thuốc men, thực phẩm nhằm đề phòng tình huống xấu.

Bộ Y tế Lebanon cho biết có ít nhất 492 người thiệt mạng và hơn 1.600 người khác bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào hôm 23/9, số liệu cập nhật đến 7 giờ 30 sáng ngày 24/9 theo giờ Việt Nam. Đây là ngày đẫm máu nhất của cuộc xung đột giữ Israel và lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn từ khi bắt đầu vào năm 2006.

Các cuộc tấn công xuyên biến giới gia tăng khiến nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông ngày càng rõ rệt.

Chuyện gì đang xảy ra

Diễn biến mới của cuộc xung đột bắt đầu từ vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon vào các ngày 17 và 18/9, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Vụ việc được cho là đòn tấn công của Israel nhắm vào các thành viên của tổ chức vũ trang Hezbollah.

Israel không lên tiếng thừa nhận điều này. Vào ngày 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã công bố "một giai đoạn mới trong cuộc chiến tranh".

Chính phủ Lebanon cũng lên tiếng cáo buộc Israel thực hiện loạt tấn công, gọi đây là "hành vi bạo lực tội ác", trong khi Hezbolla thề sẽ "trả thù đích đáng".

Vào hôm 20/9, Hezbollah cho biết ít nhất 16 thành viên, bao gồm các chỉ huy cấp cao của Lực lượng Radwan tinh nhuệ của họ, nằm trong số 45 người thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở miền nam thủ đô Beirut của Lebanon.

Phát biểu tại một đám tang vào ngày 22/9, phó thủ lĩnh của Hezbollah Naim Qassem cho biết nhóm này sẽ không dừng lại.

"Chúng tôi đã bước vào giai đoạn chiến tranh mới," ông Qassem nói.

Cũng trong ngày 22/9, Hezbollah đã phóng hơn 150 đạn phản lực và máy bay không người lái (drone) qua biên giới với Israel. Ở chiều ngược lại, máy bay phản lực từ phía Israel đã tấn công hàng trăm mục tiêu ở miền nam Lebanon.

Quân đội Israel nói rằng khoảng 150 đạn phản lực và các loại đạn khác đã được bắn vào lãnh thổ của họ trong đêm 21/9 và sáng sớm 22/9 - chủ yếu đến từ lãnh thổ Lebanon.

Một số quả đã bay xa hơn các cuộc tấn công trước đó, phá hủy nhà cửa gần thành phố Haifa và khiến hàng ngàn người Israel vào chui xuống hầm trú ẩn.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Israel sẽ thực hiện "bất kỳ hành động nào cần thiết để khôi phục an ninh" và đưa người dân ở biên giới Israel-Lebanon được trở về nhà an toàn.

Sáng ngày 23/9, Israel nói rằng họ sẽ "mở rộng" các cuộc không kích nhắm vào Hezbollah khi người dân ở miền nam Lebanon đã nhận được tin nhắn cảnh báo từ phía Israel rằng không nên đến gần các địa điểm mà lực lượng Hezbollah đang sử dụng.

Thủ tướng Lebanon Najib Mikati nói rằng hành động này không khác gì "một cuộc chiến hủy diệt" trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết các cuộc không kích sẽ tiếp tục "cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình - đưa người dân miền bắc Israel trở về nhà an toàn".

Truyền thông Lebanon đưa tin Israel đã thực hiện đợt không kích đầu tiên trên khắp Lebanon vào 6 giờ 30 phút sáng 23/9 theo giờ địa phương. Hàng chục địa điểm ở miền nam và miền đông đất nước đã trở thành mục tiêu.

Cơ quan Thông tấn Quốc gia (NNA) của Lebanon cho biết Israel sau đó đã tăng cường các cuộc không kích trên khắp miền nam và Thung lũng Bekaa, gây ra thương vong và thiệt hại trên diện rộng.

Israel nói họ nhắm vào Thung lũng Bekaa - nơi được coi là thành trì của Hezbollah. Nhưng sau đó họ nói thêm rằng họ cũng tấn công một khu vực của Beirut.

Người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, đã nói trong một cuộc họp báo hôm 23/9 rằng các video từ miền nam Lebanon cho thấy "vũ khí của Hezbollah phát nổ bên trong các ngôi nhà".

"Mỗi ngôi nhà mà chúng tôi tấn công đều chứa vũ khí như đạn phản lực, tên lửa hay phương tiện bay không người lái (UAV) để giết hại thường dân Israel," ông Hagari nói.

Một quan chức quân sự cấp cao của Israel khẳng định rằng IDF "hiện chỉ tập trung vào chiến dịch trên không" sau khi được các phóng viên hỏi liệu một cuộc xâm lược trên bộ vào miền nam Lebanon sắp xảy ra hay không.

Vị quan chức này cho biết Israel có ba mục tiêu - làm suy yếu khả năng bắn tên lửa của Hezbollah qua biên giới Lebanon-Israel, đẩy lùi các chiến binh của Hezbollah khỏi biên giới và phá hủy cơ sở hạ tầng do Lực lượng Radwan tinh nhuệ của Hezbollah xây dựng. Những cơ sở này có thể được sử dụng để tấn công các cộng đồng người Israel.

Đáp lại cuộc không kích của Israel, Hezbollah đã phóng 200 quả đạn phản lực vào miền bắc Israel. Các nhân viên y tế Israel cho biết hai người đã bị thương do các mảnh đạn.

Hàng ngàn người dân Lebanon đang di tản lên phía bắc của đất nước để tránh các đợt không kích của Israel.

Theo cập nhật đến 7 giờ 30 sáng nay 24/9, Israel đã tấn công vào 1.300 mục tiêu tại Lebanon. Bộ Y tế Lebanon cho biết có ít nhất 492 người thiệt mạng và 1.645 người bị thương, trong đó có 35 trẻ em và 58 phụ nữ.

Tiếp theo là gì?

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bày tỏ lo ngại về tình hình leo thang và nói rằng ông không muốn Lebanon "trở thành một Gaza khác".

Bộ trưởng Y tế Lebanon Firass Abiad nói rằng chiến tranh đã bước sang một giai đoạn mới.

"Rõ ràng là chính phủ Israel có ý định leo thang và khiêu khích," ông nói với BBC Radio 4's World Tonight.

Người đứng đầu bộ phận đối ngoại của Liên minh châu Âu EU Josep Borrell nhận định "sự leo thang này là cực kỳ nguy hiểm và đáng lo ngại" trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo quốc gia tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.

"Chúng ta gần như đang trong một cuộc chiến tranh toàn diện," ông Borrell nói thêm.

Tổng thống Joe Biden nói Mỹ đang "nỗ lực giảm leo thang theo cách giúp mọi người trở về nhà an toàn".

Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) cho biết họ đang điều "một lượng nhỏ" quân bổ sung đến Trung Đông trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang gia tăng.

"Trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và vì sự thận trọng, chúng tôi sẽ điều thêm một lượng nhỏ quân nhân Mỹ để tăng cường lực lượng hiện có trong khu vực," người phát ngôn của Lầu Năm góc - Thiếu tướng Pat Ryder - nói trong một cuộc họp báo.

Các đồng minh của Israel như Mỹ và Vương quốc Anh cũng như các bên chỉ trích cho rằng hy vọng duy nhất để làm dịu cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah là ngừng bắn ở Gaza.

Hassan Nasrallah, thủ lĩnh của Hezbollah, đã tuyên bố các cuộc tấn công vào Israel sẽ tiếp tục cho đến khi lệnh ngừng bắn ở Gaza được thực hiện.

Bản thân cuộc chiến đã nhận được sự ủng hộ áp đảo từ người dân Israel. Tuy vậy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu vẫn không được lòng một bộ phận đáng kể cử tri Israel cho dù tỷ lệ ủng hộ ông trong các cuộc thăm dò đã gia tăng.

Nhiều người Israel cũng cho rằng Netanyahu là một nhà lãnh đạo tồi tệ, kẻ nói dối và bỏ rơi các con tin ở Gaza. Do đó, ông là một nhân vật gây tranh cãi. Tuy nhiên, vì được những người cánh hữu ủng hộ trong quốc hội ủng hộ, ông có sự an toàn về mặt chính trị.

Quyết định tấn công của ông là rất mạo hiểm. Dù Hezbollah bị thiệt hại thì họ vẫn có đủ khả năng để đáp trả. Và đó là lý do tại sao cả đồng minh lẫn kẻ thù của Israel đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Trong ngày 23/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian nói rằng Israel đang muốn lôi kéo cả Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện bằng cách khiêu khích Iran tham gia vào cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah. Ông Pezeshkian cũng lên tiếng cảnh báo về hậu quả "không thể đảo ngược".

"Chúng tôi muốn sống trong hòa bình, chúng tôi không muốn chiến tranh. Chính Israel đang tìm cách tạo ra cuộc xung đột toàn diện này," Tổng thống Masoud Pezeshkian nói với các nhà báo khi đang ở New York để tham dự cuộc họp ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Pezeshkian, được bầu vào tháng 7/2024, được đánh giá là một chính trị gia tương đối ôn hòa. Sau đợt không kích của Israel vào ngày 23/9, ông đã kêu gọi giải quyết xung đột ở Trung Đông thông qua đối thoại.

Người Việt Nam ở Lebanon

Một bài viết trên trang VnExpress ngày 8/8 cho biết hiện có 11 công dân Việt Nam sinh sống và học tập tại Lebanon, tập trung chủ yếu ở thủ đô Beirut và khu vực lân cận.

Vào ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về vụ nổ hàng loạt máy nhắn tin và bộ đàm ở Lebanon.

"Theo thông tin mới nhất của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon, Iran và Israel, tình hình công dân Việt Nam tại các khu vực này vẫn an toàn và ổn định,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói với các phóng viên vào hôm 19/9.

"Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây tại khu vực Trung Đông. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt xung đột, tăng cường đối thoại, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình, ổn định trong khu vực,” bà Hằng nhấn mạnh.

Đến ngày 23/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Lebanon ra thông báo khẩn khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Trong thông báo khẩn, đại sứ quán cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Lebanon cần dừng hoặc hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.

Đối với công dân đang sinh sống và làm việc tại Lebanon, đại sứ quán nhấn mạnh trong trường hợp bất khả kháng không thể rời đi thì cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở sở tại, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Lebanon - Israel, khu vực phía nam thủ đô Beirut và khu vực phía bắc gần biên giới với Syria.

 

 

NGÀY HỘI ĐOÀN KẾT TẠI THỤY SỸ

Tính đến tháng 6 năm nay, số khoản tín dụng cấp cho các hộ gia đình để phát triển kinh tế đã lên tới khoảng 4.000.

Cuối tuần qua, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam tổ chức “Ngày hội đoàn kết với Việt Nam” tại thành phố Zurich, thu hút sự tham dự của đông đảo kiều bào và bạn bè quốc tế.

Ngày hội đoàn kết với Việt Nam là hoạt động thường niên quan trọng của Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam trong những năm vừa qua, nhằm quyên góp tài chính ủng hộ các hoạt động từ thiện của Hội. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam, Anjuska Weil đã công bố khoản tiền quyên góp được trong thời gian qua, cũng như các chương trình thiện nguyện mà Hội đang triển khai ở Việt Nam, nổi bật là sáng kiến về “tín dụng nhỏ” nhằm giúp đỡ những gia đình khó khăn.

Bà Anjuska Weil chia sẻ tính đến tháng 6 năm nay, số khoản tín dụng cấp cho các hộ gia đình để phát triển kinh tế đã lên tới khoảng 4.000. Đây là chương trình được triển khai từ năm 2005, trong đó, các hộ muốn vay tín dụng nêu ra đề xuất, sau đó, Hội Hữu nghị Thụy Sĩ - Việt Nam sẽ đánh giá khả năng thực hiện trên thực tế và tiến hành giải ngân vốn vay.

Cũng trong chương trình, bà Ngọc Dung Moser, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Thụy Sĩ, đã thông tin về hoạt động giảng dạy của trường Bình Minh, được thành lập từ năm 2017 và là ngôi trường dạy tiếng Việt đầu tiên tại Zurich với mong muốn đóng góp để gìn giữ, phát huy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho thế hệ trẻ người gốc Việt tại Thụy Sĩ; đồng thời vừa là cầu nối, vừa là phương tiện góp phần lan tỏa, truyền bá ngôn ngữ, văn hóa dân tộc, cũng như thể hiện tình yêu Tổ quốc của những người con xa quê hương.

 

 

NGƯỜI PHỤ NỮ & HÀNH TRÌNH MANG ẨM THỰC VIỆT TỚI ZANZIBAR

Là người Việt duy nhất sinh sống trên đảo Zanzibar (Tanzania), nơi được mệnh danh là “viên ngọc của Đông Phi”, chị Nguyễn Thị Kim Anh mong muốn giới thiệu ẩm thực quê hương tới đông đảo người dân.

Hành trình tới Zanzibar của Kim Anh bắt đầu cách đây 5 năm, khi chị được mời làm quản lý khách sạn tại một khu nghỉ dưỡng trên đảo. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chị gần như bị "mắc kẹt" lại đây.

Không có khách du lịch đến đảo, khu nghỉ dưỡng đóng cửa nên những lúc rảnh rỗi, chị Kim Anh tranh thủ nấu các món Việt cho bạn bè thưởng thức. Bị hấp dẫn bởi hương vị mới lạ, mọi người động viên chị làm món Việt để bán.

Ban đầu, chị Kim Anh còn khá e ngại vì cho rằng bản thân "chưa có đủ duyên để gắn bó với chuyện bếp núc", cũng như chưa thể gây dựng được một nhà hàng hay bếp ăn trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, vì muốn kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống trên đảo nên chị Kim Anh quyết định thử sức mình với việc nấu món ăn Việt và kinh doanh theo hình thức đặt hàng mang về.

Những khách hàng đầu tiên của chị là cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại các khách sạn trên đảo. Đây cũng là cơ duyên giúp cô gái Việt đưa các món ăn quê hương vào thực đơn các bữa tiệc hay sự kiện lớn ở Zanzibar.

Khi hoạt động du lịch được nối lại, cuối tháng 8/2020, chị quay lại làm quản lý khách sạn. Ngay ngày đầu đi làm, chị đã mạnh dạn đề xuất với ban lãnh đạo về dự án ẩm thực Việt Nam và mong muốn duy trì gian bếp nhỏ của mình tại đây.

Dù nhận được sự đồng ý nhưng sau một tháng thử nghiệm, chị Kim Anh đã buộc phải lựa chọn chuyên tâm vào công việc hay tiếp tục gian bếp Việt, vì không tìm được tiếng nói chung với nhà đầu tư cũng như ban lãnh đạo khu nghỉ dưỡng.

Kim Anh quyết định nghỉ việc để "nối dài giấc mơ" của mình trên hòn đảo xa xôi. Chị thành lập công ty riêng với sản phẩm chính là những món ăn Việt truyền thống.

Một "cánh cửa" mới đã mở ra khi chị nhận được đề nghị xây dựng nhà hàng Việt từ một chủ khách sạn trên đảo. Tháng 10/2020, Duyen – Vietnames Homecook, nhà hàng Việt Nam đầu tiên và là nhà hàng châu Á thứ ba tại Zanzibar chính thức ra mắt.

Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại. Một trong số đó phải kể tới là việc nguyên liệu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng của đại dịch.

Cô gái Việt đã phải chủ động tìm cách vượt qua hoàn cảnh, xoay xở đủ kiểu từ tự trồng rau thơm trong vườn đến học cách làm giá đỗ, đậu phụ, bánh phở, bún,... Nhờ đó, nhà hàng vẫn duy trì được một thực đơn lên tới 40 món ăn khác nhau.

Hầu hết thực khách trên đảo tới nhà hàng đều đã quen thuộc với những món ăn Việt Nam truyền thống như phở, xôi lạc hay bánh cuốn.

Cuối năm 2021, Kim Anh còn mở thêm một quán cà phê mang tên “Hanoi House – Coffee by Kim” tại Paje, trung tâm của Zanzibar, góp phần giới thiệu đồ uống Việt tới bạn bè nước ngoài.

Với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, nhà hàng Việt của chị Kim Anh đã mang tới cơ hội việc làm cho hàng chục người dân địa phương, đồng thời có kế hoạch chuyển sang hình thức nhượng quyền kinh doanh để vừa tạo thêm sinh kế cho phụ nữ địa phương, vừa phát triển mạng lưới ẩm thực Việt tại những nơi thu hút khách du lịch trên đảo.

Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, Kim Anh đã "gặt hái" được thành quả vô giá là sự tín nhiệm của thực khách. Nhà hàng của chị giờ đây đã trở thành lựa chọn quen thuộc của nhiều du khách cũng như cộng đồng cư dân sinh sống trên đảo.

 

 

NAM LAO ĐỘNG VIỆT BỊ CUỐN VÀO BĂNG TẢI NGHIỀN ĐÁ, TỬ VONG TẠI NHẬT

Một nam công nhân người Việt tại Nhật Bản bị mắc kẹt vào băng tải trong dây chuyền nghiền đá, tử vong trên đường đến bệnh viện.

Khoảng 16h ngày 13/9, tại nhà máy tái chế ở TP Hikone, tỉnh Shiga (Nhật Bản), một nam công nhân người Việt (22 tuổi) đã bị kẹt vào băng tải của dây chuyền nghiền đá. Băng tải này được sử dụng để vận chuyển đá dăm và các vật liệu khác cho quá trình sản xuất sỏi của nhà máy.

Ngay khi phát hiện sự việc, đồng nghiệp nhanh chóng gọi xe cấp cứu và đưa anh đến bệnh viện. Tuy nhiên, nam công nhân đã tử vong trên đường đi. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân sự việc.

Trước đó, ngày 27/8, cũng có một vụ tai nạn lao động xảy ra tại nhà máy của Công ty Sato Kogyo, thuộc thị trấn Mitake, tỉnh Gifu, Nhật Bản.

Theo Sở cảnh sát Kani (tỉnh Gifu), một thực tập sinh người Việt (27 tuổi) gặp tai nạn khi máy mài kim loại anh đang sử dụng bất ngờ phát nổ. Các mảnh vỡ găm vào người anh, gây chấn thương nghiêm trọng. Dù đã được đưa tới bệnh viện ở thành phố Tajimi cấp cứu, nam lao động vẫn không qua khỏi.

Được biết, Sato Kogyo là công ty chuyên gia công kim loại. Vào thời điểm xảy ra sự việc, nam lao động nói trên đang sử dụng một máy mài có gắn viên đá mài lớn, đường kính khoảng 50cm, dày 5cm, nặng 30kg.

Viên đá mài quay với tốc độ cao để mài các bộ phận bằng gang bị vỡ trong quá trình vận hành, khiến các mảnh vỡ bắn trúng cơ thể nạn nhân.

Lúc đó, có 6 công nhân khác làm việc tại nhà máy, mỗi người đều vận hành một máy mài riêng. Hiện cảnh sát đang mở rộng điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

 

Nguồn: BBC; VTV4; Người Quan Sát; Dân Trí

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang