Người Việt hải ngoại: Hội phụ nữ ở Hà Lan; Vườn hồn ở Úc; Cử tri chọn ‘xanh’ hay ‘đỏ’; 11 công dân bị bắt ở New Zealand

KẾT NỐI HỘI PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI HÀ LAN

Người Việt ở Hà Lan sống rải rác, không tập trung thành khu vực đông đúc như nhiều quốc gia khác ở Châu Âu.

Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan mới thành lập vài năm, nhưng từ khi thành lập đến nay Hội đã làm được rất nhiều việc, như: hoạt động từ thiện kết nối giữa Hà Lan và quê hương, tổ chức trại hè, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Việt tại Hà Lan. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan về những hoạt động của Hội.

Thưa chị, được biết Hà Lan là địa bàn cộng đồng người Việt không đông đúc nếu mà so với nhiều quốc gia khác ở châu Âu, vậy hoạt động của Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan có những gì khác biệt?

Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Người Việt tại Hà Lan theo con số thống kê khoảng 25.000 người, sống rải rác khắp Hà Lan. Nhưng số lượng người Việt tập trung thật đông đúc như là ở Hung, Czech hay Ba Lan thì không có.

Ở Hà Lan người Việt sống rất rải rác. Chính vì vậy, khi thành lập Hiệp hội người Việt hay thành lập Hội phụ nữ, thì phụ nữ ở khắp Hà Lan mà thích thì họ tham gia, nên các hoạt động có những người ở rất xa, xa đến cả hai trăm cây số họ cũng đến.

Riêng Hội phụ nữ hiện giờ chúng tôi có khoảng hơn 50 người. Để tham gia được, một là phải nhiệt tình, hai nữa phải gần. Vì số lượng người rải rác như thế nên mỗi một lần kêu gọi không dễ chút nào.

Như lần Hội phụ nữ đứng ra tổ chức xếp hình bản đồ Việt Nam có biển đảo, chúng tôi dự kiến có khoảng 100 người để xếp hình đó, nhưng về sau phụ nữ không đủ thì Hội phụ nữ đứng ra tổ chức, còn ai có thể tham gia được chúng tôi cũng mời hết.

Cuối cùng có khoảng trăm hai mươi người xếp hình và khoảng 30 người đứng ngoài nữa. Đó là lần xếp hình bản đồ Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Hà Lan.

Vâng, hoạt động này năm ngoái thì báo chí cũng có đưa thông tin nhiều, khá là vui và ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Có nhiều hoạt động lắm, như có đội bóng đá, thì chị em cũng tham gia phục vụ nấu ăn hay giúp đỡ gì đó... Sau hoạt động mùng 8/3,  chị em muốn có một hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày quan hệ Việt Nam - Hà Lan. Hội phụ nữ cũng đứng ra tổ chức và mời sứ quán cùng tham gia. Thời gian đấy vào tháng 5 nên thời tiết cũng khá đẹp. Ở trên những bậc cầu thang của một nhà ga, và có flycam để chụp từ trên xuống và chụp từ dưới lên.

Những hoạt động này của Hội và chị em tự làm chương trình, tự đạo diễn. Sứ quán đứng ra đồng hành, giúp đỡ rất nhiều, như là cho mượn cờ, rồi các anh các chị ở sứ quán cũng đứng xếp vào đội hình luôn, dễ thương lắm. Cảnh sát còn đứng xem rất nhiệt tình và dân tình người ta cũng thích lắm, lan tỏa lớn. Người ta nhìn (trầm trồ) “ôi dồi ôi, bản đồ ở Việt Nam, Việt Nam mặc áo dài”…Lan tỏa rất lớn và mọi người rất thích.

Được biết Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan được thành lập vào tháng 10/2022, thì tôn chỉ, mục đích ban đầu của hội đặt ra là gì, thưa chị?

Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Tôn chỉ, mục đích của Hội là Đoàn kết, kết nối và lan tỏa. Đối với phụ nữ Việt ở Hà Lan không phân biệt vùng miền, tất cả ở đâu cũng có thể tham gia cùng với Hội phụ nữ. Mọi người cũng đang thực hiện những tôn chỉ, mục đích đấy rất là tốt, như là đã lan tỏa được phụ nữ ở nhiều vùng cùng tham gia, rồi mình có thể kết nối cùng với các nhóm, mời các bạn tham gia hoạt động chung cùng với Hội phụ nữ.

Hiện tại Hội phụ nữ xây dựng được một đội văn nghệ tham gia các chương trình biểu diễn. Tại vì ở bên này (cộng đồng) không có diễn viên chuyên nghiệp, nhưng có những chị em giọng hát rất hay, cũng từng về thi có giải ở Việt Nam, rồi múa cũng vậy, có các nhóm múa và rất tích cực tập tành.

Chúng tôi kết hợp với các Hội, như Hội sinh viên, tận dụng cả đội ngũ sinh viên tham gia các cái chương trình, tiết mục văn nghệ rất vui, rồi phải làm việc với các doanh nghiệp để có thể xin được tài trợ hoạt động.

Vâng và nhất là những hoạt động liên quan đến giảng dạy tiếng Việt, ở đây chị cũng là người phụ trách lớp tiếng Việt, hẳn là người phụ nữ cũng đóng vai trò lớn trong những hoạt động về tiếng Việt này?

Chị Nguyễn Thị Lan Hương: Có chứ. Người phụ nữ ở trong gia đình là người rất quan tâm đến đời sống về tinh thần và vật chất của con. Và giữ gìn được tiếng Việt hay không là do phụ huynh, mà chủ yếu là những người mẹ quan tâm (Tôi nói “chủ yếu” thôi, vì ở bên này có những ông bố cũng chăm con lắm, ngày nào con học cũng ngồi với con). Chúng tôi cũng hay mời, hay kêu gọi ở trong Hội phụ nữ và các chị em  đều tham gia. Việc ấy có tác động qua lại.

Chuyến trở về Việt Nam mới đây chị cũng đã thực hiện hành trình “Mẹ đỡ đầu” - một việc thiện nguyện rất là nhân văn và ý nghĩa do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam khởi xướng và Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại Châu Âu đã phát động chị em tham gia nuôi dưỡng trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Được biết là Hội phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan cũng có những người tham gia hoạt động này đúng không ạ?

Chị Nguyễn Thị Lan Hương:  Lúc tham gia ở Diễn đàn phụ nữ Châu Âu, nghe về các hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cũng giơ tay lên và muốn (đăng ký nhận) nuôi dưỡng một cho đến hai cháu. Trong Hội phụ nữ hiện giờ có ba người đã hoàn thành việc nhận nuôi, nghĩa là nhận nuôi con, chuyển tiền (nuôi dưỡng), rồi giao lưu...

Như đợt về vừa rồi, dù thời gian rất ngắn sau cơn bão, nhưng tôi cũng đi vào Thừa Thiên, thay mặt cả chị Thu Hiền ở bên này nữa - hai chị em cùng nuôi hai cháu ở trong đó, đến tận nơi để tặng quà nhân dịp Trung thu, đầu năm học mới. Và cũng tiếp xúc với cháu, mong rằng truyền tình cảm của mình cho gia đình, để người ta thấy rằng cho dù hoàn cảnh bố mất, rồi khó khăn đi chăng nữa, thì vẫn có những tổ chức, có những người thương và quan tâm thúc đẩy để cho không có trẻ em nào sống (đơn độc) mà không có sự giúp đỡ. Các cháu sẽ được ăn học và lớn lên giống như những đứa trẻ đầy đủ gia đình.

Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.

 

 

NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT SỞ HỮU THẾ GIỚI HOA HỒNG Ở AUSTRALIA

Đam mê trồng hoa hồng từ ngày còn ở Việt Nam nên năm 2018, khi sang Australia chị Hally Lê Hạnh đã quyết định phủ kín khu vườn 500 m2 bằng loài hoa yêu thích.

Hally Lê Hạnh, 40 tuổi, kể khi ở Việt Nam chị làm marketing nên rất bận rộn, muốn tìm một đam mê ngoài công việc để cuộc sống được thư giãn hơn. Trồng rau không thấy thỏa mãn nên chị tìm đến hoa hồng ngoại.

"Tôi có duyên gặp một lão nông 90 tuổi từng chăm sóc vườn hồng cho hoàng hậu Thái Lan nên suốt năm 2014 tháng nào cũng bay qua Thái để học nghề trồng hoa hồng", chị nói.

Trong ảnh là vườn trước nhà chị Hạnh tại Melbourne, bang Victoria, Australia.

Sau thời gian học nghề, chị Hạnh trồng hàng nghìn gốc hồng trong vườn nhà tại Thanh Trì, Hà Nội. Càng trồng càng "nghiện hồng", nên ngay khi đặt chân tới Australia năm 2018, chị Hạnh đã phủ kín khu vườn 500 m2 bằng gần 100 gốc.

Trong hình, những gốc hồng ở Melbourne khi mới trồng được một năm.

Có kinh nghiệm nên việc trồng hồng không hề khó khăn với chị Hạnh. Khí hậu Australia còn giúp hoa nở đẹp, đúng phom dáng, màu sắc và bền hoa hơn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chị cũng đối mặt với nhiều thử thách. Hoa thường bị động vật hoang dã phá hoại. Dù đã qua 6 mùa hoa, chị Hạnh vẫn không khỏi sững sờ khi một sớm mai thức dậy ra vườn thấy những ngọn non gãy rụng, nụ hoa bị cắn nát.

"Ở đây chồn là động vật hoang dã được bảo vệ nên không được phép làm hại hay đuổi chúng đi quá xa nơi đang ở. Nếu chúng vào vườn, chỉ có mỗi cách xịt nước cho đi", chị kể.

Ngoài nỗi phiền muộn ấy, khu vườn hoa hồng như thế giới cổ tích của riêng của chị Hạnh. Ở vườn, chị bố trí trồng cây hài hòa màu sắc, độ cao; góc trồng hồng leo, nơi trồng hồng bụi tạo nên tính kết nối trong khu vườn.

Chị trồng nhiều giống hồng Anh và các giống bản địa của Australia.Yêu màu vàng, cam nên khu vườn của chị được bổ sung nhiều tông màu này.

Đây là góc hồng leo Renae mà gia chủ xác định "dù chuyển nhà đi đâu cũng trồng lại". Hoa nở thành chùm nhỏ, không có gai, màu hồng đào rất giống tầm xuân của Việt Nam. Giống này nở liên tục suốt mùa xuân.

Sally Holmez leo trắng với cánh đơn nở thành từng chùm như cẩm tú cầu, lúc ánh vàng, lúc phớt hồng. Có những thời điểm cây này nổi bật trong khu vườn với những bó hoa to tròn.

Tại góc này, chị Hạnh trồng ít nhất 5 giống hồng. Nổi bật là Wollerton old hall leo màu vàng, cánh kép, phom khum lỏng với hương mộc dược thoảng nhẹ. "Mỗi lần ngửi thấy hương này, tôi lại nhớ đến mùi hương trầm trong thánh đường", chị Hạnh miêu tả.

Bên phải là hồng bụi Heaven Earth, loài hoa hấp dẫn ong bướm bằng mùi thơm và vị ngọt với sắc cam cá hồi, sắc hoa đậm nhạt thay đổi theo thời tiết.

Năm 2019, trong một lần ngồi ngắm những bức ảnh hoa chụp từ vườn, chị Hạnh chợt nghĩ ra sẽ làm một thương hiệu ga gối và đồ trang trí bằng vải, với họa tiết chủ đạo hoa hồng.

Kể từ đó, chị càng thêm mong chờ tháng 10 hàng năm - mùa xuân về ở Australia. Những ngày đẹp trời, chị dành cả ngày ngoài vườn để chụp ảnh hoa làm tư liệu và tìm cảm hứng cho các thiết kế mới. Đôi khi, chị chụp các sản phẩm ga gối giữa vườn hồng.

"Các sản phẩm được mọi người yêu thích nhất của tôi đều có họa tiết từ hoa hồng", chị Hạnh, người từng học về thiết kế nội thất và mỹ thuật, chia sẻ.

Một ngày gần đây, sau cả buổi ngồi cả ngày bên máy tính vẽ vời, sáng tạo, chị Hạnh ngước nhìn lên đã thấy nắng chiều tràn vào cửa sổ, ngoài vườn lung linh ánh hồng. Người phụ nữ lại như kẻ mơ mộng, vớ vội máy ảnh chạy ra vườn, lưu giữ lại những khoảng khắc đẹp nhất của hoa, gió và trời. Lúc giật mình tỉnh lại là khi thấy bao quanh mình một biển hoa, cảm giác như lạc vào miền cổ tích.

"Có lẽ vì vậy, rất nhiều khách hàng phản hồi các sản phẩm của tôi mang sắc màu của tự nhiên, nhìn là thấy an và vui", người phụ nữ Việt ở Australia nói.

 

 

CỬ TRI TẠI MỸ CHỌN MÀU XANH HAY MÀU ĐỎ?

'Xanh' ở đây là bầu cho ứng viên đảng Dân chủ và 'đỏ' là ứng viên của đảng Cộng hòa.

Theo thống kê từ Trung tâm nghiên cứu Pew, tỉ lệ người tham gia bầu cử trong những năm gần đây đã tăng đáng kể so với các thập niên trước.

Trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, cuộc tranh cử giữa hai ứng viên là Phó tổng thống Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump cũng đang trở thành một vấn đề được nhiều người quan tâm.

Những khác biệt thế hệ

Có sự khác biệt rõ rệt giữa cộng đồng người Việt tại Mỹ trong những năm đầu di cư và cộng đồng hiện tại. Vào thời gian đầu mới định cư, nhiều người phải dành phần lớn thời gian để thích nghi, học hỏi và xây dựng lại cuộc sống, do đó bầu cử không phải ưu tiên hàng đầu của họ.

Thêm vào đó, đa số người Việt khi ấy vẫn chưa có quốc tịch Mỹ nên không đủ điều kiện tham gia bầu cử. Trong nhiều trường hợp, ngay cả khi họ nỗ lực thi quốc tịch, mục tiêu chính cũng không phải vì bầu cử mà là để hợp thức hóa giấy tờ bảo lãnh cho người thân còn ở Việt Nam. Vì vậy, cộng đồng người Việt tại Mỹ lúc bấy giờ không mấy quan tâm đến việc bầu cử.

Hiện nay, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều tiểu bang. Phần đông người Việt di cư sang đây khi đã trưởng thành đều đã nhập quốc tịch, lập gia đình, và con cái của họ - sinh ra hoặc lớn lên tại Mỹ - giờ cũng có công việc ổn định và nguồn thu nhập vững chắc.

Họ bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội và những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình, thay vì chỉ tập trung vào miếng cơm manh áo như trước. Vì thế, đối với người Việt tại Mỹ, ngày bầu cử giờ đây trở thành một sự kiện nóng hổi và được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.

Dù nước Mỹ được xem là quốc gia có nền chính trị đa đảng, nhưng trên thực tế, chỉ có hai đảng lớn là Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ luân phiên nắm quyền trong suốt chiều dài lịch sử. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 51% người Việt tại Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hòa, trong khi 42% ủng hộ Đảng Dân chủ.

Cộng đồng người Việt tại Mỹ được xem là cộng đồng có tư tưởng bảo thủ nhất trong các cộng đồng người gốc Á. Cần lưu ý rằng từ "bảo thủ" ở đây không mang hàm ý tiêu cực mà chỉ nói lên sự trung thành với các giá trị truyền thống và quan điểm mang tính cổ điển.

Khi đặt chân đến Mỹ, người Việt, đặc biệt là những ai ít có dịp về quê, luôn mang theo hình ảnh, ký ức và văn hóa Việt Nam từ thời còn sinh sống tại quê hương. Họ luôn cố gắng gìn giữ những nét văn hóa đó ngay cả khi đã sống tại Mỹ. Điều này lý giải cho sự "bảo thủ" trong văn hóa của cộng đồng người Việt tại đây, dẫn đến việc phần lớn người Việt ở Mỹ ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, cộng đồng người Việt tại Mỹ đang dần trẻ hóa theo thời gian, và điều này góp phần làm thay đổi tư tưởng và văn hóa của họ theo hướng hiện đại hơn.

Giống như nhiều cộng đồng khác, cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng đang đối mặt với sự khác biệt về tư tưởng giữa hai thế hệ. Thế hệ đầu tiên, những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, dù đã di cư sang Mỹ vẫn thường coi mình là người Việt Nam sống tại Mỹ và xem Việt Nam là quê hương.

Do đó, khi tham gia bầu cử, họ vẫn chú trọng đến lợi ích của Việt Nam. Những người này thường còn gia đình tại quê nhà, và họ rất quan tâm đến quyền lợi cũng như cuộc sống của người thân ở trong nước.

Trong những năm gần đây, tranh chấp ở Biển Đông cũng là mối lo ngại lớn đối với nhiều người Việt sống tại Mỹ. Phần lớn trong số họ thường ủng hộ Đảng Cộng hòa và đặc biệt dành sự tín nhiệm cho cựu tổng thống Donald Trump do ông thường có những phát ngôn chỉ trích mạnh mẽ về Trung Quốc.

Xu thế mới của người trẻ

Bên cạnh đó, còn có một thế hệ người Việt thứ hai, sinh ra và lớn lên tại Mỹ, với hệ tư tưởng không khác gì so với những người Mỹ bản địa. Những người này thường tự nhận mình là người Mỹ gốc Việt hơn là người Việt sống tại Mỹ.

Tùy thuộc vào nơi họ sinh sống, đặc biệt là những ai ở xa cộng đồng người Việt, nhiều người trong nhóm này có phần thiếu gắn kết với đất nước và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, họ thường ít quan tâm đến các vấn đề diễn ra ở quê hương. May mắn hơn thế hệ đầu tiên, những người Việt thế hệ sau lớn lên tại Mỹ thường đã có nền tảng kinh tế vững chắc và sự hỗ trợ từ gia đình.

Phần lớn những người Việt trẻ tại Mỹ đều có bằng cấp và thu nhập ổn định, điều này cho phép họ có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến các chính sách ảnh hưởng đến xã hội và môi trường sống của mình. Nhóm người Việt này thường có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ nhiều hơn, bởi vì những chính sách của đảng này thường được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, như bình đẳng giới tính, bình đẳng hôn nhân và bảo hiểm sức khỏe.

Cách thức tiếp nhận thông tin của người Việt trẻ tại Mỹ cũng khác biệt rất nhiều so với thế hệ phụ huynh của họ. Với lợi thế về ngôn ngữ và được giáo dục tại Mỹ, họ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn thông tin chính trị.

Việc tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau giúp họ dễ dàng xác minh thông tin và phân biệt được đâu là thật, giả. Do đó, họ thường đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các ứng viên mà mình ủng hộ. Ngược lại, những người Việt khi sang Mỹ mà chưa học được ngôn ngữ và hội nhập với xã hội thường trở thành nạn nhân của tin giả, dễ bị đưa ra những lựa chọn sai lầm trên lá phiếu.

 

 

TRỒNG CẦN SA BẤT HỢP PHÁP, 11 NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT TẠI NEW ZEALAND

Cảnh sát New Zealand đã bắt giữ 11 người Việt Nam, và tiêu hủy hơn 3.000 cây cần sa tươi sau khi thực hiện hơn 30 lệnh khám xét trên khắp thành phố Auckland vào tuần trước.

Quyền Thanh tra thám tử Greg Brand của sở cảnh sát cho biết các vụ bắt giữ diễn ra sau một cuộc điều tra trên toàn thành phố nhằm vào một tổ chức tội phạm "tinh vi và chạy theo lợi nhuận".

Theo tờ báo Herald, tổng cộng 3.385 cây cần sa ở nhiều giai đoạn phát triển khác nhau đã bị tịch thu và tiêu hủy sau cuộc điều tra, cùng với 48kg cần sa khô. Tổng giá trị ước tính của các vụ tịch thu, dựa trên sản lượng ước tính của các cây, là 18 triệu đô la.

Ông Brand cho biết nhóm tội phạm có tổ chức này đã sử dụng các khu dân cư để thiết lập các hệ thống trồng cần sa trong nhà một cách tinh vi.

Cơ quan Di trú New Zealand đã trục xuất 11 công dân Việt Nam về nước do những người này cư trú bất hợp pháp tại New Zeland.

Cảnh sát cho biết cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành dựa trên thông tin tình báo thu thập được trong quá trình điều tra và cảnh sát không loại trừ khả năng sẽ có thêm các vụ bắt giữ khác.

Ông Brand cho biết hành động của nhóm này phản ánh các hoạt động tương tự mới được phát hiện gần đây ở Úc, nơi các nhóm tội phạm - chủ yếu là người gốc Việt - đang điều hành một số lượng lớn các hoạt động trồng cần sa trong nhà.

Cảnh sát đang làm việc cùng với Cơ quan Di trú New Zealand liên quan đến những công dân nước ngoài tham gia vào cuộc điều tra này, vì họ muốn đảm bảo rằng các cộng đồng người di cư được an toàn khỏi những kẻ lợi dụng các điều kiện trong thị thực lao động của họ.

Cảnh sát nhắc nhở các chủ nhà cảnh giác khi cho thuê bất động sản và đảm bảo có các cuộc kiểm tra bất động sản thường xuyên để tránh tình trạng người thuê cải tạo thành trang trại trồng cần sa.

 

Nguồn: VTV4; Vnexpress; Tuổi Trẻ; RFA

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang