Người Việt hải ngoại: Hội trí thức ở Đài Loan; Ngày thầy thuốc ở Nga; Đổi đời nhờ YouTube; Mong Ukraine sớm hòa bình

RA MẮT HIỆP HỘI KIỀU BÀO TRÍ THỨC VIỆT TẠI ĐÀI LOAN, TRUNG QUỐC

(Ảnh minh họa).

Hiệp hội nhằm tập hợp và phát huy hiệu quả các nguồn lực trí thức trong việc đóng góp, cống hiến và kết nối, tạo nên sức mạnh của kiều bào, gắn kết với những chiến lược phát triển của Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc).

Đại hội thành lập Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan, nhiệm kỳ 1(2022-2023) vừa chính thức diễn ra tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc).

Gửi lời cảm ơn tới các thành viên trong Ban vận động sáng lập, thạc sĩ-giảng viên Ngô Phẩm Trân - người sáng lập, kiêm Chủ tịch danh dự của Hiệp hội, cho biết, Hiệp hội ra đời nhằm cũng cố sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, tập hợp nguồn lực trí thức để cùng lan tỏa và phát triển trong việc hỗ trợ kiều bào Đài Loan và gắn kết với các hoạt động song phương Việt Nam-Trung Quốc.

"Cộng đồng người Việt ở Đài Loan ngày càng lớn mạnh. Đã đến lúc cần có một tổ chức có uy tín gắn kết những nhân tài đất Việt để phát triển và khẳng định vị thế người Việt nơi đất bạn, cùng hướng về quê hương.

Đó là tôn chỉ và sứ mệnh ngay từ đầu khi tôi và Ban vận động sáng lập Hiệp hội. Hy vọng các thành viên Hiệp hội sẽ cùng giữ gìn sứ mệnh này, phát huy, tiếp nối và lan tỏa tới các thế hệ tiếp theo”, bà Ngô Phẩm Trân chia sẻ.

Đại hội đã thông qua điều lệ, phương hướng hoạt động, bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ I. Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan nhiệm kỳ I được tín nhiệm và bầu chọn là PGS.TS Nguyễn Thị Lan.

Bà Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Dưới sự dẫn dắt của Ban cố vấn, chúng tôi mong muốn trí thức trẻ, những người Việt đang sinh sống và làm việc ở Đài Loan cùng nắm tay nhau vừa giúp đỡ cộng đồng người Việt tại Đài Loan, vừa làm cầu nối để thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba có sự kết nối với quê hương Việt Nam.

Từ những hội viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, bằng các hoạt động thiết thực và ý nghĩa, Hiệp hội sẽ có những bước đi đầu tiên trong năm 2023 là tập trung vào các lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ thứ ba, phổ biến kiến thức y khoa, giúp đỡ người Việt ở Đài Loan khởi nghiệp, hoạt động hướng về quê hương.

Tôi rất vinh dự và tự hào được Ban chấp hành tín nhiệm và bầu chọn vào vị trí Chủ tịch ở nhiệm kỳ đầu tiên. Chúng tôi nhất định sẽ cùng nhau cố gắng”.

Đại hội Hiệp hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan lần thứ nhất thành công tốt đẹp với thảo luận sôi nổi để cùng nhau đẩy mạnh hoạt động và phát triển trong thời gian tới.

(Nguồn: Quê Hương Online)

Kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam tại Liên bang Nga

Tối 27/2, tại thủ đô Moscow, Hội Y dược cùng với Chi hội Đông y Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Tới dự lễ kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam có sự hiện diện của ông Phạm Thăng Long, Tham tán, Chánh Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, đại diện Hội người Việt, một số hội nghề nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội Đồng hương, các bác sĩ, y sĩ Hội Y dược và Chi hội Đông y Việt Nam tại Nga.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, bác sỹ Hoàng Xuân Mai, Chủ tịch Hội Y dược Việt Nam tại Nga đã điểm lại lịch sử ra đời của ngày Thầy thuốc Việt Nam cách đây 68 năm, đồng thời nhắc lại những lời căn dặn của Bác Hồ đối với mọi cán bộ, nhân viên ngành y, các y, bác sỹ.

Bác sỹ Hoàng Xuân Mai nhấn mạnh rằng, lễ kỷ niệm là một dịp để các bác sỹ, y sỹ, lương y giao lưu, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, thấm nhuần ý nghĩa và trách nhiệm cao quý của nghề thầy thuốc, để không ngừng nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ tịch Hội Y dược Việt Nam tại Nga Hoàng Xuân Mai khẳng định, sức khoẻ là vốn quý nhất của con người và Hội Y dược luôn sẵn sàng phục vụ cộng đồng người Việt tại Nga khi cộng đồng cần đến.

Cũng tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Hội Y dược, Chủ tịch Chi hội Đông y Việt Nam tại Liên bang Nga Trần Đức Trung thể hiện sự trăn trở, tìm kiếm các giải pháp để quảng bá mạnh mẽ hơn nền y học Việt Nam, nhất là Đông y tới các bạn bè quốc tế và bạn bè Nga. Bác sĩ, lương y Trần Đức Trung cho biết, các bạn Nga cũng đánh giá rất cao nền y học cổ truyền của Việt Nam trong chữa bệnh cứu người.

Thay mặt Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Chánh Văn phòng Phạm Thăng Long cảm ơn và ghi nhận sự đóng góp của các bác sỹ, lương y trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Nga, khẳng định Hội Y dược và Chi hội Đông y Việt Nam tại Nga đã tích cực chung tay, giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng, đồng thời góp phần quảng bá nền y học Việt Nam, nhất là Đông y tới các bạn bè quốc tế và bạn bè Nga.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đại diện Hội người Việt, đại diện các tổ chức hội và một số Hội đồng hương đã dành những lẵng hoa tươi thắm và những lời chúc mừng tốt đẹp tặng những người thầy thuốc Việt Nam đang làm việc tại Nga. Các đại diện cũng bày tỏ sự tri ân về những đóng góp của các thầy thuốc xa quê, đồng thời thể hiện mong muốn Hội y dược và Chi hội Đông y Việt Nam tại Nga sẽ ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn trong công cuộc chữa bệnh cứu người không chỉ đối với cộng đồng người Việt, mà còn đối với bạn bè quốc tế và bạn bè Nga./.

(Nguồn: VOV)

5 cô gái Việt lấy chồng nước ngoài, đổi đời nhờ làm YouTube, thu nhập khiến nhiều người ước ao

(Ảnh minh họa).

Lựa chọn con đường làm Youtube, nhiều phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc có thêm nguồn thu nhập, giúp cuộc sống ổn định hơn nơi đất khách quê người.

Quỳnh Trần JP - Từng chịu nỗi đau mất con giờ giàu có, sung túc viên mãn

Chắc hẳn nhiều người không còn xa lạ gì với cái tên Quỳnh Trần JP và kênh Youtube “Quỳnh Trần JP & Family - Cuộc sống ở Nhật Bản". Từ nửa cuối năm 2019, Quỳnh Trần JP nổi lên như một hiện tượng mạng đình đám với hình ảnh ăn uống “ngập miệng” và nấu nướng. Quỳnh Trần hiện đang sinh sống tại Ota-ku (Tokyo, Nhật Bản) cùng chồng và con trai.

Một video chia sẻ quá trình làm món ăn trên kênh YouTube của YouTuber Quỳnh Trần JP

Kênh Youtube của Quỳnh Trần JP được yêu thích nhờ nội dung vui vẻ, lành mạnh về cuộc sống gia đình tại Nhật Bản. Để có được sự viên mãn và thành công như hiện tại, Quỳnh Trần JP từng trải qua gian nan không chỉ vì làm dâu xứ người, khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá mà còn là nỗi đau mất con.

Trước khi có bé Sa, Quỳnh Trần JP từng 1 lần vượt cạn nhưng chỉ sau vài tiếng chào đời em bé ngừng thở. Sau khi mất con, chị khóc đến mức mắt mờ đi. Khoảnh khắc nhìn những bà mẹ khác ôm con bú, sau đó là được ôm đứa con kháu khỉnh xuất viện về với gia đình khiến nữ Youtuber càng thêm đau lòng. Mãi tới lần thụ tinh nhân tạo thứ 4, vợ chồng Quỳnh Trần JP mới có được bé Sa.

Kênh Youtube của Quỳnh Trần JP hiện tại có hơn 4,24 triệu lượt đăng ký với hơn 1,7 tỷ lượt xem. Thành công nhờ Youtube, cuộc sống của Quỳnh Trần JP bước sang trang mới. Vào năm 2022, con số thống kê thu nhập từ Youtube của Quỳnh Trần JP rơi vào khoảng 3,3 - 53 tỷ đồng/năm.

Thời gian gần đây, Quỳnh Trần JP gây chú ý khi chi tiền chỉnh sửa lại vẻ ngoài. Cùng với đó nữ Youtube mở công ty riêng, mua biệt thự sân vườn với giấy tờ chính chủ ở Nhật Bản, “tậu” xe sang tiền tỷ, mua đất tại Việt Nam…

Gia đình của Quỳnh Trần JP thường xuyên đi du lịch đến nhiều địa điểm sang trọng, ăn uống các món sơn hào hải vị. Theo một số thông tin, chồng của Quỳnh Trần JP đã nghỉ làm ở nhà phụ vợ những công việc như làm giấy tờ, khiêng đồ, đi chợ…hỗ trợ cho việc quay Youtube.

Yewon Kiều Tiên - Lấy "oppa" Hàn Quốc được gia đình chồng cưng chiều, làm Youtube mua xế hộp tặng chồng

Kênh Youtube Yewon TV của bà mẹ 2 con Nguyễn Kiều Tiên (Kiên Giang) chiếm sóng mạng xã hội không kém. Sở hữu lượng người theo dõi rất lớn, nhưng trước khi có được thành công như hiện tại, chị Kiều Tiên từng phải trải qua không ít khó khăn.

Chị Kiều Tiên và chồng quen nhau qua mai mối. Kết hôn khi mới 19 tuổi, chị sang tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc) chung sống với gia đình nhà chồng. Những khó khăn ban đầu chị Kiều Tiên phải trải qua là sự bất đồng ngôn ngữ, văn hoá, cái lạnh cắt da cắt thịt…Nhưng may mắn có gia đình nhà chồng yêu thương, mẹ chồng tâm lý và ông xã yêu thương vợ con.

Sau hơn 10 năm kết hôn, chị Kiều Tiên và chồng có với nhau 2 người con (1 trai 1 gái). Khi cuộc sống làm dâu xứ người ổn định, chị Kiều Tiên bắt đầu làm nội dung trên Youtube. Những video có nội dung phong phú, gần gũi, xoay quanh cuộc sống thường ngày như nấu ăn, thử thách chồng ăn sầu riêng, mắm tôm…

Nhờ làm Youtube và nổi tiếng, chị Kiều Tiên và chồng sở hữu khối tài sản “khủng”. Theo số liệu từ Social Blade, với kênh Youtube hiện có hơn 1,37 triệu lượt đăng ký, mỗi tháng chị Kiều Tiên thu về 1.500 - 23.400 USD (khoảng 35,6 - 556,1 triệu đồng) và mỗi năm từ 17.500 - 280.400 USD (khoảng 415,8 - 6,6 tỷ đồng).

Nhờ khoản thu nhập đáng mơ ước này, chị Kiều Tiên không ngần ngại chi tiền mua xế hộp, tận hưởng cuộc sống thoải mái, thường xuyên đi du lịch, mua sắm. Chị Kiều Tiên từng tặng chồng một chiếc xe hơi trị giá 800 triệu đồng, đến tháng 10/2021 lại tiếp tục chi 2,8 tỷ đồng tậu thêm một chiếc xe sang.

Cuộc sống hạnh phúc viên mãn hiện tại của chị Kiều Tiên khiến nhiều người ngưỡng mộ. Cô gái miền Tây lấy chồng Hàn nhờ mai mốt giờ có gia đình hạnh phúc, tài chính ổn định và cuộc sống thoải mái tại xứ sở kim chi.

Bà Nhân Vlog kiếm tiền tỷ từ Youtube đem đi từ thiện, gian nan tìm con sau hơn 5 năm kết hôn

Nổi lên với các video hướng dẫn nấu ăn cũng như cuộc sống vợ Việt Nam chồng Nhật Bản, chị Đức Nhân (Bà Nhân Vlog) được công chúng chú ý bởi cách nói chuyện thẳng thắn, cùng câu chuyện đi lên từ khó khăn, cơ cực. Sau khi lấy chồng Nhật Bản, cuộc sống của chị Đức Nhân bước sang trang mới, được chồng yêu chiều, sự nghiệp cũng phát triển nhờ kênh Youtube hiện có hơn 755.000 lượt đăng ký.

Hiện tại nguồn thu từ kênh Youtube của chị Đức Nhân không hề nhỏ, mỗi năm dao động từ 413 triệu đồng - 6 tỷ đồng (theo số liệu từ Social Blade). Khi cuộc sống dư dả, chị Đức Nhân quay về báo hiếu cho mẹ, tuổi thơ cơ cực, phải sống cảnh thiếu thốn, mơ ước có một ngôi nhà tưởng chừng như xa vời nay trở thành sự thật.

Cùng sự giúp đỡ từ chồng, chị Đức Nhân mua được 2 căn nhà tiền tỷ tặng mẹ. Đồng thời với đó là tích cực chi tiền làm đẹp, can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ để nhan sắc hoàn thiện hơn.

Số tiền kiếm được từ mạng xã hội cũng được chị Đức Nhân sử dụng cho hoạt động từ thiện. Những chuyến đi hỗ trợ trẻ em vùng cao ở Việt Nam hay đến châu Phi giúp đỡ bà con nghèo được nữ Youtuber chia sẻ chi tiết, thu hút sự quan tâm.

Dù hiện tại có cuộc sống dư dả, sung túc nhờ làm Youtube, nhưng chị Đức Nhân vẫn còn một điều chưa vẹn tròn đó là thiên chức làm mẹ. Vì chậm có con tự nhiên, vợ chồng chị Đức Nhân nhờ đến sự can thiệp của y học, tốn kém rất nhiều tiền bạc nhưng niềm vui vẫn chưa đến.

Trang Miu - Mẹ đơn thân lấy "trai tân" giàu có người Pakistan, con gái xinh như búp bê

Câu chuyện tình của chị Thuỳ Trang (Lào Cai) và chồng người Pakistan được ví như cổ tích. Trước khi đến với ông xã hiện tại, chị Trang là mẹ đơn thân nuôi 1 cậu con trai. Năm 2014, cả hai quen nhau thông qua mạng xã hội, chỉ sau 1 tháng tìm hiểu quyết định về chung nhà. Điều đặc biệt là sau khi cưới nhau, chị Trang mới biết gia đình chồng thuộc dạng giàu có tại Pakistan

Vì nhà chồng theo đạo Hồi nên chị Trang chủ động tìm hiểu và sống theo chồng, dần hình thành thói quen không ăn thịt lợn, không mặc hở hang quá nhiều. Hiện tại chị Trang cùng chồng và các con đang sinh sống tại Nhật Bản.

Trong hành trình tìm được hạnh phúc, chị Trang và ông xã nếm trải không ít nỗi đau khi 2 lần mất con do thai ngoài tử cung. Sau quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm đầy gian nan, đến năm 2017 vợ chồng chị Trang chào đón bé gái xinh xắn chào đời.

Chị Trang bén duyên với TikTok và mạng xã hội từ cách đây hơn 3 năm và được ông xã ủng hộ và tôn trọng. Dù không thích xuất hiện trong video nhưng vì vợ thích, anh cố gắng góp mặt để khiến nội dung trên kênh đa dạng hơn.

Trang fanpage “TrangMiu Japan” của chị Trang hiện có gần 400.000 lượt theo dõi, kênh TikTok hơn 908.000 lượt follow cùng kênh Youtube có hơn 278.000 đăng ký. Những nội dung trên kênh của chị Trang chủ yếu về cuộc sống gia đình, ẩm thực, khoảnh khắc đáng yêu của con gái và con trai cùng những chuyến đi về Pakistan khám phá văn hoá ở đất nước này.

Những video có hàng triệu lượt xem đem về cho chị Trang nguồn thu nhập ổn định, cùng với đó là hoạt động kinh doanh online được nhiều người ủng hộ. Ngoài ra, việc lập lập kênh Youtube chia sẻ về gia đình, vừa để lưu giữ những kỷ niệm đáng quý hàng ngày của các con.

Hồng Ánh - Nàng dâu từng bị trầm cảm sau sinh, không thể nói chuyện với bố mẹ chồng giờ được cưng chiều hết mực

Hành trình làm dâu Malaysia của chị Hồng Ánh (Bình Dương) trải qua nhiều cảm xúc thăng trầm. Tình cờ gặp chồng trong một lần đi Singapore, kết cô gái Việt Nam khiến chàng trai Malaysia liên tục bay đi bay về giữa 2 nước để tán tỉnh, hẹn hò. Cả hai hẹn hò được khoảng 1 năm thì kết hôn, đám cưới diễn ra vào năm 2016.

Quyết định lấy chồng xa nhà với chị Hồng Ánh đầy khó khăn, bị cha mẹ ngăn cản khi không muốn con xa xứ vì gia đình chỉ có 2 cô con gái, trong đó chị cả đã định cư ở Pháp.

Chị Hồng Ánh cho biết thời gian đầu mọi thứ đều bỡ ngỡ vì khác biệt về môi trường sống, văn hoá, ẩm thực, ngôn ngữ khiến vợ chồng thường xuyên cãi vã, đồng thời hầu như không giao tiếp được với bố mẹ chồng. Khi sinh con gái đầu lòng, chị Hồng Ánh bị trầm cảm. Mẹ đẻ nghỉ việc ở Việt Nam sang Malaysia chăm cháu và nhiều lần chứng kiến vợ chồng con gái cãi nhau. Chị Hồng Ánh cho biết đây là điều khiến chị hối hận nhất khi nghĩ lại.

Sau nhiều năm khi dần thích nghi với cuộc sống mới, chị Hồng Ánh cũng tìm được niềm vui nhờ bén duyên với việc làm video chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikToker. Những hoạt động hằng ngày như nấu ăn, đưa đón con đi học, ẩm thực Malaysia…được chị Hồng Ánh chia sẻ chi tiết khiến người xem thích thú.

Hiện tại chị Hồng Ánh sở hữu fanpage “JBLife - Cuộc sống ở Malaysia” có hơn 300.000 lượt theo dõi, con số này trên TikTok là 16.000 và kênh Youtube hơn 3.000 lượt đăng ký. Công việc chính hiện tại của chị Hồng Ánh là sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Nó vừa giúp kiếm thêm thu nhập vừa tạo niềm vui trong cuộc sống. Mong muốn của chị Hồng Ánh là có thể mua nhà tại Malaysia để đón ba mẹ sang phụng dưỡng. Hiện tại chị vẫn đang sống cùng gia đình nhà chồng và nhận được sự yêu mến của bố mẹ chồng.

(Nguồn: Phụ nữ & Pháp luật)

Người Việt ở Ukraine mong mỏi ngày hòa bình trở lại

Khi xung đột nổ ra, ông Nguyễn Như Mạnh (63 tuổi) đã chọn bám trụ lại thành phố Odessa (Ukraine), trong khi vợ và con cháu của ông đã sơ tán đến đất nước khác. Một năm trôi qua, ông và người Việt ở thành phố này đã dần quen với chiến sự, nhưng ký ức về buổi sáng kinh hoàng hôm đó vẫn còn nguyên vẹn.

Ông Mạnh chia sẻ: “5 giờ sáng hôm ấy nghe tiếng nổ, không hiểu tiếng nổ gì và nổ rền luôn. Tiếp đó là những cú điện thoại của những anh em đồng nghiệp công tác xã hội ở Kharkiv và Kyiv gọi về bảo ở chỗ chúng tôi bị tấn công rồi. Gia đình các con đang sum họp, các con đang đi học làm việc bình thường, ngày mai thì chả có ai xung quanh. Và những vụ pháo nổ, những vụ người bị thiệt mạng. Đấy là những kỷ niệm tôi nghĩ là khó quên lắm, nặng nề lắm".

"Trừ những bà con về với Việt Nam, với vòng tay gia đình, thì mọi người tạm quên đi nỗi lo lắng. Còn những người sang châu Âu thì mọi người lo sợ lắm, mọi người không biết là cuộc chiến này dài bao nhiêu. Các cháu đến nơi mới cũng chưa hội nhập được. Còn những người ở lại thì cũng lo sợ chứ, những tháng đầu bom đạn bay trên đầu hàng ngày, rồi những tiếng báo động, rồi công việc thì gián đoạn, điện nước thì mất”, ông nói thêm.

Ông Mạnh chia sẻ, gia đình đang đông đủ thì bỗng dưng mỗi người một nơi, chỉ mình ông ở lại cũng có những lúc rất buồn và cô đơn. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm, động viên của gia đình, bạn bè và đồng hương, ông đã vượt qua thời gian khó khăn nhất. Tình đoàn kết của cộng đồng người Việt ở xứ người cũng đã giúp ông có thêm động lực bám trụ kiên cường ở Odessa.

"Tôi là cựu sinh viên trường Đại học Y Odessa, cho nên khi chiến sự xảy ra, những người từng học ở Đại học Y Odessa lập ra nhóm liên lạc và thường xuyên liên lạc hỏi thăm chúng tôi, rất là cảm động. Tình cảm của gia đình, địa phương, quê hương, chúng tôi nhận được sự động viên, ủng hộ rất tốt", ông nói.

Vì chiến sự, người đàn ông 63 tuổi này phải xa cách vợ con. Họ chỉ biết gọi cho nhau mỗi khi thấy nhớ. Ông luôn chờ đến dịp lễ tết để được đến thăm họ ở Đức và Đan Mạch.

"Nói chung những ngày đầu thì mọi người rất là buồn và mọi người cũng lo lắng không biết bao giờ lại gặp nhau, bao giờ được đoàn tụ. Thế nhưng, bây giờ mọi người đã xác định rồi, bây giờ mình cố gắng làm sao chờ các dịp nghỉ hè, Noel, nghỉ Tết mình tập trung gia đình năm nay ở điểm này, năm sau ở điểm khác. Mùa hè chúng tôi cũng gặp nhau ở Đan Mạch, nơi bà xã tôi đang lánh nạn ở đó. Còn mùa đông, Noel và Tết dương lịch, gia đình tôi tập trung ở Đức, nơi con tôi đang làm việc. Như vậy thì mình giải quyết được vấn đề tâm lý và động viên lẫn nhau", ông kể lại.

Theo ông Mạnh, cuộc sống hiện giờ cũng có nhiều bất tiện nhưng đã ổn hơn nhiều so với những ngày đầu chiến sự. Đặc biệt, người dân cũng đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến kéo dài.

Ông cho biết: "Nhìn chung cuộc sống mọi người đã ổn định dần dần, tinh thần mọi người đã ổn định dần dần”.

Ông nói: “Thứ nhất là những người ở Việt Nam đã dần dần quay trở lại Ukraine. Phần đông mọi người tiếp tục bám trụ và kinh doanh. Còn với người ở lại, hoàn cảnh địa phương cũng có nhiều thay đổi. Những ngày 3-6 tháng đầu, tình hình an ninh rất nguy hiểm. Chúng tôi chứng kiến những người dân địa phương chết vì bom đạn và cái gì cũng thiếu, xăng dầu đi lại rất khó khăn. Nhưng bây giờ nó đã khác. Ví dụ 5-6 tháng về trước, mua xăng dầu rất khó, nhiều khi xếp hàng cả ngày mới mua được 5-10 lít xăng. Nhưng mà xăng dầu bây giờ thì lại thừa mứa, mọi người còn được bán những đợt giảm giá nữa. Còn thực phẩm thì giá lại rẻ hơn 20-30%. Về đi lại, giao thông thì tương đối thuận tiện. Còn các cháu học sinh thì ngoài đi học chương trình online của chính phủ thì các phụ huynh cũng tổ chức mời các thầy cô giáo địa phương đến dạy cho các cháu”.

Ông Mạnh cho biết người Việt ở đây thích nghi rất nhanh và rất lạc quan nên có thể khắc phục những khó khăn do chiến sự: "Tất nhiên là cái khó khăn nhất trong sinh hoạt là điện vì cơ sở điện bị tấn công, có khi bị mất 2-3 ngày liền. Có ngày chỉ có 2-3 tiếng có điện thôi. Thế nhưng người Việt mình ở đây thích ứng rất nhanh. Ở Odessa này cộng đồng mình có Làng Sen, có 300 căn hộ của người Việt Nam mình, mọi người mua sắm những trang thiết bị, mua cả những máy đắt tiền, máy nổ cho 300 căn hộ để đề phòng mất điện kéo dài. Mọi người nhân thời gian rảnh rỗi để tu sửa căn hộ của mình, những công trình phụ của làng mình tốt hơn. Và công việc làm ăn thì mọi người thích ứng rất nhanh, kết nối lại với những bạn hàng cũ và những người địa phương để buôn bán trở lại”.

Với ông Mạnh, Odessa không chỉ là nơi sinh sống, mà còn là quê hương thứ hai. Ước muốn duy nhất của người đàn ông này là chiến sự kết thúc và tất cả mọi người đều được sống trong bình yên, hạnh phúc.

"Chiến sự xảy ra thì bọn mình tin là nó sẽ kết thúc và một ngày nào đó gia đình mình lại đoàn tụ", ông nói.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang