Người Việt hải ngoại: Hiến máu ở Nga; Tôn vinh phụ nữ ở Hà Lan; Chợ SAPA ở Praha; Hành trình trở lại Ukraine

Sinh viên Việt Nam tại St.Petersburg, Nga tham gia hiến máu nhân đạo

(Ảnh minh họa).

Trong thời gian qua, các sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở St.Petersburg luôn nhiệt tình tham gia vào các phong trào tình nguyện của thành phố.

Ngày 13/3, các sinh viên Việt Nam và Myanmar đang học tập tại thành phố St.Petersburg, LB Nga đã tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Chương trình do Ủy ban Đối ngoại của thành phố cùng với Ủy ban Y tế tổ chức.

Tổng cộng, 30 công dân nước ngoài, bao gồm các sinh viên Việt Nam đã tham gia sự kiện này, do chuyên gia trưởng của Ủy ban Đối ngoại St.Petersburg Sergei Sheremet hướng dẫn.

Các sinh viên đã đến thăm Trạm truyền máu thành phố St. Petersburg và hiến máu cho nhu cầu của các bệnh viện thành phố. Họ đã gặp người hiến máu danh dự của Nga và St. Petersburg, người đứng đầu bộ phận quan hệ công chúng và xúc tiến quyên góp của Trạm Stanislav Davydov. Ông cho biết, việc “quyên góp giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm”. Ông bày tỏ vui mừng, vì độ tuổi trung bình của người hiến tặng gần đây đang giảm dần. Ngày càng có nhiều người trẻ trở thành những công dân tích cực và hiến máu cho những người cần.

Bí thư Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại St. Petersburg Đỗ Thế Mạnh, sinh viên tại Đại học Bách khoa cho rằng, đây là một sáng kiến rất hay. Tại Việt Nam, đang diễn ra Tháng Thanh niên truyền thốn, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hàng năm nhằm thu hút thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách và hỗ trợ xã hội. Các sinh viên Việt Nam đang học tại St.Peterburg cảm thấy rất vui, vì xa nhà, nhưng họ đã có cơ hội đóng góp và trở thành những người hiến tặng. Hy vọng, máu của các bạn sẽ hữu ích trong việc cứu người.

Trong thời gian qua, các sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở St.Petersburg luôn nhiệt tình tham gia vào các phong trào tình nguyện của thành phố như ngày thứ bảy dọn dẹp vệ sinh môi trường, quyên góp từ thiện, nhân đạo…Sự tích cực của các bạn được Uỷ ban Đối ngoại St.Petersburg đánh giá cao, tạo được hình ảnh đẹp về tuổi trẻ Việt Nam tại thành phố này.

(Nguồn: VTV4)

Người Việt tại Hà Lan tôn vinh đóng góp của phụ nữ cho gia đình và xã hội

Tại La Hay, Hà Lan, Hội người Việt tại Vương quốc Hà Lan và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức sự kiện mang tên “Phụ nữ - Suối nguồn yêu thương” để vinh danh những người mẹ, người chị nhân dịp Quốc tế phụ nữ 8/3.

Ngày 12/3, gần 150 người có mặt tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan để kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, được Liên Hợp Quốc chính thức hóa vào năm 1977 mặc dù khởi nguồn từ hơn 100 năm trước, vào năm 1909. Sự kiện “Phụ nữ - Suối nguồn yêu thương” này được Hội người Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan và Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hà Lan đồng tổ chức để tôn vinh những đóng góp to lớn nhưng thầm lặng của phụ nữ dành cho gia đình và xã hội. Đây là một trong những chương trình mà hai hội có kế hoạch tổ chức trong năm 2023 này.

Tham gia sự kiện gồm có Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh và phu nhân, các hội viên, các cán bộ nhân viên Sứ quán, và nhiều bạn bè người Hà Lan. Mỗi chị em được tặng một bông hồng tươi thắm. Những người tham gia sự kiện hát những khúc nhạc quê hương, tận mắt ngắm những tà áo dài đầy nữ tính thướt tha, những màn ngâm thơ, hò vè tiếng Việt, tranh vẽ của các họa sĩ nhí, những màn hát các bài hát tiếng Việt trữ tình và màn thi cuốn nem của các anh em... người Hà Lan và Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Phạm Việt Anh vui mừng với sự lớn mạnh của phong trào người Việt. Đại sứ mong muốn và động viên mọi người đoàn kết, nhất trí cùng nhau xây dựng một cộng đồng vững mạnh, có tiếng nói trong xã hội nước sở tại và luôn hướng về Quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những người tham gia sự kiện đã được thưởng thức các món ăn ba miền, được hát những bài hát yêu thích. Họ vui mừng với các phong trào của cộng đồng, mong muốn có nhiều sự kiện vì cộng đồng hơn nữa, cùng gìn giữ văn hóa Việt tại Hà Lan và cùng hướng về xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.

(Nguồn: VOV)

Hóa ra ở châu Âu cũng có một khu chợ gọi là "CHỢ SAPA" thân thương gần gũi bán toàn thực phẩm Việt

(Ảnh minh họa).

Nếu ở thủ đô Berlin của nước Đức có chợ Đồng Xuân, thì ở thủ đô Praha của Cộng hoà Séc cũng có khu “chợ Sapa” quen thuộc của người Việt Nam.

Đối với những người Việt xa xứ để làm việc và học tập, việc tìm kiếm hương vị quê nhà với những khu chợ truyền thống, những món ăn quen thuộc không phải là một điều dễ dàng. Vậy mà ở ngay giữa lòng châu Âu, có một khu chợ mà theo lời truyền tai nhau của những du học sinh, phở ở đây còn ngon hơn cả phở chính hiệu ở Việt Nam. Đó là "chợ Sapa" thuộc Cộng hoà Séc.

Khu chợ này nổi tiếng đến nỗi mà blogger Diệu Hằng, chủ tài khoản Youtube Bà Nana - Cộng hoà Séc phải công nhận rằng đây chính là một “Việt Nam thu nhỏ" ở quốc gia châu Âu này.

Nằm trên một mảnh đất rộng tại quận 4 thủ đô Praha, Trung tâm thương mại Sapa là khu chợ châu Á lớn nhất tại Cộng hoà Séc. Theo chị Hằng, khu chợ này trước kia là một trại gà rộng khoảng 35 hecta, nhưng vào năm 1999 đã được người Việt mua lại với giá 746 tỷ đồng.

Các mặt hàng và dịch vụ ở khu chợ này vô cùng đa dạng, chị Hằng cho biết: “Ngoài bán buôn các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ mỹ phẩm, đồ nan tre, đồ làm nail... còn có các dịch vụ cắt tóc, làm đẹp, quán ăn, quầy bán đồ châu Á, trường mẫu giáo, dịch vụ rửa xe, trụ sở báo chí, tiệm cho thuê áo cưới...

Từ trung tâm thành phố đi tàu ra đây mất nửa giờ đồng hồ. Sắp tới, người ta sẽ xây thêm một tuyến tàu điện ngầm thẳng ra đây, rất tiện với người Việt”.

Trên thực tế, có tới 90% thương nhân của khu chợ là người Việt Nam, 10% còn lại là người Trung Quốc, Hàn quốc... Có thể nói, đây là một trong những khu trung tâm thương mại hiếm hoi tại nước ngoài do người Việt làm chủ.

Bên cạnh đó, chị Hằng cũng chia sẻ về vấn đề được quan tâm nhiều nhất ở các khu chợ truyền thống, đó là hương vị của các món ăn. Theo chị, chợ Sapa vốn nổi tiếng là khu chợ có các món ăn ngon, bổ, rẻ. Đặc biệt, đồ ăn ở đây khá phù hợp với khẩu vị của người miền Bắc vì đa số người dân sinh sống và làm việc ở đây đều là người miền Bắc hoặc miền Trung.

Cụ thể, tại quán ăn tổng hợp mà chị Hằng ghé thăm, có bán các món phở như phở bò tái chín, phở bò tái lăn hoặc phở bò sốt vang. Giá các món ăn thường dao động từ 149 - 159 koruna (tương đương 159 đến 170 nghìn đồng theo tỷ giá hiện tại).

Đối với các loại trái cây nhiệt đới, chẳng hạn như mít tươi, sẽ được bán với giá dao động từ 160 đến 180 koruna (tương đương 171 đến 192 nghìn đồng) tuỳ thuộc vào việc có bổ sẵn hay mua nguyên quả. Từ cách thức bán hàng đến giá cả đều gần như giống hệt với các khu chợ bình thường tại Việt Nam.

Ngoài ra, ở đây, bạn có thể tìm thấy bất cứ loại thực phẩm Việt nào, ngay cả những loại rau “hiếm có" ở châu Âu như rau muống, rau dền, rau đay, ngô nếp hay các loại trứng vịt lộn, trứng cút đều được bày bán rất nhiều.

Ở đây, bạn có thể tìm thấy bất cứ loại thực phẩm Việt nào, ngay cả những loại rau “hiếm có" ở châu Âu như rau muống, rau dền, rau đay, ngô nếp hay các loại trứng vịt lộn, trứng cút đều được bày bán rất nhiều.

Chợ Sapa không chỉ là khu mua bán của người dân địa phương, mà còn là điểm đến của những người Việt sinh sống tại châu Âu, bởi ngay khi bước vào cổng chợ, họ sẽ có cảm giác như mình đã về đến quê nhà.

Hoạt động sầm uất của khu chợ Việt này đã mang lại một nguồn thu không nhỏ nền kinh tế của địa phương nói riêng cũng như của quốc gia này nói chung.

Chợ Sapa không chỉ là khu mua bán của người dân địa phương, mà còn là điểm đến của những người Việt sinh sống tại châu Âu, bởi ngay khi bước vào cổng chợ, họ sẽ có cảm giác như mình đã về đến quê nhà.

(Nguồn: Soha)

Hành trình trở lại Ukraine qua nhật ký của một phụ nữ Việt

"Tròn 1 năm ngày bắt buộc phải dứt áo ra đi, ngày 5/3 vợ chồng tôi lại lên đường trở về quê hương thứ hai - Ukraine", nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý, kiều bào Ukraine chia sẻ trong bài viết dành riêng cho Dân Việt.

"Thưa quý khách, chúng ta đang ở lãnh thổ Ukraine"

Để đi đến quyết định trở về Ukraine lúc này cũng phải suy nghĩ nát óc vì tình hình chiến sự vẫn còn căng thẳng. Gia đình, anh chị em bạn bè đều khuyên nên tạm lùi lại nhưng chồng tôi được nghỉ phép nên chúng tôi vẫn mua vé về Ukraine thăm con gái đang còn ở đó.

Chuyến xe của hãng Euroclub theo lịch trình 9:20' đến Dortmund nhưng 9:45' xe mới tiến vào bến lấy khách. Lúc này khách về Ukraine đã gần kín xe 57 chỗ chỉ còn trống 2 ghế trong đó có cả trẻ em và người già; lái xe cũng là người Ukraine. (Ấy vậy mà tôi cứ lo lắng đủ thứ không biết phía trước thế nào. Làm sao mà giao tiếp nếu bị hỏi han ở cửa khẩu).

Sắp xếp hành lý xong 9:58' chúng tôi khởi hành từ bến xe nhà ga Dortmund về hướng biên giới Ba Lan. Xe bon bon qua biết bao nhiêu tỉnh thành, bao nhiêu xa lộ từ miền Tây Đức ấm áp 10 độ C với những vòm cây đã mướt xanh màu lá, thấp thoáng đủ màu sắc của hoa xuyên tuyết, hoa nghệ tây cho đến vùng Đông Đức còn giá lạnh cây cối trơ trụi. Càng gần biên giới nhiệt độ càng thấp.

Đến 16:30' nhiệt độ ngoài trời 3 độ C, trời mưa giăng mắc mịt mù và sau đó là tuyết rơi bông thật to ướt át. Nhiệt độ xuống +2. Lúc 21:42' xe tạm dừng 10'. Lái xe thông báo cho mọi người hãy nghỉ ngơi một chút và khẩn trương vì đã có 27 xe xếp hàng trước chúng ta .

2:30' kiểm tra ở cửa khẩu Ba Lan - Ukraine. Nhiệt độ ngoài trời là 8 độ C. Một anh biên phòng lên gom hộ chiếu của tất cả mọi người rồi ôm đi kiểm tra và đóng dấu xuất cảnh mất gần nửa tiếng. Xe tiến vào cửa khẩu Ukraine. Đã nhìn thấy Quốc huy và hàng chữ tên nước Ukraine màu xanh lam thấp thoáng sau những ngọn thông. Xe dừng lại, một cô biên phòng nhỏ nhắn bước lên, cũng gom hộ chiếu ôm đi kiểm tra rồi trả lại cho hành khách. Lúc này đã gần 4h sáng ngày 6/3. Xe tiếp tục tiến về phía trước.

"Thưa quý hành khách! Chúng ta đang ở lãnh thổ Ukraine" - Lòng tôi trào dâng cảm xúc, không kìm được những giọt lệ nghẹn ngào! Ukraine thân yêu đây rồi, tôi chỉ muốn nhảy xuống và chạy khắp nơi để ngắm nhìn Ukraine sau 1 năm trời ly biệt... Gần 6h sáng, xe tiến vào Lviv trả những hành khách đầu tiên. Mưa tuyết ướt át, nhiệt độ ngoài trời là 2độ C. 9:30' xe về tới Rivne và tiếp tục trả khách.

9:40 ra khỏi Rivne. Dọc đường vẫn còn nhìn thấy bót gác và lực lượng dân phòng đi lại không có vẻ khẩn trương nhưng nét mặt họ vẫn rất nghiêm nghị. Suốt chặng đường từ Lviv vào đến Rivne làng xóm hiu hắt, hầu như không có bóng người.

Đến Zhytomir mới thấy lác đác những thửa ruộng đã được cày xới, ven rừng là một vài công nhân môi trường đi dọn lá cây rác rưởi để tránh nguy cơ cháy rừng. Đường dây điện cũ kỹ không người tu sửa có nhiều đoạn bị đứt rơi xuống đung đưa, có đoạn chỉ còn mấy chiếc cột bê tông trơ trọi.

Trên đại lộ vào thành phố đã thấy xôn xao tiếng người, tiếng trẻ em ríu rít và xe cộ xuôi ngược nhộn nhịp hơn. Bến xe vẫn cũ kỹ như ngày xưa có một lần tôi đi qua.

Lúc này là 11:48' xe vào bến. Lái xe cẩn thận thông báo nghỉ 10 phút, ai xuống Zhytomir thì xin tạm biệt tại đây; ai đi tiếp thì khẩn trương cho kịp giờ xe và đặc biệt chú ý đề phòng kẻ gian móc túi... Sau một lúc duỗi chân tay cho đỡ mỏi chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lúc này đích đến chỉ còn Kyiv. Hành khách í ới gọi điện thoại cho người thân ra đón. Vợ chồng tôi không muốn phiền ai đón rước, chỉ mong sớm được nhìn thấy con gái sau hơn 1 năm trời.

13:35' xe chạy qua Đại lộ Chiến thắng. Từng địa điểm thân thuộc: trường Đại học Y Kyiv, trường Đại học Bách khoa, vườn Bách thú, Rạp xiếc... rồi rẽ vào bến xe tại nhà ga trung tâm Kyiv vào lúc 13:42'.

Về nhà

Như vậy xe đến sớm hơn so với dự kiến lịch trình gần 2 tiếng. Chúng tôi nhận hành lý và mua vé xe về nhà mình. Xe chạy về cửa ngõ phía nam thành phố với những hình ảnh quen thuộc đến mức nằm lòng.

Bắt đầu từ khu vực công viên Holovsivski đã nhìn thấy dấu vết còn lại của lực lượng phòng ngự. Nhất là hai bên đường của khu triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân ngổn ngang những đinh ba, lốp xe ô tô chồng chất chèn đầy cát và những đống bao cát dùng để che chắn. Khu Teremki cửa ngõ ra vào thành phố vẫn được kiểm soát nghiêm ngặt. Gần 16h về đến nhà. Đang loay hoay để bấm mã số cửa thì con gái chạy ào tới ôm chầm lấy mẹ từ phía sau.

Tôi ôm chặt lấy con gái lúc này đang thở hổn hển vì chạy nhanh về để kịp mở cửa cho bố mẹ do sở nhà đất mới sửa lại khóa cửa, ngay cả hòm thư cũng được làm mới. Như vậy là có 2 cái mới ở cửa số 4 của chung cư nhà tôi.

Ơn trời, tất cả vẫn nguyên vẹn. Đường phố vẫn sạch sẽ và khá đông người đi lại. Ngõ nhà tôi các bà già vẫn ngồi bán những lọ dưa chuột, cà chua, bắp cải muối cùng những sản phẩm rau củ quả từ vườn nhà. Những bà mẹ trẻ vẫn đẩy con trên xe nôi. Những cụ già lọ mọ chống gậy đi mua đồ ăn.

Mấy ông bà già cùng chung cư thấy chúng tôi về liền xúm vào hỏi thăm ríu rít... Thật xúc động và ấm áp biết bao nhiêu. Tôi hỏi thăm họ trải qua 1 năm chiến sự như thế nào họ đều trả lời may là thành phố của chúng ta khá bình yên, có vài lần bị trúng tên lửa nhưng chúng ta đã vượt qua...

Siêu thị vẫn đầy ắp hàng hóa, rau quả đặc biệt tươi ngon và tăng giá không nhiều lắm. Chỉ có lương thực là lên giá gấp đôi, thậm chí cao hơn nữa. Quầy bia rượu chỉ được phép bán từ 11-19h. Chúng tôi mua tất cả những gì cần thiết cho con gái và cả những thứ mà bên Đức không có để thưởng thức cho thỏa nỗi nhớ!

Khu cửa hàng đang xây dở trước khi xảy ra chiến sự nay đã khánh thành và đi vào hoạt động nên càng thuận tiện hơn. Con đường chính mang tên người sáng lập thành phố Bila Tserkva của chúng tôi - Yaroslav Mudrava đã hoàn thiện đúng tiêu chuẩn Châu Âu đẹp đẽ và thoáng mát.

Không thể không nhắc đến ngài Thị trưởng thành phố Dykyi Gennadii - một con người mạnh mẽ, quyết đoán dám đương đầu với mọi thử thách vượt qua sóng gió của đại dịch covid và vững vàng trước cuộc chiến, sát cánh cùng những người dân dũng cảm!!!

Ra chợ, tôi trò chuyện với bà bán hàng cạnh chồng tôi. Bà có cô con gái cũng từ Kyiv lánh nạn sang Đức nhưng cuối năm vừa rồi cô cũng về để làm thuế cho công ty. Bà kể tình hình buôn bán tuy có khó khăn nhưng vẫn quyết định ở lại vì bà có tuổi rồi không muốn di chuyển và làm phiền đến ai cả. Bà cũng kể về trường hợp của cặp vợ chồng trẻ hàng xóm.

Khi chiến sự xảy ra thì họ mới cưới được 5 ngày, người chồng ra trận, sau 3 tháng chàng trai 24 tuổi trở về với đôi chân bị xe tăng nghiến nát. Các bác sĩ đã tận tình cứu sống chàng trai sau 4 lần phẫu thuật với rất nhiều vết sẹo và còn phải phẫu thuật nữa không biết đến khi nào dừng.

Người vợ trẻ luôn túc trực bên giường bệnh và gia đình không còn nước mắt để khóc nữa... Tôi nghe mà nghẹn ngào rơi nước mắt. Có biết bao nhiêu nỗi thương tâm trong những cuộc chiến.

Về phía người Việt Nam tại thành phố này trước khi xảy ra chiến sự có trên 10 gia đình, tất cả đều đi lánh nạn người về Việt Nam, người sang Châu Âu. "Sau 1 tháng lánh nạn tại Ba Lan chị đã quyết định quay về" - chị Phạm Thị Khuê kể. Con gái chị sang Ba Lan học từ mấy năm trước, chị thì cũng gần 60 rồi, sang đó không quen nên lại trở về tiếp tục buôn bán. Người dân đi di tản nhiều nên kinh doanh cũng rất kém, tuy vậy chị vẫn bám trụ và chia sẻ với nhân viên bán hàng từng bữa ăn, bán rẻ hàng hóa cho bộ đội, mỗi khi có thể chị lại chuyển khoản ủng hộ quân đội. Chị nói mình chỉ có thể làm được những gì rất nhỏ bé để đền đáp ân tình của đất nước Ukraine bao dung và nhân hậu.

Còn gia đình bạn tôi là bố mẹ của 2 cháu Hoàng Việt, Quỳnh Anh sau khi nằm hầm ngay từ thời gian đầu xảy ra chiến sự, chung cư của bạn bị sức ép vụ tên lửa bắn phá nhà máy thép gần đó vỡ kính cửa nên đã quyết định đăng ký chuyến bay giải cứu về Việt Nam.

Đi cùng gia đình bạn là gia đình người em trai gồm 5 thành viên: bố mẹ và 3 con nhỏ. Khi chạy đi trú ẩn ở vùng nông thôn cháu Bảo Linh (cũng từng được tôi dạy tiếng Việt) là con gái lớn nhưng lại yếu nhất đã gần như ngất xỉu, nhịp tim chỉ còn 36, cả nhà hoảng loạn gọi cấp cứu không được, may mà người quen kịp chạy xe mang thuốc trợ tim đến cứu được cháu. Tôi nghe chuyện mà nước mắt vòng quanh.

Thêm gia đình chị gái gồm chị, con gái, con rể, cháu ngoại cùng lếch thếch lên tàu ra biên giới Ba Lan. Xếp hàng rất đông nhưng sau đó may là lên được xe của người dân hỗ trợ nhập vào đoàn xe của Đại sứ quán, sang được đến Ba Lan và được các anh chị em người Việt bên đó giúp đỡ vào tá túc tại chùa Nhân Hòa. 7 ngày sau gia đình người em có con nhỏ hơn được ưu tiên lên chuyến bay giải cứu trước, gia đình người anh thì 9 ngày sau mới có thể bay về Việt Nam.

Mỗi ngày chùa Nhân Hòa tiếp nhận không biết bao nhiêu lượt người đến và đi, ăn uống ngủ nghỉ đều do các anh chị em bên đó hỗ trợ. Những xe hàng gạo nước thực phẩm chất đầy... Những tấm lòng bồ tát ấy đã an ủi những người đang hoang mang ngơ ngác, đang trong tâm trạng rối loạn không biết đi đâu về đâu và nhà cửa mình bây giờ ra sao, đất nước Ukraine rồi sẽ thế nào...

Khi về nước trên chuyến bay giải cứu, gia đình bạn tôi quyết định để con trai theo học đại học FPT ở Việt Nam (trước đó cháu đang học năm nhất đại học bách khoa Kyiv), con gái cùng bố mẹ trở lại Ukraine học tiếp phổ thông. Người em trai cũng để vợ và 3 con nhỏ ở lại Việt Nam rồi quay trở lại Ukraine giải quyết nốt những công việc còn dang dở. Gia đình người chị gái cùng con cháu đều tạm thời ở lại Việt Nam.

Đó là một trong những câu chuyện chúng tôi kể cho nhau nghe trong ngày gặp mặt sau 1 năm bôn ba lánh nạn... Hiện tại, thành phố chúng tôi còn 5 người lớn trong đó có con gái tôi 27 tuổi và 1 cháu nhỏ học lớp 10 là Quỳnh Anh. Mọi người đều rất buồn và nhớ nhau, nhớ những ngày tháng yên vui, ấm áp tình cảm hàng xóm láng giềng, tình người Việt Nam xa quê.

Từ hôm chúng tôi trở về (6/3) đến nay (13/3) rất nhiều lần báo động nhưng dân tình không hề hoảng loạn, có lẽ họ đã quen với những diễn biến của chiến sự và dẫu sao thì cuộc sống vẫn cần tiếp diễn, bản năng sinh tồn khiến con người bắt buộc phải thích ứng với mọi hoàn cảnh.

Ước mong lớn nhất của tất cả chúng tôi và người dân Ukraine đó là hòa bình để chúng tôi có thể trở về cuộc sống như trước dù có khó khăn bởi hậu covid, có phải đương đầu với tuyết giá lạnh thấu xương của mùa đông hay cái nóng chảy cả mặt đường nhựa về mùa hè vẫn còn hơn tiếng còi báo động, tiếng bom gầm đạn rú, tên lửa siêu thanh, máy bay siêu hình... hay ánh lửa cháy rừng rực, những vết thương trên khắp đất nước Ukraine

Bila Tserkva ngày 13/3/2023.

(Nguồn: Dân Việt)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang