Người Việt hải ngoại: Cuối năm nhìn lại; Mang Xuân đến Phi; Sắm Tết tại Bỉ; Diện áo dài đón Tết ở Thái; Đón xuân ở Bangladesh

CUỐI NĂM NHÌN LẠI NGƯỜI VIỆT

(Ảnh minh hoạ).

Một cuối tuần trong những ngày cuối năm, tôi nhận lời sang chơi với vợ chồng người bạn, vai em bên Florida. Đêm đầu tiên trò chuyện, bắt sang chuyện mùa lễ cuối năm, anh chồng đưa điện thoại chụp vài tấm ảnh tặng quà cuối năm cho các nhân viên của mình. Anh bảo, họ rất cảm động khi mỗi người đều nhận được những món quà giá trị khác nhau, tùy theo thâm niên. Vợ chồng anh có hai tiệm nails với khoảng trên dưới hai chục nhân viên.

Một anh bạn chung bàn tinh ý nhận ra điểm đặc biệt trong những tấm ảnh nên hỏi lại rằng, tại sao tiệm chỉ có thợ nước ngoài mà không phải thợ Việt, những người vốn chuyên nghiệp và chiếm áp đảo nghề nails.

Quả thật là không có bất cứ người thợ Việt nào khác. Thấy câu chuyện thú vị, tôi hỏi thêm vài cái được mất và sự khác biệt giữa những người thợ Cuba, vốn là cộng đồng thiểu số đông đúc nơi anh ở và những thợ Việt Nam.

Anh kể, thợ Cuba chân chất, vui vẻ, làm việc đoàn kết nâng đỡ nhau. Họ chẳng kèn cựa nhau và kèn cựa với chủ. Thợ mới vào làm là họ hướng dẫn, nhường khách cho người thợ mới. Họ làm được bao nhiêu tiền thì ký check trả bấy nhiêu, không kèo nài, đòi ăn chia tỉ lệ tiền mặt như thợ Việt khi xin việc.

– Còn cái mất? – Tôi hỏi.

– Họ làm không giỏi và nhanh như thợ Việt. Chắc ba thợ Cuba mới bằng hai thợ Việt. Họ không chịu làm nhiều giờ, chiều sáu giờ đã muốn về và muốn nghỉ cả cuối tuần hay Chủ Nhật, không ham làm như thợ Việt.

– Nếu vậy là chủ sẽ mất thu nhập phải không? Tại sao bạn chỉ mướn toàn thợ Cuba?

– Đỡ nhức đầu anh. Mình đối xử tốt tí thì họ làm việc trung thành, tận tụy với chủ, với tiệm. Còn thợ Việt là anh phải “deal” với vô số chuyện, đối xử cỡ nào họ cũng trở mặt dễ dàng. Nhức đầu lắm! Mà em chỉ muốn tiệm lúc nào cũng vui vẻ và kiếm vừa đủ.

Chuyện thợ nails Việt thì tôi nghe nhiều, biết nhiều. Có vài lần còn được nhờ xem giúp trát tòa, giấy tờ tranh chấp, kiện tụng giữa các thợ hay tiệm với nhau. Chủ tố thợ, thợ tố chủ. Nghe qua thấy ai cũng có cái lý của mình, chẳng biết ai đúng, sai. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng nhận thấy có điều gì đó sai sai từ cả đôi bên. Và biết rằng đó là công việc trong một môi trường phức tạp.

Nói chuyện, gặp gỡ với riêng từng người thợ trong nghề này, xem ra họ cũng thông thường như bất kỳ người Việt nào khác. Họ đi chùa, niệm Phật hay đến nhà thờ mỗi cuối tuần. Tâm tánh họ cũng tử tế, có thể trở thành bạn tốt của một hay nhiều người nào đó trong vòng giao tiếp của họ. Nhưng lấp ló, ẩn hiện lòng tham sân si, so đo, ích kỷ. Họ cũng tự ti lẫn tự tôn. Mà nói chung, há đó không phải là đặc tính chung của hầu hết con người, cứ gì nghề nails?

Vậy mà vào trong môi trường làm việc chung với những người Việt, họ trở thành một con người khác hẳn. Cái gì tiềm ẩn, tệ hại nhất trong người mình bộc lộ hết ra ngoài. Họ đốp chát, hung dữ với những người tương tự. Hay với kẻ tệ hơn. Như một bản năng sinh tồn. Nó tạo ra những câu chuyện có thực và cái nhìn không mấy hay ho về thế giới nails.

Mà công bằng thì nghề nails là nghề nghiệp chính đáng và chẳng có gì để xem nhẹ. Đôi khi chỉ vì một số người trong nghề mà tạo ra thành kiến cả với một cái nghề đã giúp cho cộng đồng người Việt có cơ ngơi, nuôi con ăn học như vậy.

Nói thật, nhiều khi tôi nghĩ thế giới nails cũng chỉ thể hiện tâm tánh cùng bản chất của không ít người Việt mà thôi. Cũng tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố có đủ. Cái tôi và sự ích kỷ, cao ngạo nằm sẵn trong mỗi người. Họ cũng chẳng phải là những người quá tệ, khi giao tiếp với người tốt, môi trường tốt thì họ lành tính hơn, ít bộc lộ chúng ra. Nhưng chỉ cần chen vào một đôi người xấu tánh thì nó kích động cả đám đông. Rốt cuộc, nhìn vào mỗi cá nhân thì chắc cũng chẳng đến nỗi nào, mà quần tụ lại với nhau là có chuyện.

Những ngày đầu năm, hay cuối năm Ta này, Toronto bên Canada đang dậy sóng. Nghe bảo những tổ chức cộng đồng người Việt ở đây đang cự cãi, dắt nhau ra tòa tranh tụng. Không có gì ngạc nhiên. Họ chỉ lặp lại điều đã từng xảy ra với vô số tổ chức đại diện cộng đồng người Việt tại nhiều thành phố có đông người Việt sinh sống mà thôi.

Những người thiện lương, tử tế thì cố sống tốt, sống đẹp nhưng phần nhiều lặng lẽ, khép kín. Người chao đảo thì lấy cái dở, sự dữ để tìm kiếm đồng minh, cứu cánh về cái xấu tiềm ẩn bên trong. Rốt lại, số người Việt thiện lương trở thành thiểu số, hiện ra bên ngoài là hình ảnh một cộng đồng, một dân tộc có nhiều điều đáng nói.

Bạn sẽ bảo sắc dân nào chẳng có chuyện tốt, xấu. Đúng vậy, nhưng cứ lấy điều này để bào chữa, tự bịt mắt trước những điều chưa được thì chúng ta cứ lẩn quẩn với nhau trong tình trạng chẳng khó khăn gì không nhận thấy.

Một cá nhân cũng dễ dàng chao đảo khi bị cái xấu bao quanh, tấn công và ngược lại, nếu một cộng đồng biết đoàn kết, hòa ái, tương trợ nhau thì mỗi cá nhân cũng có xu hướng sống tử tế hơn.

Cuối năm nhìn lại, chỉ với lòng mong ước người Việt, nước Việt sẽ tốt đẹp hơn. Bởi tôi còn tin là người Việt có đủ phẩm cách để trở thành một cộng đồng, một dân tộc tốt hơn những gì đang được phô bày.

Có thể điều này vượt quá tầm tay cùng trách nhiệm của mỗi cá nhân nhưng há không phải là vấn đề xã hội đáng suy ngẫm cho tất cả chúng ta hay sao?

(Nguồn: Bauxite Việt Nam)

MANG MÙA XUÂN ĐẾN VỚI KIỀU BÀO VIỆT SINH SỐNG, LÀM VIỆC TẠI ĐÔNG PHI

Kiều bào Việt Nam và các khách quý được thưởng thức không gian Tết truyền thống với tiểu cảnh ngày Xuân, cành đào, thưởng thức hương vị Tết cổ truyền với các món ăn truyền thống đặc trưng.

Trong không khí người dân trong và ngoài nước náo nức chào đón Tết Nguyên đán, cuối tuần qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania tổ chức chương trình Xuân Quê hương Quý Mão 2023 tại trụ sở của Đại sứ quán ở thành phố Dar es Salaam.

Đại sứ Việt Nam tại Tanzania, kiêm nhiệm Kenya, Ethiopia, Rwanda, Uganda, Comoros, Somalia và Burundi Nguyễn Nam Tiến và phu nhân đã chủ trì chương trình.

Tham dự chương trình có sự góp mặt của đông đảo bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Tanzania và các nước Đông Phi, cùng toàn thể cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán và thành viên gia đình.

Trong không khí thân tình và phấn khởi chào đón Năm mới cổ truyền, Đại sứ Nguyễn Nam Tiến đã điểm lại những thành tựu đáng tự hào của Việt Nam về ổn định chính trị, giữ vững an ninh, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đặc biệt là kết quả nổi bật của Việt Nam trong năm 2022 về phát triển kinh tế-xã hội.

Đại sứ nhấn mạnh chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, khẳng định Đại sứ quán là địa chỉ tin cậy, là ngôi nhà chung của các doanh nghiệp và bà con kiều bào ở sở tại và các nước kiêm nhiệm, là nơi các anh chị em và gia đình luôn có thể tìm đến để được giúp đỡ trong lúc khó khăn nơi đất khách quê người.

Đại sứ Nguyễn Nam Tiến khẳng định kiều bào Việt Nam tại Tanzania và các nước kiêm nhiệm Đông Phi là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc; thành công của bà con ở sở tại là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với Tanzania và các nước Đông Phi.

Trước thềm Năm mới Quý Mão, Đại sứ chúc cộng đồng ngày càng phát triển vững mạnh, luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, gắn bó, chúc toàn thể người Việt tại các nước Đông Phi an khang, thịnh vượng trong Năm mới 2023.

Thay mặt bà con người Việt sinh sống và làm việc tại Tanzania tham dự Xuân Quê hương 2023, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc công ty Halotel (Viettel Tanzania), cảm ơn Đại sứ quán đã luôn quan tâm và hỗ trợ kịp thời khi cộng đồng doanh nghiệp cần được giúp đỡ, bày tỏ phấn khởi được tham gia chương trình có ý nghĩa này vì đây là dịp để anh chị em lao động công ty Viettel Tanzania có dịp giao lưu, gặp gỡ cùng nhau hướng về quê hương trong dịp Tết truyền thống của người Việt hằng năm.

Tại sự kiện, bà con và các khách quý được thưởng thức không gian Tết truyền thống với tiểu cảnh ngày Xuân, cành đào. Dù xa nhà nhưng bà con vẫn được thưởng thức hương vị Tết cổ truyền với các món ăn truyền thống đặc trưng như bánh chưng, xôi gà, nem rán, canh măng… và tham dự chương trình văn nghệ do chính thành viên trong cộng đồng và các cháu nhỏ của Đại sứ quán biểu diễn.

(Nguồn: VTV4)

NGƯỜI VIỆT TẠI BỈ RỘN RÀNG SẮM TẾT

(Ảnh minh hoạ).

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt tại Bỉ lại nô nức chuẩn bị sắm Tết. Dù sống xa quê hương nhưng bà con vẫn cố gắng giữ truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong những ngày giáp Tết, các cửa hàng bán thực phẩm của người Việt luôn tấp nập khách, chủ yếu là bà con Việt kiều. Lựa chọn những chiếc bánh chưng vuông vắn được gói bằng lá dong, gói miến, cây giò lụa, lọ củ kiệu muối, chị Hồng Hà, người sống ở Brussels gần 30 năm nay, cho biết mọi năm, gia đình chị đều gói bánh chưng, nhưng năm nay do nhà đang sửa nên không gói được. Tuy nhiên, chị vẫn duy trì chuẩn bị mâm cơm tất niên truyền thống với bánh chưng xanh, bát miến, đĩa giò… để cả gia đình và một số bạn bè thân thiết quây quần.

Với bà Phan Thị Mai, 65 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Lạt, rồi sang định cư tại Bỉ từ năm 1988, ngày Tết cổ truyền dân tộc luôn vô cùng thiêng liêng trong gia đình bà. Bà kể rằng mẹ bà, một người phụ nữ quê Nam Định, đã dạy bà rất cẩn thận về nữ công, gia chánh cũng như phong tục ngày Tết nên dù có sống ở Bỉ nhưng bà vẫn giữ nguyên truyền thống gia đình như đã từng được mẹ dạy dỗ. Là bác sĩ gia đình nên bà vẫn có thời gian để đi chợ sắm Tết với gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng và không quên mấy cành hoa mai trắng. Truyền thống này được chị duy trì từ năm này qua năm khác. Mấy ngày giáp Tết, cả nhà cùng gói bánh chưng rồi luộc trên bếp củi trong 17 giờ để bánh mềm, dẻo và mang đúng hương vị Việt Nam. Bữa cơm tất niên trong gia đình chị có thêm món bún thang mà mẹ bà đã dạy. Đây là món mà cả gia đình ai cũng thích. Phút giao thừa, tất cả phụ nữ trong gia đình, già, trẻ, lớn, bé đều mặc áo ài truyền thống thắp hương tưởng nhớ ông bà, rồi lì xì cho mọi người. Phong tục ngày Tết này, bà Mai luôn gìn giữ để con cháu noi theo và luôn nhớ về nguồn cội là đất nước Việt Nam thân yêu.

Chị Đoàn Vinh, gốc Huế, đã sinh sống ở Bỉ được 51 năm, thường đồ xôi gấc và làm một số món ăn của Huế để các con và các cháu cùng đến chung vui trong những ngày Tết.

Một số gia đình các cựu du học sinh Việt Nam tại Bỉ như gia đình anh chị Nguyễn Thành Long - Trần Thanh Ngọc thì cùng bạn bè gói bánh chưng từ ngày 23 tháng Chạp. Các mẹ thì chuẩn bị gạo, thịt, đỗ. Các bố gánh việc xây bếp còn các con được giao nhiệm vụ rửa lá, lau lá, cắt lá trong không khí rộn ràng. Các con đều được tự tay gói mỗi người một chiếc bánh chưng. Dù còn lóng ngóng nhưng nhìn thành quả, ai cũng vui và cảm thấy vui và thêm yêu quê hương con Lạc, cháu Rồng.

Ngày Tết năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên các gia đình đều sắm sửa nhiều. Chị Mỹ Hạnh, chủ cửa hàng thực phẩm Tinie’s ở thủ đô Brussels, cho biết để phục vụ bà con, cửa hàng nhập nhiều loại hàng hóa Tết như lá dong, mứt, bánh tráng, miến, phở, mộc nhĩ, nấm hương, măng và các loại trái cây như xoài, mãng cầu… Và không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, giò, chả, nước mắm Phú Quốc. Theo chị Mỹ Hạnh, hàng Tết đều được đưa từ Pháp và Hà Lan sang thị trường Bỉ. Phở khô, bún khô, miến, bánh đa nem, đều là những mặt hàng bán rất chạy, chất lượng vượt trội hơn hẳn hàng Thái Lan.

Những tờ lịch cuối cùng của năm Nhâm Dần dần vơi hết. Thời khắc giao thừa sắp tới. Cùng với hơn 5,3 triệu kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới, bà con người Việt ở Bỉ đều cầu chúc một năm mới Quý Mão bình an cho tất cả mọi người.

(Nguồn: Báo Tin Tức)

NGHIÊN CỨU SINH VIỆT NAM XÚNG XÍNH ÁO DÀI ĐÓN TẾT Ở THÁI LAN

Người đưa ra ý tưởng mặc áo dài lên lớp học trước thềm năm mới này là Ths Lê Trường An, nghiên cứu sinh của Đại học Suranaree, Thái Lan.

Tại Việt Nam, tết Nguyên đán - Quý Mão 2023 đang đến rất gần. Mọi người đang hối hả chuẩn bị đón năm mới, về quê ăn Tết, sắm đồ mới, người trẻ thì chuẩn bị một bộ ảnh để mừng xuân trên các nền tảng mạng xã hội.

Ở một góc khác, tại Đại học Suranaree (Thái Lan), một nhóm nghiên cứu sinh Việt Nam, chuyên ngành ngôn ngữ Anh cũng xúng xính áo dài đến lớp, chia sẻ văn hóa Tết với thầy cô, bạn bè ở vài quốc gia khác đang học cùng.

Người đưa ra ý tưởng mặc áo dài lên lớp học trước thềm năm mới này là Ths Lê Trường An, nghiên cứu sinh của Đại học Suranaree.

Anh An tâm sự: “Năm nay tôi không sắp xếp được thời gian để ăn Tết cùng gia đình và người thân, người thương tại Việt Nam. Vậy nên tôi rủ bạn đồng hương cùng mặc áo dài đến lớp.

Tôi khá bất ngờ với phản ứng của thầy cô người Thái và các bạn cùng lớp với mình đến từ Thái Lan và Trung Quốc. Mọi người khen áo dài đẹp, rất trang trọng và quan tâm đến việc người Việt Nam thường mặc áo dài khi nào. Cô giáo và các bạn của tôi còn ngỏ ý muốn mua hộ áo dài khi tôi có dịp về Việt Nam”.

ThS Lê Trường An đã rất nhiệt tình giới thiệu về tà áo dài được cả nam và nữ ưa chuộng, đang được mặc thịnh hành trong dịp Tết, lễ quan trọng ở Việt Nam đến thầy cô, bạn đồng học.

Qua đó, GS.TS Adcharawan Buripakdi, Hiệu phó Đại học Suranaree tấm tắc khen chiếc áo dài Việt Nam giúp người mặc kín đáo, dễ thương hơn và nhìn trang trọng. Nghiên cứu sinh Intira Sakmiankaew thì cho rằng, mỗi quốc gia đều có quốc phục riêng và người trẻ là đối tượng giữ gìn bằng cách mặc nó trong đời sống hằng ngày hoặc các dịp đặc biệt, giao lưu quốc tế. Chị cho biết cũng rất thích trang phục truyền thống này của Việt Nam, đơn giản và sang trọng.

Còn với Ths An, mặc áo dài làm cho anh phần nào đỡ nhớ Tết Việt. "Nhưng trên hết tôi rất vui vì bản sắc văn hoá (cultural identity) của người Việt được nhận diện”, anh chia sẻ.

“Tôi cho rằng bên cạnh ngôn ngữ thì trang phục văn hoá dân tộc là đặc điểm riêng biệt mà chúng ta có thể gìn giữ và giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người của quốc gia mình trong thời đại giao thoa văn hoá mạnh mẽ hiện nay”, Ths Giáo dục Lê Trường An bày tỏ.

(Nguồn: Vietnamnet)

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI BANGLADESH HÒA CHUNG KHÔNG KHÍ ĐÓN XUÂN

(Ảnh minh hoạ).

Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh hứng khởi tham dự, xen lẫn niềm tự hào được giới thiệu với bạn bè Bangladesh và quốc tế về truyền thống đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc.

Hòa cùng không khí cả đất nước rộn ràng vào Xuân, chuẩn bị đón Năm mới Quý Mão, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh vừa tổ chức chương trình "Xuân Quê hương" - Tết Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh.

Tham dự vui Xuân, đón Tết cùng cộng đồng, có nhiều khách quý và bạn bè Bangladesh là nghị sỹ Quốc hội, lãnh đạo một số hiệp hội ngành nghề và doanh nhân gắn bó với thị trường Việt Nam; văn nghệ sỹ, trí thức, phóng viên báo chí, truyền hình Bangladesh và các vị nguyên Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam; cùng Đại sứ các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều Đại sứ, Cao ủy nước ngoài tại Dhaka.

Đặc biệt, trong số các vị khách quý có Chủ tịch và Tổng Thư ký Đảng Cộng sản Bangladesh; nghị sỹ và là Tổng Thư ký đảng Công nhân Bangladesh; và Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Đối ngoại đảng Liên đoàn Nhân dân cầm quyền.

Được cùng gia đình vui Xuân, đón Tết sau hơn hai năm với nhiều hạn chế và khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh hứng khởi tham dự, xen lẫn niềm tự hào được giới thiệu với bạn bè Bangladesh và quốc tế về truyền thống đón Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc.

Trong phát biểu chúc mừng Năm mới Quý Mão 2023 tới cộng đồng, các vị khách, bạn bè Bangladesh tham dự, Đại sứ Phạm Việt Chiến điểm lại một số thành tựu nổi bật của Việt Nam đạt được trong năm 2022 nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và chính sách đúng đắn, kịp thời của Nhà nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường, suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao.

Đại sứ cho biết trong năm 2022, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Bangladesh tiếp tục được củng cố và phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại. Trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, tiệm cận 1,5 tỷ USD và lần đầu tiên xuất khẩu của Bangladesh vào Việt Nam vượt mốc 100 triệu USD. Đại sứ cho rằng kết quả tích cực đạt được trong năm qua đã tạo đà đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước lên một tầm cao mới trong thời gian tới, với mốc Kỷ niệm Vàng - 50 năm Quan hệ ngoại giao Việt Nam và Bangladesh trong năm 2023.

Đại sứ Phạm Việt Chiến cảm ơn sự đồng hành, đóng góp của bà con cộng đồng; cảm ơn sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan, tổ chức, bạn bè Bangladesh, đã giúp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực trong năm qua; và bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và bạn bè tiếp tục dành sự ủng hộ và hỗ trợ để quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển; tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập vào đời sống xã hội Bangladesh, giúp Đại sứ quán hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Fazle Hossain Badsha, nghị sỹ, Chủ tịch Nhóm công tác về người bản địa Bangladesh, Ủy viên Ủy ban Quốc hội về chính quyền địa phương, đồng thời là Tổng Thư ký đảng Công nhân Bangladesh, bày tỏ ấn tượng về thành tựu Việt Nam đã đạt được trong năm 2022 và rất vui được đón Tết cổ truyền cùng cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, hiểu thêm về văn hóa đặc sắc, truyền thống dân tộc của người Việt Nam. Ông đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước và tin tưởng quan hệ hợp tác song phương sẽ đạt được những thành tựu mới trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Chị Trần Thiện Lê Vy, thành viên Ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, thay mặt cộng đồng phát biểu. Là người Việt Nam, chị cho biết cộng đồng luôn tự hào về truyền thống văn hóa của đất nước mình, luôn đoàn kết, hướng về quê hương đất nước, mong được đóng góp vào việc lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Không khí Tết Việt càng thêm đậm đà với những món ăn truyền thống đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, giò, nem, phở do cán bộ nhân viên Đại sứ quán với sự hỗ trợ của cộng đồng dày công chuẩn bị; các cháu nhỏ - thế hệ thứ hai của cộng đồng được Đại sứ và Phu nhân mừng tuổi theo phong tục và truyền thống đón Tết cổ truyền Việt Nam với lời chúc luôn là con ngoan, trò giỏi.

Góp vào không khí vui Xuân là tiết mục múa dân tộc đặc sắc Bangladesh do các nghệ sĩ nhà hát vũ kịch Turongomi biểu diễn. Đây là Nhà hát vũ kịch mà cô Pooja Sengupta làm Giám đốc nghệ thuật, người gần đây được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị.

Chương trình Xuân Quê hương không chỉ tạo nên bầu không khí ngày Tết đoàn viên đầm ấm trong cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, mà còn giới thiệu, lan tỏa truyền thống văn hóa Việt Nam đến bạn bè Bangladesh và quốc tế. Chương trình Xuân Quê hương-Tết Cộng đồng 2023 được nhiều báo và đài truyền hình Bangladesh đưa tin./.

(Nguồn: VietnamPlus)

(Xem thêm:

=> Người Việt hải ngoại: Xuân quê hương ở Hà Lan; Đi sắm Tết tại Mỹ; Tết sum vầy ở Nga; Dạy tiếng Việt cho trẻ ở nước ngoài ).

Về trang trước

Chủ đề:

Bình luận và đánh giá
Gửi nhận xét đánh giá

Việt Nam

Người Việt hải ngoại

EU

Thế giới

Lên đầu trang