Người Việt hải ngoại: Hội thao cộng đồng tại Hàn; Cô gái Pháp tìm mẹ; Những người ở lại Ukraine

Hội thao cộng đồng của người Việt tại Hàn Quốc trở lại sau khi gián đoạn vì Covid-19

(Ảnh minh họa).

Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc vừa thông báo khởi động lại sự kiện Hội thao thường niên lần thứ ba với mong muốn phát triển phong trào thể dục thể thao, cổ vũ tinh thần rèn luyện thể dục thể thao để duy trì lối sống lành mạnh và tích cực.

Hội thao cộng đồng do Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc trở lại hứa hẹn đem đến cộng đồng người Việt đang học tập, làm việc và sinh sống tại Hàn Quốc nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ.

Giải đấu năm nay quy tụ 16 đội bóng đại diện các khu vực trên toàn Hàn Quốc. Ngoài nội dung thi đấu bóng đá, Hội thao năm nay còn có các môn thể thao khác như: điền kinh, vật tay, kéo co với quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn trước và đang thu hút sự đăng ký tham gia của rất nhiều bạn trẻ trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội thao cộng đồng 2023 còn mang đến nhiều hoạt động giao lưu văn hóa hấp dẫn với các gian hàng ẩm thực với những món ăn đặc trưng của Việt Nam, các trò chơi bốc thăm trúng thưởng, tham quan các gian hàng trưng bày và tìm hiểu sản phẩm tiện ích đến từ các nhà tài trợ chính, góp phần tạo sự giao lưu và tương tác giữa cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc.

Hội thao được kỳ vọng là ngày hội thể thao đáng nhớ, góp phần tạo mối giao lưu đoàn kết giữa các khối lao động, du học sinh, gia đình đa văn hóa Việt Nam đang sinh sống và học tập lao động tại Hàn Quốc.

Sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 28/5 tại Khu liên hợp thể thao Anyeong, TP. Daejeon, tỉnh Nam Chungcheong.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

Cô gái Pháp mong ước tìm lại mẹ Việt sau 28 năm bị bỏ rơi

Dù đau đớn nhưng không thể quên nguồn gốc của mình, cô gái Pháp khát khao tìm lại mẹ ruột, người đã bỏ rơi cô khi mới lọt lòng.

“Tôi là người Việt Nam”

23h30, Ambre Martinod (SN 1995, Pháp) giật mình bởi tiếng chuông tin nhắn phát ra từ chiếc điện thoại ở trên bàn. Cô cầm máy lên trong sự hồi hộp tột cùng.

Từ khi đăng tin tìm kiếm mẹ ruột, Ambre luôn trong tâm trạng hồi hộp mỗi khi chuông điện thoại reo. Cô tìm kiếm người sinh ra và bỏ rơi mình từ những năm tháng tuổi thơ.

Đến nay đã 28 năm trôi qua, Ambre vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin đáng hy vọng nào. Dẫu vậy, cô không từ bỏ và tin một ngày nào đó, phép màu sẽ xảy ra.

Cô kể: “Tôi là người Việt Nam. Tôi sinh ngày 4/10/1995 tại bệnh viện Long Xuyên (An Giang). Sau khi sinh, mẹ tôi rời khỏi bệnh viện. Bảo mẫu của tôi kể rằng, lúc đó mẹ tôi có thể chỉ mới 15-16 tuổi”.

Bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, bé gái được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em mồ côi thị xã Long Xuyên. Tại đây, cô được giám đốc trung tâm đứng ra làm giấy khai sinh với tên Dưỡng Thị Ngọc Sương.

Ít lâu sau, Ngọc Sương được một phụ nữ Pháp đến nhận làm con nuôi. Sang Pháp sinh sống, Ngọc Sương lớn lên trong gia đình bố mẹ nuôi dạt dào tình yêu thương.

Tuy vậy, ngay khi còn rất bé, Sương đã sớm nhận ra mình có những điểm khác biệt với bố mẹ, người xung quanh. Cô bé luôn tò mò về bản thân. Cuối cùng, cô được bố mẹ nuôi cho biết về nguồn gốc của mình.

Ngọc Sương chia sẻ: “Suốt thời thơ ấu, tôi luôn tự hỏi về nguồn cội của mình. Mẹ nuôi cũng không giấu việc tôi là người Việt Nam. Khi biết mình được sinh ra ở Việt Nam, tôi luôn cảm thấy một khoảng trống trong tim.

Tôi là người Việt Nam nên tôi luôn nghĩ về quê hương, gia đình, người sinh ra mình. Dù có một gia đình người Pháp yêu thương, chăm lo không thiếu thứ gì nhưng tôi vẫn khắc khoải câu hỏi ai đã sinh ra mình, mẹ tôi trông ra sao…”.

Để trả lời cho sự khắc khoải ấy, Ngọc Sương quyết định tìm kiếm cha mẹ ruột từ khi còn rất nhỏ. Được sự ủng hộ, hỗ trợ của bố mẹ nuôi, Sương về Việt Năm năm 13 tuổi với hy vọng tìm được cha mẹ ruột. Tuy vậy, lần trở về này, cô gái không tìm kiếm được gì.

Đau đớn nhưng sẽ tha thứ

Lần thất bại ấy không khiến cô gái chùn bước. Sương tiếp tục tìm kiếm mẹ ruột bằng nhiều cách. Cô liên hệ với những hội nhóm tìm người thất lạc trên các trang mạng xã hội, tổ chức hỗ trợ tìm người thân…

Tuy vậy, việc cô gái không có nhiều thông tin về mẹ như họ tên, năm sinh, địa chỉ, hình ảnh… khiến công việc tìm kiếm trở nên vô cùng khó khăn. Cô gái cũng đã lật tung những manh mối mà cô nghĩ có thể đem lại chút thông tin gì đó về mẹ. Song, tất cả đều không đem lại kết quả.

“Tôi sẽ không bao giờ dừng lại. Bởi, lúc nào tôi cũng nghĩ về nguồn gốc của mình, về mẹ. Tôi luôn mong muốn về Việt Nam thêm một lần nữa. Thậm chí, tôi đã nghĩ đến việc sẽ sống ở cả Việt Nam và Pháp để tìm lại mẹ”, Ngọc Sương chia sẻ.

Suốt 28 năm qua, trái tim cô luôn bị giằng xé bởi nỗi đau và sự giận dữ. Ngọc Sương đau đớn khi biết mẹ bỏ rơi mình từ lúc mới chào đời.

Mãi cho đến bây giờ, khi đã trưởng thành, Ngọc Sương như thấu hiểu được nỗi đau của người phụ nữ khi phải bỏ rơi đứa con vừa mới sinh ra. Dẫu nỗi đau bị bỏ rơi vẫn âm ỉ trong lòng nhưng Sương khẳng định bản thân sẽ tha thứ cho mẹ nếu được gặp lại.

Thông qua các phương tiện truyền thông, Ngọc Sương nhắn nhủ với mẹ: “Mẹ thân mến. Con muốn nhắn với mẹ rằng mẹ đã sinh ra một bé gái vào tháng 10/1995 tại Việt Nam. Mẹ đã đưa ra một lựa chọn đau đớn là nhanh chóng rời bỏ đứa con vừa chào đời của mình.

Con sẽ không trách mẹ đâu vì con biết, sự lựa chọn ấy đối với mẹ chắc hẳn rất đau đớn. Và, mẹ hẳn phải có lý do của mình. Con cũng muốn cho mẹ biết rằng, con của mẹ vẫn khỏe, con sống ở Pháp, trong một gia đình tràn đầy tình yêu thương.

Dẫu vậy, con luôn có một khoảng trống trong trái tim của mình. Con không biết mình giống ai. Con không biết con có giống mẹ hay không. Con muốn gặp mẹ để tìm ra câu trả lời.

Con không biết mẹ còn nhớ và nghĩ về con không. Con không biết mẹ có muốn tìm lại con hay không. Nhưng con muốn mẹ biết rằng, không một phút giây nào trôi qua mà con không nghĩ về mẹ.

Con biết bây giờ việc tìm lại mẹ rất khó, nhưng con sẽ không từ bỏ. Con luôn cố gắng và tin tưởng sẽ được gặp mẹ vào một ngày không xa”.

Cuối cùng, Ngọc Sương mong muốn bất cứ ai có thông tin nào về mẹ của mình có thể liên hệ với cô qua địa chỉ email: ambre.cabrol@hotmail.fr.

(Nguồn: Vietnamnet)

Người Việt ở lại Ukraine: Thấy tên lửa bắn dồn dập, cố gắng giữ bình tĩnh

(Ảnh minh họa).

Những ngày qua, còi báo động không kích vang lên gần như trên toàn bộ Ukraine và duy trì trong hơn 3 tiếng. Đối mặt với cuộc không kích bằng tên lửa, nhiều người Việt ở đây vẫn đang cố giữ bình tĩnh.

Reuters dẫn nguồn ông Serhiy Popko, người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự thành phố Kyiv cho biết cuộc tấn công chưa từng có liền lệ về quy mô với "số lượng tên lửa nhiều nhất được phóng đi trong khoảng thời gian ngắn nhất".

Nhiều người Việt đang bám trụ lại Ukraine cũng cảm nhận được sự ác liệt này.

"Quen với chuông báo động"

Ông Phạm Văn Bằng (63 tuổi, Chủ tịch Hội người Việt ở thủ đô Kyiv, Ukraine) cho biết, vợ chồng ông và cộng đồng người Việt vẫn an toàn. Khi chiến sự mới nổ ra, ông có về Việt Nam sơ tán khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, ở Ukraine ông có nhà máy sản xuất bao bì, công việc liên quan đến nhiều người nên ông trở lại. Ông xác định trước xung đột có thể diễn ra trong thời gian dài nên sẽ sống chung, không còn lựa chọn nào khác.

Theo ông, thủ đô Kyiv là một trong những nơi được bảo vệ tốt nhất. Dù vậy, rạng sáng 16.5, khi đang ngủ ở nhà (chung cư ở tầng 14) ông nghe tiếng động lớn nên giật mình tỉnh dậy. Mở cửa sổ, ông thấy tên lửa bắn chi chít. Một quả tên lửa bị bắn hạ nên các mảnh vỡ rơi cách nhà ông khoảng 1km.

"Cuộc không kích lần này họ bắn nhiều loại, thời gian diễn ra chỉ khoảng 15 phút nhưng rất dồn dập. Một năm trước, mỗi khi nghe tiếng báo động vợ chồng tôi liền kéo nhau xuống hầm trú ẩn nhưng giờ đã quen rồi, chúng tôi vẫn ở nhà", ông chia sẻ.

Cũng theo ông Bằng, trước đó ít tiếng đồng hồ, khi Nga bắt đầu bắn tên lửa, điện thoại đã báo động và còi báo động vang lên khắp thành phố. Sau khoảng thời gian đó, cuộc sống của vợ chồng ông trở lại bình thường.

"Tôi ở nhà nghe rất rõ tiếng tên lửa bắn, cuộc không kích hôm đó có vẻ lớn hơn, dồn dập hơn những lần trước. Giờ tôi nói không lo cũng không đúng nhưng giờ nhà tôi tin tưởng vào số phận, cứ bám trụ lại và hi vọng một ngày không xa, cuộc sống bình yên sẽ trở lại", ông nói và cho hay hiện ông vẫn đi làm bình thường.

Ông Bằng quê ở H.Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Nga, ông đến Ukraine lập nghiệp và gắn bó đến giờ. Trước chiến sự, cộng đồng người Việt ở Kyiv có khoảng gần 1.000 người nhưng hiện chỉ còn khoảng 100 người do mọi người đã di tản sang nước khác.

"Nhiều đêm vẫn không ngủ được"

Ông Lê Xuân Công (ở thủ đô Kyiv, Ukraine) nhớ lại, khoảng 2 – 3 giờ sáng, ông nghe tiếng nổ rung trời. Ông không ở nhà chung cư mà ở nhà riêng 3 tầng và cảm nhận được rõ sự rung chuyển. Cả nhà phải chui xuống nơi tránh bom đạn ở khu ông sinh sống.

"Chó mèo nghe tiếng nổ chạy nháo nhác, không ai ngủ được cả. Trước đó, tôi cũng biết những cuộc tấn công nhưng không kích hôm 16.5 lớn chưa từng có. Những mảnh vỡ rơi vào các tòa nhà nhưng không gây thiệt hại lớn. Tôi đã từng là một người lính, chỉ thương vợ và các cháu nhỏ khi phải chứng kiến những hình ảnh chiến sự", ông bộc bạch.

Từ khi chiến sự nổ ra, con trai lớn và các cháu ruột của ông di tản sang Đức. Vợ chồng ông và hai con gái sinh đôi nhỏ vẫn ở lại.

Ông Trịnh Anh Tuấn (55 tuổi, ở Kharkiv, Ukraine) chia sẻ, hôm 16.5, vì nhà ông cách thủ đô Kyiv 500km nên ông không cảm nhận được tiếng tên lửa bắn. Tuy nhiên, ông vẫn nghe thấy tiếng còi báo động. Hiện ông vẫn kinh doanh, buôn bán ở chợ. Ông Tuấn có con trai lớn đang làm trong ngành an ninh của Ukraine. Chiến sự nổ ra, thay vì di tản như nhiều người, họ quyết định ở lại vì không muốn bỏ con một mình, muốn biết tình hình của con.

"Trước đây thỉnh thoảng tôi vẫn nghe tiếng tên lửa bắn. Mọi người xung quanh nghe còi báo động nhưng họ đã quen, không phải đi trú ẩn hay sợ hãi như thời gian đầu. Vợ chồng tôi vẫn an toàn", ông Tuấn thông tin.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang