Người Việt hải ngoại: Giữ tiếng Việt nơi đất khách; Chiếu phim ở Little Saigon; Chú trọng sức khỏe ở Nhật; Kiện cảnh sát ở Mỹ

Giữ tiếng Việt nơi “đất khách”

(Ảnh minh họa).

Dạy tiếng Việt cho con ở nơi “đất khách” hoàn toàn không phải là nhiệm vụ mà các bậc phụ huynh Việt Nam phải làm, nhưng đã là người Việt Nam thì ai cũng đau đáu, muốn gìn giữ tiếng nói của dân tộc mình.

Hai cháu gái của tôi đều sinh ra tại Singapore, nơi công nhận 3 thứ tiếng là ngôn ngữ quốc gia: Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Malaysia. Là quốc gia đa sắc tộc nên việc giao tiếp của những đứa trẻ có phần khó hơn, bởi ngoài Tiếng Anh là ngôn ngữ học chính khóa thì bắt đầu từ các lớp lớn, các cháu phải học thêm cả Tiếng Trung và Tiếng Malaysia. Suốt khoảng thời gian còn nhỏ của 2 đứa trẻ, ngoài học ngôn ngữ tại trường, anh chị tôi vẫn không ngừng trau dồi thêm Tiếng Việt cho các cháu. Công việc này tưởng chừng không khó nhưng cũng không hề dễ dàng.

Các thầy cô giáo ở Singapore luôn khuyến khích phụ huynh rằng hãy dùng và dạy những đứa trẻ thứ tiếng mà bố mẹ nói tốt nhất ở nhà. Còn phần ngôn ngữ Anh, Trung ở trường các thầy cô giáo sẽ lo. Yên tâm với sự giúp đỡ từ phía nhà trường, anh chị tôi quy định chỉ được nói Tiếng Việt khi ở nhà với bố mẹ, nhưng khi có thêm bạn bè thì các cháu có thể nói thứ tiếng mà mình thoải mái nhất.

Hai cháu gái của tôi vì thế khi lên trung học đã biết đọc Tiếng Việt, còn viết thì chỉ được như học sinh cấp 1. Tuy nhiên sau tất cả cố gắng của bố mẹ, lần nào về Việt Nam thăm gia đình, các cháu đều có thể nói chuyện và giao tiếp với mọi người.

Đây phải chăng là câu chuyện của hầu hết các gia đình người Việt định cư tại nước ngoài. Để con hòa nhập với văn hóa bản địa nhưng không quên giữ lại hồn cốt của người Việt trong lời nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công khi làm điều này. Nữ Youtuber ẩm thực nổi tiếng - Quỳnh Trần JP, cũng đã từng rất lo lắng khi cậu con trai đến 3 tuổi mà vẫn chưa thể nói được thành thạo dù là tiếng Nhật hay tiếng Việt. Việc cậu không thể giao tiếp bằng tiếng Nhật khiến cậu bé bị từ chối khi đăng ký vào một ngôi trường mẫu giáo tại Nhật Bản.

Biết lý do con chưa thể nói thành thạo bất kỳ thứ tiếng nào do bị rối loạn ngôn ngữ, chị Quỳnh đã thay đổi phương pháp dạy và nói chuyện với con. Phân chia thời gian và cách tiếp cận khác, để cậu bé dễ dàng tiếp thu vốn ngôn ngữ có phần phức tạp như tiếng Việt. Nay đã 5 tuổi, bé Sa - con trai Quỳnh Trần JP đã có thể theo học trường Nhật Bản, đồng thời tham gia các đoạn video ẩm thực với mẹ bằng Tiếng Việt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra việc sử dụng ngoại ngữ làm giảm những sai lệch trong quá trình ra quyết định. Người ta tin rằng ngôn ngữ thứ hai cung cấp một khoảng cách nhận thức hữu ích từ các quy trình tự động, thúc đẩy suy nghĩ phân tích và giảm phản ứng không suy nghĩ, cảm xúc. Do đó, những người nói được nhiều ngôn ngữ có tư duy phản biện và kỹ năng ra quyết định tốt hơn.

Sẽ rất sai lầm khi cho là các công cụ trí tuệ nhân tạo, dịch máy sẽ khiến con người không cần học quá nhiều ngôn ngữ. Công nghệ dịch máy đã tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn tồn tại những hạn chế về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và văn phong. Việc học nhiều ngôn ngữ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa, tự tin khi giao tiếp và tạo ra nhiều cơ hội để kết nối và tương tác xã hội. Học nhiều ngôn ngữ giúp con người nâng cao khả năng tư duy và khả năng giải quyết vấn đề khi tập trung vào các kỹ năng như phát âm, luyện nghe, nói và viết.

Tin rằng, dạy tiếng Việt cho con ở nơi “đất khách” hoàn toàn không phải là nhiệm vụ mà các bậc phụ huynh Việt Nam phải làm. Đó chính là mong muốn mà đã là người Việt Nam thì ai cũng đau đáu, muốn gìn giữ và gắn kết. Đó chính là nhu cầu được gắn kết các con với mình, với gia đình, nguồn cội.

Nên dù có sống ở đâu trên khắp thế giới rộng lớn này, giữ được tiếng nói của nền văn hóa hơn 100 triệu dân chắc chắn là một lợi thế mà ai cũng mong muốn. Những cành nhỏ gắn kết với cành lớn thì mọi cành cây đều gắn với gốc rễ, nguồn cội. Giữ tiếng Việt cho thế hệ tiếp theo không phải là hướng con về quá khứ của bố mẹ mà là hướng về tương lai của chính các con.

(Nguồn: Văn hóa & Đời sống)

'Chuyện Little Saigon' và 5 phim ngắn của đạo diễn người Mỹ gốc Việt

Buổi chiếu 5 cuốn phim ngắn của đạo diễn người Mỹ gốc Việt do Thư viện Công cộng Quận Cam (Orange County Libraries - OCPL) tổ chức ngày 4/3 vừa qua thành công vượt sự mong đợi của nhiều giới.

Buổi chiếu phim là phần mở đầu của chuỗi sinh hoạt nhiều kỳ có tên “Little Saigon Stories” do Orange County thực hiện, với mục đích quảng bá những câu chuyện liên quan đến cộng đồng người Việt ở đây, một phần của nỗ lực giữ gìn và vinh danh nền văn hóa đa dạng của quận nói chung.

Phòng chiếu của thư viện chính của OCPL tại Garden Grove không chỉ hết ghế ngồi, mà khách tham dự đến hơi trễ cũng khó tìm chỗ đứng. Khán giả, rất nhiều thuộc giới trẻ, chăm chú nhìn lên màn ảnh, lúc xót xa với những cảnh trong phim, lúc lại rộ lên cười trước những đối thoại, có lẽ với họ rất quen thuộc và tiêu biểu.

Năm phim được chiếu: Granny Boot Camp, Savory, Iris, The Morning Passing on El Cajón Boulevard, Like Mother - Like Daughter, là những phim ngắn nổi bật, đã được Hội Văn học Nghệ thuật Việt Mỹ (tổ chức VAALA) chiếu tại Viet Film Fest trước đây. Đa số phim được quay ngay tại Little Saigon, với chủ đề gia đình, do các đạo diễn người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi, và rất tình cờ, toàn phái nữ, thực hiện.

Bà Ysa Le, giám đốc điều hành của VAALA cho biết rất hân hạnh khi hội được mời tham gia dự án “Little Saigon Stories”:

“Chuỗi sinh hoạt của dự án Little Saigon Stories kéo dài 3 tháng gồm buổi chiếu phim, thuyết trình, giới thiệu sách, gặp gỡ các nhà văn, v.v vào cửa miễn phí, ai cũng có thể tham dự để học hỏi. Tôi thấy đây là một dự án rất hay của OC Public Libraries nhằm cho thấy sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc của quận Cam!”

Eric Nong, Giám đốc Nghệ thuật của Viet Film Fest, người chọn phim cho buổi trình chiếu, giải thích lý do khiến anh chọn 5 cuốn phim ngắn nói trên:

“OCPL cho biết họ muốn chiếu những cuốn phim đặc biệt nhắm đến và/hoặc có sự góp mặt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, nên tôi đã giới hạn lựa chọn trong vòng những phim ngắn chỉ do người Mỹ gốc Việt đạo diễn, dù phim được chiếu tại Viet Film Fest đến từ, hoặc có sự tham gia của người gốc Việt cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại.

Vì đây là dịch vụ miễn phí OCPL muốn cung cấp cho dân địa phương, tôi kết hợp giữa những phim sâu sắc nhưng dễ xem cho khán giả (Granny Boot Camp, Savory) và những phim hơi mang tính thách thức hơn, nhưng không quá khó hiểu (The Morning Passing on El Cajón Boulevard). Viet Film Fest từ lâu đã chiếu nhiều phim với chủ đề LGBTQ (Like Mother - Like Daughter) và tôi luôn nghĩ rằng chủ đề đó cũng quan trọng. Sự phân cách giữa các thế hệ, được nhắc đến, ở một mức độ nào đó trong phim Like Mother - Like Daughter, nhưng đặc biệt phim Iris, rất nặng về mặt xã hội và chính trị trong cộng đồng, và đó là lý do tại sao những phim này được chọn.”

Nhìn phản ứng của người xem, ta có thể cho rằng có thể Eric Nong đã chọn đúng!

5 cuốn phim ngắn được chiếu hôm ấy đã phần nào nói lên được “chuyện Little Saigon” và không ít thì nhiều chạm vào tim khán giả, dù họ từng lo lắng cho cha mẹ, ông bà trong thời người Á Đông ở đây bị hành hung, từng lịm người vì nỗi nhớ người thân vừa qua đời, từng phải đối diện với quan hệ căng thẳng giữa hai thế hệ, nhất là trong việc chọn nghề, hay từng run rẩy thú thật với cha mẹ mình là người… đồng tính.

Nỗi sợ giới ghét người châu Á

Mở đầu chương trình, phim Granny Boot Camp (2022) của đạo diễn Terry Ngô tạo ngay được sự đồng cảm cho người xem.

Phim quay quanh chuyện một bà cụ hàng ngày đọc tin thấy nhiều người bị hành hung vì phong trào căm ghét người Châu Á, đã đâm ra sợ hãi không dám ra khỏi nhà. Đám cháu nội ngoại thấy vậy phải xúm lại giúp bà ngày ngày tập võ, đạp treadmill, và chuẩn bị hành trang cho đến ngày bà mạnh dạn khoác chiếc backpack lên lưng và vượt qua nỗi sợ, mở cửa bước chân ra ngoài…

Đạo diễn Terry Ngô cho biết cô thực hiện Granny Boot Camp vì có lúc đã rất lo lắng cho mẹ già trong môi trường người châu Á bị người căm ghét hành hung vì niềm tin là Covid đến từ Á châu.

Không có gì ngạc nhiên khi khúc phim ngắn 5 phút được khán giả nhiệt liệt vỗ tay khi kết thúc. Được biết tại Viet Film Fest Granny Boot Camp đã được đề cử cho giải Phim ngắn hay nhất. Granny Boot Camp cũng đã được trình chiếu tại các buổi liên hoan phim như DC APA, Mindfield, Buffalo và Madrid Film Festival, nơi cuốn phim cực ngắn này, đã đoạt giải Phim hài hay nhất.

Terry Ngô cho biết Granny Boot Camp với cô có ý nghĩa đặc biệt vì cả ba thế hệ của gia đình đã tham dự vào việc làm cuốn phim này.

Nỗi nhớ bà

Phim Savory (2021), dài 10 phút, hầu như không có đối thoại, tả cảnh một cô gái trẻ tuổi, trong khi tránh tuyết một mình ở nhà bà ngoại, người vừa qua đời, suy ngẫm về mối quan hệ của mình với bà, sau khi làm và ăn món cơm chiên trứng mà bà mình ưa thích.

Cảnh nhân vật chính một mình lầm lũi làm món ăn bà mình thích, bới ra hai bát, một cho mình và một bát đặt lên bàn thờ nghi ngút khói hương làm nhiều người không nén được cảm xúc.

Đạo diễn Taylor Jordan cho biết khi làm phim cô chỉ “muốn mọi người có thể liên tưởng đến những hoài niệm của riêng mình và có cảm giác thoải mái” khi xem.

“Còn nhớ lúc tôi cho mẹ xem phim lần đầu, tôi không ngờ bà đã bật khóc, và chính những khoảnh khắc đó củng cố lý do tại sao tôi mê thích làm phim.”

Con không muốn làm bác sĩ

Việc phim ảnh là cách kể chuyện hữu hiệu có thể đo lường được qua phản ứng của khán giả.

Một đối thoại trong phim Iris (2022) của đạo diễn Jamie Trần khiến người xem không khỏi bật ra những tiếng cười rộ, nhưng đó là cái cười trên những khuôn mặt trầm ngâm.

Nhân vật chính trong phim, Iris, là một cô bé mê ngành kịch nghệ và muốn theo đuổi ngành diễn xuất, nhưng khổ sở loay hoay mãi không biết phải nói thế nào với người cha nghiêm khắc, trước ước mơ con sẽ trở thành một bác sĩ của ông.

Cứ sống trong dằn vặt như vậy cho đến một ngày, khi cha hớn hở mang đến cho mình cuốn sách mới mua, nói ông nghĩ sách sẽ giúp cô nhiều trong việc chuẩn bị thi vào trường y, Iris thấy mình đã đến lúc phải cho cha biết sự thật.

-Ba. Con nghĩ mình phải nói chuyện. Ba ngồi xuống đi.

- …

-Ba à, con không muốn học ngành y, không muốn làm bác sĩ. Con xin lỗi ba…

-Con bữa nay nói kiểu gì lạ vậy?

-Con đã tìm cách nói với ba nhiều lần rồi, nhưng ba không muốn nghe…

-Vậy con muốn làm gì? Theo ngành dược à, hay kỹ sư? Người cha hỏi, hơi ngỡ ngàng, nhưng mắt vẫn còn hy vọng.

-Con không thích mấy ngành đó, con muốn theo ngành nghệ thuật, diễn xuất.

-Diễn xuất? Đó chỉ là sở thích. Rồi con lấy gì mà sống? Người cha hét lên…

Đạo diễn Jamie Trần, từng là diễn viên trước khi trở thành đạo diễn, cũng đóng vai người dì của Iris trong phim, hé lộ động cơ khiến bà thực hiện cuốn phim:

“Chuyện làm phim Iris đến từ việc tôi nghe người thân, bạn bè và cả những người quen sơ, chia sẻ những kinh nghiệm tương tự. Dĩ nhiên trong đó có cả kinh nghiệm bản thân nữa.

Mục đích của tôi là kể chuyện, nhưng quan trọng hơn, làm sáng tỏ một chủ đề thường được nghe nói đến nhưng chưa được thấy. Người Việt chúng ta cần được nhìn thấy nhiều hơn. Tôi muốn nhiều người hơn biết đến văn hóa và truyền thống của người Việt. Chúng ta có những câu chuyện tương tự như mọi người khác. Gia đình, các mối quan hệ, truyền thống và phong tục. Tôi thấy so với người Việt, các nền văn hóa châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến xa hơn khi nói đến sự nghiệp trong ngành nghệ thuật. Tôi thích viết lách và tôi muốn giới thiệu văn hóa của chúng ta trên màn ảnh nhiều hơn.

Tôi hy vọng rằng qua phim này, giới trẻ sau khi xem phim, nếu có nguyện vọng để trở thành một nghệ sĩ thì sẽ dám theo đuổi ước mơ đó, đặc biệt là trong thời đại bây giờ, mọi thứ đều có thể.”

Con là con gái của mẹ

Trong phim “Like Mother - Like Daughter” (2018), vào dịp Tết Nguyên Đán, một phụ nữ chuyển giới người Mỹ gốc Việt lén mặc chiếc áo dài đầu tiên trong đời để tìm cách nói với mẹ rằng mình là phụ nữ và hy vọng mẹ sẽ chấp nhận mình là con gái của bà.

Khán giả khá xúc động trước cảnh một cô gái có giọng đàn ông, được mẹ gọi là Robert, trốn vào phòng riêng, run rẩy khoác lên người chiếc áo dài, và khi bị mẹ sửng sốt khi bắt gặp, nài nỉ xin bà cho mình được thêm vài phút nữa là Robin, rồi mọi sự sẽ được “trả về như cũ”…

“Robin là ai?”

“Tiếng hỏi hoảng hốt của bà mẹ và sự lúng túng của người con làm tôi đau lòng quá.” Một khán giả thầm thì với người ngồi cạnh.

Đạo diễn Kady Lê chia sẻ lý do cô làm cuốn phim này:

“Mục tiêu của tôi là giúp những người Việt đồng tính luyến ái, chuyển giới và có khuynh hướng giới tính mở, nói về chuyện của họ. Bản thân là một phụ nữ đồng tính luyến ái, tôi cảm thấy trải nghiệm của giới LGBTQ dường như bị vắng bóng trên màn ảnh. Dù không phải là người chuyển giới, nhưng tôi nghĩ nhiều người LGBTQ phải đối mặt với cảm giác bị thiệt thòi. Tôi cũng muốn nhân bản hóa và nâng cao nhận thức về trải nghiệm của cả người Mỹ gốc Việt lẫn người chuyển giới cho những ai chưa quen với hai cộng đồng này. Cả hai đều rất đa dạng.”

Quan hệ phức tạp với văn hóa

Buổi Sáng Đi Qua Đại Lộ El Cajón (2019), của đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê là phim dài nhất, 20 phút, cũng có lẽ là phim đòi hỏi sự chú tâm của người xem nhất.

Phim theo bước chân của Julie, một cô gái trẻ người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, hiện giữ chức vụ giám đốc lễ tang tại một nhà quàn ở City Heights, khu đông dân cư tị nạn thuộc thành phố San Diego, California.

Dù quen với việc hàng tuần quản lý tang lễ cho người đồng hương, nhưng khi cha mình bất ngờ qua đời, Julie đã phải nhờ đến sự cố vấn của một người đàn chị trong ngành. Cuốn phim cho thấy cận cảnh gia đình người tị nạn đau buồn như thế nào khi họ mất người thân ở xa quê hương.

Tuy nhiên, cảnh tử biệt sinh ly không phải là tâm điểm của phim.

“Mục tiêu của tôi là nói lên mối quan hệ với văn hóa rất phức tạp của cộng đồng người Việt hải ngoại, qua câu chuyện cụ thể của nhân vật chính.” Đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê bày tỏ, và nói thêm:

“Tôi đặc biệt muốn khám phá những mối quan hệ không bị xung đột giữa các thế hệ người Việt. Tôi nghĩ giữa các thế hệ chúng ta có rất nhiều tổn thương và sự hiểu lầm. Những tổn thương và hiểu lầm đó trở nên trầm trọng hơn vì rào cản ngôn ngữ và chấn thương của chiến tranh. Một số bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái không quan tâm đến họ hoặc xuất xứ của họ. Nhưng thật ra nhiều người thuộc thế hệ thứ hai chúng tôi suy nghĩ rất sâu sắc về việc mình là người Việt. Chúng tôi vừa nghĩ cách phải làm thế nào để có thể ôm lấy những gì được truyền lại, vừa nghĩ về ảnh hưởng của chính mình trong việc góp phần hình thành văn hóa. Chúng tôi không chỉ là những thùng chứa để đựng kiến thức về văn hóa có sẵn, mà còn là những người tham gia tích cực vào một nền văn hóa luôn thay đổi. Tôi nghĩ Julie, nhân vật chính trong phim là ví dụ điển hình về một người vừa cố gắng bảo tồn văn hóa vừa tự tin khi biết rằng mình cũng là một phần của sự thay đổi của văn hóa đó”.

Thấy gì qua buổi chiếu phim?

Được hỏi liệu những cuốn phim này có nói lên được những câu chuyện của Little Saigon, Eric Nong trả lời:

“Không một phim ngắn nào do Viet Film Fest tuyển chọn có thể kể hết được chuyện của Little Saigon, hay nắm được bản chất của Little Saigon. Tương tự, không một bộ phim nào có thể làm được việc này. Nhưng hãy ghi nhận nỗ lực của OCPL trong chương trình "Little Saigon Stories" - họ đang cố gắng ghi lại một cái nhìn thoáng qua về cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại thời điểm này, cũng như quá khứ của nó. Điều tôi hy vọng bộ phim ngắn này có thể làm được là góp phần đóng góp vào bức tranh lớn hơn đó – một số ước vọng và quan tâm của cộng đồng chúng ta được phản ánh qua nghệ thuật.”

Eric nhận định đúng.

Cần phải có nhiều cuốn phim nữa, và nhiều đạo diễn nữa mới kể hết được những câu chuyện của Little Saigon, thuộc Orange County, tiểu bang California, nơi cư ngụ của khoảng trên dưới 200.000 người Mỹ gốc Việt.

Nhưng việc buổi trình chiếu những cuốn phim về người Mỹ gốc Việt, do chính người Mỹ gốc Việt đạo diễn, được quận Cam đứng ra tổ chức, cho thấy tấm thảm văn hóa của nơi đây ngày càng khởi sắc và người Little Saigon, Chuyện Little Saigon chắc chắn đã đóng góp vào, và là một phần không thể thiếu của một nơi đa văn hóa đa sắc tộc.

(Nguồn: BBC)

Chú trọng sức khỏe tinh thần của người Việt ở Nhật

(Ảnh minh họa).

Nhiều người Việt tại Nhật Bản nói họ không có ai ở gần để tham vấn các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần

Trong 10 năm qua, số người nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản đã tăng đáng kể. Con số này đạt mức kỷ lục hơn 1,72 triệu người - theo báo cáo mới công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Cảnh báo trầm cảm

Nếu xếp theo quốc tịch, người Việt Nam vừa trở thành nhóm đông nhất trong số lao động nước ngoài ở Nhật với hơn 453.000 người, chiếm 26,2% tổng số. Với mức tăng trưởng hơn 16 lần trong 10 năm qua, người Việt Nam đã vượt qua người Trung Quốc (hiện chiếm 23%) để trở thành nguồn nhân lực nước ngoài quan trọng tại Nhật Bản.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói thêm về sức khỏe tinh thần của người Việt đang lao động tại Nhật. Từ tháng 9 đến tháng 10-2021, nhóm nghiên cứu của chúng tôi dẫn đầu bởi ông Tadashi Yamashita, giảng viên Trường Cao đẳng Điều dưỡng TP Kobe, đã khảo sát trực tuyến bằng bảng câu hỏi với người Việt đang sống và làm việc trên toàn nước Nhật.

Độ tuổi trung bình của người tham gia khảo sát là 26, thời gian lưu trú trung bình tại Nhật Bản là 3,4 năm.

Trong số 621 người tham gia, kết quả phân tích cho thấy 203 người (32,7%) có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng nên đi khám ngay.

Các khảo sát tương tự trên người Nhật trong đại dịch COVID-19 chỉ ra tỉ lệ người có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng thấp hơn khá nhiều, khoảng 10%-20%.

Hầu hết (81%) người tham gia nói rằng mình bị giảm thu nhập trong đại dịch, với 215 người bị giảm từ 40% trở lên, 243 người bị giảm từ 10%-40% và 46 người giảm dưới 10%.

Ngoài ra, 116 người (18,7%) nói rằng họ đã bị sa thải hoặc thất nghiệp và 398 người (64%) bị giảm số ngày làm việc do tình trạng kinh doanh của công ty. Trước câu hỏi "Bạn có nghĩ mình nghèo không?", 287 người (46,2%) trả lời "hơi nghèo" và 88 người (14,2%) trả lời "rất nghèo".

Đáng ngại hơn, nhiều người Việt tại Nhật Bản nói rằng họ không có ai ở gần để tham vấn các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phản ánh một tỉ lệ lớn người Việt Nam bị cô lập khi sinh hoạt và làm việc tại Nhật.

Khi được hỏi "Bạn có ai để trò chuyện về sức khỏe của mình không?", 433 người (69,7%) trả lời là "không". Trong khi đó, 136 người (21,9%) trả lời "trò chuyện với gia đình", 80 người (12,9%) "trò chuyện với bạn Việt Nam hoặc Nhật Bản". Chỉ có 4% cho biết họ có kết nối với chuyên gia y tế để nhận tư vấn về sức khỏe.

Rào cản y tế

Qua phỏng vấn một số người Việt, chúng tôi nhận thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Không chỉ làm giảm thu nhập, các chính sách về giãn cách đã ngăn cản người Việt tụ tập giao lưu với nhau.

Thiếu kết nối với cộng đồng có thể đã làm nhiều người thấy cô đơn, gia tăng lo lắng - một trong những yếu tố gây ra hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng trầm cảm.

Dù hầu hết người lao động sang Nhật Bản ở độ tuổi 20-30, là nhóm ít mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường nhưng ngày càng có nhiều trường hợp bị tai nạn lao động cũng như các bệnh cấp tính cần chữa trị kịp thời.

Một vấn đề nổi cộm đang được đặt ra cho cộng đồng người Việt là việc tiếp cận hệ thống điều trị, chăm sóc, tư vấn về sức khỏe tại xứ sở Phù Tang.

Ông Yamashita cho biết: "Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và chính quyền địa phương đã thiết lập các dịch vụ tư vấn hỗ trợ nhưng có vẻ nhiều người Việt không sử dụng được. Rào cản ngôn ngữ và kém hiểu biết về hệ thống y tế có thể là nguyên nhân của tình trạng này".

Mặc dù tất cả người lao động, bao gồm thực tập sinh, đều đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc tại Nhật Bản để tự do thăm khám tại các cơ sở y tế với mức phí hợp lý nhưng nhiều người vẫn khó tiếp cận các dịch vụ này vì không giỏi tiếng Nhật, thiếu thông tin về các tổ chức hỗ trợ. Ngoài ra, một bộ phận lớn thuộc nhóm có thu nhập thấp và phải làm việc liên tục nên khó thu xếp giờ nghỉ để đi khám bệnh.

Việc nhiều nhân viên y tế Nhật Bản không rành ngoại ngữ, e ngại giao tiếp với bệnh nhân nước ngoài cũng cần bàn đến. Trong khi thủ đô Tokyo đã có những kênh phiên dịch y tế giá rẻ hoặc miễn phí cho các ngôn ngữ như Pháp, Tây Ban Nha, Philippines, Hàn, Trung... thì tiếng Việt vẫn chưa được đưa vào chương trình này vì cộng đồng người Việt "mới nổi" và có thể chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài các can thiệp về chính sách để cải thiện thu nhập và môi trường làm việc cho thực tập sinh Việt Nam, thiết nghĩ cần có những chương trình phổ biến kiến thức về sức khỏe tinh thần, hướng dẫn hành động khi có dấu hiệu bất an, trầm cảm... để kết nối người cần được chăm sóc với những tổ chức hỗ trợ có sẵn tại Nhật Bản.

Lỗ hổng của TITP

Một trong những chiến lược nổi bật của Nhật Bản là Chương trình Thực tập sinh kỹ năng (TITP) nhằm tạo cơ hội cho người dân từ 14 quốc gia châu Á học hỏi và chuyển giao các kỹ thuật, kỹ năng tích lũy tại Nhật Bản để đóng góp cho sự phát triển của quê nhà. Trong chương trình này, thực tập sinh Việt Nam chiếm ưu thế với hơn 50% tổng số.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thực tập sinh người Việt đang "bù vào chỗ trống" trước tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong những ngành sản xuất như chế biến thực phẩm và lắp ráp thiết bị điện. Tình hình này đang bị chỉ trích nghiêm trọng vì có nhiều công ty vừa và nhỏ trên khắp Nhật Bản, nhất là ở vùng nông thôn, tuyển thực tập sinh kỹ năng chỉ để sử dụng nhân công giá rẻ chứ không phải để chuyển giao kỹ thuật đúng nghĩa.

Ngoài ra, thống kê năm 2017 cho thấy 65% nơi làm việc chấp nhận thực tập sinh kỹ năng là doanh nghiệp siêu nhỏ (ít hơn 19 nhân viên). Luật pháp Nhật Bản không yêu cầu những cơ sở như vậy bố trí người giám sát y tế nên có nguy cơ dẫn đến chậm trễ trong phát hiện và xử lý các vấn đề sức khỏe phát sinh.

(Nguồn: Người Lao Động)

Kiện cảnh sát vì bị bắt nhầm

Một người gốc Việt tên Tony Nguyen sống tại TP.Hudson (bang Florida, Mỹ) vừa đệ đơn kiện một cảnh sát, một nhân viên siêu thị và siêu thị Walmart với cáo buộc phân biệt chủng tộc và bắt sai người.

Theo Đài WTSP, sự việc xảy ra vào cuối năm 2022 khi nhân viên ngăn ngừa mất cắp tại siêu thị Walmart tại TP.Spring Hill, hạt Hernando (Florida) gọi điện báo cảnh sát có một người châu Á đi vào siêu thị trái phép.

Nhân viên mô tả người xâm phạm tên Cody Vondelinde, có xu hướng bạo lực và mang theo vũ khí. Ông Vondelinde bị cấm đi vào siêu thị Walmart từ năm 2018.

Sau đó, một cảnh sát đến nơi và bắt ông Nguyen. Lúc bị bắt, ông Nguyen đang đi siêu thị cùng bạn gái. Mặc dù ông Nguyen đã cố gắng giải thích nhưng viên cảnh sát vẫn còng tay và đưa ông đi. Phía nguyên đơn cho biết cảnh sát đã không kiểm tra căn cước của ông Nguyen ngay tại siêu thị mà sau khi giam ông mới kiểm tra. Trong một đoạn video do nguyên đơn cung cấp, cảnh sát đã nói với ông Nguyen rằng ông không phải là người họ tìm và đã xin lỗi, theo ABC Action News.

Tuy nhiên, cảnh sát sau đó xác minh lại và nói ông Nguyen bị bắt vì vi phạm lệnh cấm đi vào siêu thị trên, được ban hành hồi năm 2013. Lệnh cấm được đưa ra sau một vụ trộm vặt nhưng theo trang Nextshark, nó chỉ có thời hạn 1 năm và ông Nguyen sau đó nhiều lần đi mua đồ tại siêu thị nói trên mà không gặp vấn đề gì. Phía luật sư của ông Nguyen nói rằng 2 vụ việc là hoàn toàn khác nhau và cảnh sát được gọi đến vào ngày 27.11.2022 là để bắt người tên Cody Vondelinde chứ không phải ông Nguyen.

Tuần qua, ông Nguyen nộp đơn kiện lên tòa án, đòi bồi thường 10 triệu USD. Ông cho biết đã gắn camera trên xe và luôn chuẩn bị sẵn điện thoại để quay phim đề phòng trường hợp bị bắt giữ vô cớ. Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Hernando từ chối bình luận trong khi Walmart thông báo sẽ phản hồi trước tòa án.

(Nguồn: Thanh Niên)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang