Người Việt hải ngoại: Đón Giáng sinh; Giải võ ở Algeria; Thiện nguyện ở Moskva; Sinh viên tại Lào; Nữ DHS bỏ rơi con

NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI RỘN RÀNG ĐÓN GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI 2023

(Ảnh minh hoạ).

Cộng đồng người Việt ở nhiều nước trên thế giới đã chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt về không khí Giáng sinh và Năm mới 2023 đang tràn ngập khắp mọi nơi. Sau 2 năm Covid, năm nay nhiều người trông đợi Giáng sinh để đoàn tụ và vui chơi, dù họ có ảnh hưởng bởi các biến động kinh tế xã hội.

Chị Phan Tiểu Vân, đã định cư ở Mỹ 25 năm và hiện sinh sống tại thành phố San Jose - trung tâm của Thung lũng Silicon (thung lũng điện tử) cho biết, theo phong tục ở Mỹ, dịp Giáng Sinh và Năm mới Dương lịch là thời điểm gia đình đoàn tụ. Con trai chị đi học đại học ở xa cũng sẽ trở về. San Jose là một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ và mật độ người Mỹ gốc Việt ở đây cũng khá đông.

Sau 2 năm dịch bệnh, mọi sinh hoạt giờ đây đã trở lại bình thường, mọi người đã đi du lịch nhiều hơn vào dịp lễ. Riêng gia đình chị không đi đâu xa, chỉ định đi chơi vòng quanh California bằng ôtô vài ngày.

"Năm nay dù vật giá có leo thang nhưng không khí chuẩn bị đón Giáng sinh và Năm mới vẫn rộn ràng, mọi thương hiệu đều cố gắng khuyến mãi để thu hút khách. Chị thấy trung tâm thương mại cũng như các phố mua sắm đều đông đúc, náo nhiệt. Theo chị, dù thu nhập có bị ảnh hưởng thì mọi người vẫn sắm sửa cho lễ Giáng sinh và Năm mới được đầy đủ. Trong nhà vẫn có cây thông trang trí Giáng sinh. Mỹ cũng có hệ thống tín dụng tốt, mua một đôi giày cũng trả góp được. Vì thế, miễn là có kế hoạch chi tiêu hợp lý thì vẫn tổ chức được mùa lễ đầy đủ, ấm cúng", chị Phan Tiểu Vân cho hay.

Bạn Mạnh Hùng, 28 tuổi, đang ở thành phố Fukouka, tỉnh Fukuoka, phía Nam Nhật Bản cho biết, không khí Giáng sinh và Năm mới tràn ngập khắp mọi ngõ ngách của Fukouka. Các sự kiện chào đón Giáng sinh và Năm mới ở đây đã được khởi động từ đầu tháng 12 và diễn ra xuyên suốt cả tháng.

Tết Dương lịch (1/1/2023) là ngày lễ chính ở Nhật Bản. Chính quyền địa phương, các cửa hàng và người dân ở đây đã trang trí và lên kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện liên quan, đặc biệt là sự kiện thắp đèn ở nhà ga Hakata. Nơi đây được xem là biểu tượng của Fukouka, Mạnh Hùng chia sẻ.

"Hiện tại, các ca mắc Covid-19 mỗi ngày vẫn luôn ở mức cao nhưng không còn là vấn đề nữa. Đường phố và các trung tâm thương mại vẫn đông đúc, tấp nập, đặc biệt là trong lễ Giáng sinh. Mọi người đều thích ra ngoài để tận hưởng không khí của dịp lễ này sau 2 năm Covid-19 bị hạn chế tụ tập", Mạnh Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Hùng, cũng giống như tình hình chung của thế giới, nền kinh tế Nhật Bản đang đối mặt với suy thoái. Giá cả các mặt hàng thiết yếu đã tăng từ 14% trở lên trong năm 2022 nhưng mức lương trung bình ở Nhật Bản vẫn "dậm chân tại chỗ". Vì thế, năm nay, nhiều người Nhật đã thắt chặt chi tiêu.

"Các đơn đặt hàng phục vụ cho Giáng sinh như bánh kem, gà quay... giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 47% so với năm ngoái. Tại hệ thống siêu thị mình làm việc, các mặt hàng phục vụ cho Giáng sinh giảm 65% so với năm ngoái. Dường như người Nhật đang cố gắng tiết kiệm trong dịp lễ Giáng sinh", Mạnh Hùng cho biết.

Trong khi đó, chị Trần Thanh Thư, hiện đang sinh sống ở Adelaide, Nam Úc cho biết, Giáng sinh năm nay, gia đình chị hẹn một số người bạn đi ăn và đi ngắm đèn trang trí Noel ở một số phố hoặc làng Giáng sinh nổi tiếng.

Hiện vật giá ở Úc thứ gì cũng tăng, nhưng may mắn lương cũng tăng ít nhiều nên cuộc sống nhìn chung vẫn ổn.

Chị Dương Quyên, ở Paris, Pháp cho biết, thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn những năm trước, nên thay vì tổ chức đón Giáng sinh, Năm mới bên họ hàng, người thân, gia đình chị sẽ chỉ vui lễ ở nhà, ăn bữa cơm đầm ấm, quây quần bên nhau.

Cảm giác năm nay Giáng sinh khá ảm đạm, các cửa hàng lớn và trong trung tâm thương mại vẫn trang hoàng rất lộng lẫy, nhưng các cửa hàng nhỏ lẻ thì ít trang trí hơn.

"Người dân đi mua sắm cũng ít hơn những năm trước. Việc làm ăn trong các cửa hàng cũng có vẻ không được khả quan như trước", chị Quyên nói.

(Nguồn: Dân Việt)

KHAI MẠC GIẢI KỸ THUẬT VÕ CỔ TRUYỀN HỮU NGHỊ ALGERIA-VIỆT NAM

Ngày 23/12, Giải Võ Việt Nam toàn quốc lần thứ hai của Algeria đã chính thức khai mạc tại nhà thi đấu Loucif Hamani thuộc sân vận động 1/11 ở Tizi-Ouzou.

Giải đấu năm nay mang tên “Giải kỹ thuật võ cổ truyền hữu nghị Algeria-Việt Nam”.

Theo Liên đoàn Võ Việt Nam của Algeria, giải đấu quy tụ hàng trăm võ sinh đến từ 16 tỉnh thành trên cả nước nhằm lựa chọn những vận động viên tiêu biểu nhất tham gia chinh chiến tại các cuộc thi quốc tế trong thời gian tới.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Algeria Nguyễn Thành Vinh hoan nghênh việc tổ chức giải đấu này, cho rằng đây là một trong những hoạt động góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đại sứ nhấn mạnh, phong trào tập luyện các môn võ cổ truyền của Việt Nam tại Algeria là một điểm nhấn trong quan hệ song phương, đồng thời kêu gọi hai nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa và thể thao.

Về phần mình, Chủ tịch Liên đoàn Võ Việt Nam của Algeria, võ sư Rabie Ait Medjber, nhắc lại mối quan hệ truyền thống trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước và bày tỏ cảm kích trước việc được Đại sứ Nguyễn Thành Vinh đến cổ vũ giải đấu.

Trước đó, từ ngày 17-19/2, Giải Vô địch quốc gia kỹ thuật võ cổ truyền Việt Nam (Vo Vietnam) tại Algeria - nhánh Sơn Long Quyền Thuật đã diễn ra tại nhà thi đấu Hadjout (tỉnh Tipaza) với sự tham dự của các võ sinh đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

(Nguồn: VTV4)

NGƯỜI VIỆT LAN TỎA TẤM LÒNG NHÂN ÁI Ở THỦ ĐÔ MOSKVA TRƯỚC THỀM NĂM MỚI

(Ảnh minh hoạ).

Ngày 23/12, nhóm thiện nguyện của người Việt Nam ở Moskva cùng một số sinh viên đang học tập ở thủ đô nước Nga đã tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ kết hợp với liên hoan, tặng quà cho trường trẻ em mồ côi và khuyết tật nội trú Trung tâm “Ngôi nhà Chúng ta”.

Đã 7 năm nay, người Việt Nam tại Nga năm nào cũng tổ chức quyên góp để tặng đồ, quần áo cho Trung tâm “Ngôi nhà Chúng ta”. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, người Việt Nam tham gia chương trình liên hoan văn nghệ lớn thường niên trước thềm năm mới của nhà trường phục vụ trẻ em mồ côi và khuyết tật.

Trong chương trình văn nghệ, nhóm thiện nguyện đã thể hiện nhiều tiết mục thú vị, như bài hát của thiếu nhi Nga, bài hát thiếu nhi thời Liên Xô, các bài hát tiếng Anh về Giáng sinh và năm mới, biểu diễn múa rối, huấn luyện các em cùng tham gia biêu diễn múa rối, cũng như tiết mục múa lân đặc sắc. Các tiết mục đều được các em nhỏ hưởng ứng, hào hứng tham gia và vỗ tay tán thưởng.

Giám đốc “Ngôi nhà Chúng ta”, ông Vadim Menshov cho biết những sự kiện như thế này đã trở thành truyền thống hàng năm của Trung tâm. Cộng đồng người Việt Nam ở Moskva cũng đã nhiều năm nay đến thăm và tặng quà cho Trung tâm, song điều quan trọng đó là “sự giao tiếp giữa con người với con người, giữa các dân tộc, tình bạn. Ở chúng tôi nó được truyền từ năm này qua năm khác”.

Về phần mình, chị Bùi Thị Quyên, người tham gia tổ chức chính cho hoạt động thiện nguyện này cho biết mục tiêu của nhóm là muốn chuyển tải thông điệp về tình hữu nghị giữa người Việt Nam với người Nga cũng như thể hiện “một chút tấm lòng của người Việt Nam với quê hương thứ hai”.

Cháu Phan Hà Anh, sinh viên năm thứ nhất Đại học tổng hợp Hữu nghị giữa các dân tộc (RUDN), cho biết cháu cảm thấy rất vui bởi vì đây là lần đầu tiên cháu được hát cho các em nhỏ và cũng là lần đầu tiên cháu tham gia một hoạt động thiện nguyện ở Nga. “Cháu rất vui khi được các em hưởng ứng”.

Khuôn mặt rạng rỡ của những em nhỏ khuyết tật tại sự kiện chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự lan tỏa những tấm lòng nhân ái, những gì mà cộng đồng người Việt Nam để lại trong lòng người dân thủ đô Moskva.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

CẢM NHẬN ĐẦU TIÊN CỦA SINH VIÊN VIỆT TẠI LÀO

Lần đầu đặt chân đến đất nước Triệu Voi, mỗi sinh viên Việt Nam lại có cảm nhận khác nhau về đất nước, con người, văn hóa và ngôn ngữ Lào…

Vào những ngày cuối năm, đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào đã tổ chức đón các tân sinh viên Việt Nam sang du học theo diện học bổng Hiệp định hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với Bộ Giáo dục và Thể thao Lào.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã phê duyệt và gửi 22 sinh viên Việt Nam sang Lào du học, trong đó có bốn sinh viên chương trình bồi dưỡng ngôn ngữ Lào trong hai năm, ba học viên cao học trong ba năm và 15 sinh viên học hệ đại học trong năm năm.

Các sinh viên được Chính phủ Lào cấp học bổng bao gồm phí đào tạo và bố trí chỗ ở trong ký túc xá với chi phí áp dụng theo quy định của Chính phủ Lào đối với du học sinh học bổng Hiệp định.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và bảo hiểm y tế theo chế độ hiện hành đối với du học sinh diện Hiệp định tại Lào.

Các du học sinh Việt Nam năm 2022 chủ yếu là các bạn trẻ mới tốt nghiệp trung học phổ thông, lần đầu tiên xa gia đình. Việc làm quen với cuộc sống mới tại nước ngoài chắc chắn không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu.

Nắm bắt được vấn đề đó, đoàn lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào chủ động tổ chức hỗ trợ, vui mừng khi mang lại bầu không khí thân thiện và hứng khởi cho những người bạn mới “chân ướt chân ráo” từ quê nhà đến Lào.

Sự hiện diện của các bạn trẻ đã tiếp thêm năng lượng, niềm tin của họ khi đi du học, đồng thời góp phần tích cực vào phát triển của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại đây.

Với sự hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nhiệt tình của các bạn lưu học sinh cũ, các tân sinh viên đã bước đầu ổn định chỗ ở, làm quen với nếp sinh hoạt mới và bắt đầu tiếp xúc, làm quen với ngôn ngữ Lào.

TG&VN có cuộc trò chuyện ghi lại những cảm nhận ban đầu của các tân sinh viên về đất nước, con người cũng như việc ổn định cuộc sống, sinh hoạt ban đầu và bắt đầu học tập tại Lào…

Nhớ nhà, mong sớm chinh phục ngôn ngữ Lào

Lần đầu tiên xa gia đình, Hà Mi có gặp nhiều khó khăn?

Đây là lần đầu tiên em xa gia đình đến làm quen một môi trường mới nên lúc đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ. Em bắt đầu phải chủ động trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày mà không còn sự hỗ trợ, giúp đỡ của bố mẹ.

Bên cạnh đó, em cũng chưa sử dụng được tiếng Lào trong giao tiếp nên việc mua sắm các đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập và mua đồ ăn cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị sinh viên khóa trên, em từng bước thích nghi được với môi trường mới và bước đầu ổn định cuộc sống.

Thời gian mới đặt chân đến Lào, phải xa gia đình, em có những cảm xúc thế nào?

Những ngày mới đến Lào, cảm xúc duy nhất của em là thấy nhớ gia đình. Điều đó khiến em luôn cảm thấy buồn và ít giao tiếp với mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, hàng ngày bố mẹ ở nhà đều gọi điện thoại động viên em cố gắng hòa nhập với môi trường mới để chuẩn bị sẵn sàng cho nhiệm vụ học tập sắp tới.

Đồng thời, các bạn bè cùng khóa và anh chị sinh viên khóa trên cũng chủ động trò chuyện, tâm sự, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập tại Lào. Nhờ thế, chỉ vài ngày sau khi đến Lào, em đã lấy lại được tâm trạng và hòa đồng hơn với mọi người xung quanh.

Bước đầu tiếp xúc với ngôn ngữ Lào, em có cảm nhận gì?

Chữ Lào là một hệ chữ mới lạ hoàn toàn so với những ngôn ngữ em từng học như tiếng Việt, tiếng Anh. Vì vậy, bước đầu em cảm thấy khó khăn trong việc nhớ bảng chữ cái và ghép chữ thành từ.

Bên cạnh đó, hiện tại cách phát âm tiếng Lào của em cũng chưa chuẩn lắm. Vì vậy, thời gian tới em sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể đạt kết quả tốt trong học tập.

Các bạn Lào rất chân thành

Chào Đại, em có thể chia sẻ về cuộc sống sinh viên tại Lào mà em vừa trải nghiệm?

Em là người khá tự lập. Từ nhỏ đến khi học hết Trung học phổ thông, em đã có nhiều dịp xa gia đình. Đặc biệt, từ năm 2021 - 2022 em đã xa nhà học đại học tại Việt Nam.

Vì vậy, khi sang Lào du học em có thể hòa nhập và làm quen ngay với môi trường mới và có thể tự chăm sóc bản thân. Đồng thời, em cũng có người thân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô Vientiane nên có điều kiện được tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài xã hội và gặp gỡ những người bạn Lào.

Em đã có điều kiện tiếp xúc với những người bạn Lào. Vậy em có cảm nhận gì về con người Lào?

Qua tiếp xúc, em cảm thấy các bạn Lào rất chân thành, thật thà và yêu quý Việt Nam. Họ sẵn sàng giúp đỡ người Việt Nam một cách vô tư, nhiệt tình. Đấy là một minh chứng cho truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Với em, ngôn ngữ Lào có phải là trở ngại?

Em có người thân đang sinh sống và làm việc bên Lào nên cũng có điều kiện tiếp cận với ngôn ngữ Lào trước khi sang đây học tập.

Thời gian đầu mới bắt đầu học, em cảm thấy bảng chữ cái Lào rất khó nhớ, khó đọc.

Tuy nhiên, hiện tại em đã quen với chữ Lào và có thể sử dụng một số câu trong giao tiếp với các bạn Lào. Theo em thấy, ngôn ngữ Lào có nhiều nét tương đồng về ngữ pháp với tiếng Việt nên việc học tiếng Lào có nhiều thuận lợi hơn các ngôn ngữ khác.

Ấn tượng với tình đoàn kết của cộng đồng lưu học sinh

Sau thời gian ổn định chỗ ở và sinh hoạt tại ký túc xá, Thái đã dành thời gian đi tham quan các điểm du lịch tại thủ đô Vientiane chưa?

Em cũng được các anh sinh viên khóa trên đưa đi thăm một số điểm tại thủ đô Vientiane. Em cảm thấy các địa điểm tham quan tại thủ đô đẹp và đặc trưng văn hóa truyền thống của đất nước Lào.

Em có cảm nhận gì về cuộc sống của sinh viên trong ký túc xá?

Em thấy lưu học sinh Việt Nam tại Đại học quốc gia Lào rất đoàn kết và nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau. Khi chúng em mới sang, các anh chị sinh viên khóa trên đã hỗ trợ chúng em ổn định cuộc sống, sinh hoạt bước đầu.

Đoàn lưu học sinh Việt Nam cũng cử những sinh viên giỏi tiếng Lào hướng dẫn chúng em bước đầu làm quen với bảng chữ cái, các quy tắc ngữ pháp… Nhờ thế, chúng em có những kiến thức nhất định trước khi chính thức bắt đầu vào chương trình năm dự bị tiếng.

Không những thế, đoàn lưu học sinh cũng tạo điều kiện cho các sinh viên mới tham gia các tiết mục biểu diễn văn nghệ, qua đó giúp các sinh viên mới như chúng em hòa nhập nhanh hơn với tập thể.

(Nguồn: Việt Báo)

HÀN QUỐC: BẮT GIỮ NỮ DU HỌC SINH VIỆT BỎ CON DƯỚI TRỜI TUYẾT

(Ảnh minh hoạ).

Một nữ du học sinh đang bị cảnh sát điều tra vì cáo buộc bỏ rơi đứa con mới sinh trong thời tiết âm độ, theo Korea Herald.

Sở cảnh sát Jeonju Deokjin, tỉnh Jeollabuk-do, Tây Nam Hàn Quốc, hôm 21/12 thông tin về việc đang lên kế hoạch nộp đơn xin lệnh bắt giữ nữ nghi phạm có hành vi vi phạm Đạo luật phúc lợi trẻ em. Theo đạo luật này, bất kỳ người giám hộ nào bỏ rơi một đứa trẻ đều có thể bị phạt tới hai năm tù hoặc 3 triệu won (2.349 USD).

Theo thông tin, nghi phạm bị cáo buộc bỏ lại đứa con gái 4 ngày tuổi trước một nhà hàng ở Deokjin-gu, thành phố Jeonju, cách Seoul 200 km về phía nam, vào khoảng 20h10 tối 19/12. Đứa trẻ sau đó được chủ nhà hàng phát hiện và báo cáo với cảnh sát. Cơ quan chức năng cho hay, thời điểm đứa trẻ bị bỏ lại, nhiệt độ khu vực đang ở ngưỡng âm 1,8 độ C. Rất may mắn, do được phát hiện kịp thời nên sức khỏe đứa trẻ vẫn trong trình trạng ổn định. Nghi phạm bỏ rơi đứa trẻ bị bắt cùng ngày khi đang ở gần nơi sinh sống.

"Vào thời điểm trên, A. bắt taxi đến trước một nhà hàng ở khu vực, bỏ bé gái lại đó rồi ra về. Lúc này, Hàn Quốc đang đúng vào đợt lạnh giá, thời điểm đó nhiệt độ giảm xuống âm 1.8 độ C", cơ quan chức năng thông tin.

Chủ nhà hàng, người phát hiện đứa trẻ, cho biết, nữ nghi phạm từng làm việc tại đây khoảng 4 tháng trước khi sinh. Khi mang đứa trẻ đặt trước cửa nhà hàng, người này đem theo cả 2 túi đồ dùng của bé.

Theo cảnh sát, nghi phạm mang quốc tịch Việt Nam, 20 tuổi, là du học sinh trao đổi, đến Hàn Quốc học tập hồi đầu năm 2022. Tại cơ quan công an, nữ du học sinh này từ chối bình luận về cha đứa trẻ cũng như nhiều vấn đề liên quan khác và chỉ khẳng định bản thân "không có khả năng nuôi" nên mới vứt bỏ đứa trẻ như vậy.

(Nguồn: Kiến Thức)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Dấu ấn tại Singapore; Giáng sinh tại Bỉ; Đón lễ hội cuối năm ở New York; Đi chợ ở Mỹ ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang