Người Việt hải ngoại: Hồn Việt trên đất Mỹ; YouTuber 'vàng' ở Đức; Dạy tiếng Việt ở Đài; Làm nông ở Úc; Bị dò xét ở Mỹ

HỒN VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ

(Ảnh minh hoạ).

Cầm trên tay hộp cháo sườn và quẩy còn nóng hôi hổi, Đại sứ Cuba tại Mỹ rất xúc động, bảo rằng không ngờ bà ấy có cơ hội ăn cháo sườn Việt Nam ở xứ sở cờ hoa.

Đó là câu chuyện mà bà Trần Thị Bích Vân, phu nhân ông Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ với phóng viên Tiền Phong trước thềm Tết Quý Mão 2023, để nói với sức mạnh của ngoại giao ẩm thực.

Bà Vân chia sẻ, khi sang Washington DC, Đại sứ Dũng gặp lại Đại sứ Cuba Lianys Torres Rivera, người từng làm đại sứ lâu năm ở Việt Nam và rất yêu Việt Nam. Khi bà Rivera mời cơm vợ chồng Đại sứ Dũng, Đại sứ quán Việt Nam chuẩn bị hoa và quà, thường là phở và nem. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết bà Rivera thích cháo sườn. Ở Mỹ khó có thể kiếm cháo sườn nấu bằng bột tinh như ở Việt Nam, vì họ chỉ nấu bằng hạt gạo. “May mắn là ở sứ quán có một em nấu cháo sườn và làm quẩy rất ngon. Khi mang đến, bà ấy rất xúc động, bảo rằng không thể ngờ còn có cơ hội được ăn cháo sườn ở Mỹ”, bà Vân kể.

Bà Vân cho rằng, trong ngoại giao, món quà ý nghĩa lớn lao chính là quan tâm đến sở thích của bạn. “Khi đi gặp đối tác, mình cố gắng tìm hiểu xem họ thích gì để cố gắng đáp ứng, nhất là ẩm thực. Những điều đó tuy nhỏ nhưng giúp xây dựng tình bạn bền chặt”, bà Vân chia sẻ.

Nhà riêng của Đại sứ Việt Nam nằm trên Đường R ở thủ đô Washington DC, nên thường gọi là Nhà R, hoặc Ngôi nhà Việt Nam. Đây là địa điểm mà bạn bè người Mỹ rất thích đến để thưởng thức các món ăn Việt Nam, đặc biệt là phở. “Các bạn chia sẻ rằng đi ăn ở quán Việt Nam ở bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ cũng không bằng ở Nhà R. Phở Nhà R là số 1, nem Nhà R cũng là số 1, vừa thơm giòn, nhỏ, rất tinh tế. Đó là điều mà các bạn bè Mỹ nói rất chân thành”, bà Vân chia sẻ.

Phu nhân Đại sứ cho biết, trong mấy năm COVID-19, khi không thể mời các bạn đến được, cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam làm phở và nem mang đến tận nơi tặng một số bạn bè, kèm theo tờ hướng dẫn cách hâm nóng, rán lại. Một đại sứ từng tổ chức Tết Việt Nam qua Zoom, bằng hình thức giao lưu qua màn hình, đến lúc ăn mọi người đều có đồ sẵn trước mặt, vừa ăn vừa nói chuyện. Bà Vân cho rằng đó là cách rất sáng tạo, dùng ẩm thực để đưa Việt Nam đến gần bạn bè Mỹ hơn, tạo nên những mối quan hệ tốt nhằm giúp cho công việc của Đại sứ quán trôi chảy hơn.

Đưa “đại sứ văn hóa” vào trường học

Từ khi cùng Đại sứ Dũng sang Mỹ để bắt đầu nhiệm kỳ (tháng 2/2022), bà Vân tích cực mở rộng Hội Phu nhân Phu quân Việt Nam ở Washington DC, triển khai nhiều hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam đến người Mỹ. Một cách được Hội chọn để giới thiệu văn hoá Việt Nam là triển khai các chương trình nhằm khơi gợi niềm yêu thích tìm hiểu về Việt Nam cho các bạn học sinh trong Trường Tiểu học Murch, nơi có khoảng 30 học sinh là con em cán bộ Việt Nam đang theo học cùng các bạn Mỹ và một số quốc gia khác.

Ngày 20/9/2022, bà Vân cùng một số thành viên của Hội đến thăm và làm việc với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Murch để bày tỏ mong muốn tổ chức các hoạt động như lễ hội Trung thu, ngày hội Văn hóa Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ quốc tế hoặc trong Tháng tìm hiểu về châu Á của trường, đồng thời trao tặng thư viện trường những con rối nước bằng gỗ và một số sách ảnh, truyện tiếng Anh và song ngữ, trong đó có cuốn đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người Việt là “Dế mèn phiêu lưu ký”. “Ông Hiệu trưởng rất trân trọng và dành một chỗ trang trọng trong thư viện để bày những đồ vật đó, kèm theo khuyến cáo: ‘Không được sờ vào hiện vật’, cho thấy họ rất quý trọng những món quà mình tặng”, bà Vân kể.

Phu nhân Đại sứ cho biết, trong năm mới, bà và các thành viên trong Hội sẽ tìm thêm những cuốn sách, truyện của Việt Nam bằng tiếng Anh để tặng cho các trường có con em Việt Nam ở Washington DC học, tin rằng đó là một cách đưa văn hóa Việt Nam ngấm sâu vào bạn bè Mỹ và con em những nước khác đang học ở đó.

Trong khuôn khổ Lễ hội Mùa Thu của trường hôm 23/10/2022, Hội Phu nhân Phu quân tham gia trưng bày các vật phẩm đặc trưng của Việt Nam. Các bạn nhỏ người Mỹ rất háo hức tìm hiểu về rối nước, tranh gạo, túi thêu, đồ sơn mài và trang phục truyền thống của Việt Nam. Hoạt động giới thiệu tại gian hàng được đảm nhận bởi chính các bạn học sinh Việt Nam đang theo học phổ thông tại Washington DC, vì vậy cũng giúp học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ hiểu hơn về nét đẹp của quê hương và tăng thêm tinh thần tự hào dân tộc.

Trong một dịp vào tháng 4/2022, Hội tổ chức Ngày hội Văn hóa Việt Nam cho các bạn học sinh lớp 3 để gây quỹ cho trường. Các bạn nhỏ rất hào hứng tham gia trả lời câu hỏi về Việt Nam. Một phần khiến học sinh Mỹ hào hứng không kém là trải nghiệm các trò chơi dân gian của Việt Nam như ô ăn quan, cá ngựa, bắn chun… Theo bà Vân, đó chỉ là một sự kiện có quy mô nhỏ nhằm giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam, nhưng hướng tới một mục tiêu cao hơn, đó là góp phần nâng cao nhận thức về sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng.

Trong một dịp khác, nhân ngày tri ân thầy cô, Hội Phu nhân Phu quân làm gần 1.000 cái nem để tặng các thầy cô trường Murch. “Các chị em phải phân công nhau đi chợ, chuẩn bị, gói, nhiều người có con nhỏ nhưng vẫn thu xếp cùng làm. Vất vả nhất là khâu rán. Hôm sau, trước khi mang đến còn phải rán lại. Muốn tạo ra món quà đặc biệt cũng cần tốn chút công sức”, bà Vân chia sẻ.

Hội còn tham gia nhiều hoạt động khác, như trình diễn áo dài lụa Việt Nam trong sự kiện “Vòng tay nước Mỹ” do Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức, nhằm quảng bá về áo dài lụa Việt Nam tới bạn bè quốc tế và người dân Mỹ. Bỏ lại những lo toan thường ngày, các chị em tươi tắn, trẻ trung, tự tin vững bước trên sân khấu và tỏa sáng.

(Nguồn: Soha)

NỮ YOUTUBER 'VÀNG' NGƯỜI VIỆT Ở ĐỨC

Chỉ là những thước phim trong khu vườn nhỏ trên sân thượng, là khu vườn miền quê nước Đức, hay trong căn bếp của gia đình 3 người; nhưng kênh YouTube của cô gái nhỏ người Việt đã thu hút 1,33 triệu follow, cùng rất nhiều clip vài triệu lượt xem…

Đó là chủ nhân của kênh Her86m2. Cô có cái tên rất đỗi nhẹ nhàng: Thu Thủy, hiện sống tại Đức.

Chinh phục người xem thế giới

Điều kỳ lạ là không như những kênh người Việt sống ở nước ngoài khác, vốn có lượng theo dõi (follow) chủ yếu là người Việt Nam; thì đối với kênh Her86m2, chỉ có 7% là người Việt, số “fan” còn lại đến từ nhiều nước. Sở dĩ Thu Thủy làm được điều đó trên kênh của mình, bởi những hình ảnh, chia sẻ của cô về cuộc sống trong những thước phim ấy, đã chạm vào tâm hồn của người xem, đầy rung cảm… Những chủ đề trong những thước phim của Thủy, tuy chỉ trong khuôn khổ của khu vườn, căn bếp, nhưng lại có điểm rất chung của đời sống toàn cầu.

Nhiều bình luận (comment) độc giả gửi đến chia sẻ rằng họ yêu quý kênh của Thủy bởi video mà Thủy tạo ra mang đến sự bình yên, thẩm mỹ nhưng không quá xa rời đời thực. Cùng những lời dẫn vừa rất thơ, rất thực đôi khi có cả những triết lý sống tốt đẹp…

Thủy vốn là du học sinh Việt sang Đức năm 19 tuổi học ngành kinh tế; học xong thì lập gia đình với một du học sinh Việt và quyết định ở lại Đức sinh sống. Sau khi sinh em bé, công việc của Thủy chuyển sang ngã rẽ mới. Và một trong những ngã rẽ đó, chính là việc lập kênh YouTube Her86m2.

Thủy chia sẻ: “Hồi đó, chồng đưa tôi đọc cuốn sách yêu thích của anh “The Sheltering Sky” - Bầu trời che chở của Paul Bowles và tôi thấy rất xúc động: “Bởi chúng ta không biết bao giờ mình sẽ chết, ta cứ ngỡ cuộc đời là suối nguồn không thể nào vơi. Nhưng mọi sự chỉ đến đôi lần trong đời. Đôi lần, thật ít ỏi. Cậu sẽ còn nhớ thêm bao nhiêu lần nữa, về một buổi chiều đặc biệt ấy của ngày bé thơ. Một buổi chiều sẽ ăn sâu vào chính cậu, đến mức thiếu nó thì cậu chẳng nhận ra cuộc đời mình nữa. Chắc chỉ thêm bốn, năm bận, mà biết đâu còn không nhiều như vậy. Cậu sẽ còn có thêm bao nhiêu lần cậu nhìn trăng rằm lên cao? Biết đâu chỉ độ hai mươi lần, mà như thế đã xem là vô tận”. Vậy nên giữa một ngày mùa đông sương giăng mù nước Đức, tôi bắt đầu hành trình lưu trữ lại dòng chảy ký ức bất tận của đời mình, bằng ngôn từ, và hình ảnh. Kênh YouTube như một cuốn nhật ký cá nhân của tôi vậy”.

Bất ngờ thay, kênh được đón nhận nồng nhiệt. Chưa đầy 2 năm, Thủy đã nhanh chóng nhận nút vàng của YouTube và được nhiều người yêu mến vì truyền cảm hứng cuộc sống. Những clip của Thủy xoay quanh chủ đề: cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên; trồng cây làm vườn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất; nuôi dưỡng tâm hồn mộng mơ giữa những tấp nập xô bồ; nuôi dưỡng tình cảm gia đình bằng những bữa ăn đẹp và xanh; nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những cái ôm nhẹ nhàng, những cái chạm tay của con vào vạn vật xung quanh… Đặc biệt, chính là cuộc sống chân thật nhất của Thủy và người thân, nhưng những thước phim đều đẹp như cổ tích.

Thủy chia sẻ: “Tất nhiên những gì “post” (đăng) lên đều đã được chọn lọc và chỉnh sửa, nhưng quan trọng là biết đặt giới hạn ở đâu. Tôi nhận ra rằng giữa thời đại của triết lý “fake it until make it” (Giả vờ cho đến khi bạn thực sự làm được - NV) thì chúng ta đang rất đói những thứ không “gồng”, chân thật và bình dị. Và tại sao những thứ chúng ta làm đời thật không thể đẹp về thẩm mỹ?”.

Và trong kênh của Thủy, những “người lạ” từ khắp nơi trên thế giới tụ tập lại, nhiều lúc bình luận bằng tiếng mẹ đẻ của họ và Thủy phải dùng Google Translate để hiểu. Họ thảo luận, chia sẻ rằng những video ấy đã thay đổi cuộc đời của mình như nào.

Chia sẻ cuộc sống xanh

Trong một clip gần đây nhất của Her86m2, “fan” có nick Elishibe79 đã không ngần ngại bày tỏ: “Video của bạn chỉ khiến tôi mỉm cười và sưởi ấm trái tim mình. Khu vườn của bạn hoàn toàn đẹp! Tất cả những công việc khó khăn và cống hiến đó, thực sự được đền đáp nơi bạn có thể gặt hái phần thưởng của mình và thu hoạch những giỏ “tiền thưởng” đầy rau và trái cây tươi. Và một nơi yên bình để bạn và gia đình tận hưởng”…

Quả thật, có theo dõi thường xuyên Her86m2 mới thấy việc mọi người dành nhiều tình cảm cho Thu Thủy là hoàn toàn có lý do, bởi việc gì cô gái nhỏ nhắn cũng tự xắn tay áo làm, từ nấu nướng, trồng trọt, trang trí dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cô con gái xinh xắn…

Những bữa ăn đẹp đẽ, những chiếc bánh công phu, những vòng hoa trang trí, những ánh nến, những hàng cây trĩu quả, những luống hoa đầy màu sắc rực rỡ, những hàng rau xanh mướt trong vườn, những vật dụng handmade, thậm chí những thùng “phân” bón cây… Thủy đều tự tay làm với tất cả sự say mê lao động, và tính thẩm mỹ vô cùng cao.

“Có thể mọi người không tin đâu, nhưng khi tôi sang Đức du học lúc 19 tuổi, luộc rau tôi cũng không biết. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon và chiều các con nên khi ở nhà không bao giờ phải động tay nấu cơm. Sang đây tôi bị bạn cùng ký túc xá “sỉ nhục” khi đi chợ là không biết thịt này là thịt gì, nên từ đó tôi mới quyết tâm thay đổi”, Thủy chia sẻ. Và nay thì quyết tâm của Thủy có vẻ đi rất xa, bởi những bữa cơm khiến ai cũng phải trầm trồ vì mức độ tinh tế khi chế biến, bày biện.

Và từ những hình ảnh đẹp xinh ấy, Thủy lan tỏa thông điệp sống xanh đến với mọi người. “Tôi cho rằng sống xanh không phải một điều gì quá cao siêu, cũng không yêu cầu sự hoàn hảo. Mỗi người chỉ đơn giản là cố gắng trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, từng chút một. Nhìn lại các video YouTube từ trước đến giờ, tôi có thể tự hào nói rằng lối sống của mình đã trở nên tốt hơn, đôi khi là nhờ kiến thức học thêm được trong khi tìm tòi về những chủ đề mới: bằng việc tự làm các vật dụng trong nhà - nếu có thể, mua đồ cũ thay vì đồ mới - nếu có thể, cắt giảm dần việc ăn thịt…”, Thủy nhận xét.

Ngoài công việc của một YouTuber triệu view, Thu Thủy cùng chồng làm công việc chụp ảnh cưới rất có tiếng ở Đức.

(Nguồn: Thanh Niên)

NỮ PHÓ GIÁO SƯ DẠY TIẾNG VIỆT ĐƯỢC ĐẶC CÁCH CẤP QUỐC TỊCH ĐÀI LOAN

(Ảnh minh hoạ).

Những ngày đầu giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài, trường yêu cầu giảng viên không được dạy bằng tiếng Anh. Vì thế, PGS. TS Trần Thị Lan chỉ có thể dạy tiếng Việt… hoàn toàn bằng tiếng Việt.

PGS. TS Trần Thị Lan (SN 1982) hiện đang là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, giảng viên tại Đại học Cao Hùng (Đài Loan). Đây cũng là ngôi trường đầu tiên tại Đài Loan thành lập khoa Ngữ văn Đông Á, bao gồm 3 tổ là tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt.

17 năm đem tiếng Việt đến gần hơn với sinh viên quốc tế, PGS. TS Trần Thị Lan nói, mục tiêu ban đầu của chị đơn giản chỉ là muốn được “xông pha” và “làm cái gì đó khác đi”. Nhưng càng đi, chị càng thấy mở ra nhiều cơ hội.

“Vì không nghĩ nhiều nên không cảm thấy sợ”

Tốt nghiệp khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chị Lan từng nghĩ sẽ theo đuổi con đường biên tập sách hoặc làm công việc liên quan đến lĩnh vực báo chí.

Nhưng tình cờ, trong quãng thời gian học thạc sĩ, chị biết tới một nữ giảng viên người Thái Lan, là nghiên cứu sinh tại khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.

“Cô nói rằng, hiện ở Thái Lan đang có một trường đại học mới thành lập khoa Tiếng Việt. Nhà trường mong muốn có thể tìm kiếm giảng viên người Việt sang đó giảng dạy, cho nên cô muốn giới thiệu tôi”.

Mặc dù ở thời điểm ấy, chị Lan vẫn chưa hoàn thành chương trình thạc sĩ, nhưng cơ hội tới khiến chị không phải suy nghĩ quá nhiều. Chị cùng một người bạn trong lớp lập tức nộp đơn đăng ký đến giảng dạy tại Trường ĐH Mahasarakham (Thái Lan).

“Quá trình ấy diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình phải xông pha chứ chưa hình dung ra mình sẽ cần phải làm những gì. Có thể vì không nghĩ nhiều nên tôi không cảm thấy sợ”.

Dạy tiếng Việt bằng... tiếng Việt và body language

Ở thời điểm ấy, chuyên ngành tiếng Việt của Đại học Mahasarakham mới chỉ thành lập được khoảng 2 năm. Cả trường chỉ có 3 giảng viên người Việt.

Do chương trình học và giáo trình đều thiếu, nữ giảng viên 8X vừa dạy, vừa phải học thêm nghiệp vụ sư phạm, vừa biên soạn sách.

“Mới sang, tôi không biết tiếng Thái, trường lại yêu cầu giảng viên không được dạy bằng tiếng Anh. Do đó, tôi chỉ có thể dạy tiếng Việt… hoàn toàn bằng tiếng Việt”, TS Trần Thị Lan nhớ lại.

Nhưng thế mạnh của cô giáo tuổi 23 là sức trẻ và sự nhiệt huyết. Khi không thể giải thích bằng ngôn từ, chị lại sử dụng bằng hành động.

“Có lần, học đến từ ‘đấm bốc’, khi tôi miêu tả bằng hành động, học sinh lại hiểu nhầm rằng đó là… “giặt quần áo”. Vì thế, cả lớp được phen cười nghiêng ngả; không khí lớp học cũng trở nên vui vẻ, thoải mái hơn.

Nhờ vậy, sinh viên tiến bộ rất nhanh, hiểu được các từ, cấu trúc câu và biết vận dụng vào ngữ cảnh giao tiếp”, TS Lan nhớ lại.

Tất nhiên, quá trình xây dựng chương trình học từ những “viên gạch” đầu tiên cũng không dễ dàng. TS Lan và các thầy cô trong bộ môn cũng phải tự nghiên cứu, tìm hiểu; vừa dạy, vừa sửa để có một chương trình hoàn chỉnh.

Mong muốn đi xa hơn

Đến năm 2007, khi đã giảng dạy ở Thái Lan được 2 năm, chị Lan nhận ra, nếu muốn tiếp tục gắn bó và phát triển theo con đường này, cần phải học và nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.

Do từng học văn bằng hai chuyên ngành tiếng Trung khi còn ở Việt Nam, chị Lan được một người bạn động viên sang Đài Loan học nếu muốn phát triển việc giảng dạy tiếng Việt.

Thời điểm đó, dù rất muốn ở lại phát triển sự nghiệp tại Thái Lan, nhưng không còn cách nào khác. Một thời gian ngắn sau, tôi bay về Việt Nam làm hồ sơ và nhận được học bổng thạc sĩ tại Đài Loan”, TS Lan nhớ lại.

Cơ hội mở ra trên hành trình nỗ lực

Trong quãng thời gian học thạc sĩ, chị Lan đăng ký xin làm giáo viên tại Trung tâm Ngoại ngữ, khoa Ngoại văn, Đại học Quốc gia Thành Công. Vừa đi dạy, chị vừa tham gia một vài dự án quảng bá văn hóa Việt.

“Thời điểm ấy, ấn tượng của người Đài về người Việt Nam không mấy tích cực. Họ chỉ biết về người Việt là những người sang lao động xuất khẩu hoặc để lập gia đình. Vì vậy, điều tôi cùng nhiều du học sinh Việt tại đây mong muốn là làm thay đổi nhận thức và cái nhìn của họ đối với người Việt”.

Mong muốn phát triển ngành tiếng Việt, chị Lan tiếp tục xin học bổng của chính quyền Đài Loan để theo học chương trình tiến sĩ.

Đến năm 2016, khi Đài Loan chính thức đưa môn Ngôn ngữ Đông Nam Á (bao gồm tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái…) vào khung chương trình học như một ngoại ngữ thứ hai, các trường tiểu học, trung học trên cả nước bắt đầu mở lớp.

Nhu cầu về giáo viên tăng, lúc này, TS Lan được mời làm giảng viên đào tạo giáo viên – là những cô dâu người Việt tại Đài Loan - phương pháp giảng dạy tiếng Việt.

"Trên suốt hành trình ấy, tôi chỉ luôn nỗ lực tiến về phía trước, và cơ hội cứ thế dần mở ra".

Đến năm thứ 2 bậc tiến sĩ, nghe tin ĐH Cao Hùng là ngôi trường đầu tiên mở khoa Ngữ văn Đông Á, đang cần tuyển giáo viên cho tổ Tiếng Việt, mặc dù khi ấy chưa tốt nghiệp tiến sĩ, chị vẫn thử đăng ký và được nhận làm giảng viên.

Hiện tại, PGS.TS Trần Thị Lan vừa là Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Việt Nam của trường, vừa tham gia giảng dạy, nghiên cứu và viết sách về tiếng Việt và Việt Nam học. Ngoài ra, chị cũng thường xuyên làm cầu nối để hợp tác về học thuật, giao lưu và đưa sinh viên đi thực tập tại các trường đại học Việt Nam.

“Điều tôi mong muốn nhất là có thể góp phần nâng cao vị thế của tiếng Việt tại Đài Loan. Ngoài ra, bản thân có thể trở thành cầu nối giao lưu giáo dục, với nhiều dự án kết nối giữa Việt Nam và Đài Loan”.

(Nguồn: Vietnamnet)

CHÀNG TRAI VIỆT KỂ CHUYỆN LÀM NÔNG TRẠI Ở ÚC KIẾM HƠN 200 TRIỆU ĐỒNG/ THÁNG

Tiktoker Công Hùng (Han) đã chia sẻ câu chuyện làm nông trại ở Úc của anh khi kiếm được 200 triệu đồng/tháng và nhận được nhiều sự quan tâm của cư dân mạng.

Là một đất nước nổi tiếng về các loại nông sản, Úc có rất nhiều nông trại, và tuỳ mỗi vùng miền lại có những loại nông trại trồng những giống cây trái khác nhau. Với bản chất nông nghiệp đa dạng như vậy, nghề làm nông trại đã thu hút khá nhiều sắc dân đến Úc tìm cơ hội lập nghiệp, trong đó có người Việt.

Cũng giống như những nghề phổ biến khác của người Việt như làm bánh mì, làm may, thì nghề làm nông trại, hay còn gọi là làm farm, cũng đã từng rất phổ biến trong cộng đồng người Việt từ những thập niên 80, 90.

Điều kiện làm việc cũng đơn giản, chỉ cần người lao động tập trung, chăm chỉ, dành thời gian và sức khỏe là có được một công việc ổn định, lâu dài tại các nông trại, trang trại.

Công việc tại nông trại bắt đầu từ sáng sớm và thường kéo dài từ 8 – 10 tiếng. Nhiều người chọn cách ở lại ngay tại nông trại để đỡ phải đi lại thì phải thức dậy lúc 5 giờ sáng. Còn đối với người ở xa sẽ có xe đưa đón hàng ngày, thì 4 giờ sáng đã phải tập trung để lên xe. Công nhân sẽ phải đóng thêm tiền đi lại như vậy khoảng $50/tuần.

Tiktoker Công Hùng (Han) mới đây đã chia sẻ câu chuyện của mình khi tự làm hồ sơ, không qua môi giới để sang Úc làm nông trại. Anh chia sẻ, tính cả tiền máy bay, anh chỉ mất chưa đến 30 triệu đồng để có một công việc làm ở Úc.

“Mức lương tối thiểu khoảng 26,7 đô/giờ, nếu làm khoán và quy ra giờ có thể lên đến 50 đô/giờ là chuyện bình thường. Để kiếm được 5000 đô/tháng không phải khó nhưng cũng không quá dễ dàng và phải chăm chỉ thời gian đầu thì chắc chắn sẽ gặp vất vả.”, chàng Tiktoker chia sẻ thêm.

Đến với công việc tại trang trại Úc như thu hoạch rau quả ở các nông trại, người Việt tìm được một công việc có mức thu nhập tốt, có thể kiếm tiền ngay cả khi chưa có kinh nghiệm và vốn tiếng Anh ít ỏi. Với những ai làm farm dâu tây, farm măng tây, farm cherry hay nho thì có thể làm ở bất kỳ farm nào, vì đó là các loại farm làm cực nhất, đòi hỏi tính cẩn thận và biết cách thu hoạch, Nên sau khi đã làm farm đó thì xin việc rất dễ. Chủ farm cũng khá thích lao động đến từ Việt Nam, nên chỉ cần chăm chỉ là bạn có thể gắn bó lâu dài với công việc này và mức sống khá tốt.

Trong rất nhiều video của anh, Công Hùng đặc biệt khen ngợi thời tiết ở Úc rất trong lành và tốt cho sức khỏe, anh cho biết một số bạn anh bị xoang nhưng sau một thời gian làm việc ở đây đều thấy tình trạng sức khỏe được cải thiện.

Hiện tại, công việc của anh đang làm là hái quả việt quất. Đây là một loại quả dinh dưỡng, có giá trị cao. Trả lời cho câu hỏi làm nông trại ở Úc có kiếm được hơn 200 triệu/ tháng không, Tiktoker Công Hùng cho biết: “Hoàn toàn có thể. Các bạn mình đã kiếm được hơn 200 triệu, bạn mình là con gái cũng có mức thu nhập gần 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên cũng tùy farm và tùy mùa chứ không phải mùa nào cũng kiếm được nhiều như thế. Tất cả đều phải cố gắng, nỗ lực, chăm chỉ.”

Các nông trại luôn nằm ở những vùng xa nơi có thời tiết luôn nắng và nóng gắt hơn, công việc vì thế mà cũng vất vả hơn, đặc biệt là thu hoạch những loại quả ở thấp phải cúi người lom khom để hái.

“Bao nhiêu năm không quỳ trước ai, không quỳ trước bố mẹ mà giờ đây phải quỳ trước mấy cây này để lấy tiền đây.”, chàng trai đùa vui.

Tuy vẫn còn nhiều câu chuyện về việc bị chủ bóc lột, bị lừa, bị quỵt tiền khi đi làm công nhân ở những nông trại tại nước ngoài. Nhưng dần dần tình hình này đã được cải thiện khá nhiều, khi người lao động đã dần hiểu hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mình để đòi hỏi cũng như bỏ sang làm việc cho các nông trại tốt hơn.

Điều này buộc các chủ farm phải thay đổi chính sách và đối xử công bằng hơn. Công nhân phải biết đòi hỏi quyền lợi cho mình, chẳng hạn người chủ phải cung cấp nón, nước uống trong thời tiết nắng nóng, phải cung cấp găng tay, xe đẩy, những thiết bị bảo hộ lao động. Người chủ biết hết các trách nhiệm đó nhưng đôi khi họ lờ đi để tiết kiệm chi phí.

(Nguồn: Công Thương)

VỤ XẢ SÚNG VÀO SÀN NHẢY ‘KHIẾN CỘNG ĐỒNG VIỆT BỊ DÒ XÉT’

(Ảnh minh hoạ).

Một chủ tiệm làm móng gốc Việt sống ở cách hiện trường vụ xả súng chết chóc ở Los Angeles chỉ vài bước chân nói với VOA rằng vụ việc khiến cho ‘cộng đồng Việt Nam bị mang tiếng với các cộng đồng khác ở Mỹ’ do hung thủ được xác định là người gốc Việt.
Vụ xả súng vào đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão, tức ngày 21/1, tại sàn nhảy có đông người gốc Á Star Ballroom Dance Studio ở khu Monterey Park, thành phố Los Angeles, bang California, đã khiến 11 người thiệt mạng.
Nghi phạm được xác định là ông Huu-Can Tran, 72 tuổi, di dân đến từ Việt Nam. Ông Can đã tự sát một ngày sau đó trong chiếc xe van màu trắng của ông sau cuộc truy đuổi kéo dài của cảnh sát.
Hiện tại, nhà chức trách vẫn chưa xác định được động cơ xả súng của nghi phạm nhưng cuộc điều tra đang tập trung vào ‘mâu thuẫn cá nhân’.
‘Ăn Tết bình thường’
Từ khu Monterey Park, ông Tâm Nguyễn, một chủ tiệm làm móng sinh sống trên đường Alhambra cách hiện trường xảy ra vụ xả súng chỉ 0,25 dặm, nói với VOA vào khoảng 10h tối ngày 21/1 khi nghe thấy tiếng nổ, con trai ông nói với ông rằng: “Ba ơi có tiếng súng.”
“Tôi nói không phải đâu con, người ta đốt pháo đón giao thừa,” ông kể.
Sáng hôm sau, khi thấy tin tức trên tivi về vụ xả súng thì ông mới ‘hết hồn’, ông Tâm cho biết vì nó xảy ra gần sát nhà ông.
Sau đó, ông vẫn chở vợ con đi viếng chùa, coi đốt pháo, múa lân vào sáng ngày mùng Một Tết, ông nói, vì ‘nó bình thường thôi, mọi chuyện đã có Nhà nước lo, không có gì phải sợ’.
“Tôi không sợ tại vì không phải là khủng bố mà chỉ là một người điên khùng thiếu suy nghĩ làm ra thôi,” ông trần tình và cho biết việc đón Tết của cộng đồng ‘không bị ảnh hưởng gì’.
Tuy nhiên, tờ New York Times cho biết các hoạt động vui chơi Tết ở khu vực Monterey Park, một khu vực của người gốc Á ở đông Los Angeles, bị ngưng lại ngay lập tức sau vụ xả súng.
Ông cho biết ‘ngoại trừ nhà chức trách yêu cầu mình làm gì thì mình làm thôi’, còn lại ông ‘vẫn thực hiện những phong tục tập quán ngày Tết của mình’.
“Chuyện đó xảy ra ở nước Mỹ rất bình thường, cộng đồng nào cũng vậy.”
Theo lời ông Tâm thì ông bị bất ngờ khi biết thủ phạm làm một người gốc Việt. “Tôi không nghĩ một ông già mà đến nỗi điên khùng đến như thế mà đi làm chuyện đó. Quá ngu xuẩn,” ông nói.
“Nếu có gì uất ức chịu không nổi thì tự mình xử trong gia đình mình thôi. Sao đi bắn người vô tội? Quá dã man,” ông nói thêm.
‘Khiến cộng đồng mang tiếng’
Theo lời ông thì đó giờ cộng đồng Việt cũng xảy ra một số vụ xả súng nhưng không đến mức có nhiều người chết như vậy. “Xả súng hàng loạt đó giờ chỉ có ở người của các cộng đồng khác thôi, ai ngờ cộng đồng Việt Nam cũng nhiễm thói hư tật xấu như vậy,” ông nói.
Ông nhận định cộng đồng Việt Nam ‘rất hiền hòa, chỉ biết đi làm, đi cày, tận hưởng cuộc sống’.
“Mình đến xứ sở tự do có luật pháp chứ có phải vô pháp đâu mà muốn cầm súng bắn ai thì bắn,” ông giãi bày.
Theo lời người chủ tiệm nail này thì sau khi vụ việc xảy ra, các khách hàng đến tiệm của ông đều hỏi thăm về vụ việc, chẳng hạn như ‘thủ phạm là người thế nào?’, ‘có phải do ghen tuông không hay có vấn đề tâm lý?’ Tuy nhiên, ông nói ông không cho nhân viên của ông bàn tán về chuyện này với khách khi làm việc.
“Vụ việc xảy ra như vậy làm cho cộng đồng bị mang tiếng lắm,” ông nói. Tuy nhiên, ông bày tỏ tin tưởng rằng ‘đa số người Mỹ hiểu rằng cộng đồng Việt Nam chỉ thuần túy làm ăn, kiếm tiền’.
Khi được hỏi ý kiến về quyền sở hữu súng đạn, ông Tâm nói bản thân ông là người có súng nên ông ‘phản đối việc cấm bán súng đạn’.
“Hiến pháp đã ghi rất rõ. Tự do là tự do. Nếu cấm súng thì những vùng xa xôi có chuyện gì gọi cảnh sát mấy tiếng đồng hồ cảnh sát mới tới thì làm sao người ta tự vệ,” ông Tâm lập luận.
Ông đổ lỗi vụ xả súng của ông Huu-Can Tran là do nhà chức trách không làm công việc kiểm tra nhân thân kỹ lưỡng khiến súng đạn rơi vào tay không đúng người.
Do thù hằn cá nhân?

Ông Huu-Can Tran sống trong một khu nhà di động dành cho người từ 55 tuổi trở lên có tên là Lakes at Hemet West, nằm đối diện một cánh đồng trồng trọt và một trung tâm mua sắm.

Gần đây ông Can đã đến đồn cảnh sát ở thành phố Hemet — nơi ông sống cách Monterey Park khoảng 80 dặm về phía đông — để trình báo rằng gia đình ông đã đầu độc ông và dàn dựng một vụ lừa đảo để lấy tiền của ông, ông Alan Reyes, phát ngôn nhân của Sở cảnh sát Hemet được New York Times dẫn lời nói.

Ông cho biết ông Can đã đến đồn cảnh sát hai lần để trình báo — vào các ngày 7 và 9/1— và được yêu cầu về lấy bằng chứng. Nhưng ông ấy đã không quay lại.

Cảnh sát đã khám xét nhà ông Can vào ngày 22/1 và đã thu giữ một khẩu súng trường, một số thiết bị điện tử, lượng lớn đạn dược và các vật dụng mà các nhà điều tra tin rằng ông Can đang sử dụng để chế tạo bộ phận giảm thanh cho súng, Cảnh sát trưởng Hạt Los Angeles, ông Robert Luna cho biết hôm 23/1.

Ông cũng nói rằng ông Can đã bị bắt vào năm 1990 vì sở hữu súng bất hợp pháp, cũng theo New York Times.

Cảnh sát trưởng Luna cho biết các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định động cơ và họ đang xem xét khả năng tư thù cá nhân hoặc ghen tuông. Ông nói vẫn chưa rõ liệu ông Can có liên hệ với các nạn nhân hay không. “Chúng tôi nghe nói có thể có liên hệ nào đó, nhưng tôi chưa thể xác nhận,” ông nói.

Ông Can, vốn sinh ra ở Việt Nam, theo hồ sơ di trú, dường như đã di dân sang Mỹ vào cuối những năm 1980. Ông đã nhập tịch vào năm 1990 hoặc 1991. Ông kết hôn vào tháng 6 năm 2001 và ly dị vào tháng 5 năm 2006, theo hồ sơ tòa án.

Vài năm trước ông thường xuyên có mặt tại phòng nhảy nơi xảy ra vụ xả súng và thường có hiềm khích với những người ở đó, trong lòng nuôi nỗi bất bình trong nhiều năm, theo một người đàn ông từng là bạn với ông Can và đã đến Star Ballroom một vài lần cùng với ông ta.

“Tôi rất ngạc nhiên,” người này, có tên là Adam Hood, nói về cảm giác của ông khi nghe tin về vụ thảm sát. “Nhưng đồng thời, tôi cũng không ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên, vì đây là vụ thảm sát khủng khiếp, rằng ai đó có thể gây ra vụ này. Khi tôi nói rằng tôi không ngạc nhiên, bởi vì nếu tôi biết rõ về ông ta thì tôi biết chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra.”

(Nguồn: VOA)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Lễ chùa đầu năm; Món ăn được chờ ở Mỹ; Kiều bào ở Đức; Lan tỏa văn hóa ở Mỹ; Tiếng nói ở Czech ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang