Người Việt hải ngoại: Hội thảo khoa học tại HQ; Cuộc sống khi rời Ukraine; Đưa ẩm thực tới Israel; Giải quần vợt ở Nga

HỘI THẢO “CÁC NHÀ KHOA HỌC TRẺ VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC 2022”

(Ảnh minh hoạ).

ACVYS lần thứ 8 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng sự phối hợp của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đà Nẵng.

Ngày 11/12, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) đã tổ chức Hội thảo “Các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc (ACVYS) 2022 trong khuôn viên Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Seoul (SeoulTech). Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 15 năm thành lập Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ACVYS lần thứ 8 này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng sự phối hợp của Hội Sinh viên Việt Nam tại Đà Nẵng.

Hội thảo đã thu hút hàng trăm nhà khoa học, nghiên cứu sinh, cùng các sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập, sinh sống tại Hàn Quốc. Ban tổ chức đã nhận được gần 100 bài đăng ký báo cáo thuộc các lĩnh vực, trong đó có các báo cáo viên đến từ Hội Sinh viên Việt Nam tại Đà Nẵng.

Hội đồng khoa học tại hội thảo gồm các giáo sư, tiến sĩ dày dặn kinh nghiệm về học thuật và nghiên cứu, đã chọn 7 chuyên đề báo cáo thuộc các lĩnh vực: vật lý, năng lượng và khoa học vật liệu, khoa học sự sống và y sinh, hóa học và kỹ thuật hóa học, khoa học máy tính – công nghệ thông tin và truyền thông, kỹ thuật xây dựng và kết cấu.

Ngoài ra, giải thưởng Nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc (VYSK 2022) do Ban tổ chức phát động cũng nhận được 24 hồ sơ sáng giá. Hội đồng khoa học đã chọn ra 5 nhà khoa học trẻ xuất sắc tại 5 lĩnh vực gồm công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ vật liệu mới; công nghệ y dược và công nghệ môi trường.

Đánh giá cao nỗ lực tổ chức hội thảo của VSAK, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng nhấn mạnh cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng lớn mạnh. Đây là nguồn nhân lực tri thức chất lượng cao góp phần quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều sự kiện giao lưu để thắt chặt mối quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển giáo dục, khoa học và kỹ thuật.

Hội thảo năm nay của VSAK còn nhận được phát biểu chúc mừng của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. Trong phát biểu chúc mừng, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng gần 70.000 du học sinh tại Hàn Quốc là nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp cho đội ngũ trí thức, khoa học của Việt Nam. Với mục tiêu tạo sân chơi cho các nhà khoa học trẻ, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất, chia sẻ niềm đam mê, Hội thảo thường niên do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức rất đáng khích lệ.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy mong sự kiện này ngày càng thu hút được nhiều du học sinh, đặc biệt là đội ngũ nghiên cứu sinh tham gia. Ông bày tỏ hy vọng sau thời gian học tập, nghiên cứu tại Hàn Quốc, các du học sinh sẽ ứng dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu có được để phục vụ đất nước.

Chia sẻ về hội thảo, anh Trần Thiện Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết ACVYS được tổ chức thường niên nhằm đề cao và thúc đẩy vai trò quan trọng của khoa học đối với đời sống xã hội, con người và lợi ích của cộng đồng trong các lĩnh vực khoa học. VSAK mong muốn thông qua hội thảo góp phần hình thành một mạng lưới nghiên cứu bền vững nhằm tiếp tục đẩy mạnh nền khoa học của nước nhà.

Theo anh Trần Thiện Quang, hội thảo còn đóng vai trò là cầu nối cho các nhà tuyển dụng và sinh viên Việt Nam gặp gỡ, trao đổi thông tin tuyển dụng. Hội thảo đem đến cho các sinh viên tham gia cơ hội ứng tuyển, phỏng vấn tuyển dụng với những đơn vị doanh nghiệp lớn như LG Display Vietnam Hai Phong, Amkor Technology Korea, ... Từ đây, kết nối tuyển dụng nguồn tri thức trẻ và tiềm năng nhằm cung cấp việc làm và thúc đẩy phát triển khoa học, phát triển kinh tế nước nhà.

Qua 7 năm tổ chức, hội thảo trở thành một điểm hẹn cho các nhà khoa học trẻ, chuyên gia Việt Nam và nước ngoài giao lưu, hợp tác nghiên cứu và ứng dụng các dự án trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ vào thực tiễn.

(Nguồn: Quê Hương Online)

NGƯỜI VIỆT RỜI UKRAINE: TỪ CHỦ THÀNH NGƯỜI LÀM THUÊ, CUỘC SỐNG ĐẢO LỘN

(Ảnh minh hoạ).

"Có lần người quen cho mấy cái bát ăn cơm, mẹ tôi mang về mà nằm khóc, không nghĩ có ngày đến cái bát cũ còn phải cầm về như vậy", Mai Trang kể về những ngày đầu sang Ba Lan tị nạn.

Ngày 24/2, Nga chính thức mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Kể từ thời điểm đó đến nay, đã có khoảng 9,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa tại quốc gia này để đi lánh nạn nhằm bảo toàn tính mạng cho bản thân và gia đình.

Trước thời điểm xảy ra chiến sự, ước tính có gần 7.000 người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine. Họ tập trung tại một số thành phố như Kiev, Kharkiv, Odessa, Kherson, Donetsk, Lviv.

Từ cuối tháng 2, theo dòng người tị nạn, hàng nghìn người Việt cũng phải di tản sang các nước châu Âu hoặc theo các chuyến bay về nước.

Một phụ nữ thất thần ngồi trước một lều tạm ở Ba Lan sau khi chạy từ Ukraine sang. Hàng trăm nghìn người cũng có hoàn cảnh tương tự như chị. (Ảnh: Reuters).

Với nhiều người Việt, Ukraine như quê hương thứ hai, nơi họ đã gắn bó, sinh sống, lập nghiệp hàng chục năm. Ra đi tay trắng vì chiến sự, cuộc sống của họ hoàn toàn bị đảo lộn. Từ những chủ sở hữu nhiều bất động sản, cửa hàng… họ phải chấp nhận cuộc sống của những người lao động với mức lương tối thiểu chỉ đủ sống.

Từ chủ thành người đi làm thuê, bị ép lương cũng đành chấp nhận

Sờ thấy trán cậu con trai 3 tháng tuổi nóng ran, Mai Trang vội liên lạc với người phiên dịch hẹn đi cùng tới bệnh viện để trợ giúp mẹ con cô trong quá trình thăm khám với bác sĩ.

Mấy tháng nay, cứ mỗi lần con ốm đau hay cần tiêm phòng, khám định kỳ, người mẹ trẻ lại tốn một khoản tiền để thuê phiên dịch. Trong điều kiện chạy loạn do chiến sự, số tiền này với gia đình cô cũng là một gánh nặng.

Mai Trang (26 tuổi) cùng chồng và hai con vốn sinh sống ở thành phố Kharkov (Ukraine). Ngày 28/2, bốn ngày sau khi nghe tiếng bom đạn rền vang, Trang khi đó đang mang bầu bé thứ ba đã cùng cả nhà dắt díu nhau sang Ba Lan. Nhờ sự trợ giúp của một người quen, gia đình cô thuê được một căn hộ nhỏ ở thành phố Warszawa. Một thời gian sau, họ được cấp giấy bảo trợ công dân.

Chia sẻ với Dân trí về những ngày đầu mới sang Ba Lan lánh nạn, giọng người mẹ trẻ lại trùng xuống. Cô kể: "Thời gian đầu, chúng tôi được người quen hỗ trợ một tháng tiền nhà. Sau đó, đại gia đình 8 người của tôi thuê căn hộ nhỏ rộng 33m2 để ở. Khi tôi sinh bé thứ ba, vì quá chật chội, bố mẹ cùng các em tôi mới tách ra ở riêng, nhường lại không gian cho hai vợ chồng cùng 3 con nhỏ".

Tị nạn tại Ba Lan, gia đình 5 người của Mai Trang được chính phủ nước này trợ cấp 150USD/người/tháng, bắt đầu từ tháng 9/2022. Số tiền ít ỏi này chỉ đủ để họ nộp học phí cho bé lớn và mua sữa, bỉm cho bé thứ hai.

"Vì nộp hồ sơ muộn nên trường công đã đủ số lượng học sinh. Con gái lớn của tôi phải chuyển qua học trường tư", Mai Trang nói.

Mọi chi phí từ thuê nhà, ăn uống hàng tháng của cả gia đình trông chờ vào số tiền làm thuê cho một công ty vận chuyển của chồng Mai Trang.

Công việc này, anh may mắn được người quen giới thiệu ngay sau khi sang Ba Lan được gần một tuần (khoảng đầu tháng 3/2022).

Mai Trang và chồng sống ở Ukraine 10 năm, từng sở hữu một cửa hàng vải ở khu chợ sầm uất của thành phố Kharkiv. Mức thu nhập và kinh tế của họ vì thế khá ổn định. Chiến sự xảy ra, họ ra đi tay trắng, trên người chỉ mặc vài bộ quần áo ấm. Tài sản, tiền bạc không mang theo được thứ gì. Hiện tại, họ chỉ biết duy trì cuộc sống bằng mức lương tối thiểu ở Ba Lan, chi tiêu tằn tiện mỗi ngày.

Do ảnh hưởng của chiến sự, vợ chồng chị Vũ Hải Yến (31 tuổi) cũng phải bỏ lại căn nhà, cửa hàng cùng nhiều hàng hóa giá trị ở thủ đô Kiev để tháo chạy sang Đức.

Hiện tại, gia đình chị Yến đang ở trong một trại tị nạn thuộc miền Tây nước Đức. Tại đây, chị được phân một căn nhà liền kề 2 tầng, ở chung với một gia đình khác cũng từ Ukraine sang Đức tị nạn.

Khu nhà cũng luôn có nhân viên túc trực trợ giúp các vấn đề về an ninh, y tế, hỏa hoạn…

Chia sẻ với Dân trí, chị Yến cho biết, gánh nặng kinh tế gia đình đang dồn hết lên vai chồng chị. Chị hiện chưa thể đi làm vì hàng ngày phải đến lớp học tiếng Đức. Chồng chị sau một thời gian sang Đức đã tìm được công việc phụ bếp trong một nhà hàng.

"Hàng ngày anh phải làm việc vất vả từ 10h sáng cho đến 11 giờ đêm. Mỗi lần đi về là di chuyển mấy lần tàu. Hầu như ngày nào 1 giờ đêm anh ấy cũng mới về đến nhà. Cơm nước, tắm rửa xong thì 2 giờ sáng mới được ngủ. Gần như, trong tuần, chẳng khi nào hai cha con được nói chuyện với nhau", chị Yến trầm tư.

Làm việc vất vả là vậy nhưng chồng chị chỉ được nhận khoảng 1800-2000 Euro/ tháng. Số lương này theo chị Yến chỉ bằng một nửa so với mức lương tối thiểu do nước Đức quy định dành cho người lao động.

Vì chồng chị Yến mới sang, chưa biết tiếng, lại đang cần việc gấp nên bị chủ "ép lương", chấp nhận chịu thỏa thuận mức thu nhập chỉ còn một nửa.

Vợ chồng chị Yến từng là chủ hàng buôn quần áo nhiều năm. Họ từng đối xử rất tử tế với nhân viên của mình, trả lương xứng đáng và được nhân viên gắn bó, yêu quý như người ruột thịt trong nhà. Chính vì vậy, khi đi làm thuê, bị xử ép và nhận về đồng lương rẻ mạt, vợ chồng chị chỉ biết nuốt tủi cực vào trong.

Chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm từ chiếc bát cũ

Vì đi về khuya thường xuyên trong thời tiết lạnh giá, chưa quen với cường độ làm việc quá sức, không có giờ nghỉ ngơi, chồng chị Yến bị ốm và đành xin nghỉ việc. Hiện tại, anh đang tìm công việc mới phù hợp hơn.

"Bên Ukraine, hai vợ chồng tôi cùng nhau điều hành chuỗi cửa hàng, công việc không quá vất vả, thu nhập mỗi ngày có thể ít hơn nhưng đỡ khổ hơn. Mỗi ngày làm đến 4-5 giờ chiều là về đón con, cơm nước, nghỉ ngơi", chị Yến nhớ về những ngày bình yên trước đây.

Từ số tiền lương ít ỏi của chồng, tiền trợ cấp, chị Yến phải tính toán, tiết kiệm từng chút một bởi chi phí sinh hoạt ở Đức vô cùng đắt đỏ.

Chị Yến kể: "Với số tiền đó, tôi dành 25 Euro để đóng học phí cho con (95 Euro tiền học phí còn lại được nước Đức hỗ trợ). 100 Euro tôi gửi về Ukraine để nhờ hàng xóm đóng thuế đất, tiền điện, tiền nước, tiền lò sưởi cho nhà nước.

Tôi không muốn nợ nhà nước vì lúc này mỗi người dân cần có ý thức nộp thuế đầy đủ thì đất nước mới có tiềm lực trong giai đoạn này. Số tiền còn lại cộng với tiền lương đi làm của chồng, tôi chi tiêu ăn uống và các chi phí phát sinh hàng ngày".

Cũng theo chị Yến, riêng tiền ăn uống của gia đình 3 người đã tốn khoảng 70-80 Euro (khoảng gần 2 triệu đồng) mỗi ngày. "Đây là do mức chi tiêu ở Đức đắt đỏ chứ không phải gia đình tôi hoang phí. Tôi chỉ dám mua đồ Tây trong siêu thị Đức. Nếu mua đồ ăn, thực phẩm châu Á chuyển sang thì vô cùng đắt đỏ.

Mức thu nhập như hiện tại của nhà tôi không thể mua được những thực phẩm này. Mua sắm hàng ngày cũng phải tiết kiệm hết mức, cân nhắc từ bộ quần áo đến các món đồ cá nhân. Chúng tôi thường chỉ ưu tiên các khoản dành cho con", chị Yến cho hay.

Cùng từ cảnh làm chủ phải đi làm thuê, gia đình Mai Trang cũng phải tính toán kỹ lưỡng các khoản chi tiêu trong tháng, tận dụng tối đa các đồ cho tặng. Những ngày mới sang đất Ba Lan, họ may mắn được người quen mua cho những vật dụng cá nhân. Không có tiền trong tay, gia đình Trang còn được nhiều người cho từ quần áo đến xoong nồi, bát đĩa.

"Có lần người quen cho mấy cái bát ăn cơm, mẹ tôi mang về mà nằm khóc, không nghĩ có ngày đến cái bát cũ còn phải cầm về như vậy. Mẹ tôi vốn làm chủ một cửa hàng ăn. Suốt 2 tháng đầu sang đây, bà suy sụp lắm, mất ngủ triền miên. Sau này, khi xin được việc làm, bận rộn hơn nên bà cũng dần khuây khỏa. Đi về nhà thấy các cháu thì tinh thần cũng phấn chấn hơn", Mai Trang nhớ lại.

Sống tạm, mong ước ngày về

Cuộc sống mới với không ít khó khăn khiến đôi lúc họ muốn quay về đất nước Ukraine dù giao tranh chưa kết thúc.

Chị Vũ Hải Yến cho hay, khoảng tháng 8/2022, khi tình hình giao thông đi lại bớt căng thẳng, chồng chị đã quay về thủ đô Kiev. May mắn nhà cùng cửa hàng và số hàng hóa không bị ảnh hưởng. Chồng chị dọn dẹp lại nhà cửa, gói ghém hàng hóa và gia cố cho ổn định để tránh thất thoát.

Nhiều khu vực ở Ukraine mất điện, mất nước do các cơ sở hạ tầng bị tấn công. Chính vì vậy, gia đình chị Yến đành từ bỏ ý định quay lại Ukraine. (Ảnh: Guardian).

"Chồng tôi về trước để xem tình hình ổn định thì mẹ con tôi sẽ về lại Ukraine. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt trong nước bây giờ khá khắc nghiệt. Mùa đông rất lạnh nhưng điện, nước, hệ thống sưởi hoạt động không ổn định vì thường xuyên bị trúng bom đạn.

Người lớn còn có thể cố gắng thích nghi được nhưng trẻ con thì không thể. Chồng tôi ở lại Ukraine được 2 tháng. Một hôm chứng kiến cảnh bom rơi ở khu vực ngay gần nhà nên sợ quá đành phải quay lại Đức".

Chuyển từ nơi mình sinh sống hàng chục năm sang mảnh đất mới, những gia đình người Việt gặp không ít rào cản. Rào cản đầu tiên là về ngôn ngữ, mỗi lần đi khám bệnh cho con, Mai Trang lại phải thuê phiên dịch. May mắn tiếng Ba Lan gần với tiếng Ukraine nên cô cũng tận dụng được chút ít. Những lúc đi ra đường, giao tiếp cơ bản, cô dùng thêm chức năng dịch trên Google.

Sau hơn nửa năm học tiếng Đức, chị Yến cũng đã đạt trình độ A1. Tuy nhiên, những tình huống phức tạp, cần sử dụng các từ chuyên môn đối với chị vẫn là thử thách.

"Gần một năm nay chúng tôi chưa biết đến khám sức khỏe là gì, phần vì không rành thủ tục, đường lối đi lại, phần vì không biết tiếng. Những tháng trước, gia đình tôi nhận được khoản trợ cấp 1090 Euro cho 3 người. Tuy nhiên, tháng này, chúng tôi chưa nhận được khoản tiền này. Vì hạn chế ngôn ngữ, chúng tôi cũng không biết làm cách nào để hỏi ngoài việc viết email đơn giản", chị Yến cho hay.

Khi được hỏi, tại sao không lựa chọn về nước, những người Việt xa xứ như chị Yến hay Mai Trang thành thật chia sẻ, đôi lúc họ cũng đã nghĩ đến phương án này. Song vì tiền của bao nhiêu năm dành dụm, bươn chải, họ đều dồn tất vào mua nhà cửa, đầu tư hàng hóa ở Ukraine. Về nước, họ cũng là những người tay trắng, việc mưu sinh, học tập, sinh hoạt thế nào cũng là một vấn đề lớn.

Chị Yến thành thật: "Tôi cố gắng bám trụ lại đây chờ ngày Ukraine hòa bình. Tôi cũng xác định học tiếng Đức thật tốt để nếu cuộc chiến kéo dài thì mình sẽ kiếm một công việc để làm, tự ổn định cuộc sống, không phải trông chờ vào tiền trợ cấp như hiện tại. Nếu có công việc thì chính phủ Đức cũng sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi".

Với Mai Trang, dù đã ở Ba Lan gần 9 tháng, nhưng cô bảo mình vẫn không tránh khỏi cảm giác sống tạm bợ. Cô vẫn luôn mơ đến ngày được trở lại đất nước Ukraine, nơi gia đình mình đã gắn bó gần 20 năm với nhiều kỉ niệm buồn vui, thăng trầm.

Nhận được sự trợ giúp ân tình từ các nước châu Âu cùng bạn bè, người quen, gia đình chị Yến, Mai Trang… cảm thấy vô cùng biết ơn. Cuộc sống đang ổn định dần nhưng họ vẫn luôn mong ước có ngày sớm được trở lại đất nước Ukraine.

(Nguồn: Dân Trí)

ĐƯA ẨM THỰC VIỆT NAM SANG ISRAEL

Tối 12/12, tại nhà hàng Cà Phê HANOI ở thành phố Tel Aviv (Israel) đã tổ chức lễ ra mắt thực đơn và giới thiệu một số món ăn Việt do chính đầu bếp chuyên nghiệp của Việt Nam sang chế biến và chuyển giao công thức.

Chương trình do Đại sứ quán Việt Nam tại Israel thực hiện, nhằm giới thiệu và quảng bá các món ăn đặc sắc vùng miền của Việt Nam đến với người dân Israel. Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết: Chương trình giới thiệu thực đơn các món Việt đặc sắc được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập nhà hàng Cà Phê Hanoi.

Đây là nhà hàng có chủ là một người Pháp, nên chưa có nhiều món ăn thuần Việt và chủ yếu phục vụ các thực khách là người Israel. Đại sứ quán đã kết nối, giới thiệu và hỗ trợ thủ tục để đưa đầu bếp người Việt sang, qua đó góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực như một nét đặc sắc và hấp dẫn trong văn hóa Việt Nam và thu hút thêm khách du lịch trên thế giới tới thăm dải đất hình chữ S.

Đầu bếp Vũ Thị Hà đã có 30 năm kinh nghiệm đứng bếp và quản lý cho nhà hàng Việt tại khách sạn Sofitel Metropol Hà Nội. Trong những ngày qua, đầu bếp Hà cùng trợ lý đã nghiên cứu các nguyên liệu thực phẩm và quy định ẩm thực Kosher của người Do Thái, từ đó sáng tạo ra công thức, chế biến, hướng dẫn và chuyển giao cho các đầu bếp bản địa 4 món ăn bao gồm nộm bưởi, bò lúc lắc, cơm gà và cà om nấm. Các món ăn này đều dựa trên món ăn thuần Việt, sau đó được điều chỉnh cho phù hợp với tập quán và quy định ẩm thực tại Israel.

Đầu bếp Hà giải thích: Lý do chọn bưởi vì đây là một loại trái cây sẵn có tại Israel. Khi ăn trộn kèm với thịt gà, cũng là một món ăn phổ biến tại nước bạn. Món nộm ăn vào rất mát, dịu và dễ ăn. Món bò lúc lắc được dựa trên món bún chả nổi tiếng của Việt Nam, nhưng phải biến tấu vì người Do Thái không ăn thịt lợn. Món Cơm gà được lấy cảm hứng từ cơm gà Hội An. Cơm trộn nghệ để tạo màu sắc, bò phi lê, ăn với các đồ ghém giống cơm gà Hội An nhằm thể hiện tính đa dạng vùng miền. Món cuối cùng dựa trên một món ăn dân dã của Việt Nam là cà om chuối đậu, được cải tiến với nguyên liệu chính là cà tím, kết hợp với nấm đùi gà, thêm chút sữa dừa cho có hương vị.

Israel là một quốc gia có nhiều quy định khắt khe trong ẩm thực, đặc biệt là quy định chế biến đồ ăn Kosher của dân tộc Do Thái. Trong đó, người Do Thái không ăn nhiều loại động vật, hoặc chỉ ăn một phần. Ví dụ chỉ ăn các loài gia súc nhai lại và chỉ ăn phần thân trước; không ăn cá da trơn, loài giáp xác... Đồng thời, cách chế biến và nấu nướng cũng phải tuân thủ theo các quy định rất khắt khe, như thiết kế bếp, người đứng nấu, bát đĩa đều phải theo tiêu chuẩn Kosher.

Nhóm làm việc của đầu bếp Hà cho biết quản lý và các đầu bếp người Israel sau khi được hướng dẫn chọn nguyên liệu, công thức và cách chế biến đều nghiên cứu rất kỹ nhằm đảm bảo quy định tôn giáo. Sau đó, các đầu bếp phía bạn thử nghiệm nấu các món theo công thức. Đầu bếp Việt Nam sang sẽ tinh chỉnh thêm cho gần gũi với hương vị Việt.

Mặc dù vậy, nhóm làm việc của đầu bếp Hà vẫn quyết tâm sang xây dựng thực đơn cho nhà hàng Cà phê Hanoi, nhằm chứng tỏ sự đa dạng của ẩm thực Việt Nam có thể phù hợp với mọi thị trường trên thế giới, dù khó tính đến đâu cũng có thể đáp ứng. Đầu bếp Hà đã có nhiều chuyến đi giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại các nước như Australia, Tây Ban Nha, Canada, Qatar, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Các món được giới thiệu nhiều nhất là món nem và món phở. Các chuyến đi thành công đã giúp người dân tại các quốc gia này biết đến nhiều hơn các món ăn và văn hóa ẩm thực đặc sắc của Việt Nam.

Đầu bếp Hà tâm sự: “Đến giờ phút này tôi có thể nói bếp của Việt Nam là bếp của thế giới, món ăn Việt Nam là món ăn của thế giới, bởi rất được người dân các nước ưa chuộng, bất kể là nước nào. Nhiều du khách khi tới Việt Nam tham dự các lễ hội ẩm thực quốc tế đều bày tỏ các món ăn Việt Nam là món họ ưa thích nhất”.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

50 TAY VỢT DỰ GIẢI QUẦN VỢT CUP MÙA ĐÔNG 2022 TẠI LIÊN BANG NGA

Giải Cup mùa Đông năm nay có sự tham gia của gần 50 tay vợt đến từ 8 câu lạc bộ ở Moskva và St. Petersburg, cũng như các tay vợt từ Belarus và Việt Nam sang thi đấu.

Trong các ngày nghỉ cuối tuần 3-4/12 và 10-11/12, tại thủ đô Moskva của nước Nga đã sôi nổi diễn ra giải quần vợt Cup mùa Đông 2022 của Hội quần vợt Việt Nam tại Liên bang Nga (ViTAR), thành viên Liên đoàn quần vợt Việt Nam.

Giải Cup mùa Đông năm nay có sự tham gia của gần 50 tay vợt đến từ 8 câu lạc bộ ở Moskva và St. Petersburg, cũng như các tay vợt từ Belarus và Việt Nam sang thi đấu. Các vận động viên tranh tài ở 5 nội dung đơn nam A, đơn nam B, đôi nam, đôi nam nữ, và đôi nữ.

Phát biểu trong lễ khai mạc ngày 3/12, ông Phan Tuấn Khanh - Chủ tịch ViTAR, Trưởng ban tổ chức giải, nhấn mạnh thể dục thể thao có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn và nâng cao sức khỏe, góp phần xây dựng con người phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất để phục vụ lao động, công tác, học tập; luyện tập thể dục thể thao giúp duy trì lối sống lành mạnh, nâng cao thể lực, phòng chống các loại bệnh.

Việc tổ chức giải quần vợt Cup mùa Đông 2022 góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống học tập tại Liên bang Nga; thông qua đó phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng những nhân tố điển hình làm nòng cốt trong các phong trào quần vợt của Hội, tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi giữa các hội viên trong các câu lạc bộ của ViTAR.

Trong khi đó, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Tham tán Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng ban công tác cộng đồng, đã hoan nghênh việc tổ chức giải thường niên này của ViTAR, cho rằng giải quần vợt này là bổ ích, đồng thời góp phần tạo thêm sự gắn kết trong cộng đồng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngay sau lễ khai mạc, các tay vợt đã bước vào thi đấu với quyết tâm cao, các trận đấu diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, cống hiến cho khán giả nhiều pha bóng đẹp mắt. Đặc biệt, giải năm nay đánh dấu một bước tiến mạnh mẽ của thế hệ trẻ những người yêu quần vợt tại Liên bang Nga, khi các thành viên trẻ của câu lạc bộ Future đã đoạt giải ở tất các cả nội dung thi đấu.

Các thành viên thế hệ quần vợt mới ở Liên bang Nga của Future cũng được bình bầu là câu lạc bộ xuất sắc nhất của ViTAR trong năm 2022 và được trao Cup luân lưu từ câu lạc bộ Konkovo, câu lạc bộ đã được trao Cup này năm 2021.

Trong tối 11/12, ViTAR cũng tổ chức lễ tổng kết năm 2022, theo đó bất chấp những khó khăn tại địa bàn, ViTAR đã tổ chức thành công cả 4 giải thường niên theo kế hoạch trong năm.

Ông Phan Tuấn Khanh cho biết trong năm 2022, phong trào quần vợt của ViTAR ngày càng vững bền, hội viên ngày càng đoàn kết. Năm nay ViTAR đã kết nạp được nhiều hội viên mới. Ban chấp hành ViTAR cũng công bố lịch trình dự kiến các giải đấu cũng như kế hoạch năm 2023.

(Nguồn: Quê Hương Online)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đại hội ở Pháp; Chủ tịch hội SV tại Singapore; Chia sẻ yêu thương đến Mottainai; Đi chợ ở HQ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang