.jpg)
CUỘC THI EM YÊU TIẾNG VIỆT TẠI LÀO
Với sự tham dự của hơn 200 học sinh từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông, cuộc thi nhằm phát huy những kỹ năng của các em học sinh trong việc thể hiện những kiến thức về tiếng Việt.
Chiều 21/2, tại tỉnh Savannakhet, Trung Lào, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Savannakhet phối hợp với Hội người Việt Nam tỉnh Savannakhet và Trường Phổ thông Hữu nghị Lào-Việt Nam tỉnh Savannakhet tổ chức cuộc thi “Em yêu tiếng Việt” nhằm phát huy những kỹ năng của các em học sinh trong việc thể hiện những kiến thức tiếng Việt đã được học.
Tham dự sự kiện có đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet; đại diện Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet cùng đông đảo các thầy trò và các em học sinh.
Cuộc thi thu hút hơn 200 học sinh từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông và được chia thành nhiều đội để trả lời những câu hỏi của Ban Tổ chức đưa ra và đội nào có số điểm cao nhất sẽ giành chiến thắng.
Trong bầu không khí tưng bừng và sôi nổi, các em đã vận dụng tối đa kiến thức đã được học để hoàn thành tốt phần thi của đội mình.
Theo Ban Tổ chức, với mong muốn tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa trong trường, giúp các em học sinh được thể hiện kiến thức của mình, được giao lưu với bạn bè, phát triển kỹ năng giao tiếp mạnh dạn khi tham gia các hoạt động nhất là khi đứng trước đám đông.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng tới tất cả các em học sinh về tư tưởng dấn thân vì tương lai. Từ đó có nhận thức đúng đắn về vai trò của thanh niên, thế hệ trẻ với tương lai của bản thân, đất nước, tạo động lực rèn luyện kiến thức, bản lĩnh, sự tự tin, nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, vươn tới thành công.
Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giấy khen và những phần quà cho các đội đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích.
HƯỚNG NGHIỆP CHO GIỚI TRẺ TẠI SÉC
Đây là lần thứ 4 chương trình được tổ chức, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng kết nối với thế hệ đi trước, giúp các thanh thiếu niên người Việt tại Séc định hướng tương lai và chuẩn bị hành trang vào Đại học.
Ngày 22/2, chương trình hội thảo hướng nghiệp Options 2025 do Mạng lưới Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Cộng hoà Séc ((NVICE), phối hợp cùng với Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Cộng hoà Séc, cùng các tổ chức như Vietup, Sapa Trip, dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Séc đã thu hút được hàng trăm học sinh, thanh thiếu niên và phụ huynh người Việt tham gia.
Đây là lần thứ 4 chương trình được tổ chức, là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng kết nối với thế hệ đi trước, giúp các thanh thiếu niên người Việt tại Séc định hướng tương lai và chuẩn bị hành trang vào Đại học.
Chia sẻ về sự kiện này, bà Trần Diệu Huyền, Trưởng ban tổ chức cho biết, Chương trình Options 2025 được tổ chức với thông điệp hướng nghiệp cho các bạn trẻ, học sinh cấp 3 và quan trọng nhất là các bạn tìm được định hướng nghề nghiệp và hoạt động trong tương lai. Ban tổ chức thấy vinh dự khi nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ cùng với các bậc cha mẹ đến tham gia cùng chương trình.
Ban tổ chức cũng nhấn mạnh, chương trình năm nay đã hội tụ được nhiều tài năng, tri thức trẻ trong nhiều lĩnh vực như Luật, Y học, Kinh tế, Công nghệ thông tin… tới chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp. Chương trình hướng nghiệp năm nay cũng được tổ chức lớn hơn so với quy mô những năm trước, thu hút đông đảo các tổ chức và cộng đồng người Việt tại Séc.
“Đây là lần đầu tiên tôi đưa các cháu tới đây để các cháu lựa chọn trường đại học phù hợp cho bản thân. Chương trình này với tôi nó rất ý nghĩa bởi vì có các anh chị lớn có kinh nghiệm đi trước, các anh chị có thể nói kinh nghiệm của mình để các cháu tìm được ngôi trường Đại học phù hợp nhất”, chị Trần Hải Hà đến dự chương trình chia sẻ.
“Cháu ra đây tìm hiểu về ngành kinh tế, các anh chị rất nhiệt tình chia sẻ với cháu về các ngành học kinh tế và thi vào đâu”, bạn Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ.
Có thể thấy, chương trình Options 2025 không chỉ có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt, trong việc đồng hành hỗ trợ các học sinh người Việt tại Séc lựa chọn ngành nghề phù hợp trong tương lai, còn thể hiện sự đoàn kết, hỗ trợ tích cực của các thế hệ đi trước đối với các thanh thiếu niên người Việt, trong việc phát triển tri thức, định hướng nghề nghiệp. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ tìm kiếm những cơ hội, tăng cường sự kết nối, khám phá để lựa chọn hành trình chinh phục trong tương lai.
‘NHỊP CẦU’ VĂN HOÁ NHÍ Ở PHÁP
.jpg)
Với mong muốn lan toả văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, cậu bé Nguyễn Hoàng Nam Khánh (Kevin Nguyen) đã đến các trường học ở Pháp để nói chuyện và giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Hình ảnh một cậu bé gốc Việt mặc áo dài truyền thống, say sưa kể chuyện về Việt Nam đã trở nên thân thương với nhiều học sinh.
Nhân Ngày Tiếng mẹ đẻ quốc tế (21/2), phóng viên TG&VN có cuộc trò chuyện với Nam Khánh để lắng nghe những chia sẻ và tìm hiểu sâu hơn về những hoạt động ý nghĩa mà em đang làm…
Sống ở Pháp từ năm hai tuổi, điều gì đã truyền cảm hứng để em nuôi dưỡng tình yêu và ý thức gìn giữ tiếng mẹ đẻ cũng như văn hóa Việt Nam?
Ở Pháp, mọi người từng hỏi em rằng: Có đúng Việt Nam là nước nghèo không? Có đúng hầu hết người dân vẫn làm việc trên đồng ruộng? Thậm chí, có người còn hỏi Việt Nam có điện thoại không?
Vì vậy, em muốn mọi người nhìn nhận văn hóa Việt Nam theo cách mà mình nhìn thấy – một đất nước hiện đại, có truyền thống lâu đời và nền văn hóa phong phú. Em muốn mọi người yêu Việt Nam như chính mình yêu Việt Nam, bởi sự đa dạng, bởi vẻ đẹp của nó. Và mỗi lần em giới thiệu về văn hóa Việt Nam, em cảm thấy mình ngày càng gần gũi hơn với quê hương.
Em đã trở thành diễn giả nhí trong các chương trình giới thiệu và giảng dạy văn hóa Việt Nam tại các trường tiểu học ở Pháp như thế nào?
Em bắt đầu giới thiệu về văn hóa Việt Nam khi học lớp Năm. Ban đầu, em chỉ là trợ giảng cho mẹ, nhưng sau vài buổi học, em nài nỉ mẹ cho phép mình tự giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Em tự hào khi có thể kể cho bạn bè nghe về những đồ ăn ngon, những địa điểm đẹp, truyền thống độc đáo và thú vị của quê hương.
Khi nói với các bạn Pháp về văn hóa Việt Nam trong các buổi workshop, em có cảm giác như Việt Nam ở ngay bên cạnh. Càng giới thiệu về văn hóa, em càng cảm thấy như mình như có thể trở về. Bây giờ, sau nhiều năm gắn bó với công việc này, em vẫn tiếp tục con đường ấy.
Điều gì khiến em cảm thấy hào hứng với công việc? Có kỷ niệm nào đáng nhớ?
Để chuẩn bị cho mỗi buổi chia sẻ, thời gian đầu, em phải tự tập nói rất nhiều lần cho nhuần nhuyễn. Trước mỗi buổi, em sẽ chuẩn bị một chiếc vali bên trong chứa rất nhiều thứ đặc biệt khiến người ta liên tưởng đến Việt Nam hoặc những đồ vật đặc trưng của Việt Nam.
Ví dụ như chai nước mắm, mô hình xe xích lô, quyển sách tiếng Việt hoặc một quyển truyện Việt Nam, các đồ vật tượng trưng cho ngày Tết cổ truyền như là hộp mứt Tết, phong bao lì xì trong đó có tiền Việt. Em chuẩn bị cả hoa mai và hoa đào bằng nhựa…
Có lần đến nói chuyện cho các bạn học sinh về ngày Tết, em còn nhét một chiếc chổi vào vali. Lúc em lôi chổi ra, các bạn đều thấy rất buồn cười và hỏi tại sao. Em đã giải thích là vào ngày mùng Một Tết, người Việt Nam sẽ không quét nhà, vì không muốn quét hết may mắn ra khỏi nhà. Tất cả công việc dọn dẹp, lau chùi, quét dọn sẽ đều làm vào những ngày trước Tết.
Có một kỷ niệm cũng rất hài hước khác. Đó là vào một trong những buổi dạy đầu tiên, em mặc áo dài và khi bước vào lớp học, các học sinh rất ngạc nhiên, hỏi em tại sao lại mặc một chiếc váy. Em giải thích với các bạn rằng đó là trang phục truyền thống của Việt Nam, được gọi là áo dài. Sau đó, em cho tất cả thử mặc áo dài và các bạn rất ấn tượng vì nó vừa đẹp vừa thoải mái.
Em nhìn nhận ra sao về vai trò đại sứ văn hóa, đặc biệt sau khi được vinh danh Tài năng trẻ của Giải thưởng quốc tế Việt Nam năm 2024?
Sau khi vinh dự nhận được giải thưởng này tại London vào tháng 10/2024, em cảm thấy có thêm động lực để tiếp tục giới thiệu về văn hóa Việt Nam. Điều này có nghĩa là em thực sự đã tạo được ảnh hưởng nhất định. Đối với em, giải thưởng minh chứng rằng bất cứ điều gì cũng có thể trở thành hiện thực.
Năm ngoái, em được mời tới chia sẻ cho các bạn học sinh lớp Năm tại một trường học về chủ đề quyền trẻ em. Sau khi suy nghĩ, em đã chọn kể về câu chuyện cổ tích “Sự tích quả dưa hấu”, trong đó có lồng ghép các yếu tố giúp các bạn hiểu về quyền trẻ em ví dụ như quyền được yêu thương, quyền có một mái nhà, quyền được lắng nghe… Sau buổi chia sẻ, các bạn không chỉ hiểu thêm về quyền trẻ em mà còn biết thêm một câu chuyện cổ tích Việt Nam.
Cho đến nay, em đã tới khoảng 16 trường học ở nhiều thành phố để nói chuyện, chia sẻ, giới thiệu về văn hóa Việt Nam cho các bạn học sinh Pháp, từ lứa tuổi mẫu giáo tới cấp ba. Em sẽ không dừng lại mà tiếp tục quảng bá văn hóa Việt Nam đến nhiều bạn bè quốc tế nhất có thể, để họ thấy được những tiềm năng to lớn mà Việt Nam có thể mang lại.
Em có thường xuyên về thăm Việt Nam cùng gia đình không, cảm nhận của em thế nào khi trở về quê hương?
Thông thường, em về Việt Nam mỗi năm một lần, vào tháng Hai, khi thời tiết ở Pháp còn lạnh. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 bùng phát, em bị kẹt lại Pháp tới sáu năm rồi, năm nay mới có dịp trở lại quê hương.
Lần trở về Việt Nam này, em cảm thấy tốt hơn, có thêm động lực, giống như được trở về nhà. Từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, em đã dần gắn bó với việc nghe tiếng Việt như một điều thân thuộc. Vừa qua, em đã nói chuyện về văn hóa Pháp với các học sinh của một lớp chuyên Pháp ở Ninh Bình và học sinh lớp Năm của một trường tiểu học song ngữ ở Vũng Tàu. Những trải nghiệm quê hương như đi biển, câu cá… với em đều rất khó quên.
Thời gian tới, em có những dự định gì để thực hiện ước mơ?
Em đã dành nhiều năm để chia sẻ và nói chuyện về văn hóa Việt Nam tới bạn bè Pháp. Trong tương lai, em mong muốn mình có thể trở thành một đại sứ văn hóa với nhiệm vụ quảng bá và kết nối văn hóa Việt Nam đến bạn bè khắp thế giới.
Em luôn sẵn sàng dành nhiều năm hơn nữa để giúp mọi người trên thế giới biết thêm về vẻ đẹp, màu sắc và sự đa dạng của văn hóa Việt Nam.
Mục tiêu của em không chỉ là giới thiệu văn hóa Việt Nam mà còn tạo thành nhịp cầu kết nối văn hóa Việt Nam, Pháp và phần còn lại của thế giới. Vì điều đó sẽ giúp mọi người biết thêm về thế giới rộng lớn ngoài kia, tôn trọng sự khác biệt và chứng minh rằng mọi nền văn hóa đều đẹp và độc đáo.
LIVESTREAM HỞ HANG TRÊN TIKTOK, CÔ GÁI BỊ PHẠT Ở SINGAPORE
Một người phụ nữ ăn mặc hở hang đã thực hiện hành vi tình dục tại một sàn trống của khu Housing Board ở Boon Lay, để đáp lại lời thách thức từ những người xem chương trình phát trực tiếp TikTok của cô.
Ngày 20/ 2, Adrian Ching Kah Siang, 36 tuổi và vợ người Việt Nam của anh ta là Nguyen Thi Ngoc Lan, 31 tuổi, mỗi người bị phạt tù ba tuần.
Lan thừa nhận một tội danh là thực hiện hành vi khiêu dâm. Ching, một người Singapore, thừa nhận đã tiếp tay cho hành vi này. Mỗi người bị xem xét một tội danh tương tự để tuyên án.
Thẩm phán quận Jasvender Kaur cho biết hành vi của Lan là hành vi vô cùng xúc phạm.
Những người thực hiện bất kỳ hành vi khiêu dâm nào ở nơi công cộng có thể bị phạt tù tới ba tháng, phạt tiền hoặc cả hai.
Ching đã yêu cầu áp dụng lệnh cấm tiết lộ thông tin của cặp đôi để không gây thêm tổn thương về mặt cảm xúc cho mẹ anh ta. "Điều đó cũng bảo vệ phẩm giá của vợ tôi" - anh ta nói.
Tuy nhiên thẩm phán đã từ chối.
Lan đã nhập cảnh vào Singapore theo giấy thông hành xã hội đã hết hạn. Cô thường xuyên phát trực tiếp trên TikTok và ứng dụng trò chơi Việt Nam MMlive.
Hôm 23/9/2024, từ 11:30 sáng đến 2:30 chiều, cô đã phát trực tiếp tại boong tàu trống của Block 266 Boon Lay Drive.
Vào khoảng 1:30 chiều, cô tham gia một thử thách thực hiện các hành vi tình dục ở nơi công cộng trong khi ăn mặc hở hang, để đổi lấy tiền dưới dạng quà tặng do người xem gửi.
Lan mặc một chiếc váy trong suốt để lộ cơ thể khỏa thân, đã tạo dáng và nhảy múa trước điện thoại di động.
Một người đàn ông sống trong khu nhà HDB đã chứng kiến hành vi của Lan và thông báo cho vợ mình, người phụ nữ này sau đó đã gọi cảnh sát.
Để ghi lại bằng chứng video về hành vi này, nhân chứng nam và vợ đã cùng nhau lên tầng hai của khu nhà HDB.
Khi họ đến tầng hai, Lan đã thay một bộ kimono chỉ che được một phần cơ thể. Sau đó, cô thực hiện hành vi quan hệ tình dục.
Cảnh sát đã nhanh chóng đến hiện trường và bắt giữ cô ta.
Ban đầu Lan nói với cảnh sát rằng cô chỉ "nhảy theo cách gợi cảm" và khẳng định cô chỉ để lộ "một chút", mặc dù thực tế là cô gần như khỏa thân, bên công tố cho biết.
Cô chỉ thừa nhận hành vi khiêu dâm khi đối mặt với bằng chứng video.
Ching cũng phủ nhận mọi lời khai khi bị cảnh sát thẩm vấn và nói rằng họ đã "mặc đầy đủ quần áo". Anh ta cũng cho biết hành vi quan hệ tình dục của vợ mình không nên bị coi là hành vi khiếm nhã.
Phó công tố viên Esther Lim cho biết Lan đã thực hiện hành vi này ở nơi công cộng và dễ thấy, và trong thời điểm có nhiều người qua lại, bao gồm cả trẻ em đang trên đường về nhà sau giờ học.
Công tố viên cho biết: "Vì Nguyen ngồi ở nơi công cộng trong khu dân cư, nên mỗi người trở về nhà sẽ buộc phải đi ngang qua và phải chứng kiến hành vi khiếm nhã của cô ta".
Đứng cạnh nhau tại bục bị cáo, cặp đôi này đã cầu xin sự khoan hồng. Họ không có luật sư đại diện.
"Từ tận đáy lòng, tôi thành thật xin lỗi tòa án và người dân Singapore" - Ching nói và nói thêm rằng họ rất hối hận.
Anh ta cho biết các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ án của họ đã gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình anh và ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh ta.
Phát biểu qua phiên dịch, Lan cho biết cô phải nuôi con gái 13 tuổi của mình ở Việt Nam và đang gặp khó khăn về tài chính.
Hiện cô đang ở Singapore theo giấy thông hành đặc biệt để phục vụ mục đích điều tra.
Nguồn: VTV4; VOV; Báo Quốc Tế; Dân Việt
Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá