Người Việt hải ngoại: Giải bóng đá ở Moscow; Cô gái Thụy Điển tìm mẹ; Tủ sách trong nhà hàng; 1 người bị đâm ở Shizuoka

Ấn tượng giải bóng đá cộng đồng người Việt tại Nga -“Lão tướng Moscow hè 2023”

(Ảnh minh họa).

Hướng tới kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023), chiều 15/5, tại thủ đô Moscow đã diễn ra lễ khai mạc giải bóng đá Lão tướng Moscow hè 2023 của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.

Tham dự lễ khai mạc giải bóng đá Lão tướng Moscow hè 2023 có sự hiện diện của ông Lê Quang Anh - Tham tán công sứ, Trưởng Ban công tác cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; ông Vương Đắc Thắng, Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại Liên bang Nga; ông Trần Phú Thuận - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Nga - Trưởng Ban Tổ chức giải, cùng đại diện các Hội đồng hương, hội nghề nghiệp và đông đảo bà con trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga.

Lễ khai mạc giải đã diễn ra trang trọng với nghi thức chào cờ, diễu hành của các đội bóng. Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Quang Anh, Tham tán công sứ, Trưởng Ban công tác cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Nga đánh giá đây là giải đấu rất có ý nghĩa, tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu bóng đá không còn ở đỉnh cao phong độ, song vẫn mang trong mình tình yêu say mê với môn thể thao vua. Trưởng Ban công tác cộng đồng Lê Quang Anh nhấn mạnh, giải đấu góp phần duy trì, phát triển phong trào thể thao trong cộng đồng người Việt, qua đó tăng cường tinh thần đoàn kết giữa những người xa quê.

Về phần mình, ông Trần Phú Thuận - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Nga - Trưởng Ban Tổ chức giải cho biết, đây là lần thứ hai tổ chức giải lão tướng Moscow, tuy nhiên giải vẫn có sức hút đặc biệt vì mỗi cầu thủ là một sứ giả truyền cảm hứng về tinh thần yêu thể thao, lan tỏa tình yêu bóng đá và tình yêu thể thao trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga. Mặc dù các cầu thủ tham gia giải không còn trẻ, song vẫn luyện tập hăng say và thi đấu hết mình.

Ông Thuận khẳng định, đây là những cầu thủ đã đặt nền móng cho bóng đá cộng đồng người Việt tại Nga trong 20 năm qua. Trưởng Ban tổ chức giải Trần Phú Thuận nhấn mạnh, mục đích của giải là để mọi người giao lưu, hiểu biết lẫn nhau, tạo sân chơi để phát triển phong trào bóng đá nói riêng và thể dục thể thao nói chung trong cộng đồng người Việt tại Nga.

Tham gia giải bóng đá lão tướng Moscow hè 2023 có 8 đội với 200 cầu thủ, gồm FC Phương Đông, FC Anh em Moscow, FC Sông La Hà Tĩnh, FC Victoria, FC Sostra, FC Incentra, FC Hải Dương Moscow và FC Thái Bình.

Anh Trần Minh Thái, sinh năm 1970, người nhiều tuổi nhất tham gia giải bóng đá năm nay cho biết, giải đấu nhằm nêu cao tinh thần thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, cũng như gắn kết tính cộng đồng trong bà con người Việt làm ăn xa xứ ở Nga.

Sau lễ khai mạc đã diễn ra hai trận đấu rất hấp dẫn, gay cấn, với nhiều pha bóng đẹp giữa đội FC Anh em Moscow và FC Phương Đông, FC Sostra và FC Incentra, thu hút đông đảo khán giả cổ vũ, tạo nên ngày hội bóng đá của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga./.

(Nguồn: VOV)

Hành trình tìm mẹ của cô gái Thụy Điển gốc Việt

Nhờ sự giúp sức của những người bạn và cộng đồng mạng mà Denise Sandquist, cô gái Thụy Điển gốc Việt đã tìm được nguồn cội của mình. Cô đã chọn ở lại Việt Nam để làm việc, cống hiến như một cách để cảm ơn.

Năm 1991, khi mới được 1 tháng tuổi, Denise Sandquist được một gia đình người Thụy Điển nhận làm con nuôi. Lớn lên ở nước ngoài, cô được cha mẹ nuôi chăm sóc, đối xử rất tốt. Tuy nhiên, trong tâm trí của cô lúc nào cũng mong tìm được cha mẹ ruột của mình. Cô nghĩ, cha mẹ vì khó khăn nên mới để mình ra đi, nên cô muốn tìm lại họ để giúp đỡ về vật chất nếu họ thật sự khó khăn.

Trong thời gian ở Thụy Điển, Denise có người bạn hàng xóm rất thân là Mai Vũ. 2 cô bé gốc Việt học tập và lớn lên cùng nhau nên Mai Vũ hiểu rất rõ quyết tâm tìm lại cha mẹ ruột của Denise. Mai Vũ đã động viên và cũng là người phiên dịch tiếng Việt cho bạn mình trong hành trình tìm mẹ từ những manh mối nhỏ nhoi cóp nhặt được theo tháng ngày.

Năm 2013, 22 tuổi, Denise quyết định trở về Việt Nam để tìm cha mẹ ruột. Cô chọn TPHCM làm điểm đến đầu tiên, và manh mối rõ ràng nhất mà cô có là tờ khai sinh cũ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội do cha mẹ nuôi đưa cho. Theo giấy khai sinh, cô biết tên, tuổi mẹ ruột của mình ở Hà Sơn Bình. Và theo lời kể của ba mẹ nuôi, mẹ cô từng là sinh viên ngành tài chính ở Hà Nội.

Denise tìm đến bệnh viện nơi mình sinh ra nhưng không có manh mối nào còn sót lại. Không bỏ cuộc, năm 2016 cô về Việt Nam làm việc và mở rộng việc tìm kiếm ra nhiều tỉnh/thành. Bất ngờ, cô nhận được sự giúp đỡ, đồng hành của nhiều người, trong đó có bạn Phùng Diệu Anh - người bạn tại công ty.

Diệu Anh nhớ lại: “Tôi thường xuyên làm việc với Denise trong nhóm tiếp thị. Cô ấy thường cởi mở nói chuyện của mình, chuyện cô ấy trở lại Việt Nam là để tìm mẹ đẻ. Tôi nghĩ, hay mình thử giúp cô ấy đọc các tài liệu tiếng Việt hoặc nói chuyện với bất kỳ ai có manh mối ở Việt Nam về mẹ cô ấy”. Bạn bè của Denise và Diệu Anh đã khuyên 2 bạn dùng Facebook để lan tỏa câu chuyện. Thế là chuyện của Denise và những thông tin rời rạc đã được đưa lên Facebook.

Diệu Anh cho biết, lúc đầu cô cũng không chắc có thể giúp được Denise vì mọi thứ quá mông lung và đã diễn ra từ 25-26 năm về trước, bệnh viện cũng không còn lưu đầy đủ hồ sơ. Vả lại, không biết cha mẹ Denise đang ở đâu, có mở lòng khi gặp lại con mình? Tuy nhiên, Diệu Anh vẫn động viên Denise và cùng đồng hành trong suốt chặng đường.

Mẩu tin tìm mẹ của Denise được bạn bè của 2 cô chia sẻ. Sau đó, câu chuyện cảm động đã được cộng đồng mạng Việt Nam hưởng ứng, chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Nhiều người đã liên hệ với Denise để cung cấp manh mối và động viên cô.

Thế rồi, mẹ ruột của Denise cũng đọc được thông tin về một cô gái Việt kiều tìm mẹ, cô gái ấy lại có nét hao hao giống bà, và đặc biệt là tên mẹ của cô gái lại trùng tên với bà. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định gọi điện cho Denise và đặt vé máy bay vào TPHCM gặp cô. Do rào cản ngôn ngữ nên 2 bên không giao tiếp được nhiều, nhưng như có sợi dây liên kết, nước mắt của cả hai cứ tuôn ra…

Hiện tại, 2 mẹ con Denise đang tiếp tục hành trình tìm cha ruột của cô mặc dù thông tin về ông rất ít. Denise cho biết, cô mới trở lại Việt Nam từ Thụy Điển. Chính những vòng tay kết nối cộng đồng trong hành trình tìm mẹ đã giúp cô thêm yêu đất nước Việt Nam. Denise muốn làm điều gì đó để cảm ơn mọi người nên đã tiếp tục sống và làm việc ở quê mẹ. Đầu năm 2023, Denise khoe mình đã lấy lại được quốc tịch Việt Nam và cô đã được đứng tên doanh nghiệp Fika, một sân chơi kết nối cộng đồng từ Việt Nam ra thế giới.

(Nguồn: Phụ Nữ Online)

Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt - Đưa sách Việt tới gần độc giả

(Ảnh minh họa).

Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước-con người-lịch sử... của Việt Nam ngay tại nước ngoài.

Chiều 14/5, tại nhà hàng Phở Sure ở thành phố Ostende của Bỉ, kênh Việt Happiness Station khởi động dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài.”

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đây là nhà hàng Việt đầu tiên ở Bỉ và ở nước ngoài triển khai dự án này.

Chị Kiều Bích Hương, người phụ trách kênh Việt Happiness Station, cho biết đây là dự án mà chị và các cộng sự đã ấp ủ từ lâu bởi nhận thấy cần có thêm cách thức giới thiệu văn hóa Việt cũng như văn học Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người bản xứ một cách gần gũi, dễ tiếp cận hơn.

Không chỉ thông qua các hội chợ sách, thư viện, hay sự kiện giới thiệu sách- tọa đàm- giao lưu, mà sách Việt và văn học Việt cần được đặt thêm trong các không gian dễ "chạm tay" và thoải mái "mở ra" đọc hơn trong khi chờ gọi món Việt: đó là các nhà hàng Việt ở nước ngoài.

CHẠM và MỞ là phương châm mang sách đến với nhiều độc giả hơn của Kênh Việt Happiness Station- Trạm hạnh phúc- Chạm cảm xúc!

Có một góc sách Việt hay tủ sách Việt song ngữ trong nhà hàng cũng là niềm tự hào để các chủ quán người Việt giới thiệu cho khách về đất nước-con người-lịch sử-văn hóa- du lịch-nghệ thuật-ẩm thực... của Việt Nam ngay tại nước ngoài.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bỉ, chị Phương Mai, chủ nhà hàng Phở Sure cho biết chị có 3 con mang hai dòng máu Việt-Bỉ và tuần nào các cháu cũng đi thư viện tìm sách để đọc. Nhưng thư viện của thành phố chỉ có vài cuốn về Việt Nam và đều là những cuốn sách không phù hợp với thiếu nhi.

Thỉnh thoảng, có chị Việt kiều cũng sinh sống ở thành phố Ostende về Việt Nam công tác và khi sang đều mang theo một vài cuốn sách tặng cho các con của chị khiến các cháu rất thích.

Chị Mai cho rằng văn hóa đọc sách của người Pháp và người Bỉ rất phổ biến, vợ chồng chị lại có một nhà hàng và đây sẽ là một không gian đầm ấm cho mọi người vừa thưởng thức đồ ăn Việt vừa được đọc những cuốn sách Việt.

Khách đến nhà hàng không chỉ thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Việt Nam mà còn hiểu được tâm hồn của người Việt.

Tại sự kiện ra mắt “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài” lần đầu tiên ở Ostende này, có sự tham dự của nhà văn Kiều Bích Hậu nhân dịp chị có chuyến công tác châu Âu dự các hội thảo văn học quốc tế tại Romania và Italy.

Nhà văn Kiều Bích Hậu đánh giá cao sáng kiến “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài” bởi vì theo chị, sách Việt hiện có phần "đuối" so với các phương tiện giải trí khác.

Việc đưa sách Việt đến với các nhà hàng Việt như một sự mới lạ. Trong cảm xúc nào đó, sách có thể chia sẻ, giúp cho tinh thần của con người được giải phóng, được cảm thấy thỏa mãn hơn, và có thể tìm thấy con đường đi của chính mình.

"Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt" chính là bước khởi đầu để triển khai các tủ sách tương tự ở các nhà hàng khác tại các quốc gia khác nhau.

Nhà văn Kiều Bích Hậu hứa khi trở về Việt Nam sẽ chia sẻ điều này với các nhà văn Việt Nam và với Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam để có một đường hướng dài hơn hỗ trợ cho dự án và kêu gọi các mạnh thường quân khác nữa cùng chung tay mở rộng tủ sách Việt Nam ở nước ngoài.

Nhân dịp này, nhà văn Kiều Bích Hậu đã giới thiệu các tác phẩm văn học song ngữ do nhóm Nữ dịch giả Hà Nội (Nhóm Hồng Hà nữ sỹ) tổ chức dịch và xuất bản ở nước ngoài từ 2019 tới nay.

Nhà thơ Như Quỳnh de Prelle, hiện sinh sống tại thủ đô Brussels, xúc động khi được đóng góp những cuốn sách của chính mình cho “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài."

Sinh sống ở Brussels từ hơn 10 năm nay, chị Như Quỳnh luôn đau đáu với tiếng Việt, sách Việt. Chị luôn mong muốn thể hiện cho các độc giả Bỉ thấy sự "giàu có" của văn học Việt Nam và lan tỏa nhiều hơn nữa sách Việt ở nước ngoài.

Về phần mình, anh Ronald Clercx, một khách hàng người Bỉ quen thuộc của nhà hàng Phở Sure, rất vui khi thấy một tủ sách văn học Việt Nam tại nơi này.

Anh cho rằng những cuốn sách văn học, đặc biệt những cuốn song ngữ sẽ giúp cho khách hàng hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam mà họ rất có tình cảm, đặc biệt qua ẩm thực Việt.

Anh cũng vừa có chuyến du lịch tại Việt Nam và cho biết anh rất ấn tượng và yêu quý đất nước hình chữ S, nơi có nhiều phong cảnh đẹp và con người hiếu khách.

Qua dự án “Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài," kênh Việt Happiness Station mong muốn sẽ cùng các nhà hàng trở thành sứ giả, cầu nối đưa sách Việt, đặc biệt là sách Việt song ngữ đến với nhiều người đọc hơn ở nước ngoài.

(Nguồn: VietnamPlus)

Một người Việt tại Shizuoka bị thương được đưa đi cấp cứu

Tối ngày 13 tháng 5 (thứ 7 vừa qua), có tin một nam giới quốc tịch Việt Nam bị thương ở thành phố Izunokuni, tỉnh Shizuoka. Trên cơ thể của người này có một vết đâm ở vùng lưng và cảnh sát Nhật Bản đang tiến hành điều tra.

Vào khoảng 10:30 tối ngày 13, Sở cứu hỏa Nhật được thông báo rằng một người bị thương ở Kitaema, thành phố Izunokuni. Theo sở cứu hỏa, người bị thương là một nam giới, quốc tịch Việt Nam ở độ tuổi 20 đã được đưa đến bệnh viện, trong tình trạng còn tỉnh táo.

Theo các nguồn tin, người nam giới này có một vết thương rộng 3cm trên lưng giống như bị đâm bằng dao. Ngoài ra, có nhiều vết cắt khác trên cơ thể. Khi cảnh sát đến nơi, người nam giới này đang được chăm sóc bởi một số người quen cũng đến từ Việt Nam khác.

Cảnh sát đang tiến hành điều tra vụ việc.

Phải chăng đây lại là một vụ đụng độ giữa người Việt với nhau tại đất Nhật? LocoBee sẽ cập nhật khi có những thông tin chính thức từ cảnh sát.

(Nguồn: LocoBee)

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang