Người Việt hải ngoại: Hoài nhớ Tết xưa; 'Giữ lửa' Tết ở Úc; Đón Tết trên sông Đông; Thầy giáo ở Lào

NGƯỜI XA XỨ HOÀI NHỚ TẾT VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Người Việt sống tha hương, dù ở phương trời nào, cũng hoài nhớ Tết Việt, như một nỗi “nhớ đầy”, và nỗi lòng họ như nước chảy về chỗ trũng, như lá phải rụng về cội rễ quê hương.

Cái Tết duy nhất theo bà về quê nội, đã không lần nào được lặp lại suốt tuổi thơ tôi. Không hiểu sao nó đã nằm ém nhẹm ở đáy tim, cũng không một lần tôi hồi nhớ.

Và bỗng nhiên nó trở về, theo nỗi nhớ hằn trong ký ức tuổi ba mươi lăm, khi tôi từ Việt Nam, năm 1986, sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh - Âm nhạc quốc gia Leningrad. Sau này, Liên Xô tan rã, năm 1991 thành Len đã lấy lại tên cũ, St. Petersburg, thủ đô cổ thời Sa hoàng. Nước Nga Xô viết đã thành Liên bang Nga SNG. Trường tôi cũng mang tên mới: Viện Sân khấu - Điện ảnh - Âm nhạc quốc gia St. Petersburg.

Vào năm Bính Dần 1986 ấy, thời tiết nước Nga lúc đó đã cuối thu đầu đông. Lần đầu trong đời, tôi nếm trải mùi vị xa xứ lâu năm, đúng lúc những hàng cây nước Nga vào mùa trút lá, lá phong chuyển đỏ sang vàng, rụng đầy như tấm thảm tươi vàng, lá khô kêu xao xác dưới gót giày.

Mùa đông Nga ngàn ngạt màu tuyết trắng trên đảo Vasily, nơi tôi ở. Những bông hoa tuyết bay chấp chới, xiên chéo trong gió biển thổi về, rơi biền biệt muốt trắng ngoài cửa sổ. Tôi băng ngang vườn cây đã trút hết, chẳng còn lấy một chiếc lá trên cành, sang chơi nhà bạn bên ký túc xá trường đại học Mỏ gần đấy.

Dấu giày tôi in đậm trên nền tuyết trắng. Trên không trắng xám trời mây, vẫn không ngừng rơi những bông tuyết lạnh đậu nhẹ trên má nóng bừng. Cho đến mãi về sau tôi vẫn không hiểu sao mình lại sống nổi qua mùa đông năm Bính Dần ấy, có lúc lạnh xuống 40 độ âm, và cả mấy mùa đông năm sau nữa, tuy ấm hơn, nhưng vẫn thường âm 20, 30 độ, và dài đằng đẵng trong mênh mang tuyết trắng. Và chưa bao giờ tôi được nếm trải cái lần đầu ăn tết Tây ở nước Nga xa ngái, và cũng là lần đầu ăn tết Việt xa nhà, đã thật thấm thía mùi vị tết tha hương…

Cô giáo tiếng Nga của tôi, cô Olga Nikolayevna tròn xoe mắt, long lanh như hai viên ngọc xám tro, khi tôi ngỏ lời mời cô đến ăn Tết Việt ở ký túc xá của trường tôi: phố Apatrinina, trên đảo Vasily lộng gió mùa đông. Ồ. Việt Nam có Tết riêng ư? Tôi giải thích Việt Nam thuộc vùng văn hóa phương Đông, ăn tết theo lịch riêng phương Đông, nên bao giờ Tết Việt cũng chậm hơn lịch dương, có khi cả tháng trời nếu là năm nhuận.

Cô Olga vỡ lẽ, cười giòn, ra chiều thích thú và bông đùa: Thế là các bạn được ăn những hai cái tết cơ à. Một tết Nga và một tết Việt, thật sung sướng! Nhưng đừng nghỉ học, vẫn phải đi học tiếng Nga đều đấy. Tôi hứa đi học tiếng Nga đều, và sẽ cùng bạn bè người Việt ở trường tôi và trường Mỏ gần đấy tổ chức tiệc mừng tết Việt, bắt đầu từ chập tối, sau khi đã học cả ngày ở trường. Và đêm giao thừa năm Đinh Mão 1987 sẽ thức cả đêm đợi mùng một tết theo phong tục Việt.

Cô Olga, khi thân thiết, thuận tình cho tôi gọi bằng tên thân mật: Olya, nháy mắt cười với tôi: Xem ra Tết Việt sẽ thú vị đấy nhỉ, tôi tò mò quá, thử kể tôi nghe? Tôi lắc lắc đầu, ra chiều bí mật: Xin cô cứ đến, cô sẽ biết Tết Việt là thế nào. Chỉ phiền một nỗi, sáng hôm sau đi học, tôi sẽ buồn ngủ díp mắt và xin cô “tha tội” trước, nếu tôi ngủ gật trong giờ tiếng Nga của cô. Cô Olga tốt bụng cười tươi, gật đầu thông cảm.

Thế là cô giáo tiếng Nga của tôi, và một thầy nữa, dạy môn hình thể sân khấu, được mời ăn Tết Việt, uống rượu Lúa Mới, ăn thịt gà Việt luộc cả con, trên đầu gà còn đội một bông hồng đỏ, rồi nem rán Việt, thịt đông, chả lợn nướng, nước chấm Việt ngon lành, canh măng miến, mộc nhĩ nấm hương… và chúc nhau những lời có cánh, mừng tuổi kiểu Việt, khiêu vũ, hát dân ca Nga, dân ca Việt… Và có lúc cùng ngồi yên lặng… nhớ nhà. Tâm trí tôi, đêm giao thừa xa xứ đầu tiên ấy, đã bỗng dưng trở về nguyên tươi cái ngày tuổi thơ theo bà về quê nội ăn Tết…

Cái năm 1987 cũng đã xa xăm ấy ở đảo Vasily, chưa hề có điện thoại di động và cũng không ai phong lưu tiền bạc để gọi điện thoại đường dài về Việt Nam. Nhóm người Việt chúng tôi chỉ cố mô phỏng nghi lễ giao thừa Việt, cùng xắn tay làm cỗ Việt và lập một bàn thờ tổ tiên đại diện, trong căn phòng được bà phụ trách ký túc xá đồng ý cho mượn để làm Tết Việt. Không có bài vị thờ riêng tại gia như ở nhà, chúng tôi lấy gạo tẻ đong đầy cốc thủy tinh Nga, để cắm hương, và bày hoa quả Nga lên ban thờ, là tấm gỗ thông giản dị gắn trang trọng trên tường.

Tôi thắp ba nén hương trầm mang từ nhà sang, dành dụm từ tháng mười năm ngoái, cho ngày tết Việt, cúi đầu nhớ lại những lời khấn vái tổ tiên của bà nội, của mẹ, ngày Tết. Tôi cầu xin tổ tiên ông bà phù hộ độ trì gia đình ở quê nhà và ở đây, cho những đứa con xa xứ được an lành, học hành giỏi giang…

Thấy cảnh thắp hương khấn nguyện thành kính kiểu Việt, cô Olga và thầy Anton cũng đến đứng cạnh chúng tôi, cúi đầu thầm thì bằng tiếng Nga, chúc mừng năm mới Việt tốt lành cho những sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt xa xứ. Đêm ấy chúng tôi say sưa uống rượu Việt rượu Nga, khiêu vũ, hát dân ca Việt dân ca Nga, ru hồn trong ca từ Việt Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Hoa thơm bướm lượn, Ra ngõ mà trông, Cây trúc xinh, và dân ca Nga Liễu xanh xanh soi mình bên hồ nước trong, với câu hỏi khắc khoải: Tình yêu của em, người đang ở nơi đâu? Và cùng hòa tiếng hát với ngữ điệu du dương của Cánh đồng Nga. Cô Olga cất tiếng hát lại những bài tình ca nổi tiếng mà Alla Pugacheva, Sofia Rotaru, hai nữ danh ca Nga đã hát, và đã kịp thành hai người đàn bà hát mà tôi thần tượng.

Cô Olga còn rưng rưng cảm động khi tôi hát bài tình ca nổi tiếng, do cô bạn Hòa của tôi dạy cho, khi cô đi học đại học nông nghiệp ở nước Nga trở về, từ chục năm trước, bài Người tôi nhìn say đắm (nguyên văn tiếng Nga: Người mà tôi nhìn không… chán mắt). Không ngờ, không khí Tết Việt ở nơi xa xứ đã thật vui tươi và cảm động…

Sau này, chính những bài tình ca tiếng Nga cô Olga dạy tôi hát đã khiến tôi vừa khá lên tiếng Nga, vừa thêm khắc khoải nhớ nhung tiếng Việt.

Lần đầu ăn Tết Việt xa xứ, lại bỗng nhiên thành nỗi nhớ quay về tuổi thơ xa ngái của ngày xưa, theo bà nội về quê Hà Đông ăn tết… Nỗi nhớ nhà, nhớ Tết quê khiến tôi chực trào nước mắt. Thảo nào, nhà văn Hồ Anh Thái đã đặt tên đầy ngụ ý cho tập truyện ngắn ra mắt năm 2013 của mình: Người bên này trời bên ấy (NXB Trẻ), với đề tựa lấy từ vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ: Tình hoài vọng kể sao xiết kể / Thân một nơi lòng để một nơi.

Chính Hồ Anh Thái đã biện giải tinh tế cho nỗi sầu xứ của mình, (khi luôn đi công cán nước ngoài, trong các sứ quán Việt Nam), ở trang bìa 4 cuốn sách: “Chuyến đi dài nhất chính là cả cuộc đời, cuộc xê dịch triền miên trong cõi tạm. Qua các vùng địa lý, các vùng khí hậu, các vùng văn hóa và sắc tộc. Lên Bắc, xuống Nam, Đông sang Tây và Tây trở về Đông. Gửi lại nơi đó những kỷ niệm, và đi đâu thì cũng mang theo trong lòng nỗi niềm hoài nhớ cố hương.

Người đang ở bên này, bầu trời trên đầu cũng là bầu trời bên này, nhưng ám ảnh hoài niệm khiến cho cảnh sắc chợt hóa thành bầu trời ở bên ấy… Như mọi chuyến đi, đi là trở về với bầu trời xứ sở mình, dù có khi chỉ là trở về trong hoài niệm”.

Như thế, người Việt sống tha hương, dù ở phương trời nào, cũng hoài nhớ Tết Việt, như một nỗi “nhớ đầy” (chữ thơ đẹp của thi sĩ Hồ Dzếnh), và nỗi lòng họ, đã như nước chảy về chỗ trũng, là nơi bản quán, như lá phải rụng về cội rễ quê hương…

(Nguồn: Zing News)

“GIỮ LỬA” TẾT CỔ TRUYỀN VIỆT NAM TRONG CÁC GIA ĐÌNH TẠI AUSTRALIA

Bằng nhiều cách khác nhau, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết vẫn được những người Việt Nam đang sống tại Australia gìn giữ và phát huy giá trị.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, với những người con đất Việt sống xa quê, nhất là với bà con Việt kiều, Tết không chỉ là dịp để cả gia đình đoàn viên mà còn là cơ hội để nhắc nhở cháu con hướng về cội nguồn.

Và những Việt kiều ở Australia cũng không ngoại lệ. Bằng nhiều cách khác nhau, những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam trong ngày Tết vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị.

Hằng năm, cứ mỗi dịp đến Tết Nguyên đán, gia đình chị Phạm Hợp - một Việt kiều sống tại thành phố Sydney của Australia - lại cùng các gia đình bạn bè tụ tập với nhau để chuẩn bị mâm cỗ theo đúng truyền thống Việt Nam.

Đặc biệt, đây đều là các gia đình đa văn hóa với những em bé mang hai dòng máu Việt Nam-Australia. Tuy nhiên, bất kể ở đâu, tại quốc gia nào, những bà mẹ Việt Nam vẫn luôn cố gắng gìn giữ văn hóa Tết Việt trong gia đình và cho các thế hệ mai sau.

Dù đã sống và làm việc tại thành phố Sydney hơn 18 năm, song với chị Hợp, ngoài việc dùng tiếng Việt trong giao tiếp để giữ gìn tiếng mẹ đẻ thì việc lưu giữ phong tục, lễ Tết là cách tốt nhất để giáo dục con cái về đạo đức làm người, về truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Chính vì thế, cho dù có chồng là người Australia và hai con mang 2 dòng máu Việt-Australia, chị Hợp vẫn luôn tâm niệm phải làm sao để con mình hiểu và quý trọng những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam, cảm thấy gần gũi, gắn bó với quê hương đất nước và tự hào vì mang trong mình dòng máu Việt.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Phạm Hợp cho biết chị luôn nhắc các con phải gìn giữ tết cổ truyền vì đó là bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt.

Và các con chị dường như cũng thấu hiểu điều đó nên mỗi dịp Tết Nguyên đán, các cháu lại cùng mẹ chuẩn bị những mâm cỗ theo đúng truyền thống của Việt Nam để cả gia đình quây quần bên nhau.

Điều hạnh phúc hơn nữa đối với chị là anh Paul MacDonald, chồng chị, tuy không phải là người Việt, nhưng vô cùng yêu mến văn hóa Việt.

Anh thích ngắm vợ thướt tha trong tà áo dài và thưởng thức các món ăn Việt tinh tế do vợ nấu. Nhờ sự tỉ mỉ và tình yêu văn hóa truyền thống của vợ, giờ đây, những người con rể gốc Australia như anh Paul McDonald đã phần nào hiểu rõ hơn về Tết Nguyên đán và ngày càng thích thú hơn với văn hóa Việt Nam.

Anh cho biết vào những dịp Tết của người Việt, vợ chồng anh thường cùng bạn bè quây quần bên những mâm cơm mang đặc trưng truyền thống của Việt Nam để giúp vợ anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương và cảm thấy cái Tết xa quê trở nên gần gũi hơn rất nhiều.

Là người Việt Nam thì dù ở đâu cũng phải gìn giữ văn hóa, truyền thống Việt, nếp nhà Việt. Chính vì vậy, cũng như chị Hợp, chị Trần Hải, một bà mẹ Việt kiều khác, luôn cố gắng truyền tải cho các con hiểu về văn hóa bản sắc dân tộc.

Đây cũng là lời nhắc nhở chính bản thân của chị và con cái: không bao giờ quên gốc gác, cội nguồn Việt Nam.

Với chị, việc cùng nhau chuẩn bị cỗ và quây quần bên mâm cơm gia đình trong ngày Tết là điều vô cùng thiêng liêng và không thể thiếu, giúp chị cảm thấy gần gũi như đang được sống trong không khí Tết quê hương.

Hiểu thấu tâm tư của vợ, anh Mike Langford - chồng chị Hải - hằng năm cũng rất mong chờ ngày Tết cổ truyền của Việt Nam và tạo ra bầu không khí gần giống với ngày Tết ở Việt Nam nhất để vợ anh vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Anh luôn tự hào vì gia đình mình may mắn mang 2 dòng máu Việt-Australia nên được tận hưởng những nền văn hóa khác nhau, giàu bản sắc.

Nhờ sự giáo dục của những bà mẹ Việt, những đứa trẻ dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài vẫn hiểu được giá trị của văn hóa Việt Nam, thêm trân trọng ý nghĩa Tết cổ truyền dân tộc, từ đó các bạn có ý thức tìm về với cội nguồn.

Cháu Emily, con gái chị Hợp, tâm sự: “Cháu rất thích ngày Tết của Việt Nam vì được ăn những món ăn ngon do mẹ nấu, được mẹ giải thích cho truyền thống văn hóa của người Việt và những trẻ con như chúng cháu thích nhất phong tục nhận tiền mừng tuổi.”

Với người Việt xa quê, việc “giữ lửa” Tết Việt là một phần vô cùng quan trọng và không thể thiếu bởi nó không chỉ là gìn giữ văn hóa truyền thống, gìn giữ hồn cốt quê hương, mà đó cũng chính là cách để giúp vơi đi nỗi nhớ quê hương, gia đình, bạn bè và người thân, là cách để thế hệ sau dù có sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng có thể hiểu, cảm nhận và kế thừa những cốt lõi của văn hóa dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: Quê Hương Online)

TẾT VỚI BÀ CON NGƯỜI VIỆT Ở ROSTOV TRÊN SÔNG ĐÔNG

(Ảnh minh hoạ).

Khi Tết đến Xuân về trên mọi nẻo đường Việt Nam thì ở Nga, nơi có những khu chợ buôn bán của phần đông bà con người Việt, chỉ là một ngày làm việc rất bình thường.

Tết luôn mang đến nhiều tâm trạng cho những người Việt ở xa quê, trong đó có những người Việt Nam tại thành phố Rostov trên sông Đông - thủ phủ vùng tây nam nước Nga.

Một khu chợ tập trung người Việt Nam kinh doanh tại Rostov, hàng hóa ở đây đang phục vụ cho cả khu vực Donbass. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - Người Việt tại Rostov trên sông Đông, Liên bang Nga cho biết: "Nhiều khách hàng họ đến đây, nếu rơi vào mùa hè thì họ đến đây từ lúc 1-2 giờ sáng, nghỉ ngơi luôn ngoài bến xe".

Quanh năm bán buôn và bán lẻ, khu chợ này chỉ có ngày nghỉ duy nhất là Tết Dương lịch. Tết Việt là ngày làm việc hết sức bình thường. Nhiều người tưởng như đã quen với điều này, nhưng khi đứng giữa trời đông lạnh giá nghĩ về không khí sum họp ở quê hương cũng không khỏi chạnh lòng.

Hiện ở Rostov có khoảng 70-80 người Việt Nam đang sinh sống, phần lớn họ là công nhân đi hợp tác lao động thời Liên Xô gần 40 năm trước. Bà con chủ yếu mưu sinh bằng công việc kinh doanh tại các khu chợ và họ đã quen với cuộc sống bình yên bên bờ sông Đông.

Thêm một cái Tết đi qua. Cuộc mưu sinh vất vả cuốn đi cả những mong ước của nhiều người, trong đó có cả những ước mong về quê ăn Tết.

(Nguồn: VTV)

THẦY GIÁO NGƯỜI VIỆT TRÊN BẢN VÙNG CAO LÀO

Tết Quý Mão 2023 là cái Tết thứ tư thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc ở lại Lào. Ngày Tết ai chẳng muốn về đoàn tụ gia đình, nhưng thầy giáo Ngọc bảo: “Ở đây, các học trò, bà con dân bản cũng như người thân. Chắc Tết này tôi sẽ lại tự gói bánh chưng, cuốn nem cho có hương vị ngày Tết quê hương và chung vui với mấy em học trò nghèo”.

Thầy trân quý cái tình của họ với mình, nên muốn dành nhiều thời gian hơn ở Viêng Phu Kha, vì nhiệm kỳ hai năm (2021-2023) làm giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở Lào ngắn lắm, chẳng mấy mà kết thúc, còn bao dự định ấp ủ chưa kịp làm, nhất là công việc thiện nguyện hỗ trợ các học sinh và người dân nghèo ở huyện vùng núi Viêng Phu Kha, tỉnh Luông Nậm Thà.

Thầy bộc bạch, càng làm càng thấy say mê và có động lực, nhất là được sự ủng hộ nhiệt tình của các anh chị em, bạn bè cả người Việt Nam lẫn người Lào. Thầy giáo Ngọc không phải đứng ra kêu gọi, mà mọi người thấy thầy thương học trò nghèo, hay gom góp quần áo, sách vở và các đồ dùng cần thiết khác để tặng học sinh nên cũng chung tay góp sức tình nguyện làm cùng.

Sau khi lên công tác tại Trường THPT Viêng Phu Kha được hai tuần, thấy hoàn cảnh các em học sinh quá khó khăn, thầy Ngọc đã bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như mang cho các em đồ ăn hay ít sách vở. Một số em ở cách xa trường 30-40km mà phải đi bộ đường rừng đến trường nên đã dựng tạm mấy cái lán trên sườn đồi cạnh trường để ở lại và chỉ về nhà vào cuối tuần. Lán chỉ lợp lá, vách tre nứa nên mưa thì dột mà nắng thì nóng, lại không có điện, nước. Cha mẹ có gửi đồ ăn thì cũng vẫn thiếu.

Giờ mấy cái lán dột nát đó không còn nữa, vì thầy giáo Ngọc đã xin nhà trường cho các em chuyển xuống ở tại mấy phòng học trống gần ký túc xá chỗ thầy ở. Những lúc rảnh rỗi, thầy trò lại cùng nhau tăng gia, trồng thêm rau xanh ở các mảnh đất xung quanh để đỡ tốn tiền đi chợ; đôi lúc cùng bà con dân bản vào rừng hái củ măng...

Thầy Ngọc tiếp tục làm thiện nguyện sau đó vì có nhiều em hoàn cảnh khó khăn vẫn rất cần sự giúp đỡ. Đầu năm 2022, thầy cùng các bạn bè, anh chị em thân thiết thực hiện được hai đợt trao quà lớn và nhiều đợt nhỏ. Lần đó, thầy Ngọc đón một mạnh thường quân là Việt kiều từ thủ đô Viêng Chăn xuống trao quà tặng các em học sinh và người dân có hoàn cảnh khó khăn. Chị Vannaly Onsavath-Việt kiều Lào, còn có tên là Xuân, chủ doanh nghiệp ở Viêng Chăn kể, chuyến đi đầu năm khá vất vả vì tổng quãng đường cả đi và về đến hơn 500km.

Dù rất say xe nhưng thầy Ngọc vẫn nhiệt tình đi đón và dẫn đoàn tới tận nơi. Lần đó tuy mệt nhưng ai cũng phấn khởi, nhất là khi được chứng kiến niềm vui của các học sinh và bà con nghèo thì mọi mỏi mệt đều tan biến. “Chúng tôi quý cái tâm của thầy Ngọc với các em học sinh nghèo nên cũng mong sẽ hỗ trợ quyên góp thêm để giúp được nhiều em hơn”, chị Xuân chia sẻ.

Được biết, trong vòng một năm qua, thầy giáo Ngọc cùng nhóm thiện nguyện đã thực hiện 16 lần trao quà tặng học sinh và bà con nghèo trong huyện, tỉnh nơi thầy công tác. Tổng số tiền lên đến 100 triệu kip.

Thầy thương trò, trò cũng biết thương thầy. Dân bản quanh trường và các đồng nghiệp đều yêu quý thầy giáo người Việt. Thấy thầy thui thủi một mình trong ký túc xá trên quả đồi rộng vài héc-ta vì không có đồng nghiệp nào ở lại, điều kiện ăn ở cũng không thoải mái nên dân bản khi thì may cho túi khoai, túi gạo, có bữa lại mời thầy về ăn cơm cùng cho vui. Học trò có khi khệ nệ mang lên nải chuối, túi rau bố mẹ gửi biếu thầy. Đến bây giờ, thầy Ngọc vẫn xúc động khi nhớ về tình cảm ấm áp của bà mẹ dân tộc Khơ Mú đã lo lắng, mua thuốc, thịt gà, mang đồ ăn đến tận nơi lúc thầy đau ốm.

Ở trường, thầy giáo Ngọc dạy tiếng Việt và lồng ghép dạy văn hóa Việt cho các em học sinh khối lớp 11 và 12, ngoài ra còn dạy tiếng Việt cho một lớp cán bộ của huyện Viêng Phu Kha, dạy online cho một số học sinh ở xa. Thầy Ngọc hy vọng các học trò nghèo của mình sẽ có cơ hội được học lên cao và các tiết học tiếng Việt sẽ truyền cảm hứng phấn đấu học tập cho các em. Có một số bạn còn mong được sang Việt Nam học tiếp. “Học bổng của Chính phủ Việt Nam dành cho học sinh Lào cũng nhiều nên các em rất hào hứng học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt”, thầy Ngọc kể.

Ghi nhận tấm lòng và những cống hiến của thầy giáo người Việt trong một năm qua, lãnh đạo các cấp phía bạn Lào đã trao tặng thầy Ngọc 8 giấy khen vì những đóng góp cho công tác giáo dục và cộng đồng tại Lào. Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương muốn giữ thầy Ngọc ở thêm sau khi hết nhiệm kỳ, khuyên thầy nên ở lại để tiếp tục thực hiện những công việc có ý nghĩa.

Trước khi nhận hai năm công tác ở Lào theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chàng trai quê Bắc Giang sinh năm 1991 đã có 7 năm sinh sống, làm việc và học tập tại Lào, lấy bằng Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Lào. Giờ quyết định ở lại hay về nước với thầy Ngọc đều không dễ dàng. Vì ở Việt Nam, thầy Ngọc công tác ở Trường Đại học Khoa học-Đại học Thái Nguyên, nên quyết định gắn bó nhiều năm với nước bạn Lào là thầy đã bỏ lỡ các cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khác trong nước. Là con trai duy nhất trong gia đình, bố mẹ thầy cũng đang giục về...

Nhưng việc xa Viêng Phu Kha và những học trò thân yêu giờ đây thật khó khăn. Thầy Ngọc bảo, thời gian công tác ở huyện nghèo vùng cao là có ý nghĩa nhất đối với mình trong những năm tháng ở Lào. Thầy có ý định sẽ trở về cống hiến cho quê hương, nhưng nếu có cơ hội trong tương lai, thầy hy vọng được trở lại để tiếp tục đồng hành với các em học sinh Lào.

Thầy Ngọc tâm sự, thực ra lúc đầu không yêu thích nghề giáo viên, nhưng trải qua gần 10 năm đứng lớp, gắn bó với đất nước, con người Lào, tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người đã dành trọn cho đất nước Lào bằng việc giảng dạy tiếng Việt, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia, thầy nhận thấy công việc này tuy thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa nên càng yêu nghề hơn. “Nếu có cơ hội để gắn bó dài lâu, có những điều kiện tốt hơn nữa, tôi nghĩ các thầy cô giáo đang giảng dạy tiếng Việt tại Lào nói chung và bản thân tôi nói riêng sẽ cố gắng phấn đấu đóng góp và tiếp tục gắn bó với chương trình”, thầy Ngọc cho biết.

(Nguồn: QĐND)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đón Tết xa xứ; Lễ chùa đầu năm tại Lào; Đón Tết ở Đức; Mùa đông đặc biệt ở EU; Tiến sĩ nhận giải ở Úc ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang