Người Việt hải ngoại: Đại hội tại Séc; Tổng hội ở Lào; Giải võ ở Ý; Lo con cháu mất gốc tiếng Việt; Cuộc sống tị nạn

NHIỀU KỲ VỌNG TẠI ĐẠI HỘI CHI HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI CHOMUTOV (SÉC) NHIỆM KỲ 2022-2026

(Ảnh minh hoạ).

Nhận lời mời của Chi Hội người Việt Nam tại Chomutov, tối 10/12/2022, Đại sứ Thái Xuân Dũng cùng Ban Công tác cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc và Lãnh đạo Hội người Việt Nam tại CH Séc đã tham dự Đại hội Chi hội người Việt Nam tại Chomutov, nhiệm kỳ 2022-2026.

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ đánh giá cao các hoạt động của Hội người Việt Nam tại Chomutov nhiệm kỳ 2016-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lạm phát tăng cao… nhưng Hội đã cố gắng duy trì và phát triển các hoạt động cộng đồng truyền thống như tổ chức Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ.

Hội đã làm tốt công tác đối ngoại với việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới bạn bè sở tại thông qua các hoạt động như Lễ hội Hành tinh màu, Ngày phim Việt Nam tại Chomutov…; khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hội đã tích cực vận động cộng đồng may khẩu trang, mua các thiết bị y tế, ủng hộ kinh tế đối với chính quyền Chomutov, những việc làm này đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của chính quyền và người dân sở tại.

Với tinh thần luôn hướng về quê hương, đất nước, Chi Hội người Việt Nam tại Chomutov luôn là chi hội đi đầu trong việc hưởng ứng lời kêu gọi từ thiện của Hội người Việt tại Séc.

Đại sứ biểu dương và khẳng định các thành quả đạt được là do sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và tấm lòng hảo tâm của toàn thể bà con cộng đồng ta, của sự lãnh đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Chi Hội người Việt Nam tại Chomutov.

Đại sứ cũng mong muốn rằng, với việc bầu ra Ban Chấp hành mới, Chi Hội người Việt Nam tại Chomutov nhiệm kỳ 2022-2026 sẽ kế thừa và phát huy những thành quả, những giá trị tốt đẹp trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần giúp bà con ta hội nhập và phát triển bền vững ở nước sở tại, nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.

Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp và đã bầu ra 37 Ủy viên Ban Chấp hành, 03 Ủy viên Ban Kiểm tra, trong đó ông Phạm Thế Quang được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Chi hội người Việt Nam tại Chomutov nhiệm kỳ 2022-2026.

(Nguồn: Thời Đại)

TỔNG HỘI NGƯỜI VIỆT NAM TẠI LÀO BẦU BAN CHẤP HÀNH NHIỆM KỲ 2022-2026

Trong bầu không khí dân chủ và nghiêm túc, Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Tổng hội khoá III, nhiệm kỳ 2022-2026 gồm 23 người; bầu ông Phạm Văn Hùng làm Chủ tịch mới của Tổng hội người Việt Nam tại Lào.

Ngày 12/12, tại thủ đô Vientiane, trên tinh thần “Đoàn kết, dân chủ và nêu cao tinh thần trách nhiệm,” Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III và bầu ra Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2022-2026.

Tham dự có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; đại diện các Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc, Trung và Nam Lào; đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán; đại diện các chi hội người Việt Nam tại các tỉnh, thành trên cả nước Lào; đại diện lãnh đạo bộ, ngành có liên quan của Lào...

Đại hội diễn ra trong không khí hân hoan khi hai nước Việt Nam và Lào đang tổ chức hàng loạt hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào. Đây cũng là sự kiện hết sức có ý nghĩa đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Lào.

Đại hội đã thông qua Dự thảo điều lệ sửa đổi của Tổng hội, Nghị quyết của Đại hội, nghe báo cáo tổng kết của Tổng hội trong nhiệm kỳ thứ II (khóa 2015-2022) và đã đề ra phương hướng hoạt động của Tổng hội trong nhiệm kỳ tới, gồm tăng cường cải tiến các hoạt động của Ban chấp hành Tổng hội khoá mới cho phù hợp với tình hình mới, theo đà phát triển kinh tế-xã hội của Lào, cũng như sự phát triển trong hợp tác giữa hai nước Lào-Việt Nam, đúng với vai trò vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Lào; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo sát sao các hoạt động của tỉnh/thành hội theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng hội và Nghị quyết kế hoạch, chương trình công tác hằng quý, hằng năm của các tỉnh/thành hội.

Trong bầu không khí dân chủ và nghiêm túc, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Tổng hội khoá III, nhiệm kỳ 2022-2026 gồm 23 người; bầu ông Phạm Văn Hùng làm Chủ tịch mới của Tổng hội người Việt Nam tại Lào.

Phát biểu sau khi nhậm chức, ông Phạm Văn Hùng cam kết sẽ kế thừa những thành quả, kinh nghiệm quý báu của các thế hệ tiền nhiệm, cùng tập thể Ban Chấp hành Tổng hội khóa III đem hết khả năng, trí tuệ và tâm huyết, bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Tổng hội, thực hiện các phương hướng trọng tâm đã đề ra nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ bà con trong cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong làm ăn sinh sống tại Lào.

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng chúc mừng thành công của Đại hội; khẳng định Đại hội đã bầu được Ban chấp hành mới với những người có tâm huyết, kết hợp được cả yếu tố mới và cũ, tạo điều kiện để đổi mới hơn nữa công tác cộng đồng.

Đại sứ cũng đánh giá cao những đóng góp của Ban chấp hành Tổng hội khóa II, cũng như thành tích của các chi hội và toàn thể bà con cộng đồng trong thời gian qua.

Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đề nghị Ban chấp hành mới khóa III cần đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động, tạo sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa Tổng hội với các tỉnh và thành hội, đoàn kết cùng nhau phát triển vững mạnh, xây dựng đất nước Lào phồn vinh và luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam.

Nhân dịp này, Đại sứ cũng chân thành cảm ơn Bộ Nội vụ và Mặt trận Lào Xây dựng đất nước và các cơ quan liên quan của Lào trong thời gian qua đã luôn hỗ trợ Tổng hội người Việt Nam tại Lào, cam kết Sứ quán sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Lào làm tốt hơn nữa vai trò quản lý nhà nước đối với Tổng hội người Việt Nam tại Lào; bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Lào sẽ tiếp tục tạo điều kiện để Tổng hội tập hợp bà con, góp phần xây dựng cộng đồng người Việt đoàn kết, đóng góp tốt hơn vào việc xây dựng đất nước Lào, chung tay gìn giữ quan hệ đặc biệt Lào-Việt và luôn hướng về Tổ quốc.

Được thành lập từ ngày 19/8/2009, trong những năm qua, Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã có nhiều cố gắng để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, không chỉ góp phần giúp cộng đồng người Việt Nam tại Lào ngày càng có vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Lào, mà còn giúp gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam anh em.

Đến nay, Tổng hội người Việt Nam tại Lào đã có 14 chi hội ở các tỉnh, thành phố trên khắp Lào.

(Nguồn: VTV4)

NHỮNG NGÀY HỘI CỦA VÕ THUẬT VIỆT NAM TẠI ITALY

(Ảnh minh hoạ).

Vừa qua, cộng đồng người Việt cùng những người bạn quốc tế yêu mến môn võ thuật Việt Nam đã có những ngày hội thực sự ở miền Bắc Italy.

Giải đấu International Vovinam Cup 2022 - Grandmaster Nguyễn Văn Chiếu đã được Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo thế giới tổ chức trong các ngày 10-11/12 tại thành phố Montichiari.

Sự kiện có 7 đoàn đại diện cho các hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo tại Italy, Pháp, Đức, Bỉ, Romania, Tây Ban Nha và Việt Nam, với gần 100 vận động viên, minh chứng cho sức sống, sự thuyết phục của Vovinam cũng như những giá trị truyền thống của văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Những màn thi đấu và biểu diễn đầy tinh thần thượng võ, hấp dẫn và sôi động khiến người tham dự như được chìm vào bầu không khí lễ hội.

Phát biểu tại giải đấu, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng hoan nghênh Liên đoàn Việt Võ Đạo thế giới đã có những nỗ lực to lớn trong việc tổ chức, quảng bá Võ thuật Việt Nam ra thế giới trong những năm qua và Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Italy đăng cai tổ chức sự kiện đặc biệt này.

Theo Đại sứ, võ thuật Việt Nam là niềm tự hào lịch sử của dân tộc, thể hiện tinh thần võ đạo, giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa, đó là lấy nhân nghĩa chống bất nhân, lấy nghĩa chống bất nghĩa và đang được lan tỏa khắp thế giới.

Đại sứ Dương Hải Hưng vui mừng khi thấy môn phái Vovinam phát triển mạnh sau 86 năm phát triển, trưởng thành, với hơn 2 triệu môn sinh tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Đại sứ Dương Hải Hưng cũng đã tham gia trao giải cho các vận động viên có thành tích cao.

Ông Luca Marzocchi, Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Italy, nói: “Có mặt tại Italy cách đây gần 30 năm, Vovinam thu hút người dân Italy, với các môn sinh trong độ tuổi từ 5 đến 60 tham gia tập luyện. Đây là một môn võ rất hoàn chỉnh, khác biệt các môn võ khác, đồng thời giàu tính biển diễn song không phức tạp.

Trong những năm gần đây, bất chấp quãng thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, chúng tôi đã cùng nỗ lực để đưa Vovinam đến với giới trẻ, đặc biệt là trong các trường học, thông qua các hoạt động xúc tiến, tổ chức biểu diễn".

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo Italy, thời gian tới, việc dạy và phát triển các trung tâm đào tạo Vovinam sẽ được mở rộng không chỉ ở khu vực miền Bắc Italy, nơi đã có số lượng lớn người tập, mà còn đến các vùng miền khác của đất nước.

"Hơn nữa, Việt Nam còn là đất nước đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây, với nền văn hóa rất cuốn hút. Do đó, thông qua tập luyện Vovinam, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về truyền thống văn hóa của Việt Nam sâu hơn", ông Luca Marzocchi chia sẻ.

Trong khi đó, ngày 11/12, Festival võ thuật cổ truyền tưởng niệm võ sư Lưu Văn Trọng của môn phái Bình Định Sa Long Cương, được tổ chức tại thị trấn Trementino, thành phố Novara, lại thu hút những người tham dự với các màn thi đấu song luyện, cả vũ trang và tay không, cùng với biểu diễn quyền, múa lân.

Sa Long Cương là một trong những môn phái võ cổ truyền của Việt Nam, được thành lập, phát triển từ năm 1964, dựa trên những bài võ Bình Định được lưu truyền từ thời vua Quang Trung.

Ngoài Việt Nam, môn phái Sa Long Cương được quảng bá, truyền dạy ở nhiều quốc gia, trong đó nổi bật là Italy, Canada, Pháp, Mỹ. Võ sư Lưu Văn Trọng là người có công lớn trong việc giới thiệu, quảng bá môn phái này tại Italy từ những năm 1990.

Phát biểu tại Festival, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh: "Sự kiện này là dịp để chúng ta nhìn lại quãng đường phát triển môn phái Sa Long Cương tại Italy cũng như tưởng nhớ vị trưởng môn đầu tiên tại Italy nhân dịp tròn 10 năm ngày mất của ông. Đây cũng là minh chứng rõ nhất cho sức sống, sự thuyết phục của môn phái Sa Long Cương cũng như của những giá trị tốt đẹp mà chúng ta cùng chia sẻ".

Đại sứ cũng cảm ơn sâu sắc đến tất cả những người tham dự Festival bởi tình yêu dành cho Việt Nam, bởi những nỗ lực học tập và quảng bá võ cổ truyền tại Italy, góp phần gìn giữ, bảo tồn sự tinh túy, hồn cốt, thần thái cao đẹp và cả sự uyên bác, oai hùng từ ngàn đời của võ cổ truyền Việt Nam.

(Nguồn: Báo Quốc Tế)

NGƯỜI VIỆT Ở BỈ LO CON CHÁU 'MẤT GỐC' TIẾNG VIỆT, THỦ TƯỚNG TẶNG MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT

Trước những trăn trở của người Việt đang sinh sống tại Bỉ về việc duy trì và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng, các thế hệ con cháu để giữ gìn tiếng mẹ đẻ, Thủ tướng đã tặng bà con một bộ sách tiếng Việt để phục vụ cho việc dạy và học.

Tối 13-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có buổi gặp cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Bỉ, EU.

Cuộc gặp diễn ra muộn hơn dự kiến do lịch trình làm việc dày đặc của Thủ tướng và cuộc gặp trước đó được kéo dài. Tuy vậy, vẫn có đông đảo kiều bào, bà con đang làm việc, sinh sống cùng các bạn du học sinh đến tham dự cuộc gặp mặt.

Ông Hoàng Công Mĩ, chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Bỉ, cho biết tổng hội ra đời đã làm nhiều việc cho bà con, như tổ chức các lễ thường niên, duy trì văn hóa qua tiếng Việt. Ông bày tỏ mong muốn Chính phủ hỗ trợ duy trì tiếng Việt.

Người Việt xa xứ trăn trở duy trì tiếng Việt

"Ông cha có câu tiếng Việt còn thì còn nước non. Nhưng ở đây bà con có con cháu đi học, khi về nhà có ít thời gian nên ít trao đổi bằng tiếng Việt. Chúng tôi sợ ngày nào đó không thể duy trì tiếng Việt dạy cho con cháu thì 1-2 thế hệ sau không còn ai nói tiếng Việt nữa" - ông Mĩ bày tỏ.

Với vai trò là chủ tịch mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu vừa được thành lập, anh Phạm Huy Hoàng cho hay nhiều chuyên gia trong mạng lưới rất tâm huyết được đóng góp cho đất nước. Tuy vậy, cần có khung pháp lý và thể chế để mạng lưới hoạt động hiệu quả hơn nhằm đóng góp cho các nước.

Còn theo bạn Nguyễn Tuấn Nghĩa - chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Bỉ, Chính phủ cần tăng cường hợp tác giáo dục và học tập ở châu Âu, tăng cường hợp tác trong nước và sinh viên nhiều nước khác. Đồng thời bày tỏ mong muốn của nhiều du học sinh là được tạo điều kiện tốt đóng góp cho đất nước sau khi trở về và làm việc ở khu vực công.

Ghi nhận tất cả những ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói người Việt ở nước ngoài đang phát triển và tạo dựng được vị trí, đi đâu cũng thành công. Ông kể lại khi gặp chủ tịch Thượng viện Hà Lan thì được "khoe" là nhiều người xung quanh đều có mối quan hệ với người Việt.

Theo Thủ tướng, đây là truyền thống và là tài sản vô giá qua nhiều thế hệ để lại, là sự tự hào của đất nước. Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng người Việt vẫn vươn lên khẳng định mình, quy định của Đảng, Nhà nước càng giúp kiều bào giải phóng tư tưởng để không còn định kiến là về hay ở lại. Đây là sự đột phá của chủ trương, giúp tạo sự đột phá cho người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thành công và khẳng định mình.

Về tình hình đất nước, Thủ tướng nói vai trò, vị thế của Việt Nam ngày càng nâng lên. Điều đó được dẫn chứng qua câu chuyện trước thềm Hội nghị Cấp cao kỷ niệm quan hệ 45 năm ASEAN - EU, đã có một số hội nghị bên lề và các sự kiện này, Việt Nam đều được mời phát biểu.

Theo Thủ tướng, điều này thể hiện sự tôn trọng khi vị thế của Việt Nam được nâng lên.

"Giải quyết khó khăn của bà con như công việc nhà mình"

Trong quan hệ Việt Nam với Bỉ, hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm với truyền thống tốt, quyết tâm nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới hơn. Còn trong mối quan hệ với EU, Việt Nam là đối tác quan trọng khi là nước duy nhất trong ASEAN ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam đi theo đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa, với quan điểm "không chọn bên mà chọn công lý lẽ phải". Điều này đã giúp ta vượt qua đại dịch, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng xuất nhập khẩu thuộc nhóm 20 nước có quy mô lớn, duy trì xuất siêu...

Với các vấn đề của bà con, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam giải quyết công việc của bà con như giải quyết công việc nhà mình, áp dụng chuyển đổi số để bà con không phải đi lại nhiều.

"Đại sứ quán cần có cảm xúc về khó khăn vất vả của bà con để giải quyết, coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời cộng đồng các dân tộc Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Cuối buổi, Thủ tướng đã trao tặng cho cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Bỉ và EU bộ sách tiếng Việt để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt.

Thủ tướng nói đã giao cho Bộ Ngoại giao và các bộ ngành liên quan xây dựng chính sách giúp người Việt ở nước ngoài được học tập tiếng Việt hiệu quả hơn để duy trì ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng bà con xa xứ.

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

NGƯỜI VIỆT RỜI UKRAINE BẬT KHÓC KỂ CUỘC SỐNG TỊ NẠN, MONG NGÓNG NGÀY VỀ

"Sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến buộc chúng tôi tạm rời xa Ukraine", anh Trần Thọ (30 tuổi) bật khóc xúc động chia sẻ với Dân trí. Anh vốn sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Kiev (Ukraine). Do ảnh hưởng của chiến sự giữa Nga và Ukraine, gia đình anh Thọ phải di tản sang Đức.

Hơn 9 tháng đã trôi qua nhưng với anh Thọ, hành trình ám ảnh, chạy loạn dưới bom đạn vẫn như mới hôm qua.

"Tôi buộc phải đến nơi tôi không biết bất cứ một điều gì"

Anh Thọ nhớ rõ, 6h sáng 24/2 - ngày đầu tiên Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, anh thấy khung cửa sổ trong nhà rung nhẹ. Anh chỉ nghĩ là gió mạnh hoặc một sự cố nào đó, cho đến khi kiểm tra tin nhắn mới biết rằng Nga nã pháo, không kích và đưa quân vào Ukraine, kiểm soát một sân bay cách trung tâm Kiev 25km.

"Tôi cảm thấy hoang mang, không biết nên làm gì và như thế nào", anh nhớ lại khung cảnh người và phương tiện chen chúc khắp đường phố để di tản, Kiev khi đó hiển thị đỏ rực trên bản đồ Google Maps.

Các cửa hàng và hiệu thuốc đông nghẹt người. Đồ ăn, nước uống, các loại nhu yếu phẩm cạn kiệt từ sớm. Lo lắng, mẹ anh đã dự trữ gạo và thực phẩm, dù chưa biết chiến tranh toàn diện có thể xảy ra.

"Khi đó, chúng tôi chưa có ý định di tản sang các quốc gia láng giềng. Tuần đầu tiên của cuộc chiến, mỗi lúc có báo động tấn công, chúng tôi trú ẩn bằng cách nằm ngoài hành lang", người đàn ông kể.

Những ngày đầu, thấy một số người bạn tham gia đoàn lính tự vệ của thành phố và lực lượng vũ trang, anh Thọ cũng mong muốn gia nhập hàng ngũ. Tuy nhiên, số lượng đăng ký quá lớn, hơn nữa anh không mang quốc tịch Ukraine, nên không thể ghi danh.

Trước tình hình chiến sự nghiêm trọng, giới chức Ukraine đã áp lệnh giới nghiêm, cấm người và phương tiện di chuyển ngoài khu dân cư từ 21h đến 7h hôm sau. Cứ như vậy, cho đến khi vài quả tên lửa rơi xuống khu vực gần nhà anh Thọ, một xe bọc thép của Nga tiến vào quận Obolon (cách nhà anh 8km), gia đình 6 người gồm bố mẹ, vợ chồng anh cùng 2 con nhỏ bàn bạc và quyết định di tản sang Ba Lan.

"Đúng lúc này, Nga có kế hoạch vây quanh Kiev nên một số cây cầu bị phá hủy khiến việc di tản trở nên khó khăn hơn, nhất là với gia đình đông thành viên như chúng tôi", anh Thọ cho hay.

Trước ngày họ rời đi, báo động đánh bom ngày càng nhiều. Mỗi lần như vậy, cả gia đình phải chui ra hành lang nằm, kể cả nửa đêm khi hai đứa trẻ đang ngủ cũng được bế đi tránh bom đạn.

"Sự ác liệt và dữ dội của cuộc chiến buộc chúng tôi tạm rời xa Ukraine", anh nói. Kế hoạch di tản bắt đầu được vạch ra, họ xác định sang đến Ba Lan rồi sẽ tính tiếp.

Anh Thọ gọi thêm một số gia đình bạn bè cùng di tản, ban đầu tính khoảng 4 ô tô. Nhưng sáng 28/2, do phát sinh thêm người, số lượng phương tiện tăng lên 13. Anh làm chủ đoàn, xuất phát từ Kiev hướng Uman rồi rẽ sang Vinnytsia.

Thông thường từ Kiev đến cửa khẩu Ba Lan chỉ mất khoảng 7 giờ đồng hồ, nhưng hành trình di tản của họ kéo dài 40 giờ, đi qua nhiều trạm kiểm tra và buộc phải đi đường vòng do cầu bị phá hủy.

Trên đường, họ dừng chân ở thành phố Vinnytsia. Tại đây, một người bạn của anh Thọ đã giúp đoàn xe tăng lên 20 chiếc, tìm điểm nghỉ ngơi, ăn tối và ngủ qua đêm tại một công ty của người Ukraine chuyên giúp đỡ người tị nạn.

"Điều tôi tiếc nuối nhất khi di tản là phải bỏ lại cuộc sống quen thuộc, bạn bè, ước mơ của mình ở Ukraine để sang một chân trời mới - nơi tôi không biết bất cứ một điều gì", anh tâm sự.

Sau hành trình kéo dài 4 ngày, cả đoàn từ Ba Lan đến Đức. Gia đình anh Thọ được cộng đồng người Việt giúp đỡ nhiệt tình, nhất là gia đình ông Vinh Dung tại chợ Đồng Xuân ở Berlin, người Việt tại thành phố Gießen.

Đầu tiên, anh đăng ký thông tin gia đình tại trung tâm điều phối, đợi được chuyển đến các thành phố có thể nhập trại tị nạn. Về sau, họ được chuyển xuống khu Gießen (thuộc bang Hessen, Đức), anh Thọ cho biết cảm giác như "bị nhốt trong trại giam".

10 ngày sau, trung tâm xã hội đã thuê giúp gia đình anh Thọ một căn hộ tại một vùng quê cách thành phố Frankfurt am Main 50km, nơi họ sinh sống đến hiện tại.

Cũng giống các trường hợp tị nạn khác, gia đình anh được nhận một khoản trợ cấp từ Chính phủ Đức. Người lớn tập trung học tiếng, bé trai 2 tuổi được gửi đến nhà trẻ, bé gái chưa đầy 1 tuổi ở nhà cùng ông bà, bố mẹ.

"Chúng tôi đang hòa nhập với cuộc sống mới, xác định tạm thời sinh sống tại Đức vì không biết đến khi nào chiến sự mới kết thúc", anh Thọ cho hay.

Trong khi anh Thọ duy trì công việc từng làm ở Ukraine, thì để kiếm thêm thu nhập, vợ anh học nghề làm nail. Theo anh, đa số người Việt di tản từ Ukraine sang Đức đều chọn nghề làm bếp hoặc làm nail, số ít người đã trở về Ukraine.

Ngoài rào cản ngôn ngữ, anh Thọ nhận thấy chi phí sống khá đắt đỏ tại Đức cũng là một trong số nhiều khó khăn. Hơn nữa, do khu vực anh sinh sống là vùng thôn quê nên hệ thống vận tải cũng không mấy thuận lợi.

Điều anh Thọ lo ngại nhất là chính sách y tế tại đây. Để được khám bệnh, họ phải có bảo hiểm. Nhưng khi đã được cấp bảo hiểm, họ chưa thể đi khám ngay, mà phải đặt lịch hẹn trước 2-3 tuần.

"Đương nhiên một số người di tản sang Đức coi đây là cơ hội đổi đời vì cuộc sống nhìn về khía cạnh kinh tế và giá trị con người đều hơn Ukraine. Nhưng tôi lại cảm thấy cuộc sống tại Đức không thoải mái", anh tâm sự.

Cuộc sống "3 không"

Cũng giống như gia đình anh Thọ, bà Lê Bích Hải (62 tuổi) là một trong số những người Việt buộc phải rời Ukraine di tản sang Đức tị nạn.

Vì không biết tiếng Đức nên mỗi lần đi đâu bà đặc biệt chú ý đến các bảng hướng dẫn ở ga tàu hay các điểm lên, xuống. Bà mở sẵn chức năng dịch trên Google, hỏi lại một vài người xung quanh về lộ trình để chắc chắn mình không bị lạc đường.

Bà Hải cho biết, từ tháng 9 trở lại đây, mỗi lần cần đi đâu xa bà thường cân nhắc thật kỹ lưỡng vì bản thân không còn được miễn phí hay hỗ trợ tiền vé như những ngày đầu sang Đức.

"3 tháng đầu vé đi lại được miễn phí, 3 tháng sau vé chỉ có 9 Euro/tháng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đó chúng tôi không đi đâu vì đang đợi giấy tờ. Từ tháng 9 vé bán trở lại giá cũ. Những người ăn trợ cấp, chi phí đi lại sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày nên tôi phải tiết kiệm để cân đối chi tiêu", bà Hải cho hay.

Bà Hải thường chỉ đi ra ngoài đôi ba lần một tháng khi cần tới thăm con gái lớn ở Berlin hoặc đi mua vài món đồ châu Á. Vé tàu thường được con gái mua cho qua ứng dụng trực tuyến.

Khoảng thời gian 9 tháng sống ở Đức, phần lớn thời gian, bà quanh quẩn trong căn hộ 3 phòng ngủ ở một thị trấn cách thủ đô Berlin chừng 60km.

Sang Ukraine lập nghiệp từ năm 1989, đến thời điểm nổ ra chiến sự, bà Hải đã có cơ nghiệp ổn định ở quốc gia này. Con gái lớn của bà đi thực tập ở một công ty thuộc Ba Lan trước khi chiến sự nổ ra nên may mắn tránh được cảnh chạy loạn.

Tháng 3/2022, bà Hải đưa con gái thứ hai đi tị nạn. Bà dự định sang Hà Lan nhưng rồi lại dừng chân ở nước Đức. Người chồng bám trụ lại Ukraine ít ngày nhưng thấy tình hình căng thẳng nên cũng buộc phải rời đi.

Gia đình 4 người sau đó đoàn tụ và được cấp một căn hộ 3 phòng ngủ. Nhớ lại ngày được cấp nhà vào tháng 5/2022, bà Hải vẫn chưa thôi nghẹn ngào: "Căn nhà bên trong trống trơn, duy chỉ có phòng tắm có vài thiết bị vệ sinh cơ bản. Bước vào căn nhà, tôi cảm giác vừa mừng, vừa lo, vừa buồn. Mừng vì sau bao nhiêu ngày chờ đợi, chúng tôi cũng được cấp nhà. Nhưng buồn, lo vì đã ở tuổi này rồi, tôi lại một lần tha hương, trong tay gần như chẳng có gì".

Căn nhà sau đó được trang bị các đồ dùng, tiện nghi cơ bản miễn phí. Bà Hải kể: "Ở Đức, mỗi căn nhà khi được bàn giao đều trong trạng thái trống trơn. Những người ở trước đó khi dọn đi đều phải chuyển hết đồ đạc và trả lại hiện trạng ban đầu. Chính vì vậy, có rất nhiều đồ đạc còn dùng được bị vứt ra đường. Thị trấn thường cho xe đi thu gom, tập hợp về một kho để lưu trữ lại, cấp phát cho những người dân tị nạn. Gia đình tôi đã đến đó lựa các vật dụng cơ bản như tủ, bàn ghế, giường, bếp nấu ăn… Đồ không mới nhưng vẫn dùng rất tốt".

Theo bà Hải, nhiều người Việt sau khi sang Đức đã lựa chọn đi làm nail, làm phục vụ hàng ăn cho các chủ người Việt hay cuốn sushi cho các siêu thị Đức. Con gái bà nhờ biết tiếng Anh nên đã tìm được một công việc ở Berlin. Chồng của bà Hải vì đã có tuổi nên chỉ nhận làm một công việc "mini", làm việc 2-3 tiếng một ngày.

Khoản tiền lương này cộng với hơn 1.000 Euro Chính phủ Đức trợ cấp cho 3 người (vợ chồng bà và con gái út) là nguồn sống của cả gia đình.

"Số tiền này đủ để gia đình tôi ăn uống. Cháu lớn có việc làm nên không được nhận trợ cấp. Cũng may nhờ có cháu lớn mà chúng tôi được hỗ trợ phần nào. Đôi khi cần đi đâu, tôi được cháu mua vé cho. Cháu cũng giúp bố mẹ giải quyết các thủ tục giấy tờ khi cần", bà Hải cho hay.

Bà Hải bảo mình không thể tham gia các lớp học tiếng Đức, cũng không thể đi làm phần vì đã có tuổi, phần vì phải chăm sóc con gái thứ hai. Đại dịch Covid-19 khiến con gái bà bị ảnh hưởng nặng về tâm lý, "cú sốc về cuộc chiến" khiến cho tình trạng của cô bé càng thêm phức tạp, thường có những hành vi chống đối. Vì vậy, mỗi ngày, bà Hải phải ở bên cạnh chăm sóc và canh chừng con.

"Không biết tiếng nên tôi chẳng thể nói chuyện cùng ai, đi ra ngoài cũng không hiểu người ta nói gì. Xe không có nên như cụt chân, chẳng thể đi đâu. Nói chung cuộc sống ở đây rất buồn", bà Hải thở dài kể về cuộc sống "3 không" những ngày tị nạn.

Xung quanh nơi bà Hải sống, ai cũng đi làm, những người đồng hương sang Đức cũng bận rộn mưu sinh. Có lần bà đến một cửa hàng của người Việt gần đó, nhưng người bạn mà bà quen cũng luôn tay luôn chân gần như chẳng có thời gian để tiếp chuyện. Các cửa hàng luôn làm việc suốt tuần, mỗi ngày mở từ 10h sáng đến 9-10h đêm.

Nhìn cuộc sống hối hả cứ ngày một trôi qua, lòng bà Hải nặng trĩu. Càng buồn hơn khi bà nghe tin khu chợ có cửa hàng của mình ở Ukraine bị bom đánh tan tành.

"Giờ thì có 1 cửa hàng cũng mất mà 10 cửa hàng cũng mất. Hơn nữa, chúng tôi rời đi lâu ngày, không đóng thuế thì nhà nước cũng sẽ thu lại", bà Hải chia sẻ.

Niềm an ủi lớn nhất với bà Hải trong những ngày tháng tị nạn là nhận được sự trợ giúp nhiệt tình của một số bạn bè cùng các nhân viên xã hội của Chính phủ Đức. "Những ngày đầu sang Đức, đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ. Khi cấp bách về chỗ ở, con gái tôi còn được cho ở khách sạn 5 sao miễn phí. Thực sự, chúng tôi rất biết ơn nước Đức đã hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi trong tình cảnh loạn lạc này".

Cũng như bao người, bà Hải đang từng ngày mong ngóng chiến sự kết thúc để quay trở lại Ukraine. Người phụ nữ 62 tuổi tâm sự: "Nếu cuộc chiến kéo dài thì tôi phải tính đến phương án về Việt Nam. Nhiều gia đình trẻ tị nạn sang Đức đang cố gắng học tập, hòa nhập vì nghĩ đến tương lai con cái. Nhưng tôi có tuổi rồi, con cái cũng đã lớn, nhu cầu cuộc sống đơn giản nên về nước cũng không phải là một lựa chọn khó khăn".

Về phần mình, anh Trần Thọ cho biết, mỗi ngày, anh đều cập nhật thông tin chiến tranh, gọi điện hỏi thăm bạn bè, biết được cuộc sống tại Ukraine đang rất bất tiện vì mất điện theo giờ, một số khu vực còn bị cắt nước. Dẫu vậy, rất nhiều người Ukraine đã trở về nhà sau thời gian di tản.

Anh cũng lo lắng và trăn trở khi bản thân được sống tại nơi an toàn và ấm no, thì nhiều người bạn đang ngoài mặt trận, chấp nhận hy sinh bất cứ lúc nào.

"Tôi ước giúp đỡ họ nhiều hơn, nhưng điều duy nhất tôi có thể làm là duy trì trang báo thông tin và ủng hộ các quỹ quyên góp cho Ukraine.

Tôi hy vọng Ukraine sớm giải phóng được lãnh thổ, để mọi người được trở về căn nhà thân yêu của mình", người đàn ông nghẹn ngào.

(Nguồn: Dân Trí)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Hội thảo khoa học tại HQ; Cuộc sống khi rời Ukraine; Đưa ẩm thực tới Israel; Giải quần vợt ở Nga ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang