- Thời sự
- Người Việt hải ngoại
Ngày 27/10, FAVIJA CHARITY CUP 2024 - giải bóng đá từ thiện phát động quyên góp ủng hộ quỹ xây dựng chùa Đại Ân, địa điểm sinh hoạt tâm linh của người Việt giữa lòng thủ đô Tokyo, đã được tổ chức tại sân vận động Redsland, TP. Saitama, Nhật Bản.
Tham gia thi đấu có 24 đội bóng là những cầu thủ không chuyên của người Việt, người Nhật gốc Việt... đang học tập, lao động và sinh sống tại xứ sở Mặt Trời mọc.
Giải đấu được tổ chức bởi Tổ chức Giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản (FAVIJA) dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Giải thi đấu bóng đá lần này không chỉ là một sân chơi thể thao lành mạnh rèn luyện sức khoẻ mà còn là cơ hội để các bạn trẻ người Việt xa quê có cơ hội gặp gỡ giao lưu với nhau, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn ở nơi đất khách quê người.
Ông Đỗ Quang Ba - Chủ tịch FAVIJA, cho biết: "Thông qua giải đấu, Ban tổ chức muốn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay góp sức vào dự án xây dựng ngôi tam bảo của người Việt thực hiện được các giá trị: tâm linh, đạo đức, giáo dục, hướng thiện.
Bởi ngôi chùa là một biểu tượng thiêng liêng ngấm sâu vào lòng dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa cho dù ở bất cứ nơi đâu, trở thành nơi đào tạo con người có được đời sống tâm linh phong phú mà trên hết là chất liệu văn hoá tình người".
Đến tham dự, cổ vũ và phát biểu tại lễ trao giải, ông Vũ Tiến Hân - Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, khẳng định: "Giải đấu mang lại những giá trị nhân đạo và nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng thời để lại những hình ảnh tốt đẹp về người Việt Nam trong mắt người dân bản địa".
Kết thúc một ngày thi đấu sôi nổi và kịch tính, cup vô địch đã thuộc về FC Real Tobama, Á quân là FC Nippon Travel, hai đội đồng giải Ba là FC ISC và FC Kizuna.
Ban tổ chức cũng trao các giải cá nhân cho cầu thủ Pablo Miura thuộc FC ISC danh hiệu vua phá lưới, cầu thủ Lường Hữu Tuất danh hiệu thủ môn xuất sắc và cầu thủ Daisuke Yuzawa đoạt danh hiệu cầu thủ xuất sắc đều thuộc FC Real Tobama.
Ông Đỗ Quang Ba cũng đại diện Ban tổ chức, đã trao số tiền quyên góp được qua giải đấu là 520.000 Yên (khoảng gần 100 triệu đồng) cho ni sư Thích Tâm Trí - Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, trụ trì chùa Đại Ân Tokyo.
Bốn đội bóng có thành tích tốt nhất đồng thời cũng giành tấm vé tham dự đại hội bóng đá tranh cup vô địch toàn quốc người Việt tại Nhật Bản được tổ chức vào cuối tháng 11 tới, tại thủ đô Tokyo.
Giải bóng đá Thanh Niên Việt Nam tại Lào là nơi vận động nguồn lực hỗ trợ cho các trẻ em khiếm thính, khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn ở nước sở tại.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 27/10, tại Trung tâm thể thao Champahak ở thủ đô Vientiane đã diễn ra Lễ bế mạc giải Bóng đá Thanh niên Việt Nam tại Lào lần thứ X tranh Vientiane Cup 2024.
Tham dự Lễ bế mạc có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, đại diện Hội người Việt Nam ở thủ đô Vientiane, đại diện Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, đại diện hai Trung tâm bảo trợ trẻ em khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật thủ đô Vientiane cùng đông đảo các cầu thủ và các cổ động viên của 7 đội bóng.
Phát biểu tại lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Thuận, Tham tán, Thường trực Ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết Giải bóng đá Thanh niên Việt Nam tại Lào lần thứ X đã khép lại với những dấu ấn đậm nét về tinh thần rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe, đoàn kết, cao thượng của các cầu thủ và các đội bóng.
Bà tin tưởng rằng giải đấu này sẽ được tiếp tục duy trì và tổ chức thành công hơn nữa ở những mùa giải năm sau.
Bà Nguyễn Thị Thuận cũng bày tỏ sự cảm ơn tới các nhà tài trợ và đánh giá cao việc ban tổ chức đã trao những phần quà từ thiện cho đại diện hai Trung tâm bảo trợ trẻ em khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật thủ đô Vientiane, thể hiện hành động hết sức quý báu, tinh thần tương thân thương ái, lá lành đùm lá rách của cộng đồng người Việt Nam dành cho trẻ em khuyết tật tại Lào.
Trước khi diễn ra lễ bế mạc, đã diễn ra các trận đấu tranh giải nhì, ba và tranh ngôi vô địch. Mặc dù thời tiết có ảnh hưởng đến chất lượng các trận đấu, song trên sân bóng các cầu thủ đã cống hiến cho khán giả nhiều pha bóng hay, đầy kịch tính và hấp dẫn có chuyên môn cao so với các giải năm trước.
Các cầu thủ không chỉ thể hiện những kỹ năng chơi bóng điêu luyện mà còn tạo ra nhiều pha bóng đẹp mắt cho khán giả và người hâm mộ.
Giải đấu chắc hẳn đã để lại trong lòng mỗi cầu thủ và khán giả nhiều cảm xúc, những niềm vui, những nỗi buồn và hơn hết đó là những kỉ niệm khó quên trong mùa bóng lần thứ X này.
Chung cuộc, đội FC Hà Tĩnh giành chiến thắng trước đội FC Hướng Việt với tỷ số 4-0 và giành chức vô địch.
Ban Tổ chức đã trao Cup vô địch, huy chương vàng cho đội FC Hà Tĩnh, giải nhì cho FC Hướng Việt và giải ba cho FC Thanh Hóa.
Giải bóng đá Thanh Niên Việt Nam tại Lào được khởi tranh từ ngày 5-27/10, với sự tham gia của 7 đội đến từ các nhóm, các câu lạc bộ người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Lào.
Đây là hoạt động thường niên có ý nghĩa và đã tạo tiếng vang trong cộng đồng, Giải bóng đá này trong 10 năm qua là một phần không thể thiếu trong các hoạt động thể dục thể thao của người Việt Nam, đồng thời cũng là nơi vận động nguồn lực hỗ trợ cho các trẻ em khiếm thính, khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn ở nước sở tại.
Kết thúc buổi lễ, Đại diện Ban Tổ chức và đại diện các đội bóng cũng đã trao những phần quà cho đại diện của hai Trung tâm bảo trợ trẻ em khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật... thủ đô Vientiane.
Cuộc bầu cử Mỹ đã đến gần. Trong sân khấu chính trị khổng lồ ấy, lá phiếu của người Việt có ý nghĩa gì?
Nước Mỹ có 50 tiểu bang, nhưng trong vài tháng qua hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris chỉ quan tâm đi vận động nhiều nơi tại bảy tiểu bang.
Đây là những bang chiến địa, nghiêng ngả hay dao động (tiếng Mỹ là battle ground state hay swing state), là những nơi mà kết quả bầu cử tổng thống trong những lần trước giữa hai ứng viên Cộng hòa và Dân chủ đạt số phiếu sít sao, chỉ hơn kém nhau chừng 1% hay vài chục ngàn trong số nhiều triệu phiếu bầu.
Các chiến trường trọng điểm
Các bang dao động và số phiếu đại cử tri (electoral vote) của từng bang gồm: Pennsylvania (19), Georgia (16), Michigan (15), North Carolina (16), Wisconsin (10), Arizona (11) và Nevada (6). Tổng cộng tất cả 93 phiếu đại cử tri trong số 538 phiếu của đại cử tri đoàn (electoral college).
Đại cử tri đoàn là bộ phận sẽ bầu tổng thống vào thời điểm hai tuần trước khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Ứng viên nào được 270 phiếu đại cử tri sẽ là người thắng cử.
Số đại cử tri của mỗi tiểu bang tương đương với số dân biểu và nghị sĩ từ tiểu bang đó trong Quốc hội Hoa Kỳ. Pennsylvania với 19 phiếu đại cử tri, có nghĩa là bang này hiện có 17 dân biểu và 2 nghị sĩ trong Quốc hội. California có 52 dân biểu và 2 nghị sĩ vì thế có số đại cử tri là 54.
Kết quả bầu cử ở mỗi tiểu bang, ứng viên tổng thống nào được đa số phiếu thì sẽ được toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Có hai bang áp dụng cách tính khác, đó là Maine và Nebraska: mỗi ứng viên thắng một khu vực bầu cử (congressional district) sẽ được 1 phiếu đại cử tri; ứng viên thắng phiếu phổ thông toàn bang sẽ nhận được 2 phiếu đại cử tri nữa.
Hai ứng viên Trump và Harris không quan tâm đến các nơi khác vì nhiều tiểu bang đã có truyền thống theo Dân chủ hoặc Cộng hòa trong quá khứ.
California, New York, Illinois, Washington là những tiểu bang xanh và chắc chắn Harris sẽ thắng ở đó. Texas, Florida, Mississippi, Missouri là bang đỏ, đa số cử tri sẽ chọn Trump.
Với 2,3 triệu người Việt tại Hoa Kỳ, một nửa có đủ điều kiện tham gia bầu chọn, vậy lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng đến việc chọn tổng thống hay không?
Câu trả lời là có. Nhưng không phải những lá phiếu từ tiểu bang California nơi có đông người Việt nhất. Trong nhiều kỳ bầu tổng thống trước đây, đa số cử tri California đã chọn tổng thống Dân chủ nên lá phiếu của người Việt ở đây không thể làm thay đổi kết quả bầu chọn tổng thống.
Nhưng ở tiểu bang Georgia nơi đang có tranh đua gay gắt giữa Trump và Harris, lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng hơn. Tại đây, trong cuộc bầu cử năm 2020, Biden được 2.473.633 phiếu (49,50%) và Trump được 2.461.854 phiếu (49,26%), chỉ thua Biden 11.779 phiếu.
Ở đây đã có người gốc Việt tham gia chính trường là Dân biểu tiểu bang Bee Nguyễn, một người theo Đảng Dân chủ, phục vụ trong cơ quan lập pháp Georgia từ năm 2017 đến 2023. Năm 2022, bà ra tranh cử chức vụ Bộ trưởng Hành chánh tiểu bang (Secretary of State) nhưng không thành công.
Theo số liệu từ Apiavote.org, hiện có 64.547 người gốc Việt ở tiểu bang này, 47% đủ điều kiện tham gia bầu cử. Như thế, cộng đồng Việt có 30.337 lá phiếu và họ có thể giúp Harris đạt đa số phiếu, hay giúp Trump lật ngược thế cờ của 4 năm trước để có 16 phiếu đại cử tri của Georgia trong ngày bầu cử sắp tới.
Với công dân Hoa Kỳ, việc chọn đảng để ủng hộ cũng có nhiều thay đổi theo thời gian vì việc đăng ký chỉ đơn giản với một tờ giấy tự mình điền vào, ký tên và gửi đến văn phòng bầu cử của quận. Cũng có thể đăng ký vào đảng khi đi thi hoặc đổi bằng lái xe. Không phải qua quá trình tìm hiểu, học cảm tình đảng hay tuyên thệ tuyệt đối trung thành, không sinh hoạt đoàn, đảng. Nay theo đảng này, mai đổi đảng khác hay muốn làm cử tri độc lập cũng chẳng sao.
Cho dù đăng ký theo một đảng nào thì đến ngày tổng tuyển cử mọi cử tri sẽ được quyền bầu chọn theo ý nguyện của mình.
Tạp chí Forbes ngày 12/1/2024 đưa thông tin từ một khảo sát năm 2023 với 12.000 người Mỹ trưởng thành trên toàn quốc, 27% xác định họ là Dân chủ, 27% là Cộng hòa và 43% tự xem là cử tri độc lập.
Tranh luận trong mùa bầu cử thường thấy những đảng viên trung kiên của một đảng hết lòng bênh vực chủ trương của đảng mà họ đã chọn. Có người còn cường điệu, hung hăng chửi người không đồng ý với mình là ngu dốt. Trên 95% những người trung kiên sẽ bầu cho ứng viên của đảng họ đã chọn.
Elon Musk ủng hộ Trump, họ kêu gọi không mua xe Tesla. Taylor Swift ủng hộ Harris, họ kêu gọi tẩy chay không đi nghe nhạc, mua sản phẩm của ca sĩ này. Những cử tri này thường bầu chọn tất cả ứng cử viên của đảng mình có trên lá phiếu.
Kết quả bầu cử năm 2020 với 51% chọn Biden, 47% chọn Trump cho thấy nhiều cử tri vẫn chọn đảng và chính sách và bỏ qua cá tính thô lỗ, ăn nói bỗ bã, cách đối phó với Covid-19 trong bốn năm Donald Trump làm tổng thống.
Hiện tại, chọn lựa của cử tri tại 7 tiểu bang dao động qua thăm dò của Washington Post và Schar School thực hiện từ 30/9 đến 15/10 cũng cho thấy điều đó:
Theo mạng 270towin.com, nơi tổng hợp các số liệu thăm dò, bình quân của 15 kết quả khảo sát cử tri trên toàn nước Mỹ, tính đến ngày 23/10 thì Harris được 48,9% và Trump 47,5%.
Người Việt chạy đua
Chọn ai làm lãnh đạo nước Mỹ trong bốn năm tới cũng là phân vân của cử tri gốc Việt. Ở San Jose, cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao Chỉ, Giám đốc Bảo tàng Thuyền nhân – Việt Nam Cộng hòa, tâm tình với bạn bè rằng ông muốn phụ nữ gốc Phi-Á làm nên lịch sử:
“Hoa Kỳ là đất nước tiên phong của dân chủ, trải qua bao sóng gió, cũng chỉ tìm được hai người. Dân sẽ chọn một trong hai. Hình tượng rõ ràng: Nửa nước chọn bên này, nửa nước chọn bên kia. Bạn chọn đàn ông, tôi chọn đàn bà. Đâu có gì sai.”
Trong khi đó, ông Hoàng Thưởng, Tổng Thư ký Lực lượng Sĩ quan Thủ Đức – Bắc California, có lựa chọn khác: “Tôi chọn ông Trump, Make America Great Again, vì ông đã có kinh nghiệm làm tổng thống 4 năm.”
Không chỉ bầu chọn tổng thống Hoa Kỳ với những khác biệt về quan điểm mà ngay cả những cuộc bầu cử địa phương, hai nhân vật cộng đồng của vùng San Jose cũng có chọn lựa khác nhau.
Trong hai ứng viên gốc Việt đang tranh chức giám sát viên Quận hạt Santa Clara Địa hạt 2 là Madison Nguyễn và Betty Dương, ông Hoàng Thưởng ủng hộ Nguyễn, ông Vũ Văn Lộc chọn Dương.
Hai phụ nữ Việt đã đánh bại 3 ứng viên khác trong bầu cử sơ bộ 5/3 vừa qua cho thấy khả năng lãnh đạo của họ được nhiều cử tri tin tưởng.
Madison Nguyễn là cựu nghị viên và phó thị trưởng San Jose, đã từng ứng cử thị trưởng nhưng không thành công. Những năm trước, việc đặt tên khu thương mại Little Saigon gây ra nhiều sóng gió trong cuộc đời chính trị nhưng bà đã vượt qua. Bà hiện có sự ủng hộ của thị trưởng San Jose đương nhiệm Matt Mahan.
Betty Dương chưa một lần tranh cử nhưng đã làm việc trong hệ thống công quyền quận hạt nhiều năm. Bà là chánh văn phòng của Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cindy Chavez và được sự ủng hộ của bà Chavez trong cuộc tranh cử vào ghế giám sát viên thay bà.
Dù ai thắng cũng sẽ làm nên lịch sử của cộng đồng người Việt ở thung lũng hoa vàng, với một giám sát viên gốc Việt đầu tiên trong cơ quan chính quyền cao nhất của Quận hạt Santa Clara, thủ phủ là San Jose, nơi có đông người Việt sinh sống ở Bắc California.
Tranh chức dân biểu Quốc hội, Địa hạt 16 là Dân biểu tiểu bang Evan Low và cựu Thị trưởng San Jose Sam Liccardo, cả hai đều là người Đảng Dân chủ.
Cô Vân Lê, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Trung học East Side Union, chọn Low vì ông đã ủng hộ cho nghị quyết cờ vàng được chấp thuận tại Sacramento, ủng hộ môn học về sắc tộc tại trung học phổ thông và công nhận ngày tết trong tiểu bang. Còn ông Hoàng Thưởng chọn cựu thị trưởng Liccardo vì là người có nhiều kinh nghiệm chính trường.
Bắc California, trong Địa hạt 12 bao gồm các thành phố Oakland, Berkeley, Alameda có Tiến sĩ Jennifer Trần về nhì trong kỳ bầu sơ bộ 5/3 và sẽ tranh đua vào Quốc hội với bà Lateefa Simon để thay thế Dân biểu Barbara Lee nghỉ hưu. Cả hai ứng viên Simon và Trần, đều thuộc Đảng Dân chủ, đã đánh bại 7 ứng viên khác để vào chung kết.
Tại Nam California với Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, năm 1992 đã có vị dân cử gốc Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ là ông Tony Lâm Quang trúng cử vào hội đồng thành phố Westminster. Từ đó đến nay trong mỗi kỳ bầu chọn đều có ứng viên gốc Việt ra tranh cử.
Những ứng viên và dân cử gốc Việt quen thuộc trong cộng đồng trước nay có cả Cộng hòa và Dân chủ: Janet Nguyen, Kimberly Ho, Long Phạm, Chi Charlie Nguyen, Ted Bui, Joe DoVinh, Deidre Thu-Ha Nguyen, Chris Phan, Michael Vo, John Tran, Trung Nguyen, Lan Nguyen, Van Tran, Tan Nguyen, NamQuan Nguyen, Tri Tạ, Andrew Do, Tyler Diep, Dina Nguyen, Bảo Nguyen, Amy Phan West, Thai Viet Phan, Kim Bernice Nguyen-Penaloza, v.v…
Báo Người Việt ngày 8/9/2024 cho biết có 34 ứng cử viên gốc Việt, cùng với các ứng viên khác tranh đua cho 21 chức vụ công quyền tại Quận Cam trong ngày tổng tuyển cử 5/11.
Đáng chú ý nhất là cuộc đua tại Địa hạt 45, giữa Dân biểu Cộng hòa đương nhiệm Michelle Steel, người gốc Hàn và Luật sư Derek Trần, người gốc Việt tị nạn, theo Đảng Dân chủ.
Ông Trần, một cựu chiến binh từng phục vụ ở Iraq, có nhiều hy vọng vì nơi đây một thời là thành trì của Cộng hòa, nhưng từ năm 2018 đến 2022 đã chuyển sang Dân chủ.
Kết quả bầu cử tại Quận Cam trong những lần trước cho thấy điều đó. Các ứng viên Cộng hòa: 1984 Reagan được 73% số phiếu, 1988 Bush (cha) được 65%, 2000 Bush (con) được 55% và 2012 Romney được 52%. Qua kỳ bầu cử 2016, Hillary Clinton đạt 51%; năm 2020 Biden đạt 53% là các ứng viên Dân chủ.
Khảo sát mới đây của AAPI, Trung tâm Nghiên cứu về người Mỹ gốc châu Á – Thái Bình dương tại Đại học U.C. Berkeley, cho thấy 42% cử tri gốc Việt có khuynh hướng ủng hộ Dân chủ, 37% ủng hộ Cộng hòa và 19% độc lập.
Khi được hỏi sẽ bầu chọn ai làm tổng thống, 71% chọn Harris và 20% chọn Trump. Bầu cử năm 2020 đã có 48% cử tri gốc Việt chọn Trump, cao nhất trong số các sắc dân châu Á.
California đã một thời là tiểu bang của Cộng hòa, từ 1968 đến 1988, là đất của của Nixon, của Reagan. Từ 1992 đến nay, tiểu bang vàng là của Clinton, Obama, Biden và ngày càng xanh hơn. Năm 2000 có 53,5% cử tri California bầu cho Al Gore, năm 2012 với 60,2% chọn Obama và năm 2020 với 63,5% chọn Biden.
Sự kiện có những chuyển đổi quan điểm từ Cộng hòa sang Dân chủ cũng đã thể hiện trong cộng đồng người Việt ở Quận Cam.
Trong mấy kỳ bầu quốc hội vừa qua, Địa hạt 45 của Quận Cam đã trở thành dao động vì bản đồ khu vực cử tri đã được phân chia lại nên không còn đa số Cộng hòa nữa và Dân chủ thắng ở đây, từ 2018 đến 2022, sau đó Michelle Steel chiếm lại, đạt 52,4% số phiếu trong bầu cử 2022.
Cư dân châu Á trong địa hạt này là 38%, Hispanic 30% và da trắng 25%. Nếu đại đa số người Việt bỏ phiếu cho Derek Trần, ông có nhiều hy vọng trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên đến từ thủ phủ của người Việt tại Mỹ, nơi có đông người Việt nhất tại Hoa Kỳ mà đến nay vẫn chưa có đại diện trong Quốc hội.
Trước đây có Dân biểu Joseph Cao Quang Ánh từ bang Louisiana, thuộc đảng Cộng hòa, đắc cử năm 2008 và chỉ phục vụ được một nhiệm kỳ và không thành công khi tái tranh cử năm 2010.
Dân biểu gốc Việt thứ hai là bà Stephanie Murphy – tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung – theo Đảng Dân chủ, từ tiểu bang Florida, được bầu vào Hạ viện năm 2016 và thắng cử hai lần nữa vào năm 2018 và 2020. Năm 2022, bà không ra tranh cử, sau 6 năm phục vụ trong Quốc hội.
Cuộc đua vào Hội đồng Giám sát Quận Cam, Địa hạt 1 cũng đang sôi nổi. Trong kỳ bầu sơ bộ có tất cả 5 ứng viên là Frances Marquez và 4 gốc Việt là Văn Trần, Kimberly Hồ, Michael Võ và Janet Nguyễn.
Kết quả Janet Nguyễn về nhất và Frances Marquez, nghị viên thành phố Cypress, về nhì.
Từ năm 2007 đến nay, ghế giám sát viên Địa hạt 1 do người Việt nắm giữ, từ Janet Nguyễn rồi đến Andrew Đỗ.
Ngày 22/10, ông Đỗ đã phải từ chức vì bị cơ quan chức năng điều tra và cáo buộc ông tham nhũng công quĩ và nhận hối lộ lên đến nhiều triệu đô la. Ông nhận tội và đang chờ ngày ra tòa.
Sự việc sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu chọn giữa Janet Nguyễn và Frances Marquez, nhiều hay ít thì phải chờ xem.
Nhìn vào số ứng cử viên gốc Việt tham gia tranh cử và những vận động cho thấy lá phiếu của cử tri gốc Việt có ảnh hưởng nhiều đến kết quả bầu cử các chức vụ dân cử địa phương như dân biểu, thị trưởng, giám sát viên quận hạt, nghị viên thành phố.
Chủ tịch Hạ viện Tip O’Neil đã có nhận định phản ánh đúng về sinh hoạt chính trị Mỹ: “All politics is local” – mọi sinh hoạt chính trị đều mang tính địa phương.
Theo Dân chủ hay Cộng hòa thì các ứng cử viên đều phải biết rõ nhu cầu và quyền lợi của cử tri địa phương nơi mình phục vụ.
Phó Giáo sư Nguyễn Đức Thành (Đại học Connecticut) được tài trợ 16,1 triệu USD để thực hiện các nghiên cứu về vaccine và kỹ thuật y sinh.
Tiến sĩ Thành, cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội hiện là Phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật cơ khí và Kỹ thuật y sinh. Giữa tháng 10 vừa qua, nhóm nghiên cứu do anh đứng đầu được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) rót bốn khoản R01, khoản trợ cấp mức cao nhất nhất của tổ chức này với tổng số tiền hơn 9,5 triệu USD.
Trước đó chỉ 1 tháng, Quỹ Bill và Melinda Gates cũng phê duyệt hai khoản tài trợ trị giá 6,6 triệu USD cho nhóm của Phó Giáo sư 40 tuổi người gốc Đà Nẵng này. Trang chủ của Đại học Connecticut đã có bài công nhận Tiến sĩ Thành là một trong những nhà nghiên cứu nhận được nhiều tài trợ nhất của trường. Các nghiên cứu của anh là sự giao thoa của y sinh học, kỹ thuật vật liệu, việc sử dụng công nghệ nano và công nghệ vi mô. Đại học Connecticut cũng cho biết tổng số tiền tài trợ mà anh Thành nhận được kể từ năm 2016, khi anh bắt đầu làm việc tại trường, đến nay là 25 triệu USD.
Trong bốn khoản tài trợ, hai khoản dành cho nghiên cứu hoàn toàn mới, lần lượt 2,1 triệu và 1,5 triệu USD. Phó Giáo sư Thành là nhà nghiên cứu chính trong dự án thứ nhất, với mục đích kích thích và đẩy nhanh quá trình chữa lành khiếm khuyết ở những xương dài nhất trong cơ thể, như xương đùi và xương chày.
Hiện, chấn thương nặng ở xương dài thường được điều trị bằng cách dùng tế bào gốc để kích thích quá trình chữa lành. Tuy nhiên, kỹ thuật này gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, có thể khiến bệnh nhân suy yếu.
Nhóm của Tiến sĩ Thành nỗ lực giảm nguy cơ trên bằng cách làm một khung đỡ (tissue scaffold) bằng vật liệu sinh học an toàn, có khả năng tạo xung điện để kích thích quá trình phục hồi xương.
Khoản R01 thứ hai dành cho dự án nghiên cứu công nghệ vi kim (microneedle), cung cấp các kháng thể đa năng có thể tồn tại lâu dài trong cơ thể trẻ sơ sinh khi bú sữa từ mẹ bị nhiễm HIV. Qua đó, trẻ nhỏ duy trì khả năng miễn dịch với virus HIV. Hiện quá trình này còn tốn kém và phiền hà bởi kháng thể cần được bảo quản ở nhiệt độ lạnh, phải tiêm nhiều lần.
PGS Thành cho biết các miếng dán vi kim sẽ giúp đơn giản hóa đáng kể quy trình trên và giảm chi phí bảo quản lạnh. Cùng với các cộng sự ở trường Y khoa Đông Virginia (Mỹ), anh sẽ kiểm tra tính hiệu quả của các miếng dán chống HIV trên động vật trong thời gian tới.
Theo anh, phương pháp này giúp đưa kháng thể vào người nhận mà không gây đau đớn. Ở giai đoạn cuối cùng, các miếng dán sẽ được thử nghiệm trên bệnh nhi có nguy cơ nhiễm HIV cao do bú sữa mẹ.
Khoản thứ ba, trị giá 2,16 triệu USD được NIH dành cho nghiên cứu về cách tăng hiệu quả của hóa trị liệu với bệnh nhân ung thư não, nhờ công nghệ siêu âm phân hủy sinh học do anh Thành phát minh.
Khoản thứ tư - gần 2 triệu USD được cấp cho dự án giá đỡ mô sinh học làm từ polyme có thể phân hủy và chạy bằng điện. Anh Thành cho biết sẽ nghiên cứu xem liệu giá đỡ có thể tái tạo sụn người như đã được thử nghiệm thành công trên thỏ hay không. Phương pháp này có thể là bước ngoặt trong điều trị cho những bệnh nhân bị thoái hóa xương khớp.
Với tài trợ từ Quỹ Bill và Melinda Gates, nhóm của anh Thành được rót 6,6 triệu USD, chia làm hai đợt, nhằm phát triển một miếng dán vi kim, có khả năng tiêm nhiều loại vaccine cho người cùng một lúc.
Cho đến hiện tai, phó Giáo sư Nguyễn Đức Thành sở hữu hơn 20 bằng sáng chế, là thành viên cao cấp của Viện Hàn lâm các nhà phát minh Mỹ. Anh hướng dẫn 21 nghiên cứu sinh tiến sĩ và sau tiến sĩ trong phòng thí nghiệm của mình, 4 người đến từ Việt Nam.
Nguồn: Báo Quốc Tế; VietnamPlus; BBC; Nhịp Cầu Đầu Tư
Người Việt hải ngoại: Festival sinh viên tại Ý; Khóa tu tại Đài Loan; ‘Hiện tượng mạng’ Bách Buquen; Phỏng vấn một kẻ buôn người
Người Việt hải ngoại: 7 công dân bị ép bán dâm tại Malaysia; 1 phụ nữ Việt bị bắt tại Hy Lạp; ‘Bé’ Xuân Nghi sau 14 năm sang Mỹ
Người Việt hải ngoại: Cử tri buồn vui lẫn lộn; Bi hài chuyện xin nghỉ ở Nhật; Vụ du khách tập yoga tại Hàn; Người đoạt giải thiên văn quốc tế
Người Việt hải ngoại: Vụ 2 người Việt bị giết ở Mỹ; Nam diễn viên tố bị quản lý cũ ăn chặn tiền; Tiếp cận băng người Việt buôn người
Người Việt hải ngoại: Hội phụ nữ ở Hà Lan; Vườn hồn ở Úc; Cử tri chọn ‘xanh’ hay ‘đỏ’; 11 công dân bị bắt ở New Zealand
Người Việt hải ngoại: Người Việt ở Mỹ bỏ phiếu cho ai?; Sao Việt làm dậy sóng tại Thái Lan, danh tính gây bất ngờ
Người Việt hải ngoại: Chuyện đi bầu Tổng thống; Lý do chọn Trump hay Harris; Cuộc thi hùng biện tiếng Việt tại Nhật
Người Việt hải ngoại: Nền tảng gắn kế thế hệ trẻ ở Campuchia; Cuộc sống của Kim Hồng tại Mỹ; Dựng kịch về cuộc đời Trần Tố Nga
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá