Người Việt hải ngoại: Đưa vải thổ cẩm ra thế giới; Khu vườn cổ tích ở Mỹ; 39 sinh viên tốt nghiệp ở Israel; Trộm 3.200 quả lê tại Nhật

CÔ GÁI GỐC VIỆT & HÀNH TRÌNH ĐƯA VẢI THỔ CẨM RA THẾ GIỚI

Động lực lớn nhất thôi thúc chị Rachel Nguyen Isenschmid (Trang Nguyễn) trong hành trình đưa thời trang Việt ra thế giới là tình yêu đối với quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt.

Vải thổ cẩm là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống đặc biệt của Việt Nam, với những họa tiết tinh xảo, đa dạng và mang tính văn hóa cao, đây không chỉ là một sản phẩm đẹp mắt mà còn là một biểu tượng của sự đa dạng và sự phong phú văn hóa của đất nước.

Với bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của mình, người phụ nữ đã dệt nên những tấm vải thổ cẩm mang đậm bản sắc dân tộc, sợi vải cũng được nhuộm thủ công từ các loại rau củ quả trong rừng. Họa tiết trên vải thổ cẩm thường đối xứng nhau tượng trưng cho quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của tự nhiên, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương,...

Tuy nhiên, những sản phẩm vải thủ công này rất ít được biết đến và chủ yếu được làm thành các bộ váy áo truyền thống hoặc các sản phẩm lưu niệm, khó ứng dụng trong thực tế.

Thắp sáng ước mơ bên khung cửi

Năm 2019, khi thực hiện đề tài nghiên cứu tốt nghiệp Thạc sĩ về chủ đề ứng dụng của thời trang bền vững, chị Rachel Nguyen Isenschmid (Trang Nguyễn) - một người phụ nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ đã về Việt Nam để tìm hiểu thông tin và đã tới Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Nhớ lại, chị Trang đã vô cùng háo hức khi nhìn thấy những chiếc khung cửi mà mỗi gia đình dân tộc Thái ở Mai Châu đều sở hữu. Nhưng điều đáng buồn là những khung cửi ấy không còn được sử dụng nhiều nữa, vì khi làm ra sản phẩm dệt tay vừa kỳ công, mất thời gian mà lại khó cạnh tranh với sản phẩm sản xuất hàng loạt.

Những trăn trở ấy đã mang lại cho chị quyết tâm thành lập dự án Empower Women Asia (EWA), trong khuôn khổ chương trình hoạt động từ thiện nhân đạo và môi trường của tổ chức KIBV- Keep It Beautiful Vietnam tại Việt Nam.

Khi bắt đầu, bản thân chị Trang hy vọng sẽ đóng góp chút sức lực nhỏ bé để gìn giữ nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ biến mất của các làng dệt truyền thống. Cùng với đó là hy vọng các sản phẩm thủ công được trân trọng và được biết tới. Từ đó tạo ra thu nhập ổn định và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.

Trong các năm đầu tiên, EWA đã kết hợp với Hiệp Hội Làng Nghề Việt Nam tổ chức cuộc thi về thiết kế sản phẩm sử dụng chất liệu làng nghề, các hoạt động quảng bá sản phẩm tại tuần lễ di sản văn hóa Việt Nam, tuần lễ xanh tại Zurich (Thuỵ Sĩ).

Tới năm 2021, EWA chính thức đồng hành cùng nhà thiết kế La Phạm - người vốn rất tâm huyết, sáng tạo với các sản phẩm thời trang thổ cẩm. Cũng nhờ "cơ duyên" này, các bộ sưu tập trong dự án đã xuất hiện tại các sàn diễn quốc tế như Un-Dress, Paris Fashion Week, London Fashion Week.

Năm 2022, tại lễ hội bền vững Gwand, Luzern Thụy Sĩ, nhà thiết kế La Phạm cũng mang tới bộ sưu tập thổ cẩm đặc sắc trình diễn dọc hồ Luzern dưới sự chứng kiến của hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.

Và mới đây, EWA đã cùng La Phạm mang bộ sưu tập Mountain Dream tới sàn diễn thời trang London Fashion Week và Paris Fashion Week với các sản phẩm thời trang mang những họa tiết, hoa văn thổ cẩm núi rừng.

Gìn giữ, bảo tồn làng nghề dệt truyền thống

Dù vậy, để đạt được những kết quả như hiện tại thì chị Trang và EWA đã trải qua không ít những thử thách. Bởi người tiêu dùng trong và ngoài nước thường biết tới sản phẩm thổ cẩm qua các bộ váy áo trang phục đặc trưng của các chị em dân tộc, hay các sản phẩm lưu niệm không có tính ứng dụng cao trong cuộc sống thực tế.

Để thay đổi cách nhìn của công chúng với vải thổ cẩm, thì EWA nhận thấy trước tiên là sự cải tiến trong sản phẩm để được đón nhận dễ dàng hơn. Sau khi đồng hành cùng nhà thiết kế La Phạm, sản phẩm đã được thay đổi bằng các bộ trang phục hiện đại, thời trang giúp không bị nhàm chán và có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Chị Trang tin rằng, sự lan tỏa từ dự án mình đã góp phần trong việc thay đổi nhận thức về sản phẩm vải thổ cẩm được làm ra từ bàn tay các chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp các chị em nâng cao năng lực cạnh tranh, thêm thu nhập.

"Khi không còn cơ hội cạnh tranh, những em bé gái lớn lên sẽ không còn hứng thú với nghề dệt, không tự hào về chúng và sẽ có những lựa chọn nghề nghiệp khác. Khi đó, câu chuyện về thổ cẩm, di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số sẽ chỉ còn lại trong quá khứ như một di tích lịch sử và dần đi vào quên lãng", chị Trang nói với Người Đưa Tin.

Chị Trang cũng chia sẻ, những hoa văn, sắc màu trong từng mảnh vải là những câu chuyện tượng hình về quá khứ ông bà tổ tiên, là một vũ trụ thu nhỏ với những hình ảnh từ chim muông, hoa lá, thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ dân tộc thiểu số từ nhiều thế hệ trước.

"Chính vì những điều thiêng liêng và giá trị truyền thống văn hóa lâu đời ấy mà việc gìn giữ bảo tồn làng nghề dệt truyền thống là vô cùng quan trọng", chị Trang cho hay.

Niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt

Đến nay dự án đã triển khai được 6 năm, nhìn lại chặng đường đi qua, điều khiến chị Trang tự hào nhất là được cùng các cộng sự của mình cùng đi trên con đường đã lựa chọn và định vị giá trị cho bản thân và cho cộng đồng.

"Mình luôn nói với các bạn làm dự án rằng việc chúng ta có thể làm hôm nay cho cộng đồng có thể còn rất nhỏ, nhưng chúng ta đang nuôi dưỡng một tập thể sau này làm chủ đất nước. Các thành viên trong dự án có thể sau này sẽ có cơ hội làm nhiều điều lớn lao hơn, bởi đã được nuôi dưỡng trái tim hướng tới cộng đồng, được trang bị kiến thức và có tầm nhìn xa về sự phát triển bền vững là gốc rễ để một quốc gia, một tập thể, một cá nhân đạt được sự thịnh vượng", chị Trang bày tỏ.

Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình trong các hoạt động quảng bá lan tỏa thông điệp về hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại làng nghề dệt.

Chị Trang nói rằng, động lực lớn nhất thôi thúc chị trong công cuộc đưa thời trang Việt ra thế giới là tình yêu đối với quê hương, đất nước. Từng học tập, sinh sống và làm việc ở một số nước như Pháp, Mỹ và hiện tại là Thụy Sĩ. Trải nghiệm văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau khiến chị Trang thấy trân trọng hơn nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam và niềm tự hào dân tộc khi là một người con gốc Việt.

"Mỗi người Việt khi lựa chọn cuộc sống xa xứ sẽ có vô vàn lý do. Nhưng tôi tin rằng, kể cả những người hiện chưa có cơ hội để đóng góp cho đất nước, thì một lúc nào đó, dòng máu Lạc hồng và sự khắc khoải thương nhớ về quê hương sẽ thôi thúc họ làm những điều dù nhỏ bé nhất. Bản thân tôi cũng luôn tự nhủ dù có thể những gì mình đang làm chưa thấm vào đâu nhưng tinh thần và tấm lòng hướng về quê hương có lẽ cũng là một sự khởi đầu tốt", chị Trang nói.

 

 

4 NĂM VUN TRỒNG KHU VƯỜN CỔ TÍCH TẠI MỸ

Khi chị Tiên nói sẽ trồng hoa hồng, anh Dương Andy không ủng hộ ghét gai nhọn của loài hoa này nhưng thấy vợ quyết tâm nên cũng chung tay gây dựng khu vườn.

Cũng như ông xã, trước đây chị Quỳnh Tiên, 48 tuổi, chưa từng nghĩ đến việc trồng hoa. Năm 2020, khi tới thăm nhà họ hàng thấy mấy gốc hồng nở quá đẹp nên chị bắt đầu tìm hiểu. Càng đọc, chị Tiên càng mê mẩn với thế giới hồng đa dạng chủng loại, sắc màu, hương thơm, cho đến kiểu xếp cánh.

"Đại dịch Covid không thể đi chơi ở đâu nên tôi có thời gian dành cho việc làm vườn", chị Tiên, người đang phụ chồng kinh doanh một công ty xây dựng ở San Jone, bang California chia sẻ.

Nhà có vườn rộng hơn 1.000 m2, chủ yếu trồng cây ăn quả lâu năm, bãi cỏ, một khu trồng lan và tử đằng. Khi trồng hồng, chị Tiên quyết định chặt bỏ bớt một số cây hay rụng quả, phải dọn vất vả. Vườn rộng nên chị cải tạo từng góc một.

Được vài tháng, anh Dương Andy, 50 tuổi, thấy hoa nở đẹp quá nên bắt đầu ủng hộ. Từ lúc này anh phụ vợ làm mọi việc nặng nhọc, từ chặt cây, đào lỗ, dựng cổng, dựng vòm.

Không như một số người chơi khác, khi nghiện hồng là mua về cả bộ sưu tập, chị Tiên lên ý tưởng từng góc vườn rồi mới chọn giống phù hợp. Năm đầu tiên chị làm nửa vườn sau nhà. Nơi này chị dựng một cổng với hàng rào trắng, hai bên là giống hồng Eden màu hồng và trắng. Loài hoa này hoa nở to, bền và sai bông, cho cảm giác như cổng cưới. Xung quanh chị trồng hàng chục gốc hồng khác tô điểm cho không gian.

Con đường hai bên hông nhà cũng được trồng các giống hồng nhiều màu. Chị Tiên thích kết hợp những màu sắc tương đồng, cùng giống để trổ bông đồng loạt, dù nhìn xa, gần hay khi lên ảnh sẽ rực rỡ hơn. Thông thường chị hay kết hợp các màu hồng và trắng với nhau. Đôi chỗ chị phá cách với màu tím, đỏ hoặc vàng.

Sang năm thứ hai chị làm khu vực giữa vườn. Nơi đây chị dựng các cổng gỗ sơn trắng, sơn xanh chạy dọc sân chơi bê tông, rồi trồng hồng uốn lượn bên cạnh. Vòm hoa giữa vườn này cũng được chị lên ý tưởng, trồng ở đó hai bụi Eden hồng nhạt, kết hợp với các bức tượng và những hoa nhỏ dưới mặt đất cho cảm giác như không gian cổ tích.

Trong vườn của chị Tiên giờ có tới bốn chiếc cổng hoa hồng và một vòm hoa.

Góc trước nhà này mới được trồng hai năm đã khiến nhiều người đi qua phải dừng lại ngắm nghía bởi sự kết hợp dịu dàng của các loài hoa với hàng rào trắng, những viên sỏi cho đến cây lựu cổ thụ ở góc vườn.

Để tô điểm cho hoa hồng, chị Tiên trồng dặm thêm các loài hoa như cúc, mao lương, anemone, poppy, foxgloves, snapdragon, scabiosa. Gần như ở mỗi góc hoa đều đặt một bộ bàn ghế, để có thể ngồi ngắm hoa thư giãn.

Chị Tiên cho biết, ba năm đầu vừa phải chăm vườn, vừa phải trồng mới nên khối lượng công việc rất nhiều. Đặc biệt vào cuối mùa đông đến đầu xuân, chị phải vùi củ anemone, mao lương và trồng dặm thêm snapdragon, foxgloves, scabiosa khắp vườn nhà, đồng thời cắt tỉa cho hơn 90 gốc hồng.

"Ông xã đi làm cuối tuần mới nghỉ mà có những việc nặng nhọc sức tôi không làm được, nên tối anh về là hai vợ chồng soi đèn ra vườn làm tới nửa đêm", chị Tiên kể.

Tới năm nay, khu vườn gây choáng ngợp cho người qua lại. Có những lần chiếc xe vụt qua còn vòng lại để xin bà chủ vườn cho chụp vài bức ảnh. Nhiều những lần khác không thấy ai ngoài vườn, người qua đường chạy vào nhà gõ cửa để xin chụp hoa.

"Đôi lúc những người hàng xóm đi ngang qua dừng lại trò chuyện và nói cảm ơn tôi đã trồng hoa đẹp cho họ được ngắm. Tôi lại có thêm động lực, cố gắng chăm chút khu vườn", chị Tiên chia sẻ.

Vào mùa hồng nở, mỗi cuối tuần gia đình lại được đón người thân và bạn bè gần xa tụ về. Người thích chụp ảnh thì góc nào đều có thể lên hình. Nhiều người khác chỉ đơn giản đi dạo quanh vườn, tìm một góc ngắm hoa tĩnh lặng.

Anh em trong nhà cũng như bạn bè trước giờ không thích làm vườn, trồng hoa, nhưng khi tận mắt nhìn thấy khu vườn hiện tại của vợ chồng chị Tiên cũng được truyền cảm hứng, bắt đầu xây dựng khu vườn của mình.

Gần như bốn mùa nhà chị đều có hoa. Xuân sang, những giỏ phong lan trổ bông, cây tử đằng phủ kín giàn hoa tím biếc giữa sân vườn. Từ tháng 5 trở đi, vườn hồng đồng loạt bung nở và lặp hoa cho tới tận đầu đông. Còn mùa thu, chị tỉa hồng thấp bớt, nhường chỗ cho cúc trắng nở bung khắp nhà, vừa có thể ngắm, vừa có thể sấy khô làm trà uống và biếu tặng.

Từ khi có vườn đẹp, các thành viên trong gia đình đi đâu cũng mong về nhà sớm, cuộc sống của vợ chồng chị Tiên trở nên nhẹ nhàng, thư thái hơn trước.

"Vợ chồng tôi thích quanh quẩn ngồi chơi sau vườn vào những lúc rảnh rỗi. Không còn gì tuyệt vời hơn khi sắp tới về hưu được sống trong ngôi nhà hoa hồng này", người phụ nữ gốc Việt nói.

 

 

39 TU NGHIỆP SINH NGƯỜI VIỆT HOÀN THÀNH KHÓA ĐÀO TẠO TẠI ISRAEL

Ngày 29/8, 39 tu nghiệp sinh nông nghiệp của Việt Nam đã tham dự lễ tốt nghiệp khóa đào tạo ngắn hạn tại phân hiệu Kfar Silver, Trung tâm Agrostudies tại Israel.

Phân hiệu Kfar Silver thuộc miền Nam Israel, nằm cách biên giới với Dải Gaza gần 15 km. Hầu hết các sinh viên qua đây sau thời điểm cam go nhất của cuộc chiến tại Dải Gaza. Tuy nhiên, cuộc sống sinh hoạt và học tập của các sinh viên vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ, như tâm lý lo sợ khi lần đầu tiên nghe tiếng còi báo động tên lửa hay phải học trực tuyến trong một thời gian dài trước khi trở lại lớp học.

Ông Shai Ohayon, Giám đốc phân hiệu Kfar Silver, cho biết tại phân hiệu hiện có tổng cộng có 700 sinh viên quốc tế đang theo học. Thời gian nổ ra cuộc chiến tại Dải Gaza là quãng thời gian khó khăn không chỉ với các bạn sinh viên, giảng viên mà cả với mọi người dân Israel. Các điều phối viên đã đến tận nơi ở và các trang trại để gặp gỡ trực tiếp sinh viên, thường xuyên tổ chức các cuộc tư vấn online, hướng dẫn các sinh viên về các quy định và kỹ năng an ninh an toàn, tìm hầm trú ẩn.

Tiếp xúc với sinh viên Việt Nam, ông Ohayon rất ngạc nhiên khi thấy các sinh viên đều thể hiện sự trưởng thành trong suy nghĩ. Ông nói: “Khi nổ ra cuộc chiến tại Gaza, đây là quãng thời gian khó khăn nhất đối với trung tâm chúng tôi. Có lúc chúng tôi muốn dừng lại. Nhưng chính các em đã truyền thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục chương trình học tập”. Ông Ohayon cho biết thêm ông có thiện cảm với các sinh viên đến từ Việt Nam bởi tính cách dễ mến, không ồn ào và thể hiện nét văn hóa có chiều sâu. Các sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá tốt bởi các giảng viên và các chủ trang trại nơi các sinh viên đến thực tập. Cá nhân ông Ohayon mong muốn năm tới sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam đăng ký thực tập để trung tâm Agrostudies có thể chia sẻ nhiều hơn nữa các kinh nghiệm và kiến thức trong phát triển nông nghiệp.

Tu nghiệp sinh Nguyễn Thị Cẩm Tú, sinh viên Đại học Vinh, chuyên ngành Nông học, tâm sự: Khi tham gia chương trình tu nghiệp sinh tại Israel, ngoài thời gian học ở trường em được thực tập tại trang trại. Em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệp và tiếp cận được các công nghệ cao của Israel. Hôm nay em được nhận chứng chỉ tốt nghiệp, hy vọng sau khi về Việt Nam sẽ áp dụng những gì học hỏi được để góp phần vào phát triển bản thân và đóng góp cho nền nông nghiệp nước nhà.

Cùng tốt nghiệp khóa đào tạo và thực tập 10 tháng lần này, ngoài 39 sinh viên của Việt Nam còn có hơn 400 sinh viên đến từ các quốc gia khác như Lào, Campuchia, Zambia, Tanzania, Philippines…

 

 

TRỘM 3.200 QUẢ LÊ, MỘT THANH NIÊN NGƯỜI VIỆT BỊ BẮT TẠI NHẬT

Trong tháng này, một nam giới Việt Nam đã bị bắt vì ăn trộm khoảng 3.200 quả lê ở thành phố Kasama, tỉnh Ibaraki.

Theo cảnh sát, nghi phạm người Việt Nguyen Xuan Tu (?) bị tình nghi ăn trộm khoảng 3.200 quả lê trước mùa thu hoạch trị giá 870.000 yên từ một vườn lê ở thành phố Kasama trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 2 tháng này.

Khi cảnh sát và những người khác đột kích vào cơ sở nơi đối tượng đang sống, họ tìm thấy khoảng 1.800 quả lê trong gara.

Hóa đơn giao hàng tận nhà cũng được tìm thấy trong gara, và đối tượng cũng thừa nhận cáo buộc, nói rằng: “Tôi đã rao bán cho những người trong cộng đồng người Việt trên mạng xã hội”.

 

Nguồn: Người Đưa Tin; Vnexpress; Thời Đại; LocoBee

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang