Người Việt hải ngoại: Đón Tết xa nhà; Giúp nhau giữa bão tuyết; Không dám ra đường ở TQ

DU HỌC SINH MỸ ĐÓN TẾT XA NHÀ LẦN THỨ 5

(Ảnh minh hoạ).

Ở lại Mỹ đón Tết 2020 do dịch Covid-19 ở trải nghiệm khó quên, nhiều cảm xúc.

Tết 2020 là một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời vì tôi phải ở lại Mỹ đón năm mới trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng. Năm ấy, tôi là sinh viên năm 3 Đại học Seattle, Washington D.C. Tình hình lúc này ở Mỹ đang dần ổn định lại sau những diễn biến chính trị căng thẳng và đại dịch Covid-19. Bang tôi sinh sống vẫn còn những lệnh cấm, hạn chế tụ tập do sự ảnh hưởng của Covid-19. Mọi người vẫn được lệnh hạn chế đi lại, chỉ làm và di chuyển khi có những việc cần thiết.

Tuy nhiên, lúc đó, tại một số thành phố lớn vẫn có những cuộc biểu tình nổ ra, điển hình là cuộc biểu tình, tấn công vào toà nhà Quốc Hội Mỹ khiến nhiều người lo lắng sẽ có nhiều cuộc biểu tình tiếp theo nổ ra sau lễ nhận chức của Tổng thống Joe Biden. Thủ đô Washington luôn nâng cao cảnh giác cho những cuộc biểu tình này.

Trong khi đó, tình hình vận chuyển hàng hoá giữa hai đầu Việt Nam và Mỹ vẫn diễn ra khá tấp lập và thuận lợi. Do đã là năm thứ 5 đón Tết xa nhà nên tôi cũng khá quen với việc không đón Tết cổ truyền của dân tộc. Tiểu bang Washington cũng có số lượng người Việt khá đông đảo, xấp xỉ gần 75.000 người nên thực phẩm đặc trưng của Tết như bánh chưng, bánh tét, mứt... được bán rộng rãi tại các siêu thị của người Việt. Tôi không nhờ bố mẹ gửi đồ Tết sang cho mình vì giá cước gửi đồ sang Mỹ rất cao và hải quan Mỹ rất cẩn trọng trong việc nhận đồ từ nước khác vào, đặc biệt là thực phẩm.

Năm đó, các hoạt động hội nhóm du học sinh Việt Nam tại Mỹ không được tổ chức như mọi năm. Chị chủ nhà trọ của tôi là người Việt nên tôi đã cùng chị nấu những món đặc trưng trong dịp Tết của người Việt để có không khí khi xa nhà.

Xa nhà 5 cái Tết, tuy đã khá quen với cảnh không đón Tết nhưng lúc đó, tôi vẫn muốn được về Việt Nam đón năm mới cùng gia đình và người thân. Tôi rất nhớ gia đình và bạn bè, nhớ Việt Nam và đặc biệt là đồ ăn Việt. Đó là khoảng thời gian có chút buồn pha lẫn chút vui vì được trải nghiệm đón Tết tại Mỹ cùng những người đồng hương, bạn bè của tôi.

Năm nay được đón Tết ở quê hương, không gì vui hơn là được cùng mẹ sửa soạn mâm cỗ, cùng bố đi chợ chọn cây đào đón Tết.

(Nguồn: Sky Door)

NGƯỜI VIỆT Ở MỸ GIÚP NHAU GIỮA BÃO TUYẾT

Khi trận bão tuyết kinh hoàng tấn công thành phố Buffalo, bang New York, người Việt đã lập các hội nhóm Facebook để giúp nhau vượt qua khó khăn.

Hàng triệu người Mỹ phải chật vật chống chọi đợt bão tuyết Elliott càn quét khắp cả nước dịp Giáng sinh, khiến hệ thống điện và giao thông nhiều nơi tê liệt. Phạm vi ảnh hưởng của cơn bão gần như chưa từng có, trải dài từ Ngũ Đại Hồ gần Canada đến Rio Grande dọc biên giới với Mexico.

Thành phố Buffalo, bang New York, là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do bão tuyết Elliott, với gió mạnh và tuyết rơi dày gây tình trạng mất điện, làm tê liệt các nỗ lực ứng phó khẩn cấp.

Đối với nhiều người Việt sinh sống tại Buffalo, Giáng sinh trong bão tuyết năm nay là dịp "nhớ đời". Vũ Nguyễn, 47 tuổi, chủ nhà hàng Pho Latern ở Buffalo, cho biết mọi hoạt động đều đình trệ giữa bão tuyết, ảnh hưởng nặng đến các hộ kinh doanh.

"31 năm sống tại Mỹ, đến giờ tôi mới thấy bão tuyết lớn vậy. Lần đầu tiên nhà thờ ở đây không mở cửa đêm Giáng sinh và lễ chủ nhật hôm sau", anh nói với VnExpress.

Nguyễn Hữu Quang Minh, nhà sản xuất sáng tạo ở New York, kể rằng khi Elliott tràn tới, cơn mưa hóa thành bão tuyết trong chớp mắt, nhiệt độ đột ngột giảm sâu xuống -13 độ C chỉ trong vỏn vẹn hai tiếng, khiến nhiều người không kịp trở tay.

Thống đốc New York Kathy Hochul gọi Elliott là "cơn bão tàn khốc nhất trong lịch sử Buffalo". Sáng 25/12, đường phố chìm trong lớp tuyết dày đặc, có nơi tuyết phủ gần hai mét, chôn vùi nhiều phương tiện. Ít nhất 16 người trong thành phố đã thiệt mạng, một số thi thể được phát hiện trong những chiếc xe bị mắc kẹt hoặc bị tuyết chôn vùi. Trên toàn nước Mỹ, ít nhất 34 người thiệt mạng do bão tuyết.

Do đường sá tê lệt, các nhà thuốc đóng cửa vì bão tuyết, nhiều người cần các loại thuốc khẩn cấp như insulin phải lên tiếng cầu cứu. Khổng Trung, kỹ sư vi tính sống tại thành phố Buffalo, cho biết nhiều người Việt đã lập các hội nhóm kêu gọi hỗ trợ nhau trên Facebook.

"Nhiều người có sẵn thuốc đã sẵn sàng san sẻ cho những bệnh nhân cần hơn giữa tình cảnh khó khăn", anh Trung nói. "Nếu họ không thể di chuyển, những người có xe chạy tuyết chuyên dụng sẽ đến lấy và đem tới cho người cần".

Ly Uyên, vợ anh Trung, làm việc tại một bệnh viện ở Buffalo, cho hay chị vẫn chưa hết kinh hoàng khi chứng kiến cảnh ôtô chết máy la liệt trên đường khi tan ca một ngày sau đêm Giáng sinh.

"Hơn ba thập kỷ sống tại Buffalo, tôi chưa từng thấy khu chợ Wegman gần nhà đóng cửa quá một ngày, song nay đóng cửa tới 4 ngày do bão tuyết", chị Uyên nói. "Các trạm xăng mở cửa 24/24, nhưng nhà thuốc, chợ đều không có lối vào vì tuyết chất đống quá cao".

Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ ước tính khoảng 60% người dân nước này chịu ảnh hưởng từ bão Elliott. Trước đó, Poweroutage, dự án theo dõi tình trạng điện ở Mỹ, cho biết trong cùng một thời điểm hôm 24/12, gần 1,7 triệu người dân không có điện giữa cái lạnh cắt da cắt thịt.

"Trên các hội nhóm, nhiều người sẵn sàng chia sẻ mã khóa vào nhà, để những người mắc kẹt ngoài đường có thể vào trú tạm, đồng thời chỉ chỗ để thức ăn", anh Trung kể.

Gia đình anh Trung, chị Uyên trước đó đã đổ đầy xăng cho ôtô, máy xúc tuyết, máy phát điện, sạc sẵn pin cho các thiết bị điện tử, dự trữ thức ăn đủ vài ngày, nhưng vẫn bất ngờ trước sức mạnh của trận bão tuyết.

"Do mất điện, một số nhà phải bật bếp ga để sưởi, nhưng sợ thán khí nguy hiểm nên phải thay nhau thức canh chừng", chị Uyên nói. "Nhà tôi cũng phải lội qua tuyết ngập tới eo để thông ống thoát khí bên hông nhà, tránh hít ngược khí độc".

Anh Trung cho biết hàng xóm của hai vợ chồng là một cụ bà, thường ngày vẫn tự xúc tuyết, nhưng sáng nay do tuyết quá dày, những người xung quanh đã sang ủi tuyết giúp cụ. "Trời lạnh cắt da cắt thịt, nhưng tình người vẫn ấm áp và nồng nàn", anh nói.

Bão Elliott được dự báo sẽ suy yếu dần khi tiến chậm về phía đông nam Canada trong vài ngày tới. Tuy nhiên, khi không khí lạnh tiếp xúc với vùng nước ấm tại Ngũ Đại Hồ, hiện tượng bão tuyết vẫn có thể tiếp diễn.

Điện và hệ thống sưởi ấm đã dần được khôi phục trên khắp nước Mỹ. Poweroutage cho biết đến ngày 26/12, chỉ còn khoảng 100.000 khách hàng chưa có điện trở lại. Nhà cung cấp điện PJM Interconnection tuyên bố có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện của người dân, kể cả vào giờ cao điểm.

"Vợ chồng tôi đã trải qua nhiều trận bão tuyết trong đời, nhưng đây đúng là cơn bão 'một thế hệ có một lần'. Dù vậy, nước Mỹ đã xử lý bão tuyết rất tốt, nhịp sống vài ngày tới sẽ trở lại bình thường", chị Uyên bày tỏ tin tưởng.

(Nguồn: Vnexpress)

HAI NGƯỜI VIỆT Ở TRUNG QUỐC: 'BỎ PHONG TỎA NHƯNG TÔI KHÔNG DÁM RA ĐƯỜNG'

(Ảnh minh hoạ).

Trung Quốc đang vật lộn với sự lây lan dữ dội của virus sau khi các hạn chế được dỡ bỏ.

Bắc Kinh đã báo cáo khoảng 4.000 ca nhiễm mới mỗi ngày và vài trường hợp tử vong trong tuần trước.

Hôm 25/12, các nhà chức trách cho biết sẽ ngừng công bố số ca mắc Covid, nhưng công ty dữ liệu y tế Airfinity của Anh ước tính Trung Quốc đang có hơn một triệu ca bệnh và 5.000 ca tử vong mỗi ngày, theo Reuters.

Min, một người Việt sang Trung Quốc từ năm 2018, làm công việc bán vé máy bay và dịch vụ thị thực ở Giang Tô, Tô Châu nói với BBC cả nhà cô đã mắc Covid trong tháng này.

“Chồng tôi bị nhiễm vào ngày 20/12, rồi cách ly tại nhà nên khó tránh va chạm rồi cả nhà bốn người cũng nhiễm hết luôn”.

Min chia sẻ trong nhà may mắn không có ai bị nặng, chỉ bị ê ẩm người do sốt, gia đình cô cũng không trữ thuốc mà chỉ dùng một loại thuốc có công dụng giảm đau cho các triệu chứng như đau đầu, đau khớp, đau răng…

Còn về đồ ăn thì hiện tại đang là mùa đông nên gia đình Min trữ thức ăn trong vài ngày, và vì nhiễm Covid nên mất luôn cảm giác đói và thèm ăn nên không cần phải ra ngoài hơn một tuần nay.

Min cũng cho biết các lệnh phong toả đã được gỡ, cuộc sống không còn bị kiểm soát, đi lại tự do vào các siêu thị, chợ… cũng không còn phải trình kết quả xét nghiệm hay mã hành trình nữa.

“Nhưng đã được thoải mái đi lại nhưng đường xá vẫn rất vắng vẻ vì người ta sợ lây bệnh không dám ra đường, cách tốt nhất để bảo vệ bản thân là hạn chế ra đường”.

'Hạn chế ra ngoài để tránh nhiễm Covid'

Tương tự, Bích Ngọc ở Phúc Kiến cũng nói rằng tốt nhất là hạn chế ra đường mặc dù đã được tự do đi lại.

Giống như Min, Bích Ngọc sợ bị lây nhiễm, dù đã tiêm ba mũi vaccine.

“Bây giờ đi lại tự do nhưng không ai dám ra đường vui chơi. Giáng Sinh cũng vắng vẻ, hàng quán cũng ít người ăn”.

Trả lời phỏng vấn của BBC hôm 27/12, Bích Ngọc nói: “Tình hình chung thì Phúc Kiến đỡ hơn mấy tỉnh khác chẳng hạn như Quảng Châu, chợ và siêu thị buôn bán bình thường”.

Về thuốc trị Covid, Bích Ngọc chia sẻ thuốc trị Covid cũng có thể mua được nhưng “hên xui phải đi kiếm”.

“Kit xét nghiệm thì phải lên mạng đặt và đợi, hoặc có thể ra những địa điểm xét nghiệm để nhận có tính phí. Trước đây là miễn phí nhưng từ 20/12 thì phải trả 16 NDT/ bộ”.

“Nhiều người Việt mà tôi quen trên mạng bị nhiễm Covid, họ than sốt cao đau họng nhức mình rất nhiều. Nhưng phần lớn họ đều tự chữa bằng cách uống thuốc, nấu nước xông và chăm sóc tốt để vượt qua”.

TQ mở cửa, nhiều người Việt về Tết vì vé máy bay rẻ

Các quan chức cho biết Trung Quốc vừa cho biết sẽ hủy bỏ cách ly với khách du lịch từ ngày 8/1/2023, đánh dấu sự thay đổi lớn cuối cùng từ chính sách zero-Covid của chính quyền Tập Cận Bình.

Bích Ngọc cho biết cô và rất nhiều người Việt khác sẽ về Việt Nam nhân dịp này.

“Tôi sang Trung Quốc từ năm 2019 và cho đến nay chưa được về thăm nhà, năm nay vé rẻ và không còn bị cách ly nên thoải mái hơn một chút”.

Theo Bích Ngọc, vé máy bay từ Trung Quốc về Việt Nam năm nay rẻ hơn rất nhiều lần.

“Lúc trước phải tính bằng vạn (tương đương 35 triệu VND), nhưng năm nay vé chiều về chỉ còn 1000 NDT. Từ chỗ tôi Hạ Môn bay về TP.HCM chỉ tốn 1.000 NDT (tương đương 3,5 triệu VND), vé quay lại từ Việt Nam sang Trung Quốc thì đắt hơn”.

Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc bày tỏ lo ngại trên mạng về việc mở cửa biên giới khi các ca nhiễm Covid lên đến đỉnh.

"Tại sao chúng ta không thể đợi cho đến khi đợt dịch này qua đi mới mở cửa? Các nhân viên y tế đã quá mệt mỏi và người già sẽ không thể sống sót sau hai lần nhiễm bệnh trong một tháng", là một bình luận được yêu thích hàng đầu trên Weibo, theo BBC News.

Các nhà phân tích cho biết việc Trung Quốc thay đổi cách thức đối phó với đại dịch đã đặt ông Tập Cận Bình vào một tình thế khó khăn.

Ông Tập là động lực đằng sau chính sách Zero-Covid, điều mà nhiều người đổ lỗi là nguyên nhân kiềm hãm quá mức cuộc sống của người dân và làm tê liệt nền kinh tế.

(Nguồn: BBC)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Sống giữa bão tuyết; Giải bóng mừng xuân; Từ thiện ở Nga; Tranh tài bóng bàn; Đối phó khủng hoảng ở EU ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang