Người Việt hải ngoại: Gửi hy vọng cho 2023; Đón Tết ở Odessa; Tết sớm tại CH Séc; Chặng đường mới 2023

NGƯỜI VIỆT 5 CHÂU GỬI GẮM HY VỌNG CHO NĂM 2023

(Ảnh minh hoạ).

Thế giới trải qua một năm 2022 đầy biến động, nên hầu hết mọi người đều kỳ vọng năm mới 2023 sẽ tốt đẹp hơn, phát triển hơn. Trong số đó, nhiều người Việt sinh sống tại nước ngoài đã chia sẻ cùng Thanh Niên về những kỳ vọng cho năm 2023.

Mong có thêm điều kiện truyền bá văn hóa

Tiếng Tơ Đồng, CLB âm nhạc do tôi đồng sáng lập, trong năm 2022 có nhiều hoạt động hơn để truyền bá và giữ gìn văn hóa quê hương, đặc biệt là lớp ca cổ cải lương và lớp múa dân gian. Bên cạnh đó, tôi được mời giảng dạy ở lớp nhạc cụ cổ truyền tại Nhạc viện TP.Bobigny (ngoại ô Paris), trường thứ 3 tại Pháp mà tôi làm giảng viên. Năm mới, tôi và các đồng sự mong nhận được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể của chính phủ Việt Nam, thông qua cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Pháp, để có thêm điều kiện hoàn thành sứ mệnh truyền bá văn hóa ở xứ người.

Bên cạnh đó, do kinh tế bị ảnh hưởng bởi chiến sự Ukraine và dịch bệnh, chính phủ Pháp giảm bớt các khoản hỗ trợ cho các thành phố, dẫn đến hậu quả là ít kinh phí cho các chương trình lễ hội âm nhạc. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc biểu diễn của Tiếng Tơ Đồng. Mong sao thế giới hòa bình, không chiến tranh, không đại dịch, kinh tế khởi sắc hơn để văn hóa được coi trọng hơn.

Hy vọng giá xăng dầu sẽ giảm

Tôi hy vọng trong năm 2023 có thể hoàn thành tốt dự án đang theo đuổi để tạo thuận lợi cho kế hoạch phát triển sự nghiệp sau này trong ngành bảo tồn linh trưởng. Tôi cũng mong muốn Sri Lanka sẽ có một năm mới bình ổn hơn sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng chính trị lẫn kinh tế. Vật giá đang leo thang tại đảo quốc này khiến ai cũng khó khăn. Hy vọng giá xăng dầu sẽ giảm để việc đi lại của tôi cũng như các đồng nghiệp làm nghiên cứu, bảo tồn được dễ dàng hơn.

Đang theo đuổi một nghề nghiệp “khác người” và luôn phải sống xa nhà, nên tôi mong muốn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, muốn dành thêm thời gian cho gia đình, vốn là nền tảng vững chắc giúp tôi tiếp tục bước đi trên con đường đã chọn.

Kỳ vọng nhiều doanh nghiệp phát triển trở lại

Trong năm 2023, tôi kỳ vọng nhiều doanh nghiệp phát triển trở lại và mở rộng. Tôi hy vọng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc, Trung Quốc kiểm soát được đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới được cải thiện.

Tôi đang chuẩn bị đón năm mới 2023 với sự thận trọng. Tôi có thể phải chuẩn bị dài hơi cho cuộc suy thoái kinh tế lần này vì có thể là một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng hơn so với các lần trước. Tôi cũng đang chủ động chuẩn bị các kế hoạch, nắm bắt sâu sát thông tin cả vĩ mô và vi mô liên quan đến ngành nghề của mình để định hướng kịp thời cho doanh nghiệp mình, đồng thời tận dụng những cơ hội nếu có.

Mong chờ Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao

Mỗi năm tôi tiếp xúc với khoảng 1.500 công ty Nhật đủ các ngành nghề và giải quyết các bài toán của họ về Việt Nam. Ngành bán lẻ, y tế, giáo dục, năng lượng, vận tải kho bãi là các ngành rất hấp dẫn để doanh nghiệp Nhật gia nhập thị trường. Tuy nhiên, ngành năng lượng còn gặp nhiều khó khăn khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) chưa được quy hoạch đúng dự kiến, ngành bất động sản, y tế gặp nhiều khó khăn.

Năm 2023 là kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, tôi hy vọng Việt Nam có chính sách từ chính phủ tới doanh nghiệp chú trọng vào việc hợp tác làm việc với Nhật Bản hơn để thu hút nhiều doanh nghiệp Nhật hợp tác thành công vào Việt Nam.

Tôi cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng cao như thời kỳ trước đại dịch Covid-19 và trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Hy vọng năm tốt đẹp hơn cho cả thế giới

Năm 2022 là một năm trọng đại đối với tôi và gia đình. Tôi đã tham gia Vua Đầu bếp Úc trong một mùa giải khác. Mặc dù rất căng thẳng khi quay lại chương trình chỉ sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, tôi rất vui khi có thể giới thiệu ẩm thực Việt Nam và đại diện cho nền văn hóa của tôi một lần nữa. Năm nay, tôi cũng đã mở cửa hàng “pop up” đầu tiên và bán hết sau vài giờ. Tôi đã phải làm việc cật lực nhưng thật tuyệt vời khi được gặp tất cả những người hâm mộ và nhìn họ thưởng thức món ăn của tôi.

Dù vậy, điều quan trọng nhất đối với tôi và gia đình trong năm nay là sự ra đời của con trai thứ hai, Hugo. Chúng tôi sẽ bắt đầu năm 2023 tại Việt Nam: Tôi và gia đình về nước và ở đây trong 5 tuần để “ăn” Tết Nguyên đán. Đây sẽ là lần đầu tiên gia đình chúng tôi đi du lịch cùng nhau kể từ khi Covid-19 bùng phát. Tôi nóng lòng muốn thử tất cả các món ăn ở Việt Nam và chia sẻ với những người theo dõi tôi trên mạng.

Tôi hy vọng năm 2023 sẽ là một năm tốt đẹp hơn cho thế giới. Hy vọng tất cả chúng ta có thể đi du lịch trở lại, thưởng thức ẩm thực và khám phá văn hóa của nhau!

Chung tay lan tỏa ẩm thực Việt

Là tác giả viết sách nấu ăn, tôi mong sẽ giúp nhiều người nhận ra hơn nữa tiềm năng của hương vị và kỹ thuật nấu ăn của Việt Nam. Quyển sách thứ 7 của tôi là

Ever-Green Vietnamese sẽ xuất bản vào tháng 4.2023. Tôi hy vọng quyển sách mới sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người đưa thêm nhiều rau củ vào cuộc sống của họ và trân trọng nguồn dinh dưỡng này. Nấu ăn tập trung vào rau củ sẽ giúp phản ánh ẩm thực truyền thống Việt Nam, cũng như tốt hơn cho sức khỏe của con người và môi trường. Tôi không ăn chay trường nhưng rất ít ăn thịt. Nấu ăn với nhiều rau củ còn là điều siêu sáng tạo và thú vị. Ẩm thực Việt Nam có nhiều thứ để đóng góp vào cuộc thảo luận toàn cầu về cách ăn và sống bền vững.

Tại Mỹ, nhiều người Việt đang làm những điều tuyệt vời trong lĩnh vực ẩm thực, như điều hành các nhà hàng, tiệm bánh, làm rượu, nhập khẩu các sản phẩm từ Việt Nam, viết về ẩm thực Việt và nhiều hoạt động khác nữa. Trong năm mới, tôi hy vọng những người trong ngành sẽ có sự phối hợp nhiều hơn để chúng ta cùng nhau vươn lên.

(Nguồn: Thanh Niên)

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở ODESSA (UKRAINE) DẦN ỔN ĐỊNH ĐÓN TẾT

Khoảng 400 người Việt hiện đang sinh sống tại Odessa (Ukraine). Thích ứng với bối cảnh tình hình có chiến sự, cuộc sống bà con đang dần ổn định và có nguồn thu nhập.

Tổ chức cuộc sống phù hợp với thời chiến

Gia đình ông Nguyễn Như Mạnh – Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, Ukraine có 8 thành viên. Từ khi xung đột Ukraine và Nga xảy ra, gia đình ông Mạnh phải chia năm sẻ bảy. Cô con gái cả và cháu ngoại đang ở Anh, cậu con trai thứ 2 đang Đức, cô con gái thứ 3 đang học đại học ở Bỉ, cô út học cấp 3 và vợ ông ở Đan Mạch, còn ông Hùng thì ở lại Ukraine. Giáng sinh và Tết Dương lịch, các thành viên trong gia đình ông Mạnh đã đoàn tụ ở Đức. Dự kiến sau mùng 3 Tết dương lịch, ông Mạnh sẽ trở về Ukraine, còn các con và vợ ông trở về các nước.

"Một mình tôi sống ở Ukraine cũng buồn nhưng vì hoàn cảnh, gia đình chúng tôi buộc phải thích nghi để bảo đảm an toàn và việc học hành con cái không bị gián đoạn", ông Mạnh nói.

Theo Mạnh cho biết, cộng đồng người Việt ở Odessa đang tổ chức lại cuộc sống của mình phù hợp với thời chiến, thích nghi với việc phải dự trữ nước, máy phát điện.

"Kể từ khi Nga chuyển hướng bắn phá vào cơ sở hạ tầng, nhất là các trạm biến áp và truyền tải điện thì việc cắt/mất điện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Nhiều gia đình đã mua máy phát điện, bộ ắc quy và truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sưởi ấm", ông kể.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông Mạnh luôn tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua. Ông cũng mong những người đồng hương đang phải đi lánh nạn khắp nơi sớm hòa nhập cuộc sống mới và đón Tết Nguyên đán sắp đến ấm áp, luôn được mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc.

Biến "nguy" thành "cơ", từng bước vượt qua thách thức

Ông Nguyễn Văn Hùng, Thư ký Văn phòng lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Odessa (Ukraine) cho biết, hiện có 400 người Việt đang sinh sống tại Odessa. Odessa là thành phố chịu ảnh hưởng ít nhất của cuộc xung đột. Khi xung đột xảy ra và diễn biến phức tạp kéo dài, nhiều người dân Ukraine và một số bà con người Việt từ các thành phố khác đã chuyến đến Odessa sinh sống.

“Cuộc sống trong điều kiện chiến sự có nhiều vất vả nhưng các gia đình người Việt tại đây đều duy trì việc học hành cho con cái. Các cháu vẫn học online tại nhà. Tại Làng Sen, Hội người Việt Nam tại Odessa đã tổ chức một lớp học trực tiếp dành cho các cháu chuẩn bị vào lớp 1. Lớp đã mở được hơn 3 tháng do cô giáo người Ukraine trực tiếp giảng dạy.

Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt tại Odessa. Nhiều gia đình bày tỏ mong muốn Đại sứ quán hỗ trợ làm hộ chiếu, giấy tờ để đưa các con về Việt Nam học”, ông Hùng thông tin.

Với sự chăm chỉ, cần cù, linh hoạt thích nghi, cộng với phí mặt bằng ở Odessa thấp, bà con đã biến "nguy" thành "cơ", nhìn thấy thuận lợi từ trong khó khăn, từng bước vượt qua thách thức và có nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống. Năm nay, cộng đồng người Việt tại Odessa vẫn đón một cái Tết ấm áp. Các gia đình vẫn duy trì những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam như nấu bánh chưng, làm mâm cơm cúng ngày Tết. Tuy không có những buổi sum họp đông vui, đầy đủ như trước nhưng thay vào đó sẽ tổ chức thành những buổi gặp mặt nhỏ hơn.

“Tôi sẽ đưa gia đình về Việt Nam đón Tết Nguyên đán, sau đó chúng tôi sẽ quay trở lại Ukraine”, ông Hùng nói.

(Nguồn: Việt Báo)

TẾT SỚM VỚI CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI CH SÉC

(Ảnh minh hoạ).

Mặc dù còn hơn 3 tuần nữa mới đến Tết cổ truyền dân tộc Xuân Quý Mão 2023, nhưng không khí ấm cúng, vui vẻ, rộn ràng của những ngày tết dường như đã đến rất gần với nhiều bà con trong cộng đồng người Việt tại Séc.

Không khí ấy càng trở nên náo nhiệt hơn bởi Ban chấp hành các Chi hội người Việt tại một số địa phương đã tổ chức chương trình đón Tết Cổ truyền dân tộc Xuân Quý Mão 2023 sớm cho bà con trong cộng đồng. Đến dự chương trình, về phía Đại sứ quán Việt Nam tại Séc có Đại Sứ Thái Xuân Dũng. Đại diện chính quyền thành phố Liberec có Phó Thị trưởng thành phố bà Martina Tepla và ông Vaclav Strouhal, điều phối viên Ủy ban dân tộc thiểu số Liberec. Ngoài ra còn có lãnh đạo các hội đoàn và đông đảo bà con người Việt sinh sống, học tập, làm việc tại thành phố Liberec và các vùng lân cận.

Đại diện cho Chi hội người Việt tại Liberec, ông Lê Văn Bản, Chủ tịch Chi hội đã báo cáo sơ bộ tình hình hoạt động, làm ăn sinh sống của cộng đồng người Việt tại Liberec và các vùng lân cận trong năm qua và gửi lời chúc tết toàn thể bà con. Ông chia sẻ mặc dù sống xa quê hương, xa tổ quốc nhưng bà con người Việt tại Cộng hòa Séc nói chung và tại tỉnh Liberec nói riêng đều giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc đặc biệt giữ gìn văn hóa vào dịp Tết Nguyên đán. Với ý chí vượt qua khó khăn chịu thương chịu khó, cộng đồng người Việt tại Liberec đã khẳng định được vị thế và hòa nhập tốt với bà con địa phương nước sở tại.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Thái Xuân Dũng bày tỏ vui mừng sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19, cộng đồng người Việt tại nhiều địa phương lại có dịp hân hoan chào đón Tết Cổ truyền của dân tộc. Thay mặt Đại sứ quán, Đại sứ Thái Xuân Dũng đã biểu dương và ghi nhận những đóng góp thiết thực và hiệu quả của của cộng đồng người Việt nói chung và chi hội người Việt tại Liberec nói riêng trong thời gian vừa qua, đồng thời đề nghị bà con tiếp tục tuân thủ pháp luật nước sở tại, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cùng nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống để xây dựng và khẳng định vị thế của người Việt tại Cộng hòa Séc. Nhân dịp này, Đại sứ Thái Xuân Dũng đã thông báo cho bà con về những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2022 và bày tỏ tin tưởng rằng, trong năm 2023, kiều bào ta trên thế giới nói chung, kiều bào tại Séc nói riêng sẽ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Tổ quốc.

Chia sẻ về ý nghĩa của việc tổ chức chương trình đón tết sớm cho bà con, ông Đặng Văn Hồng, Phó Chủ tịch Chi hội người Việt tại Liberec cho biết, lãnh đạo chi hội mong muốn tất cả những người con đang sống ở xa quê hương, xa gia đình và người thân có thể sớm tìm lại được không khí của Tết cổ truyền của dân tộc sau 2 năm không được tổ chức do dịch Covid-19. Ngoài ra, Chi hội cũng muốn tổ chức sớm để một số bà con có kế hoạch về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình.

Ông Hồng cho biết: "Nhân dịp năm mới, bà con cộng đồng người Việt tại Liberec xin gửi lời chúc bà con trong nước nhiều sức khỏe, an khang thịnh vượng, năm mới đạt được nhiều thành tựu và nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Điều mong muốn của chúng tôi ở đây là tất cả kiều bào ở đây cũng như bà con trong nước đoàn kết một lòng để cùng nhau xây dựng cho đất nước và tổ quốc ngày càng giàu mạnh, tốt đẹp hơn."

Sự đoàn kết, đồng lòng của bà con trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không chỉ là mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn là của mỗi kiều bào trên toàn Séc nói chung và ở Liberec nói riêng. Đây cũng là mong muốn của chị Lê Vân Anh, một người con đã xa quê hương và cũng nhiều năm chưa được về Việt Nam đón tết cùng gia đình.

"Thay mặt bà con cộng đồng Việt Nam tại thành phố Liberec nói riêng và bà con cộng đồng Việt Nam trên cộng hòa Séc, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đại sứ quán để liên kết tất cả các Chi hội người Việt Nam trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc với nhau, để cùng nhau đoàn kết, đưa cộng đồng người Việt Nam trên toàn Séc ngày càng phát triển vững mạnh và đoàn kết hơn nữa."

Chương trình diễn ra trong không khí sôi động và vui tươi với những tiết mục ca múa nhạc của các nghệ sỹ đến từ Việt Nam sang biểu diễn phục vụ kiều bào. Bên cạnh đó là những tiết mục văn nghệ đặc sắc về mùa xuân, quê hương do bà con cộng đồng biểu diễn, qua đó giúp những người con xa xứ vơi đi nỗi nhớ nhà, gia đình và bạn bè. Trong tiếng nhạc rộn ràng của mùa xuân, các vị khách và toàn thể bà con tham dự chương trình nâng cốc chúc năm mới Xuân Quý Mão 2023 và mong ước sẽ mang nhiều tài lộc và may mắn đến cho mọi người.

(Nguồn: VOV)

NGƯỜI VIỆT XA XỨ: 'NĂM 2023, TÔI MUỐN THÀNH PHIÊN BẢN TỐT HƠN NĂM CŨ'

Năm 2022 chính thức khép lại, mở ra năm 2023 được dự báo có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đối với người Việt tại nước ngoài, họ vẫn tin tưởng vào những cơ hội và chặng đường mới.

Năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc, xuất phát từ dư âm lạm phát kỷ lục, buộc các gia đình siết chặt chi tiêu.

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn trước mắt, nhiều người Việt sinh sống tại các nước trên thế giới vẫn lạc quan cho năm mới 2023.

Đối với họ, thời điểm chuyển giao sẽ mở ra cơ hội mới, khi những khó khăn từng cản bước chính thức lùi lại. Với năm 2023, người Việt xa xứ chia sẻ với Zing hy vọng lớn nhất là hoàn thành những ước mơ còn dang dở hay đạt được bước tiến mới trong sự nghiệp.

Ngoài ra, với những người chưa có cơ hội thăm nhà, 2023 thắp lên hy vọng về sự đoàn tụ.

Trung Quốc

Trong năm 2023, chị Nguyễn Huyền Trang - phiên dịch viên ở Thượng Hải - mong muốn học hỏi và hoàn thiện bản thân, “trở thành phiên bản tốt hơn so với năm cũ”.

“Đối với gia đình, tôi hy vọng năm nay có thể đoàn tụ với gia đình tại Việt Nam để con gái có cơ hội thăm quê. Về công việc, tôi sẽ cố gắng làm tốt vai trò kết nối giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp hai bên”, chị chia sẻ.

Dù trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, chị Huyền Trang vẫn luôn lạc quan với những kế hoạch sắp tới trong cả hai vai trò: Làm mẹ và xây dựng sự nghiệp.

“Là người luôn phải cân bằng công việc và gia đình, tôi học được cách cố gắng làm việc nhanh mà hiệu quả, tổ chức sắp xếp công việc chỉn chu nhất và lập kế hoạch cụ thể cho mục tiêu mới”, chị nói.

Hàn Quốc

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Yến - đang học tập và làm việc tại Seoul, điều khiến chị nhớ nhất trong năm 2022 là “được tham gia concert của thần tượng” và đạt được “kết quả ngoài mong đợi” trong kỳ thi tiếng Hàn.

Tuy nhiên, chị cho biết “gần đây tình trạng lạm phát ở Hàn Quốc vẫn chưa giảm, vật giá leo thang nhanh chóng, thứ duy nhất không tăng là lương”.

Vì vậy, chị hy vọng được tăng lương trong năm tới: “Hiện tại, mức lương cơ bản là 9.160 won/h. Người lao động đang yêu cầu tăng lên 10.000 won/h. Tôi cũng có nguyện vọng tương tự”.

Chị Yến cũng dự định đến những địa điểm chưa được tham quan trong năm mới sắp tới.

“Mặc dù dịch Covid-19 chưa kết thúc, người dân Hàn Quốc đã được đi lại thoải mái hơn và không còn nhiều quy định giãn cách. Do đó, tôi sẽ đến những địa điểm từng bị cấm khi đại dịch bùng phát, chẳng hạn công viên nước hay khu vui chơi”, chị Yến chia sẻ.

Nhật Bản

Anh Phạm Thành Đạt, ở Hamamatsu, cho biết 2022 là một năm “hạnh phúc, may mắn” nhưng cũng “vất vả”. Điều khiến anh nhớ nhất là “tình cờ gặp vợ và vượt qua nhiều khó khăn để đến được với nhau”.

Song những kế hoạch nối tiếp nhau quá sát thời gian khiến anh cảm thấy áp lực và phải thay đổi để phù hợp hơn. Dịch Covid-19 ở Nhật và tình trạng vật giá leo thang cũng đồng nghĩa anh phải cẩn trọng hơn trong việc mua sắm.

Về kế hoạch năm tới, anh Đạt dự định “rời Nhật về Việt Nam nghỉ ngơi sau một thời gian dài làm việc”. Nếu kinh tế Nhật Bản khá hơn và gia đình muốn quay lại, anh sẽ cân nhắc lựa chọn này.

Với chị Ngọc Phương sống tại Fukuoka, năm 2022 là một năm “nhiều thay đổi” trong công việc, cuộc sống cũng như học hành. Những thứ này đều đến như “cái duyên”, dù trước đó chị không hề có ý định.

Là nhân viên kiểm định chất lượng sản phẩm của một công ty chuyên sản xuất thiết bị và linh kiện điện tử, “với nỗ lực và cố gắng hết mình, tôi đã được công ty công nhận. Đặc biệt khi là người Việt sống trên đất Nhật, tôi lại càng hãnh diện. Đó chính là thành tựu lớn nhất với tôi trong năm 2022”.

Tuy nhiên, năm 2022 cũng có nhiều nỗi buồn với chị Phương.

“Năm qua, tôi mất đi 2 người thân. Ba tôi mất vì Covid-19. Tuy nhiên, do hạn chế đi lại, tôi đã không thể về tang ba. Điều này khiến tôi rất buồn. Với mẹ chồng, bản thân là con dâu ngoại quốc, bà đỡ đần tôi rất nhiều. Bà mất đi khiến tôi không khỏi hụt hẫng”, chị chia sẻ.

Trong năm 2023, kế hoạch lớn nhất với chị Phương là sắp xếp về Việt Nam. Tuy nhiên, giữa tình hình lạm phát và đồng yen mất giá, chị cần xem xét kỹ.

“Tiền lương 2 vợ chồng vẫn vậy và không có thêm khoản thu nhập nào khác. Tôi có 3 đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn nên cũng tốn kém hơn. Tôi sẽ cần vun vén và tiêu pha có tính toán hơn trước”, chị nói.

“Tôi cũng có gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, đồng yen xuống thấp khiến số tiền gửi về không còn được nhiều như trước”, chị nói thêm.

Dịch Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh với chị Phương. “Dù năm nay đi lại thoải mái hơn, số ca mắc ở Nhật đang tăng lên mỗi ngày. Tôi mong Covid-19 sẽ được kiểm soát”, chị chia sẻ, nhớ lại những bất tiện mà Covid-19 gây ra cho gia đình chị trong năm nay, khi cả nhà bị cách ly.

Đêm giao thừa năm nay, chị Phương và gia đình quây quần xem bắn pháo hoa trên TV và cùng ăn mỳ soba theo truyền thống của Nhật Bản.

Australia

Đối với anh Phan Duy - sinh viên Đại học La Trobe, ba từ để mô tả năm 2022 là “bất ngờ”, “thú vị” và “hoàn hảo”. “Tôi thực hiện được một số kế hoạch cá nhân đặt ra từ những năm trước khi đặt chân đến Australia”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, cuộc sống du học sinh không phải lúc nào cũng màu hồng. Anh Duy từng gặp phải những khó khăn về kinh tế, do một số chính sách cách ly cũng như hạn chế trong cộng đồng nên thời gian đầu tới Australia.

Cùng chung mong mỏi với nhiều du học sinh khác, anh Duy mong bản thân sẽ sớm tốt nghiệp để có thể trải nghiệm trọn vẹn “xứ sở Kangaroo”.

“Trong tương lai, tôi dự định cố gắng tốt nghiệp sớm nhất có thể để trải nghiệm một chương mới tại Australia, chẳng hạn làm việc toàn thời gian hay du lịch khắp cả nước”, anh Duy chia sẻ.

Ba Lan

Chị Nhã Phương - sinh sống tại Krakow - cho biết năm 2023 lại là một năm ăn Tết nguyên đán xa nhà. “Kế hoạch về Việt Nam ăn Tết của tôi phải hủy bỏ do thẻ xanh hết hạn và cần phải đáo hạn mất 6-8 tháng. Do đó, chậm nhất là tháng 8 năm sau tôi mới về được”, chị nói.

Trong năm 2023, mục tiêu hàng đầu với chị Phương là cải thiện ngôn ngữ để đi làm.

Ngoài ra, chị cũng dự định học khóa thiết kế đồ họa.

“Vì chồng tôi là người đam mê du lịch, nên nếu cả 2 vợ chồng cùng làm cố định thời gian thì rất khó sắp xếp. Sau khi học thiết kế đồ họa, tôi có thể làm việc trên máy tính ở mọi nơi”, chị nói thêm.

Trước những dự báo u ám về nền kinh tế thế giới năm 2023, chị Phương cho rằng “chuyện kinh tế năm sau khó khăn là vấn đề chung và khó tránh khỏi”.

“Hiện tại, vợ chồng tôi chưa gặp vấn đề về tài chính. Nếu tình hình khó khăn, gia đình tôi sẽ hạn chế đi du lịch và đi ăn, đi chơi”, chị nói.

Mỹ

Chị Nguyễn Hằng - sinh sống tại Seattle, Washington - cho biết một trong những điều khiến chị tự hào nhất trong năm qua, cũng như dấu mốc lớn sau 4 năm sống tại Mỹ, là việc có thẻ xanh và mua được nhà.

“Lần đầu đặt chân đến nước Mỹ, tôi cảm thấy mình là một vị khách. Khi bắt đầu cuộc sống với nhiều mối quan hệ, kết nối thêm với nhiều người, đặc biệt là sau khi có thẻ xanh và mua được nhà, tôi mới có cảm giác thuộc về nơi này. Điều đó khiến tôi hạnh phúc hơn”, chị nói.

Về công việc, chị Nguyễn Hằng tự hào vì đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận truyền cảm hứng và tạo động lực cho các sinh viên Việt Nam tham gia thị trường công nghệ ở Mỹ.

“Khi tham gia những hoạt động này, tôi mới nhận ra có rất nhiều người Việt ở Mỹ (làm việc) trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, có nhiều người giữ vị trí quản lý cấp cao trong các công ty công nghệ lớn”, chị nói.

Trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, khu vực chị Hằng sống chịu ảnh hưởng từ trận bão tuyết lịch sử. Cơn bão như khiến mọi thứ “ngưng trệ”, những chuyến du lịch cuối năm cũng gặp nhiều trở ngại vì “hàng nghìn chuyến bay bị hủy”, chị cho biết.

“May mắn chuyến bay của tôi khởi hành một tuần sau bão nên không bị hủy. Tuy nhiên, một người bạn của tôi - cũng là người duy nhất có thể lái xe trong nhóm - bị hủy chuyến bay sát ngày. Bạn tôi phải tìm một chuyến bay khác và trả giá vé cao hơn, tới 600 USD/chiều”, chị kể lại.

Về dự định trong năm 2023, chị Hằng chia sẻ mục tiêu lớn nhất là chinh phục nhiều địa điểm và dành thời gian cho gia đình.

“Trong năm qua, vì không có thẻ xanh, tôi chưa có cơ hội đến nhiều nước khác. Do đó, năm nay tôi muốn chinh phục nhiều thành phố, địa điểm mới, chẳng hạn Australia, Nhật Bản”, chị nói.

“Đặc biệt, tôi chưa có dịp về Việt Nam gặp gia đình, một phần do các chuyến bay còn hạn chế. May mắn, vào dịp Tết Âm lịch sắp tới, tôi sẽ được về nhà sau hơn 2 năm. Trước giờ, tôi vẫn luôn là người tập trung vào sự nghiệp, nhưng năm tới sẽ là năm tôi ưu tiên gia đình nhiều hơn”, chị chia sẻ.

Trước dự báo kinh tế ảm đạm trong năm 2023, chị Hằng cho biết bản thân sẽ cần “thắt lưng buộc bụng” để thích ứng.

Theo chị Hằng, vào năm 2021, đại dịch vẫn còn giữ chân mọi người. Nhưng đến năm 2022, các chuyến bay được nối lại, mọi người không còn phải lo lắng nhiều về dịch bệnh, họ có nhiều chuyến đi và kết nối với bạn bè nhiều hơn.

Trong năm qua, chị Hằng chi tương đối cho những chuyến đi cùng bạn bè như đến Hawaii, Las vegas,... “Năm vừa rồi là một năm tôi tiêu tiền có phần hoang phí, do tâm lý sau đại dịch”, chị nói.

“Tôi vẫn luôn là người tiết kiệm và chỉ sẵn sàng chi tiêu cho trải nghiệm. Đối với mỗi thời điểm, tôi sẽ có ưu tiên và điều chỉnh dựa theo tình hình kinh tế. Và trải nghiệm cũng không nhất thiết phải là những thứ đắt đỏ”, chị cho hay.

Từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu cảnh báo về tình hình kinh tế ảm đạm, tác động đến thị trường chứng khoán, chị Hằng bắt đầu lo lắng.

“Tôi sẽ cố gắng duy trì cuộc sống vừa đủ, vẫn có thể ăn những món mình thích hay mua những thứ mình muốn, tuy nhiên không thể ‘bung lụa’ như năm trước. Chẳng hạn, tôi sẽ giảm bớt tần suất du lịch và tập trung vào những mối quan hệ thân thiết, người mà mình yêu thương”, chị Hằng nói.

Từ Brooklyn, New York, chị Quỳnh Đặng cũng chia sẻ trước dự báo suy thoái kinh tế, “tôi chủ động tích lũy tài chính và thắt lưng buộc bụng để đề phòng”.

Trong năm 2022, chị Quỳnh gặp một số vấn đề sức khoẻ và phải gác lại mọi thứ để tập trung chăm sóc bản thân.

"Điều khó khăn nhất với tôi có lẽ là học cách chấp nhận và thích ứng với các vấn đề sức khỏe. Tôi phát hiện ra khá nhiều bệnh, trong đó gây trở ngại nhất là vấn đề về mắt. Công việc lại đòi hỏi nhìn màn hình máy tính liên tục. Do đó, tôi tập trung vào việc chữa bệnh và thử các loại thuốc hay liệu pháp khác nhau”, chị nói.

Với chị Quỳnh, năm 2022 là một năm của sự “chữa lành, nghỉ ngơi, suy ngẫm”.

"Điều làm tôi nhớ nhất trong năm qua có lẽ là lần cùng với các bạn thanh niên Việt Nam và Việt kiều giao lưu với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5, nhân dịp Thủ tướng công du New York”, chị chia sẻ.

Chị Quỳnh cũng tự hào nhận được danh hiệu “nhân viên xuất sắc năm thứ 3 liên tiếp”.

Về kế hoạch sắp tới, chị cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi việc học thạc sĩ.

“Năm 2021, tôi trúng tuyển chương trình Thạc sĩ ngành Vận trù học (Operations Research - một nhánh của Toán Ứng dụng) của Đại học Columbia và Đại học Cornell, nhưng tiếc là phải tạm gác lại. Năm 2023 tôi dự tính nộp đơn học thạc sĩ”, chị nói.

(Nguồn: Zing News)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đi nhiều không bằng về nhà; Lo lắng & mong đợi ở Anh; Thực tập sinh ở show HQ; Đi chợ ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang