- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Đại diện chính quyền các địa phương đánh giá cao sự quan tâm và những đóng góp kịp thời, thiết thực của cộng đồng người Việt Nam tại Czech.
Chia sẽ khó khăn của người dân tại 3 vùng bị thiệt hại nặng nề do trận mưa lũ lớn nhất trong 100 năm qua, gồm Opava, Krnov và Jeseník tại Czech, trong đó có nhiều người Việt Nam sinh sống, ngày 17/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech đã phối hợp với Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu và Hội người Việt Nam tại Czech tổ chức Đoàn cứu trợ đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, trao tận tay lãnh đạo 3 địa phương này các mặt hàng nhu yếu phẩm chở trên 3 xe container.
Cùng với đó, Đoàn công tác đã tới thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình, hộ kinh doanh người Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do tài sản, hàng hóa bị ngập nước nhiều ngày, hư hỏng toàn bộ.
Đại diện chính quyền các địa phương bày tỏ xúc động, đánh giá cao sự quan tâm và những đóng góp kịp thời, thiết thực của cộng đồng người Việt Nam tại Czech đối với chính quyền và người dân tại 3 địa phương, coi đây là nghĩa cử cao đẹp thể hiện tình cảm gắn bó giữa người dân hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Czech sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng người Việt Nam ở sở tại trong các hoạt động thiện nguyện, phát huy truyền thống tương thân tương ái, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ngày càng đoàn kết và vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của sở tại cũng như quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Czech.
Nhật Bản đã ghi nhận số tu nghiệp sinh "biến mất" tăng kỷ lục trong năm 2023, trong đó Việt Nam chiếm hơn 50%.
Theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản, trong hơn 9.700 tu nghiệp sinh lao động nước ngoài "biến mất" khỏi nơi làm việc tính trong năm 2023 thì có 5.481 người Việt Nam, tiếp theo là Myanmar với 1.765 người, Trung Quốc với 816 người và Campuchia là 694 người.
Xét về ngành nghề thì số lao động biến mất nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, xếp tiếp theo là nông nghiệp, chế biến thực phẩm, cơ khí ép kim loại.
Theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản, số lao động nước ngoài bỏ khỏi nơi làm việc đã tăng thêm 747 người trong năm 2023 so với năm 2022, tỷ lệ là cứ 50 người thì có một người bỏ trốn.
Vì sao phải bỏ trốn?
Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong bảy tháng đầu năm 2024, Việt Nam có hơn 45.000 lao động tới Nhật Bản làm việc.
Tại thời điểm cuối năm 2023, có khoảng 203.000 tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc ở Nhật Bản – đứng đầu về số lượng so với tu nghiệp sinh các nước khác tới Nhật Bản làm việc, theo Nikkei Asia.
Năm 2023, có 1.608 người Việt bị bắt ở Nhật Bản, chiếm khoảng 28% tổng số người nước ngoài bị bắt giữ và là con số cao nhất tính từ năm 2019, báo Asahi Shimbun dẫn thông tin từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (Nhật Bản) cho biết.
Các chuyên gia nhận định với đài NHK rằng các tu nghiệp sinh đã quyết định bỏ trốn vì không có sự lựa chọn nào khác, sau khi gặp các vấn đề tại nơi làm việc.
Theo chương trình hiện tại thì các tu nghiệp sinh không thể chuyển chỗ làm, trừ những trường hợp rất cấp bách.
Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho biết các tu nghiệp sinh có thể chuyển công ty nếu bị bạo hành hoặc xâm hại, hoặc nếu công ty của họ hoặc tổ chức giám sát vi phạm pháp luật nghiêm trọng, theo NHK.
Cơ quan này còn cho biết nếu có tu nghiệp sinh bị chủ lao động ngược đãi thì các tu nghiệp sinh đồng hương cũng được phép chuyển nơi làm việc.
Hiện tại các tu nghiệp sinh không được phép làm việc kiếm tiền trong thời gian chờ giải quyết thủ tục chuyển sang chỗ làm mới.
Trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ bạo hành lao động nhằm vào các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Một bài viết trên báo Mainichi vào tháng 10/2023 có nội dung kể về câu chuyện của Nguyen (không phải tên thật), một tu nghiệp sinh Việt Nam phải làm việc trên giàn giáo tại những công trình nhà cao tầng từ lúc hơn 5 giờ sáng đến tối mịt, sau đó còn bị bắt nạt, bị đánh gãy xương sườn... và đã tiến hành kiện công ty của mình.
Hồi tháng 4/2023, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với ba tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản để hiểu về những góc tối của chương trình này và những trường hợp vươn lên thành công nhờ nghị lực.
Lẩn trốn cảnh sát khi đi trên phố, không được phép ngã bệnh, làm những việc người Nhật "không thèm làm" là tình cảnh của một số lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Nhật Bản khi họ kể lại với BBC.
Các chuyên gia cho rằng gánh nặng nợ nần từ những khoản vay để trả phí môi giới khiến nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản phạm tội, chẳng hạn ăn cắp.
Chương trình tu nghiệp sinh mới sẽ có gì?
Những yêu cầu đối với các tu nghiệp sinh muốn thay đổi chỗ làm dự kiến sẽ được nới lỏng vào năm 2027 khi Nhật Bản có một chương trình mới.
Theo đó, Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản dự kiến sẽ cho phép các tu nghiệp sinh có thể làm việc lên đến 28 giờ mỗi tuần trong quá trình chờ chuyển sang chỗ làm mới.
Về thủ tục giấy tờ cũng sẽ bao gồm các ngôn ngữ mẹ đẻ để cho các tu nghiệp sinh có thể nắm chắc thông tin.
Trước đó, chính phủ Nhật Bản, hồi tháng 2, đã chính thức quyết định loại bỏ chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài hiện tại, được xem là một bước chuyển biến đáng kể của Nhật Bản trong vấn đề thu hút lao động nước ngoài.
Thay vào đó sẽ có một hệ thống mới cho phép lao động nước ngoài có thể lưu trú dài hạn.
Hệ thống này có mục tiêu mang những lao động nước ngoài có trình độ và kỹ năng nhất định đến Nhật Bản trong vòng ba năm.
Hệ thống mới này cũng cho phép người lao động chuyển sang nơi làm khác trong cùng lĩnh vực, sau một thời gian nhất định. Đây là điểm khác biệt so với trọng tâm của chương trình cũ, vốn tập trung vào việc chuyển giao kỹ năng công nghệ cho quốc gia đang phát triển.
Với chương trình mới, trọng tâm là đảm bảo và phát triển lực lượng lao động thiết yếu ở nước ngoài, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại Nhật Bản, vốn đang trở nên trầm trọng thêm do tình trạng dân số già.
Quyết định nghỉ hưu sớm dù mức lương khi đó khoảng 200 triệu đồng/tháng, chị Trang dành thời gian làm những điều mình thích, trong đó có bán phở online. Món phở được chị nấu theo khẩu vị riêng, giá 500.000 đồng/bát.
Chị Trang Lastella (SN 1985, đến từ TPHCM) sinh sống tại Geneva, Thụy Sĩ từ năm 2016. Sau hơn 11 năm làm giám sát hậu cần tại các công ty đa quốc gia lớn ở TPHCM và Geneva với mức lương cao, năm 2020, chị quyết định nghỉ hưu sớm, bắt đầu cuộc sống mới và làm những gì bản thân yêu thích.
Chị Trang tiết lộ guồng quay công việc khiến bản thân bận rộn cả ngày, thiếu thời gian nghỉ ngơi và khó có thể tận hưởng cuộc sống như mong muốn. Dù mức lương ở Thụy Sĩ của chị thời điểm đó khoảng 7.100 Franc/tháng (tương đương 200 triệu đồng) song người phụ nữ Việt thấy ngột ngạt, không còn hứng thú với việc đi làm mỗi ngày.
Khi công ty ở Thụy Sĩ chuyển trụ sở về Pháp, chị suy nghĩ và quyết định nghỉ hưu sớm để làm những điều mình mong muốn, trong đó có việc bán phở bò online – ước mơ mà chị ấp ủ thực hiện từ lúc còn làm việc cho các công ty lớn ở Việt Nam.
“Tôi nghĩ không làm lúc này thì còn làm lúc nào nữa. Thời gian và cuộc sống không ai nói trước được gì. Nếu làm phải làm ngay nên tôi quyết định nghỉ hưu sớm và làm điều mình thích. Tôi chọn mô hình bán phở online vì thấy phù hợp với điều kiện và khả năng hiện tại của bản thân. Đầu tiên là để đáp ứng nhu cầu được ăn ngon của bản thân, sau là hiện thực hóa ước mơ làm người bán phở, đồng thời vơi bớt nỗi nhớ quê hương”, chị Trang kể.
Theo chị, việc nấu được một nồi phở ngon khá cực mà nấu ít thì không bõ công. Vì vậy, chị vừa bán vừa ăn, ban đầu chỉ làm khoảng 20 suất. Bạn bè, người quen ăn thấy ngon, truyền tai và giới thiệu nhau nên món phở của chị dần được nhiều người ở Thụy Sĩ biết đến hơn. Từ đó, chị làm số lượng tăng lên, mỗi lần khoảng 100 suất.
“Tôi chỉ bán phở vào cuối tuần và suốt 4 năm nay vẫn giữ nguyên khẩu phần như vậy. Tôi không chạy theo số lượng vì muốn giữ được chất lượng cho món ăn, đảm bảo thực khách thưởng thức xong đều thấy hài lòng, thích thú”, người phụ nữ 39 tuổi cho hay.
Món phở bò được chị Trang nấu theo công thức riêng, “nhà ăn thế nào bán thế đó”. Tuy nhiên, để phù hợp với khẩu vị của người địa phương, chị cũng nêm nếm và điều chỉnh gia vị sao cho cân đối.
“Người Việt thường nêm nước dùng với chút mắm cho đậm đà nhưng người Thụy Sĩ lại không thích gia vị đó. Vì vậy, tôi cũng thử nghiệm nhiều lần để làm sao ra được phần nước dùng có độ trung hòa, hợp khẩu vị đa số khách hàng”, nàng dâu Việt chia sẻ.
Để làm món phở ngon, chị Trang đến siêu thị châu Á ở khu vực gia đình sinh sống để tìm mua các loại thực phẩm, gia vị Việt Nam. Phở được sử dụng là loại phở khô, có độ dai mềm, khi nấu không bị nhão.
Thịt bò phải tuyển chọn từ thịt tươi, có nguồn gốc từ Thụy Sĩ và đảm bảo chất lượng.
Với nước dùng, chị mua phần xương đuôi và xương tủy bò, đem về sơ chế sạch, khử mùi, hầm trong khoảng 8 tiếng rồi nêm nếm gia vị. Ngoài xương, chị cũng cho thêm gừng, hành khô nướng, hoa hồi, quế,… để nước dùng có độ ngọt thanh tự nhiên, dậy mùi thơm hấp dẫn.
“Món phở được nấu sao cho có hương vị chuẩn Việt nhất có thể, song vẫn phải điều chỉnh thêm để phù hợp khẩu vị, sở thích của người địa phương. Tôi cũng mua thêm các loại rau như húng quế, rau ngò, hành lá, hành tây và chanh để thực khách ăn kèm phở như ở Việt Nam”, chị Trang cho hay.
Trung bình, người phụ nữ Việt dùng hết khoảng 30kg nguyên liệu mỗi lần, gồm xương đuôi bò, xương tủy, bắp bò và thịt mông (rumsteak), mỗi loại khoảng 7kg. Còn lại là phở khô, rau, gia vị kèm theo.
Theo chị Trang, giá cả nguyên vật liệu và chi phí nhân công ở Thụy Sĩ rất đắt đỏ. Thỉnh thoảng, chị phải thuê thêm người làm, còn chồng phụ giúp một vài công hoặc đi giao hàng khi cần thiết.
Một tô phở bò được chị bán với giá khoảng 17 Fr (Franc, khoảng 500.000 đồng).
Người phụ nữ này thừa nhận việc kinh doanh phở ở châu Âu nếu biết tính toán hợp lý sẽ đem lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định đáng kể. Ví dụ, giờ bán hàng cố định, “không cần làm nhiều nhưng vẫn đạt năng suất cao”.
“Tính tôi rất cẩn thận, cân đo đong đếm từng suất ăn sao cho đúng tiêu chuẩn nhất. Đến giờ nhìn lại, tôi không nghĩ mình đã bán phở online ở Thụy Sĩ được 4 năm rồi. Ước mơ đã thành hiện thực và còn mang lại cho tôi nguồn thu nhập tốt. Từ số tiền kiếm được, tôi đã dành dụm và mua được 4 mảnh đất to nhỏ khác nhau ở một số tỉnh như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng”, người phụ nữ Việt tiết lộ.
Anh Owen (sống ở Geneva) - một khách quen cho biết, bản thân ăn phở bò do chị Trang nấu suốt nhiều năm nay.
“Theo cảm nhận của tôi, phở của Trang là ngon nhất ở Geneva. Tôi từng phải trả mức giá gấp đôi ở các nhà hàng trong thành phố chỉ để thưởng thức món ăn tương tự phở nhưng hương vị và chất lượng thua xa. Món phở của Trang có hương vị giống như món phở tôi từng ăn hồi nhỏ. Nước dùng rất ngon, phở được trang trí đẹp mắt với phần ăn đầy đặn, nhiều bánh phở, thịt bò và rau thơm. Nếu là người sành ăn phở hay thích các món ăn Việt Nam thì bạn nhất định phải nếm thử món phở online của Trang”, anh Owen nhận xét.
Nguồn: Báo Quốc Tế; BBC; Người Quan Sát
Người Việt hải ngoại: Nam diễn viên thua lỗ ở Mỹ; Lớp học tiếng Việt tại Östergötland; Vẫn chia rẽ sâu sắc vì Donald Trump
Người Việt hải ngoại: Hồng Nhung hạnh phúc với bạn trai ở trời Tây; Nghệ sĩ Hoài Thanh du lịch y tế ở Nhật; 2 người bị bắn chết ở Malaysia
Người Việt hải ngoại: Công dân ở Liban an toàn; 31 giờ mắc kẹt ở Thụy Sĩ; Mỹ nhân khuynh đảo phòng vé; Gian lận vé tàu, 2 người bị bắt
Người Việt hải ngoại: Giúp việc cho đại gia Trung Đông; Ăn phở đêm ở Cali; Nữ ca sĩ bị điều tra ở HQ; 4 người làm tại hộp đêm ở Chiba bị bắt
Người Việt hải ngoại: Nơi gìn giữ nguồn cội tại Nhật; Phở khô hút khách Hàn; ‘Sốc’ vì giá bắp cải ở Đài Loan; Tránh mưa tên lửa ở Israel
Người Việt hải ngoại: Tết trung thu tại Anh, Pháp; Nơi học tập của thiếu sinh quân tại Séc; Giải cứu 2 nhà leo núi ở Thụy Sĩ; CLB áo dài ở Séc
Người Việt hải ngoại: Nghe tiếng bom ở Liban; Ôm con tháo chạy ở Israel; 9 người bị bắt ở Thái Lan; Cô giáo gây sốt ở Phi
Người Việt hải ngoại: Tổ chức thiện nguyện tại Pháp; Trân trọng nguồn cội; Giải bóng đá tại Hiroshima; Lối sống thời chiến ở Israel
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá