Người Việt hải ngoại: Du học sinh & chính sách nhập cư của Trump; Giáo sư trẻ tại Pháp; Cách thực tập sinh tìm việc ở Dubai

DU HỌC SINH NÓI GÌ VỀ CHÍNH SÁCH NHẬP CƯ CỦA ÔNG TRUMP?

Nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ lo lắng về việc gia hạn visa hoặc ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp nếu như Tổng thống Donald Trump thắt chặt quy định nhập cư.

Sau khi đắc cử tổng thống, Tổng thống Donald Trump dự kiến huy động hàng loạt cơ quan thuộc chính phủ liên bang để thực hiện lời cam kết "tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử".

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có những tác động sâu rộng đến nước Mỹ và thế giới nói chung, đồng thời có thể ảnh hưởng đến dòng sinh viên quốc tế đến nước này học tập.

Du học sinh lo lắng đủ điều

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phương Nhi (sinh viên năm 3, Đại học Ohio Wesleyan) cho biết đã nghe đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phát động chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử Mỹ khi trở lại Nhà Trắng.

Nhi cho biết bản thân đang ở trên nước Mỹ hợp pháp nên không quá lo lắng về điều này. Tuy nhiên, nữ sinh ái ngại hơn về không khí, cách người dân Mỹ đối xử với người nhập cư sau khi ông Trump lên nắm quyền.

“Mình thấy không khí trở nên căng thẳng hơn và ít an toàn hơn khi ông Trump đắc cử”, Nhi nói.

Theo nữ sinh, hiện tại, một số người bạn của cô - là người da màu - có phần bị bạn bè trong lớp cô lập. Những người này phần lớn là người da trắng. Bên cạnh đó, các sinh viên người da màu thường “bị bỏ qua” khi tham dự sự kiện kết nối, thường bị đối xử lạnh nhạt hơn so với người da trắng.

“Trước khi ông Trump đắc cử, tình trạng này vẫn có nhưng ít. Còn hiện tại, người ta công khai phân biệt. Lý do có thể đến từ thái độ của ông Trump đối với dân nhập cư”, nữ sinh nói.

Ngoài ra, với dự định ở lại Mỹ làm việc sau khi hoàn thành chương trình học vào năm sau, Phương Nhi cũng ái ngại trước tương lai bất định.

Theo Nhi, việc chuyển visa sang H-1B (thường được cấp để các lao động trình độ cao người nước ngoài ở lại Mỹ làm việc nhiều năm) vốn đã khó, sắp tới có thể khó hơn. Nhi lấy ví dụ chính sách thuế quan đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc có thể khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ bị siết chặt nguồn vốn, từ đó cắt giảm ngân sách thuê du học sinh sau khi tốt nghiệp.

Không đến mức phải sống trong lo lắng khi nhiều người bạn da màu bị cô lập như Phương Nhi, nhưng M.K., du học sinh năm 3 tại bang California, cũng khá bận tâm về những chính sách nhập cư mà ông Donald Trump áp dụng cho Mỹ khi lên làm tổng thống.

Bản thân K. là du học sinh, được nhận học bổng 75% tại trường. Nữ sinh lo sau khi ông Trump nắm quyền, học phí đại học cùng các loại phí khác có thể tăng vì trường đại học có thể bị cắt giảm tài trợ, các loại học bổng, chính sách, quyền lợi dành cho sinh viên, du học sinh cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, K. cũng lo du học sinh sẽ “hẹp cửa”, thiếu cơ hội tìm việc trong các lĩnh vực đặc thù và hot ở Mỹ như khoa học, công nghệ thông tin, y học… vì có thể, những chính sách mới của ông Trump sẽ ưu tiên cho người Mỹ thay vì người nhập cư hoặc du học sinh mới tốt nghiệp.

“Lo thì lo vậy, nhưng mình vẫn cứ cố gắng học hành tốt nhất có thể, ít nhất là hoàn thành chương trình đại học rồi lại tính tiếp. Mình tin rằng dù khắt khe đến đâu, Chính phủ Mỹ cũng sẽ không đến mức chặn đường phát triển của người tài”, K. chia sẻ.

Nỗi lo của du học sinh không phải không có cơ sở. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2016-2020, nước Mỹ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng sinh viên quốc tế, cụ thể là 12%. Tỷ lệ từ chối gia hạn visa H-1B cũng tăng từ 3% lên 12% trong thời gian ông Trump làm tổng thống, theo Forbes.

Các trường đại học cũng đưa ra số liệu tương tự. Vào năm 2018, New York Times cho biết gần 40% trường đại học ở Mỹ ghi nhận sự sụt giảm chung về lượng đơn đăng ký của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ Trung Đông, Trung Quốc.

Sự sụt giảm này có liên quan đến lệnh cấm 3.0 khét tiếng của ông Trump, bao gồm sự hạn chế quyền tiếp cận học tập tại Mỹ đối với sinh viên đến từ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen, Triều Tiên và Venezuela, cùng với đó là tình trạng từ chối visa đối với sinh viên Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các chính sách của ông Trump cũng kêu gọi thẩm định visa chặt hơn, bao gồm việc kiểm tra lý lịch và phỏng vấn người nộp đơn. Các chuyên gia giáo dục nhận định biện pháp này có thể gây ra sự chậm trễ trong việc phê duyệt visa, thậm chí ngăn cản một số sinh viên đến Mỹ học tập. Lịch sử này có thể lặp lại khi ông Trump tái đắc cử vào năm 2024.

Nỗi lo “hẹp cửa” làm việc ở Mỹ mà M.K. đề cập cũng là điều có thể thấy thông qua những chính sách của ông Trump. Công ty luật Jeelani Law Firm - chuyên về luật nhập cư tại Mỹ - nêu rằng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) rất quan trọng đối với giáo dục đại học Mỹ, trong đó sinh viên quốc tế đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, sáng kiến “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Trump có thể hạn chế cơ hội cho sinh viên STEM quốc tế.

Vẫn có điểm sáng

Lạc quan hơn, Lê Nguyên (sinh viên năm nhất tại Berea College) cho rằng chính sách siết nhập cư của ông Trump không ảnh hưởng nhiều đến nam sinh. Nếu có, nó sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các bạn đang có ý định du học Mỹ hoặc sinh viên năm 3-4 dự tính ở lại Mỹ làm việc sau khi hoàn thành việc học, bởi ông Trump có thể siết chặt quy định về visa H-1B.

“Hiện tại, mình đang là sinh viên năm nhất. Khi mình ra trường, có lẽ ông Trump đã hết nhiệm kỳ”, Nguyên nói.

Trong khi đó, Phương Nhi cho rằng nhiều tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử có dấu hiệu khả quan với du học sinh.

Cụ thể, ông Trump từng đề xuất mọi sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học 2 và 4 năm nên được tự động cấp thẻ xanh để được ở lại Mỹ.

Thẻ xanh, hay thẻ thường trú, cho phép người sở hữu có thể sống và làm việc lâu dài tại Mỹ, đồng thời là con đường dẫn tới việc được cấp quyền công dân Mỹ.

Chiến dịch tranh cử của ông sau đó cho biết nếu đắc cử trở lại, ông sẽ cấp thẻ xanh sau khi thực hiện "quá trình sàng lọc kỹ lưỡng nhất trong lịch sử Mỹ", "những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cao nhất có thể đóng góp đáng kể cho nước Mỹ" mới được ở lại.

“Nếu có thẻ sinh, mình sẽ được ưu tiên hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm, vì nhiều công ty không tài trợ/không tuyển du học sinh sau khi tốt nghiệp”, Nhi nói.

Hiện tại, chưa thể chắc chắn được về các các kế hoạch của ông Trump sẽ đến đâu, Nhi cho hay bản thân cố gắng tập trung vào việc học để giữ thành tích. Sau khi ra trường, nếu không tìm được việc tại Mỹ, Nhi dự tính sẽ nộp hồ sơ học thạc sĩ.

 

 

NHÀ KHOA HỌC TRẺ NGƯỜI VIỆT ĐƯỢC PHONG HÀM GIÁO SƯ TẠI PHÁP

GS TS Nguyễn Nhật Nguyên đã vượt qua 4 vòng thi đầy thử thách để trở thành Nhà Khoa học trẻ nhất Việt Nam được Nhà nước Pháp phong hàm Giáo Sư.

Bảng vàng thành tích

Giáo sư, Tiến Sĩ Nguyễn Nhật Nguyên là một trong những gương mặt xuất sắc của cộng đồng người Việt tại nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học.

Anh sinh năm 1989 (tên Pháp gọi là Arthur Nguyên) quê ở phường 7, TP Tuy Hòa, Phú Yên. Vào tháng 6/2024, anh đã vượt qua 4 vòng thi cam go chính thức được nhà nước Pháp phong hàm Giáo sư cấp Quốc gia ngành Khoa học quản trị. Trước đó 3 năm, khi chỉ mới 30 tuổi anh cũng được nhà nước Pháp phong hàm Phó Giáo sư.

Hiện, GS Nguyễn Nhật Nguyên đang là giáo sư ngành Khoa học quản trị tại Học viện Kinh doanh của Rouen (IAE de Rouen) - một trường kinh doanh hàng đầu của Pháp trực thuộc Trường ĐH Rouen Normandie nổi tiếng.

Anh giữ cương vị Giám đốc của hai chương trình là: Thạc sĩ chất lượng cao ngành Kinh doanh quốc tế và cử nhân năm 3 ngành Quản trị và kinh doanh toàn cầu. Ngoài ra, GS Nguyên còn là thành viên thuộc hội đồng Khoa học cấp trường.

Được biệt, GS, TS Nguyễn Nhật Nguyên tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh với bài nghiên cứu đạt điểm cao nhất đã giúp anh nhận học bổng Thạc sĩ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF).

27 tuổi anh đã nhận được tấm bằng Tiến Sĩ danh giá. GS Nguyễn Nhật Nguyên trở thành giảng viên hợp đồng của trường cũ - Trường Đại học Lille 2.

Sau đó, anh được nhận vào trường Trường Đại học công lập Jean Moulin Lyon III giảng dạy và được nhà nước Pháp phong hàm Phó Giáo sư khi chỉ mới 30 tuổi.

Nỗ lực cống hiến

GS TS Nguyễn Nhật Nguyên không chỉ là niềm tự hào của cá nhân anh mà còn là biểu tượng cho trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Hành trình từ một sinh viên cử nhân tại Việt Nam đến học giả trẻ nhất được phong hàm Giáo sư tại Pháp là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ và niềm đam mê học thuật mãnh liệt.

Hoạt động nghiên cứu của GS Nguyễn Nhật Nguyên xoay quanh ba chủ đề chính là văn hóa tiêu dùng ở các nước đang phát triển, toàn cầu hóa và cuối cùng là chiến lược thương hiệu quốc gia.

Một trong những ngữ cảnh đặc biệt mà anh sử dụng trong nghiên cứu là từ phim ảnh và âm nhạc Hàn Quốc. Từ đây, anh đã khai thác sâu các khía cạnh như: Văn hóa tiêu dùng của giới trẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và đổi mới, chiến lược thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc thông qua làn sóng Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) và các chiến lược xuất khẩu văn hóa của các công ty giải trí Hàn Quốc không chỉ tại Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á và châu Âu.

Với tinh thần học hỏi không ngừng và sự gắn bó sâu sắc với quê hương, ông đã và đang mang những giá trị của văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước.

Hiện tại, GS Nguyễn Nhật Nguyên vẫn thường xuyên di chuyển giữa Pháp và Việt Nam để thực hiện các chương trình giảng dạy và nghiên cứu. Các công trình của ông tập trung vào thị trường 2 nước, dù khác biệt nhau nhưng cũng bổ trợ cho nhau.

GS Nguyễn Nhật Nguyên cũng không ngừng nỗ lực để lan tỏa tri thức và hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam. Với tư cách là Phó Giáo sư tại Đại học Jean Moulin Lyon III và Giám đốc một số chương trình thạc sĩ, anh đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên Việt được tiếp cận với các chương trình học tập chất lượng cao tại Pháp với mức học phí phải chăng.

Bên cạnh đó, anh tham gia xét duyệt học bổng Eiffel – một trong những học bổng danh giá nhất của Pháp, giúp mở ra cơ hội cho những tài năng trẻ Việt tiếp cận với môi trường học thuật quốc tế.

 

 

DU HỌC SINH & KINH NGHIỆM TÌM VIỆC Ở DUBAI

Nhận định thị trường châu Âu và Mỹ ngày càng khó khăn, Tiến Đạt tìm đến Dubai và trúng tuyển vào một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới.

Đinh Tiến Đạt, sinh năm 2002, bắt đầu công việc với vị trí chuyên viên tại Công ty tư vấn chiến lược doanh nghiệp Whiteshield chi nhánh Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), từ đầu tháng 10.

Đạt là cựu học sinh lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An. Cách đây 4 năm, Đạt trúng tuyển học bổng toàn phần ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Tài chính tại Đại học IE, Tây Ban Nha. Đây là một trong những trường kinh doanh hàng đầu châu Âu, top 10 thế giới về đào tạo MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh).

Từ năm thứ tư, Đạt đã gửi hơn 200 đơn xin việc tại Mỹ, Singapore, Hà Lan, Dubai. Nhờ vậy, Đạt đúc rút cho mình một số kinh nghiệm.

Lựa chọn thị trường làm việc

Khi tìm hiểu các thị trường việc làm, Đạt nhận thấy dù được trả lương cao, người lao động ở Mỹ cũng chịu thuế thu nhập cá nhân cao, lên tới 30-40%. Ngoài ra, người nước ngoài muốn làm việc ở Mỹ phải được công ty bảo lãnh visa làm việc H1B, thời hạn 5 năm. Theo quy định, Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ quay xổ số để chọn người nhận visa trong tổng số đơn đăng ký, tỷ lệ đậu năm 2024 chỉ 14,6%.

"Đây là rủi ro mà các công ty thường né tránh, trừ khi bạn phải thật xuất sắc", Đạt nhận định.

Với thị trường châu Âu, Đạt thấy thường ưu tiên ứng viên ngành kỹ thuật, khoa học máy tính và phần lớn dùng tiếng bản địa để làm việc. Còn ở Singapore, chàng trai đánh giá khó xin việc vì chính phủ nước này có động thái hạn chế lao động nước ngoài từ năm 2021.

Vì thế, Đạt nhận thấy Dubai khá mới mẻ, cởi mở về thị thực làm việc và trả lương cao mà không đánh thuế.

"Các công ty cũng thường chuộng học sinh trường top từ châu Âu và Mỹ, nên mình có lợi thế", Đạt nhìn nhận.

Để tìm được việc đúng ngành, Đạt tìm trực tiếp trên website của các công ty, sử dụng dịch vụ hỗ trợ việc làm tại trường, mạng xã hội LinkedIn và tham dự các cuộc thi sinh viên. Nhờ chiến thắng trong một cuộc thi do Whiteshield tổ chức hồi năm thứ tư đại học, Đạt được vào thẳng vòng phỏng vấn của công ty này.

Lượng hóa hồ sơ năng lực (CV)

Đạt cho biết quy trình tuyển dụng của các công ty lớn thường kéo dài 3-6 tháng, bao gồm ba vòng, gồm xét hồ sơ năng lực, kiểm tra tư duy và phỏng vấn.

Chàng trai 22 tuổi nói thường trình bày CV đơn giản, chú ý lượng hóa các công việc đã làm bằng các con số. Ví dụ, khi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp về tư vấn du học, Đạt viết "tổ chức webinar hỗ trợ 300 học sinh Việt nộp hồ sơ du học", thay vì "hỗ trợ học sinh Việt nộp hồ sơ du học".

"Lượng hóa giúp công ty hiểu mình đã có kết quả và tạo tác động như thế nào", Đạt chia sẻ.

Trong vòng kiểm tra tư duy, Đạt thấy đa phần công ty có câu hỏi giống nhau như phân biệt hình ảnh, toán, kỹ năng đọc văn bản và xử lý về tình huống đạo đức. Nhờ thường luyện phần này và thi thử trên các website chuyên môn, Đạt tự tin vượt qua vòng này.

"Bài thi khá khó nên cần làm cẩn thận, là vòng quyết định ứng viên có được phỏng vấn hay không", Đạt nói.

Xây dựng hình ảnh phù hợp với công việc

Vòng phỏng vấn thường chia thành hai giai đoạn: phỏng vấn độ phù hợp với công ty và năng lực chuyên môn. Ở phần đầu, chàng trai nhận thấy việc xây dựng hình ảnh ứng viên phù hợp với tính chất công việc thông qua kinh nghiệm là chìa khóa thành công.

"Mình làm công việc tư vấn học bổng du học, giải quyết khó khăn trong nội bộ, cũng khá tương thích với tính chất công việc tư vấn tại Whiteshield", Đạt nói, cho biết đã áp dụng công thức "chia sẻ câu chuyện/ vấn đề từng gặp + cách giải quyết + kết quả" khi trả lời câu hỏi tuyển dụng.

Ví dụ, khi được hỏi về cách giải quyết mâu thuẫn giữa đồng nghiệp, Đạt trình bày về kinh nghiệm hòa giải mâu thuẫn giữa nhân sự của công ty, từ đó giúp tăng cường sự hợp tác, cải thiện tình hình kinh doanh.

"Mình gắn chặt câu trả lời với giá trị, định hướng của công ty, một cách cụ thể, vì nếu chung chung sẽ thể hiện sự thiếu hiểu biết và nghiên cứu", Đạt chia sẻ.

Còn trong vòng phỏng vấn chuyên môn tại Whiteshield, Đạt được yêu cầu đề xuất cách đa dạng hóa nền kinh tế mà không phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo Đạt, đây là vòng thử thách nhất vì ứng viên phải trình bày kế hoạch ngay, không có thời gian chuẩn bị.

"Vòng này đánh giá cao ứng viên ở cách hỏi lại người phỏng vấn, sử dụng số liệu rồi lên khung sườn cho chiến lược", Đạt nói, nhận định hội đồng sẽ quan tâm đến cả tính sáng tạo kế hoạch, bên cạnh sự phù hợp và khả năng thực thi. "Mấu chốt của vòng này là cách đặt câu hỏi đúng để khai thác nhiều thông tin, thể hiện khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề, vốn cực kỳ quan trọng trong ngành tư vấn".

Để làm tốt, Đạt thường xuyên luyện tập phỏng vấn với các anh, chị từng làm việc ở Whiteshield nhờ mạng lưới cựu học sinh của trường và tìm kiếm trên LinkedIn.

Đạt cho rằng sinh viên mới ra trường không có nhiều kinh nghiệm, do đó không nên kén chọn công việc, nắm được thế mạnh của mình và tận dụng các mối quan hệ để có cơ hội mới.

"Các công ty cũng không yêu cầu năng lực giỏi ngay từ đầu, mà họ cần những người tư duy tốt, có khả năng nghiên cứu thị trường và chứng minh bản thân đã có những trải nghiệm liên quan với tính chất công việc mà các bạn nộp hồ sơ", Đạt đúc kết.

 

Nguồn: Dân Việt; CafeF; Vnexpress

Xem thêm:
Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang