Người Việt hải ngoại: Giáo sư tại Mỹ; Dạy tiếng Việt trên đảo Jeju; Xuân quê hương 2023

GIẢNG VIÊN NGƯỜI VIỆT TRỞ THÀNH GIÁO SƯ TẠI MỸ SAU 1,5 NĂM

(Ảnh minh hoạ).

Được đào tạo hoàn toàn ở trong nước, sau 1,5 năm đến Mỹ, anh Đỗ Đình Thuấn trở thành giáo sư bậc 1 tại Đại học Mount Union, bang Ohio, Mỹ.

Anh Đỗ Đình Thuấn, 43 tuổi, sẽ bắt đầu học kỳ đầu tiên với vị trí assistant professor (thường gọi là giáo sư bậc 1) vào hôm 9/1. Giảng viên quê Phú Yên nói đã vượt qua 200 ứng viên để trở thành người duy nhất được chọn cho vị trí này, ở chuyên ngành Máy tính và Điện tử. Trước đó, anh làm nghiên cứu (research scientist) tại Đại học Texas ở Austin và Đại học Colorado Denver.

Đại học Mount Union nằm trong nhóm 501-600 bảng xếp hạng đại học thế giới 2022 của Times Higher Education. "Tôi có vị trí giáo sư sớm hơn dự kiến. Đó là thành quả của một hành trình dài, với không ít lần thất bại, nhưng tôi đã làm được", anh Thuấn nói.

Theo anh Thuấn, chức vụ giáo sư ở Mỹ gồm ba cấp: assistant professor, associate professor và full professor. Khi lên đến associate professor, anh sẽ được biên chế, đảm bảo công việc, chế độ lương, phúc lợi đến khi về hưu và không bị sa thải trừ khi có sai phạm nghiêm trọng. Thông thường, để có được vị trí này, hầu hết tiến sĩ phải trải qua thời gian làm post-doc (hậu tiến sĩ).

Muốn có cơ hội phát triển bản thân, anh Thuấn đến Mỹ năm 2021 sau một năm làm việc tại Đại học châu Á của Đài Loan (Trung Quốc). Anh cho biết trước đó từng giảng dạy chuyên ngành Điện tử viễn thông, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu tại trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Đại học Công nghiệp TP HCM và Đại học Quốc tế miền Đông. Trong năm đầu tiên đến Mỹ, anh Thuấn đã "rải đơn" tới nhiều đại học nhưng đều thất bại. Anh Thuấn cho hay Mỹ có khoảng 4.000 trường đại học, mỗi năm chỉ có 60 vị trí giáo sư ngạch biên chế cần tuyển cho chuyên ngành hẹp của anh.

"Trong những lần tôi được phỏng vấn, gần như các trường không quan tâm việc tôi được đào tạo ở đâu và làm việc như thế nào trước đó, chỉ tập trung vào kiến thức, kinh nghiệm ở Mỹ. Tôi không có cách nào khác ngoài tự học", anh Thuấn nói, cho biết phải mua nhiều giáo trình môn học phổ biến trong đại học Mỹ và đọc suốt một năm, so sánh điểm khác biệt với kiến thức đã học ở Việt Nam, tóm tắt ý chính để hiểu triết lý giáo dục và lý do các trường chọn dạy những tài liệu này. "Tôi phải đầu tư như vậy và tưởng tượng mình là sinh viên, học lại kiến thức của đại học Mỹ", anh Thuấn kể.

Đợt tuyển dụng của Mỹ thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Năm 2022, anh Thuấn nộp khoảng 30 trường và nhận được thư mời phỏng vấn của 10 trường. Mỗi tuần, trung bình anh có 2-3 cuộc phỏng vấn. Suốt hai tháng liên tục, anh dậy lúc 5h và làm việc đến 0h. "Rất căng thẳng. Trước mỗi cuộc gặp, tôi thức tới 3h vì lo lắng không biết các trường sẽ hỏi gì", anh Thuấn nhớ lại.

Tiến sĩ người Việt đã nghiên cứu mô tả tuyển dụng của các trường để biết nhu cầu tuyển ứng viên của họ. Anh cũng đọc thông tin trên website, cả những bài báo của giảng viên các bộ môn ở từng trường để xem cách họ nghiên cứu, định hướng phát triển bộ môn và tìm giải pháp phù hợp khi được hỏi. Mãi tới ngôi trường thứ 10, anh mới thành công.

Trong 200 hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Mount Union, anh Thuấn cho biết có 80-90% tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ. "Tôi tự tin ở môi trường châu Á nhưng vào thị trường Mỹ, tôi mất tự tin vì đối thủ rất mạnh. Tôi chỉ cố gắng hết sức mình", anh nói. Qua vòng lọc hồ sơ, anh Thuấn là một trong 10 người được chọn vào vòng hai (trực tuyến) và cuối cùng là một trong ba ứng viên ở vòng phỏng vấn on-campus (phỏng vấn trực tiếp tại đại học). Ở vòng cuối cùng, anh Thuấn phải chuẩn bị tài liệu và tập trung cao độ trong 10 ngày.

Cuộc phỏng vấn kéo dài từ 8h đến 20h, chỉ có thời gian cho anh ra ngoài uống nước, đi vệ sinh. Cách một tiếng, anh sẽ gặp khoảng 30 người gồm đồng nghiệp tương lai, sinh viên đại học và sau đại học, các bộ phận khác và hiệu trưởng. Anh được hỏi dự định đóng góp về giảng dạy trong 5, 10 năm; có thể dạy môn học nào hay nghiên cứu lĩnh vực gì. Trường cũng muốn anh góp ý cho chương trình tương lai và muốn biết phương pháp giảng dạy, cách anh thu hút sinh viên, giúp các em chăm học hơn.

Anh Thuấn cho hay căn cứ vào khung chương trình của trường Mount Union, anh so sánh với chương trình của một số trường anh từng trải qua để góp ý chi tiết về môn học. Anh cũng giảng thử một tiếng.

Theo anh Thuấn, khi làm nghiên cứu ở Đại học Colorado Denver, anh tình cờ có cơ hội giảng dạy do trường thiếu giảng viên. "Nếu tôi không có trải nghiệm đó, trường sẽ không xem xét vì họ không biết khả năng giảng dạy của tôi ở Mỹ thế nào", anh Thuấn nói, cho biết Đại học Mount Union còn đánh giá khả năng của anh qua phản hồi của sinh viên, đồng nghiệp.

Anh Thuấn có khoảng 200 bài báo trong lĩnh vực điện tử viễn thông và máy tính nhưng chỉ nhấn mạnh 20-30 bài tốt nhất, được đăng tải trên các tạp chí quốc tế uy tín nhóm Q1 (xếp hạng 1-25 trong top 100 tạp chí chuyên ngành điện tử viễn thông). "Các trường của Mỹ chỉ chú ý top 10% nhưng họ sẽ chọn ứng viên từ cao xuống thấp, không hoàn toàn dựa vào số bài báo được đăng", anh Thuấn nói.

Trong thư mời anh Thuấn làm việc hôm 19/12/2022, ông Robert Gervasi, Hiệu trưởng Đại học Mount Union, nói tin tưởng anh Thuấn sẽ đóng góp nhiều cho trường.

Ông Đinh Trung Hòa, khoa Toán và Thống kê, Đại học Troy, cho hay trường hợp của anh Thuấn khá đặc biệt vì anh được đào tạo hoàn toàn ở Việt Nam. Theo ông Hòa, một tiến sĩ ở Mỹ có thể mất 2-5 năm để xin được công việc giáo sư, thậm chí 10 năm. Với tiến sĩ được đào tạo hoàn toàn ở Việt Nam, việc này không dễ do rào cản về ngôn ngữ, trình độ nghiên cứu, kinh nghiệm giảng dạy. "Đội ngũ tiến sĩ ở Mỹ rất đông nên các trường thường không tuyển từ ngoài Mỹ", phó giáo sư Đại học Troy chia sẻ.

Anh Thuấn nói những năm tháng học trường chuyên của tỉnh Phú Yên đã rèn cho anh ý chí và nghị lực. Trong môi trường cạnh tranh quốc tế, sự chăm chỉ chưa đủ mà phải đủ giỏi để trở nên nổi bật, ứng viên phải biết tự học. "Mỗi quốc gia có văn hóa xin việc khác nhau, bạn nên tìm hiểu các quy trình, tiêu chí đánh giá và lắng nghe những người đi trước để có sự tích lũy đầy đủ và chuẩn bị tốt nhất", anh Thuấn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.

(Nguồn: Vnexpress)

CÔ GIÁO DẠY TIẾNG VIỆT TRÊN ĐẢO JEJU

Lê Ngọc Uyên Sa đứng trước lớp, bắt đầu kể cho học sinh Hàn Quốc về sự tích hồ Hoàn Kiếm. Các học đều tròn mắt, hào hứng trước câu chuyện của cô giáo.

Uyên Sa (sinh năm 1996) hiện tại đang là giáo viên dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, trực thuộc Sở Giáo dục tỉnh Jeju, Hàn Quốc.

Trước khi trở thành giáo viên tại xứ sở kim chi, cô gái gốc Huế từng là thông dịch viên cho một công ty Hàn Quốc có trụ sở tại TPHCM. Làm công việc văn phòng được 3 năm, cô cảm thấy muốn xê dịch. Vậy nên khi đọc được thông tin tuyển dụng của Sở Giáo dục tỉnh Jeju vào đầu năm 2022, cô lập tức nộp đơn ứng tuyển.

“Dù công việc đang ổn định, mức lương cũng đáng mơ ước, song mình nghĩ rằng nếu như khi còn trẻ mà không dám thử những thứ mới mẻ thì sau này sẽ hối tiếc. Cơ hội thường chỉ đến một lần, nên khi thấy cơ hội thì phải cố gắng nắm bắt”, Uyên Sa nói.

Trong tin tuyển dụng, Sở Giáo dục tỉnh Jeju đặt ra một số tiêu chí về trình độ học vấn. Uyên Sa tự tin vì đã sở hữu TOPIK cấp 6 - cấp cao nhất trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn. Ngoài ra, cô cũng từng đạt giải Bạc cuộc thi Hùng biện tiếng Hàn toàn quốc do Quỹ học bổng Kumho Asiana tổ chức vào năm 2016, từng nhận học bổng du học toàn phần khóa tiếng Hàn cao cấp tại đại học Kyunghee (Seoul) và tốt nghiệp đại học loại giỏi.

Thế nhưng trong quá trình phỏng vấn, Uyên Sa nhận ra ngoài kiến thức chuyên ngành, Sở Giáo dục tỉnh Jeju cũng đòi hỏi ứng viên phải có kỹ năng hòa nhập (vì sẽ phải sống và làm việc trong môi trường đa văn hóa), kỹ năng thích ứng,...

Sau khi vượt qua vòng hồ sơ và vòng phỏng vấn, cô được ký hợp đồng với Sở Giáo dục tỉnh Jeju.

May mắn từng có cơ hội du học Hàn Quốc, nên thời gian đầu, cô không gặp nhiều khó khăn để thích ứng với cuộc sống ở đây. Thêm vào đó, cô cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở và các giáo viên người bản xứ.

Trong học kỳ 1 năm học 2022-2023, Uyên Sa dạy học cho học sinh 13 trường cấp 2 trên đảo và học kỳ 2 là 7 trường. Có trường sẽ có cả 1 học kỳ học môn tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, nhưng cũng có trường chỉ có 1-3 tiết ngoại khóa văn hóa, nên thời gian biểu của cô thay đổi khá linh hoạt.

Một tiết học thường kéo dài 45 phút, trong đó 30 phút đầu Uyên Sa dành ra để nói về một chủ đề văn hóa của người Việt Nam (ẩm thực, trang phục,...), 15 phút còn lại học sinh sẽ được dạy một số từ vựng và câu đơn giản liên quan đến chủ đề đó.

“Truyền thuyết của Việt Nam là một trong những nội dung mà các em học sinh luôn hào hứng khi học”, nữ giáo viên nói.

Học sinh của Uyên Sa chủ yếu là người Hàn. Tuy nhiên, cũng có không ít các em học sinh là con lai, trong đó có cả con lai Hàn-Việt. Do dạy tại nhiều trường, với những học sinh có trình độ và tính cách khác biệt, nên Uyên Sa luôn phải tìm cách để truyền đạt kiến thức với từng đối tượng học sinh cụ thể, để từ đó có thể đạt hiệu quả cao nhất trong bài dạy của mình.

Một kỷ niệm khiến cô gái gốc Huế cảm động là vào ngày nhà giáo Hàn Quốc 15.5. Khi đó, các học sinh tự tay làm ra một bằng khen với dòng chữ “Nhờ có cô mà chúng em yêu thích tiếng Việt hơn”.

Uyên Sa luôn tự nhủ với bản thân rằng, dù phải dạy đi dạy lại cùng một nội dung nhưng phải luôn cố gắng để tiết dạy của mình luôn mới mẻ hào hứng. Bởi với các học sinh thì nội dung trong mỗi tiết đều là lần đầu tiên các em được tiếp xúc.

Nữ giáo viên dự định sẽ gắn bó với nghề giáo viên trên đảo Jeju trong khoảng 1-2 năm tới. “Hiện tại mình đang rất hạnh phúc với công việc này”, Uyên Sa nói.

Cô Yoon Minji - giáo viên trường Daejung Middle School - nhận xét Uyên Sa là người có tính cách vui vẻ, luôn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.

"Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam và cũng đã từng sang Việt Nam du lịch. Vì vậy mỗi lần đi ăn trưa cùng Uyên Sa, tôi thường hỏi về văn hóa Việt Nam. Nhờ Uyên Sa mà tôi càng yêu thích Việt Nam hơn và có thể dùng tiếng Việt để trò chuyện với các học sinh trong trường", cô Yoon Minji nói.

(Nguồn: Lao Động)

THÔNG BÁO SỐ 2 VỀ CHƯƠNG TRÌNH XUÂN QUÊ HƯƠNG 2023

(Ảnh minh hoạ).

Tiếp theo Thông báo số 1, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trân trọng thông tin chi tiết về chương trình Xuân Quê hương 2023 dành cho người Việt Nam ở nước ngoài như sau:

Thời gian: Ngày 13-14/01/2023 (tức ngày 22-23 tháng Chạp năm Nhâm Dần).

Địa điểm: Tại thành phố Hà Nội

Một số hoạt động chính:

Đoàn kiều bào tiêu biểu hoạt động từ ngày 13/01/2022 đến hết ngày 14/01/2023. Các hoạt động chính:

Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ;

Tham dự Lễ dâng hương và thả cá chép truyền thống tại Hoàng Thành Thăng Long do Chủ tịch nước chủ trì;

Gặp mặt Thủ tướng Chính phủ;

Gặp mặt Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Tham dự tọa đàm với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội về chính sách pháp luật với kiều bào;

Giao lưu với Đài Tiếng nói Việt Nam;

Tham dự Lễ khai mạc Hội chợ Xuân “Happy Tết 2023”.

Kiều bào đã đăng ký với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham dự các chương trình sau:

- Chương trình Liên hoan ẩm thực Việt:

+ Thời gian: Từ 18h00 đến 19h30, ngày 14/01/2023 (Đề nghị bà con đến từ 16h45 để kiểm tra an ninh)

+ Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Số 1 Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội

- Chủ tịch nước chúc Tết kiều bào và Chương trình Giao lưu nghệ thuật chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”:

+ Thời gian: Từ 20h00 đến 22h00, ngày 14/01/2023 (Đề nghị bà con đến từ 19h00 để kiểm tra an ninh)

+ Địa điểm: Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Số 1 Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Ban Tổ chức xin trân trọng thông báo và kính mời đồng bào ta đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài và kiều bào đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao – 32 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội - để nhận Giấy mời vào khung thời gian sau:

+ Ngày 09-13/01/2023: buổi sáng từ 09h00 đến 11h30; buổi chiều từ 14h30 đến 17h30.

+ Ngày 14/01/2023: từ 09h00 đến 12h00.

Khi đến nhận Giấy mời, đề nghị kiều bào mang theo đầy đủ các giấy tờ sau để Ban tổ chức đối chiếu xác nhận:

+ Hộ chiếu/Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (bản gốc) đã đăng ký với Ban tổ chức;

+ Thẻ cư trú tại nước ngoài hoặc giấy tờ chứng minh cư trú tại nước ngoài có thông tin trùng với Hộ chiếu/CMND/CCCD đã đăng ký;

+ Email thông báo về việc nhận Giấy mời của Ban tổ chức.

Một số lưu ý:

- Chương trình giao lưu nghệ thuật có sự tham dự của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngoài ra, chương trình sẽ được đồng phát sóng trên các nền tảng hạ tầng số của Đài Truyền hình Việt Nam như TV Online (https://vtv.vn/truyen-hinh-truc-tuyen.htm), VTV Go (https://vtvgo.vn/trang-chu.html hoặc ứng dụng cho điện thoại di động).

- Liên hệ: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

+ Địa chỉ: số 32 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội;

+ Điện thoại: (84-4) 28244400; Fax: (84-4) 38257732;

Ban Tổ chức xin trân trọng thông báo.

(Nguồn: Quê Hương Online)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Đón tết ở Singapore; Điểm đến tâm linh ở Lào; Làm MC Hoa hậu hoàn vũ; Sưu tập nước hoa ở Đức ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang