.jpg)
KHÔNG GIAN LÀNG QUÊ VIỆT TẠI ÚC
Làng quê Việt – biểu tượng của sự sẻ chia và những phong tục tập quán đậm đà bản sắc, sẽ bước vào phố thị một cách sống động tại sự kiện VIETFEST 2025 do Hội sinh viên Việt Nam tại Australia (SVAU) tổ chức.
VIETFEST 2025 - lễ hội văn hóa thường niên quy tụ cộng đồng người Việt tại Australia sẽ diễn ra vào ngày 10/4 tại thủ đô Canberra, hứa hẹn mang đến một hành trình văn hóa sống động - nơi nghệ thuật truyền thống giao thoa cùng hơi thở hiện đại, người trẻ hội tụ để cùng nhau kể câu chuyện văn hóa Việt Nam.
Sự kiện không chỉ tái hiện không gian làng quê Việt giữa lòng thủ đô nước Australia, mà còn lan tỏa thông điệp: giữ gìn cội nguồn là nền tảng bền vững cho quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế, VIETFEST 2025 mong muốn gửi gắm tinh thần mến khách, lòng nhân văn và bản sắc văn hóa Việt đến bạn bè toàn cầu, thông qua các hoạt động giao lưu, trải nghiệm và biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Điểm nhấn nổi bật của sự kiện là không gian văn hóa làng Việt thu nhỏ giữa lòng thành phố: tái hiện cổng làng, đình làng, trò chơi dân gian và các gian hàng truyền thống.
Bên cạnh đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật đa dạng: múa rồng, trình diễn áo dài, nhạc cụ dân tộc, dân ca Nam Bộ; Khu ẩm thực đậm đà hương vị Việt: phở, bánh mì, bánh cuốn, trà tắc...; góc văn hoá: trải nghiệm trà đạo, nón lá, triển lãm tranh; khu check-in sáng tạo và trang phục truyền thống: khuyến khích mặc áo dài hoặc trang phục truyền thống để lưu giữ khoảnh khắc ý nghĩa; gian hàng giao lưu đa văn hóa và kết nối cộng đồng sinh viên quốc tế.
KHỞI CÔNG NHÀ SÀN BÁC HỒ TẠI THÁI LAN
Nhà sàn Bác Hồ có diện tích xây dựng 100m2, được lấy theo nguyên mẫu nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 136 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-2026).
Lễ khởi công công trình Nhà sàn Bác Hồ đã diễn ra sáng 9/4 tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Noong On, thị xã Muang, tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan.
Công trình Nhà sàn Bác Hồ là hạng mục đầu tiên của Dự án mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani, gồm các công trình liên quan đến quá trình sinh sống và hoạt động của Người tại Thái Lan vào những năm 1928- 1929 cùng các công trình tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó giữa Việt Nam và Thái Lan.
Nhà sàn Bác Hồ có diện tích xây dựng 100m2, được lấy theo nguyên mẫu nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch ở thủ đô Hà Nội. Công trình dự kiến hoàn thành vào dịp kỷ niệm 136 năm ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2026).
Trao đổi với báo giới, ông Phạm Đức Dậu, Trưởng Ban quản lý Khu di tích Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani bày tỏ mong muốn một công trình tương tự như ở trong nước để người Thái hay khách du lịch đến đây hiểu lịch sử của Việt Nam.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani là một trong ba khu di tích về Bác Hồ tại Thái Lan, bên cạnh Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom và Bảo tàng Bản Đông Hồ Chí Minh ở tỉnh Phichit.
Kể từ khi chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 8/2011, hiện mỗi tháng khu di tích đón hơn 1.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam-Thái Lan.
Là một trong những du khách từ Hà Nội đến tham quan khu di tích, ông Lê Bá Huấn xúc động cho biết: “Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ trải qua rất nhiều gian nan vất vả. Khi đến đây, chúng tôi càng thấm thía hơn cái giá của của sự hy sinh và cái giá cho sự độc lập dân tộc và hòa bình của dân tộc cũng như của nhân loại. Và chúng tôi, các thế hệ con cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn ghi nhớ công ơn này.”
Bà Sudtida Manorak, khách tham quan người Thái Lan cho biết: “Thời đi học tôi đã được học lịch sử về Bác Hồ, biết Bác từng đến Udon Thani. Vì thế, tôi đến đây để tìm hiểu thêm về Bác Hồ, hiểu thêm về nơi Bác đã từng sinh sống và hoạt động như thế nào.”
Theo kế hoạch, toàn bộ các hạng mục mới trong Dự án mở rộng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani sẽ hoàn thành sau 5 năm nữa, đưa khu di tích trở thành một điểm đến du lịch văn hóa chính của địa phương, tạo điểm nhấn đậm nét hơn nữa về dấu ấn Hồ Chí Minh trên đất bạn Thái Lan cũng như mối quan hệ lịch sử gắn bó hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Thái Lan.
TIỆM BÁNH “CHIẾM LĨNH” NEW ORLEANS
.jpg)
Một tiệm bánh do người Việt Nam sáng lập khiến người dân và khách du lịch tại New Orleans mê mẩn.
Mỗi mùa lễ hội Mardi Gras, người dân New Orleans sẵn sàng đi xa đến ngoại ô phía Đông để xếp hàng trước tiệm bánh Đông Phương – một cửa hàng nhỏ nhưng đã trở thành biểu tượng ẩm thực của vùng. Với bảng hiệu rực rỡ mang cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tiệm bánh thu hút đông đảo thực khách đến mua món bánh King Cake đặc biệt.
Giữa một thành phố nơi mà nhiều nhà hàng xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất, Đông Phương vẫn vững vàng suốt hơn bốn thập kỷ, vừa tôn vinh di sản của cộng đồng người Việt tại Mỹ, vừa góp phần nâng tầm ẩm thực New Orleans.
Hành trình từ tiệm bánh gia đình đến thương hiệu ẩm thực đình đám
Đông Phương được sáng lập vào năm 1981 bởi gia đình họ Trần. Ban đầu, tiệm bánh chỉ phục vụ cộng đồng người Việt địa phương với các món ăn truyền thống như bánh mì, bánh trung thu. Nhưng dần dần, sự sáng tạo trong công thức chế biến đã đưa tên tuổi của tiệm vươn xa.
Bà Hương – mẹ của chủ tiệm hiện tại, Linh Garza – là người đầu tiên mang bánh trung thu đến với cộng đồng. Còn cha của Linh là người hoàn thiện công thức bánh mì baguette chuẩn Pháp mà ngày nay đã trở thành thương hiệu của Đông Phương. Thế nhưng, thành công vang dội nhất của họ có lẽ chính là King Cake – một món bánh truyền thống mùa lễ hội Mardi Gras, được biến đổi theo phong cách rất riêng của người Việt.
King Cake của Đông Phương khác biệt với những phiên bản truyền thống. Bình thường, bột bánh sẽ được tết bím, xếp thành hình vòng tròn có lỗ ở giữa. Nhưng với phiên bản của Đông Phương, bánh sẽ được cán nhiều lớp mềm mịn, không quá ngọt, không quá đặc và mang hình dáng một chiếc bánh đầy đặn hơn.
Mỗi mẻ bánh với nhiều hương vị như hạnh nhân, dừa, hồ đào, quế, và phô mai kem,... thường mất ba ngày để hoàn thành. Theo The Washington Post, mỗi mùa lễ hội Mardi Gras, Đông Phương bán ra đến hơn 60.000 chiếc bánh, đôi khi đơn hàng nhiều đến mức họ phải giới hạn số lượng bánh bán ra cho mỗi khách.
Chủ tiệm Linh Garza chia sẻ: “Chúng tôi có những khách hàng chưa từng đặt chân đến khu vực phía Đông New Orleans, nhưng vào hai tháng đầu năm, họ sẵn sàng đi cả quãng đường dài chỉ để mua bánh của Đông Phương.”
Năm 2005, cơn bão Katrina gần như quét sạch New Orleans. Đông Phương không nằm ngoài thảm kịch, khi nước lũ nhấn chìm toàn bộ tiệm bánh. Đứng trước hai lựa chọn: đóng cửa vĩnh viễn hoặc nỗ lực tái thiết, họ chọn cách thứ hai.
Bất chấp thiếu thốn nguyên vật liệu và nhân công, họ đã tự sửa chữa lại cửa hàng, từng viên gạch, từng lớp sơn. Tháng 1 năm 2006, Đông Phương mở cửa trở lại, sự kiên trì đã được đền đáp, tiệm nhanh chóng phục hồi và tiếp tục mở rộng.
Bước ngoặt với giải thưởng danh giá
Năm 2008, Đông Phương bắt đầu thử nghiệm bán King Cake. Ban đầu, chỉ có cộng đồng người Việt ủng hộ, nhưng dần dần tiếng lành đồn xa, bước ngoặt xảy ra khi một bài viết trên trang The Times-Picayune ca ngợi King Cake của tiệm. Từ đó, khách hàng từ khắp nơi kéo đến, thậm chí nhiều chuỗi cửa hàng còn đặt hàng số lượng lớn tại tiệm để phân phối khắp New Orleans.
Năm 2018, Đông Phương vinh dự nhận giải thưởng American Classic từ James Beard Foundation – một trong những danh hiệu cao quý nhất trong ngành ẩm thực Mỹ.
Ngày nay, Đông Phương không chỉ nổi tiếng với King Cake, mà còn là nơi phục vụ nhiều loại bánh thơm ngon khác cũng như một số món ăn Việt Nam nổi tiếng như: phở, cơm tấm, bánh mì,...
Chủ tiệm Linh Garza chia sẻ rằng giờ đây, người dân New Orleans đã không còn xa lạ với ẩm thực Việt Nam. Từ những quán phở, bánh mì mọc lên khắp nơi, đến các nhà hàng nổi tiếng như Mint Modern Vietnamese và Lilly’s Cafe,... Tất cả là minh chứng cho sự hội nhập mạnh mẽ của văn hóa Việt trong lòng nước Mỹ.
PHIÊN ĐIỀU TRẦN VỤ LYNDA TRANG ĐÀI BỊ TỐ TRỘM CẮP SẮP DIỄN RA
Phiên điều trần đầu tiên của ca sĩ Lynda Trang Đài trong vụ bị cáo buộc trộm cắp dự kiến diễn ra ngày 24-4 (giờ Mỹ).
Theo lịch trình được công bố trên trang web của Thư ký Tòa án quận Cam, bang Florida - Mỹ, phiên điều trần diễn ra lúc 13 giờ 30 phút ngày 24-4.
Phiên điều trần theo thủ tục pháp lý không phải phiên xét xử mà là phiên họp để các công tố viên, luật sư bào chữa cùng nhau thảo luận, cập nhật và giải quyết các vấn đề pháp lý cần thiết trước khi bước vào phiên xử chính thức.
Trước đó, ca sĩ Lynda Trang Đài bị cáo buộc cố ý lấy hoặc sử dụng tài sản trị giá từ 100 USD (khoảng 2,6 triệu đồng) trở lên, thuộc sở hữu người khác, với mục đích chiếm đoạt tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể dùng cho mục đích cá nhân.
Theo hồ sơ vụ án, ngày 4-1, Lynda Trang Đài bị cáo buộc lấy trộm một hộp đựng AirPods trị giá 330 USD tại cửa hàng Gucci thuộc Quận Cam, Florida (Mỹ) sau khi mua 2 chai nước hoa. Cô được cho là đã giấu món đồ dưới bóp tiền, hoặc điện thoại và rời khỏi cửa hàng mà không thanh toán.
Khi quay lại cửa hàng vào ngày 5-1, ca sĩ bị bắt giữ. Tại cơ quan chức năng, cô khai hộp đựng không phù hợp với AirPods của mình và đã đặt lại tại quầy thanh toán.
Tuy nhiên, camera giám sát cho thấy điều ngược lại. Khi được yêu cầu giải thích thêm, cô nói đã làm rơi món đồ xuống đất do vội vã.
Ngày 6-1, nữ ca sĩ đã nộp tiền bảo lãnh tại ngoại 1.000 USD (gần 26 triệu đồng). Sau đó, trong cuộc điện thoại với ca sĩ Quang Lê, Lynda Trang Đài khẳng định không bao giờ có suy nghĩ trộm cắp món đồ trị giá vài trăm USD. "Đây là một kiếp nạn và tôi mong có cơ hội để được chia sẻ với mọi người" - Lynda Trang Đài nói.
Ca sĩ Lynda Trang Đài sinh năm 1968 ở Huế, theo gia đình sang Mỹ định cư cuối thập niên 1970. Chị nổi tiếng bởi dòng nhạc sôi động, phong cách gợi cảm. Về đời tư, Lynda Trang Đài đã kết hôn với ca sĩ Tommy Ngô. Ngoài ca hát, chị còn kinh doanh một cửa hàng bánh mì khá lớn và nổi tiếng ở Mỹ.
Nguồn: Báo Quốc Tế; VTV4; Dân Việt; Soha
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá