Người Việt hải ngoại: Đón Tết xa xứ; Lễ chùa đầu năm tại Lào; Đón Tết ở Đức; Mùa đông đặc biệt ở EU; Tiến sĩ nhận giải ở Úc

NGƯỜI VIỆT ĐÓN TẾT XA XỨ: CÁI GÌ CŨNG CÓ, CHỈ THIẾU GIA ĐÌNH

(Ảnh minh hoạ).

Với những người Việt xa quê, việc trở về với gia đình những ngày cuối năm, cùng nhau sum họp và chuẩn bị cho một mùa Tết rộn ràng có lẽ là điều được mong chờ nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn ấy. Khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế, công việc và học tập còn dang dở và nhiều mối lo khác khiến họ đành bỏ lỡ “chuyến bay quê” mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Vì vậy, đối với người Việt xa xứ, Tết Nguyên đán cũng là thời khắc họ cảm thấy nhớ nhà da diết, mong mỏi những ngày tháng sum họp bên gia đình và bạn bè.

Nhớ thương hương vị Tết quê nhà

Dù đã 10 năm chưa về Việt Nam đón Tết nhưng anh Tạ Thanh Sơn đang sống và làm việc tại Hamburg, Cộng hoà liên bang Đức vẫn không tránh khỏi cảm giác chạnh lòng bởi Tết cổ truyền là thời gian đoàn viên. Do đó, đối với những người con xa quê như anh Sơn không thể tránh được cảm giác tủi thân và nhớ hương vị Tết quê nhà.

Tuy không thể cùng ba mẹ đón dịp lễ quan trọng nhất trong năm, nhưng gia đình nhỏ của anh Sơn vẫn cố gắng chuẩn bị mâm cơm tất niên tươm tất nhất có thể, mang đậm hương vị của mâm cơm Tết Việt với những món ăn như bánh chưng, xôi gà, thịt heo luộc, giò, chả nem…

“Dù ở phương xa đón Tết có đầy đủ, tươm tất như thế nào thì vẫn thiếu một điều quan trọng nhất của Tết Việt là được ở cùng ba mẹ và những người thân khác trong gia đình”, anh Sơn trải lòng.

Dù thường xuyên liên lạc với gia đình, nhưng anh Sơn cho biết cảm giác gọi điện chúc Tết vào đúng giao thừa luôn mang lại ý nghĩa đặc biệt. Thời gian ở Đức chậm hơn Việt Nam 6 tiếng và đôi khi bận đi làm, nhưng anhvẫn cố gắng tranh thủ gọi về nhà vào đúng khoảnh khắc bước sang năm mới.

Năm nay, dịp Tết rơi vào ngày cuối tuần nên gia đình của anh Sơn và những người bạn Việt Nam đang sống tại Đức có nhiều thời gian hơn để tụ họp, quây quần cùng nhau bên mâm cỗ truyền thống.

Anh Sơn chia sẻ, vào những năm trước, mọi người ở Đức thường phải đi làm vào dịp Tết âm lịch nên thời gian để chuẩn bị cho dịp lễ này rất ít. Không khí cũng không được vui vẻ trọn vẹn vì mọi người không có thời gian để tới thăm hỏi và chúc Tết.

Sang đến năm nay, mọi người đều có thời gian chuẩn bị nên không khí đón Tết cũng trở nên vui hơn. Qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm nay, việc đi lại và cuộc sống đã trở lại bình thường, giúp cho những người Việt xa xứ dễ dàng sum họp bên nhau.

Đón Tết không đâu ấm áp bằng ở nhà

Tròn 4 năm rời Việt Nam ra nước ngoài sinh sống và học tập, bao năm không được đón Tết cùng gia đình nhưng Nguyễn Thị Yến Diệu, du học sinh tại Trường Đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) vẫn nhớ như in không khí đầm ấm của Tết cổ truyền.

Những năm còn ở Việt Nam, việc dọn dẹp nhà cửa ngày cận Tết, phụ mẹ nấu nướng mâm cơm ngày Tết đôi khi như một áp lực. Tuy nhiên, “giờ đây, mình lại thèm cảm giác được phụ giúp gia đình những ngày giáp Tết, cũngnhư sum vầy bên người thân trong thời khắc Giao thừa”, Diệu tâm sự.

Diệu cho biết, dù tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc được nới lỏng hơn so với hai năm dịch bệnh, nhưng vì kẹt lịch học tập và việc di chuyển cũng còn khó khăn. Vì vậy, năm nay, cô gái này vẫn chưa thể về quê đón Tết cùng gia đình.

Sống tại tỉnh Hắc Long Giang – nơi có khí hậu lạnh nhất Trung Quốc, đỉnh điểm cao nhất gần lạnh dưới 30 độ – càng khiến những du học sinh như Diệu càng thêm nhớ quê hương.

Dù ở Trung Quốc, Diệu vẫn được xem bắn pháo hoa vào dịp Tết, mang đến không khí vui tươi, nhộn nhịp nhưng đối với cô gái này, không đâu bằng ở nhà bởi chỉ cần ở cạnh những người thân yêu thì ngày thường cũng vui như Tết.

“Không được ăn Tết cùng gia đình, mình cảm thấy buồn và tủi thân. Bởi vào dịp Tết, nhóm bạn bè tụ tập rủ nhau đi ăn uống, đón năm mới; sau đó ai về nhà nấy. Nhiều lúc lướt mạng xã hội thấy người thân, bạn bè ở quê đăng ảnh đi chơi, đi chúc Tết, còn mình ở nơi đất khách cũng chạnh lòng”, Diệu trải lòng.

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, năm nay, Diệu cùng các bạn du học sinh Hàn Quốc, Mông Cổ đã hẹn nhau tụ họp để làm bữa cơm tất niên vào ngày 21-1 (nhằm ngày 30 Tết âm lịch). Mọi người vừa ăn uống vừa kể cho nhau nghecái Tết truyền thống ở đất nước mình. Sau đó, tiết mục không thể thiếu vào đêm 30 Tết là đón xem Táo quân – chương trình vô cùng ý nghĩa đối với người con đón Tết xa nhà, không được ở bên gia đình.

Nhớ nhà, thèm bánh chưng Tết

Lần đầu tiên xa quê hương, Phạm Thuỵ Ngọc Diệp (22 tuổi) hiện đang là du học sinh Việt tại Anh, chia sẻ khi vừa bước đến vùng trời mới, may mắn cho bản thân là nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của bạn bè nên Diệp có thể cân bằng mọi thứ nhanh chóng.

Vào dịp Tết Nguyên đán này, Diệp vẫn có theo lịch học ở trường nên sau giờ học, cô gái này mới có thể gọi điện về cho gia đình để phần nào vơi đi cảm giác cô đơn ở xứ người.

Bên cạnh đó, “vì rất thèm bánh chưng nên tôi sẽ cố gắng mua một số đồ ăn Việt, trong đó có giò, chả nem, bánh chưng… để cùng quây quần cùng với một số người bạn đồng hương, gợi lại hương vị Tết Việt”, Diệp cho biết.

Gác lại những nỗi buồn tủi vào dịp Tết Nguyên đán 2023, Diệp tự an ủi bản thân rằng, học tập nơi xứ người là cơ hội. Đó là những trải nghiệm giúp bạn trẻ trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống.

Xa nhà, xa bố mẹ nhưng Diệp đã có thể tự lập, tự lo cho bản thân. Đây là điều giúp bố mẹ của cô gái này phần nào yên tâm và tự hào về người con của mình. Bước sang năm 2023, Diệp hy vọng bản thân sẽ cố gắng hoàn thành chương trình học tập để về nước, đoàn tụ cùng những người thân yêu trong gia đình.

(Nguồn: The Saigon Times)

LỄ CHÙA ĐẦU NĂM, NÉT VĂN HÓA CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI LÀO

Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống hình thành từ lâu mà còn là dịp để bà con truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, cộng đồng người Việt đang làm ăn, sinh sống tại thủ đô Vientiane, Lào, lại tập trung về các ngôi chùa Việt, trong đó có chùa Phật Tích, một trong hai ngôi chùa Việt lớn nhất tại thủ đô đất nước Triệu Voi để thắp hương, lễ Phật và cầu những điều may mắn đến cho bản thân và gia đình.

Số lượng người đến lễ chùa năm nay có giảm hơn so với những năm trước là do sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, cộng đồng người Việt Nam tại Lào nhiều người đã trở về quê hương sum họp với gia đình để đón Tết cổ truyền.

Ngay từ sáng sớm, cũng giống như bao gia đình Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, bà Nguyễn Thị Tân, một Việt kiều có gần 30 năm sinh sống tại Lào, có mặt ở chùa để thắp hương lễ Phật.

Bà cho biết theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, dù đi đâu bà cũng nhớ về nguồn cội, cho nên năm nào cũng vậy cứ đến ngày này là bà lại đến chùa thắp hương, lễ Phật để cầu cho gia đình và mọi người thân xung quanh một Năm mới sức khỏe, bình an và vạn sự như ý.

Cũng có mặt ở chùa từ sáng, chị Khala Xaphaso, 27 tuổi, cùng với các thành viên trong gia đình tới chùa để thắp hương, lễ Phật.

Chị Khala Xaphaso chia sẻ: “Mỗi năm ngày đầu Xuân Năm mới ngày mùng 1 Tết là cả gia đình chúng tôi hay ra chùa để lễ và xin cầu phúc cho gia đình được an khang, thịnh vượng và có thật nhiều hạnh phúc.”

Thầy Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật tích thủ đô Vientiane cho biết, mỗi dịp Tết đến Xuân về là mọi người lên chùa lễ Phật. Đây là một cái nét văn hóa đã có từ ngàn đời nay của dân tộc. Theo Thầy, đầu năm đến chùa hướng tâm về điều thiện thì mọi người sẽ được hạnh phúc cả năm.

Đối với mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, mà còn là dịp để bà con trao truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

(Nguồn: Quê Hương Online)

NGƯỜI VIỆT ĐÓN TẾT Ở ĐỨC, RƯNG RƯNG NHỚ ĐỒNG HƯƠNG CÙNG GÓI BÁNH CHƯNG Ở UKRAINE

(Ảnh minh hoạ).

Với những người Việt phải rời Ukraine lánh nạn vì chiến sự Nga - Ukraine, họ đã cố gắng thích nghi với hoàn cảnh mới. Ở chỗ mới, mâm cơm tất niên dù không được tươm tất như khi ở Ukraine nhưng ai nấy đều hy vọng năm mới may mắn, bình an.

Không quên cúng tất niên

Bà Vũ Thương Giang (52 tuổi) sang Ukraine sinh sống và làm việc cách đây hơn 30 năm. Tháng 3.2022, tình hình giữa Ukraine và Nga trở nên căng thẳng, bà phải di tản sang Đức, bắt đầu cuộc sống mới với nhiều khó khăn, thử thách. Đây là năm đầu tiên bà đón tết xa quê hương thứ hai vì vẫn chưa thể quay lại Ukraine.

Bà tâm sự, cứ mỗi độ xuân về bản thân lại nhớ không khí gia đình, các thành viên quây quần cùng nhau đón năm mới. Bởi vậy, dù ở hoàn cảnh nào bà cũng luôn dành thời gian chuẩn bị cho con cái đón một cái tết cổ truyền ấm áp nhất, đầy đủ nhất trong khả năng có thể.

“Bất kể chiều 30 tết năm trước mình phải lên bàn mổ hay chiều 30 tết năm nay tôi và con gái đang phải ở một đất nước xa lạ, tôi vẫn cố gắng làm mâm cơm tất niên. Dù không đầy đủ, tươm tất như nhà ở Kiev, Ukraine nhưng tôi vẫn muốn thỉnh mời các bậc gia tiên và hương linh bố về cùng ăn bữa cơm chiều cuối năm, sau đó là hai mẹ con thụ lộc”, bà chia sẻ.

Cũng theo bà, bao nhiêu năm xa xứ nhưng bà luôn giữ nề nếp cổ xưa để con cái cảm nhận được cái tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc và hiểu được những nét đẹp trong văn hóa Việt. Tham gia chuẩn bị tết, con gái bà háo hức vô cùng.

Mâm cơm tất niên bà đặt lên bàn thờ có những món truyền thống ở Việt Nam như bánh chưng, nem rán, xôi… Bà đi chợ, chuẩn bị nguyên liệu và chế biến với tấm lòng thành kính.

“Năm nay vì tình hình chính trị với Nga căng thẳng, tôi và những người Việt Nam ở Ukraine phải đón tết nơi khác. Anh chị em, bạn bè phiêu bạt mỗi người một nơi, không thể tụ tập cùng nhau chuẩn bị gói bánh chưng hay rủ nhau đi chúc tết như trước, buồn và nhớ vô cùng. Chẳng ai có thể ngờ cuộc đời lại có những ngã rẽ bất ngờ đến thế”, bà tâm sự.

Thời gian này, cuộc sống thay đổi với nhiều bộn bề, lo toan, bà không có nhiều thời gian nhưng bà vẫn chuẩn bị đầy đủ các món ăn có hương vị Việt.

“Khép lại năm Nhâm Dần đầy biến động, đón năm mới Quý Mão, hy vọng khởi đầu một năm mới nhiều may mắn, tốt đẹp và bình an đến với mọi người. Chúc anh chị em bạn bè xa gần đón một năm mới mạnh khỏe, đoàn viên ấm áp và hạnh phúc”, bà chia sẻ.

“Luôn nhớ về nhau!”

Năm 1989, ông Hồ Sỹ Trúc rời quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Ukraine làm việc. Hơn 30 năm bôn ba, ông tạo dựng được cuộc sống ấm no, yên vui ở đây. Tuy nhiên, từ tháng 3.2022 khi chiến sự diễn ra, gia đình ông phải di tản sang Đức, ở nhờ nhà ở xã hội và tìm việc làm mới.

Sau gần một năm phải chia tay nhau vì xung đột, những ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão, người quen của ông đã lên tàu đi gần một ngàn cây số đến thăm ông và những anh em đồng hương trước đây ở Ukraine.

“Hôm gặp nhau dù thiếu mấy gia đình nữa nhưng vì điều kiện không cho phép nhưng cũng rất quý. Chúng tôi xúc động cùng nhắc lại những tháng ngày gian truân đã qua. Dù hiện tại nhóm người cùng sinh sống ở Ukraine đã mỗi người một nơi nhưng trái tim luôn hướng về nhau bằng tình cảm ấm áp, chân thành của khoảng thời gian sống ở Kiev”, ông cho hay.

Năm qua, ông đã trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống ở đất nước mới khi đi lánh nạn. Ông luôn trân quý khoảng thời gian trước và mong anh em đồng hương người Việt trước ở Ukraine luôn giữ kết nối bền chặt.

“Năm mới đến, tôi chúc mọi người luôn may mắn, bình an, hạnh phúc, thích nghi dần với hoàn cảnh mới, cuộc sống mới ở khắp mọi miền”, ông chia sẻ.

(Nguồn: Thanh Niên)

MÙA ĐÔNG ĐẶC BIỆT NHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT Ở CHÂU ÂU

Giá năng lượng đắt đỏ, lạm phát tăng kéo theo thu nhập giảm, nhưng người Việt ở châu Âu đều giữ suy nghĩ lạc quan và dần thích nghi với những biến động chưa từng có.

4 giờ sáng, anh Karel Khải, một người Việt sinh sống ở Đức đã 30 năm, bắt đầu một ngày bằng việc thêm củi vào lò sưởi để giữ các phòng ngủ luôn ấm. Đây là việc anh phải làm mỗi buổi sáng kể từ sau đợt tuyết rơi đầu mùa ở Đức vào cuối tháng 11/2022. Nhiệt độ trung bình ngoài trời khoảng -8 độ C. Không ai muốn rời khỏi chiếc chăn ấm của mình, nhưng ngày làm việc mới của anh phải bắt đầu vào lúc 5 giờ.

“Tối chỉ đốt tới lúc đi ngủ, đến sáng nhiệt độ trong nhà xuống khoảng 13 - 15 độ C nên phải đốt thêm củi từ sớm thì nhà mới ấm đến lúc cả nhà dậy. Sưởi củi nó vất vả hơn nhiều so với dùng khí đốt hay điện. Tôi đã mua tích trữ củi từ đầu năm và đủ dùng đến tận năm 2024”, anh Khải chia sẻ.

Sự chuẩn bị đó không làm anh hết lo lắng về tương lai, khi cuộc khủng hoảng kép “năng lượng - lạm phát” có thể đẩy nước Đức và châu Âu vào một cuộc suy thoái chưa từng có.

Vượt qua cái lạnh trời Âu

Từ cuối năm 2021, khi COVID-19 dần được kiểm soát, hầu hết người dân châu Âu đều nghĩ kinh tế sẽ sớm phục hồi. Thế nhưng, những biến động địa chính trị trong khu vực vào đầu năm 2022 đã đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng mới. Việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn khiến nền kinh tế châu Âu nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng càng trở nên khó khăn.

Gia đình anh Khải gần một năm nay phải thay đổi dần những thói quen sinh hoạt hàng ngày khi giá năng lượng bắt đầu biến động. Để hạn chế chi tiêu và đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày như: nấu nướng, sưởi ấm, tắm rửa…, anh Khải quyết định chuyển sang sưởi và nấu một phần bằng củi - điều có vẻ xa lạ ở nước Đức.

“Khi trời ngày một lạnh hơn, giá củi cũng tăng mạnh. Giá củi gỗ thông tháng 12 năm nay tăng gấp 2,5 lần so với đầu tháng 1, mà gỗ lại tươi không thể dùng để sưởi ngay. Nhìn chung, đã lạm phát thì ở đâu cũng vậy, ảnh hưởng tới mỗi gia đình, mỗi con người, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, nơi sống... Thế hệ người Việt chúng tôi sinh sống ở đây 30 - 40 năm có cách vượt qua giai đoạn hiện tại khác đi”, anh Khải chia sẻ khi được hỏi về những vấn đề mà cộng đồng người Việt ở Đức đang phải đối mặt.

Cũng theo anh Khải, người Việt làm công ăn lương phải đi thuê nhà ở những thành phố lớn của Đức không nhiều. Lạm phát và giá năng lượng tăng tác động trực tiếp đến họ khi tiền thuê nhà tăng, tiền điện, lò sưởi tăng, tiền mua thực phẩm cũng tăng. Khó khăn là điều có thể thấy rõ.

Chị Phạm Việt Hà, một người Việt đang sinh sống cùng gia đình tại thành phố Rouen, miền bắc nước Pháp cho biết, cùng với những biến động ở châu Âu gần đây, gia đình chị đã có những điều chỉnh về chi tiêu, hạn chế tối đa những khoản không cần thiết. Đây cũng là cách của hầu hết người Việt ở Pháp, vì không biết đến khi nào kinh tế mới phục hồi.

Gia đình chị Hà cũng bắt đầu việc cắt giảm phí sinh hoạt từ thay đổi các hệ thống sưởi tiết kiệm hơn, trước khi mùa đông đến. “Chỉ một thời gian ngắn sau khi xảy ra khủng hoảng năng lượng, mình đã bắt đầu lo lắng về mùa đông năm nay. Trước đó nhà mình dùng lò sưởi dầu. Thông thường 1.000 lít giá khoảng 900 euro, nhưng từ tháng 3, giá đã tăng lên 600 euro cho mỗi 500 lít dầu. Việc dùng nhiều hay ít còn tùy thuộc vào thời tiết”, chị Hà nói.

Ở thành phố lớn như Rouen, sử dụng củi để sưởi là điều không thể, chưa nói đến việc không có đủ không gian cất trữ. Gia đình chị Hà quyết định chuyển sang sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống máy bơm nhiệt và hệ thống sưởi bằng nước nóng. Đây là phương án tốt nhất mà gia đình chị có thể thực hiện nếu muốn tiết kiệm chi phí sưởi ấm trong mùa đông năm nay.

Ngược về phía Đông Âu, anh Phong, một nghiên cứu sinh ở Budapest (Hungary) chia sẻ, dù giá khí đốt thế giới tăng mạnh nhưng nguồn cung năng lượng ở Hungary về cơ bản vẫn được đảm bảo hơn phần còn lại của châu Âu khi sử dụng đường ống dẫn khí từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Âu.

“Khi giá năng lượng biến động, chính phủ Hungary ngay lập tức có chính sách trợ giá về xăng dầu cho người dân. Tuy không kéo dài được lâu nhưng nó cũng hạn chế được một phần giá cả các mặt hàng khác leo thang”, anh Phong chia sẻ.

Giá điện và khí đốt không tăng quá nhiều nhưng được tính theo bậc, giá tăng lũy tiến theo mức tiêu thụ. Ngoài ra, giá điện, giá khí đốt dành cho sinh hoạt và kinh doanh cũng có cách tính khác nhau. Dù không phải quá suy nghĩ về vấn đề sưởi ấm cho mùa đông năm nay, gia đình anh Phong vẫn phải thay đổi chi tiêu khi đồng forint mất giá so với euro. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều người Việt đang học tập và làm việc tại Hungary.

Khi được hỏi về tác động của giá năng lượng tăng, anh Phong cho biết, ở Hungary, tiền điện được tính vào đầu tháng 1 hàng năm. Do đó, thời điểm hiện tại rất khó để nói về tác động của việc điều chỉnh giá. Hàng tháng, gia đình anh vẫn phải trả một mức cố định dựa trên mức trung bình của năm trước. Nếu nhu cầu sử dụng điện mùa đông lớn hơn thì rất có thể anh phải đóng thêm một khoản đáng kể cho tiền điện cả năm qua.

Mọi sự chuẩn bị đều có giới hạn và người Việt ở châu Âu phải dần học cách thích nghi với sự thay đổi. Đối với những người sinh sống lâu năm ở châu Âu như anh Khải, đây chưa phải giai đoạn khó khăn nhất, nhưng với những gia đình trẻ người Việt sống ở các thành phố lớn, việc thay đổi diễn ra chậm và mất nhiều thời gian hơn.

Người Việt giỏi xoay sở

Hầu hết người Việt ở Đức đều có thói quen chi tiêu đơn giản, chỉ tập trung mua nhà và đầu tư cho con cái nên có thể thích nghi mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, trước những biến động địa chính trị lớn ở châu Âu như vừa qua, cuộc sống có thể không thoải mái như trước.

“Một điểm mạnh của người Việt ở châu Âu là luôn có từ hai đến ba nguồn thu nhập. Cả hai vợ chồng tôi đều đang đi làm và có thêm một số nguồn thu nhập khác. Hầu hết người Việt mình đều làm từ một đến hai việc, không quán ăn thì tiệm làm móng, bán quần áo, vài nơi còn bán hoa, bán thực phẩm Á châu”, anh Khải nói.

Có thể thấy ngay khả năng xoay sở của người Việt qua câu chuyện tích trữ củi của anh Khải. “Trước tháng 2/2022, tôi cảm nhận sẽ có biến động lớn ở châu Âu nên quyết định đặt mua 3 xe củi, chất đầy sau vườn và bãi cỏ trước nhà, mặc cho vợ tôi càu nhàu. Hàng xóm và cả người bán đều tò mò hỏi tôi mua nhiều củi về để làm gì. Chỉ một tháng sau, khủng hoảng năng lượng diễn ra, cả giá điện và khí đốt đều tăng phi mã”, anh Khải nói.

Thời điểm anh Khải mua củi vào đầu năm, có khá nhiều lựa chọn và muốn mua củi nào cũng có, thậm chí người bán còn chở tới tận nhà. Ví dụ như củi Buche (cây dẻ), loại tốt nhất, cháy lâu và sạch, đầu năm 2022 chỉ 70 euro một khối, tới tháng 9 đã lên 235 euro, và hiện giờ, ở nhiều nơi bán củi, khách hàng muốn mua phải đặt trước, 5 - 6 tháng sau họ mới giao hàng.

Cũng theo anh Khải, nếu dựa vào trợ cấp của chính phủ Đức, nhiều gia đình chỉ có thể đủ tiền cho chạy máy sưởi điện/khí đốt trong một tháng, trong khi mùa đông năm nay đến trễ hơn và dự báo sẽ lạnh hơn nhiều so với mọi năm. Cách tốt nhất để vượt qua “cái lạnh” là dựa vào chính bản thân mình.

Đối với những người Việt đang kinh doanh ở châu Âu như chị Hà và anh Phong, khi giá nhập hàng hóa tăng lên theo từng ngày, việc tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi, nhưng luôn có cách hài hòa lợi ích của cả hai bên để giữ chân khách, nhất là trong dịp mua sắm cuối năm.

“Tình hình kinh doanh thời gian này chậm hơn trước rất nhiều. Hàng hóa đầu vào tăng cao, tôi phải tăng giá nhưng cũng không dám tăng nhiều vì sợ khách không quay lại. Sức mua giảm rõ rệt. Đúng lúc khó khăn nữa nên khách hàng càng dè chừng, mua ít đi”, chị Hà chia sẻ.

Mọi người động viên nhau để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như dần thích nghi với thời cuộc. Tất cả đều mong muốn có một năm mới khởi sắc hơn.

Khó khăn như vậy, nhưng anh Phong vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng đối với kinh tế châu Âu trong năm tới, nhất là khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, việc đi lại giữa các nước thuộc hiệp ước Schengen thuận tiện hơn.

“Với gia đình tôi, việc buôn bán có thể sẽ tốt hơn một chút so với giai đoạn đóng cửa do COVID-19. Khách du lịch đến Budapest cũng nhiều hơn trước. Tôi thì hay suy nghĩ theo hướng tích cực. Các cô chú người Việt ở đây cũng vậy, nhưng phải chờ thêm hai, ba tháng nữa xem tình hình thế nào. Chính sách hỗ trợ từ chính phủ Hungary cũng được kỳ vọng giúp nền kinh tế phục hồi”, anh Phong nói.

(Nguồn: VTC)

TIẾN SĨ NGƯỜI VIỆT NHẬN GIẢI GIẢNG DẠY XUẤT SẮC Ở NAM AUSTRALIA

(Ảnh minh hoạ).

Chị Ngô Tuyết Mai - người châu Á duy nhất đang dạy sư phạm tiếng Anh ở Đại học Flinders, bang Nam Australia, giành giải giảng dạy xuất sắc năm 2022 của đại học này.

Tiến sĩ Mai là giảng viên duy nhất của trường được trao giải hôm 8/12/2022, với những đổi mới về phương pháp dạy học kết hợp (hybrid) trực tiếp và trực tuyến. Giải thưởng có tính cạnh tranh, theo chị Mai, bởi hồ sơ của mỗi ứng viên được đề cử dày hàng chục trang, gồm kết quả giảng dạy, đánh giá của người học và đồng nghiệp, thư nhận xét của trưởng khoa và giám sát viên phụ trách giảng viên đó.

Trên website, Đại học Flinders đánh giá phương pháp sư phạm cá nhân hóa của tiến sĩ Mai kích thích sự tương tác và phản xạ của từng sinh viên, truyền cảm hứng và tác động đến họ để đạt được thành công trong học tập và việc làm. Giáo sư Kris Natalier, trưởng khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội - nơi chị Mai giảng dạy, đánh giá nữ giảng viên người Việt là một trong những nhà giáo tiêu biểu của trường. "Tiến sĩ Mai liên tục nhận được phản hồi xuất sắc từ sinh viên. Họ ghi nhận cách tiếp cận sáng tạo của cô ấy với nội dung giảng dạy", vị trưởng khoa cho biết.

Theo chị Mai, trước đây các lớp học trực tuyến và trực tiếp thường tách biệt. Chị đã thiết kế các tình huống và sử dụng công cụ công nghệ để học viên ở bất kỳ đâu cũng có thể đóng góp vào bài giảng và có trải nghiệm trong lớp học như nhau. "Dù học trực tuyến hay trực tiếp, sinh viên có thể trả lời câu hỏi, làm bài tập, tương tác với giảng viên và các bạn học khác", chị Mai nói.

Chị Mai cho biết giải thưởng rất có ý nghĩa với chị sau 6 năm làm việc tại đây. Đó là sự công nhận giá trị, nỗ lực và niềm đam mê của chị với việc giảng dạy tiếng Anh và ngôn ngữ học ứng dụng. Giải thưởng cũng cho chị niềm tin vào con đường đang theo đuổi, mang lại nhiều năng lượng, động lực và cảm hứng. "Nếu tôi có thể truyền cảm hứng cho học trò, thì tôi tin là họ cũng có thể truyền cảm hứng cho học sinh của họ. Vì vậy, tôi thấy như mình đang chạm vào không chỉ hàng trăm học viên trong khóa học mà thực tế có thể nhân số đó lên hàng chục hoặc hàng trăm lần", chị Mai chia sẻ. Năm ngoái, chị đã được trao giải thưởng giảng dạy xuất sắc của khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội.

Được truyền cảm hứng từ người mẹ là giáo viên và học tiếng Anh từ bố, tình yêu của chị Mai đối với ngôn ngữ và giảng dạy nảy sinh từ khi chị còn là một cô bé. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) năm 1989, chị giành học bổng Chính phủ Australia sang Đại học Sydney học thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh (TESOL) năm 1999. Nhiều năm sau đó, chị quay lại đây với học bổng tiến sĩ, sau tiến sĩ tại Đại học New South Wales. Chị Mai từng giữ chức trưởng khoa đại cương (nay là khoa tiếng Anh chuyên ngành) và Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế tại Đại học Hà Nội.

Sau nhiều năm giảng dạy tại Việt Nam, chị Mai muốn thử thách bản thân ở lĩnh vực đào tạo giáo viên trong môi trường đại học quốc tế. Năm 2017, chị nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí giảng viên ở một số trường đại học của Australia, trong đó có Đại học Flinders ở thành phố Adelaide, thủ phủ Nam Australia.

Chị Mai nói giữa hàng trăm hồ sơ gửi về Đại học Flinders, điểm sáng của chị là tốt nghiệp tiến sĩ Đại học New South Wales, một trong 8 đại học danh tiếng (G8) ở Australia, giành giải thưởng luận văn tiến sĩ xuất sắc với hai điểm A và có kinh nghiệm học tập, giảng dạy ở Mỹ, Anh, Bỉ và Australia. Theo chị Mai, ứng viên cần đưa ra những bằng chứng cụ thể cho thấy mình nổi bật và phù hợp. "Nếu từng hướng dẫn học viên cao học, bạn phải nêu rõ đã hướng dẫn ai, tốt nghiệp năm nào và về chủ đề gì, kết quả đạt được ra sao", chị Mai cho hay.

Sau vòng hồ sơ, chị vào vòng phỏng vấn cùng 7 ứng viên khác và trở thành người duy nhất được chọn. Hiện, chị Mai là giảng viên châu Á duy nhất dạy ngành Sư phạm tiếng Anh ở khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội của Đại học Flinders, cũng như ở Nam Australia.

Những ngày đầu đi dạy ở Đại học Flinders, chị Mai hào hứng nhưng cũng lo lắng. Nhờ chuẩn bị kỹ bài giảng và được sinh viên đón nhận, chị dần trở nên tự tin. Kinh nghiệm giảng dạy ở Việt Nam và quốc tế hơn 20 năm giúp chị nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Theo chị Mai, để dạy tốt, giảng viên cần soạn bài thật kỹ, suy ngẫm sau bài giảng để phát huy những mặt mạnh và điều chỉnh những điểm chưa tốt. Muốn vậy, giảng viên phải lấy người học làm trung tâm, tìm hiểu kỹ về họ để "may đo" nội dung cũng như cách tiếp cận sao cho vừa vặn. Cùng một môn học đã từng dạy ở Việt Nam, chị Mai phải tiếp cận và đưa ra ví dụ khác khi dạy cho các học viên đến từ nhiều quốc gia. Chị cũng học cách sử dụng nhiều phần mềm, gắn nội dung bài học vào trò chơi điện tử để sinh viên hứng thú và bị cuốn vào bài giảng.

"Đối với tôi, chơi là một nhiệm vụ học tập nghiêm túc", chị Mai nói. Theo chị, thay vì tập trung vào dạy, truyền tải thông tin một chiều, giảng viên cần tập trung vào hiệu quả học tập của học viên, thông qua việc thường xuyên đặt câu hỏi để khuyến khích họ suy nghĩ độc lập và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm có tính tương tác cao. Giảng viên phải cùng học tập với học viên, quan sát ánh mắt, biểu cảm gương mặt và sự hợp tác của họ. Chị Mai thường cho sinh viên làm những bài tập tình huống gần gũi với thực tế, từ đó áp dụng những gì được học. Để biết bài giảng của mình có được yêu thích và hiệu quả không, chị lấy ý kiến đánh giá thường xuyên của học viên, làm phiếu kín sau mỗi giờ học. Theo chị Mai, nhiều học viên đánh giá cao các hoạt động đa dạng của chị. "Cô Mai rất vui vẻ. Bài học được thiết kế cụ thể và dễ theo dõi. Tôi được truyền cảm hứng và luôn mong đợi giờ học của cô ấy vì không khí lớp học khiến tôi cảm thấy dễ chịu, an toàn và được khích lệ", chị Mai dẫn ý kiến của một học viên.

Trong khi luôn có các hoạt động thú vị, chị Mai cũng đặt ra cho sinh viên nhiều nhiệm vụ. "Trong văn hóa Việt Nam, bạn chỉ có thể trở thành một giáo viên giỏi nếu bạn làm việc chăm chỉ. Và nếu học sinh của bạn chăm chỉ, bạn là một giáo viên thành công. Tinh thần làm việc chăm chỉ luôn có trong gen của tôi", chị Mai chia sẻ. Chị cho biết ban đầu nhiều sinh viên sốc khi chị yêu cầu họ dành 13,5 giờ mỗi tuần cho môn học, trong đó có hai giờ hội thảo, 11 giờ để đọc, viết và tương tác.

Cho rằng dạy ngôn ngữ không chỉ là một nghệ thuật mà còn là một khoa học, tham vọng của chị Mai không chỉ là "chạm" vào cuộc sống của các sinh viên đến từ nhiều nơi trên thế giới, giúp họ được cấp bằng mà còn giúp họ tự học và tự nghiên cứu. "Nhiều sinh viên của tôi rất tò mò về việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy ngôn ngữ. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, dạy học kết hợp, ứng dụng trò chơi hóa việc dạy ngôn ngữ và cũng như số hóa các tài liệu", nữ giảng viên nói.

Hơn một năm qua, chị Mai đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy qua nhiều hội thảo hay các cuộc trò chuyện trực tuyến. Chị xem đây cũng là cơ hội phát triển bản thân và chuyên môn. "Tôi cho đi nhưng cũng nhận lại nhiều tình cảm yêu mến của hàng nghìn giáo viên người Việt trong và ngoài nước", chị Mai cho biết.

Sắp tới, chị sẽ có hai tháng trau dồi chuyên môn sư phạm và năng lực nghiên cứu tại Đại học Oxford, Anh, sau khi giành một học bổng của ngôi trường danh tiếng này.

(Nguồn: Vnexpress)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Giữ hồn Tết ở trời Tây; San Jose ít nhộn nhịp; Mừng Tết ở Cali; Đưa thư pháp đến Úc; Kỳ vọng ở Nhật ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang